Tản mạn về SỢ

Trần Trung Đạo


Một em bé Bắc Hàn trong tang lễ Kim Jong Il  -  Ảnh của Reuters/ Kyodo

Trong nước, từ một em bé tiểu học cho đến một cán bộ đảng hồng như ráng trời chiều đều có ít nhiều vi khuẩn sợ trong người.
Từ những bài tập viết văn cho đến các tiểu luận, biên khảo vẫn nặng phần trích dẫn. Thậm chí trong một bài viết vỏn vẹn hai trang đã hơn một nửa là trích dẫn những câu kinh điển do các "lãnh tụ anh minh" để lại.
Trích dẫn không phải để chứng minh cho cái đúng hay che giấu cái dốt của mình, mà quan trọng hơn là để an tâm. Trong nhiều trường hợp, những câu trích dẫn lại không ăn nhập gì vấn đề tác giả đang bàn.
Trong buổi họp, nếu ai lên tiếng phàn nàn, phản đối trước một đề nghị nào đó, người chủ tọa chỉ cần dọa một lần đề nghị đó cũng chính là ước vọng của lãnh tụ anh minh, tức khắc sự phàn nàn dù không ai khuyên răn cũng xẹp đi như chiếc bong bóng xì hơi.
Thói quen dựa hơi những người được trao cho quyền "bất khả xâm phạm" trong xã hội, dù còn sống hay đã chết, cũng đều từ sự sợ hãi mà ra. Thói quen đó đã theo thời gian phát triển thành một cố tật trong sinh hoạt văn hóa xã hội tại Việt Nam.

Bịnh sợ hãi còn gây ra hai biến chứng trầm trọng khác là nịnh bợ và đổ thừa.
Tôi nhớ có lần đọc một bài viết của một giáo sư trong nước viết về tình thương theo kinh Pháp Cú nhưng lại cố tình nhét cho được vài câu nói của Lenin vào trong bài viết. Một tham luận hết sức nghiêm túc bỗng dưng thành rẻ tiền chỉ vì sự nịnh bợ một cách vô ý thức của tác giả.
Trong các bài tự phê bình chính thức hay không chính thức, những lý do khách quan bao giờ cũng nhiều hơn chủ quan. Chậm tiến là vì, nghèo đói là vì, tham nhũng là vì, nhưng tuyệt nhiên không có cái vì nào trong số đó là lỗi của mình.
Sợ là một ý thức hiển nhiên gắn liền với số phận con người. Sợ sống, sợ già, sợ đau, sợ chết, nói chung, sợ tất cả những hiện tượng mà con người luôn phải đối đầu nhưng chưa giải thích được bản chất của chúng.
Trong lúc sự sợ hãi là một phần của số phận con người như vừa trình bày, nó chỉ trở nên tai họa tập thể khi mức sợ hãi phát triển thành một bịnh trạng của cả xã hội, tồn tại như một phần của đời sống văn hóa dân tộc, gây nên những phản động lực cản trở sự phát triển tinh thần của con người và ngăn chặn sự thăng tiến của xã hội.

Trong lịch sử của nhân loại thời cận đại, xã hội Liên Xô dưới thời Stalin và Bắc Hàn trong thời Kim Nhật Thành, có thể được xem là những nơi căn bệnh sợ hãi đã bị xã hội hóa đến mức độ gần như toàn diện.
Dưới chế độ toàn trị của Stalin, con người thấy chung quanh họ không có ai là bạn mà chỉ toàn là kẻ thù, kể cả cha mẹ, vợ chồng, anh em, bè bạn. Đảng có kẻ thù của đảng, nhà nước có kẻ thù của nhà nước, nhân dân có kẻ thù của nhân dân. Solzhenitsyn đã viết trong The Gulag Archipelago: "Bất cứ một người lớn nào trong quốc gia này, từ một nông dân hợp tác tập thể cho đến một ủy viên bộ chính trị đều biết rằng chỉ cần một lời nói hay một cử chỉ thiếu thận trọng, ông ta sẽ vĩnh viễn rơi xuống đáy vực ngay." (Any adult inhabitant of this country, from a collective farmer up to a member of the Politburo, always knew that it would take only one careless word or gesture and he would fly off irrevocably into the abyss." (Solzhenitsyn, The Gulag Archipelago).
Chủ trương trồng cấy vi khuẩn sợ hãi vào toàn bộ xã hội Liên Xô của Stalin thành công đến mức có lần ông ta cho rằng các cơ quan an ninh trong quần chúng có thể không còn cần thiết. Lý do Stalin tự tin như thế bởi vì sợ hãi đã có thể tự quản được trong chính mỗi con người.

Bệnh trạng sợ hãi tại Bắc Hàn so với Liên Xô còn trầm trọng hơn vì nhiều nơi tại Bắc Hàn con người được thuần hóa đến mức không còn biết sợ là gì.
Một phần nhân tính quan trọng trong con người là sợ hãi, đã không còn tồn tại trong ý thức của nhiều người dân Bắc Hàn nữa. Nhận thức của con người họ phụ thuộc hoàn toàn vào một trung tâm chỉ đạo ý thức được điều khiển từ bên ngoài.
Nhiều người dân Bắc Hàn hoàn toàn mất ý niệm không gian và thời gian. Ngày tháng và nơi chốn đã bị đổi thay sau khi Kim Nhật Thành xóa bỏ niên lịch AD đang được dùng trên thế giới và thay vào đó bằng lịch Juche, lấy năm sinh của ông ta làm chuẩn. Ví dụ, năm 2000 là năm cuối cùng của thiên niên kỷ đối với phần lớn thế giới nhưng tại Bắc Hàn chỉ mới là năm Juche 99.
Trong một bài bình luận của Rodong Sinmun, cơ quan thông tin chính thức của Đảng Công nhân Triều Tiên phát hành ngày 31 tháng 8 năm 1997, viết về Kim Chính Nhất: "Nhân dân Triều Tiên tuyệt đối tôn kính, tin tưởng và theo chân Tướng Quân như Thượng Đế. Tư tưởng quý giá này căn cứ vào sự kiện rằng họ đã cảm nhận một cách sâu sắc sự vĩ đại của Tướng Quân từ đáy lòng họ. Tướng Quân là thầy giáo vĩ đại dạy nhân dân Triều Tiên ý nghĩa thật sự của cuộc sống, là người cha đã ban cho họ đức tính liêm khiết chính trị quý giá và là một ân nhân có trái tim nồng ấm dịu dàng, đã mang đến cho nhân dân Triều Tiên niềm hạnh phúc trọn vẹn... Tướng Quân là cây trụ tinh thần và là vầng thái dương vĩnh cửu của nhân dân Triều Tiên."
Nếu lý luận theo quan điểm kinh tế của Mác, khi mức độ xã hội hóa của nền kinh tế đạt đến mức toàn diện, chế độ kinh tế tất yếu sẽ biến thái, thì sự biến thái của các xã hội khống chế bằng nỗi lo sợ toàn diện như trường hợp Bắc Hàn, không có gì khác hơn là mang con người trở về thời nguyên thủy.

Tản mạn về sợ, ngoài ra, để thấy rằng người Việt Nam trong thời đại này may mắn hơn nhiều so với người dân bất hạnh thời Stalin hay người dân đã mất đi tính sợ ở Bắc Hàn, bởi vì dù sao tại Việt Nam sợ vẫn còn là một điều có thực.

5 oct.2022
Trần Trung Đạo

(Đăng lân đầu trên Diễn Đàn talawas 28 tháng 12, 2004).

https://www.facebook.com/ChinhLuanTranTrungDao/posts/pfbid0CQxNNCSJpkddXFfrqn5NUysMFzLpAbn4yKUpyjMpBPAnezQdjnkmv1k6bZHuEkzMl


 


(ảnh TTĐ "Di tích Bức Tường Bá Linh")

Có hai cách để đập đổ bức tường chuyên chính CS. Thứ nhất, đi mượn một cái búa lớn của các cường quốc đem về đập phá bức tường và thứ hai xoi mòn bằng những bàn tay nhỏ Việt Nam kiên nhẫn.

Sau 47 năm, những người đi mượn búa hoặc chết trên đường đi hoặc trở về không. Còn lại hôm nay là những bàn tay Việt Nam nhỏ nhoi nhưng kiên nhẫn. Những người Việt Nam đó dù đang ngồi trong bốn bức tường đen hay đang âm thầm làm việc mới chính là những người viết nên trang sử của một Việt Nam dân chủ và bền vững lâu dài. Không ai phủ nhận yếu tố quốc tế, nhưng nội lực dân tộc chưa đủ mạnh, chưa có một hướng đi chung, không thể vận dụng được sự ủng hộ từ quốc tế và quốc tế cũng không ủng hộ.

19 sept.2022
Trần Trung Đạo

https://www.facebook.com/ChinhLuanTranTrungDao

 

Đăng ngày 18 tháng 10.2022