Cảnh sát Pháp càn quét dư đảng quân khủng bố

Nhữ Đình Hùng

Tại Saint Denis, cảnh-sát càn quét dư đảng quân khủng-bố ngày 13.11.15


canquetkhungboCảnh-sát Pháp đã mở một cuộc hành-quân sáng sớm hôm nay, thứ tư 18.11 tại Saint Denis, mục-tiêu chính là tìm bắt Abdelhamid Abaaoud. Trong cuộc càn quét này, hai người bị coi là khủng-bố đã chết và bảy người khác bị bắt giữ. Về phiá cảnh sát, có năm người bị thương nhẹ và một chó tấn công và săn tìm chất nổ bị chết.
Năm ngày sau vụ tấn-công khủng-bố ở Paris, cảnh sát đã mở một cuộc tấn-công có qui mô lớn vào lúc 4g20 sáng ngày thứ tư tại Saint Denis.
Mục tiêu cuộc tấn công nhằm truy lùng Abdelhamid Abaaoud, được coi là người tổ chức việc khủng-bố đã làm chết 129 người vào ngày thứ sáu 13.11.

Hành quân cảnh-sát ở Saint Denis
Cuộc hành-quân của cảnh-sát đã do các lực lượng RAID, SDAT và BRI thực hiện và bắt đầu vào lúc 4g20 phút tại Saint Denis, một vùng phụ-cận với ngoại ô Paris. Khu vực này được coi như một vùng khó trị và điều này đã được chứng tỏ với cuộc hành quân sáng ngày 18.11.Khi tiến vào khu vực có toà nhà bị nghi ngờ có chứa dư đảng quân khủng bố, lực lượng cảnh sát đã được tiếp đón bằng những loạt đạn từ trong ngôi nhà bắn ra xối xả. Toà nhà này nằm ở góc đường République và đuoừng Corbillon ở Saint Denis.
Các cuộc bắn trả đã được diễn ra trong buổi sáng. Hai người bị coi là quân khủng bố đã bị chết trong cuộc tấn công, một phụ nữ đã tự sát bằng cách cho nổ giây lưng cài chất nổ, một người đàn ông bị chết vì miểng lựu đạn và đạn. Ba người trong ngôi nhà đã bị bắt giữ vì tình nghi, hai người khác bị bắt giữ vì đã trốn trong các đống gạch đá vỡ vụn, hai người đàn ông khác bị giữ vì 'đã cho hai người từ Bỉ sang ở trọ theo yêu cầu của một người bạn.

Cuộc hành-quân cảnh sát đã được thực hiện sau khi phân tích các chi-tiết từ một điện-thoại thu nhặt được sau cuộc tấn công ở Bataclan. Các dữ kiện về định vị địa lý (géolocalisation) đã giúp các điều tra viên tìm ra lộ trình của quân khủng-bố trước khi xảy ra vụ tấn công ở Bataclan. Người
được coi là chỉ huy cuộc tấn công khủng-bố ngày 13.11 tại Paris, Abdelhamid Abaaoud, bị ngờ là có mặt ở khu vực này. Abaaoud còn có bí danh là Abou Omar Soussi hay Abou Omar al Baljiki là một djihadiste có quốc tịch Bỉ, đã từng đi sang Syrie vào năm 2013. Chưa rõ trong soô các quân khủng bố bị chết có Abaaoud hay không.
Ngoài số cảnh-sát hành quân lên tới trên 100 người, còn có sự tiếp tay hơn 50 quân nhân để thiết lập vòng đai an ninh.
Cuộc hành-quân đã chấm dứt vào trưa ngày thứ tư. Được biết trong số những người bị bắt giữ để thẩm vấn, không có Abdelhamid Abaooud và Salah Andeslam.

Nhữ Đình Hùng/tin tổng hợp/18.11.2015


Một trang Facebook về chuyện khủng bố 13/11/2015

Trang Facebook của Isabel Bowdery đang được rất nhiều quan tâm và chia sẻ

Isabel Bowdery – cô gái người Nam Phi, sinh viên mới tốt nghiệp, 22 tuổi, đã đến xem buổi biểu diễn nhạc rock ở nhà hát Bataclan vào thời điểm các tay súng xông vào tấn công.
Chính quyền Paris xác nhận 89 người thiệt mạng tại hiện trường xả súng ở nhà hát Bataclan. Đây là điểm tấn công có thương vong cao nhất trong đêm Paris bị khủng bố ngày 13-11.
Bài viết của cô này đã được chia sẻ hơn 400.000 lần trên Facebook và được rất nhiều người quan tâm. TTO xin chia sẻ cùng độc giả.

Hàng chục người bị bắn chết trước mặt
“…Bạn không hình dung nổi chuyện này sẽ xảy ra với mình. Đó là một đêm nhạc rock cuối tuần. Không khí thật tưng bừng, ai nấy đều nhảy múa, vui cười rộn rã. Ngay cả khi những gã kia (khủng bố) đi vào lối cửa trước, bắt đầu bắn giết, chúng tôi vẫn còn ngây thơ nghĩ đó là một phần của tiết mục.
Đó chính xác là một vụ thảm sát. Hàng chục người bị bắn ngã ngay trước mặt tôi. Máu chảy tràn sàn nhà. Tiếng nức nở từ những người đàn ông ôm chặt thi thể còn ấm nóng của bạn gái mình như chọc thủng bầu không khí của nhà hát. Chỉ trong một thoáng, bao dự định bỗng nát tan, bao gia đình bỗng bị nhấn chìm trong đau khổ.
Tôi nằm giả chết suốt một tiếng đồng hồ, cô độc và hoảng loạn, giữa những người không còn thấy người thương yêu của mình động cựa gì nữa. Tôi nín thở, ráng không cử động, không khóc, không cho lũ khốn kia thấy nỗi sợ hãi mà chúng muốn gieo rắc.
Tôi đã may mắn thoát chết một cách diệu kỳ. Nhưng rất nhiều người khác thì không. Những người vô tội ấy cũng ở đây đêm nay đơn giản chỉ vì họ muốn có một buổi cuối tuần vui vẻ. Thế giới thật tàn nhẫn. Và những tội ác thế này diễn ra là minh chứng mạnh mẽ cho sự tồi bại của loài người.
Hình ảnh của những kẻ khủng bố kia vây quanh như một lũ kền kền rồi sẽ ám ảnh tôi suốt cuộc đời còn lại. Cách chúng vẫn lăm lăm nhắm vào những người đã bị bắn gục, không gợn chút áy náy cho mạng sống con người. Tôi cảm giác như tất cả chuyện này đều không thực. Tôi mỏi mòn nằm đợi khoảnh khắc ai đó đứng lên nói không phải đâu, đây chỉ là một cơn ác mộng.

Những người hùng thầm lặng
1
Vẻ mặt thất thần của cô gái đang được bạn trai dỗ dành sau khi chứng kiến khoảnh khắc khủng khiếp – Ảnh: CNN

Việc sống sót trong thảm hoạ này cho tôi cơ hội để nhắc đến những người hùng thầm lặng. Nhắc đến một người đàn ông đã dỗ dành tôi, liều mạng để che chắn cho tôi khi tôi đang nức nở.
Nhắc đến một cặp đôi nọ, trong phút sinh ly tử biệt vẫn nói những lời yêu, để tôi vững tin cái THIỆN sẽ mãi còn. Nhắc đến những cảnh sát đã cứu thoát hàng trăm con tin.
Nhắc đến một người xa lạ đã nâng tôi đứng lên khỏi vệ đường, an ủi tôi suốt 45 phút khi tôi nghĩ người mình yêu đã chết. Nhắc đến một người đàn ông bị thương mà tôi tưởng đó là người yêu mình; khi tôi nhận ra mình lầm, anh vẫn ôm chặt lấy tôi và bảo mọi thứ sẽ ổn, sẽ ổn, dù chính anh cũng đang cô độc và hoảng loạn.
Nhắc đến người phụ nữ nọ đã mở cửa nhà cho những người sống sót vào trú ngụ. Nhắc đến người bạn cho tôi ở tạm và chạy ra ngoài mua quần áo mới, để tôi không phải mặc một chiếc áo vấy máu.
Nhắc đến tất cả các bạn – những người đã gửi tin nhắn ủi an động viên. Các bạn làm tôi tin thế giới này còn cơ hội để tốt lên, để chuyện kinh khủng thế này không bao giờ xảy ra nữa.

Hãy ngủ yên!
Nhưng trên hết, những lời này tôi xin dành cho hơn 89 người bị giết trong nhà hát, những người đã không đủ may mắn để còn được thức dậy hôm nay. Xin dành cho nỗi đau mà gia đình, người thân họ đang phải gánh chịu. Tôi hiểu không gì có thể xoa dịu được nỗi đau này.
Tôi có cơ duyên được kề vai cùng họ trong những giây phút cuối đời. Giây phút đó, khi nghĩ mình sắp chết, tôi cam đoan những ý nghĩ sau cuối không phải về lũ súc vật đã gây ra thảm hoạ này, mà là về những người mình thương yêu.
Khi nằm trên vũng máu của những người xa lạ, chờ viên đạn định mệnh bay đến kết thúc 22 năm ngắn ngủi đời mình, tôi nhớ lại từng gương mặt thân thương và thì thầm nhắc đi nhắc lại “I love you”.
Tôi nhìn lại những phút giây đáng nhớ của đời mình, ước sao những người thân thương biết tôi yêu họ dường nào, và ước họ hiểu rằng dù bất cứ điều gì xảy ra với tôi, tôi cũng mong họ đừng đánh mất niềm tin vào tính THIỆN ở con người.
Đêm qua, cuộc sống của nhiều người đã thay đổi mãi mãi. Và có một điều hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta: Chúng ta có đủ can đảm để sống tốt hơn, sống tử tế hơn, để viết tiếp một tương lai mà những người đã khuất mơ về nhưng không bao giờ có cơ hội được sống trọn vẹn?
Hãy ngủ yên. Chúng tôi không bao giờ quên các bạn”.


ĐÚNG HAY SAI ?

Tác giả: Đoàn Thị

Từ vài năm nay, vùng Địa Trung Hải là bến đỗ của dòng người từ Phi Châu đi tìm đất hứa dù phải mất mạng. Vừa rồi làn sóng di dân Trung Đông gây rúng động thế giới với bức ảnh xác cậu bé chết trôi vào bờ, đánh động sự cảm thương của mọi người.
Cả trăm ngàn di dân đi xe, đi bộ tràn qua Châu Âu vì bà Merkel hứa nước Đức sẽ ôm trọn gói, trong lúc cộng đồng Âu Châu bên bờ vực hoảng loạn, siểng niểng vì vài thành viên sắp phá sản, đã phá sản và tiếp tục phá sản.
Tây, Đức hùng mạnh đang mắc nợ như chúa chổm, chỉ trông cậy vào sưu cao thuế nặng đánh vào công dân của họ để lấp món nợ trường kỳ, nhưng lại hào phóng đón dân tỵ nạn vì lỡ mang tiếng là nước giàu.
Xứ Anh lạnh lùng khôn ngoan, tự làm chủ vận mệnh đất nước mình, tuy là thành viên Châu Âu, nhưng không lệ thuộc vào cái rọ Schengen, không xài đồng euro, không dính gì đến dòng người chạy giặc tới Châu Âu.
Khi làn sóng di dân xô ngã hàng rào biên giới, gây hỗn loạn mấy xứ vành đai giới tuyến Châu Âu, các vị lãnh đạo Đức, Pháp chợt hoàn hồn, “từ nói đến làm” là một bài toán chưa có đáp số.
Bà Merkel, thủ tướng Đức nghẹn họng với con số hứa hẹn bảy tám trăm ngàn di dân sẽ được nhận vào Đức trong lúc thành phố Berlin bị ứ đọng không đủ phương tiện tiếp đón dòng người như thác lũ đáp xe lửa đến đây.
Xứ Tây tuyên bố sẽ nhận trên hai mươi ngàn người tỵ nạn, chính quyền thông báo sẽ chi trả một ngàn euros cho mỗi người tỵ nạn định cư ở quận huyện nào chịu chứa, ngay cả công dân Pháp, ai chịu cưu mang người tỵ nạn cũng sẽ được chi trả đúng giá trên.
Nghe mà đâm hoảng, một ngàn euros một người, số tiền không nhỏ, nhưng chi trả cho bao nhiêu ngày tháng thì chính phủ không nói rõ, ai muốn hiểu sao cũng được.
Chỉ cần vài nước Liên Âu lên tiếng tiếp nhận cũng đủ lôi kéo dân Trung Đông, Phi Châu đi tìm đất hứa, hậu quả vì số lượng quá lớn nên họ bị chặn lại ở biên giới Áo, Hungary, Croatie, Hy Lạp…
Tại đây họ đập phá để giải tỏa thất vọng, gây bạo loạn cũng là cách họ làm áp lực với Châu Âu là kết quả không tránh khỏi, chỉ tội người dân tại chỗ, họa vô đơn chí, đã nghèo lại phải đeo mang.
Trên TV Pháp, phát thanh viên hôm đó đưa tin nước Mỹ sẽ đón nhận trên mười ngàn dân tỵ nạn Syrie qua thanh lọc, coi như chia sẻ gánh nặng với Châu Âu. Bình luận viên ngồi bên cạnh mỉa mai:
- Xứ Mỹ rất rạch ròi, họ chỉ lo toan cho công dân của họ thôi, còn “bá tánh” tính sau.
Không hiểu dân Pháp nghĩ gì về câu này, riêng tôi rất hài lòng, vì ít ra công dân Mỹ dù bất cứ nguồn gốc nào cũng hãnh diện mình là người Mỹ, được chính quyền thừa nhận.
Bước chân vào phi trường Los Angeles (LAX) có cổng dành riêng cho công dân Mỹ, dù người đó bận áo bà ba mang dép Lào, hay mặc quốc phục Phi Châu… họ được tiếp đón như người thân trở về nhà.
Bên kia cổng dành cho ngoại quốc, du khách là thương gia giàu sụ đến từ Châu Âu, Á, Phi… phải xếp hàng rồng rắn như mọi người, nước Mỹ phục vụ người Mỹ không hề mặc cảm.
Phi trường Charles De Gaulle của Tây khác hẳn, làm gì có cổng Citizen, dân Pháp chìm lỉm trong đám đông như khách phương xa quá cảnh, xếp hàng như mọi người, chính phủ sợ ưu đãi dân mình sẽ bị mang tiếng kỳ thị.
Dân Tây ngại treo cờ quốc gia trước cửa nhà dù là ngày quốc khánh, ngại tự xưng mình là Tây chính gốc, vì sợ bị lên án “kỳ thị” với người nhập cư, họ lạc loài ngay trên quê hương mình.
Hội “SOS Racisme” bênh vực công dân Pháp gốc ngoại quốc nếu có ai bị hà hiếp, bị gọi là “dân da đen, dân Ả Rạp” (les noirs, les beurs), nhưng dân Tây chính gốc bị dân nhập cư đánh bờm đầu, bị gọi là “tụi da trắng” (les blancs) thì không thấy ai dám lên tiến bênh vực cho dân chính gốc đang sống trên quê cha đất tổ.

Vừa rồi trên TV, phát thanh viên gài bẫy vị dân cử cánh hữu, là thị trưởng thành phố phía bắc xứ Tây với câu hỏi :

- Tại sao địa phương của ông không chịu nhận người tỵ nạn Syrie vừa đến Pháp ?
Ông thản nhiên trả lời:
- Hiện nay chúng tôi không có tiền sửa chữa trường học vì ngân sách bị cắt giảm, ngoài ra thành phố của tôi đã cưu mang cả trăm gia đình tỵ nạn Kosovo từ bao năm nay nên chúng tôi không còn chỗ để nhận thêm người.
Cô kia tỏ vẻ nhân đạo, trách khéo ông thị trưởng:
- Ông không nhận được nhiều người, nhưng ông không thể nhận thêm năm hay ba người được sao, con số này nhầm nhò gì so với cả trăm ngàn người đang chạy giặc.
Tôi đang bí trước câu hỏi này, nhưng ông thị trưởng thì không, ông cười tươi rói:
- Thưa bà, theo ý bà thì tôi nên đuổi gia đình kosovo nào ra đường để mang gia đình Syrie vào thế chỗ của họ ?

Cô kia bẻn lẽn chuyển đề tài, câu trả lời đã nói lên phần nào thực trạng Châu Âu đang đuối sức với những nước thành viên đang giẫy chết, nhưng vẫn cố gồng mình làm “người khổng lồ bằng giấy”.
Đầu năm nay, thằng lớn nhà tôi đi công tác bên San José, vì máy bay đáp xuống San Fancisco nên cháu phải dùng taxi đi đến trụ sở chính ở thung lũng Hoa Vàng.
Anh “tài” hôm đó là người gốc Trung Đông, cũng trạc tuổi thằng con tôi, để thu ngắn hành trình, thằng nhỏ gợi chuyện trên trời dưới đất, anh “tài” định cư bên Mỹ hơn thập niên, có vợ hai con, thằng con nhà tôi có một con. Nói đến học đường, con tôi hỏi:
- Căn tin ở trường có thực đơn riêng cho trẻ em Hồi Giáo không?
Anh ta đáp:
- Làm gì có.
Thằng con tôi ngạc nhiên, kể tiếp:
- Bên Pháp ở khu vực có nhiều học sinh Hồi Giáo căn tin phải có thực đơn riêng không có thịt heo, đó là chuyện thường ngày ở huyện, còn chuyện chướng tai gai mắt ở bệnh viện cũng không ít.
Ông bác sĩ phụ khoa ở Pháp thỉnh thoảng bị ông Hồi Giáo đánh sặc máu vì cái tội dám nhòm chỗ kín của vợ hắn, họ đòi hỏi phải có nữ BS phụ khoa phục vụ vợ họ trong khi Đại Học y xứ Tây đang dẹp bỏ ngành phụ khoa quá tốn kém.
Bác sĩ ở bệnh viện cũng bị thân nhân bệnh nhân người Hồi Giáo hỏi thăm sức khoẻ bằng dao, hoặc hành hung nhân viên y tế vì họ không hài lòng cách phục vụ của bệnh viện, mặc dù họ được chữa trị hầu như miễn phí.
Những sự kiện này được đưa lên TV, báo chí như chuyện xe cán chó, chính phủ không có hình phạt làm gương vì ngại mang tiếng “kỳ thị” nên ngành y cúi đầu chịu trận, căn tin cứ thế mà phục vụ.
Anh tài xế Taxi nghe đến đây phải ngoái cổ nhìn thằng con tôi, vì anh không tin những gì vừa nghe, thằng nhỏ gật đầu xác nhận:
- Tôi nói dối anh làm gì, chỉ là chia sẻ với anh những gì xảy ra bên trời Âu đó thôi.
Xứ Tây dân chủ đến mức công dân hay không công dân đều như nhau, chỉ khác là dân bản xứ, dân nhập cư có quốc tịch đóng thuế cho bá tánh hưởng sái, một kiểu thế giới đại đồng cộng sản thời xưa. Chính phủ cắt giảm chi phí công cộng như đóng cửa bệnh viện ở vùng xa, giảm bớt nhân viên y tế, đóng cửa vài trường đại học…bớt chi tiêu cho dân để hào phóng với người ngoại quốc. Sinh viên ngoại quốc đến Pháp học, chi phí ghi danh y chang công dân Tây, hơn một ngàn euros một năm ở đại học Y, Dược, Khoa học kỹ thuật…, và được trợ cấp y tế, trợ cấp thuê phòng, bù lỗ vé đi métro…, số tiền trợ cấp này gần cả trăm triệu, trái lại sinh viên Pháp nào cha mẹ có thu nhập khá thì đừng mơ đến mấy thứ trợ cấp này.
Đáng sợ hơn là dân Tây, người bản xứ bây giờ y như người ở trọ trên quê mình, họ bị dân nhập cư với dân số gia tăng áp đảo và bản chất hung hãn đang áp đặt tôn giáo và văn hóa của họ khiến xứ Tây khó giữ được văn hóa và tôn giáo gốc của mình, nhà thờ bỏ trống được sửa thành đền thờ hồi giáo đang trên đà phát triển.
Gần đây có nhiều video cho thấy dân tỵ đang hé lộ bản tính và ý định áp đảo chính phủ Châu Âu sắp cưu mang họ, như bản tin dưới đây:

"Người Hồi giáo tị nạn yêu cầu hủy lễ hội bia Oktoberfest ở Đức!". Morad Almuradi, một người Hồi giáo ở Hà Lan đã tổ chức một cuộc vận động trên trang Change.org yêu cầu Hội đồng thành phố Munich hủy bỏ lễ hội 16 ngày bia Oktoberfest.
Nỗi lo bây giờ đã trở thành sự thật, chỉ còn là vấn đề về thời gian khi dòng người tị nạn đổ xô vào Châu Âu bắt đầu áp đặt những tư tưởng Hồi giáo của họ lên châu lục này.
Dân tỵ nạn hiện nay sẵn sàng đánh đổi sinh mạng để tìm đất hứa, nhưng sau khi được tiếp nhận và an cư, truyền thống tín ngưỡng độc tôn chắc cũng khó phai, có thể sẽ còn không ít người cực đoan trong họ chủ trương “đồng hóa” quốc gia tiếp đón họ và truyền bá đạo Hồi chứ không hề có ý hội nhập như dân Châu Á.

Nói vậy không có nghĩa tất cả người Hồi giáo đều quá khích, hiếu chiến. Dân tộc nào cũng có kẻ tốt người xấu. Nhưng người hồi giáo, dù không bạo động, không quá khích, họ gần như không hề lên án kiểu hành quyết man rợ như chặt đầu, thiêu sống... con tin rơi vào tay tụi cuồng tín, hay tiêu diệt người Công Giáo.
Trong khi Châu Âu ca bài “nhân quyền”, lăng săng cứu vớt người Hồi Giáo chạy giặc, thì người Công Giáo bị bách hại, tàn sát bên Trung Đông còn đang bị quên lãng.
Bà Merkel và ông Hollande theo chủ nghĩa đại đồng cho rằng những người tỵ nạn này là “phúc lộc, tài nguyên”, là lực lượng lao động chính cho những xứ đang tuột dốc dân số, trong lúc dân thất nghiệp tại chỗ đang gia tăng.
Thử làm con tính nhẩm, gia đình hồi giáo, một vợ năm sáu con, chỉ có một đầu lương của ông chồng, xã hội phải tài trợ vài chục năm cho họ, với ẩn số, con cái của họ sẽ làm gì đền đáp ơn cưu mang họ, hay lớn lên mấy cậu lại quay về cố hương (Trung Đông) để học trò thánh chiến và du nhập bạo lực vào châu lục này.
Lò rèn thánh chiến sẽ chốt tại Châu Âu khi họ có đủ nhân lực khắp nơi và ngay cả trong nguồn máy chính quyền, nhóm thánh chiến không cần phải quay về Trung Đông.
Phúc họa - họa phúc không biết đâu mà lường. Bà Merkel, và cả ông Hollande, trước số lượng dân tỵ nạn đang tràn vào Châu Âu, tuy cao giọng về đạo lý văn minh Âu Châu, nhưng con mắt và cái đầu đang phải thấy dân tình ngơ ngác lo âu trước nợ nần và nạn thất nghiệp đang có cơ gia tăng.
Sept. 2015.
Đoàn Thi