Thơ Trần Văn Lương 


BIỂN, CÁ VÀ NGƯỜI

Dạo:

Cá xong rồi sẽ đến người,
Chỉ vì Cộng phỉ, biển khơi thành mồ.

*
Đứng sững nhìn rừng cá chết nằm phơi,
Lửa uất hận nung mắt người rát bỏng.
Dãy thuyền gỗ kẹt trên bờ lóng ngóng,
Đoàn ngư dân tuyệt vọng ngước nhìn trời.
Đã mấy chục năm rồi,
Biển đã biến thành nơi chứa xác.
Với chế độ bạo tàn độc ác,
Đến trùng dương cũng tan tác tả tơi.

Biển ngày xưa vốn là chốn vui chơi,
Nhưng từ buổi đổi đời đau thương đó,
Khi dân phải trốn chạy làn sóng đỏ,
Đã thành nơi máu lệ đổ tuôn dòng.
Tháng Tư đen, bao bất hạnh chất chồng,
Ách nô lệ đã tròng lên nước Việt.
Giặc Cộng giở trò trả thù khốc liệt,
Bao anh hùng gặp cái chết không may.
Vì tự do nên chấp nhận lưu đày,
Toàn dân Việt đêm ngày lo vượt biển.
Triệu người dấn thân vào nơi nguy biến,
Có mấy phần được đến bến bình an.
Nào biên phòng, nào hải tặc Thái lan,
Cái chết vẫn tham lam đeo từng bước.
Đem tính mạng trả treo cùng sóng nước,
Đáy biển đen chôn ước nguyện không thành.

Biển ngày nay vẫn đậm máu dân lành,
Dù súng đạn chiến tranh không còn nữa.
Đất nước khổ hơn cả thời khói lửa,
Dân mỏi mòn đợi mãi chữ tự do.
Sống phập phồng trong hốt hoảng âu lo,
Vì lũ Vẹm luôn bày trò đốn mạt.
Với Tàu Cộng, chúng khom lưng hèn nhát,
Nhưng hung hăng tàn ác với dân mình.
Những ngư dân, vì sinh kế gia đình,
Phải hứng chịu khổ hình trên sóng cả.
Thuyền bè Chệt, chúng gọi là “tàu lạ”,
Giết dân lành, giành cá, lấn biển khơi.
Chúng thông đồng rải chất độc khắp nơi,
Sau chim cá, đến con người bị diệt.
Của độc hại, ai ai mà chẳng biết,
Nhưng đói đành liều chết nuốt qua cơn.

Biển ngày mai rồi sẽ thảm thê hơn,
Khi dân Việt chịu thêm hờn mất nước,
Khi mảnh đất của tổ tiên ngày trước
Lọt vào tay bầy xâm lược Bắc phương.
Dân giờ đây đã đến lúc cùng đường,
Mất căn cước, quê hương cùng ngôn ngữ,
Mất luôn cả mấy ngàn năm lịch sử,
Trên đất nhà, làm lữ khách lưu vong.
Trong đau buồn, ngày ngày hướng biển Đông,
Thân nhiễm độc, ngóng trông giờ giải thoát,
Ôm bệnh hoạn, tật nguyền cùng đói khát,
Bất lực nhìn Tàu phá nát non sông.
Tự do không và tổ quốc cũng không,
Kẻ mất nước chợt đau lòng nhận thấy,
Đường giải thoát, sống chết gì cũng vậy,
Cuối cùng rồi chỉ còn đáy biển sâu.
Sau này ai có hỏi: – Nước anh đâu?
Kẻ sống sót đành cúi đầu lặng lẽ,
Thương khóc chốn xưa kia là quê mẹ,
Nay xót xa thành tỉnh lẻ của Tàu.
Nếu hỏi dồn : – Thế dân Việt anh đâu?
Sẽ được chỉ về biển sâu trước mặt,
Kèm theo tiếng trả lời trong nước mắt:
– Đấy là nơi người sẽ gặp dân tôi.

Đêm đen dài, bối rối giọt sương rơi,
Trên bãi cạn, bóng ma Hời thấp thoáng.
Trần Văn Lương

 

 

THƯ KHÔNG NIÊM GỬI BẠN

Gửi nhờ tập vé số trên tay,
Chống nạng đến đây để gặp mày.
Hụt hẫng thấy mày ngồi giữa quán,
Đang cùng bầy cán bộ vui say.

Không muốn bị mang tiếng quấy rầy,
Khi lòng đang thất vọng chua cay,
Nên đành mượn tạm vài trang giấy,
Viết bậy đôi câu gửi tới mày.

Mày hãy cùng tao nhớ lại ngày,
Cùng mày trong bóng tối chia tay,
Mày thề rằng nếu Trời cho thoát,
Mày ắt không quên mối hận này.

Từ đó, trong đau đớn dập vùi,
Bọn tao mòn mỏi đợi tin vui.
Ngờ đâu hạnh phúc lùi xa mãi,
Nghĩ đến quê hương lại ngậm ngùi.

Mày trở về chơi đã lắm lần,
Lúc thì viện cớ gặp người thân,
Lúc theo "từ thiện" tìm danh vọng,
Hí hửng vô tròng bọn ác nhân.

Hàng vạn hàng trăm các hội đoàn,
Tranh đua làm thiện thật gian nan.
Hân hoan vì chút hào quang giả,
Họ đã an nhiên giúp bạo tàn.

Mày cũng lần theo đóm múa may,
Hết quà lại cáp phát rền tay.
Tiền Tây, tiền Mỹ xài như rác,
Lầu các thi nhau mọc dẫy đầy.

Mày biết dân đây được những gì,
Khi đoàn cứu trợ đã ra đi?
Đất đai ngập lụt, nhà tan nát,
Ngơ ngác trên tay một gói mì!

Biết chăng vì những đứa như mày,
Sự thật quê nhà chẳng chịu hay,
Hãnh diện ta đây về "cứu viện",
Nên bầy quỷ đỏ hiện còn đây.

Mày có biết mày đã tiếp tay,
Nuôi dân cho chúng để rồi nay,
Chúng càng thêm có đầy phương tiện,
Để khiến dân ta mãi đọa đày.

Cả bầy chúng vẫn sống xa hoa,
Xuất ngoại đầu tư, sắm sửa nhà,
Con cái tiêu ra hàng bạc triệu,
Đồng tiền đó liệu lấy đâu ra?

Mày so với chúng được bao lăm,
Tỷ phú tiền Tây chúng cả trăm.
Của cải một thằng trong Bắc phủ,
Thừa nuôi dân sống đủ nhiều năm.

Phải chăng vì cật ấm cơm no,
Mày lại mơ màng chức vị to,
Nên mới trở cờ o bế giặc,
Qua sông ngoảnh mặt với con đò?

Tao xót xa nhìn lũ bạn thân,
Ngày xưa vượt biển lắm gian truân,
Nay khuân tiền bạc về quê cũ,
Góp sức nuôi bè lũ hại dân.

Bạn mình giờ lắm kẻ giàu sang,
Áo gấm xênh xang rộn xóm làng.
Có đứa vênh vang bằng cấp lớn,
Hùa theo lũ ngợm chống Cờ Vàng.

Có thằng may mắn lắm đồng ra,
Thơ thới về đây, bỏ vợ nhà.
Có đứa làm sui gia với giặc,
Ra ngoài trở mặt líu lo ca.

Thấy miệng mày thoa mỡ nói năng,
Lòng tao chua xót chợt hay rằng,
Xuống thuyền mấy đứa đêm hôm đó,
Giờ đã "vinh quy" đủ bấy thằng!

Tao tưởng bao năm ở nước ngoài,
Chúng mày phải biết rõ hơn ai,
Ngày ngày đọc thấy nhiều tin tức,
Sao lại vô tâm được thế này?

Lần cuối cho tao nói một lời:
Nếu còn người trở lại ăn chơi,
Đua đòi danh lợi, buôn "từ thiện",
Thì chớ mơ chi chuyện vá trời.

Nắng chiều cuốn xác lá trôi,
Bóng đôi nạng gỗ đơn côi ngược dòng.

Trần Văn Lương

 

http://www.haingoaiphiemdam.com

 

Đăng ngày 30 tháng 05.2016