Bồ Tùng Linh tân biên liệt truyện I

Ngồi ở nhà quàn


Phí Ngọc Hùng

Lão có người bạn trẻ vừa chết! Chết chả hẳn là hết chuyện, bởi nhẽ các cụ nho gia ta xưa có câu kinh điển “sinh vi quá khách, tử vi quy nhân, thiên địa nhất nghịch lữ, đồng bi vạn cổ sầu” mà người bạn trẻ của lão góp nhóp rằng cuộc đời là quán trọ, thân phận lữ khách trong nỗi thăng trầm được hay mất, đứng giữa hai con đường, tha nhân không thể cùng một lúc đi hai ngả mà phải chọn một.
Phải chọn một giữa hai con đường…khó đi là địa táng và hỏa táng, người bạn trẻ của lão chọn…lò thiêu. Bạn đọc ngẫn ngẫn rằng “người” là giống giuộc gì mà nhiều sự quá thể vậy! Lộng ngôn lộng chữ về người bạn trẻ ư, đại loại người thượng thông thiên văn, hạ thức địa lý, trung trí nhân sự. Văn sách thêm chút nữa, đại thể người là dân làm văn. Bạn đọc lễnh đễnh thêm “người” thông thiên bác cổ thế nào chăng? Ừ thì mới đây non tuần, ngồi ngoài vườn nói chuyện văn dĩ tải đạo về…cái chết của Léon Tolstoi. Nho nhe chữ nhất bẻ đôi không biết, lão đan lồng nhốt kiến bằng vào sự thể ai cũng phải chết qua câu “hạc nội mây ngàn”. Người bạn trẻ nhấm nhẳng rằng ý câu này là nay đây mai đó, không biết bao giờ mới gặp nhau. Bạn dỗi, không tửu lạc vong bần nữa và cút về. Người về rồi, lão điện thoại nhăm thì bẩy luợt chả thấy tăm hơi đâu.
Đang khi vui lọ đàn phách mà người đã sớm về với thiên cổ, lão khăn gói gió đưa thăm người bạn trẻ chết…trẻ ở nhà quàn. Bước tới bàn thờ, nhìn bức di ảnh người bạn trẻ đeo kính trắng bự sự trông cũng kinh điển lắm. Chợt nhớ năm xưa người bạn trẻ dặn dò lệ cúng bái của người Khổng Khâu là vái người sống ba vái, vái người chết hai vái. Nom dòm thấy chết chắc rồi, bèn kính cẩn vái hai vái cho chắc ăn. Bước qua nơi bạn nằm an giấc nghìn thu. Dòm nom thấy người bạn trẻ đội mũ vàng, mặc tăng bào nhà Bụt cũng mầu vàng. Lão có “cảm giác” người bạn trẻ của lão chả…văn nhân, văn vẻ tí nào. Đang phiêu bồng đến nơi chốn này, hiền thê bạn đi tới đưa xấp giấy nói là “Di cảo” mà bạn trăn trối đưa tận tay lão. Ủa chuyện tha ma mộ địa gì đây? Lão trở ra tiền sảnh ngồi xuống bộ sa-lông tụng như tụng kinh. Hóa ra, di mặc của bạn dẵm lại lối mòn xưa cũ với tử vi quy nhân, hiểu theo người bạn trẻ là…người chết trở về ngay đây.

Và di cảo của người bạn trẻ với tử vi quy nhân như thế này đây, thưa bạn đọc.
Khách khứa lục tục đến viếng, đúng lúc tôi đang ngứa ngáy với bộ “com lê”. Bởi nói vãi thì lại nói vơ theo nhà Bụt, người chết không nên mặc quần áo ngon lành. Vì làm vậy, người chết đổ đốn đâm ra luyến tiếc đời tục lụy nên chẳng chịu về cõi cực lạc cho khổ cái thân. Người nhà cũng đừng có gào tướng lên khóc lóc như níu kéo người chết, khiến hương linh người chết bị vướng víu không lên niết bàn được mà ở lại cũng không xong. Vẫn chưa xong, tôi đang muốn đục tụi nhà quàn một quả, bởi thằng người tôi nằm trong áo quan tự thấy dị hợm gì đâu. Chẳng là nhà quàn họ tô son đánh phấn thằng tôi như đàn bà con gái nên chẳng giống ai. Họ lại còn đeo kính cho tôi để làm cảnh, khách khứa nhìn tôi đeo kính nằm chết như mơ nên tọc mạch tôi ngỏm củ tỏi thế nào? Tiện nội được thể vun chuyện nào là có điềm báo trước hay sao ấy nên tối đến, tôi cứ nằm mơ thấy ông ông bà ông vải, rồi đột dưng…trúng gió chết quay cu đơ. Với ngẫu sự ấy, người nào cũng buồn nhiều hơn vui như nhà mình có đám không bằng nên ai nấy đều ngậm ngùi và…ngậm tăm. Bởi mơ thấy chết là may, thấy đẻ đái mới sợ. Thêm nữa, tới nhà quàn ngắm người chết ngon ơ mà mình còn sống nhăn răng cạp đất, thì may mắn là cái cẳng chứ còn gì nữa.
Trừ hàng ghế cuối, có hai ông đang rì rầm nói chuyên văn chương thiên cổ sự:
- Ông đã đọc Chiến tranh và hòa bình của Léon Tolstoï chưa?
- Hơ! Chiến tranh đã chấm dứt năm 75 rồi mà!
Hai ông yên ắng, ngồi thẳng, hai tay trên gối, mặt nghiêm và buồn.
Ha! Nói chuyện văn chương thiên cổ sự còn ai trồng khoai đất này. Tôi đây chứ ai. Theo tôi đọc Chiến tranh và hòa bình chưa đủ, còn phải đọc di bản cuối cùng “Tự bạch của Léon Tolstoi”. Tiểu luận về sự sống và cái chết của ông từ thuở thiếu thời cho đến khi…chết tại ga xe lửa ở Moscow, với đoạn dẫn nhập như sau:
“…Tôi cảm thấy chán ghét cuộc sống, tôi không thể cưỡng nổi thôi thúc tìm cách chối bỏ cuộc đời. Ý định tự tử đến với tôi cũng tự nhiên như trước kia tôi đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Tôi là nhà văn, bị ám ảnh bởi cái danh và bởi những lời tâng bốc người đời, rồi thì cái chết cũng sẽ đến và hủy tiêu tất cả...”.
Khiếp! Người bạn trẻ di quan, di ngôn gì mà hành ngôn, hành tỏi hàn lâm quá thể. Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào, lão bèn đào xới với Tolstoi, với Chiến tranh và hòa bình, lão chỉ thấy dài lê thê và có những chương chả ăn nhập gì tới cốt truyện, những đoạn nhẩy cóc cứ lung tung cả lên. Nào khác gì cụ Ngộ Không với tạp bút Một chút dối già, hoặc thảng như văn cách của nguời bạn trẻ thế này đây:
Trên bàn thờ cạnh áo quan, ảnh chân dung một tôi …lộng kiếng thếp vàng. Chẳng giống thằng người tôi nằm trong áo quan tí nào. Chẳng biết khách vãng lai có bản lai diện mục tôi không. Vì có tới ba cái tôi: “Tôi”, xác chết trong áo quan. “Tôi”, trong chân dung. “Tôi”, người chết rồi nhưng vẫn còn nặng nợ với nhất hữu ly biệt, thiên lý tống tiễn. Chẳng biết “tôi” nào là tôi thật, tôi giả. Ngóc đầu lên, dòm thấy lão ngộ chữ tới viếng. Ngó lão, tôi nhớ tuần trước ngồi ngoài vườn phùng trường tác hí nghe lão búi xúi về “hạc nội mây ngàn”, không biết lão đọc khúc này của L, Tolstoi chưa:
“…Tôi được rửa tội theo Kitô chính thống. Từ thơ ấu, người ta dạy tôi tin theo đạo, nhưng tôi không tin những gì được dạy bảo. Thêm nữa khi anh trai tôi Dmitri, đang học đại học. Bỗng nhiên trở nên mộ đạo và bắt đầu chăm chỉ đi lễ nhà thờ, ăn chay, chúng tôi chế giễu gọi anh là một Noah. Anh không nói gì, mấy tháng sau anh mất nên tôi không đi lễ nhà thờ nữa. Từ 16 tuổi tôi đã thôi không cầu nguyện, nhưng tôi vẫn tin vào một cái gì đó mà không nói được tôi tin vào cái gì. Tôi không phủ nhận người cõi trên, nhưng người cõi trên nào thì tôi chịu…”

Như L. Tolstoï, khi không người nhẩy cóc qua chuyện nhà quàn, nhà táng…
Sư cụ áo vàng và đoàn hộ niệm lục tục tới đọc kinh cầu siêu cho tôi được siêu thoát lên niết bàn. Trong khi tôi nằm đây và đang phiêu diêu với “sinh ký dã, tử quy dã”. Vậy chứ quy về đâu? Hay là hãy bản lai diện mục với những người vãng phần trước. Thế là hồn vía thiên cổ chi mê tôi chui tọt qua tường sang phòng bên cạnh để thăm hỏi. Ông này cho biết vừa “lâm sàng” đã có người cõi dưới đợi sẵn, nắm tay ông bay trong hành lang ngập ánh sáng lóa mắt. Ông lạc một vùng quá độ, vừa là đời này, vừa là một nơi nào khác. Nơi nào khác là căn nhà của bố mẹ ông vào đời trước. Lúc này ông mới nhìn toàn bộ cuộc đời mình với cảnh giới này nối tiếp cảnh vật nọ, theo dòng thời gian với sự việc xảy ra. Rồi người cõi dứới đưa ông về nghĩa địa làng thăm mồ mả gia tiên, ông bà ông vải. Lát sau, người cõi dưới đưa ông về phòng, vừa lúc tôi chui qua nên người cõi dứới hãi quá thể và…biến mất tiêu.
Thế là tôi để hồn đi hoang lẽo đẽo đi theo mấy cụ ông, cụ bà đã quy tiên từ đời Tam hoàng Ngũ đế nào rồi và đang vất vưởng quanh đây như tôi. Trong đó có một cụ ông nhằm vào cái tuổi chín tầng mây trời, phong thái rất an nhiên tự tại và thoáng đãng. Bèn làm lễ vấn danh, cụ cho hay cụ là Thần hoàng bản thổ làng Xũ. Tôi lẫn ngẫn trông thấy nhưng cũng kịp thưa thốt rằng cụ đã lên niết bàn chưa? Trên ấy có vui chăng? Cụ thong dong trả lời lên mãi, nhưng ở lâu không được vì chán lắm. Chán như đám ma này, nhà đám và khách hết đi vào phòng ăn nhà quàn lại đi ra. Bởi tang ma điếu đám ở làng quê xưa khác bây giờ vì có phường bát âm tò te tí te. Tang gia thuê người khóc mướn tỉ tê, tê tái…vui lắm. Thuờng thì những người khóc mướn đã nặng lòng với cuộc đời, họ khóc và kể lể cuộc đời người đã khuất như…thật. Như khi họ khóc dùm bà chị có cậu em mới mất với bài bản thì: “Thế là từ đây xa rồi, mỗi người đi mỗi ngả, v…v…”. Và họ lên bổng xuống trầm, gần như hát, có điệu, có vần với: Xa quá rồI em, người mỗi ngả - Bây giờ không biết nhớ thương nhau của nhà thơ Nguyễn Bính…nhớ người tình. Tiếp đến tang chủ ngả con sề đánh chén ngay cạnh áo quan, tiết canh lợn, lợn luộc chấm mắm tôm, rượu đế làng Vân uống tì tì…Uống đến say khướt, nhiều khi mấy bác đạo tỳ đánh nhau u đầu sứt trán đâu vào đấy rồi…rồi mới chịu khiêng người chết ra cánh đồng làng chôn.
Đoàn hộ niệm lao xao sửa soạn đi về. Sư cụ áo vàng là đồng môn với lão, đi qua chỗ lão ngồi dừng lại nói: “Anh Hùng về cố viết truyện đám tang này và tập tục tang ma người Việt để dành cho mai hậu”. Lão dạ vâng vì đang ngất ngư với tập di cảo…

Và rồi với nhật mộ hương quan hà xứ thị, yên ba giang thượng sử nhần sầu, cụ thần hoàng dẫn tôi về con đường mòn của làng Xũ xưa cũ. Vừa đi cụ vừa chín đụn mười trâu là chết cũng hai tay cắp đít như cụ vậy! Vừa tuế tóa xong là tới cổng vườn nhà ai đấy, trên cành cây ngoài vuờn buộc miếng vải hay tờ giấy bản trắng để cây cối cũng nhớ thương tiễn nguời đi. Vừa lúc nhà đám đi ra, vì ngõ trúc ao sâu nên không len chân vào được, tôi chỉ thấy người dẫn đầu tay cắp cái rổ, tay rải tiền âm phủ và những thỏi vàng trắng. Cụ cho hay ấy là tục rải vàng bạc trên đường đi để đánh dấu cho người chết biết lối mà trở về nhà. Ra khỏi ngõ, đô tuỳ nhà đám hạ quan tái vừa chạm đất là nhấc lên ngay, tất cả ba lần. Mỗi lần vậy, họ hàng tang gia mặc áo tang luơm nhươm, không may vá mà chỉ có mấy cái dải nứa buộc lại, đầu tóc để bù xù không chải. Họ quỳ đập đầu xuống đất vái ba lạy. Cụ giảng giải quan tài nhấc lên hạ xuống là người chết chào từ biệt gia đình về với ông bà tổ tiên. Ra đến cổng làng, linh cửu phải quay đầu lại để nguời chết được nhìn cái cổng làng lần cuối.
Trên con đường ra gò mả đồng làng, cụ chỉ cho tôi bốn đô tuỳ. Lúc này thiên cổ chi mê tôi mới chuối sau cau trước là họ đầu quấn khăn đầu rìu, gấu quần xắn móng lợn, và “minh tinh nhà táng” là giây chão võng áo quan bằng hai đòn gánh tre gộc. Vịn quan tài có một anh trai mặc áo bực tức tang phục hay áo tang. Ao bực là áo sô gai vải bố, thắt dây lưng lá chuối, đội khăn vành quấn rơm như cái rế đội nồi, chân trần, chống gậy là đốt cây tre. Bèn ớ ra. Cụ dậy bố anh trai mới chết, còn nếu như mẹ chết thì chống gậy vông. Bỗng có chị gái chùm khăn mấn, áo lộn sống sổ gấu, lăn đùng ra giữa đường, giãy đành đạch như đỉa phải vôi, khóc lóc thảm thiết và níu áo người ta không cho bước qua. Thấy lạ nên sắc mắc. Cụ cho biết ấy là con dâu hay con gái nằm cản người ta đem bố mình đi chôn. Bèn ngẫn ngẫn chôn ở đâu? Cụ hóng mắt tít mù trên gò mả, khật khưỡng đi trước là mấy bác đô tuỳ nát rượu vai xẻng, vai cuốc để đào huyệt. Trong khi chờ đợi mọi người vực chị gái dậy đi tiếp. Bỗng thấy có người dắt theo con chó đen đi theo đám tang từ đằng sau. Lại đú đậm cho rõ. Cụ cười cái hậc là chó đen quen ngõ, là nhà đám có chó đen dẫn theo thì sau ngày mở cửa mả, đêm về hồn vía người chết theo hơi hướng chó tìm về nhà thì sẽ không bị lạc. Thế nên các cụ ta xưa có câu “quáng quàng như chó nhà táng” là thế. Nhưng đừng dẫn chó trắng, bởi hồn người chết sợ lắm vì “chó trắng cắn ma”. Bèn gặng hỏi tới nữa với lễ động quan với mở cửa mả.
Mà cớ sự này lão ngộ chữ cũng chẳng hay biết. Ủa mà từ nãy giờ lão ta đi đâu vậy? Tôi phải đi tìm lão mới được, chắc lại ra ngoài ngắm khói huyền bay lên cây đây…
Khi không miệng lưỡi lão đắng ngắt. Đợi người bạn trẻ ra, lão sẽ rủ ra ngoài để nhớ nhà trong điếu thuốc. Nhưng đợi mãi không thấy tăm hơi đâu, nên hặm hụi tiếp…
Cụ cho hay tùy theo thổ ngơi, làng cụ ma chay là thỉnh thầy cúng. Lễ động quan, thầy lấy dao bầu chém ba nhát ở đầu quan tài vì gỗ mang từ rừng về, sợ ma rừng đi theo nên chém cho ma rừng.. chết luôn. Dòm thầy cúng cầm dao bầu mổ lợn, lật đật như ma trật đám quải cách mấy, tang chủ biết ý thầy đòi cái sỏ lợn. Con lợn bỗng dưng bị mang ra ngả thịt nên mới có câu “trơ trơ như sỏ lợn nhìn thầy cúng” là thế.
Thế là quan tài được võng xuống huyệt nhịp nhàng theo thầy cúng cầm hai mảnh tre gõ vào nhau gọi là “gõ xinh”, âm thanh “cách, cách” đến buồn thảm. Hạ huyệt lấp mộ rồi, thầy cúng đi quanh mộ vừa đọc thần chú vừa nhúng cành cây vào bát nuớc vẩy xung quanh mộ gọi là nước “cành dương”. Để tránh cái nhiễu sự mồ cha không khóc lại khóc cái tổ mối, người nhà đánh dấu đầu ngôi mộ để ba ngày sau trở lại làm lễ mở cửa mả. Với lễ mở cửa mả, thầy cúng bày bộ tam sên gồm trứng, con cua luộc, miếng thịt lợn. Và một con gà sống thiến còn…sống. Con gà được thầy cúng buộc giây vào chân, dắt đi quanh mả rải gạo cho gà mổ, tay vung vẩy bó nhang, tay bắt quyết va tụng “Hồn nay ở chốn non bồng, qua đây hồn hãy vui lòng ghé chơi”. Sau đó nhà đám đi về, bỏ mặc gà muốn đi đâu thì đi. Gà đợi làm lễ lâu mệt khờ người, lại bơ vơ giữa đồng không mông quạnh, nên ngơ ngơ không biết đi đâu.
Mặt tôi đực ra như ngỗng đực với con gà sống thiến còn…sống! Cụ lực đực là trong lễ mở cửa mả này phải có con gà dắt theo để nó kêu lên khiến hồn người chết nghe tiếng gà thức dậy, đồng thời phải có cái thang năm tấc và ba ống trúc tượng trưng tam cương, ngũ thường, cho hồn leo lên, vì bị chôn dưới huyệt phải leo lên thang mới lên được. Thấy mặt tôi ngáo ệch trông thấy, thấy vậy cụ diễn nghĩa câu văn ngữ trên chỉ người lúc nào cũng láo ngáo như thiên cổ chi mê tôi, như…”gà mở cửa mả”.
Chôn cất theo các cụ tuế toái thật. Tiếp, lão lúi húi với những chữ là chữ…
Không cần biết gà mở cửa mả rà sao, hai ông cuối dẫy hàng ghế lại râm ran:
- Ông đã đọc Anh em nhà Karamazov của Dostoevsky chưa?
- Vâng, mới đi xem “lúy” ra mắt sách tháng trước ở Canvas Bistro.
Mặt nghiêm và buồn, ngồi thẳng, hai tay trên gối, hai ông yên ắng.
Hơ! Tôi cũng buồn hiu và đang hiu hắt với “Tự bạch của Léon Tolstoi”…
“…Tôi đã từng giết người trên trận địa, thách đấu súng, thua bạc, nát rượu, quan hệ luyến ái với đàn bà có chồng. Vào thời kỳ ấy tôi bắt đầu viết vì hám danh, trong viết lách tôi cũng hành xử như trong đời sống. Để có được tên tuổi, tôi che giấu cái tốt lành, phô trương cái xấu xa để tạo ra cung cách từng trải của cuộc sống…”.
Thấy L. Tolstoi thác loạn quá thể, được thể lão dập vùi với cuộc đời của Dostoevsky:
Năm 1846 Dostoevsky đọc sách báo cấm, bị bắt, lãnh án tử hình nhưng được ân xá tại pháp trường khi vừa bước lên máy chém…Nghĩ tới cái máy chém…chém “phập” một cái là cái đầu rơi xuống lăn long lóc…Lăn đi đâu thì y như rằng…
Ngỗng nghễnh thế nào chả biết nữa tôi hỏi cụ chết rồi có xuống địa ngục không? Không đợi cụ trả lời, tôi tung hê với cụ là nhà Bụt đã thực chứng: “Hiện tượng khi người sắp chết” từ thần khí cho tới diện tướng. Nếu nhắm mắt lìa đời nhẹ nhàng như đi vào giấc ngủ bình thường thì thần thức sẽ lên niết bàn. Còn người chết một là mắt mở, hai là miệng hả, ba là mũi bầm đen, bốn là người ngợm co quắp thì thần thức chắc như cua gạch là sẽ…bò xuống địa ngục.
Cụ nhành mồm ra cười đánh khịt một cái mà rằng khi nào tôi ra ngoài thông khói, cụ sẽ thông hanh cho tôi tường mọi nhẽ của nghiệp chướng trong cõi phù sinh.
Chợt nhớ lại ngày nào, thiên cổ chi mê tôi cưỡng từ đạt lý với lão ngộ chữ, với ngã hữu thốn tâm vô dự ngữ, tạm hiểu là ta có tấc lòng chưa ngỏ được. Ấy là “sinh ra là khách qua đường,…thương thay cho hạt bụi ngàn năm”. Khi không trong nhà quàn văng vẳng từ nhạc cổ điển êm dịu sang điệu sa mạc nghe chỉ thấy toàn là cát bụi: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai muôn hình hài lớn dậy - Ối! Cát bụi ngập đầy, vết chân nào xóa bỏ một kiếp rongchơi - Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai tôi trở về làm cát bụi…”.

Lão ngẩng đầu ngó chừng chả thấy máy móc khỉ nào đâu, nên ngẫm ngợi người bạn trẻ có hoang tưởng quá chăng!? Rồi đành cơm niêu nước lọ tiếp với tập di cảo:
Lại nữa, lại lạng quạng thế nào chẳng hay, tôi hay hớm với cụ là qua kinh A di đà với thiểu dĩ thiện căn, phúc đức nhân duyên khó sanh bỉ quốc. Kinh viết rằng nếu như thần thức xuất ở đầu gối tái sinh là súc sinh. Nếu thần thức xuất thần ở bụng thì kiếp lai sinh về cõi người. Thấy cụ im thin thít như thịt nấu đông, tôi sa đà tiếp về kiếp nhân sinh: Nếu như thần thức xuất thần ở đầu thì vãng sinh về cõi Bụt.
Làm như sợ ai nghe thấy, cụ háy háy mắt rủ rê tôi ra ngoài, nhón một điếu thuốc hút lấy hút để. Vừa thở ra khói cụ vừa cụ lậu bậu là kinh A di đà mà tôi vừa nói như thánh phán ấy. Vì với giảng thuyết 49 năm, qua kinh Đại niết bàn, trước khi nhập diệt, đức Phật nói: “Như Lai thường không thuyết pháp vì pháp vốn vô tánh”. Bởi ngôn từ không để nói lên điều gì, nói chỉ là nói tạm. Vì vậy kinh A di đà không có lời nào là tuyệt đối đến mức mọi người cứ khư khư nắm giữ nó như giữ mả tổ. Tùy nghi liệu thế mà hiểu. Muốn giác ngộ, phải rời bỏ văn tự, không mắc kẹt vào ngôn từ.
Thở ra khói đâu vào đấy rồi, cụ trông giỏ bỏ thóc với luân hồi, nhân quả qua giấc ngủ rồi khơi khơi lên niết bàn. Hoặc giả người chết mắt mở, miệng hả rồi nháo nhào xuống địa ngục. Đến như cụ là đương cảnh thần hòang, thượng đẳng thần cũng còn không biết nữa là…Là chuyện nghiệp lành, dưới lạnh trước nên thân xác chết từ bụng lên. Với nghiệp dữ trên lạnh trước, thân xác chết từ đầu xuống, cụ có nghe qua rồi cho…qua luôn vì tùy nghi liệu thế mà hiểu. Cụ hóng hớt thêm rằng hiểu theo cụ trúng gió chết ngay tức thì như thiên cổ chi mê tôi thì…thì đoàn hộ niệm chẳng cần đọc kinh siêu thoát làm quái gì vì tôi đã…thoát rồi.
Thông hơi thông điếu đã điếu xong, cụ bèn có tích mới dịch nên tuồng mà rằng…
Rằng sau 49 ngày, hồn xuất đầu thai là súc vật, là người, hay là Phật. Bởi do tu nghiệp. Chứ với vô khả vô bất khả đâu cần đợi đến 49 ngày, vi có người đầu thai chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi chết, nhất là lính thú chết ngoài trận địa. Vì họ không chịu được cảnh hồn tử sĩ gió ù ù thổi, mặt chinh phu trăng dõi dõi soi để hồn họ lang thang ngoài chiến địa với máu me. Họ muốn…ù một cái là nhập xác liền. Lý do này đã giải thích hiện tượng chúng sinh…sinh đẻ như máy sau chiến cuộc là thế.
Thế là lưỡi đá miệng, thiên cổ chi mê tôi vấn cụ về tục 49 ngày?

Cụ nhón thêm một điếu thuốc chùa có mùi nhang nữa và hỏi ngựợc tôi ăn đong ăn vay hai chữ “thần thức” là lý sự gì? Không đợi trả lời, cụ mọt sách mọt chữ:
Khi vừa chết, “linh hồn” mà nhà Phật gọi là thần thức liền tái sinh vào cảnh giới khác do cái nghiệp của mình. Theo nhà Phật, thần thức hay linh hồn tái sinh vào “thân trung ấm” trong vòng 49 ngày. Chuyện gì sảy ra sau khi chết và trước khi tái sinh vào cảnh giới mới: Đó là giai đoạn 49 ngày mà thần thức sẽ “chết đi sống lại 7 lần”.
Ngồi trong này nghe thấy mùi thuốc lá thơm nức mũi. Trong túi thủ bình rượu nhôm dẹt Courvoisier to bằng bàn tay. Lão cứ ngóng ngóng đợi cụ thần hoàng…biến cho rồi để lão ra hành lang làm một ngụm, hít một điếu cho thơm râu với người bạn trẻ.
Đợi dài người, hai người vẫn đứng đó rì rầm, lão đành cắm cúi đọc tiếp…
Mỗi ngày, mỗi chư Phật mang tới hai màu để người đang “sống dở, chết dở” phải chọn một trong hai. Người này chọn mầu xanh thì về cõi Phật, mầu trắng về cõi trời. Nếu không chọn đuợc “một trong hai con đường” như…”thiên địa nhất nghịch lữ” với triết lý củ khoai của tôi…”bịa” ra thì bước qua ngày thứ hai.
Ngày thứ hai, nếu người mang thân trung ấm chọn màu đen là về với địa ngục. Ngày thứ ba, màu xanh về với cảnh giới người. Ngày thứ tư, màu vàng với ngạ quỷ. Ngày thứ năm, màu đỏ là súc sinh. Nếu vẫn chưa chọn đuợc thì ráng đợi hôm sau.
Ngày thứ sáu hôm sau, Ngũ Trí Như Lai Phật cùng một lúc hiện ra, mang theo 6 cảnh giới trong cõi sa bà: trời, thần, người, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục. Thần thức nhắm mắt chọn một cho…“thích hợp” vời kiếp lai sinh. Ngày thứ bẩy, đúng 49 ngày, trong giai đoạn thân trung ấm, người đang “sống dở, chết dở” đi…đầu thai.
Thấy “thân trung ấm” không ngon ăn như ăn trứng luộc. Cụ chữ nghĩa ngập răng…
Nói cho ngay vì cây dây quấn thì Phật giáo nam tông gỉai thích không nhiều với về sự chết! Đại thể khi tim vừa ngừng đập, thần thức tái sinh vào thân…”Trung ấm”. Với con người ta có ba thân: “Tiền ấm” là thân hiện tại lúc đang sống. “Trung ấm” là giai đoạn từ lúc chết đến lúc tái sinh. “Hậu ấm” là thân xác tái sinh vào kiếp kế tiếp.
Cụ dụi điếu thuốc vào lòng bàn tay như cái gạt tàn thuốc lá cho tắt, tạm hiểu là cụ không hít vào, thở ra khói nữa. Thế nên thiên cổ chi mê tôi nhẩm chừng cụ sắp “chết cối bỏ chày, chết mày bỏ tao” và rồi cụ bỏ tôi lại và…hoá.
Thấy vậy lão dợm bước ra hành lang để “lỳ một lam” với người bạn trẻ thì…

Cụ thăng rồi, vào lại nhà quàn, thiên cổ chi mê tôi lại loáy nhoáy đến L, Tolstoi với nhân sinh bách tuế vi kỳ, là đời người lấy trăm năm làm hạn. Không như chuyện ruồi bu vừa rồi nhưng lại ruồi bâu kiến đậu tới cuộc đời và cái chết…
“…Thuở ấy bản thân tôi không hiểu biết về cuộc đời và cái chết. Như khi ở Paris, cảnh tượng xử tử hình lột trần trước mắt thấy cái đầu của tử tội rời khỏi thân thể rơi xuống hòm, tôi đã không hiểu ra. Tôi chỉ nhận ra tính bất toàn của đời sống là cái chết của anh trai tôi Dmitri. Là một người tình cảm, anh tôi chết trẻ không hiểu được mình đã sống để làm gì và lại càng ít hiểu hơn nữa, chết rồi thì sẽ đi về đâu? Sau này tôi biết tât cả chỉ là hư ảo, hư không. Bởi vì tôi đoán được nó là cái gì. Ấy là: Cuộc sống vô thuờng. Cuối cùng đi đến bờ vực thẳm và trông thấy rõ dưới đó không có gì cả, ngoài cái chết. Tất cả mọi người đều biết như tôi. Nếu không bệnh tật, cái chết cũng từ từ sẽ đến một ngày nào đó không xa, không còn gì ngoài lũ giun dế!
Vì từ lâu tôi được nghe kể một chuyện ngụ ngôn phương Đông về một lữ khách giữa thảo nguyên bị một con thú tấn công. Chạy trốn con thú, lữ khách nhảy xuống cái giếng cạn, nhưng trông thấy dưới đáy giếng một con rồng đang há miệng chờ. Anh ta bám chặt bụi cây mọc từ khe giếng. Anh thấy hai con chuột nhắt, một trắng, một đen, bò đến và gặm bụi cây. Chỉ một lát nữa bụi cây sẽ đứt, anh ta sẽ rơi vào miệng rồng. Lữ khách nhìn thấy tất cả và biết rằng cái chết không thể tránh khỏi. Bỗng thấy trên lá cây mấy giọt mật ong, thế là anh thè lưỡi ra liếm chúng. Anh ta đang bám lấy cuộc sống, biết rằng sự chết không thể tránh khỏi…”.
Với sự chết không thể tránh khỏi là thấy…trời đất hương hoa, người ta cơm rượu. Y như rằng vì dòm xuống trang giấy, người bạn trẻ lại vơ năm gắp mười, bày biện quần áo hàng mã, tiền hoá vàng để nhang đèn hương khói với quả trứng, mâm xôi, và chẳng thiếu con gà khoả thân nấp sau bát nhang ngắm…cút rượu:
Trong một cõi đì về thấy thiếu vắng một cái gì ấy? Chợt nhớ ra nãy giờ lão ngộ chữ…vắng mặt, lại hồi cố nhân tới cụ thần hoàng với 49 ngày đã mồ yên mả đẹp. Còn với 100 ngày thì sao đây? Nếu có lão ngộ chữ ôm đồm với Chữ nghĩa làng văn thì cụ thần hoàng làng Xũ sẽ vỡ bọng cứt ra ngay. Vì từ thời Đông Hán, người Tàu dậy dân ta lễ nghĩa như hiếu hỉ và…tang gia bối rối, như người dẫn đầu quan tài rải tiền âm phủ vừa rồi: Tích này từ cụ vua Văn Vuơng đời Chu chết rồi sống lại do sai sót sổ sách của Nam Tào và Diêm Vuơng. Trở lại dương thế, cụ vua cho hay ở dưới cõi âm thiếu thốn trăm bề và xúi dân đốt vàng mã xuống để người cõi âm không phải hú cháo lá đa nữa, để người cõi âm tiền dằn túi đi chợ âm phủ ăn uống thỏa mái.
Từ đấy người làng Mái, Đông Hồ, tỉnh Bắc Ninh với nghề làm hàng mã như tiền âm phủ, những thỏi “vàng” làm bằng nan nứa gấp lại, ngoài bọc giấy mầu trắng tang chế rải trên đường cho đám ma hay nhà táng giấy để đốt trước khi hạ huyệt. Nghề làm hàng mã lan tới phố Hàng Mã, Hà Nội với sập gụ, tủ chè, nồi niêu, bát đĩa, áo quần, giầy dép và chẳng thể thiếu hình nhân là người hầu với điện thoại cầm tay.
Trở về với Kinh lễ nhạc của người Khổng Khâu làm quan chức “Tư chức lại”, lại lo việc nuôi dê cho việc cúng bái, nghi lễ nơi miếu đường. Khi người mất, xóm gừng láng tỏi ở xứ Bưởi để tang..”100 ngày”. Trưởng môn là thầy Tử Lộ để tang…”3 năm” qua việc thờ cúng với quả trứng, mâm xôi. Đạo Khổng chủ trường ma chay rất trịnh trọng, vì vậy có tục lệ “thuơng vay khóc muớn” đẻ để tỏ lòng thuơng tiếc người đi. Cũng từ nhạc lễ trong miếu đền, tục khóc mướn của Tàu, ta có phường bát âm cho đám ma, Phường bát âm gồm tám nhạc cụ là hồ, nhị, hồ gáo, sáo, đàn tứ, trống cơm, tiu cảnh, kèn. Nguời chết đuợc liệm vào áo quan, khi này phường kèn cử lên bài Lâm khốc, Con nhạn lạc đàn. Khi có người đến phúng điếu, nhạc bắt qua Điếu quân, Mã đáo. Lúc hạ huyệt, phường bát âm ò e í e với Kim tiền, Lưu thủy, v…v…

Hơ! Bỗng dưng lão ú ớ trông thấy: Một là khi cụ thần hoàng dụi mẩu thuốc lá vào lòng bàn tay mà chả thấy…nóng nẩy rôi nẩy dậy lên gì sất. Hai là người bạn trẻ to mắt hay nói ngang…ngang phè phè với…”niết bàn”. Nên lão bỏ sót không đọc đoạn chết đi sống lại 7 lần nên mới “sống dở, chết dở” với cúng cơm, và hát xướng dưới đây…
(…) Phật giáo bắc tông dẫn giải vì thần thức tái sinh vào thân trung ấm trong 49 ngày nên có tục lễ cúng thất thất lai tuần tại chùa. Người chết sống trong giai đoạn này đuợc hiểu là mang thân trung ấm là không cần ăn uống như người sống vì không có xác phàm. Nhưng người đang “sống dở, chết dở” có thể nghe, ngửi và nhìn thấy cảnh vật chung quanh. Người này với thân xác “thô”, thân là thân “vi tế” nên có thể đi bất cứ nơi nào trong tích tắc vì thân không bị không gian cản trở như thiên cổ chi mê tôi vậy. Tục lệ của Phật giáo đại thừa cúng thức ăn là nhắc nhở vong linh người chết sớm vãng sinh về với cõi “tịnh độ”, với bát cơm, đôi đũa. Còn bát khác chỉ có…một chiếc đũa. Vì người thân sợ vong linh nguời chết khác dành lấy thức ăn của người thân mình. Bởi chỉ có một chiếc đũa thi làm sao…gắp thức ăn.
Nghe đến “tịnh độ”, tôi ơ ra mắt tròn dấu hỏi? Chưa kịp há họng đã bị cụ thần hoàng mắng cho rát mặt là tôi mang vào di cảo với “vì người thân khóc lóc nên người chết không lên niết bàn được”. Cụ mắng là chữ nhất bẻ đôi không biết chỉ nói nhảm. Tiếp, cụ hoa rơi cửa Phật là cứ theo mật tông thì tiện nội tôi không cần mời sư tới cúng cơm, chỉ cần bày thức ăn, đọc kinh và mời người chết về thọ cơm. Đọc kinh Di Đà hay niệm Phật tiếp độ để hương linh sớm về với “cõi tịnh độ”. Cõi tịnh độ không phải là niết bàn. Vì theo định nghĩa của nhà Phật, niết bàn là chốn cực lạc, an vui. Chấm dứt sinh tử với luân hồi. Chấm dứt tam độc tham, sân, si. Cõi tịnh độ chỉ là nơi chốn tạm, do hạnh nguyện của đức Phật A Di Đà tạo ra để người có đức tin tái sinh về nơi đây tiếp tục tu học. Những điều này có đầy đủ trong Kinh tử thư của phái cổ mật. Cõi tịnh độ là nơi chỉ có tu mà không có đau khổ. Và cụ lụi đụi rằng với Kinh tử thư này chỉ có “tu”, không có đàn ca, hát xướng, nhậu nhẹt để…tu rượu. (…)
Chuyện dây cà ra dây muống là thế, vì chả muốn bỏ sót không đọc với giày thừa dép thiếu nữa, người bạn trẻ hiện ra bóp cổ thì bỏ bu, lão dán mắt vào trang di bút…

Nhìn ra ngoài sân có cây đào kwansan Nishiky, tôi lại rối rắm nữa với L. Tolstoi:
”…Dù có nói bao nhiêu: anh không hiểu được ý nghĩa cuộc sống đâu, nên đừng nghĩ nữa, hãy sống đi. Bây giờ tôi không thể không nhìn thấy ngày và đêm đi qua và kéo tôi đến gần cái chết. Mỗi bước đi trong nhận thức đều dẫn đến nó. Chân lý ấy là sự chết. Mà sự khởi đầu và kết thúc của nó ta không thể biết. Giống hệt khoa học thực nghiệm với những mơ hồ khi họ nghiên cứu những hiện tượng mang tính nhân quả với tiền kiếp, hậu kiếp qua những hiện tượng, thì ta sẽ có ngay cái mơ hồ.
Triết học cũng chẳng hơn gì, thay vì trả lời, họ có vẫn câu hỏi ấy, dưới hình thức phức tạp hơn bằng một câu hỏi khác: Tôi tồn tại để làm gì?. Triết nhân trả lời: “Không biết”. Hoặc biết thì: Ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì?. Trả lời: “Không là gì cả”. Hay: Cái gì có từ cuộc sống của tôi?. Trả lời: “Không cái gì cả”. Hoặc: Tất cả những tồn tại thì tồn tại để làm gì, và tôi tồn tại để làm gì? Trả lời: “Tồn tại vì tồn tại”.
Khiếp! Người bạn trẻ của lão di ngôn, di chúc gì mà tối như hũ nút thế này. Thấy ăn khoai vác mai chạy quấy, lão lại quấy quá với bài điểm sách cuốn Anh em nhà Karamazov cho thấy ông là người bàn luận độc đáo về tôn giáo. Trước cả Jean Paul Sartre, ông là một trong những người tiên phong khai sinh ra trào lưu triết học hiện sinh.
Trong khi ấy người bạn trẻ của lão vẫn tối như đêm, dày như đất:
”...Còn đâu là triết học chân chính vơi hiện tượng tồn tại mà câu trả lời đã được đưa ra từ lâu bởi Đức Phật, và Dostoevsky: “Chuẩn bị ra đi”. Hoặc với Socrate: “Ta suốt đời tìm kiếm cái chết, vì thế cho nên với ta cái chết không đáng sợ”.
Salomon: “Phù vân, tất cả chỉ là phù vân” với luận thuyết mặt trời mọc rồi lặn, mặt trời ngả xuống nơi nó đã mọc lên. Gió thổi về phía nam, rồi xoay về phía bắc, gió xoay tới rồi gió chuyển đi. Mọi dòng sông đều xuôi ra biển, nhưng biển chẳng đầy…”
Theo đóm ăn tàn triết lý củ khoai của người bạn trẻ, lão xoay xoả…
Nhiều người nhận định Dostoevsky không là một triết gia vì Anh em nhà Karamazov không phải là cuốn sách triết học, như Hữu thể và hư vô (L’être et le néant) của J.P Sartre chẳng hạn. Nhưng Dostoevsky có cùng quan điểm về cái chết như J.P Sartre. Vậy mà lão chả thấy người bạn trẻ đả động đến?
Khi ấy, người bạn trẻ của lão lại vẫn cái thói giờ mẹo trèo qua giờ tý:
Với mọi dòng sông đều xuôi ra biển… được thểi tôi lây lất qua câu kệ: Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát”. Bởi có ai đấy nói “Ma Ha” là con sông Hằng tinh khiết, tro người Ấn Độ sau bao tục lụy được thả xuống sông Hằng để trở về với tinh khôi. Cũng có ai đó lại nói “Ma Ha” là tên một con sông nào đó ở Ấn Độ, tương truyền các sư sãi tắm ở sông này sẽ tẩy hết bụi trần, trở nên thanh tịnh, được dẫn chứng trong bài Sãi vãi của Nguyễn Cư Trinh có câu “rửa bụi trần, sãi vui nước ma ha”. Ôi thôi chuyện chết rồi không hẳn là hết chuyện với sống vô gia cư chết vô địa táng thì…thủy táng. Vì tuỳ theo địa giới với phong thổ, người miền núi bỏ xác vào chum rồi bỏ…lăn lóc ngoài đồng. Hay treo xác lên cây…lửng lơ giữa đất trời. Hoặc bằm xác cho kên kên ăn để linh hồn theo chim…bay về trời. Gần đây nhiều người chết xác được đông lạnh đợi vài thiên niên kỷ sau nhét vào phi thuyền phóng vào không gian,,,bay vòng vòng mệt nghỉ.
Còn nhiễu sự của một tôi sau khi ở lò thiêu ra, tro được nhét vào tiểu sành mang vào chùa. Hay rắc xuống sông, trôi ra biển về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Trước khi về quê, quê ta xa mãi bên kia biển, chỉ thấy tơi bời mây trắng vương, tôi đoán chừng chuyện thiêu đốt qua “Thiêu táng ký sự” đã có từ hơn hai ngàn năm bên kia Ấn Độ Dương vi nơi ấy là đất Phật.

Thế là tôi vù qua…Đại Tây Dương, tới tận bên trời Tây, mò đến làng Mai để hỏi thầy Nhất Hạnh. Đúng là thiền sư có khác, thiên cổ chi mê tôi chưa kịp há họng, thiền sư đã luận chứng rằng: “Trong Phật giáo đại thừa nói rất rõ niết bàn là sinh tử. Niết bàn và sinh tử là một. Không có cái này thì không có cái kia. Thí chủ nghĩ rằng có niết bàn rồi thì không còn sinh tử nữa là kẹt vào cái lưỡng nguyên”. Bèn hỏi: “Vậy chứ đệ tử phải tìm niết bàn ở đâu?”. Thiền sư đáp: “Thí chủ hãy đi tìm trong sinh tử”. Thiên cổ chi mê tôi ngọng thấy rõ vì bị lạc vào bờ mê bến ngộ nên để cái đầu phiêu diêu với “Thiêu táng ký sự”. Như vừa rồi vầy vò với thiêu đốt từ phương Đông. Ở phương Tây, một số giáo phẩm tòa thánh Vatican tin có luân hồi và thiêu táng, trong đó có đức cha Origin, ông thánh Augustin. Năm 533 sau Tây lịch, vì triều đình La Mã cứ đường xưa lối cũ với cát bụi trở về với cát bụi nên vua Rex và hoàng hậu cấm không cho nói đến luân hồi và thiêu táng nữa. Hậu quả là sau đấy có hai giáo hoàng bị giết vì muốn giữ đoạn nói về luân hồi trong kinh sách.
Với kinh sách, kinh điển hồn ma bóng quế L. Tolstoi khật khờ hiện về với: Tất cả mọi người nếu không bệnh tật, cái chết cũng sẽ đến một ngày nào đó không xa! Đang vất vưởng ngồi ở quán Les Deux Magots trên đường Saint Germain nơi sinh thời Jean Paul Sartre vẫn ngồi. Chợt nhớ lại hồi sáng thiền sư Nhất Hạnh dậy rằng thì là: Muốn đi tìm niết bàn phải tìm trong sinh tử. Bèn được vắt qua J.P Sartre với: Ta suốt đời tìm kiếm cái chết, vì thế cho nên với ta cái chết không đáng sợ. Là kẻ vô thần nên J.P Sartre ngả ngớn: Muốn lên thiên đàng phải chết trước đã. Thêm Dostoïevsky là Kitô chính thống nhưng lại như đức Phật Thích Ca, Dostoevsky dẫn chứng cụm từ La tinh “iam mortuus”là “sinh thì” là…Chuẩn bị ra đi.
Ha! Bởi ăn mày chữ nghĩa của triết gia lẫn thiền sư nên tôi túm tó lại thế này đây: Một là cứ theo văn sách thì thiên đường, niết bàn có thật, nhưng không biết ở đâu. Hai là nếu như muốn biết thiên đường, niết bàn ở đâu phải chết ngay cu đơ cái đã. Ba là ngỏm củ tỉ rồi không phải lo chuyện vệ sinh, ăn uống, đi đâu chẳng cần xe cộ, máy bay mà chỉ bay vù một cái là đi, là về. Thế là tôi sửa soạn vù về nhà quàn.

Người bạn trẻ vù vê nhà quàn để làm thể thống gì, lát nữa sẽ biết vì còn đang trả tiền ở quán cà phê. Trong khi chờ đợi, lão ngửa mặt lền trần nhà quàn, lão ngớ ra vì chuyện nhạc sa mạc với cát bụi là có thật, chứ người bạn trẻ của lão không hư cấu. Vì với một thước hai thước như hồn ma bóng quế ám ảnh hay sao ấy, ở đâu đó góc nhà quàn, dàn máy chuyển từ nhạc Beethoven, và Mozart âm ỉ sang nam ai nam oán với: Đôi khi ta lắng tai nghe! Bao nhiêu năm làm kiếp con người, rồi chợt một chiều tóc trắng như vôi - Lá úa trên cao rụng đầy, cho…trăm năm và…chết một ngày.

Vừa nghe xong khúc nhạc, vừa lúc người bạn trẻ từ Paris về, leo vào quan tài nằm thẳng cẳng. Chưa nằm nóng chỗ đã ngóc cổ lên tìm hiến thê. Lão lại hặm hụi tiếp…
Tôi muốn nói đôi nhời với tiện nội trước khi vĩnh viễn rời bỏ khỏi thế gian này. Thảng như “tiêu nhiên nhi lai, tiêu nhiên nhi vãng, kỳ nhập bất cụ, kỳ nhập bất hà”. Chung sự với mọi sự trong cõi nhân gian phù thế này là hãy thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi, khi vào không lo lắng, khi ra không ngần ngại. Hay nói theo văn sách thời ai chẳng nhắm mắt buông xuôi về với mười đất chín trời. Thế nhưng tôi cứ nháo nhác vì không biết sau khi chết mình đi về đâu? Nói cho cùng về đâu cũng vậy thôi, vì cứ theo như cụ vua Văn Vương dưới âm phủ đói khổ lắm, đốt vàng mã cho lắm chỉ có nước…ăn khói. Còn niết bàn hay thiên đường có thật đấy, nhưng cứ theo cụ thành hoàng thổ ngơi làng Xũ lên chơi thì được nhưng ở lâu chán lắm. Vì vậy được sống trong cõi tục lụy này vẫn sướng hơn. Vậy mà đức Lạt Ma dậy rằng có nhiều người họ không biết sống, bởi sống như lão ngộ chữ với rượu bét tĩ, thuốc hít tràn cung mây thì có chết ai đâu. Vì vậy theo đức Lạt Ma thì họ…đã chết khi còn…đang sống.

Người chết co cụm trong vùng câm nín của mình…Ừ biết nói thế nào đây! Ngay cả người sống cũng vậy, như sư cụ áo vàng, đồng môn đồng tuế với lão ngộ chữ muốn gửi gấm một chút…tang gia bối rối cho…hậu thế. Vì vậy hậu sự là tôi gửi cho lão xấp di cảo, trong đó tôi ngập ngụa với rượu làng Vân, tiết canh lòng lợn bên cái hòm. Phu đòn say bí tỉ đánh nhau sặc gạch. Sau đó mấy bác đô tuỳ gánh cái hàng ra gò mả đồng làng. Ở đấy có con chó đen quen ngõ, có gà mổ gạo lộp bộp như gà mổ mo. Rồi thì như gà mắc tóc, lại vướng mắc đến chuyện được tin Dostoevsky mất, Tostoi bật khóc. Khi Tolstoi chết tại ga xe lửa ở Moscow, người ta thấy ông nằm ôm tập lai cảo Anh em nhà Karamazov. Chẳng cần đợi ba trăm năm sau với ai đó khóc Tố Như, thiên cổ chi mê tôi cứ động não là lão ngộ chữ nằm trong phi thuyền bay lên niết bàn hay thiên đường, lão có ôm theo tập di cảo của tôi chăng?
Chuyện tất cả chỉ có vậy và không hơn.

Tiện nội về rồi, mai là ngày thiêu, nằm một mình trong hai tấm ngắn bốn tấm dài. Khắc lậu canh tàn, thiên cổ chi mê tôi trằn trọc khắc khoải, nửa đêm về sáng nhìn ra ngoài. Sân nhà quàn hoang lạnh, hiu hắt vắng hiu, đất trời se se lạnh. Ngày Tết không có xác pháo hồng, hoa tàn nguyệt tận, sân cỏ vắng tanh vắng ngắt.
Gió lắt lay, hoa đào Nhật kwansan Nishiky lay lắt rụng rơi. Mưa lâm thâm.

Thạch trúc gia trang
Thu phân, Ất Mùi 2015
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Nguồn:
Võ Đình, Lý Khắc Chung, Phạm Cung Thông, Trần Kiêm Đoàn, Giới Nghiêm Đặng Tấn Hậu, Trọng Đạt, Phạm Vĩnh Cư, Dương Leh, Hazel Denning, và Raymond Moody.