Dạy học dạy hành

Tạ Quang Khôi

 

Thầy đồ thầy đạc,
Dạy học dạy hành,
Vài quyển sách nát
Dăm thằng trẻ ranh…

Tú Xương

Bước chân vào nghề gõ đầu trẻ đối với tôi là một bất ngờ thú vị trong cuộc đời vốn đã có nhiều bất ngờ. Không bao giờ tôi dám nghĩ tôi có thể trở thành gương mẫu cho kẻ khác noi theo, đúng với nghĩa của hai chữ “mô phạm”. Tôi thành thật thú nhận rằng tôi không phải là một con người đạo đức dù tôi chưa hề gây nên một tội ác nào hoặc có những hành động vô luân, nhưng tôi là con người phóng khoáng, không thích ép mình trong một kỷ luật hay một khuôn phép nào. Tôi đã từng mơ trở thành một bác sĩ, một kỹ sư hay một luật sư. Khi làm báo, viết văn, tôi cũng mơ trở thành một nhà văn nổi tiếng. Nhưng rồi tôi bỏ giấc mơ này sớm nhất vì tự biết mình không có văn tài. Lần lượt, tôi cũng bỏ luôn cả những giấc mơ bác sĩ, kỹ sư vì nghĩ rằng mình chưa đủ thông minh để đạt tới mức cao như vậy. Thế là chỉ còn lại giấc mơ luật sư. Tôi đã sửa soạn đủ giấy tờ để ghi tên vào trường luật.

Một hôm, vào đầu năm 1958, tôi đọc báo thấy bộ Giáo dục cho biết sẽ mở trường Đại Học Sư Phạm để đào tạo giáo sư đệ nhị cấp. Trường đại học này thay thế cho trường Cao Đẳng Sư Phạm hiện có, đào tạo giáo sư đệ nhất cấp. Lúc đó, tôi không biết đại học khác với cao đẳng như thế nào, nhưng số học bổng hàng tháng của trường đại học hấp dẫn tôi tuy chẳng nhiều nhặn gì, chỉ có ngàn rưởi một tháng thôi, nhưng có thể giúp tôi bỏ nghề viết truyện dài đăng báo hàng ngày. Số tiền này cộng với số lương đài phát thanh Saigon có thể tạm thời giúp tôi sống ung dung đến ngày học xong đại học.

Viết truyện dài đăng từng ngày trên báo không những phải moi óc tạo nên những tình tiết ly kỳ hoặc “lâm ly bi đát” để lôi cuốn người đọc mà còn phải chiều theo thị hiếu của độc giả nữa. Một hôm, một ông chủ bút của một tờ nhật báo lớn ở Saigon “dạy bảo” tôi như sau :”Người ta thích tý ty tình cảm, tý ty khiêu dâm, tý ty ly kỳ thì mình phải pha chế làm sao cho hấp dẫn mới…ăn khứa.” Nghe lời “giáo huấn” này, tôi buồn lắm. Ai viết văn cũng muốn viết theo ý mình, chứ không lệ thuộc vào người đọc. Thì ra viết truyện dài đăng báo để kiếm tiền khác với viết văn thuần túy. Riêng đối với tôi, một người không có văn tài, viết “phơi ơ tông” cho báo hàng ngày còn cực hơn “kiếm ăn từng bữa toát mồ hôi” của nhà nho Từ Diễn Đồng.

Vì suy tính như vậy, tôi quyết định dự thi tuyển vào trường Đại Học Sư Phạm Saigon. Khi tôi cho bà chị ruột tôi biết quyết định này, chị mừng lắm. Chị nói :”Ừ, cậu tính thế là phải. Thấy cậu lông bông mãi, chẳng có nghề ngỗng gì nhất định, tôi cũng buồn và thương cậu.” Khi miền Nam sụp đổ, năm 1976, Bố tôi từ Nam Định vào thăm chúng tôi. Hơn hai chục năm không được gặp Cụ, tôi vui mừng lắm. Nhưng tôi biết chắc bố tôi còn vui hơn tôi vì được gặp một đàn cháu nội, ngoại. Một hôm, Cụ nói với tôi :”Tôi không nghĩ là anh lại làm nghề dạy học. Tôi cứ tưởng anh chỉ làm đến cảnh sát thôi.” Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao ? Cụ cho biết :”Thời đi kháng chiến chống Pháp, anh làm tình báo thì sau này nếu có làm cảnh sát cũng phải thôi. Nhưng tôi rất mừng khi biết anh đã chọn cái nghề cao quý này.”

Trong các môn học, tôi chọn môn Việt Hán cho dễ…”ăn”. May quá, khi có kết quả, tên tôi đứng vào hàng thứ mười một trong số bốn mươi ba người trúng tuyển. Khi chúng tôi học gần hết năm thứ nhất, số sinh viên của lớp tôi chỉ còn bốn mươi hai, vì một người bị “mời đi chơi chỗ khác”. Văn phòng khám phá ra bằng tú tài giả của anh ta. Sau khi biết kết quả tôi chạy ngay vào văn phòng nhà trường hỏi xem bao giờ được lĩnh học bổng ? Tôi muốn biết sớm để có thể báo cho các ông chủ nhiệm và chủ bút mấy tờ báo tôi đang cộng tác biết là tôi sẽ ngưng viết phơi ơ tông để các ông tìm người viết thế cho kịp thời. Riêng ông Hồ Anh, chủ nhiệm báo Ngôn Luận vẫn muốn giữ tôi lại. Tôi đành viết thêm cho Ngôn Luận một truyện nữa rồi ngưng hẳn. Tôi nghỉ viết nhiều năm và tính “cai” luôn. Nhưng đến năm 1967, thời “kinh tế kiệm ước” của ông tổng trưởng Kinh tế Phạm Kim Ngọc, lương công chức không đủ sống, tôi lại phải cầm bút lại, vì dù sao viết truyện dài đăng báo hàng ngày vẫn đỡ cực hơn dạy tư.

Học Đại Học Sư Phạm, riêng với ban Việt Hán của tôi, thật ra cũng rảnh rang lắm. Tôi quen với nhiều bạn mới, cả nam lẫn nữ, tất cả đều thua tuổi tôi. Người trẻ nhất kém tôi tới 11 tuổi, còn ít ra cũng 4 tuổi. Tôi không có mặc cảm hoặc xấu hổ gì hết vì đời tôi nhiều gian truân, biến đổi, làm cho mọi việc thường chậm trễ hơn những người khác. Theo lời Mẹ tôi kể lại, hồi mới ra đời, tôi quặt quẹo, ốm đau, tưởng đã không nuôi được. Nhưng vì tôi là đứa con trai thứ nhất, sau khi hai chị tôi ra đời, nên Bố tôi tìm mọi cách để cứu tôi sống sót. Nhờ quyết tâm của Cụ, tôi qua khỏi mọi hiểm nguy, nhưng tạng người yếu ớt, đầu óc chậm lụt. Mãi đến năm 8 tuổi tôi mới bắt đầu được học abc, nghĩa là chậm hơn các trẻ khác khoảng ba năm. Thế rồi mới 17, chưa học hết năm thứ 3 trung học (tôi học trường tư vì không thi vào trường thành chung của nhà nước được), tôi đã bỏ nhà đi theo kháng chiến. Bị thương, bị sốt rét ngã nước nặng đến nỗi tưởng đã vùi thân trong rừng Hòa Bình, bị mù mắt mấy tháng trời rồi phải chữa chạy liền mấy năm. Những chuyện lủng củng ấy đã làm chậm trễ việc học của tôi rất nhiều. Thi cử bao giờ tôi cũng đỗ khóa hai hoặc khóa…ba. Khi di cư vào Nam tôi phải lao vào đời, kiếm kế sinh nhai để tự lập. Trong khi đó, trí thông minh của tôi chỉ ở mức trung bình, nếu không muốn mang tiếng là tự nói xấu mình quá đáng. Bước lên được bậc đại học cũng là một kỳ công mà chính tôi cũng phải ngạc nhiên. Vậy thì học chung với những người ít tuổi hơn là điều tất nhiên. Khi biết tuổi thật của tôi, các bạn đồng môn coi tôi là niên trưởng.

Thấy tôi được nhận vào Đại Học Sư Phạm, ông anh rể và bà chị ruột tôi mừng cho tôi một chiếc xe Vespa mới toanh để tiện việc “chạy bàn” từ đài phát thanh về trường và ngược lại. Nhưng chưa học hết năm thứ hai tôi đã bán xe đi để một người bạn thân của tôi có thêm tiền làm đám cưới với người yêu.

Sau khi tốt nghiệp, vì đậu hạng thấp, khóa hai, tôi phải hành nghề gõ đầu trẻ ở một trường xa Saigon. Lúc đó tôi mới nghỉ việc ở đài phát thanh Saigon. Cuộc đời mới, mới toanh, bắt đầu.

Khi vào nghề, cứ thành thật mà nói, tôi thuộc loại giáo sư trung bình. Nhưng tôi có nhiều may mắn nên cuộc đời “giáo mác” của tôi không đến nỗi thất bại. Tôi cũng được học sinh mến và cũng leo lên hàng…”học quan” và còn được “Văn Hóa Bội Tinh”. Nếu nói đến may mắn, tôi phải công nhận tôi có nhiều may mắn hơn bất cứ ai trên cõi đời này. Hồi tôi còn nhỏ, một ông thầy số Tử vi nổi tiếng, người Thanh Hóa, đã phán :”Cậu nhỏ này không học được. Nhưng có thể giầu có nhờ buôn bán hoặc làm kỹ nghệ.” Bố Mẹ tôi tin lắm, nên khi thấy tôi học hành chậm chạp, lười biếng, các Cụ mở cho tôi một cửa hàng vàng để nối nghiệp cha. Lúc đó, tôi mới 16 tuổi. Cửa hàng vàng chỉ tồn tại trong vòng nửa năm, rồi cũng bị dẹp vì tính ham chơi của tôi. Có bao giờ tôi chịu ngồi trong cửa hàng đâu, mặc cho thợ bạc ăn gian, ăn cắp. Trong thời đi theo kháng chiến, tôi gặp rất nhiều may mắn nên thoát chết mấy lần, kể cả một lần có người đã chết thay cho tôi..

Vào năm 1971, một giáo sư trường Nguyễn Trãi được làm hiệu trưởng. Tôi không hiểu ông nghe ai mà nhất định mời tôi làm giám học. Tôi cũng nhất định từ chối. Ông đến nhà tôi năn nỉ mấy lần. Trong trường không thiếu giáo sư xứng đáng và nhiều thâm niên và kinh nghiệm hơn tôi, tại sao ông không chọn lại cứ ép tôi ?. Tôi nêu thắc mắc đó với vợ tôi. Bà ấy tủm tỉm cười, rồi nửa đùa nửa thật :”Tại cái miệng anh nói dẻo quẹo nên ông ấy thích anh.” Một giáo sư khác trong trường được mời làm phó tổng giám thị. Ông phó tổng tương lai này lại nêu một điều kiện kỳ quặc với ông tân hiệu trưởng là “nếu ông Khôi làm giám học thì tôi mới làm phó tổng giám thị.” Ô hay, tại sao tôi phải dính dấp, phải vào “ê kíp” với mấy ông ấy nhỉ ? Cuối cùng, tôi nghe lời khuyên của vợ tôi :”Thôi, anh nhận đi cho các ông ấy khỏi buồn.”

Khi làm giám học trường Nguyễn Trãi, tôi đề nghị trường nam đổi thành hỗn hợp, cho cả nữ sinh vào học, vì khu Khánh Hội chua có trường dành riêng cho nũ sinh trung học. Thế là trường có những bông hoa tươi thắm làm mất đi cái vẻ khô khan, buồn tẻ của một trường học chỉ có toàn nam sinh. Dân chúng trong vùng quận 4 mừng lắm và ca tụng ông hiệu trưởng hết lời.

Ông hiệu trưởng này chỉ ở với trường Nguyễn Trãi có hai niên khóa, rồi được bộ Giáo dục cử lên làm chánh sở Học chính Gia định. Vì muốn đi nhậm chức sớm, ông lại…năn nỉ tôi thay ông. Tôi lại từ chối vì không thích nhận một trách nhiệm nào nữa. Trong hai năm làm giám học, tôi thấy mệt mỏi và số tiền kiếm được hàng tháng bị sút giảm quá nhiều. Tôi phải bỏ viết truyện dài đăng báo hang ngày để lo việc nhà trường. Vợ con bắt đầu nheo nhóc. Ngoài ra, còn một chuyện khác làm tôi thêm buồn chán, không muốn nhận trách nhiệm lớn hơn. Vào giữa năm 1972, tôi tình cờ bắt gặp một nhóm học sinh thân cộng lén họp trong một lớp trống. Tôi bèn đề nghị đưa ra hội đồng kỷ luật cả 5 đứa. Rồi tôi đề nghị đuổi vĩnh viễn cả 5, với lời phê :”Thân cộng, vô kỷ luật !” Ban giám đốc nhà trường cho rằng phê như vậy, chúng sẽ không được trường nào dám nhận, kể cả trường tư. Hơn nữa, muốn đuổi vĩnh viễn một học sinh phải có sự chấp thuận của nha Trung học. Nhưng tôi cương quyết giữ vững lập trường. Tôi nói với hội đồng kỷ luật là tôi phải bỏ quê cha đất tổ, bỏ cha mẹ để di cư vào Nam là vì muốn trốn tránh cộng sản. Tôi không thể dung tha cho bất cứ kẻ nào tiếp tay cho cộng sản phá hoại miền Nam. Biên bản buổi họp của Hội đồng kỷ luật với lời đề nghị đuổi vĩnh viễn 5 học sinh thân cộng bị nha Trung học bác bỏ. Ông giám đốc yêu cầu xét lại. Tôi liền đích thân viết một công văn, ký thay mặt hiệu trưởng, nói rằng nếu nha không chịu đuổi vĩnh viễn những tên thân cộng thì xin nha cho người xuống quản lý trường Nguyễn Trãi để chúng tôi trở lại làm giáo sư cho yên thân. Công bằng mà xét, tôi đã qua mặt ông hiệu trưởng khi ký công văn này. Thấy tôi quyết liệt như vậy, ông giám đốc nha Trung học đành chấp thuận đề nghị của hội đồng kỷ luật.

Tưởng như vậy là xong, nhưng không, một tuần sau, vào một buổi sáng, bọn học trò thân cộng đến trường xách động học sinh biểu tình chống tôi, nêu đích danh tôi và yêu cầu tôi từ chức giám học. Đứng đầu bọn xách động là trò Lê Văn Tâm, một đàn em của Lê Văn Nuôi, cán bộ cộng sản trong tổ chức “học sinh vận”. Thế là cả trường xôn xao. Nhiếu giáo sư ngạc nhiên về mục đích của cuộc biểu tình. Thường thường học sinh chỉ phản đối tổng giám thị, người phụ trách về kỷ luật nhà trường. Giám học trông coi việc học và liên lạc với các giáo sư thôi. Thấy trường lộn xộn quá, tôi đề nghị ông hiệu trưởng cho đóng kín cổng trường để “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trung tá quận trưởng quận 4 (người ta thương gọi là ông Cò Mi) điện thoại cho ông hiệu trưởng đề nghị mở cổng trường để cảnh sát vào dẹp biểu tình. Ông hiệu trưởng hỏi ý kiến tôi, tôi vội bác bỏ đề nghị này vì nếu cảnh sát vào trường, cuộc biểu tình sẽ nổ lớn. Bọn xách động sẽ có lý do chính đáng và sẽ khiến tất cả các các học sinh trong đám biểu tình, dù không thân cộng, cũng nổi giận và đứng về phe bọn xách động. Trong khi đó, tôi nói nhỏ với các ông giám thị của các lớp lớn (như lớp 11 và 12) nhờ các ông ấy đến từng khu khuyên các học sinh lớn nên vào lớp học, đừng nghe bọn thân cộng xúi dại, có hại đến việc học mà kỳ thi tú tài đã gần kề. May mắn là các học sinh này đã nghe ra, từ từ bỏ hàng ngũ biểu tình, kéo nhau vào lớp. Bọn học sinh nhỏ thấy các đàn anh bỏ cuộc cũng theo gương. Rút cục chỉ còn lại một nhóm học sinh thân cộng chừng hơn mười đứa. Thấy bị các bạn bỏ rơi, chúng cũng vội lẩn trốn mất tiêu. Sau này, khi cộng sản chiếm miền Nam được mấy năm, một hôm tôi tình cờ trông thấy một đứa trong nhóm 5 tên thân cộng đang ngồi ở một ngã tư làm nghề sửa xe đạp để kiếm ăn. Tôi vội đi lảng sang bên kia đường để tránh mặt nó. Nhưng nó đã trông thấy tôi, vội chạy theo, chào thật lớn : ”Thưa thầy !” Tôi đành phải dừng bước. Tôi chưa biết nên nói gì, nó đã lên tiếng :”Em xin lỗi thầy. Hồi đó em nghe trò Tâm chống đối thầy. Bây giờ thì em sáng mắt ra rồi.” Tôi chỉ dè dặt ầm ừ cho xong chuyện. Nó còn nói thêm :”Em đã đi thanh niên xung phong về miền Tây đào mương, đào rạch, ngày làm 16 tiếng. Bây giờ em đã hiểu tại sao thầy chống chúng nó. Em bỏ về Saigon để sống tạm bợ bằng nghề sửa xe đạp đầu đường này.” Tôi chỉ đáp hững hờ ”Thế à ?” rồi viện cớ bận việc bỏ đi ngay. Trong chế độ cộng sản, trừ với ruột thịt hoặc bạn bè thật thân, còn không thể tin ai được.

Thấy làm “chức lớn” chả có lợi lộc gì mà trách nhiệm lại nặng nề, tôi không nhận làm hiệu trưởng. Ông tân Chánh sở Học chinh Gia Định lại năn nỉ tôi như lần trước. Tôi vẫn cương quyết từ chối. Một hôm, tôi nhận được thư mời lên nha Trung học gặp ông giám đốc. Tôi hơi ngạc nhiên vì tôi không có chuyện gì để liên lạc với nha, bộ. Giám đốc nha Trung học lúc đó là ông Phạm Tấn Kiệt, một giáo sư tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm môn Sử Địa. Ông là một thành viên trong nhóm Liên trường của phe người Nam, chủ trương kỳ thị người Bắc. Khi gặp tôi, ông khuyên tôi nên nhận chức hiệu trưởng vì trường Nguyễn Trãi là một trường Bắc kỳ di cư, không thể bổ một người Nam kỳ về đó. (Điều này thật sự không đúng vì trường Hồ Ngọc Cẩn bên Gia Định, cũng là một trường Bắc di cư mà bộ Giáo dục cũng đưa một người Nam về làm hiệu trưởng. Không những thế, ông hiệu trưởng người Nam này bị bán thân bất toại, chỉ ngồi nhà, không thể đến trường làm việc bình thường được). Ngoài ra, vì thời gian ngắn ngủi, không thể tìm ngay được một giáo sư Bắc kỳ di cư như tôi. Trong khi đó, tòa tỉnh trưởng Gia định muốn ông chánh sở Học chính nhậm chức ngay. Không biết có phải để lấy lòng tôi không, ông nhận ông là một “độc giả trung thành” của tôi. Chính ông cũng là một nhà văn chuyên viết những bài khảo cứu về lịch sử và địa lý với bút hiệu Long Điền. Ông còn hứa sẽ giúp tôi bất cứ chuyện gì liên quan đến trường Nguyễn Trãi. Bị dồn vào thế kẹt, tôi hứa sẽ trả lời trong vòng một tuần.

Khi ra khỏi nha Trung học ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhìn thấy bảng hiệu trường Trưng Vương, tôi bỗng có một ước mơ ngông cuồng là nếu được mời làm hiệu trưởng trường này, tôi sẽ vồ ngay lấy cơ hội hiếm hoi ấy. Làm sao có thể từ chối khi được gần gũi các nữ giáo sư và học sinh đẹp như hoa, xinh như mộng. Nhưng ai mà thèm cử một tên đực rựa làm hiệu trưởng một trường nữ bao giờ. Chỉ mơ ước viển vông !

Trên đường về, tôi nhớ lại lời ông giám đốc nha Trung học, rồi nghĩ đến hoàn cảnh của mình. Người ta, đứng bên ngoài, làm sao hiểu nổi tình trạng tài chính của tôi trong khi tôi vẫn lái xe hơi đi làm. Họ sẽ cho là tôi làm cao, làm phách, làm khó dễ bạn bè. Dù sao ông hiệu trưởng cũ, bây giờ là Chánh sở Học chính Gia Định, cũng là người hiền lành, đối xử với các đồng nghiệp rất tốt.

Vì nghĩ như vậy, hôm sau, tôi điện thoại cho ông giám đốc nha Trung học để nhận lời.

Ông Phạm Tấn Kiệt là người trọng chữ tín. Tôi xin ông mấy việc cho nhà trường đều được ông đáp úng mau lẹ.

Nhưng tôi chỉ làm hiệu trưởng Nguyễn Trãi có đúng một niên khóa, rồi xin từ chức. Người ta làm hiệu trưởng thì nhàn nhã, tôi thì vất vả quá. Biết mình không thông minh bằng người khác, tôi phải đem sức lao động ra bù đắp chỗ yếu kém đó. Tôi đến trường trước 8 giờ sáng và rời khỏi trường sau 10 giờ đêm khi lớp tối tan học. Tôi ít có thì giờ với gia đình quá nên một hôm vợ tôi nửa đùa nửa thật nói :“Anh yêu trường hơn yêu em.” Ngoài ra, trong một năm làm hiệu trưởng, tôi đã phải vào nhà thương cấp cứu hai lần và lần thứ ba thì phải giải phẫu. Cơ thể tôi vốn yếu đuối nay phải gắng hết sức ra làm tròn nhiệm vụ được giao phó nên bị suy sụp nhanh chóng. Tôi nhớ đến câu thơ của bà Hồ Xuân Hương :”Xấu máu đừng ham miếng đỉnh chung !”

Khi vừa hết niên học, tôi nộp đơn lên nha Trung học xin từ chức để trở về làm giáo sư như trước kia. Nhưng tôi lại gặp may lần nữa. Lúc đó, bộ Giáo dục đang cải tổ một vài cơ chế. Ngành thanh tra trung học sẽ đổi thành Thanh Tra đoàn. Một người bạn đồng nghiệp, lúc đó đang là thanh tra trung học, đề nghị tôi gia nhập Thanh Tra đoàn. Thế là đầu niên khóa 1974-75, tôi rời khỏi trường Nguyễn Trãi để trở thành một thanh tra trung học của bộ Giáo dục. Tôi đã gặp hết may mắn này đến may mắn khác nên “thăng quan tiến chức” mau lẹ, trong khi thực tài của tôi còn thua xa nhiều đồng nghiệp.

Cuộc đời làm thanh tra của tôi còn ngắn ngủi hơn nữa, vì đã chấm dứt vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Sau mấy ngày học tập tại cơ quan, tôi bị đuổi ra khỏi ngành giáo dục, giao cho địa phương nơi cư trú quản lý. Trong khi đó, hầu hết các thanh tra được cho ra trường dạy học. Lý do giải nhiệm của tôi là tôi đã viết nhiều truyện chống cộng. Nhưng tôi vẫn còn một may mắn là không phải đi “học tập cải tạo”. Theo thông cáo của Ủy Ban Quân Quản, tất cả những người đã từng giữ chức từ chánh sự vụ trở lên đều phải trình diện “học tập”, vì coi như có “nợ máu với nhân dân”. Tôi cũng khăn gói quả mướp tới trường nữ trung học Gia Long xếp hàng xin…đi tù vì tôi suy luận rằng chức thanh tra trung học lớn hơn cả chức chánh sự vụ. Nhưng tôi chưa kịp vào văn phòng ghi tên vào sổ tù, một ông thanh tra cũ chợt đến tìm tôi cho biết tôi không phải đi “tập trung cải tạo” vì thanh tra không có “nợ máu” với bất cứ ai nên được “học tập” ngắn hạn tại cơ quan. Tôi hú vía, vội vàng đến trụ sở thanh tra đoàn cũ để hỏi người cán bộ tiếp quản cơ quan của tôi. Anh ta tên là Khởi, cũng là một giáo viên ở ngoài Bắc bị “đi B”. Anh xác nhận là chúng tôi chỉ phải “học tập” tại chỗ. Rồi sau khi “học tập”, tôi bị đuổi ra khỏi nghề giáo mác. Đó là một khúc quanh mới trong đời tôi. Từ lúc này, may mắn không phù hộ tôi nữa. Tôi đã gặp hết khó khăn này đến đau khổ khác. Cuối cùng, vợ tôi qua đời vì hai bệnh : ung thư và liệt thận.

Cho đến lúc tôi viết những hàng chữ này (tháng 6 năm 2005), có nhiều bạn đồng môn của tôi đã ra người thiên cổ, kể cả người trẻ nhất, kém tôi 11 tuổi. Có hai người làm mồi cho cá vì hải tặc Thái Lan trên đường vượt biên. Một người tự tử vì tình, một người vì bệnh quên (Alzheimer), còn đa số vì ung thư…

(Trích “Những vui buồn trong nghề ”gõ đầu trẻ”) Tạ Quang Khôi