Trần Bang Thạch là bút hiệu của Nguyễn Công Danh, cựu SV Đại học Sư phạm Sàigòn, ban Anh văn, khóa 1967-1970.
Hiện ông đang định cư tại Houston, Texas - USA.

 
Chấp chới bàn tay Mẹ

Trần Bang Thạch
 

Thân gởi các bạn ĐHSP, nhân mùa Giáng sinh
T. B. T.

Trong một tấm hình trên báo, bé Jordan gợi cho ta hình ảnh một tàn binh đang lang thang trên trận địa hoang tàn sau trận đánh long trời lở đất. Chiếc mũ lưỡi trai nhà binh trên đầu, cái bình đựng nước bên hông, một cây gậy trên tay, thằng bé sáu tuổi nầy đang khập khiễng chui qua những thân cây ngã, lội qua những con lạch, bước qua những mãnh tôn, những gỗ ván gạch đá, rác rưỡi. Cả một vùng rộng lớn nầy với đầy chướng ngại sau trận cuồng phong hai hôm trước hình như không một nơi nào thiếu bước chân của bé Jordan. Suốt một ngày trời, bé Jordan đã thấy hằng ngàn cây nhỏ, cây to đứt ngọn, những tấm tôn quấn quanh các thân cây như tấm giấy thiếc bọc chiếc hotdog. Khóm cây pecan sau nhà mà Jordan thường leo trèo nay chỉ là những thân cây cụt ngọn, còn sót những cành treo lủng lẳng như những cánh tay gãy. Giữa những hoang tàn đỗ nát đó, bé Jordan đã tìm lại được nhiều thứ lắm. Trước hết là chiếc xe hơi của mẹ. Chiếc xe bị đè dưới một thân cây to, mui xe dẹp gần tới tay lái, các cửa kính đã bể nát. Một bức ảnh trên báo chụp Jordan đang đứng trên cái thùng gỗ để đủ cao nhìn vào bên trong cửa xe. Chiếc xe nầy từ bao năm nay, dù mưa giông, dù nắng gió, mẹ đã đưa đón Jordan từ những năm nhà trẻ cho đến nay là năm Jordan học lớp một. Chiếc xe nằm đây mà mẹ thì đâu rồi! Cây gậy đánh khúc côn cầu của Jordan nằm chơ vơ bên chiếc thùng phuy móp méo cạnh khung gỗ của cái sofa. Ðôi găng tay chơi banh thì vắt vẻo trên một nhánh cây cao. Và chiếc xích đu. Chiếc xích đu mẹ đã mất trọn một tuần nghỉ phép để cưa, để đục, sơn phết, rồi hì hục leo lên cây sồi trước nhà máng hai sợi dây xích vào một nhánh to. Sau đó gần như mỗi năm, mẹ lại hì hục trèo lên nhánh cây để thâu ngắn hai sợi dây xích theo chiều cao lớn của Jordan. Chiếc xích đu bây giờ nằm lăn lóc trong vũng nước cạn, lấm lem bùn sình. Cái màu đỏ tươi của những miếng ván đã bay đâu mất. Bé Jordan nhớ lắm cái ngày bé nằng nặc đòi mẹ phải thay màu cam bằng màu lục; rồi ít lâu sau Jordan lại khóc lóc đòi mẹ thay màu lục bằng màu đỏ. Mỗi lần như vậy mẹ đã phải tháo gỡ cái đu xuống, dùng giấy nhám đánh đi từ những mãng sơn nhỏ trên mấy miếng gỗ, rồi tỉ mỉ sơn lên màu khác. Mẹ vừa làm vừa hát những bài hát thật vui. Mẹ nói mẹ muốn chính mẹ tự tay làm cái xích đu nầy cho Jordan, theo ý thích của Jordan. Jordan không thể hiểu mẹ muốn nói gì, lúc đó. Nay thì cái xích đu đã bay xa khỏi thân cây cổ thụ mà Jordan vẫn chỉ hiểu lờ mờ ý nghĩa câu nói của mẹ. Jordan cũng tìm thấy mấy bức ảnh gia đình. Có một bức chụp mẹ và Jordan đang xích đu, chân mẹ đong đưa, một tay mẹ quàng cổ Jordan, một tay mẹ cầm quyển truyện nhi đồng đang mở rộng. Jordan nhớ quá những buổi chiều mẹ con say sưa hay buồn vui ngậm ngùi theo từng chuyện cổ tích. Những cánh chim trên cành cao như cũng ân cần góp chuyện. Lạch nước kế bên miên man chảy, hình như không bao giờ ngưng những tiếng róc rách, thầm thì. Lòng của Jordan hình như lúc nào cũng ấm vì hơi thở của mẹ miên man phả chung quanh cho dù Jordan đang ở trường hay đang chạy chơi nơi một góc vườn hay một góc phố. Còn tiếng nói của mẹ hình như lúc nào cũng róc rách, thầm thì bên tai, ân cần, ngọt dịu, thương yêu, trìu mến. Mẹ là cả một thế giới riêng của Jordan.

Mẹ Kara từ hồi nào đã là con lạch nước bên nhà, là cây sồi cổ thụ trước nhà, là cả một vườn pecan rợp bóng sau nhà, là chái nhà, là góc bếp. Căn mobile home nhỏ nhoi như một túp nhà chòi nhưng đầy tiếng cười, giọng hát của hai mẹ con. Mẹ thấp thoáng trong dáng dấp những bà tiên hiền từ mẹ đã kể cho Jordan nghe trong những đêm hai mẹ con ôm nhau nghe mưa rầm rì trên mái tôn, hay những buổi chiều êm ả hai mẹ con tay trong tay đi dưới vòm pecan cao nghệu. Mẹ là vòng tay ôm, là hơi thở ấm. Vậy mà bỗng chốc mẹ hoàn toàn biến mất. Mẹ đã biến mất hoàn toàn. Jordan không thể nào tin được điều ấy. Chẳng lẽ sau một cơn lốc dữ mẹ cũng biến dạng như cả một rừng cây nầy, như căn mobile home nầy, như cái xe móp méo kia? Hay mẹ vốn là một bà tiên, giữa cơn phong ba đã bay về cõi khác? Không. Chắc chắn mẹ đang ở quanh đây. Mẹ Kara thương yêu Jordan lắm mà. Mẹ sẽ không bỏ Jordan mà đi đâu hết. Mẹ đang thất lạc ở một nơi nào đó, hay đang bị kẹt dưới một gốc cây to. Mẹ. Mẹ. Mẹ. Jordan đã trăm ngàn lần gọi mẹ suốt một ngày nay, gọi khan cả tiếng, gọi nát cả tim, gọi bong cả phổi. Jordan đã nằm bịnh viện mấy hôm nay để được băng bó ba cái xương sườn gãy, được chửa trị cái chân sưng vù và cái lưng đầy vết trầy trụa. Ðây là lần đầu tiên trong đời Jordan thiếu mẹ bên cạnh khi Jordan đau ốm, nhất là khi phải nằm bệnh viện. Vừa ra khỏi bịnh viện sáng nay, Jordan đã nói với bà ngoại , “Chúng ta phải đi tìm Mẹ”. Rồi với đôi giày bố và cây gậy, cái mũ và bi-đông nước, Jordan đã khập khiễng trở về căn nhà giờ đây chỉ là một đống ngổn ngang những tôn, những ván giữa những thân cây gãy ngọn. Nơi trú ngụ đã không còn, chắc mẹ đang lẩn quẩn đâu đây. Jordan nhớ rõ lắm mà: Mới ngày hôm kia, trong cơn lốc xoáy dữ dội, căn mobile home rung rinh như cành cây bị gió giật trên cao. Các cửa kính đã bể hết. Mẹ đã ôm chặt Jordan. Rồi mấy miếng tôn trên mái lần lần bay mất. Khoảng trống trên đầu là mưa, là gió, là sấm, là sét. Một cành cây lớn đã rơi ngay giữa phòng khách. Mẹ càng ôm Jordan chặt hơn, thân người bé nhỏ của mẹ như cố trùm phủ Jordan, chở che Jordan khỏi trăm ngàn mảnh vụn bay loạn đả từ tứ phương tám hướng. Tường nhà kêu răng rắc như cũng sắp bay đi. Trời tối thui nếu không có những tia chớp trên nền trời. Mẹ con lần tìm lối đi vào phòng tắm, chỗ duy nhất trong nhà còn một chút mái che. Mẹ túm tất cả mấy cái khăn lông trùm đầu và quấn quanh mình Jordan. Hai mẹ con tay chặt trong tay cùng cầu nguyện. Gió vẫn đánh sầm sập chung quanh. Tiếng bay vun vút của những cành cây gãy, những tôn, những ván , những cát, những đá....càng làm cho Jordan lạnh run thêm. Có một khắc giây nào thật là ngắn Jordan cảm thấy thân mình như được nhấc bổng, đôi tay mình nắm  một khoảng hư không chớ không phải là đôi bàn tay ướt sủng của mẹ.

Jordan chỉ thực sự thấy mất mẹ khi được chú Jim hàng xóm kéo lên từ con lạch gần nhà.
Vừa thất thểu đi tìm mẹ, bé Jordan cứ nói với những người bé gặp trên đường, “Phải chi mình nắm tay Mẹ chặt hơn nữa, chặt hơn nữa”. Bé vừa khập khiễng đi vừa nói, “Phải chi...Phải chi ....” Bé Jordan bây giờ là một kẻ mộng du trên vùng đất vừa quen thuộc vừa lạ lùng, ác độc.
*

Em Jordan thương quí,
Mấy hôm nay anh có theo dõi cơn thần phong ở Oklahoma qua truyền hình và báo chí. Anh biết đó là một cơn lốc dữ dội có cây ngã, có nhà cửa bị cuốn đi, có người chết và mất tích. Thực tâm anh có thương cảm cho các nạn nhân, có, nhưng không nhiều. Cho đến hôm nay được nhìn mấy tấm ảnh của em trên tờ báo địa phương và được đọc một bài báo ngắn về em, anh đã xúc động thật nhiều. Anh như thấy trước mặt mình đứa bé sáu tuổi ở cái thị trấn Bridge Creek xa xôi, lạ hoắc kia là một biểu tượng tuyệt vời, đầy ý nghĩa đối với anh.
Jordan ơi, em có muốn biết anh là ai không? Anh là người đang muốn được là em bây giờ đó. Anh đang muốn là đứa bé con sáu tuổi luôn nghĩ rằng mẹ mình đang bị lạc đường để suốt ngày lang thang tìm mẹ, suốt ngày chơi trò trốn tìm cùng mẹ. Thật là hạnh phúc cho em khi em không tin lời xác nhận của người giảo nghiệm tử thi. Lão nói gì mặc lão. Bà ngoại Mary, dì Susan, cậu Steve, chỉ là những người mau nước mắt thôi. Bà Dì Darlene còn nói lằng nhằng nào là từ nay Jordan phải ở với Ngoại, nào là Jordan phải nghe lời Ngoại.... Jordan thấy những lời nầy sao lạ tai quá! Mẹ Kara của Jordan chắc đang ở một nơi nào đó. Trên một tầng mây cao, hay một chân đồi thấp. Ở đâu thì Mẹ Kara vẫn kề cận bên em đó Jordan ạ. Em là người con xứng đáng được mẹ thương yêu cận kề. Còn anh, Jordan biết không, anh ước muốn được trở lại cái tuổi ngây thơ, hồn nhiên, trong trắng như em, như hằng trăm ngàn trẻ thơ khác được mẹ ấp ủ trong lòng, được nói với mẹ muôn lời thương yêu. Ước muốn, có nghĩa là trong thực tế anh đã qua rồi cái tuổi ngây thơ của em. Hai mươi sáu năm làm người (hay nói cho đúng là hai mươi sáu năm có mặt trên đời), anh đã có tám năm làm người con bất hiếu, anh đã có quá nhiều tội lỗi đối với mẹ; khi nhận biết điều nầy thì mẹ đã không còn nơi cõi thế nầy cho anh nói lời xin lỗi hay bày tỏ một cử chỉ yêu thương, và ôm mẹ mà nói rằng: Mẹ ơi con thương Mẹ vô cùng.
Jordan à, chuyện của anh thì buồn lắm, anh không định kể cho em nghe vì không muốn em lây cái buồn của anh. Nhưng anh nghĩ rồi đây sau những ngày lặn lội đi tìm mẹ, sẽ có lúc em cảm thấy buồn. Và anh cũng biết một ngày nào đó em sẽ buồn lắm, buồn vô cùng tận. Nghe chuyện buồn của anh có thể làm em bớt buồn chăng, vì em biết có một người lạ hoắc lạ huơ ở một nơi xa xôi nầy đang muốn cùng em chia sẻ nỗi buồn mất mẹ, nỗi buồn lớn nhất của một đời người đó em.
Nói chuyện với em cũng là một cái cớ: anh đang nói với chính mình, đang mượn những lời nầy để mong làm dịu bớt nỗi buồn của mình. Cho nên em đừng nên cảm thấy xốn xang khi em không thể hiểu  hết những điều anh nói, nhe em.

Tấn thảm kịch hình như chỉ thật sự bắt đầu tám năm trước khi anh vừa xong trung học và quyết định theo đại học tại một trường cách xa nhà hơn ba giờ lái xe.
- Như vậy là con thật sự muốn sống xa gia đình ?
- Con đâu có nói như vậy. Con chỉ muốn đi học trường con thích thôi.
- Hay là mẹ con mình dời đến thành phố đó ở cho tiện ?
- Con thấy không cần thiết đâu.
- Nếu má thấy cần thiết thì sao ?
- Còn nhà cửa, việc làm của má ở đây ?
- Ðối với má, có cái gì trên đời nầy quí hơn con của má, hả con ?
- Má tính sao cũng được hết.
Thâm tâm anh là muốn có một đời sống tự do không bị dòm ngó, ràng buộc; mà mẹ anh thì hình như lúc nào cũng dòm, cũng ngó, cũng nhắc nhở, hỏi han, cũng ngăn cái nầy, cấm cái nọ... nên anh đã nói dối một cách rất tài tình :
- Má cứ ở đây. Có gia đình bên cạnh học hành khó khăn lắm. Vài tuần con sẽ về một lần
- ...
Từ đó anh như con chim chưa đủ lông, đủ cánh nhưng sớm sổ lồng, nên đã bước những bước chuệnh choạng, nghiêng bên nầy, ngã bên kia, lắm lúc lạc phương, lạc hướng. Bắt đầu năm học thứ hai anh đã có một vài lầm lỗi cá nhân trầm trọng. Tuy ở xa nhưng với giác quan thứ sáu của người mẹ, mẹ anh đã có vài lần dạm hỏi anh về chuyện nầy chuyện nọ. Sau nầy em sẽ biết là khi ta có một lỗi lầm nào đó, ta ít khi muốn gặp gỡ hay chuyện trò với những người thân, những người hằng quan tâm đến ta, nhất là cha mẹ ta. Cụ thể là càng ngày anh càng thấy xa mẹ, thấy mất dần những sự ràng buộc gia đình. Anh ít khi điện thoại về nhà. Những lần về nhà cũng càng ngày càng thưa. Mẹ anh thì vẫn đều đặn gọi anh mỗi tuần đôi lần như từ trước. Không gọi được ban ngày, mẹ gọi anh khi nửa đêm hay lúc một hai giờ sáng để mẹ được an tâm. Số lần mẹ nhắn tin trên máy nhiều gấp trăm lần mẹ con trực tiếp nói chuyện với nhau. Mẹ anh thì chỉ có thể lái xe loanh quanh vài dặm từ nhà đến chỗ làm, đâu có lái được trên xa lộ, nhất là lái đường xa vài trăm dậm, nên họa hoằng lắm mẹ mới quá giang người quen đi thăm anh. Vài lần mẹ đi không rồi về không vì không gặp con. Hình như những lúc đó anh bận những gì khác, không phải là bận chuyện sách đèn trường ốc. Nhưng khi mẹ hỏi, anh chỉ có thể trả lời là bận học cho an ổn mọi bề.
Tình trạng cứ như vậy mà kéo dài cho đến hết niên học thứ tư là năm anh đỗ bằng cử nhân thương mại, ngành quản trị xí nghiệp. Lúc bấy giờ mẹ anh đã muốn trực tiếp can thiệp vào công việc của anh, điều mà từ lâu anh đã không bằng lòng. Cho nên chẳng những không về gần mẹ như mẹ muốn mà anh còn đi xa hơn, tới một tiểu bang khác, lấy cớ là có được một việc làm lương cao, giờ giấc không bị bó buộc nên thuận tiện cho việc tiếp tục học để lấy bằng cao hơn. Anh nhớ như in cái khắc giây ngay sau khi mẹ nghe anh tính toán như thế: lưng mẹ đang cong oằn trên cái bàn may máy, đầu mẹ cố ngẩng lên nhìn anh đang đứng cao lêu nghêu kế bên, miệng mẹ mở rộng mà không nói lên được tiếng nào. Anh thấy rõ đôi mắt mẹ đỏ lên sau đôi tròng kính lão, và hai hàng nước mắt. Jordan ơi, hai hàng nước mắt, hai hàng nước mắt của mẹ đêm hôm ấy, bây giờ là hai con trốt xoáy trong lòng anh mãi cho đến suốt đời.
Vài ngày sau anh khăn gói đi nhận việc ở tiểu bang xa. Sáng hôm đó, trước giờ ra sân bay, mẹ còn cẩn thận nhắc anh nhớ đem theo các giấy tờ cần thiết và cái túi nhỏ mẹ để sẵn những thuốc men trị bịnh thông thường. Mẹ đứng ngay cửa tiễn anh đi. Anh đã bước qua khung cửa, chỉ kịp nói với mẹ: con đi. Vỏn vẹn hai chữ ấy. Và không có một cử chỉ thân yêu nào. Anh nghe tiếng khóc của mẹ sau lưng.
Ði làm xa nhà, chi tiêu nhiều, đồng lương có cao nhưng anh có giữ lại được bao nhiêu đâu. Mẹ anh vẫn ngày ngày đi quét dọn mấy tòa biệt thự gần nhà, đêm đêm thức đến khuya lơ khuya lắt bên chiếc máy may, bên đống áo quần vải vóc. Một mình một bóng.
Jordan ơi, một đồng lương của anh đã chưa nằm trong túi mẹ, cái bằng MBA anh chưa có trong tay mà anh đã vĩnh viễn mất đi người mẹ của anh rồi !
*
Con trai yêu của má,
Má không biết phải bắt đầu từ đâu và phải ăn nói thế nào để con còn có thể đọc tiếp lá thư nầy. Má nhớ mẹ con mình hơi khó chuyện trò với nhau vì má vốn ít học, ăn nói luộm thuộm, rầy trách không có căn cứ mà diễn tả lại không rõ ràng, nên ít khi mình đưa câu chuyện đến bờ đến bến; thường thì má đành yên lặng, tiếp tục việc may vá, còn con thì hoặc lớn tiếng với má bằng lý nầy lẽ nọ hay không nói gì hết, không nghe gì hết mà chỉ việc bỏ đi. Nghĩ cũng kỳ: mẹ muốn bàn chuyện với con mình mà phải chờ cơ hội, phải thế nầy, thế nọ, phải chuẩn bị kỹ lưỡng những lập luận, phải ăn nói tế nhị, mềm mỏng để không chạm tự ái con, phải biết tiến, biết thối... Cho nên có biết bao nhiêu chuyện má muốn nói với con mà nào có cơ hội, trong đó có chứng tức ngực thường xuyên từ vài năm nay của má, mà nếu có cơ hội liệu má nói với con được bao nhiêu và con nghe má được bao nhiêu. Trên cái xứ lạ quê người nầy chỉ có hai mẹ con mình là gần gũi nhất, mà không thường được chuyện trò vui vẻ với nhau thì chắc không có nỗi bi đát nào hơn phải không con? Ở những ngày tháng gần xa con vĩnh viễn như bây giờ má thấy má muốn nói với con vài điều, kẽo má không còn dịp nào nữa. Mà không nói với con được những điều nầy thì khi chết làm sao má nhắm mắt được hỡ con?
Trước hết má muốn nói thật lớn với con rằng má yêu thương con lắm. Má cứ thắc mắc hoài điều nầy: Má đã có lỗi gì với con đến nỗi hình như con không còn thương yêu má nữa. Má cạn nghĩ ví dù cha mẹ có làm lỗi với các con chẳng lẽ không được con cái tha thứ hay sao? Ngược lại lỗi lầm của con lớn cách mấy mà con cho má biết má cũng tha thứ và tìm cách giúp đỡ con hoàn thiện. Má biết con cứ nghĩ là má chỉ thương anh chị con với đám cháu nội ngoại ở quê nhà nên má phải cật lực làm hai ba công việc để gởi tiền về. Người mẹ nào cũng yêu thương các con bằng nhau hết. Còn việc con cứ muốn sống xa má, muốn được tự do bay nhảy, tự do phung phí đồng tiền và tuổi trẻ, chứng tỏ rằng con quá ích kỹ, chỉ biết có mình, cả mẹ mình mà mình còn không nghĩ đến thì rồi đây con sẽ làm được gì cho người khác. Má dốt nát không biết cái bằng cử nhân, cao học của con nó lớn thế nào nhưng má biết trái tim con chưa đủ lớn để làm người, nhất là làm người con; cái tài quản trị xí nghiệp của con má không biết đã tuyệt vời đến đâu nhưng trong cái ý nghĩ nông cạn của má con chưa biết quản trị cuộc đời của chính con. Má ít học nhưng có một câu mà má còn nhớ nằm lòng, là : Có học phải có hạnh. Con có học, có bằng cấp nầy nọ, má có thấy mừng nhưng cũng thấy buồn: con đã không có cái hạnh, không có cái hiếu để, không có cái lòng vị tha. Mẹ mình càng ngày càng già cả bệnh tật, mà cứ làm lụng vất vả. Sao con không nghĩ một ngày nào đó người hàng xóm tình cờ khám phá thân xác má đã nguội lạnh từ lâu mà không ai biết sớm?
Ðôi bàn tay của má ở gần mà con không chịu nắm thì nói gì đến việc nắm tay các anh, chị, các cháu của con ở quê nhà, hay nắm tay người khác.
Linh hồn má sẽ hoài hoài cầu nguyện cho con để con sớm NÊN NGƯỜI.
Má của con, người suốt đời thương yêu con.
*
Jordan thương quí,
Lá thư trên đây mẹ anh viết cho anh nhưng có lẽ người không muốn cho anh đọc nên đã để một chỗ rất khó thấy. Anh chỉ tìm được sau gần một tháng an táng mẹ.
Em, đứa bé sáu tuổi, đã nắm thật chặt tay mẹ em trong cơn lốc dữ, vậy mà em, đứa bé sáu tuổi, cứ hối hận là để vuột tay mẹ và cứ ngày ngày đi tìm mẹ. Còn anh, tay mẹ cứ đưa ra, cứ chấp chới đưa ra cho đến cuối đời mà anh không chịu nắm lấy một lần!
Trần Bang Thạch