Chữ nghĩa làng văn

tháng 1&2.2018

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Ca dao tình tự
Nói đến tiết trinh
Lẳng lơ chết cũng ra ma
Chính chuyên chết cũng đưa ra ngoài đồng
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Chữ Việt cổ
Từ cổ tiếng Việt trong "Đại Nam quốc âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Paulus Của. Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại.

Chạc: dây
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Trên tường có hàng chữ, Ta đọc: “Cấm không được đái”.
Cũng hàng chữ ấy, Tầu đọc:“Đái được không cấm”

Biên khảo văn học Hán Nôm
Kỹ thuật ấn loát của ta ngày xưa rất thô sơ, nước ta chỉ có lối in mộc bản.Từ thời nhà Lý ta đã biết cách in bằng bản khắc trên gỗ nhưng kỹ thuật còn rất sơ đẳng. Phải chờ đến khi Lương Như Hộc đi sứ Trung Hoa hai lần vào năm 1443 và 1459 để tâm nghiên cứu lối in mộc bản ở các xưởng ấn loát của người Tàu. Khi về nước, ông đem kỹ thuật học được dạy cho dân hai làng Liễu Trai và Liễu Tràng thuộc huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương. Từ đó lối in ván khắc của ta mới trở nên tinh xảo và Việt Nam mới thực sự có thợ chuyên môn về ngành ấn loát. Việc ấn loát ngày xưa rất tốn kém do đó chỉ những sách dùng vào việc học, việc thi, ngoài ra đều phải viết tay. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú là một bộ sách đồ sộ gồm 49 quyển nhưng không được in, chỉ có thủ bản Giấy dùng để in sách ngày xưa là loại giấy bản. Giấy này được biến chế từ vỏ cây dó nên khi bị ẩm thấp dễ rách nát. Do đó việc lưu giữ sách vở rất công phu và khó khăn. Với các điều kiện bất lợi kể trên, việc phổ biến tác phẩm ngày xưa bị hạn chế đến mức tối đa. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho các tác phẩm còn tồn tại đến ngày nay không được bao nhiêu.
Khi Cao Bá Quát bị tội tru di tam tộc không ai dám lưu giữ cái gọi là yêu văn, ngụy tích của kẻ tử tội vì sợ bị vạ lây. Tuy ta không bị nạn phần thư đốt sách, chôn học trò như dưới triều Tần Thủy Hoàng bên Tàu, nhưng tai họa lớn nhất đối với các tác phẩm vẫn là chiến tranh. Không phải chỉ những cơn binh lửa đã thiêu hủy rất nhiều sách vở, mà còn thêm nạn quân Tàu, với chủ trương xóa bỏ nền văn hóa của ta, mỗi khi sang xâm chiếm đều thu góp đem về Trung Hoa. Những lần bị ngoại xâm sách vở mất mát không biết bao nhiêu mà kể.
Đời vua Trần Nghệ Tông (1370-1372) quân Chiêm Thành của Chế Bồng Nga vượt cửa bể Đại An chiếm thành Thăng Long vào cung hôi của, cướp phá khắp nơi, đốt sạch cung điện, sách vở của triều đình và các đại gia đều bị thiểu hủy. Đời nhà Hồ (1400-1407), sau khi quân Minh chiếm được nước ta năm 1407, Trương Phụ đã tịch thu các sách cổ kim chở về Kim Lăng. Chính vì thế mà văn học Lý, Trần hơn 300 trăm năm tản mát gần hết, không còn lại bao nhiêu.
(Trần Bích San – Những trở ngại biên khảo văn học Hán Nôm)

Chữ Việt trong sáng
Thay chữ Hán Việt
- Hán Việt thay cho Hán Việt với nghĩa khác
(Khả năng, Triều cường, Hoàn cảnh, …)
- Hán Việt thay bằng nửa Hán nửa Nôm
Đúng ra phải ghép Hán vơi Hán, hay Nôm với Nôm
(Nữ nhà báo, Lính Thủy đánh Bộ, Tốp ca…)
- Thay chữ Hán bằng chữ Nôm nghe chướng tai
(Tài xế -> lái xe, Hợp ca -> Tốp ca…)

Ca dao tình tự
Nói đến tiết trinh
Rượu ngon cái cặn cũng ngon
Yêu em chẳng luận chồng con mất đời
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền
Mở hàng
"Mở hàng nhẹ vía " hay "Nợ như Chúa Chổm"
"Nợ như Chúa Chổm". Đó là thành ngữ phổ biến để chỉ người lắm nợ. Nhưng tại sao Chúa Chổm lại lắm nợ như vậy ? Truyền thuyết kể rằng: "Chổm" là hàng cùng dân ở miền Thanh Hoá, chẳng có gia tài điền sản hay nghề ngổng gì, quanh năm chỉ có đánh dậm, mò cua, bắt ốc nuôi thân. "Chổm" tên thật là gì, quê quán ở đâu, bà con họ hàng thân thích có những ai ? Chẳng ai để ý đến. Một con người "Tứ như Chúa Chổm" được.
Nguyên do: có mấy lần sáng sớm, Chổm vào một quán nhỏ ăn lót dạ, tự nhiên những hôm dó chủ quán bán rất đắt hàng. Vì vậy, một đồn mười, mười đồn trăm, các chủ quán ai gặp Chổm, cũng có nài Chổm vào ăn quà lấy may. Ai được Chổm hôm nào chiếu cố vào ăn thì hôm ấy đều bán được đắt hàng. Nhưng Chổm làm gì có nhiều tiền để trả, người ta vui lòng mời Chổm ăn, bao giờ có tiền trả cũng được, mà không có cũng thôi, do đó trong khắp vùng không ai mắc nợ nhiều bằng Chổm.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi của vua Lê Cung Hoàng, dựng nên nhà Mạc. Đến nay 1532 Nguyễn Kim khởi nghĩa phò Lê chống Mạc, đi tìm hậu duệ tôn của vua Lê, tìm được Chổm, mặc dầu khố rách áo ôm, nhưng có khí tướng đế vương (người ta còn đồn đại rằng: Chổm đi đâu cũng có đám mây che trên đầu, trời đang nắng gắt cũng trở nên dâm mát...) Chổm được phò lên ngôi vua mở đầu thời Lê Trung Hưng đóng đô ở Thanh Hoá (tức Tây đô) để chống với nhà Mạc ở Hà Nội (tức Đông đô).
Sau khi lên làm vua, không có điều kiện gần gũi quần chúng như trước, và cũng không nhớ nợ ai bao nhiêu mà trang trải nợ nần nữa, Chúa Chổm (thực ra là vua Chổm) đành phải hạ lệnh đúc thật nhiều tiền, rồi Chổm đi đến đâu rải tiền ra đến đấy, cho công chúng ai nhanh tay, mạnh bước thì nhặt lấy. Vì thế nên mới có thành ngữ "Nợ như Chúa Chổm".

TT Kh lơ mơ lỗ mỗ
(…trích lục lại)
Nếu biết rằng em đã lấy chồng
Xây đền, lập miếu cúng hồn vong
Nguyện cầu thập phương, tam thế cõi
Van vái cho em sớm… góa chồng

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
- Anh có biết gì về Hoàng Đạo, có ý nghĩ về Hoàng Đạo. Nói tóm lại, anh có viết được cho VĂN một bài về Hoàng Đạo không?
Tôi loáng thoáng nghe câu hỏi của Trần Phong Giao. Hoàng Đạo? Tôi biết gì về Hoàng Đạo? Không, tôi không biết gì cả. Nhưng tôi nghĩ về Hoàng Đạo? Chẳng lẽ tôi không có ý nghĩ nào về nhà văn lớn ấy hay sao? Nhưng rồi thời gian qua đi. Câu hỏi của T.P.G được đặt ra đã được một năm. Tôi cũng có dịp nghĩ nhiều hơn, và đọc kỹ hơn, về Hoàng Đạo. Nhất là một hôm, giở chồng sách cũ, tôi gặp cuốn Chân dung Nhất Linh, rồi qua Nhất Linh, tôi nghĩ đến Hoàng Đạo.
Hoàng Đạo còn giỏi hơn Nhất Linh! Nhiều người bảo tôi như thế. Người ta bảo Hoàng Đạo giỏi về sách lược, chiến lược. Có người nói Hoàng Đạo không may chết đi, nên Nguyễn Tường Tam mới dở dang sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Người ta nói, tôi không biết có đúng không. Nhưng nhờ câu nói đó mà, hôm nay, tôi hiểu tại sao tôi không biết cảm phục Hoàng Đạo.
Tôi hiểu hố sâu nào ngăn cách, khiến cho tôi không thấy được hết giá trị của ông. Hố sâu đó chính là cái hố sâu ngăn cách những người (Nguyễn Mạnh Côn) theo học lý thuyết Mác-xít với những người chỉ nghiên cứu có nền văn minh của một dân tộc vừa tiến bộ, vừa tự do, là dân tộc Pháp hồi bấy giờ.
Thật là tự nhiên, tôi theo học mấy ông thầy tự họ lại là tín đồ của Karl Marx, tôi cũng bị thuyết phục rằng chế độ thực dân đầy rẫy bất nhân, và chế độ tư bản đầy rẫy bất công. Chế độ tư bản thực dân phải chết. Tôi giữ vững lập trường này được bốn, năm năm. Trong thời gian này, cố nhiên tôi không phục Hoàng Đạo.
Nhưng tôi vẫn phục Khái Hưng, Nhất Linh và vẫn thích đọc báo Phong Hóa, Ngày Nay. Nguyên nhân sự tôn sùng này hoàn toàn có tính chất văn nghệ. Tôi theo học tư tưởng mác-xít, vì nó đánh đổ tư tưởng dân chủ tư bản tây phương, nhưng thấy tư tưởng mác-xít vẫn chưa hoàn toàn đúng.
(Hoàng Đạo và một tên hậu học - Nguyễn Mạnh Côn)

Chữ nghĩa làng… nhậu
Con tằm bối rối vì tơ
Anh say sưa vì rượu, em ngẩn ngơ vì tình

Chữ và nghĩa
Rất nhiều từ ngữ mà chúng ta cho là của người trong nước sau 75, thực ra là của Việt Nam trước đó. Vậy tiếng nào là tiếng của người Việt trước hay sau 75?
Bảo quản - Việt Nam Tự điển Lê Văn Ðức: bảo thủ vàquản xuất, giữ sổ bộ, đăng ký, điền thổ, cải chính và cấp phát bản sao.”
(Tâm Thanh – Chiêu hồi ngôn ngữ)

Nấu rượu
Men rượu
Nguyên liệu để làm rượu do gạo rất thơm và rượu có độ ngọt nhất định. Các loại gạo nếp như nếp cái hoa vàng, nếp bông chát, nếp ruồi, nếp hương, nếp ngự, v.v. được sử dụng nấu rượu. Rượu nấu bằng các loại gạo tẻ miền nào cũng có để nấu rượu như gạo cúc, gạo ba trăng, gạo tám, gạo nàng hương v.v. vẫn cho những chén rượu quý ngọt ngào hương vị.

Men rượu được chế từ nhiều loại thảo dược (thuốc Nam, thuốc Bắc) như cam thảo, quế chi, gừng, hồi, thạch xương bồ, bạch chỉ, xuyên khung, rễ ớt v.v... theo những bí quyết của từng gia đình. Với kỹ thuật ủ men nhiều khi không truyền cho người ngoài nhằm giữ bí quyết chất lượng rượu của nghệ nhân độc nhất vô nhị. Nhào trộn hỗn hợp với bột gạo, thậm chí cả bồ hóng và ủ cho bột hơi nở ra sau đó vo, nắm từng viên quả nhỏ để lên khay trấu cho khỏi dính. Đem phơi thật khô và cất dùng dần.
Men rượu và kháp rượu quyết định chất lượng thành phẩm rượu. Tuy nhiên, quy trình ủ men, nấu rượu cũng hết sức quan trọng vì liên quan đến tay nghề, kinh nghiệm và công phu của người thực hiện. Ở một phương diện khác, nguồn nước được sử dụng khi đồ nguyên liệu, ủ men và khuấy trộn trong nồi chưng rượu cũng đặc biệt quan trọng để cho chất lượng rượu từng địa phương khác nhau, như rượu Bình Khương Thôn, rượu Mẫu Sơn, rượu Bàu Đá, rượu Làng Vân đều được quảng cáo là chất lượng quyết định bởi nguồn nước.

Tiếng Bắc tiếng Nam
Qua những bài ca dao cổ hay mới gần đây như:
Cô kia đội nón chờ ai?
Chớ lấy chú Chiệc mà hoài tấm thân
Hoặc giả như:
Lấy Tây, lấy Chiệc làm chi
So bè nhân nghĩa chẳng bì An Nam
Với người Tàu, người Bắc gọi là “Chiệc”,
người Nam kêu là…”Chệt”

Câu đố dân gian
Cái gì không mắt, không tai
Cổ đeo hai bị, tóc dài ngang lưng
Của nhà thấy cứ lừng khừng
Hễ thấy của lạ bừng bừng ngổng lên

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam và Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
hạnh kiểm 行 檢
Theo soạn giả thì hạnh là nết na, đức hạnh; kiểm là tra xét; và, hạnh kiểm là tính nết và cách cư xử của một người. Chúng tôi thấy rằng, ở đây mà hiểu kiểm là tra xétthì thật không ổn, bởi vì, tra xét là một từ chỉ hành động, mà hạnh kiểm lại là một danh từ trừu tượng để chỉ một phẩm chất của con người. Vả lại, thật khó nhận thấy mối liên quan giữa tra xét và tính nết của con người. Quả thật, chữ kiểm 檢 (trong từ hạnh kiểm 行檢) có mặt trong các từ kiểm tra, kiểm sát, v. v. và trong các trường hợp này, kiểm 檢 nghĩa là tra xét, tuy nhiên, nó còn có nhiều nghĩa khác.
Thật vậy, thời xưa, khi chưa có giấy, người Trung Quốc phải khắc chữ lên các thẻ tre để làm sách. Viết xong, họ dùng dây xâu chuỗi các thẻ tre ấy và bó lại rồi gắn đất sét lên chỗ nút dây và đóng dấu, con dấu đó gọi là kiểm 檢 Về sau, chữ kiểm này có thêm 6, 7 nghĩa khác nữa, trong đó có các nghĩa: bó buộc, là cách thức, là phẩm cách, rối sau đó mới có thêm nghĩa mở rộng là tra xét, v.v., và cuối cùng, nghĩa tra xét lại trở thành nghiã phổ biến nhất. Trong từ hạnh kiểm thì kiểm nghĩa làphẩm cách, là phẩm chất của con người.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Thiền ngôn lơ mơ lỗ mỗ


Lúc bé tưởng tượng rất nhiều, và giờ đây khi lớn lên mới nhận ra chuyện cổ tích không bao giờ có thật.

Chùa Kim Liên
Trong thơ văn Phạm Đình Hổ, chùa Kim Liên bên cạnh nhà Hồ Xuân Hương, là nơi ông thường đi lại. Bài Quá Kim Liên Tự, trong Đông dã học ngôn thi tập của Phạm Đình Hổ ông viết: "Bèo dạt làm thân khách cố kinh, Kim Liên qua lại đã bao lần".
Trong Tang Thương ngẫu lục có bài ký tả cảnh chùa Kim Liên làng Nghi Tàm: " Mùa thu năm Đinh Tỵ (1797) tôi cùng các ông Nguyễn Thạch Hiên, Nguyễn Kính Phủ, Hoàng Hy Đỗ đến vãn cảnh chùa Kim Liên ở làng Nghi Tàm, nơi trụ trì cũ của hòa thượng Huệ (nội thị chúa Uy Vương). Bài viết ký bút hiệu Tùng Niên, có lẽ rằng Chiêu Hổ cùng các bạn đến thăm Cổ Nguyệt Đường và Xuân Hương ra về ghé thăm cảnh chùa Kim Liên.

Chuyện nhà Minh cướp sách đem về Tàu
Câu hỏi kế tiếp người ta có thể nêu lên là cho đến những ngày hiện tại đã có tác phẩm nào của người Việt sau nhiều thế kỷ luân lạc đã được người ta khám phá ra dưới hình thức này hay hình thức khác chưa? Câu trả lời là có.Đó là Thiền Uyển Tập Anh. Hai cuốn sách này xuất hiện từ thời nhà Trần và đã được người sau chép hay viết lại. Việt Sử Lược đã bị thất truyền rất lâu, mãi đến thời Càn Long nhà Thanh (1736 – 1795) mới được đem in, nói là theo bản của tuần phủ Sơn Đông thu nhặt được đem dâng lên vua với người hiệu đính là Tiền Hi Tộ, người Giang Tô, người đã san định bộ Thủ Sơn Các Tùng Thư. Việt Sử Lược được lưu trữ ở Thủ Sơn Các Tùng Thư và ở Khâm Định Tứ Khố Toàn Thư của nhà Thanh và đã được nhiều nhà xuất bản Trung Quốc ấn hành. Giáo Sư Trần Quốc Vượng đã phiên dịch sang Việt ngữ, giới thiệu và chú giải. Trong bản dịch này Trần Quốc Vượng có nói tới Thiền Uyển Tập Anh khi ông bàn về việc các người họ Lý bị đổi thành họ Trần, nhưng đến Lê Mạnh Thát thì sau khi đối chiếu nội dung của Thiền Uyển Tập Anh với An Nam Chí Nguyên, nhà học giả Phật giáo uyên thâm này đã khẳng định là: “Khi quân Minh đánh chiếm được nước ta vào năm 1407, Thiền Uyển Tập Anh đã bị chúng thu gom và sau này được dùng một phần để viết An nam chí nguyên.”

Vietsuluoc.jpg
Đại Việt sử lược
(Nguồn: Phạm Cao Dương)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Cha ông xưa đúc kết được kinh nghiệm sống và truyền khẩu cho đời con cháu mai sau qua ca dao và thành ngữ... Nay con cháu mai sau đời sau chế tác "lung tung, trống kèn" như thành ngữ:
• Khi có con mèo đen đi qua trước mặt bạn thì điều đó có nghĩa là nó đang đi đâu đó.
“Từ điển” của một người Bắc vào Nam sau 75
(Chữ nghĩa làng văn giữ nguyên chữ và câu cú,
không…”nát bàn” với lời bàn Mao Tôn Cương)
Bình thủy = phích nước
Bình-dân = bình thường
Bo bo xì = nghỉ chơi không quen nữa (động tác lấy tay đập đập vào miệng vừa nói của con nít)
(Nhớ đâu viết đấy… - Nguyễn Văn Trường)

Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết
Trong Việt Nam Văn Học Sử của Dương Quảng Hàm chép truyện cụ Trạng trình Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang Tàu, gặp lúc công chúa Tàu chết, cụ đọc bài văn tế trong đó có câu “Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt tận!... Xin kính hưởng” được vua Tàu khen và đi vào văn học sử nước nhà.
Tuy nhiên theo Kiến Văn Tiểu Lục của cụ Quế đường Lê Quý Đông thì của bài thơ trên trong sách Thuyết Phu kể chuyện Dương Ức, đời Tống khi làm văn tế hòang hậu vua Tống Chân Tông là “Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!...Phụng duy thượng hưởng”.

Leo heo
Leo heo : hiu hắt
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ và nghĩa
Hoành tráng - Với nghĩa là "có quy mô đồ sộ (nhằm thể hiện những đề tài lớn)". Từ này bị lạm dụng rất nặng. Bất cứ một điều gì cũng có thể được gán ghép với thuộc tính này. "Sân khấu" cũng "hoành tráng", mà vòng một hay vòng ba của một "nữ nhân" cũng có thể "hoành tráng". Trong một số văn cảnh, đôi khi, "hoành tráng" cũng có thể được dùng theo nghĩa "đẹp nức nở" hoặc "rực rỡ, tráng lệ", như: "Bức chân dung của em trông ‘hoành tráng’ quá". Nó cũng có thể là "căng đầy", "mập mạp", như, "Cái ví của anh hôm nay, sau khi lãnh lương, trông thật ‘hoành tráng’", hay "Thân hình ‘hoành tráng’ của bà chủ, sau khi nạp vào bữa điểm tâm cũng ‘hoành tráng’ không kém, uốn éo đi ra khỏi cửa".
Và, còn gì ‘hoành tráng’ nữa trong cuộc sống hôm nay?!!
(Bùi Vĩnh Phúc - Trên đường bay của chữ)
(còn tiếp)

 

Đăng ngày 09 tháng 02.2018