Ô nhiễm môi trường:

một khía cạnh mới về nhân quyền ở VN

Mai Thanh Truyết

Cho đến ngày nay, nhân quyền được hiểu một cách rộng rãi là quyền của con người được sống trên hành tinh nầy. Đó là những quyền tự do căn bản đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới chấp thuận và đồng ý cũng như đã chọn ngày 10/12 làm Ngày Quốc tế Nhân quyền.
Đối với Việt Nam, trong hơn 100 Luật và Nghị định thư về nhân quyền, Việt Nam chỉ phê chuẩn thành luật một vài luật như luật về kỳ thị phụ nữ (17/2/1982), về quyền lao động của trẻ vị thành niện (19/12/2000). Một số quyền chỉ được Việt Nam thừa nhận (assession) như Quyền Quốc tế Công nhận (covenant) về Dân sự và Chính trị ngày 24/9/1982, và một số quyền linh tinh khác. Tuyệt đại đa số những quyền căn bản áp dụng thực sự cho người dân sống trong một quốc gia không được Việt Nam thừa nhận cũng như ký kết hay phê chuẩn thành luật.
Đó là những luật lệ về quyền sống của con người, về tự do căn bản, về quyền lập hội, nghị định thư về phòng ngừa tra tấn trong việc xử phạt v.v... Do đó, Việt Nam vẫn còn nhiều thiếu sót trong việc bảo đảm một đời sống “công bình” và “công chính” cho người dân.
Hiện tại, người dân Việt không được hưởng những quyền hạn như mọi người dân của các quốc gia trên thế giới được hưởng theo quy định của LHQ. Ngay những điều kiện để được sống “tử tế” của người “văn minh” mà LHQ không đề cập đến vì đã được xem là những điều kiện căn bản đương nhiên phải có, thì người dân Việt vẫn chưa có, và ngày càng xa tầm tay.
Đó là những quyền mà người dân cần phải đòi hỏi, cần thúc hối, vì nó là sinh tử cho cuộc sống hằng ngày và cho tương lai. Có như vậy mới đặt giới lãnh đạo Việt Nam trong thế bị động, không thể chấp vá mãi một ổn định giả tạo, một phồn vinh bề ngoài, mà hệ quả là môi trường cạn kiệt.
Đó là những điều thật sự căn bản điển hình được liệt kê sau đây:
1- Quyền được cung cấp nguồn nước sạch trong sinh hoạt;
2- Quyền được thở không khí trong lành;
3- Quyền được ăn uống hợp vệ sinh và thực phẩm được kiểm soát để tránh nhiễm độc;
4- Quyền được giáo dục và chỉ dẫn về khai thác nông nghiệp, xử dụng hóa chất và phân bón.

Những quyền hạn vừa kể trên, tuy không được ghi trong bảng Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền nhưng đây là một thực tế mà người Việt Nam đang cần phải tranh đấu để có được. Sở dĩ các quyền trên được nêu ra nơi đây vì sau 40 năm điều hành và quản lý toàn cõi Đất Nước để mong vực dậy nền kinh tế kiệt quệ, Việt Nam, qua các chính sách, kế hoạch đã thực hiện, đang làm cho Đất và Nước đứng trước nguy cơ tài nguyên cạn kiệt và môi trường xuống cấp tệ hại.
Và nguyên nhân vì sao người dân Việt cần phải có những quyền kể trên được đan cử ra đây:

1- Ảnh hưởng môi trường qua việc phá rừng
Trước chiến tranh thứ hai, diện tích rừng nguyên sinh của Việt Nam là 19 triệu mẫu chiếm 58% diện tích cả nước. Cho đến năm 1943 rừng chỉ còn lại 14,1 triệu mẫu (43%); và đến năm 1990 tình trạng càng tệ hại hơn nữa, diện tích rừng chỉ còn 9,1 triệu mẫu (27,7%). Theo báo cáo năm 2002 của Ngân hàng Thế giới (WB), kể từ năm 1999 trở đi, hàng năm mức độ đốn rừng để xẻ gỗ được ước tính là 2 triệu m3. Ngoài ra còn phải kể đến việc cháy rừng vào mùa khô và việc chuyển đổi rừng nhằm nuôi tôm như vùng rừng tràm, đước ở Cà Mau.
Về ĐBSCL, trong hiện tại chỉ còn 5% rừng che phủ và đã mất đi khoảng 175.000 mẫu rừng ngập mặn tính đến 2003. Rừng ngập mặn ở nơi nầy thể hiện nhiều lợi điểm sau đây:

  • Chống lại sự xói mòn của biển,
  • Hạn chế được sự nhiễm mặn vào sâu trong vùng đất liền,
  • Và nhất là bảo vệ được đa dạng sinh học cho toàn vùng. Kỹ nghệ nuôi tôm đã đánh mất đi các lợi điểm nầy và hiện đang để lại một di hại không nhỏ cho toàn vùng hiện tại.

Về đất, hậu quả trước mắt ảnh hưởng từ việc phá rừng là sự thoái hóa của đất. Đất mất đi độ phì nhiêu và sự cân bằng dinh dưỡng. Lớp đất thịt trên mặt sẽ bị cuốn trôi sau những cơn mưa lũ vì không còn cây và rễ để giữ đất lại.
Ngoài sự thoái hóa của đất do nguyên nhân trên, sau gần 30 năm mở cửa và phát triển ồ ạt trong nông nghiệp, Việt Nam mất đi 2 tỷ tấn đất/năm (nguyên nhân chính yếu là do việc phá rừng) hay tính trung bình đất bị xói mòn tùy theo vùng và đã thất thoát từ 50 – 3200 tấn/mẫu/năm ảnh hưởng đến 23 triệu mẫu trên toàn quốc, chiếm 70% diện tích quốc gia.

2- Ô nhiễm không khí
Dù Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư Kyoto về sự hâm nóng toàn cầu vào ngày 25/9/2002, nhưng mức độ ô nhiễm không khí và bụi bậm ngày càng phát sinh nhiều thêm ra. Bụi là chất ô nhiễm không khí phổ biến nhất tại Việt Nam. Từ 20 năm qua, “... hầu hết các đô thị ở Việt Nam đều bị ô nhiễm bụi, nhiều đô thị bị ô nhiễm bụi trầm trọng tới mức báo động... Nồng độ bụi ở các khu dân cư ở bên cạnh các nhà máy, xí nghiệp hoặc gần các đường giao thông lớn đều vượt trị số TCCP [tiêu chuẩn cho phép] từ 2 đến 5 lần, “Theo một phúc trình của Ngân hàng Thế giới năm 1995, bụi từ nhà máy xi măng bao phủ hầu hết Hải Phòng, thành phố lớn thứ ba, vượt TCCP của chánh phủ từ 3 đến 8 lần”.
Chì là một chất ô nhiễm không khí phổ biến khác, nhất là ở các đô thị. Lượng xe gắn máy và xe hơi tăng nhanh và việc nầy làm cho nồng độ chì trong không khí đo được trong khoảng từ 1 đến 4 micrograms/m3 (ug/m3). Để so sánh, theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Pediatrics năm 1994, nồng độ chì trong không khí ở thành phố Chicago trong năm 1988 thì dưới mức 0.5 mg/m3”, được xem như là một thành phố ô nhiễm nhất Hoa Kỳ.

3- Ô nhiễm nguồn nước
LHQ đã khơi mào một quan niệm hết sức trong sáng là “Nước tự nó không màu và không biên giới cho nên không thể bị ức chế được” và “Tất cả mọi người trên thế giới đều có quyền có đủ lượng nước sạch và an toàn cần thiết cho nhu cầu hàng ngày”. Ở Việt Nam, sự tăng trưởng một cách nhanh chóng về kinh tế và xã hội từ năm 1986 đã gây nên tình trạng ô nhiễm nước ở đô thị và nông thôn trên cả nước, và phẩm chất của các nguồn nước ở Việt Nam dường như càng ngày càng suy thoái.
Về nước, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Cung cấp Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2013, nguồn nước ở Việt Nam ngày càng bị khan hiếm và ô nhiễm. Sự thoái hóa nầy tăng theo tỷ lệ thuận với mức tăng trưởng kinh tế, nhất là ở những năm gần đây. Nhu cầu nước cho nông nghiệp chiếm 88%, và cho kỹ nghệ chiếm 7%.
Các nguồn nước thải từ khu gia cư, từ các trung tâm kỹ nghệ, khu chế xuất, đất nông nghiệp v.v...đã xâm nhập vào nguồn nước mặt, nước ngầm, thậm chí ảnh hưởng đến phẩm chất nước ở vùng duyên hải nữa. Nước sinh hoạt gia cư, nước thải kỹ nghệ, và nước rỉ từ các bãi rác là nguyên nhân chính yếu cho việc ô nhiễm hữu cơ trong nguồn nước mặt đặc biệt ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ v.v... căn cứ theo báo cáo trên. “Trên toàn quốc, số lượng nước thải gia dụng và kỹ nghệ không được gạn lọc và xả trực tiếp vào sông ngòi được ước tính vào khoảng từ 2400 đến 3000 triệu m3 một năm theo ước tính năm 2010 của Ngân hàng Thế giới.

4- Việc xử dụng hóa chất bảo vệ thực vật
Dựa theo kết quả phân tích của các nhà khoa học và y tế Việt Nam, các vụ ngộ độc thực phẩm như rau muống, cà pháo, ngó sen, bắp cải v. v.. là do thuốc bảo vệ thực vật thuộc gốc organo-phosphate. Danh từ thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam dùng để chỉ các loại hóa chất dùng làm thuốc sát trùng, thuốc trừ sâu rầy, thuốc diệt cỏ dại, và thuốc trừ nấm. Việc truy tìm nguyên nhân cho các vụ ngộ độc trên cũng tương đối giản dị. Xin đan cử ra đây ba lý do chính khiến cho tình trạng ngộ độc ngày càng có tính cách phổ quát hơn là:

  • Người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không có đủ thông tin trong khi dùng đến các loại thuốc trên. Ở Việt Nam hiện có trên 200 loại thuốc và có trên 700 nhãn hiệu khác nhau, chưa kể các thuốc nhập lậu không có nhãn hiệu, và rất nhiều tên thuốc nằm trong danh sách bị cấm sử dụng;
  • Nông dân không được hướng dẫn đầy đủ trước khi sử dụng;

Cơ quan Lương Nông quốc tế (FAO) đã từng khuyến cáo là chỉ số xử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam rất cao, đạt mức trung bình cho một mùa là 5,3, trong lúc đó chỉ số trên ở Trung Cộng là 3,5, Phi luật Tân, 2,0, và Ấn Độ, 2,4. Thêm nữa, tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên đã nhận định rằng so với diện tích đất nông nghiệp ở Việt Nam thì chỉ cần độ 50 ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật là quá dư thừa rồi. Như vậy, nông dân Việt Nam đã tiêu dùng gấp 30 lần lượng hóa chất nhiều hơn mức trung bình! Từ đó suy ra mức ô nhiễm hóa chất độc hại lên thực phẩm tiêu dùng ở Việt Nam là kết quả đương nhiên mà người tiêu thụ trong nước phải hứng chịu.
Ở Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật được xử dụng riêng rẽ hoặc dưới dạng hỗn hợp (cocktail) để tăng cường độ độc chất của thuốc trước sức đề kháng của sâu rầy.. . DDT được coi như là tác nhân chính trong nhiều hỗn hợp trên. Thí dụ: hỗn hợp DDT, Thiodan (hay Endosulfan) và Folidol (Methyl Parathion) thường hay được pha chế để trừ sâu cuốn lá và các côn trùng khác. Ngoài việc dùng hóa chất cho nông nghiệp, nông dân còn xử dụng các thuốc bảo vệ thực vật trong việc săn bắt tôm cá nữa(!)

Sau đây là danh sách một số hóa chất độc hại được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam: DDT, Folodol, Mevinphos, Dichlovos, Carbofuran, Methamidophos, Endosulfan (hay Thiodan), Diazinon, Glycosate (hay 2,4-D), Diazonin, Chlopyrifos, Zinc Phosphide, Paraquat, Aluminum Phosphide. Và đây là những hóa chất hoàn toàn đã bị cấm sản xuất và xử dụng. Sở dĩ các hóa chất nầy hiện diện được ở Việt Nam là qua ngã đường biên giới Trung Cộng.
Do đó, nguy cơ ô nhiễm môi trường sống ờ Việt Nam cho đến ngày nay không còn là một sự kiện cần phải bàn cãi. Đây là một nguy cơ thực sự mà Việt Nam cần phải đối mặt và giải quyết tức thời. Trước việc các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam xuất cảng ra ngoại quốc tiếp tục bị trả hàng loạt vì có dung lượng hoá chất cao hơn quy định, và sản phẩm tiêu dùng trong nội địa bị nhiễm độc thường xuyên, viễn ảnh một nền kinh tế què quặt trong tương lai chắc chắn sẽ phải xảy ra mà thôi.
Việc áp dụng hóa chất bảo vệ thực vật không đúng cách (đúng liều lượng thích hợp), không đúng đối tượng (sâu rầy ...), và không đúng thời gian là ba yếu tố làm cho:

  • Môi trường thoái hóa nhanh;
  • Hiệu quả kinh tế trong sản xuất thấp;
  • Và sức khoẻ của nông dân bị ảnh hưởng vì không có biện pháp phòng bị an tòan trong khi tiếp cận với hoá chất.

Một thí dụ trong việc trồng lúa. Nông dân thường có thói quen phun xịt đồng ruộng trong tháng đầu tiên sau khi gieo mạ. Điều nầy chẳng những không cần thiết mà ngược lại việc làm nầy tiêu diệt các loại côn trùng “bạn” có khả năng diệt trừ sâu rầy. Thêm nữa, việc phun xịt sớm chỉ tiêu diệt được sâu rầy trưởng thành nhưng không diệt được các trứng của chúng. Theo ước tính Việt Nam đã xử dụng 42% trên tổng số thuốc bảo vệ thực vật để tiêu diệt sâu cuốn lá, nhưng nghiên cứu đã cho thấy rằng cây lúa dù mất đi 50% lá vẫn giữ nguyên năng suất lúc ban đầu. Viện Đại học Cần thơ và IRRI (Philippines) đã chứng minh từ năm 1995 rằng việc xịt thuốc trừ sâu cuốn lá là điều không cần thiết nữa. Thêm nữa, nếu kể chi phí y tế của nông dân vào việc sản xuất thì việc xử dụng hoá chất bảo vệ thực vật là một việc làm không hiệu quả kinh tế.
Vì các lý do trên, những quốc gia sản xuất nông nghiệp trên thế giới đều có khuynh hướng giảm thiểu tối đa việc dùng hóa chất.

5- Quyền được giáo dục và hướng dẫn
Tỷ lệ nông dân ở Việt Nam là 60% theo thống kê 2014 tức là khoảng 56 triệu. Tuyệt đại đa số không được giáo dục và hướng dẫn cách xử dụng hóa chất trong nông nghiệp. Nam Dương là quốc gia trong vùng có viễn kiến đúng đắn và được xem như là một điển hình về phát triển nông nghiệp đúng cách và có sách lược trong mục đích phát triển quốc gia ứng hợp với việc bảo vệ môi trường.
Nam Dương là một quốc gia nông nghiệp lấy việc trồng lúa làm nền tảng cho phát triển quốc gia để hy vọng tiến đến việc tự túc lương thực. Từ 1986, Tổng thống Suharto đã lấy quyết định nghiêm cấm xử dụng 28 loại hoá chất bảo vệ thực vật đặc biệt cho kỹ nghệ trồng lúa. Thành quả thâu đạt được đầu tiên là, từ 1986 đến 1989, Nam Dương đã khỏi phải tiêu tốn hàng năm 100 triệu Mỹ kim qua Quỹ bảo trợ nông nghiệp cho nông dân trong việc dùng các hoá chất trên.
Thêm nữa, chính quyền Nam Dương nâng chính sách “Quản lý tòan diện sâu rầy” (Integrated Pest Management) làm quốc sách, như thiết lập các trường huấn luyện nông dân với mục đích nâng cao kiến thức cho nông dân trong việc xử dụng hóa chất. Kết quả hiện tại Nam Dương có hơn một triệu nông dân “chuyên nghiệp” tốt nghiệp ở các trường đào tạo nầy, và hầu như làng nào cũng có một hay nhiều nông dân chuyên nghiệp. Từ đó, trình độ hiểu biết về canh nông của nông dân được tăng thêm qua sự hướng dẫn của “nông dân chuyên nghiệp” trên. Mục tiêu của các trường huấn luyện là: 1- khuyến cáo nông dân xử dụng càng ít hóa chất càng tốt, 2- nếu cần xử dụng thì phải xử dụng có hiệu quả. Do đó, năng xuất trồng trọt tăng cao và việc cải thiện đời sống kinh tế của nông dân cũng tăng theo sau đó.
Sau mười năm áp dụng, Nam Dương thu thập được những thành quả sau đây:

  • Việc xử dụng thuốc bảo vệ thực vật hầu như chấm dứt trong việc trồng lúa;
  • Năng suất lúa gạo tăng 10%;
  • Chi phí y tế công cộng do bị nhiễm độc hóa chất giảm từ khi áp dụng chính sách Quản lý toàn diện sâu rầy

 

Kết luận
Mới cách đây vài ngày, một thảm trạng cực kỳ đau lòng đã xẩy ra trên biển Đông: Từ đặc khu của Tầu, dưới tên là Formosa, hàng ngàn tấn chất độc đã tuôn ra biển Đông, làm cho hàng triệu triệu cá tôm chết trắng mặt biển, chết đầy bờ sông gần biển. Hàng trăm ngàn ngư dân đã phải bỏ nghề, vì không còn đánh bắt được tôm, cá. Họ đang đứng trước nguy cơ chết đói vì không có việc làm để sống còn. Một khi ngư dân chết đói, thì nông dân và thương gia cũng lâm cảnh nguy ngập theo vì không bán được hàng. Hơn nữa, hàng triệu người vì không biết là cá tôm đã bị nhiễm độc mà ăn vào thì sẽ bị ngộ độc, nếu không chết ngay, thì sẽ chết từ từ.
Điều đáng nói là cái gọi là Nhà Nước đã tỏ ra hoàn toàn dửng dưng trước thảm cảnh này. Nguyễn Phú Trọng, kẻ cầm quyền lớn nhất, đã đi thăm đặc khu giết người này nhưng không có một lời nói, một hành động nào để bảo vệ cho nhân dân. Có lẽ hắn chỉ tới, gập mình cúi đầu kính chào rồi cum cúp ra về. Thủ Tướng và Chủ Tịch Quốc Hội cũng mắc bệnh câm cùng một ngày.
Vì thế, trong nỗi phẫn nộ tột cùng của người dân Việt, chúng tôi mạo muội, một lần nữa, thảo lá thư khiếu tố này đến Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, đến Human Rights Watch, yêu cầu họ tống khứ bọn cướp càn Cộng Sản Việt Nam ra khỏi Ủy Ban Nhân Quyền.
Từ những vấn nạn môi trường kể trên, một lần nữa, nhân ngày Nhân quyền Việt Nam, thiết nghĩ Việt Nam cần phải giải quyết các vấn đề xã hội để mang lại những quyền hạn căn bản tối thiểu cho đời sống con người ở thế kỷ 21 nầy. Nếu không, mọi cố gắng về cải cách kinh tế để nâng cao mức phát triển của Việt Nam sẽ bị thiêu rụi tất cả vì những vấn nạn trên.
Một trong những trách nhiệm nặng nề nhất của lãnh đạo Việt Nam là để cho UNICEF bảo trợ và cổ súy cho việc đào giếng để có nguồn nước sạch. Gương Bangla Desh còn trước mắt với trên 4 triệu giếng khoan trên toàn quốc và hàng năm có hàng trăm ngàn người chết vì ô nhiễm Arsenic (thạch tín) trong nguồn nước.
Việt Nam cho đến nay, vẫn tiếp tục cổ súy việc đào giếng mặc dù đã nhận thức rằng thảm họa ô nhiễm arsenic đã là một hiện thực, đặc biệt là tại đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL qua sự xuất hiện chứng bịnh arsenicosis tại một số vùng phía Nam Hà Nội vì giếng nước có nồng độ arsenic cao hơn hàm lượng cho phép (10 ug/L nước) gấp hàng chục lần.
Thiết nghĩ những vấn nạn kể trên cũng là một hình thức vi phạm nhân quyền trầm trọng đối với người dân Việt. Nếu biết quản lý và xử dụng nguồn nước mưa đúng cách với vũ lượng hàng năm khoảng 2.000 mm nước mưa, Việt Nam có thể giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho người dân dễ dàng trong những vùng trên.
Việt Nam cần có tầm nhìn toàn cầu, ứng hợp với chiều hướng phát triển chung của thế giới, chấp nhận luật chơi chung, và quan trọng hơn cả là cần phải xóa bỏ não trạng “độc tôn và duy ngã” trong tư thế lãnh đạo đất nước.
Việt Nam đã chiến thắng quân sự trong quá khứ. Từ đó, sau 41 năm, có thể nói ngày hôm nay, não trạng của lãnh đạo Việt Nam đã bị nhiễm độc vì “chất da cam” cho nên nảy sinh ra bịnh tham nhũng trầm trọng và hội chứng cường quyền trong việc quản lý xã hội.
Phải chăng chiến thắng trong chiến tranh, tuy đã đi vào dĩ vãng 41 năm, nhưng vẫn còn mang lại cho lãnh đạo Việt Nam hào quang và cảm giác ngất ngây của ngày chiến thắng năm xưa?
Với những cách nghĩ như trên cộng thêm tâm khảm của một não trạng nghi ngờ, mặc cảm phải tỏ ra chủ động trong mọi quyết định có tính cách “quốc tế”, và hội chứng chuếch choáng với hơi khói chiến tranh vẫn còn đâu đây... làm sao Việt Nam có thể hội nhập vào cộng đồng thế giới và tạo được sự thông cảm toàn diện và đồng thuận ở cả hai mặt chính quyền và người dân.

Thống nhất lãnh thổ chưa đủ. Việt Nam cần phải thực tâm nhận lỗi và chủ động trong việc hàn gắn lại toàn khối dân tộc đã rạn nứt vì đa số đã bị bỏ rơi, bạc đãi và bị xua đẩy. Chỉ có việc làm sáng suốt nầy mới có thể tạo ra cơ hội cứu vãn Việt Nam trong tiến trình mới của nhân loại.
Trong những năm gần đây, tiến trình toàn cầu hóa của các quốc gia trên thế giới đã chứng minh rằng quốc gia nào không thích ứng với những đổi thay nhanh và mới sẽ bị tan rã không sớm thì muộn. Vì những cấu trúc thượng tầng sẽ không còn ứng hợp với sức ép của người dân, và khả năng kiểm soát các vấn đề xung đột từ hạ tầng tức là từ phía nhân dân của lãnh đạo, sẽ không còn hiệu nghiệm nữa.
Và điều sau nầy chắc chắn sẽ là một cảnh báo nghiêm trọng và rốt ráo trong những ngày sắp tới cho Việt Nam.

Mai Thanh Truyết

Bài phát biểu tại Quốc hội nhân Ngày Nhân Quyền Việt Nam 11-5-2010
Hiệu đính ngày 11-5-2016

____________

S.J Res. 168
PUBLIC LAW 103-258 – MAY 25, 1994:
Designating May 11, 1994, as "Vietnam Human Rights Day"
103d Congress
Joint Resolution
Designating May 11, 1994, as "Vietnam Human Rights Day"
…..
Whereas May 11, 1994, is the fourth anniversary of the issuance of the Manifesto of the Non-Violent Movement for Human Rights in Vietnam;

….
Resolved by the Senate and House of Representatives of the United States of America in Congress assembled, That May 11, 1994, is designated as "Vietnam Human Rights Day" in support of efforts by the Non-Violent Movement for Human Rights in Vietnam to achieve freedom and human rights for the people of Vietnam, and the President is authorized and requested to issue a proclamation calling upon the people of the United States to commemorate such day with appropriate ceremonies and activities.
Approved May 25, 1994.
LEGISLATIVE HISTORY – S.J. Res. 168
CONGRESSIONAL RECORD, Vol.140 (1994):
May 4, considered and passed Senate.
May 11, considered and passed house, amended
May 17, Senate concurred in house amendments
May 25, 1994 , approved by President Bill Clinton
________________________________________
Mai Thanh Truyết
http://maithanhtruyet.blogspot.com/

 

Đăng ngày 10 tháng 05.2016