Chữ nghĩa làng văn

01 tháng 04.2015

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Tiểu thuyết II
Tiểu thuyết Tàu…chương đầu đã khoái nhau rồi. Rồi những chương sau đó, người đàn ông lại thích những người khác. Cuối cùng những mà ông ta thích: đều trở thành vợ ông ta.

Giai thoại làng văn (V)
Cao Bá Quát được gọi về kinh làm lại ở bộ Lễ và Viện Hàn Lâm. Suốt 5 năm trời đó ông bị đọc, bị nghe, bị thấy bao nhiêu bài văn thơ vịnh cái hoa con kiến, tả chuyện đi câu, đi ăn… những lời những ý rập khuôn, lải nhải nhạt nhẽo.
Ông kể vài thí dụ điển hình:”đầu làng tạm chia tay đã hát “chén rượu Dương Quan”, cạnh xóm sang chơi đã ngâm ngay “tiếng gà điếm cỏ” .(thôn đầu tiểu biệt, toại ca “bôi tửu Dương Quan”, lân xá tam kinh,tức phú “kê thanh mao điếm”.) Họ nắn nót từng chữ từng câu sao cho có vẻ xót xa biên tái, họ chải chuốt từng lời sao cho có vẻ khuê các trưởng giả. Làm được một bài thì hí hửng mời nhau ăn tiệc để khoe. Ai cũng tự cho mình là hay nhất, đến độ ganh ghét nhau, chửi ruả nhau, gièm pha nhau, thù oán nhau.
“ Khi vua Tự Đức sai đại thần Phan Văn Nhã dự thảo bài văn Ngọc Diệp; Văn Nhã thảo xong, làm tiệc mời các quan đến uống rượu, đưa bài Ngọc Diệp cho mọi người xem, cố ý khoe văn mình hay. Viên nội các Mỗ vốn sẵn có văn tài, xem xong nói:” Văn bác Phan các quan xem thế nào, tôi nghe cứng nhăng nhắc.” Nhân đương say rượu, hai bên gây chuyện cãi nhau. Viên nội các nói:”Văn như thế chó làm cũng được”. Vì thế thành ra ẩu đả.Việc đến tai vua, ông (chỉ Cao Bá Quát) được vời vào hỏi chuyện đã xảy ra. Ông khai: “ Không biết ý làm sao, bên này bảo chó, bên kia bảo chó, rồi đến đánh nhau, tôi sợ cắn tôi, tôi hoảng tôi chạy.
Bất tri ý hà
Lưỡng tương đấu khẩu
Bỉ viết cẩu
Thử viết cẩu
Bỉ thử giai cẩu
Dĩ chí đấu ẩu
Thần kiến thế nguy, thần tẩu
(Tường Vũ Anh Thy - Cao Bá Quát : Tim vẫn say…)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Tình yêu như cái bánh tiêu...
Ăn vô thì muốn, thiếu điều ói ra.
Yêu em hổng dám nói ra.
Để dành trong bụng cho ra từ từ.

Theo tự điển tiếng Viêt ở Hà Nội (Văn Tân Nguyễn văn Đạm):
Yêu: là say mê với người hay vật có sức mạnh thu hút.

Địa danh miền Trung trong văn học sử
Huế
Năm 1803 Gia Long lập kinh đô Huế ở Phú Xuân. Trước đó vào năm 1788, Quang Trung đã chọn Phú Xuân làm kinh đô. Mãi đến năm 1805, Gia Long và đại thần Nguyễn Văn Yến mới khởi sự xây dựng Huế ở Phú Xuân và hoàn tất năm1818. Minh Mạng tu bổ thêm từ năm 1818 đến năm 1832. Thành với tam cung lục điện theo kiểu Tàu. Tường thành theo kiểu thành lũy Vauban của Tây cuối thế kỷ XVII với pháo tháo, lỗ súng thần công. Một năm sau, năm 1818, qua Voyage from France to Cochi-China của người Pháp là Captain Rey, năm 1819, ông viết: “Kinh thành Huế là một pháo đài, hơn cả pháo đài William và Saint George ở Madrass do người Anh xây dựng”.
Tuy nhiên các sử gia trong sử thi thời Nguyễn thường gọi kinh đô với tên Phú Xuân. Chứ không gọi là Huế.

Buồm
Ta không có động từ chém, nhưng ta có danh từ buồm. Nhiều nhà học giả ta băn khoăn hỏi những chiếc thuyền khắc chạm trên trống đồng là thuyền đi sông hay đi biển mà không thấy buồm. Xét qua ngôn ngữ, ta có thể đoán rằng thuở ấy ta đã biết đi biển, vì ta có danh từ buồm. Quan-thoại nói Fảl; Quảng-đông nói Fàl; Hán Việt nói Phàm. Nhưng tiếng Việt là Buồm thì chắc chắn là không có sự vay mượn ở danh từ đó.
(Bình Nguyên lộc - Dân Lạc Việt qua ngôn ngữ Việt Nam)

Bời bời
Bời bời : nhiều mà lộn xộn
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Cạn tàu ráo máng
Thoạt tiên, thành ngữ này được dùng để chỉ sự chăm sóc thiếu chu đáo của con người đối với vật nuôi ngựa, lợn và các gia súc khác. Ở trong thành ngữ này, máng là dụng cụ đựng thức ăn cho lợn và các gia súc, tàu cũng là một loại máng dùng để đựng thức ăn cho ngựa. (Về sau tàu còn được dùng để chỉ chỗ nhốt voi nhốt ngựa. Trong trường hợp này tàu có nghĩa là chuồng). Đối với những con vật quý, giúp đỡ cho con người khỏi những nỗi nhọc nhằn trong việc thồ chở hàng hoá, các vật liệu nặng, hoặc cung cấp cho người thịt ăn hàng ngày như vậy mà phải để cho cạn tàu ráo máng, để phải chịu đói, chịu khát.
(Nguồn: Tìm hiểu điển tích thành ngữ)

Nhà sư với ông sư
Năm 1980 tôi được xem mấy tấm tranh dân gian Oger. Thích quá. Mặc dù chả hiểu gì cả. Ngay tối hôm ấy, tôi bắt đầu mang Bách khoa thư bằng tranh ra đọc từ đầu... Theo lời giới thiệu thì chữ trong bộ tranh là chữ Hán, chữ Nôm. Mấy cụ Hán nôm giỏi thật. Chữ nào là Hán, chữ nào là nôm? Sao mình chả thấy khác nhau gì cả. Tôi lật xem và để ý đến hai tấm " Nhà sư " và " Nhà sư viết kinh ". Bốp! Như bị thầy tát vào má: Tên tấm tranh " Nhà sư " của tôi được viết bằng bốn con chữ. Lạ nhỉ, từ trước đến giờ tôi cứ tưởng là chữ Tàu, chữ Nôm mỗi chữ đọc một âm. Thế mà rõ ràng ở đây bốn chữ tên tranh lại được Viện từ điển bách khoa đọc là " Nhà sư ", nghĩa là chỉ có hai âm thôi. Trước mắt tôi, " Nhà sư " có vấn đề! Láo nào. Biết gì mà nói leo. Học chữ thánh hiền kiểu này thì chỉ tổ toi cơm. Ấm ức, nhưng tôi vẫn bướng bỉnh, tiếp tục lần mò thêm vì " viết bốn đọc hai".
Tôi lại bị sửng sốt, ngạc nhiên thêm một lần nữa vì hai chữ " nhà " của " Nhà sư " và " Nhà sư viết kinh " viết khác nhau. Thảo nào người ta vẫn chê chữ nôm là nôm na, luộm thuộm. Hôm nay được mắt thấy trường hợp viết nhiều đọc ít, viết khác nhau nhưng lại đọc giống nhau. Rắc rối thật ! Thú thực là tôi bắt đầu bị hoang mang. Tình cờ một người bạn khác cho mượn cuốn Connaissance du Vietnam của P. Huard và M. Durand. Cuối sách có một bảng chữ nôm đối chiếu với chữ quốc ngữ. Tôi tra tìm, so sánh mãi mới khám phá ra được cái sự thật bí hiểm kia. Tên tranh không phải là " Nhà sư viết kinh " mà là" Ông sư viết kinh " Thì ra vậy, bu nó ơi. Bây giờ mới hiểu tại sao hai chữ "nhà" của Viện từ điển bách khoa viết khác nhau.
Tôi triết lí vụn. Có lẽ xưa người ta kính trọng người tu hành, gọi là ông sư. Ngày nay người ta bỏ tiếng ông và chỉ gọi là nhà sư thôi. Thời thế đổi thay. Mọi vật trên đời đều vô thường. Đúng là chữ " nhà" của " Nhà sư " đã khai tâm chữ Nôm cho tôi. " Nhà sư " xứng đáng là thầy tôi.
(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)

Đất lề quê thói
Sinh đẻ
Đàn bà có thai phải kiêng: Kiêng ăn hành.
(để tránh cho đứa bé bị,,,toét mắt)
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)

Tiếng Huế, tiếng Chàm VII
Ðối với đàn bà con gái, tiếng chào hỏi thân mật nhất là thưa o, chào o, o đi mô rứa ... Lớn tuổi hơn, đôi khi không còn gọi bằng o nữa mà bằng Mụ ! O theo nghĩa con gái-đàn bà hay liên hệ bà con bên nội, o-dượng, nguồn gốc, rất có thể, có từ lâu đờị Người Thái, người Môn, người Mường, người Chàm, người Việt Nam đều cùng chung một chữ o...
Mi, đại danh từ ngôi thứ hai. Mày đọc trại đi thành mi, hay mi đọc trại đi thành mày, cũng rứa thôi!
Tao ở nhà tao, tao nhớ mi
Nhớ mi nên phải bước chân đi...
Mụ cô mi, đẹp như rứa, thông thường đây là tiếng chưởi (chửi) của người Bắc. Ngược lại, rất nhiều khi mụ cô mi cũng có khi là tiếng khen, chưa hẳn là khen mà cũng không phải là chê!
- Mụ cô mi... làm chi chừ mới tới! (đùa nghịch, thân mật)
Mụ cô mi, đôi khi thay thế câu trả lời, với nhiều ý nghĩa:
- Mụ cô mi, đáng kiếp... tau nói không nghe!
- Nì, đây nì, mụ cô mi, xài cho lắm, chưa tới tháng đã hết tiền...
- Mụ cô mi, nói hay lắm... hèn chi!
Chỉ một trường hợp duy nhất, mụ cô mi, mệ cô mi, ngụ ý chưởi rủa, có khi thậm tình:
- Mụ cô thằng nớ, cứ trốn tau hoài!
Cùng với mụ cô mi, mệ cô mi, Huế còn có một câu chưởi dễ thương trong gia đình dành cho con cháu: cha mụ họ mi! Ví dụ: cha mụ họ mi, đi mô cả tháng ni, bửa ni lò mò tới...
(Nguyên Hương - Bên lề 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế)

Bờn tờn
Bờn tờn : lăng xăng
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Huế (II)
Sự xuất hiện của địa danh "Huế"
Nguồn gốc tên gọi này được học giả Thái Văn Kiểm kiến giải: Căn cứ dữ kiện về ngôn ngữ và từ điển thì có thể chữ Huế đã xuất hiện trong thời kỳ Nam Bắc phân tranh, chữ Huế bắt nguồn từ chữ Hóa trong địa danh Thuận Hóa. Hóa biến thành Huế có thể là do kị huý, theo ông, có thể là tên ông Nguyễn Nạp Hóa, cháu 6 đời của ông Nguyễn Bặc - công thần của nhà Đinh - tổ của nhà Nguyễn hoặc cũng có thể do kiêng tên bà Hồ Thị Hoa, chánh cung của vua Minh Mạng, thân mẫu của vua Thiệu Trị- vì Hoa và Hóa đọc na ná - nên Hóa phải đổi thành Huế.
(…phỏng theo Nguyễn Gia Kiểm – báo Làng Văn)

Ca dao trái nghịch
Bởi tính nết của mấy bà mấy cô lắm khi trái nắng trở trời, thế nên ca dao có những câu ám chỉ sự nghịch lý ấy. Như: “Bao giờ cho chuối có cành – Cho sung có nụ, cho hành có hoa v.v...”.
Vì người ta vẫn gọi là quả sung thì chính là “hoa sung”, giống “ẩn hoa khỏa tử” nên lấy đâu ra “nụ sung”.
(Nguyễn Hữu Nhật – Tiếng Việt hay quá)

Bun
Bun : vun lại
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Thi Hương
Cuộc thi được tổ chức tại các trường nhiều nơi (từ Hương do nghĩa khu vực quê hương của người thi). Nhưng không phải tỉnh nào cũng được tổ chức thi Hương. Trường thi chia ra làm nhiều vùng. Ba bốn trấn hoặc tỉnh cùng thi ở một nơi, thí dụ trường Nam là tập trung thí sinh ở các tỉnh chung quanh Nam Định , trường Hà các tỉnh chung quanh Hà Nội vv... Theo quy định từ năm 1434 , thi Hương có 4 kỳ:
- I: Kinh nghĩa, thư nghĩa;
- II: Chiếu, chế, biểu;
- III: Thơ phú;
- IV: Văn sách.

Thi qua 3 kỳ thì đỗ Tú Tài (trước 1828 gọi là Sinh đồ ) – tên dân gian là ông Đồ, ông Tú. Tuy có tiếng thi đỗ nhưng thường không được bổ dụng. Nhiều người thi đi thi lại nhiều lần để cố đạt cho được học vị Cử nhân. Lần thứ nhất đỗ gọi là "ông Tú", lần thứ hai vẫn đỗ Tú tài thì gọi là "ông Kép", lần thứ 3 vẫn thế gọi là "ông Mền". Thi qua cả 4 kỳ thì đỗ Cử Nhân (trước 1828 gọi là Hương cống) ông Cống, ông Cử. Sau đấy được bổ dụng làm quan ở tỉnh, hoặc huyện. Khoa thi Hương đầu tiên năm 1396 đời Trần Thuận Tông, khoa thi Hương cuối cùng tổ chức năm 1918 đời vua Khải Định. Người đỗ đầu gọi là Giải Nguyên
(Khoa bảng Việt Nam thời xưa – Phạm Vũ)

Chén tạc chén thù
Chén tạc chén thù – Tạc: mời. Thù: trả. Chén rượu mời, chén rượu trả để đáp lễ trong tiệc rượu.
Truyện Kiều có câu:
“Vợ chồng chén tạc chén thù
Bắt nàng đứng trực trì hồ hai nơi”.
Ta có câu “chén chú chén anh”.

Nghịch lý quan họ
Tiếng hát quan họ, là nghệ thuật của yêu thương quyến luyến xoắn quyện, chan chứa day dứt lên đến đỉnh điểm tuyệt vời của âm dương giao hòa, hình thái cực kỳ lẳng lơ, đa tình nhưng nghệ thuật hát ấy chứa một nghịch lý rất khó hiểu: Trai gái hát với nhau thì đưa tình, trao duyên nồng nàn đằm thắm thế, nhưng lại phải tuyệt đối vâng theo lệ làng quan họ là không được vượt qua ranh giới giữa tiếng hát và tình chăn gối, nghĩa là chỉ được yêu nhau trong tiếng hát mà không được yêu nhau trong đời thường yêu nhau đi đến hôn nhân, hoặc dân làng phát hiện ra những trò trên bộc trong dâu thì lập tức bị khai trừ ra khỏi phường, hội...
Cùng một phường, hội không được lấy nhau đã đành, có nơi còn nghiêm ngặt hơn là ngay cùng một làng cũng không được lấy nhau. Có thể lấy người ở làng khác, và nếu thế, vợ hát một nơi, chồng ca một nẻo, mà đã hát thì phải diễn ra sắc thái, phong vị lẳng lơ, quyến luyến, đa tình, đằm thắm hơn cả đêm tân hôn, mà lại cấm kỵ không được tỏ ý ghen tuông nữa kia. Hễ ghen mà sinh sự cũng bị khai trừ.
Ây thế, quan họ nó rắc rối về mặt tình cảm như vậy
(Hoàng Cầm - Tác phẩm - văn xuôi)

(còn tiếp)