Nhìn lại báo chí thời đệ nhị Cộng hòa
 
Nguyễn Quang Duy
 
Nhà báo Đỗ Hùng bị rút thẻ nhà báo, mất việc, mất chức Phó Tổng thư ký báo Thanh Niên Online chỉ vì viết bài đụng chạm lãnh tụ cho thấy báo chí thời Đệ Nhị Cộng Hòa quá tự do.
Khi ấy các nhà lãnh đạo được đưa lên mặt báo thường xuyên. Tờ Tin Sáng có mục “Tin Vịt” do “Tư trời biển” viết nêu đích danh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là tham quyền cố vị, hiếu chiến, thất học, tham nhũng, bất tài hay gọi ông là "Tổng thống Thẹo", "Sáu Thẹo"…
Hằng trăm tờ báo tư nhân hoàn toàn không bị mua chuộc hoặc bị áp lực theo đường lối của chính phủ. Có báo thân chính phủ, chống cộng, có báo đối lập thậm chí có báo công khai chống đối chính phủ như tờ Tin Sáng nói trên.
Trên 50 tờ nhật báo với số in từ vài chục lên đến trăm ngàn số hằng ngày. Các nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ được tự do sáng tác và phổ biến tác phẩm không bị gò ép trong bất cứ khuôn khổ nào.
Đương nhiên trong hoàn cảnh chiến tranh việc lộ liễu tuyên truyền cho miền Bắc đã bị kiểm soát. Nhưng trên sách báo vẫn thấy rải rác những bài viết ca ngợi quốc tế cộng sản. Việc ngấm ngầm tuyên truyền cho cộng sản Việt Nam cũng không thể tránh khỏi.
Các bài dịch từ báo ngoại quốc với cái nhìn của người ngoại cuộc thậm chí thân cộng cũng thường xuyên xuất hiện trên mặt báo.
Hằng ngàn nhà in, nhà phát hành đều do tư nhân quản lý. Các tiệm sách và sạp báo tư nhân trải rộng khắp miền Nam. Thị trường sách báo hoạt động hoàn toàn tự do.
Ðiều 12 Hiến pháp 1967 ghi rõ: "Quốc gia tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, báo chí và xuất bản, miễn là sự hành xử các quyền này không phương hại đến danh dự cá nhân, an ninh quốc phòng hay thuần phong mỹ tục".

Bảo vệ bởi luật
Các sinh hoạt báo chí được bảo vệ bởi Luật báo chí 019/69, do Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Văn Thiệu ban hành vào ngày 30/12/1969.

Đạo luật gồm 8 chương và 69 điều. Chương 1 đã khẳng định quyền tự do báo chí là quyền tự do căn bản trong chính thể Việt Nam Cộng Hòa, miễn bài báo không phương hại đến danh dự cá nhân, an ninh quốc gia và thuần phong mỹ tục.
Nếu không có quyết định của cơ quan tư pháp không ai có quyền đóng cửa tờ báo.
Sách báo, tài liệu nước ngoài bản chính và bản dịch nếu không vi phạm đến an ninh quốc gia và thuần phong mỹ tục cũng được tự do phổ biến tại miền Nam.
Sau 30-4-1975, để tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản giới trí thức miền Bắc đã tìm mua những sách xuất bản trước 1975 hay những sách ngoại quốc viết về chủ nghĩa cộng sản.
Chương 2 của Bộ Luật nhấn mạnh mọi công dân đều được xuất bản báo mà không cần xin phép. Người muốn ra báo chỉ cần làm thủ tục khai báo tại Bộ Thông tin. Bộ có nghĩa vụ phải lập tức cấp chứng nhận tạm thời khi nhận đủ giấy tờ khai báo.
Ngoại kiều cũng có quyền xuất bản báo, chỉ cần Tổng trưởng Bộ Thông tin hội ý với Tổng trưởng Bộ Nội vụ cấp giấy phép.
Chương 3 nếu không có quyết định của cơ quan tư pháp, không ai có quyền tạm đình bản hay đình bản vĩnh viễn bất cứ tờ báo nào.
Trong hoàn cảnh chiến tranh để trách những thông tin vi phạm đến an ninh quốc gia chính phủ đã phải thi hành chính sách kiểm duyệt hạn chế. Tại Sài Gòn, Tổng trưởng Nội vụ có quyền ra lệnh tịch thu một tờ báo trước hay trong khi lưu hành. Tại các tỉnh, Tỉnh trưởng cũng có quyền này.
Báo chí không thể bị khởi tố khi tường thuật hay đăng tải các phiên họp, các thuyết trình, các ý kiến thể hiện quan điểm chính trị. Báo chí có quyền trích dịch mọi nguồn thông tin ngoại quốc.
Báo chí có quyền chỉ trích Chính phủ miễn là không nhằm mục đích tuyên truyền cho cộng sản.
 
Tự do hoạt động
Hội đồng Báo chí hay Hội Nhà báo là một tổ chức dân sự đại diện cho báo chí. Hội Đồng hoàn toàn vì quyền lợi của nhân viên tòa soạn. Mỗi báo có ít nhất 2 đại diện một là Chủ nhiệm và một ký giả đại diện của tờ báo.
Theo Đạo Luật 019/69 nhà báo là người nhận thù lao và cộng tác thường xuyên với tờ báo. Nhà báo phải có thẻ hành nghề do tờ báo cấp và đăng ký ở Bộ Thông tin.
Phóng viên ngoại quốc cũng được tự do hoạt động, nhiều người được móc nối đưa vào vùng cộng sản chiếm để làm phóng sự tuyên truyền cho cộng sản.
Trong hoàn cảnh chiến tranh cộng sản đã lợi dụng tự do báo chí để hoạt động. Nhiều ký giả, phóng viên, nhân viên tòa báo là cán bộ cộng sản nằm vùng hay làm việc cho cộng sản.
Nhật báo Tin Sáng của dân biểu đối lập Ngô Công Đức gồm nhiều người thuộc thành phần thứ ba như Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quí Chung. Sau 30-4-1975, Tin Sáng được tiếp tục phát hành thêm 6 năm, được đóng cửa với lý do tờ báo đã "hoàn thành nhiệm vụ".
Tình trạng báo đối lập tại miền Nam đã được tờ Lao Động, số ra ngày 13/07/2015, tóm gọn như sau:
“Báo đối lập bị tịch thu dài dài, chủ bút ra tòa như cơm bữa, nhưng chỉ bị “phạt miệng”, chứ không đóng một xu nào. Tịch thu thì cứ tịch thu, báo vẫn đến tay độc giả đều đều. Lí do hết sức đơn giản, báo chưa đưa đi kiểm duyệt đã phát hành rồi nên khi cảnh sát ập đến tòa soạn để lập biên bản tịch thu thì có một số tờ đã "cao chạy xa bay"…”
Tong hoàn cảnh chiến tranh và trước tình trạng nói trên ngày 4-8-1972, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ban hành Đạo Luật số 007/72.
Luật mới quy định mỗi nhật báo phải ký quỹ tại Tổng nha ngân khố 20 triệu đồng (bằng 500 lượng vàng) và 10 triệu đồng cho báo định kỳ. Ngay khi ban hành đã có 16 tờ nhật báo và 15 tờ báo định kỳ không có tiền ký quỹ phải đóng cửa.
Luật mới cũng quy định tờ nào hai lần vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng thì sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn.
Việt Nam Cộng Hòa là một nước theo thể chế tam quyền phân lập rõ ràng: Tư pháp độc lập với Hành pháp. Cơ quan hành Pháp truy tố một tờ báo nhưng quyết định tờ báo có vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng, vi phạm ở mức độ nào là quyết định hoàn toàn của Tòa Án.
Luật mới ra đời báo chí vẫn hoạt động khá tự do. Như tháng 8 năm 1974báo chí vẫn tiếp tục cổ vũ cho Phong trào nhân dân chống tham nhũng của Linh mục Trần Hữu Thanh, hay cổ động cho Ngày ký giả đi ăn mày, 10-10-1974.
 
Điểm son nền Cộng hòa
40 năm nhìn lại sinh hoạt báo chí cũng như mọi sinh hoạt khác tại miền Nam vừa tự do, vừa văn minh hơn hẳn các quốc gia trong vùng và không thua gì các quốc gia tân tiến. Đây là điểm son của nền Đệ Nhị Cộng Hòa làm nhiều người cảm thấy luyến tiếc một thời đã qua.
Một số người cho rằng chính báo chí dẫn đến sự sụp đổ của miền Nam tự do. Thực ra định mệnh của nền Đệ Nhị Cộng Hòa đã được thu xếp tại Tòa Bạch Ốc, từ Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua Hiệp Định Ba Lê.
Một số bạn ở Việt Nam cho biết báo chí thời nay ít người đọc. Ngược lại ở hải ngoại báo chí vẫn thịnh hành. Điều này chứng tỏ nhu cầu đọc báo ở Việt Nam đã không được đáp ứng.
Trở lại với nhà báo Đỗ Hùng, bài viết của ông đã được lấy xuống không một lời giải thích, không còn thấy Facebook của ông và không ai biết việc gì đang xảy ra cho ông. Điều này chứng minh ở Việt Nam hoàn toàn không có quyền tự do ngôn luận.
Ở Việt Nam chỉ có 1 cơ quan tuyên giáo nên rất có thể không báo nào dám nhận ông làm việc. Từ góc cạnh nhân quyền ông mất cả quyền mưu cầu cuộc sống cá nhân và gia đình.
Việt Nam đang cố gắng để được tham gia Hiệp Ước Thương Mãi Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có điều khoản về tự do báo chí, việc nhà cầm quyền cộng sản sa thải nhà báo Đỗ Hùng cho thấy họ chưa sẵn sàng tuân thủ các điều khoản sẽ ký.
Ngược lại bài học từ tự do báo chí trong nền Đệ Nhị cộng Hòa cho thấy nước Việt Nam và người Việt Nam thích nghi hơn với một thể chế tự do như đã có tại miền Nam trước 30-4-1975.
 
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
11-9-2015
 

Văn chương Việt Nam và chữ Y
 
Chu Tất Tiến
 
Văn chương Việt Nam, tự khi có chữ quốc ngữ đến nay, vẫn là niềm tự hào của dân tộc. Từ đó, mà thơ, văn, kịch nghệ đã phát triển. Điều đáng nói là Thơ, một thể loại văn chương đã được hầu hết mọi người dân ưa thích, từ những nhà trí thức đến dân giả, từ nhà tu hành đến kẻ làm chuyện ác, bất cứ ai cũng thích thơ, mê thơ, và muốn làm thơ. Ngay cả các cô thợ cấy, các anh thợ cầy cũng có thể buột miệng làm thơ. Thơ được ngâm lãng đãng trên các dòng sông miền Nam, nhẹ nhàng với tiếng chèo khua nước len lách bên cạnh hàng dừa nước. Thơ ngâm dưới ánh hoàng hôn, trong một vườn chè. Thơ bắt đầu một ngày làm việc, thơ kết thúc một buổi lao động mệt nhoài. Vui nhất là cho các thanh thiếu niên, khi yêu mà ngại ngùng không biết mở lời ra sao, đành mượn thơ thay cho lời tỏ tình và nhất định, không bao giờ thất bại, vì chẳng có người nào dữ dằn đến nỗi mà nghe đọc những câu thơ tình cảm mà lại nổi trận lôi đình. Đôi khi, trong một vài tình huống nguy hiểm lo âu chập chùng, người người đều thất sắc, nhưng nếu có ai biết đọc vài câu ca dao hùng tráng, thì lập tức tình hình thay đổi ngay.

Đặc biệt nữa là từ ý Thơ, mà ca dao dân tộc đã vươn ra mọi nơi, mọi chỗ. Chuyện gì cũng có ca dao bên cạnh, từ chê bai đến ngưỡng mộ, từ yêu thương đến chán ghét, từ răn dậy đến mắng mỏ… ca dao có mặt khắp mọi nơi, từ miền núi cao khô khan đến bình nguyên phong phú.
Bước xuống ruộng sâu lỡ sầu tấc dạ,
Tay ôm bó mạ nước mắt hai hàng.
Ai làm lỡ chuyến đò ngang,
Cho sông cạn nước hai hàng biệt ly.
Cất tiếng than hai hàng lụy nhỏ,
Anh nói thương em rồi lại bỏ em đây.

Thế giới đã thua Viêt Nam ở điểm này. Không có một dân tộc nào lại giầu có, lãng mạn qua Thơ như dân tộc Việt Nam. Một trong những chứng cớ tiêu biểu cho vị trí độc đáo của Thơ Việt Nam trong dòng Văn Học quốc tế là tập Đoạn Trường Tân Thanh, tức Kiều, của Nguyễn Du. Người ta tôn trọng thơ của Nguyễn Du không những chỉ là tài diễn tả một câu chuyện dài bằng thơ, mà mỗi nhóm chữ trong thơ của Nguyễn Du đều phảng phất một bài học răn đời.
Như thế, văn chương và văn học Việt Nam là những nét độc đáo trong dòng sinh mệnh của dân tộc, cần phải bảo tồn bằng mọi giá. Không những chỉ bảo tồn toàn diện các áng văn thơ, mà còn phải bảo tồn từng chữ viết, thí dụ như chữ “Y”.

Trong dòng chữ quốc ngữ, chữ nào cũng có vị trí của nó, không thể thay thể được, đặc biệt là chữ "Y". Từ đó mà ta có chữ THƯƠNG YÊU, NGƯỜI YÊU DẤU ƠI, THU THỦY, TRUYỀN THUYẾT, HUY CHƯƠNG...
Trở lại ngay đoạn ca dao dẫn chứng ở trên, chúng ta thấy nếu thay “Y” bằng “I”, là cả đoạn ca dao tan nát:
Bước xuống ruộng sâu lỡ sầu tấc dạ,
Tay ôm bó mạ nước mắt hai hàng.
Ai làm lỡ CHU-IẾN đò ngang,
Cho sông cạn nước hai hàng biệt LI.
Cất tiếng than hai hàng LỤI nhỏ,
Anh nói thương em rồi lại bỏ em ĐÂI.

Đoạn ca dao khác:
Bắc thang lên đến tận trời,
Bắt ông NGU-IỆT lão đánh mười cẳng tay.
Đánh thôi lại trói vào cây,
Hỏi ông NGU-IỆT lão: "đâu dây tơ hồng?"

Thí dụ khác:
Nhác trông lên đã xế tà
Đêm KHU-IA khoắt con gà gáy sang canh.
Mong anh mà chẳng thấy anh,
Thiếp tôi buồn bã khêu quanh ngọn đèn.

Hoặc:
Mê anh chẳng phải mê tiền,
Thấy anh lịch sự có DUI- ÊN dịu dàng.
Thấy anh em những mơ màng,
Tưởng rằng đây đấy phượng hoàng kết đôi.

Trở lại với Đoạn Trường Tân Thanh, và nhìn ngay vào tên của tác giả, nếu đổi “Y” thành “I” thì ta đã giết chết một nhà thơ Vĩ Đại của mọi thời đại: NGU-IÊN DU! Không có nhân vật này trong văn học Việt Nam.
Ngay trong phần mở đầu, nếu vất bỏ chữ Y, ta sẽ thấy:
Cảo thơm lần giở trước đèn
Phong tình cổ lục còn TRU-IỀN sử xanh!

Mai cốt cách, TU-IẾT tinh thần
Mỗi người môt vẻ, mười phân vẹn mười..

Như thế, ích lợi gì của việc bỏ chữ “Y”, thay bằng chữ “I”? Điều khủng khiếp hơn nữa là nếu thi hành như vậy, thì hàng chục triệu người sẽ mất tên, sẽ biến mất trong đau khổ: tất cả những thiếu nữ, thiếu phụ vẫn từng hãnh diện mang tên THỦY, THỤY, HUYỀN; tất cả những người nam có tên HUY, TRUYỀN, CHUYÊN… sẽ không còn trong sổ bộ đời của dân tộc. Họ NGUYỄN cũng biến mất luôn. Sẽ không còn NGUYỄN HUỆ, NGUYỄN ÁNH…Kẻ muốn thay đổi, chỉ cần một nét chữ, đã giết chết cả chục triệu người nhanh như một làn chớp nếu không muốn nói là xóa sổ cả một dân tộc.
Thật là một ý kiến quái dị!

Chu Tất Tiến

 

 
 
 Đăng ngày 20 tháng 09.2015