"Một nhà lãnh đạo thành công là người có thể kết nối được với người dân và thấu hiểu được nguyện vọng của họ. Đó phải là người đáng tin cậy và thể hiện được khả năng đánh giá đúng đắn”.  L.Q.D.

 

Lý Quang Diệu, nhà chính trị bản lãnh

Tú Anh & Lưu Tường Quang

 
  Lý Quang Diệu, nhà chính trị bản lãnh
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh chia buồn với Singapore về cái chết của Lý Quang Diệu.
Ảnh ngày 25/03/2015 REUTERS/Edgar Su

Sau khi xây dựng Singapore (Tân Gia Ba) từ những làng chài thành một quốc đảo phồn vinh, một chế độ trong sạch và được quốc tế kính trọng, ông Lý Quang Diệu đã từ giã cõi đời, ngày 23 tháng 3.2015, thọ 91 tuổi. Những thành công vượt bực này được đánh đổi bằng nhiều hy sinh mà không phải người dân nào cũng đồng ý với chính sách bàn tay sắt của nhân vật được ca tụng là «nhà chiến lược đại tài, một nhà lãnh đạo huyền thoại».

Có lẽ những lời chia buồn với Singapore và vinh danh nhà lãnh đạo qua cố Lý Quang Diệu từ các nhà lãnh đạo quốc tế, từ Mỹ, Trung Quốc đến Liên Hiệp Quốc không phải là những sáo ngữ.
Từ một bến cảng và những làng chài do Anh Quốc trao trả độc lập năm 1959, Singapore được Lý Quang Diệu, lúc đó mới 35 tuổi, lãnh đạo vượt qua nhiều giai đoạn thăng trầm để cuối cùng trở thành một vị trí chiến lược tại châu Á từ kinh tế, tài chính cho đến an ninh quốc phòng.
Đối với nhiều người dân Singapore, nếu không có Lý Quang Diệu thì họ không có đời sống sung túc ngày nay, theo như ý kiến của một nhà giáo hồi hưu với báo chí Nhật.
Giới phân tích tại châu Á như giáo sư Willy Lam tại Hồng Kông cũng cho rằng chính Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình đã bắt chước mô hình Singapore của Lý Quang Diệu.

Ông Lý Quang Diệu chủ trương «trật tự» là nhu cầu để phát triển kinh tế chứ không phải là «dân chủ». Nhiều biện pháp ổn định trật tự của Singapore, nếu nhìn theo khuôn mẫu Tây phương, có thể xem là «cay nghiệt, quá đáng». Kể từ tháng 4/2015, uống rượu nơi công cộng có thế bị phạt đến 2000 đôla Singapore.
Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận hy sinh các quyền tự do cơ bản của con người.
Trong bảng xếp hạng các chế độ «trong sạch» của Tổ chức Minh bạch Quốc tế Transparency International năm 2013, Singapore đứng hạng thứ 7 trên thế giới, và hạng nhất tại châu Á.
Ngược lại, về tự do báo chí và ngôn luận, Singapore đứng hạng thứ 153 trên 180 nước trong dánh sách của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới năm 2015.

Để ôn lại sự nghiệp thăng trầm của nhà lãnh đạo lâu dài nhất Á châu vừa qua đời, RFI đặt câu hỏi với nhà phân tích Lưu Tường Quang từ Sydney.
Theo nhà báo Lưu Tường Quang, trong thập niên 1950, ông Lý Quang Diệu xem miền Nam Việt Nam là tấm gương để đi tới. Ngày nay, Singapore, với chính sách đối ngoại uyển chuyển, có lẽ là bài học để các nước trong vùng, trong đó có Việt Nam noi theo để bảo vệ chủ quyền.
«Cựu Thủ Tướng Lý Quang Diệu là người sáng lập Đảo Quốc Singapore từ năm 1959 và giữ vai trò quan trọng này cho đến năm 1990. Trong thời gian trên 3 thập niên cuộc đời chính trị của ông Lý Quang Diệu không phải lúc nào cũng an nhiên thành đạt.
Trong những năm đầu sau khi Singapore được tự trị vào năm 1959, chính phủ đầu tiên do Ông Lý Quang Diệu làm thủ tướng và riêng cá nhân ông Lý Quang Diệu đã bị áp lực nặng nề về sự đe dọa của Cộng Sản đến mức độ mà giới quan sát không tin là ông có thể tồn tại cho đến năm 1963.
Ông đã có một nhận xét bất hủ mà chúng ta chưa quên là theo lời ông vào thời điểm 1954 khi đất nước Việt Nam bị chia đôi, so sánh giữa Sài Gòn và Singapore thì Singapore có nguy cơ tan rã sụp đổ chứ không phải Sài Gòn [Lee Kuan Yew: “If one looked at Saigon and Singapore in 1954, one would have said Singapore was the goner, not Saigon."]
Khi phải đối phó với nguy cơ chồng chất ấy, Thủ Tướng Lý Quang Diệu đã mưu tìm sự ủng hộ của Sài Gòn, của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Lúc bấy giờ Malaya đã chiến thắng cộng sản vào năm 1960. Trước đó Thủ Tướng Malaysia Tunku Abdul Rahman [1957-1963] đã đến Sài Gòn vào năm 1958 cũng để mưu tìm sự ủng hộ của Việt Nam Cộng Hòa trong nỗ lực chung chống lại sự đe dọa của Cộng Sản tại Đông Nam Á.
Vào năm 1960, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đáp lễ và thăm viếng Kuala Lumpur không chỉ để thảo luận nỗ lực chung chống cộng mà còn để học hỏi kinh nghiệm của Malaya trong việc giải trừ vấn nạn cộng sản.
Trong bối cảnh ấy, ông Lý Quang Diệu mong muốn gia nhập vào Liên Bang Malaya như là một lối thoát cho tình trạng chính trị bấp bênh của mình và là cơ hội để đẩy mạnh tiến trình độc lập cho Singapore.
Liên Bang Malaya với Singapore [Malaysia] đã không tồn tại sau năm 1965 vì nhiều lý do trong đó có lý do chủng tộc vì chính phủ Malaya rất lo ngại nhân số người gốc Trung Hoa và đặc biệt là sức mạnh kinh tế của họ.
Trong tiến trình trở thành một nước độc lập, ông Lý Quang Diệu cũng đã mưu tìm sự ủng hộ của Việt Nam Cộng Hòa.
Ngược lại, VNCH cũng nhận được sự ủng hộ của Mã Lai Á và Singapore trong cuộc chiến chống cộng. Tất nhiên Kuala Lumpur và Singapore ủng hộ VNCH vì trong tầm nhìn của hai nước này, sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á bảo đảm ổn định và có thể chận đứng đà phát triển của cộng sản trong vùng.
Ngày nay, Malaysia và Singapore cũng theo đuổi một chính sách ngoại giao uyển chuyển, có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc đặc biệt là về phương diện kinh tế nhưng vẫn giữ và phát triển quan hệ thân hữu với Hoa Kỳ về mặt an ninh quốc phòng để duy trì sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ».

Giới trẻ Singapore muốn dân chủ
Về tương lai của Singapore, sau khi Lý Quang Diệu qua đời, nhật báo Nikkei của giới doanh nhân Nhật Bản dự đoán là có nhiều triển vọng cởi mở chính trị. Lý do cốt lõi là sau khi được phồn vinh, đã đến lúc công chúng Singapore quan tâm hơn về nhu cầu cải cách chính trị.
Một kết quả thăm dò ý dân do chính phủ thực hiện năm 2013 cho thấy 44% giới thanh thiếu niên từ 15 đến 19 tuổi muốn tự do ngôn luận, chỉ có 37% là còn nghe theo quan điểm chính thống.
Đảng Hành động Nhân dân của chính quyền, trong cuộc bầu cử nghị viện năm 2011, chỉ còn được 60% cử tri ủng hộ. Theo báo Nikkei, lần bầu cử tới sẽ là cơ hội cho phép người dân Singapore khẳng định hướng đi về tương lai.

Tạp chí Tiêu Điểm / RFI

 


Lời trối trăn trong di chúc của TT Lý Quang Diệu:

"Xin phá bỏ ngôi nhà của tôi sau khi tôi chết"

Thơ Trần Mạnh Hảo

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngôi nhà của cụ Lý Quang Diệu trong di chúc chúc cụ để lại : xin đập ngôi nhà này cho các nhà xung quanh được xây cao tầng và biến nó thành công viên cây xanh công cộng

Ghi chú : Vì an ninh, Singapore có luật các nhà xung quang ngôi biệt thự của cụ Lý Quang Diệu không được phép xây cao hơn ngôi nhà của người cha đẻ ra đất nước Singapore .

Không được dùng nhà này làm nhà tưởng niệm tôi sau khi tôi mất
Hãy đập ngôi nhà tôi cho hàng xóm được cao tầng
Rồi trồng cỏ cây thành công viên xanh mát
Còn chút lòng này xin được hiến dâng

Không còn lời nào ca ngợi Lý tiên sinh được nữa
Cụ khiêm nhường giống hệt một thường dân
Cụ đã biến Singapore thành thiên đường dưới thế
Bằng tất cả thiên tài và một tấm lòng nhân…

Sài Gòn 22:10  ngày 23-3-2015
Trần Mạnh Hảo – facebook


 Phong cách lãnh đạo độc đáo của Lý Quang Diệu

TTO - Đến từ một quốc gia rất nhỏ bé ở Đông Nam Á, nhưng cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới.

Ông Lý Quang Diệu trở thành thủ tướng Singapore từ năm 35 tuổi và liên tái đắc cử, nắm quyền trong suốt hơn 40 năm cho đến tận năm 1990. Học giả Mỹ Gerry Smedinghoff mô tả ông Lý Quang Diệu là “nhà lãnh đạo hình mẫu của thế kỷ 21” và “nhà lãnh đạo chính trị thời bình vĩ đại nhất trong thế kỷ 20”.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đánh giá ông Lý Quang Diệu là “một trong những nhân vật vô song trong lịch sử”.
Đó không phải là đánh giá quá đáng đối với người đàn ông đã biến Singapore từ một hải cảng nhỏ bé, hoàn toàn không có tài nguyên trở thành một trong những quốc giàu giàu nhất, an toàn nhất và ổn định nhất thế giới. Rất nhiều nhà lãnh đạo thế giới từng công khai bày tỏ mong muốn được học tập tài lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu.
Cựu thủ tướng Anh Tony Blair từng gửi một nhóm nghiên cứu tới Singapore để học hỏi các chương trình hưu trí và tiết kiệm của nước này. Bởi phần lớn những gì Singapore có được ngày nay đều nhờ vào tài lãnh đạo phi thường của ông Lý Quang Diệu.

Nhà lãnh đạo thẳng thắn
Các chuyên gia và những người từng tiếp xúc với ông Lý Quang Diệu thường mô tả ông là một nhà lãnh đạo có phong cách rất phương Tây dù ông xuất thân từ một gia đình gốc Hoa. Ông không bao giờ vòng vo tam quốc mà luôn thẳng thắn, trực tiếp, nghĩ gì nói nấy.
Ví dụ, khi đất nước Singapore mới thành lập còn gặp nhiều khó khăn, ông Lý Quang Diệu cương quyết không phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài.
“Tôi tin rằng dân tộc ta không thể mang tư tưởng dựa dẫm nước ngoài. Nếu muốn thành công chúng ta phải tự lực”. Ông Lý Quang Diệu nói với người dân về việc không phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài.
Ngày 9-9-1967 khi nói chuyện với các công nhân Singapore, ông Lý Quang Diệu thẳng thừng cảnh báo: “Thế giới không nợ gì chúng ta cả. Chúng ta không thể sống bằng chén cơm ăn mày”.
Khi giải thích với người dân lý do các quan chức chính phủ phải hưởng mức lương cao, ông Lý Quang Diệu nói một cách rất đơn giản: “Mức lương thấp chỉ thu hút những kẻ đạo đức giả, miệng hô to khẩu hiệu rằng muốn phục vụ nhân dân, nhưng khi lên nắm quyền thì lập tức thể hiện rõ bản chất và phá hoại đất nước”. Mục tiêu của ông là đảm bảo xây dựng một chính phủ trong sạch và trung thực.
Có lần một nhà báo hỏi ông Lý Quang Diệu rằng ông nghĩ gì khi bị chỉ trích là can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của người dân Singapore. Ông trả lời một cách quyết liệt: “Nếu tôi không làm như thế thì chúng tôi đã không có ngày hôm nay, đã không thể tiến bộ về kinh tế. Tôi nói như vậy mà chẳng có gì hối tiếc cả”.
Ông khẳng định thêm: “Nếu chúng tôi không can thiệp vào những vấn đề cá nhân như hàng xóm của bạn là ai, bạn sống thế nào, bạn gây ồn ra sao, nhổ bậy hay ăn nói như thế nào… Chúng tôi quyết định điều gì là đúng và không cần biết người dân nghĩ gì”.
Ông Lý Quang Diệu từng tự hào nói: “Tôi từng bị buộc nhiều tội, nhưng kể cả kẻ thù tồi tệ nhất cũng chưa bao giờ buộc tội tôi là không dám nói thẳng suy nghĩ của mình”.
Không ít người cảm thấy bị sốc vì sự thẳng thắn của ông Lý Quang Diệu. Nhưng học giả Smedinghoff và đa số chuyên gia đều cho rằng phẩm chất đó đã giúp ông Lý Quang Diệu giành được niềm tin của người dân Singapore. Họ hiểu rằng họ có thể tin tưởng vào vị thủ tướng đầu tiên của đất nước.
“Có bao nhiêu nhà lãnh đạo đủ dũng khí để nói ra rõ ràng những suy nghĩ của mình như vậy?” - học giả Smedinghoff đặt câu hỏi.

Thủ tướng vì dân
Giáo sư Andrew Dubrin thuộc Viện Công nghệ Rochester (Mỹ), một chuyên gia về tổ chức và quản trị, đánh giá ông Lý Quang Diệu là hình mẫu của thủ tướng phục vụ nhân dân.
Đó là nhà lãnh đạo đặt lợi ích của đất nước và nhân dân trước lợi ích của bản thân. Ông luôn thể hiện sự quan tâm đến đời sống của người dân, các tiêu chuẩn kinh tế, xã hội và giáo dục của đất nước.
Một ví dụ cụ thể là khi ông Lý Quang Diệu lên nắm quyền vào năm 1959, đất nước Singapore phải đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn. Đó là tỉ lệ thất nghiệp cao, người dân thiếu nhà trầm trọng, nạn tham nhũng hoành hành. Ông Lý Quang Diệu và các quan chức chính phủ cùng lúc thực hiện chương trình công nghiệp hóa, xây nhà giá rẻ và chống tham nhũng.
Đến thập niên 1980, GNP bình quân đầu người Singapore tăng hơn 10 lần lên 6.634 USD, tỉ lệ thất nghiệp xuống cực thấp và tỉ lệ người dân có nhà ở tăng lên tới 81%.
Đến đầu những năm 2000, khoảng 90% người dân Singapore đã có nhà. Nạn tham nhũng được xóa bỏ nhờ luật chống tham nhũng và sự hiệu quả của Cục Điều tra tham nhũng (CPIB) mà giám đốc trực tiếp dưới quyền điều hành của ông Lý Quang Diệu.

Chân dung ông Lý Quang Diệu trên bìa tạp chí Time Ảnh: Time

Các chuyên gia đánh giá ông Lý Quang Diệu còn là nhà lãnh đạo luôn lắng nghe người dân. Là thủ tướng, ông luôn tham khảo ý kiến của mọi người dù bản thân ông là người ra quyết định cuối cùng.
Năm 1960, Chính phủ Singapore thành lập Hiệp hội nhân dân (PA) để thúc đẩy sự hài hòa xã hội và sắc tộc. PA tạo không gian cho mọi người dân Singapore gặp gỡ, trao đổi, đưa ra ý kiến. PA lập ra nhiều ủy ban, trong đó có Ủy ban tham vấn công dân (CCC) để tạo kênh kết nối giữa chính phủ và người dân.

Tiêu chuẩn đạo đức cao
Giáo sư Úc Carol Dalglish, chuyên gia nghiên cứu quản trị, và nhà báo - học giả Anh Alex Josey nhận định để trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, một cá nhân cần phải có tiêu chuẩn đạo đức cao để người dân noi theo. Và ông Lý Quang Diệu là người có tiêu chuẩn đạo đức rất cao. Giá trị cốt lõi của ông Lý Quang Diệu là “đặt lợi ích của xã hội lên trên lợi ích cá nhân”.
ông Lý Quang Diệu tin tưởng là tầm quan trọng của tự do, cuộc sống ấm no và hòa bình. Đó là nền tảng của đất nước Singapore hiện nay.
Ông cũng là một người có kỷ luật sắt, xuất phát từ kinh nghiệm tuổi thơ. Do đó ông đề ra các quy định pháp luật chặt chẽ và nghiêm khắc. Nhờ đó, tỉ lệ tội phạm ở đất nước Singapore rất thấp.
Nghiên cứu của Tổ chức Quản trị nguồn nhân lực (SHRM) cho biết nhà lãnh đạo tài ba cần có năm yếu tố. Đó là: thành tích, tính cách, sự kiên định, khả năng thích nghi và sự linh hoạt.
Học giả Smedinghoff đánh giá thành tích của ông Lý Quang Diệu ai cũng biết, tính cách của ông thể hiện rõ ở việc Singapore là quốc gia rất trong sạch, không có tham nhũng.
Ông cũng là người vô cùng kiên định với sự lựa chọn của chính mình. Điều đó thể hiện ở 40 năm cầm quyền tại Singapore với các nguyên tắc ít khi thay đổi. Và ông cũng có khả năng thích nghi cao, thể hiện ở quãng thời gian khó khăn khi Nhật chiếm Singapore. Giới chuyên môn cho rằng ông chỉ có một điểm yếu là thiếu sự linh hoạt.
“Ông Lý Quang Diệu thể hiện được rất nhiều đặc điểm của một nhà lãnh đạo phi thường. Những thành công của ông cho thấy sự chăm chỉ, tính bền bỉ và kỷ luật cao có thể giúp người ta đạt được những gì. Lý Quang Diệu đã làm được những điều mà rất nhiều nhà lãnh đạo thế giới chỉ dám mơ tới. Ông ấy là ví dụ chói sáng của một nhà lãnh đạo phi thường” - học giả Smedinghoff khẳng định.

Lý Quang Diệu - người chồng lý tưởng

TTO - Cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu được đánh giá là một trong những chính trị gia vĩ đại nhất thế giới thế kỷ 20. Trong cuộc sống đời thường, ông còn là một người đàn ông mẫu mực.

Ông Lý Quang Diệu và phu nhân Kha Ngọc Chi khi mới yêu nhau - Ảnh: Straits Times

Ngày 2-10-2010, bà Kha Ngọc Chi (Kwa Geok Choo), phu nhân của ông Lý Quang Diệu, qua đời ở tuổi 89 trong giấc ngủ. Giới truyền thông Singapore mô tả bà “là một người phụ nữ đơn giản, không muốn tìm kiếm danh vọng hay địa vị, luôn thu mình. Mọi người không biết nhiều về bà”.

Nhưng trong điếu văn khóc vợ, ông Lý Quang Diệu khẳng định: “Nếu không có bà ấy, tôi đã trở thành một người đàn ông khác, sống một cuộc đời khác”.
Trong một lần nói chuyện với các sinh viên đại học Singapore về hôn nhân, ông Lý Quang Diệu tâm sự: “Các bạn có thể học theo quan điểm phương Tây là hãy cưới người phụ nữ mình yêu, hoặc cũng có thể đi theo con đường phương Đông là hãy yêu người phụ nữ mình cưới. Tôi cố kết hợp cả hai nguyên tắc này và nghĩ đó không phải là một lựa chọn tồi”.

Chọn vợ thông minh
Ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi kết hôn chính thức vào ngày 30-9-1950. Trước đó, họ cùng là sinh viên Trường Raffles College danh tiếng ở Singapore. Bà Kha sau đó giành được học bổng của hoàng gia Anh và tới học tại ĐH Cambridge lừng danh tại Anh. Bà trở thành người phụ nữ đầu tiên từ châu Á sở hữu tấm bằng luật loại ưu ở ĐH Cambridge.
Khi còn ở Trường Raffles College, ông Lý và bà Kha là những đối thủ của nhau. Kết quả thi môn tiếng Anh và khoa học kinh tế của bà Kha xếp hạng nhất tại trường, trong khi ông Lý đứng thứ hai.
Chính sự thông minh sắc sảo của bà Kha đã khiến ông Lý nghiêng ngả. Từ đối thủ, họ trở thành tình nhân. Họ cưới nhau một cách bí mật tại Anh vào tháng 12-1947 mà không thông báo cho gia đình.
“Khi đó tôi chỉ là một anh chàng trẻ tuổi chưa có nghề nghiệp ổn định. Vì vậy cũng dễ hiểu khi cha mẹ của vợ tôi không xem tôi là một chàng rể lý tưởng. Nhưng vợ tôi có niềm tin tuyệt đối với tôi” - ông Lý kể về thời kỳ đó. Nhiều người đánh giá sự lựa chọn về tình yêu và hôn nhân của ông Lý rất khác biệt so với truyền thống của đàn ông gốc Hoa.

Chẳng phải cách đây hàng chục năm mà thậm chí là bây giờ, đàn ông gốc Hoa nói riêng và châu Á nói chung vẫn thích cưới vợ kém hơn về trình độ và trẻ hơn. Nhưng ông Lý lại chọn yêu và cưới một cô gái thông minh hơn và lớn tuổi hơn mình.

 
Các con của ông Lý Quang Diệu là Hiển Long, Vỹ Linh, Hiển Dương - Nguồn: Economist
 
Bà Lý Vỹ Linh, con gái ông Lý Quang Diệu, cho biết trong những năm đầu tiên của cuộc hôn nhân, bà Kha mới chính là người nuôi sống gia đình bằng đồng lương luật sư. Chính ông Lý cũng thừa nhận điều này. “Là luật sư, bà ấy kiếm đủ tiền để giải phóng cho tôi khỏi những nỗi lo về tương lai của con cái chúng tôi” - ông Lý cho biết.
 
Cả đời chung thủy
Dư luận Singapore đánh giá một trong những điểm tuyệt vời của ông Lý Quang Diệu là ông cả đời chung thủy với vợ và không bao giờ ngoại tình. Đây không phải là điều dễ dàng đối với một người đàn ông lên làm thủ tướng đất nước Singapore từ năm 36 tuổi.
Khi vụ xìcăngđan ngoại tình của nam diễn viên Singapore Jack Neo vỡ lở, nghị sĩ Lim Biow Chuan tuyên bố: “Một người đàn ông có sự nghiệp tốt đẹp rất khó tránh chuyện ngoại tình”.
Nếu xét đến thành công sự nghiệp, rất ít người có thể so sánh được với ông Lý. Thời trẻ tuổi ông Lý là người đàn ông cao ráo và khá điển trai. Rất nhiều người đàn ông quyền lực trên thế giới cũng không thoát được ải mỹ nhân và đánh mất sự chung thủy với vợ. Nhưng ông Lý thì không như vậy. Và đây là điều hoàn toàn có thể chứng minh được.
Là một chính trị gia nổi tiếng cứng rắn, ông Lý có rất nhiều kẻ thù. Họ luôn tận dụng mọi cơ hội để bôi nhọ ông Lý. Và không gì phá hủy sự nghiệp của một chính trị gia nhanh và hiệu quả như tin đồn ngoại tình.
Nhưng dù các đối thủ chính trị và những kẻ căm ghét ông Lý có nói xấu ông như thế nào đi chăng nữa thì chưa từng có ai buộc tội ông ngoại tình. Và điều đó cũng đúng với con trai ông là Thủ tướng Lý Hiển Long.
Những gì ông Lý viết về bà Kha cho thấy ông trân trọng người bạn đời của mình đến mức nào. “Bà ấy luôn ở bên cạnh tôi khi tôi cần. Bà ấy đã sống một cuộc đời có ý nghĩa và đầy ấm áp. Chúng tôi đã có những kỷ niệm quý giá trong suốt 63 năm sống cùng nhau” - ông Lý viết trong điếu văn viếng vợ. Ông cũng khẳng định bà đã có ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp của ông.
“Bà ấy có năng lực đánh giá người khác một cách đặc biệt. Thỉnh thoảng bà ấy cảnh báo tôi nên cẩn thận với một số người. Và bà ấy luôn đúng” - ông Lý cho biết.
 
Tình cảm nồng nàn cho đến phút cuối

 
Ông Lý Quang Diệu và phu nhân Kha Ngọc Chi hồi năm 2003 - Ảnh: Straits Times
 
Kể cả khi đã lên chức ông bà, ông Lý và vợ vẫn duy trì được tình cảm thắm thiết, nồng nàn. Trước khi qua đời, bà Kha bị bệnh nặng phải nằm liệt giường, đặc biệt là trong hai năm cuối đời. Trong những ngày cuối cùng của bà Kha, ông Lý tối nào cũng đọc những bài thơ bà yêu thích cho bà nghe để dễ ngủ. Ông kể cho bà nghe những công việc ông làm trong ngày, và đã bền bỉ chăm sóc vợ cho đến giờ phút cuối cùng. Không chịu phụ thuộc vào các y tá và người giúp việc, đích thân ông Lý đã chăm sóc vợ hằng ngày. Bà Lý Vỹ Linh kể bà Kha thích được ông Lý chăm sóc hơn là các y tá. “Cha tôi nhớ rõ các loại thuốc phức tạp mà mẹ tôi phải dùng. Vì mẹ tôi bị lòa mắt trái, cha tôi thường ngồi phía bên trái bà mỗi khi cho bà ăn. Ông giúp bà ăn hết thức ăn ở phía trái đĩa và nhặt sạch những mẩu thức ăn bà đánh rơi trên bàn” - bà Lý Vỹ Linh kể. Điều đáng nói ông Lý là con cả một gia đình gốc Hoa truyền thống, đến luộc trứng cũng chẳng biết làm như bà Lý Vỹ Linh khẳng định. “Nhưng khi sức khỏe mẹ tôi suy kiệt, cha tôi đã thay đổi cách sống của mình để chăm sóc bà, hết mình vì bà. Tôi biết cha tôi phải rất nỗ lực để làm tất cả những điều đó và tôi lấy làm ngạc nhiên vì ông ấy đã nỗ lực làm được như vậy” - bà Lý Vỹ Linh cho biết. Mỗi buổi tối ông Lý ngồi bên giường bệnh của vợ, kể cho bà nghe những công việc ông làm trong ngày. Trên mạng Internet, một số blogger Singapore nhận định trong vai trò một người chồng, ông Lý đặt ra hình mẫu và tiêu chuẩn rất cao đối với mọi người đàn ông khác. Và ông xứng đáng được xem là người chồng mẫu mực để đàn ông Singapore noi theo.

_________________

Người con gái "lập dị" của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu

trải lòng về cha mẹ

Tiến sĩ Lý Vỹ Linh (sinh năm 1955),  là con thứ 2 của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu, đã không kết hôn và sống bên bố mẹ đến những giờ phút cuối cùng.


Một trong những tấm ảnh rõ ràng hiếm hoi của tiến sĩ Vỹ Linh

Tiến sĩ Vỹ Linh hiện là giám đốc viện khoa học thần kinh quốc gia Singapore. Suốt nhiều chục năm qua, bà không hề được nhắc đến nhiều như 2 người con trai của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu là thủ tướng Lý Hiển Long hay giám đốc Singtel Lý Hiển Dương. Thậm chí, người phụ nữ này còn không mấy khi xuất hiện trong những tấm ảnh gia đình Thủ tướng.
Là một người phụ nữ cô độc suốt cuộc đời, bà Vỹ Linh sống và phụng dưỡng cha mẹ đến giây phút cuối cùng. Sau khi cha mất, bà đã gửi tạp chí Straitstimes những bức thư bà từng viết từ năm 2011 đến nay, bao gồm toàn những gạch đầu dòng ngắn gọn, nói về cha mẹ và cuộc đời mình.

Tiến sĩ Lý Vỹ Linh và ông Lý Quang Diệu.

- Bố tôi là một người nghiện công việc
- Cả gia đình tôi ở trong bệnh viện khi bố phải đặt stent động mạch vành, không ai nói với ai lời nào, không phải vì căng thẳng đâu, đơn giản vì chúng tôi rất bận.
- Bố tôi ngồi trên giường bệnh, ông vẫn lúi húi bên chiếc laptop, mẹ tôi kiểm tra giấy tờ, còn tôi cũng ngồi giải quyết những công việc tại viện.
- Nếu ai đi qua nhìn thấy 3 người chúng tôi như vậy, chẳng ai nghĩ rằng bố tôi sắp phải phẫu thuật tim. Năm ấy, ông 73 tuổi, ca phẫu thuật là lý do không đủ lớn để ông ngừng làm việc.
- Tôi chưa từng thấy ông thể hiện cảm xúc, ông luôn nhẫn nhịn để đối đầu với thử thách.
- Ông chưa từng hoảng sợ, bố tôi nghĩ hoảng sợ sẽ ảnh hưởng không tốt đến tư duy.
-  Để chèo lái một đất nước, sự đanh thép là cực kỳ cần thiết, và ông đã làm điều đó 31 năm.
- Trong gia đình, tôi và cha tôi đều có tính khí rất mạnh, thế nên không phải lúc nào quan hệ của bố con tôi cũng tốt đẹp.

Một tấm ảnh hiếm về 2 cha con thủ tướng.

- Thật ra, mỗi khi chúng tôi cãi vã, trận chiến đó sẽ kéo dài đến lúc người kia chịu thua thì thôi.- Năm 2002, tôi đã bỏ nhà đi sau một trận cãi lộn với bố.
- Bố luôn muốn tôi ngừng tập tạ, có lẽ vì ông thấy tôi bị gãy xương quá nhiều lần.
- Có lần bố gọi tôi vào phòng làm việc, ông bảo tôi sẽ bị liệt nếu còn tập luyện nặng, nếu tôi còn sống cùng ông thì phải dừng ngay việc đó lại.
- Thế nên tôi bỏ nhà đi luôn, thật ra là tôi đến nhà anh Long (thủ tướng Lý Hiển Long) ở.
- Năm ấy tôi 47 tuổi.
-  Thế mà 1 năm sau, tôi nói với bố là sắp đến Hawaii để thám hiểm núi lửa, ông chỉ nói đúng 1 câu "Cẩn thận đấy".

Tiến sĩ Vỹ Linh cùng cháu gái.

- Gia đình tôi thích sống kiểu thanh đạm
- Mặc dù gia đình khá giả, nhưng bố mẹ dạy dỗ 3 anh em tôi phải thật tiết kiệm.
- Nếu 1 trong 3 đứa mà để vòi nước vẫn nhỏ giọt hoặc điện vẫn sáng khi ra khỏi phòng thì sẽ bị phạt rất nặng. - Khi đi công tác nước ngoài, bố tôi toàn tự giặt quần áo, ông bảo chi phí giặt đồ khách sạn tốn kém quá, tiền công để giặt một cái áo đắt đúng bằng mua một cái mới.
- Mẹ tôi rất giỏi việc thay chun quần áo, vì bố tôi chỉ thay chun thôi chứ không mua đồ mới.
- Căn nhà gia đình tôi ở xây dựng từ 100 năm trước.


Bà Lý Vỹ Linh (trái) trong một giải đấu karate quốc gia năm 1979.

-  Tôi có 3 cái đồng hồ Casio, 1 cái Seiko bố cho từ 40 năm trước, 2 cái Tag Heuer cực đắt tiền của anh Long và Dương tặng.
- Nhưng tôi chỉ đeo đúng 1 cái casio, tôi không bao giờ tháo nó ra, có đêm tôi làm rơi nó ở đâu đó quanh nhà, thế là tôi phải lấy cái khác ra đeo thì mới ngủ được.
- Tôi có một bọc váy mua từ 20 năm trước, nhưng chỉ mặc 3 trong số đó, không có gì hợp với tôi hơn áo phông và quần ngố.


Bà Vỹ Linh phát biểu tại đám tang mẹ.

Sống một cuộc sống không hối tiếc
- Bố tôi có một cuộc sống trọn vẹn, phong phú và đầy ý nghĩa.
- Khoảng 20 năm trước, bố mẹ tôi có nói với tôi về chuyện lập gia đình, ông bảo mặc dù có con gái sống cùng cũng vui, nhưng khi bố mẹ mất thì tôi sẽ cô độc lắm.
- Tôi trả lời "Thà như thế còn hơn mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân vô vị".
- Tôi chưa bao giờ hối tiếc về quyết định của mình.
- Trước đây bố mẹ tôi hay đi công tác hoặc du lịch cùng nhau.
- Sức khỏe bố tôi xuống dốc từ ngày mẹ qua đời, trước đây ông ấy khỏe lắm.


Thủ tướng và 3 con trong đám tang bà Kha Ngọc Chi năm 2011.

- Từ ngày mẹ mất, tôi hay đưa bố đi công tác nước ngoài cùng mình, ông có vẻ cũng thích thế lắm.
- Bố tôi rất thích đi du lịch, ông cho rằng đi du lịch sẽ học được điều mới đem về cho Singapore.
- Năm 2011, sau khi mẹ mất không lâu, ông cùng tôi đi công tác vòng quanh thế giới trong 16 ngày.
- Tôi biết bố rất buồn vì mẹ qua đời, nhưng ông không bao giờ thể hiện điều đó. Năm ngoái, ông có nói với tôi là "đối tác làm ăn" lâu dài và uy tín nhất của ông chính là mẹ.
- Sau tang lễ của mẹ, ông tập luyện thể thao điên cuồng, tôi đã phải ngăn cản vì sợ ông bị kiệt sức.
- Vị thế đã thay đổi, hồi xưa ông cấm tôi tập thể thao, giờ đến lượt tôi cấm ông, nhưng tôi thấy buồn vì điều đó.
- Khi đối mặt với bệnh tật, tinh thần và suy nghĩ của bố tôi rất hợp với bài thơ của Robert Frost:
"Rừng tối đen và sâu thẳm
Nhưng tôi còn một lời hứa
Và còn hàng dặm dài phải đi trước khi ngủ
Và còn hàng dặm dài phải đi trước khi ngủ"

Nguồn: Internet

Đăng ngày 26 tháng 03.2015