Đọc “CHUYỆN GẦN CHUYỆN XA”

của Võ Kỳ Điền và Minh Ngọc

Song Thao

“Chuyện Gần Chuyện Xa” do hai nhà văn kể. Một già, một trẻ, cả hai tôi đều có hân hạnh quen biết. Già thuộc thế hệ tôi, đã bát tuần, trẻ thì khi đất nước bị nhuộm đỏ chỉ mới 4 tuổi. Một người ở gần, một người ở xa tôi. Gần là ngay Brossard, cũng thuộc thành phố Montreal, xa là New York bên Hoa Kỳ, cách tôi sáu giờ lái xe, nếu cỡ tôi cầm tay lái, còn người trẻ thì khác, lẹ hơn nhiều. Vậy thì xa nhưng với người trẻ cũng là gần.

Người già là nhà văn Võ Kỳ Điền, bước chân vào nghề dạy Việt văn từ năm 1964, tinh thông Hán học, thuộc loại nho chùm. Ông có nghề tay trái là coi phong thủy, chấm tử vi. Các cơ sở buôn bán tại Montreal phần lớn đã rước ông tới coi phong thủy trước khi mở cửa. Họ đều toại nguyện với những lời bàn của ông. Ông cho biết là ông chưa hề sai khi ngắm nghía địa điểm, hướng nằm của cửa tiệm. Với một kiến thức vững vàng về văn hóa Việt, ông có nhiều chuyện để nói. Chuyện gần chuyện xa. Gần là chuyện mới đây khi ông đã định cư tại Canada, xa là chuyện từ xửa từ xưa, xa lắc xa lơ.
Ông hiện cư ngụ tại một nhà già tư, khá sang trọng, nơi chỉ có mỗi mình ông là da vàng mũi tẹt, còn tứ bề là những ông tây bà đầm, nói toàn tiếng Tây. Ông kể chuyện gần này như sau: “Như lúc nầy đây tuổi già trơ trọi một mình nên buộc phải đành sống chung với một đám tây già với đầm già trong một Viện Dưỡng Lão miệt quê, cạnh một dòng sông lớn. Đa số là sứt càng gãy gọng, bà ngồi xe lăn, ông chống gậy, nói năng ngọng nghịu, có người nói không ra hơi thều thào, mà thều thào bằng tiếng tây Québecois làm sao mà nghe hiểu cho được. Cái kiến thức tôi về xã hội Tây Phương nầy thiệt tình là bù trớt, làm sao mà xen vô góp vài câu cho vui, nghe cho được. Tôi sống ở xứ nầy gần nửa thế kỷ rồi mà như có ai cắc cớ lấy nước trộn chung với dầu. Hổng lẽ ngồi chung một đám, mình cứ im lặng và cười trừ, quê ơi là quê. Nhưng thiệt ra không có gì là quê hết, bởi tụi nó có biết tôi là ai đâu. Cứ cho tôi là một ông Tàu già lẩm ca lẩm cẩm, lơ ngơ láo ngáo. Mà thiệt vậy, nhiều khi ngồi ở nhà ăn mà ngủ gục luôn trên bàn, tự nhiên như trong phòng ngủ. Thành ra, đôi khi già cũng sướng thiệt, muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói, ăn bận sao cũng được, có ai lại đành trách cứ người già làm chi.” (Nói Năng Chi Cũng Thừa).
Chuyện gần nhất, ông nhà văn họ Võ kể như vậy. Ông tự nhận là một ông già bỏ đi, thiệt tình ông  tự họa hơi quá. Mỗi lần tôi phôn nói chuyện với ông, ông chẳng bao giờ tắt nụ cười hể hả, nghe rất sướng tai. Vài năm trước đây, ông làm anh em bạn bè ngả mũ thán phục khi ông…tái giá. Trộm phép ông, tôi phải tiết lộ là ông đã ba lần lên xe hoa. Lần thứ ba khi ông đã qua tuổi “cổ lai hy” quá chừng chừng. Còn lần thứ hai khi mô? Ông rao nam rao bắc trước khi vào chuyện. Ông nhắc chuyện của ông Chủ Tịch Hạ Viện khi xưa Nguyễn Bá Lương cưới bà chủ xe đò Bửu Hiệp, chuyện nhà văn Trương Bảo Sơn tái giá khi đã trên sáu chục, rồi ông thủ thỉ với nhà thơ Lưu Nguyễn không biết họ còn “làm ăn” chi được không. “Câu trả lời phải chờ vài chục năm sau. Năm đó tôi vừa được sáu mươi hai tuổi và tôi cũng liều gan... mà cưới vợ đại. Trước khi cưới, tôi nhớ tới ông Nguyễn Bá Lương, bác Trương Bảo Sơn và bạn Lưu Nguyễn. Hiện nay thì tôi đang ở cái tuổi thời đó của các bác nè. Cái tuổi “hồi dương liệt lão”. Và tôi cũng đã cưới vợ như các bác đã từng cưới. Tục ngữ đất nước mình có câu “Cười người hôm trước hôm sau người cười”. Bạn ơi, tôi không cần hỏi bạn nữa đâu, cũng không cần hỏi ai hết, cũng không cần câu trả lời. Mà tôi cũng không lo chuyện dây thiều liệt bất tử. Sáu mươi tuổi là còn trẻ lắm, ai nói già hồi nào. Ông hạ câu kết thiệt đắt: “Năm đó tôi vừa đúng sáu mươi hai tuổi nhưng cứ tưởng mình như trai mười tám”.

Chuyện gần xa của đời tư ông giáo Việt văn, viết tới đây tôi nghĩ chắc là đủ. Nói thêm nữa dám bị ông kiện ra tòa. Ông giáo họ Võ là một người nho thâm Hán rộng nên ông bàn chuyện chữ nghĩa nghe rất thấu tình đạt lý. Ông “trai mười tám tuổi” nên còn rất sung. Nhân đọc câu ca dao miền Nam: “Bắp non mà nướng lửa lò / Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm”, ông bàn về chữ “ve”. Ve gái là hành động của tuổi thanh niên (cỡ mười tám?). “Câu nầy khi đọc lên thì ai cũng hiểu hết. Nó đơn giản như tâm tình dân miền Nam nầy. Trái bắp còn non mới hái mà đem nướng trên lửa than hồng thì thơm ngon phải biết. Như cô chèo đò mỗi ngày đưa khách qua sông nhìn hiền lành xinh xắn dễ thương nhưng không phải dễ tán tỉnh đâu. Câu ca dao coi vậy mà tượng hình quá đỗi, cô gái chèo đò được ví với trái bắp nướng thơm ngon. Ai nghe cũng phát thèm! Nhưng điều làm tôi mất ngủ không phải là câu chuyện chèo đò hay trái bắp nướng, hoặc hình ảnh của đôi trai gái hẹn hò, dê qua dê lại. Mà tại cái chữ “ve” trong câu ca dao mắc dịch đó. Mỗi lần nghĩ tới nó là tôi khổ sở. Ve là gì?” (Một Vài Chuyện Từ Câu Ca Dao Trái Bắp Nướng). Từ “ve” ông lần mò qua “dê”, rồi qua “o mèo”. Ông luận bàn rành rọt về từng chữ từng nghĩa, riết rồi các từ nghe ra như các hoạt động thanh niên bỗng mang bộ mặt nghiêm nghị rất hàn lâm. Sự nghiêm nghị của chữ nghĩa được ông giáo họ Võ bàn rất sâu. Từ chữ “rợ” hay “chợ” trong câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan “lác đác bên sông chợ mấy nhà” tới Kinh Dịch trong chuyện táo quân hai ông một bà. Rồi Khúc Ngâm của Người Tiết Phụ đời Đường bên Trung Hoa. Với những bài chạm vào nghề nghiệp của ông, ông trở thành một ông già nghiêm chỉnh bàn chuyện chữ nghĩa của thánh hiền. Không ba lơn cười cợt như “thanh niên mười tám tuổi”. Tôi phải thú thật là theo ông phát mệt, tôi quẹo qua một bóng dáng tươi trẻ hơn.

Nhà văn Minh Ngọc thua ông Võ Kỳ Điền tới ba chục tuổi, là một người trẻ nhưng đôi khi cũng rất không trẻ. Chuyện gần cô dĩ nhiên thông suốt nhưng chuyện xa xưa cô cũng rành sáu câu. Chuyện xa nhất cô kể là chuyện lúc cô mới ba tuổi. Chuyện ông Đồng Tuy, một ông giáo biết chấm tử vi dọn về gần nhà cô ở Tân Quy. Sau 1975, ông giáo bị đi tù cải tạo vì tham gia Phong Trào Thống Nhất Dân Tộc và Xây Dựng Dân Chủ của Giáo sư Nguyễn Đình Huy. Khi cô lên trung học thì ông giáo được thả về sau hơn chục năm trôi dạt trong các trại tù ở miền Bắc. Sau khi tác giả Minh Ngọc qua Mỹ, ông lại bị bắt. Qua đài VOA, tác giả được biết ông bị trục xuất diện chính trị, từ nhà tù đi thẳng qua Hòa Lan. “Sở dĩ bỗng dưng tôi nhớ tới Giáo Sư Đồng Tuy là vì chiều hôm qua đi làm về, nhận được cuốn sách mới của nhà văn Võ Kỳ Điền “Câu Hỏi Kiếp Người” qua bưu điện. Ông bắt đầu viết văn ở hải ngoại nên ở trong nước chắc ít ai biết, nhưng thời điểm thập niên 80-90, ông sớm nổi tiếng với những truyện ngắn xúc tích, sâu sắc với giọng văn Nam bộ giữa một rừng cây bút Bắc kỳ. Viết văn giọng Nam rất khó viết hay, vì nếu sa đà quá mức vào lối văn nói miền Nam dễ trở thành lôi thôi, bình dân, mất tính văn chương. Nhà văn Võ Kỳ Điền có tính độc đáo riêng với văn phong chuẩn mực rõ ràng, trí thức mà vẫn mang cá tính hào sảng, hài hước của người miền Nam”. (Ông Giáo Chấm Tử Vi và Nhà Văn Võ Kỳ Điền).
Khi miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm, nhà văn Minh Ngọc mới 4 tuổi. Cô không có dịp đọc văn chương miền Nam trước đó. Nhưng nhờ thân mẫu là một nhà giáo biết quý sách, cất giấu sách báo miền Nam khi chiến dịch đốt sách của phe thắng cuộc diễn ra nên cô được đọc muộn. Muộn nhưng rất say mê. “Nhà tôi có cái tủ sắt lớn khuất trong góc. Khi chiến dịch kiểm kê văn hóa điên cuồng lôi hết sách báo quý giá từng nhà thiêu hủy, cái tủ sắt trở thành nơi cất giấu sách báo “phản động đồi trụy” – tủ sách gia đình, sách của người ta gởi giấu giùm. Khách tới nhà thường không để ý tới cái tủ sắt im lìm, thỉnh thoảng có người thấy, hỏi thì má tôi nói “Ôi, tủ này hồi đi làm họ thanh lý văn phòng, tui đem về để đó mà có đồ gì đâu để cất, khóa hư rồi lâu lắm không rớ tới”, khách nghe rồi bỏ qua, đâu ai ngờ trong đó là cả một kho tàng văn học miền Nam, đối với gia đình tôi còn quý hơn vàng bạc. Thế giới tuổi thơ của tôi nằm trong cái tủ sắt với những bộ sách Thạch Lam, Tô Hoài, Duyên Anh cùng hầu hết tác phẩm của tất cả tên tuổi văn nghệ hàng đầu của miền Nam trong khi các tác giả đang bị nhốt trong nhà tù Phan Đăng Lưu, Chí Hòa, trại tù Suối Máu, Gia Trung, thậm chí núi rừng miền Bắc xa xôi”. (Thế Giới Tuổi Thơ Trong Tủ Sắt).
Minh Ngọc là người ham đọc nhớ dai. Trong tủ sách chui tại nhà cô có đủ bộ Thời Nay mà tôi là một trong những cây viết chủ lực. Cô đọc hết và nhớ rất rõ từng số. Sau này, khi cô định cư tại New York, mỗi lần cần tìm lại một bài nào của tôi viết cho Thời Nay, tôi chỉ việc ới cô, cô nhớ liền, có khi còn nhớ cả những tấm hình kèm theo bài. Chỉ nhấp nháy sau, cô gửi cho tôi bản scan của bài viết. Tôi nghĩ cô có mang sách báo theo qua Mỹ nhưng không phải. Sách báo cũ vẫn còn nằm tại Tân Quy, cô liên lạc với người nhà tìm lại và gửi qua cho cô. Thời buổi internet, không gian đâu có xa, thời gian đâu có là thứ kéo dài, mọi chuyện gần xịt.

Minh Ngọc có một trí nhớ đáng nể. Tới giờ, cô bác sĩ chuyên khoa gây mê này còn nhớ vanh vách các nhân vật truyện Tầu và truyện chưởng mà cô đọc từ hồi còn ở Việt Nam. Cô bàn về từng nhân vật dễ dàng như họ lẩn khuất đâu đây trong nhà cô. Tuổi trẻ, dân Bắc kỳ như tôi quen nói là “có tý tuổi đầu”, nhưng cô già trước tuổi. Không biết cô có tự gây mê cho mình không mà cô mê mệt với văn chương chữ nghĩa còn sót lại. Hồi còn ở Việt Nam, chiếc tủ sách chui của gia đình cô còn là nơi ẩn trốn của những cuốn sách quý của bạn bè. Khi họ tới lấy về lúc đã sóng yên biển lặng, cô tiếc đứt ruột. Tiếc nhất là cuốn “Vang Bóng Một Thời” của Nguyễn Tuân, bản in đặc biệt trên giấy ngà, bìa vải đen chữ thếp vàng, trang đầu có triện son. Cô học được cách uống trà của các bậc văn nhân xưa, và cô mê thú uống trà. “Vì đọc Nguyễn Tuân mà từ nhỏ tôi đã mê uống trà. Khổ cái là thời đó các vườn trà danh tiếng ở Bảo Lộc, Lâm Đồng đã bị quốc hữu hóa thành trà quốc doanh, ai cũng biết hàng quốc doanh là như thế nào, mua ở chợ hay hợp tác xã uống không vô. Má tôi là cô giáo, ngày lễ tết thỉnh thoảng được phụ huynh biếu tặng trà tốt kiếm được nhờ nguồn quen biết riêng. Tôi học theo Nguyễn Tuân, tuy không có các loại ấm đồng, bình trà cầu kỳ, nhưng cố công pha bằng nước mưa nấu vừa sôi chứ không chịu nước máy, ai cũng cười đứa con nít mà khó khăn tỉ mỉ với nước pha trà”. Qua tới Mỹ, dịp Tết, cô được một người Hoa biếu thứ mà cô mong ước từ lâu: một bình sứ tròn màu xanh ngọc, nắp khằn kín, bên trong là đọt trà khô hái đầu mùa tuyết trên núi. “Tôi nhìn trà quý mà tiếc vì chiều tối mùng hai trời bỗng dưng đổ trận tuyết đầu năm, phải chi biết trước tôi đã ra giữa sân hứng tuyết để pha trà như ni cô Diệu Ngọc trong Hồng Lâu Mộng”. (Chén Trà Đầu Xuân).

Minh Ngọc trẻ nhưng già, gần mà xa, nhưng cách nào cô cũng không thể trẻ bằng ông Võ Kỳ Điền. Cô không đọc được mấy chữ Nho trên bình trà nên bút đàm với ông Võ. Ông nho chùm này chẳng khó khăn chi để đọc mấy chữ “Lô Sơn Vân Tuyết Trà”. “Lô Sơn thì quá nổi tiếng trong văn học sử Trung Hoa, thế là chúng tôi sa đà từ Tô Đông Pha qua Lý Bạch. Ngắm những đọt trà xanh biếc từ từ lắng xuống đáy chén sứ trắng, hương thơm dìu dịu quyến rũ trong một ngày đông giá lạnh, bàn luận Đường thi trên Facebook, quả là thú tuyệt”.
Tôi chưa già hung nhưng nhìn quanh thấy ai cũng ít tuổi hơn mình, kể cả ông Biden lẫn ông Trump, bỗng cảm thấy hình như tôi vừa thấy một cái bóng già trong lốt trẻ. Chuyện xa đã vậy, chuyện gần có khác. Quen với các ông Nguyễn Xuân Hoàng, Bùi Bảo Trúc, Minh Ngọc trở lại cái lốt trẻ. “Ông Hoàng có ý muốn giới thiệu tôi quen biết với các văn nghệ sĩ khác, nhưng tôi nghĩ phận con cháu đâu dám leo trèo ngồi chung chiếu vói các vị trưởng thượng, nên chỉ giới hạn với ba vị mà thôi”. Hai vị là các ông Hoàng và Trúc, vị thứ ba là Song Thao, “cây bút tôi ái mộ nhất trong bộ Thời Nay gia đình”. Ông Song Thao vui như mở cờ trong bụng vì được hạ xuống, không phải thuộc nhóm “các vị trưởng thượng”!
Từ năm 2000, Minh Ngọc viết đều cho tạp chí Văn của Nguyễn Xuân Hoàng dưới bút hiệu Ngọc, chỉ một chữ trơ trọi đứng giữa đời. Khởi đầu với những truyện ngắn khá độc đáo. Trong cuốn “Chuyện Gần Chuyện Xa” này, cô cũng cho in một số truyện ngắn mới viết. Sau đó cô còn giữ mục “Văn Nghệ Thế Giới” nhằm giới thiệu tin tức văn học ngoại quốc. Nghề chính là khoa học nhưng lòng cô lại sa đà vào chuyện chữ nghĩa, nếu nói “văn võ toàn tài” không biết có đúng vào trường hợp của cô hay không.

Trong “Mào Đầu” của cuốn “Chuyện Gần Chuyện Xa” này, hai tác giả viết: “Thập niên 80-90 ở hải ngoại, có xu hướng gom hết các nhà văn viết giọng Nam kỳ vào một thể loại gọi là “văn chương miệt vườn”, một thuật ngữ tào lao hết chỗ nói, nhưng vẫn lưu truyền tới bây giờ. Những phê bình gia đó, hầu hết gốc Bắc, gốc Trung, nhìn vào văn chương Nam bộ một cách phiến diện, kẻ cả. Ngoại trừ Hồ Trường An hay viết về đời sống dân quê, hầu hết các cây bút Nam kỳ khác như Kiệt Tấn, Võ Kỳ Điền, Phan thị Trọng Tuyến…phản ảnh sinh hoạt của giới trung lưu trí thức. Mặc dù viết bằng giọng Nam kỳ, họ không lạm dụng từ ngữ dân dã hay khai thác lối sống “miệt vườn’.”
Ngay từ khi được đọc những truyện ngắn đầu tay của Võ Kỳ Điền trên tạp chí Làng Văn trong thập niên 1980, tôi đã thích thú với giọng văn rặt Nam kỳ của tác giả. Nhưng văn phong đậm hơi hướm Nam Kỳ này không hề “miệt vườn” chút xíu nào. Nhà văn Minh Ngọc, sanh sau đẻ muộn, cũng có văn phong Nam kỳ nhưng không đậm đà như ông giáo đã có hơn nửa đời người dạy học tại quê nhà. Nhưng dầu sao họ cũng có một mẫu số chung, cái làm cho hai nhà văn, một già một trẻ, đứng chung với nhau trong một cuốn sách với những chuyện từ quê nhà qua quê người, từ khi gần tới lúc xa, như không mảy may ảnh hưởng tới phong cách của họ. Mong cuốn sách này chỉ là khởi đầu cho những cuốn tiếp theo, vẫn chuyện gần chuyện xa, 09/2022
Song Thao
https://www.facebook.com/profile.php?id=100007265208765


Đăng ngày 05 tháng 01.2023