Lời Chúa: Bụt nhà không thiêng!

Trà Lũ
 
Canada đang giữa mùa Đông, nhưng không giá buốt như mọi năm. Anh hàng xóm da trắng của tôi bảo ông thần mùa Đông năm nay đã đổ lầm tuyết mưa băng giá xuống Texas bên Hoa Kỳ. Ngồi nhà xem TV thấy dân Texas điêu đứng mà thương hết sức. Với tôi, hình ảnh gây xúc động nhất là hình ảnh cái quạt trần bị rỏ nước từ trần chảy xuống đóng thành băng, những cục băng dài lơ lửng. Tôi chưa từng thấy cái cảnh đó bao giờ.
Phải giam trong nhà, cả ngày ai cũng ôm cái TV và mạng lưới. Suốt ngày toàn tin COVID-19, tin tân vương Biden và cựu vương Trump, tin quân đội Miến Điện làm đảo chính và dân xuống đường, tin các tàu chiến quốc tế tới Biển Đông… Đúng phải vậy không cơ?
Xin bỏ qua các chuyện này để các cụ bớt nhức đầu, tôi xin kể hầu các cụ những chuyện khác nha. Tin đầu tiên là cuối năm vừa qua, Canada vừa tìm ra một mỏ vàng và kim cương lớn ở vùng Nunavut miền cực Bắc. Vàng và kim cương lẫn với nhau. Mỏ này lớn như mỏ vàng Witwatersand Goldfield ở Nam Phi hiện nay. Canada đã giầu nay sẽ giầu thêm nữa các cụ ơi. Tin thứ hai là tin Canada vừa được đứng đầu danh sách số một về chất lượng cuộc sống trong năm 2020 vừa qua, đây là lần thứ năm Canada được xếp hạng như vậy. Trong danh sách “Top 10” sau Canada là Đan Mạch, Thụy Điển, và Na Uy… Canada ngon lành như vậy hèn chi mà bà Kamala Harris, phó vương bên Hoa Kỳ, thuở thập niên 1970 đã sang học bốn năm trung học ở đây, miền Montreal của tỉnh bang Quebec đấy các cụ ạ.
Nghe tôi nói vậy thì ông bồ chữ Từ Hòe cười hà hà. Ông bảo không biết tương lai của bà phó vương này sẽ ra sao, nhưng xem buổi lễ bà tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống thì thấy cũng kỳ lạ. Quốc vương Biden tuyên thệ xong thì đến lượt bà. Bà cũng như vua Biden đều đặt tay trên sách Thánh Kinh. Có điều kỳ lạ là bà để tay lên trên hai cuốn Thánh Kinh. Kỳ ha.
Xin hết chuyện Hoa Kỳ, xin được nói về tin quốc tế. Theo các nguồn bí mật cho biết, hiện Trung Quốc đã đổ vào Canada $800 tỷ. Họ tràn ngập miền Tây, con cái họ đi học toàn lái các loại xe xịn nhất. Họ chọn mua những cơ sở thương mại to nhất, ở những căn nhà sang trọng nhất. Họ sống vương giả trên miền đất hạnh phúc này.
Ông ODP bồ chữ của làng An Lạc chúng tôi nói ngay: “Họ đang trả thù cho mối hận ngày xưa đấy mà". Nhiều hội viên trong làng không hiểu gì nên ông bồ chữ giải thích: “Hồi Canada lập quốc, giới da trắng là vua kỳ thị trên đất nước này. Những năm 1881-85 có khoảng 15,000 người Hoa đến đây thì 6,500 người phải đi làm cho đường sắt Canadian Pacific Railway. Họ là những nhân công cực khổ nhất, làm việc nặng nhọc nhất, và được người da trắng gọi là cu li. Khi đường sắt nối liền Đông Tây Canada làm xong thì người da trắng làm luật cấm người Hoa đến Canada. Trong 38 năm liền, người Hoa muốn vào Canada phải đóng thuế đầu người. Năm 1885 thuế đầu người là $50, năm 1900 tăng lên $100, năm 1903 tăng lên $500. Sổ thuế còn ghi rõ ràng: Từ năm 1885 đến 1923 Canada thu thuế ‘head tax’ được $23 triệu, lúc đó lương công nhân là $5 một tuần. Phong trào chống người Hoa rất mạnh. Năm 1907, hơn 5,000 người da trắng xuống đường chống người Hoa và đuổi người Hoa về nước. Họ vừa hò hét vừa ném đá vào người Hoa. Nhiều cơ sở của người Hoa bị phá. Nhiều người Hoa từ Vancouver trốn sang Toronto. Thế Chiến I, người Hoa được nhập lính Canada, nhưng là lính bậc 2, không cầm súng mà chỉ cầm cuốc xẻng để đào hầm cho lính da trắng. Thế Chiến II, người Hoa đóng góp rất nhiều cho Canada về nhân lực lẫn tài lực, do đó người da trắng mới bắt đầu nể người Hoa. Phải đợi đến đời Thủ Tướng Pierre Trudeau làm ra Chính Sách Đa Văn Hóa (Policy of Multiculturalism), người Hoa mới được dễ dàng đoàn tụ với gia đình ở Canada".
Sau người Hoa, người Ấn Độ cũng bị kỳ thị ở Canada. Năm 1908 có hơn 5,000 người Ấn Độ tới Canada, nhưng toàn là đàn ông và phải trả $200 một đầu người. Năm 1911, Canada chỉ nhận thêm 2,342 người Ấn Độ trong khi nhận 100,000 người da trắng Ukraine. Mãi tới năm 1947, Canada mới thôi đuổi người Ấn Độ, và họ mới có quyền đi bầu. Thời đó báo chí ghi rằng dân Canada nhìn ai thì đầu tiên họ nhìn tới màu da, rồi tới phái tính. Báo chí Canada thời đó chê người Ấn Độ là dân “cà ri hôi hám". Kẹt và xui một cái là người Ấn Độ luôn chia rẽ nhau vì tôn giáo: đạo Sikh, đạo Hồi, đạo Ấn Độ Giáo.
Ngoài người Hoa và người Ấn Độ, người Nhật cũng bị nạn nữa. Năm 1941, Nhật ném bom Trân Châu Cảng, lúc đó ở Canada có vào khoảng 20,000 người Nhật. Do áp lực của Mỹ, Canada bắt gom những người Nhật này vào các trại tập trung ở miền Tây. Năm 1988, thủ tướng Canada là ông Mulroney đã chính thức xin lỗi người Nhật về sự bất công này…
Nghe ông ODP kể đến đây thì chị Ba Biên Hòa lên tiếng: “Người Việt chúng ta thật là có phước và may mắn. Năm 1975, người Việt tị nạn được Canada mở cửa đón tiếp thân ái nồng nàn. Chúng ta thế hệ thứ nhất đã hội nhập và phát triển, đã sinh hoa kết trái rực rỡ trên mảnh đất phì nhiêu và đầy tình người này".
Rồi chị Ba miên man sang lãnh vực con cháu, tức thế hệ thứ hai. Chị kể năm ngoái khi chưa có dịch COVID-19, chị đến thăm một bà bạn. Bà đẻ thêm tới ba người con trai lận. Bà chỉ vào hình chụp ba cậu con trai đã lập gia đình. Bà chỉ vào ông con trai thứ nhất rồi kể: “Tôi có bầu thằng này rồi vượt biên. Ôi chuyến đi hãi hùng, nhưng rồi cũng tới được Thái Lan. Sống lây lất ở trại mấy tháng rồi do tổ tiên phù hộ chúng tôi được Canada nhận, cháu sinh ở Canada nhưng có gốc ở Việt Nam. Chỉ thằng này có gốc ở Việt Nam nên mặt mũi trông cứng rắn hơn hai em nó. Đây là Út Hai, đây là Út Ba. Cả ba thằng đều là kỹ sư cơ khí, làm cho hải quân. Ông xã tôi gốc hải quân mà".
Tôi hỏi thằng Út Bốn đâu thì chị bạn cười khì khì: “Cột rồi! Dân Canada có ai đông con như bọn tôi đâu! Bà bạn tôi có tới sáu con lận, ba gái sinh ở Việt Nam, ba trai sinh ở Canada".
Cụ B.95 nghe xong chuyện này thì quay vào anh John: “Chị Ba đã kể xong, bây giờ đến lượt anh. Anh kể chuyện gì hay hay của Canada đi".
Anh John liền gãi đầu rồi thưa: “Canada thì nhiều chuyện lắm, cháu chưa biết chọn chuyện gì. Nhân nghe bác Từ Hòe nói tới thời sự Miến Điện, phe quân nhân đảo chính, cháu liền nghĩ tới chuyện sợ vợ ở Miến Điện. Sách chép là chuyện gốc Miến Điện, có người bảo chuyện này gốc bên Lào, nhưng không sao, gốc nước nào cũng được, ý chuyện mới là chính. Rằng ngày xưa có một ông vua Miến Điện, rất hiền lành và đạo đức nổi tiếng. Ông hay ngồi thiền, và mỗi lần thiền thi ông thấy mình chưa hạnh phúc hoàn toàn vì ông có tật sợ vợ. Ông nghĩ: trên đời này, anh chồng nào không sợ vợ mới là người có hạnh phúc thật. Ông muốn được xem con người hạnh phúc này mặt mũi ra sao, khác ông chỗ nào. Trong dinh ông có một con bạch mã rất đẹp mà ông rất quý. Ông liền gọi một cận thần lại và bảo: ‘Ngươi hãy đi khắp nước tìm cho ta một người chồng nào không sợ vợ, rồi hãy nhân danh ta thưởng cho người đó con bạch mã quý báu này’. Vị cận thần này đi hầu như khắp nước mà không tìm được ai. Nhưng may là ngày cuối cùng khi ông toan dắt con bạch mã về trả lại cho vua thì anh gặp được quý nhân. Ai cũng bảo anh này không bao giờ sợ vợ. Chính anh ta cũng tự nhận như vậy. Thế là vị cận thần bèn thay mặt vua thưởng cho anh ta con bạch mã. Và vị cận thần này sung sướng ra về vì đã chu toàn phận sự. Anh phải đi mất một tuần mới về tới dinh vua. Anh vào trình vua về sứ mạng hoàn tất. Lúc anh vừa bước ra khỏi cung thì cái anh không sợ vợ kia cỡi con bạch mã cũng vừa tới. Anh trình rằng vợ anh không thích con bạch mã, vợ anh muốn trả lại con bạch mã để đổi lấy con hồng mã cơ. Nghe xong, vị cận thần này liền xây xẩm mặt mũi rồi té xuống đất bất tỉnh".
Cả làng khen chuyện hay và vỗ tay rất lâu. Được hứng, anh John xin kể một chuyện thứ hai, và anh bảo chuyện này có gốc Canada. Rằng trong ngày cuối năm khi các táo thần về chầu, Ngọc Hoàng liền nảy ra cái ý kiến tìm hiểu. Ngọc Hoàng phán rằng hôm nay ta muốn biết một việc mà ta nghe nói chỉ ở trần gian mới có, đó là vấn đề sợ vợ. Bây giờ các ngươi hãy chọn đứng vào một chỗ cho đúng: Ai có tật sợ vợ thì đứng bên phải ta, còn ai không bao giờ sợ vợ thì đứng bên trái. Tức thì các sứ thần trần gian răm rắp chạy qua phía bên phải hết, trừ có một sứ thần hình như gốc Việt Nam, cứ lúng túng không biết đứng chỗ nào. Ngọc Hoàng liền hỏi: “Nhà ngươi có sợ vợ không?” Anh ta thưa rằng có. Ngọc Hoàng bèn hỏi sao không đứng về bên phải. Táo thần này bèn quỳ xuống rồi tâu: “Vợ thần dặn rằng hễ thấy chỗ nào đông người thì phải tránh xa ngay!”
Cả làng liền vỗ tay râm ran khen hay. Mấy cô trong phe các bà nói thêm: “Anh John xem lại tài liệu đi, chắc ông sứ thần này không phải gốc Việt Nam đâu. Dám cũng gốc Miến Điện quá!”
Bà cụ B.95 tỏ ý không muốn nghe chuyện sợ vợ nữa, anh John liền thưa rằng sở dĩ đàn ông có bệnh sợ vợ là vì đàn bà lý sự giỏi lắm nên đàn ông không cãi lại được. Sử còn ghi chuyện này để chứng minh. Rằng có một ông phú hộ kia lấy phải vợ già nên ông chán, bỏ bê nhà cửa, quay ra ăn chơi cờ bạc, hút sách và gái gung. Một bữa kia ông nghe tin từ bạn thân là vợ ông ngủ với một tên ăn mày. Ông giận lắm, liền về nhà làm dữ với vợ:
- Thật là hết nói! Tại sao bà lại làm cái việc động trời này? Hết người rồi sao mà bà lại làm cái việc đó với thằng ăn mày?
Bà vợ già thản nhiên đáp:
- Tại nó năn nỉ tôi quá nên tôi xiêu lòng!
- Nó năn nỉ thế nào khiến bà xiêu lòng?
- Nó nói: “Lạy bà, xin bà thương, bà thấy trong nhà cái gì không xài nữa thì bà cho con!”
Mấy bà cười rũ ra. Cô Huế Tôn Nữ lên tiếng: “Liền bà có hư là vì liền ông nhiều máu dê quá. Tôi xin kể chuyện này để chứng minh. Rằng có một chàng công tử nhà giàu độc thân kia đi Huế nghỉ Hè. Qua bạn bè giới thiệu, chàng được ở trọ một gia đình quý tộc. Gia đình này có ba cô con gái rất đẹp. Chàng công tử này trổ tài chinh phục và cả ba cô đều thích anh ta. Anh đã có một tháng Hè hạnh phúc. Hết Hè anh trở lại Sài Gòn. Một tháng sau anh nhận được điện tín ông bố ba cô gái gửi khẩn cho anh với nội dung như thế này: “Con gái tôi mang bầu, yêu cầu anh trở ra Huế gấp để thu xếp sự việc".
Chàng công tử Sài Gòn liền phúc đáp ngay: “Xin bác cho cháu biết cô nào có bầu. Cháu sẽ ra ngay".
Bà cụ B.95 nghe xong liền cười rồi lắc đầu. Thấy vậy, cụ Chánh tiên chỉ làng nói: “Thôi, chuyện liền ông với liền bà, nói mãn đời không hết, ai cũng có lý cả. Vì đây là luật thiên nhiên, âm dương hút nhau mà".
Anh John tiếp lời: “Thôi, ta không nói chuyện sợ vợ hay chuyện bắt nạt vợ nữa, bây giờ tôi xin nói chuyện nhà thờ, chuyện nghiêm chỉnh nha. Rằng bữa trước xem lễ trực tuyến khi nghe bài Phúc Âm nói về chuyện Chúa Giêsu bữa đó về thăm sinh quán của ngài. Làng xóm kéo đến nghe rất đông. Ai cũng háo hức vì nghe ngài làm nhiều phép lạ khắp nơi. Họ xin ngài làm một phép lạ cho dân làng coi. Ngài không làm phép lạ gì hết vì biết họ có ý chế nhạo và không tin. Ngài bảo: ‘Xưa nay các nhà tiên tri đều bị sinh quán coi rẻ. Cả bốn Phúc Âm đều chép lời Chúa nói y như vậy. Lời tiếng Anh là: ‘No man is a prophet in his country’. Đọc xong câu này thì tôi giật mình và vô cùng sửng sốt vì câu này có gốc từ thành ngữ tiếng Việt là ‘Bụt nhà không thiêng’”.
Các cụ đã thấy cái anh John rể Việt Nam này thông thái chưa.
Ông ODP liền góp ý ngay: “Anh nói như vậy thật là đúng. Chuyện Chúa Giêsu về làng là chuyện ngày xưa và cả bốn tác giả Phúc Âm đều chép như vậy. Câu ‘bụt nhà không thiêng’ là lời dịch đúng nhất và hay nhất. Rồi từ chuyện Kinh Thánh này làm tôi nhớ tới một chuyện Việt Nam, cũng mang một thông điệp như vậy, ta có của quý mà ta không biết, đó là chuyện nhà ái quốc Phạm Hồng Thái. Xưa nay nói về lòng ái quốc thì sách báo ở Việt Nam đều nhắc tới Kinh Kha, một điều Kinh Kha, hai điều Kinh Kha. Kinh Kha là ai, thưa là người được tiến cử cho vua nước Yên là Thái Tử Đan. Ông được Thái Tử Đan hứa sẽ trọng thưởng nếu giết được Tần Thủy Hoàng. Cuộc lên đường của Kinh Kha được diễn ra linh đình bên bờ sông Dịch. Nhưng Kinh Kha đã thất bại, đã giết hụt, Tần Thủy Hoàng thoát chết. Kinh Kha liền bị bắt và bị tử hình. Chuyện chỉ có thế. Trong khi sử Việt Nam ghi chuyện anh hùng Phạm Hồng Thái hay hơn nhiều nhưng ít được sách vở nói tới vì nó chạm tới uy tín sự cai trị của Đế Quốc Pháp thời bấy giờ. Chàng tuổi trẻ họ Phạm gốc ở Nghệ An, lớn lên trong thời quê hương bị giặc Pháp đô hộ tàn ác. Ông đã bỏ học đi tìm dường cứu nước. Nghe tin bên Trung Hoa có nhóm người Việt Nam ở Quảng Châu đang bí mật lập đảng cách mạng và tìm cách về Việt Nam diệt thù, Phạm Hồng Thái tìm mọi cách tới được nơi này, và đúng lúc đó toàn quyền Pháp ở Đông Dương là Merlin cũng đang có mặt ở đây. Nhân có bữa tiệc tiếp rước Merlin, Phạm Hồng Thái đóng vai ký giả và lọt vào được bên trong. Khi tiệc vừa bắt đầu thì Phạm Hồng Thái tung một trái tạc đạn vào bàn tiệc của Merlin. Nhiều người chết nhưng Merlin chỉ bị thương. Phạm Hồng Thái chạy thoát được ra ngoài nhưng chạy đến sông Tô Giang thì hết đường. Vì không muốn sa vào tay giặc Pháp, ông liền nhảy xuống sông tự tử. Báo chí Trung Hoa và thế giới loan tin ầm ĩ về biến cố long trời lở đất này. Lúc đó Trung Hoa chưa rơi vào tay Cộng Sản. Lãnh tụ Tôn Trung Sơn đã cho  mai táng vị anh hùng Việt Nam tại Nghĩa Trang 72 Liệt Sĩ Cách Mạng Trung Hoa ở Hoàng Hoa Cương. Pháp phản đối việc này nhưng Trung Hoa lờ đi. Tin anh hùng Phạm Hồng Thái giết Merlin bị bưng bít hoàn toàn ở Việt Nam. Ngay cả sách sử Việt Nam cũng không ghi chép nhiều về việc này. Phạm Hồng Thái của Việt Nam anh dũng và vinh quang hơn Kinh Kha của Trung Hoa nhiều chứ, một đàng vì lòng ái quốc, một đàng vì danh lợi, khác nhau rất nhiều chứ".
Xin các cụ nhắc con cháu rằng anh hùng Phạm Hồng Thái của Việt Nam vĩ đại hơn Kinh Kha của Trung Hoa nhiều, hãy tôn kính anh hùng Phạm Hồng Thái hơn Kinh Kha, và hãy nhớ câu Chúa nói trong Kinh Thánh rất giống câu thành ngữ “Bụt nhà không thiêng” của Việt Nam nha. [đ.d.]
Cập nhật lần cuối Mar 3, 2021
Trà Lũ



Trung Quốc:

Một cuộc diệt chủng và một đợt thanh trừng



Cảnh sát Trung Quốc canh gác bên ngoài một đền thờ Hồi giáo của người Duy Ngô Nhĩ, tại Tân Cương.
AFP - JOHANNES EISELE

Minh Anh

Từ năm 2018, Bắc Kinh âm thầm lập kế hoạch để làm «tan biến» sắc tộc người Duy Ngô Nhĩ. Cùng lúc này, Tập Cận Bình giương bàn tay thép, mở chiến dịch thanh trừng trong các lực lượng an ninh quốc gia nhằm củng cố quyền lực. Những chủ đề này được L’OBS và The Economist lần lượt phản ảnh qua các bài viết «Người Duy Ngô Nhĩ: Một tấn bi kịch» và «Thanh trừng trong ngành an ninh Trung Quốc có ý nghĩa gì».

Người Duy Ngô Nhĩ: Một tấn bi kịch

Trang bìa tuần báo L’OBS chạy tít lớn: «Duy Ngô Nhĩ: Một cuộc diệt chủng bị che giấu». Tờ báo cho rằng dù có che giấu kỹ đến mấy, nhưng cùng với năm tháng, những hành động tàn nhẫn của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ cũng bị phơi bày.
Các nhân chứng, những tài liệu rò rỉ cho thấy chế độ cộng sản Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đã có hẳn một kế hoạch để nô lệ hóa một cách có hệ thống 12 triệu người Duy Ngô Nhĩ, sắc tộc thiểu số nói tiếng Thổ, theo đạo Hồi, chiếm đa số ở Tân Cương.
Bài xã luận đề tựa «Duy Ngô Nhĩ: Nỗi thống khổ của một dân tộc» của L’OBS lên án Bắc Kinh không từ bỏ một thủ đoạn «dã man» nào để «tận diệt hoàn toàn hay một phần sắc tộc người Duy Ngô Nhĩ». Từ việc cưỡng bức lao động, giam giữ tùy tiện hơn một triệu người trong các trại tập trung, hãm hiếp có hệ thống, cưỡng bức triệt sản, cho đến tăng cường chính sách Hán hóa bằng cách phá hủy các dấu tích văn hóa, ép buộc các gia đình Duy Ngô Nhĩ phải chứa những «anh em người Hán» ngay trong nhà…
Đối với L’Obs, đây là «Một tấn bi kịch cho người Duy Ngô Nhĩ». Lời thuật của Gulbahar Haitiwaji, 54 tuổi, «Người trở về từ trại lao cải», may mắn thoát được cảnh địa ngục trần gian sau khi được chính phủ Pháp can thiệp, về một câu chuyện do một người bạn tù lén lút kể lại, như là một lời chứng bi ai:
«Một ngày nọ tôi thấy một quản giáo người Duy Ngô Nhĩ. Anh thanh niên này đối mặt với một ông già mà họ vừa dẫn vào trại. Đó là cha của anh. Người thanh niên đứng sững sờ. Người Trung Quốc ra lệnh: ʺĐánh hắn điʺ. Anh ta giơ cao chiếc gậy dùi cui và hạ giọng nói: ʺCha tha lỗi cho conʺ. Người cha trả lời: ʺNày con, hãy làm công việc của con đi».

Nam Khai: Kế hoạch làm «tan biến» sắc tộc Duy Ngô Nhĩ

Nhà nghiên cứu người Đức Adrian Zenz, thuộc The Jamestown Foundation, cảnh báo sẽ là sai lầm khi cho rằng tất cả những biện pháp trên đã làm cho Bắc Kinh hài lòng và cảm thấy yên tâm. Làm "tan biến" sắc tộc Duy Ngô Nhĩ mới là bước đi quan trọng kế tiếp.
Chiến thuật dài hạn này được ba học giả Trung Quốc trường đại học Thiên Tân vạch ra trong một báo cáo mật năm 2018, mang tên là "Nam Khai" (Nankai), mà L’Obs cùng với các đồng nghiệp phương Tây khác như BBC (Anh), Suddeutsche Zeitung (Đức) và The Globe and Mail (Canada), đã may mắn tham khảo được.  
Theo bản báo cáo, những biện pháp đang áp dụng là cần thiết nhưng chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn. Các tác giả đánh giá rằng người Duy Ngô Nhĩ là "cổ hủ, ít học, tư tưởng hẹp hòi, tôn sùng tôn giáo thái quá, thậm chí là quá bám chặt vào những giá trị tâm linh, ít quan tâm đến các giá trị vật chất, không tích cực lao vào những công việc nặng nhọc, hay không hăng hái kiếm tiền…"
Sự "thiếu năng động này" đã ngăn cản họ tiếp cận với xã hội hiện đại, khuyến khích "niềm tin sai lệch cho rằng nhóm sắc tộc nào thì sở hữu vùng lãnh thổ đó". Với ba vị chuyên gia này, hệ quả của "việc thiếu đồng nhất hóa với Quốc gia - Giống nòi Trung Hoa" là một "mối đe dọa nghiêm trọng cho sự bình ổn của đất nước".
Thế nên, lấy danh nghĩa "giảm tình trạng nghèo khổ", ba học giả Trung Quốc khuyến nghị cần phải cải huấn họ bằng cách chuyển dịch nguồn nhân công, cưỡng ép đưa từng nhóm hàng chục ngàn thanh niên Duy Ngô Nhĩ bằng tầu lửa, đến lao động tại những khu công nghiệp cho các hãng lớn của Trung Quốc.
Kế hoạch làm "tan biến" nhóm sắc tộc thiểu số được cho là "cứng đầu" này đã được tiến hành ngay từ năm 2018. Song song đó, chính quyền trung ương đưa hàng trăm ngàn người Hán đến làm việc tại những khu công nghiệp mới được thành lập ở Tân Cương.
Ba vị chuyên gia Trung Quốc còn đưa ra kết luận rằng những công nhân được đào tạo theo phong cách "quân sự" cho thấy cực kỳ có kỷ luật, biết vâng lời, sẵn sàng làm thêm giờ không đòi hỏi lương. Và họ có thể làm việc với một mức lương rẻ hơn so với nhân công người Hoa, điều có thể hấp dẫn các chủ nhà xưởng Trung Quốc.
"Cải huấn", "văn minh hóa" trá hình? Một chính sách nô lệ hóa một dân tộc của mình ngay trong lòng đất nước ? Sử gia James Millward, chuyên nghiên cứu về Tân Cương, trả lời L’OBS nhắc lại triều đại Mãn Thanh thế kỷ XVIII, khi đến chinh phục Tân Cương, đã để cho thành phần ưu tú địa phương tự quản lãnh thổ. Trên bình diện toàn quốc, triều đình Mãn Thanh bảo vệ chiếc nôi Duy Ngô Nhĩ, nam Tân Cương chống lại dòng di dân người Hán nhằm tránh xung đột, trái ngược hẳn với những gì chế độ cộng sản đang làm.
James Millward cảnh báo, khi chọn giải pháp mạnh, không bao dung với đa dạng văn hóa, và nhất là khi tin rằng cách "nhồi sọ" có thể làm thay đổi suy nghĩ người dân, Tập Cận Bình có nguy cơ phải đối mặt với những cáo buộc "diệt chủng", hay chí ít cũng là "tội ác chống nhân loại" từ thế giới.

Tập Cận Bình chống tham nhũng hay triệt đối thủ tiềm tàng ?
Tàn nhẫn với người Duy Ngô Nhĩ, nhưng Tập Cận Bình cũng không nương tay với hàng ngũ của mình. Mượn cớ chống tham nhũng, lãnh đạo Trung Quốc thẳng tay thanh trừng những ai không trung thành với đảng và với ông. The Economist cho biết "Các cơ quan an ninh Trung Quốc đang hứng chịu một đợt thanh trừng ồ ạt".
Ngày 27/02/2021, đảng Cộng Sản Trung Quốc tuyên bố khởi động chiến dịch thanh trừng được báo trước từ lâu nhắm vào hàng ngũ các lực lượng an ninh nội địa như cảnh sát, mật vụ, hệ thống tư pháp và nhà tù - một lực lượng đông đến gần 3 triệu nhân viên công lực. Chiến dịch này được truyền thông trong nước mô tả là lớn nhất từ cuối những năm 1990. Mục tiêu là nhằm bảo đảm rằng các cơ quan an ninh "tuyệt đối trung thành, tuyệt đối trong sạch và tuyệt đối đáng tin cậy".
Với nhiều quan chức Trung Quốc, chiến dịch này sẽ giống như đợt "vận động chỉnh phong Diên An" đầu những năm 1940. Vào thời điểm đó, nhằm củng cố quyền lực, Mao Trạch Đông đã cho tiến hành thanh lọc triệt để và bạo lực trong hàng ngũ phe nổi dậy theo chủ nghĩa cộng sản.
Nếu như một trong những mục tiêu chính của chiến dịch này là nhằm tiêu diệt "tầm ảnh hưởng nguy hại" của Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo an ninh nội địa, hiện đang thọ án tù chung thân từ năm 2015 với các tội danh tham nhũng, phát tán bí mật quốc gia, thì theo The Economist, cuộc thanh trừng mới này còn hàm chứa nhiều thông điệp rõ ràng.
Thứ nhất là ông Tập ham muốn quyền lực. Chiến dịch này sẽ kết thúc đúng trước kỳ đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc 5 năm một lần. Gần như chắc chắn là ông Tập Cận Bình sẽ nhân sự kiện chính trị lớn này để kéo dài thời gian cầm quyền thêm 5 năm nữa, bất chấp quy ước theo đó các tổng bí thư không nắm quyền quá 2 nhiệm kỳ 5 năm. Việc siết chặt kiểm soát các lực lượng an ninh nội địa sẽ giúp ông đè bẹp mọi sự phản đối sự thay đổi đó.
Tiếp đến, sự kiện làm nổi rõ một lý do khác, quan trọng hơn và đáng được chú ý. Đành rằng Trung Quốc, dưới một nền chuyên chế mỗi ngày một cứng rắn, trỗi dậy mạnh mẽ không ngừng, nhưng vòng xoáy chính trị luôn ẩn chứa nhiều yếu tố bất định, có thể làm thay đổi quỹ đạo của đất nước.
Người ta còn nhớ vụ bắt giữ bà Giang Thanh, vợ góa của Mao Trạch Đông, cùng bè lũ "bốn tên" năm 1976 ; cuộc đấu tranh đưa Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền hai năm sau đó ; những chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc làm trỗi dậy các cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989 và cuộc đổ máu chính trị nhằm gạt trừ mọi đối thủ của Tập Cận Bình trước khi đăng quang. Ngần ấy cú sốc gây nhiễu loạn đất nước, thiết nghĩ không thể bỏ qua.
Trong bối cảnh chuẩn bị cho đại hội năm tới, những mảng tối dày đặc của nền chính trị Trung Quốc đáng được soi xét kỹ. Một phần chỉ vì ông Tập Cận Bình thách thức các quy định. Bởi vì khi bác bỏ nguyên tắc hiện đại, theo đó lãnh đạo Trung Quốc chỉ nắm vị trí cao nhất không quá 2 nhiệm kỳ, ông Tập đã thâu tóm nhiều đòn bẩy quyền lực hơn bất kỳ ai kể từ thời Mao Trạch Đông.
Đó cũng chính bởi vì, dưới thời Tập Cận Bình, chế độ này còn trở nên mù mờ hơn bao giờ hết. Chỉ có điều, một sự bí mật như thế còn làm cho một chính phủ ít có trách nhiệm với công dân của mình và ngày càng trở nên khó lường hơn cho thế giới.
https://www.rfi.fr/

 

Đăng ngày 09 tháng 03.2021