MỸ THO GỢI NHỚ

Trần Khánh

Thời Thủy Chân Lạp, Mỹ Tho còn có tên Cù Úc. Mỹ Tho theo nghĩa Hán Nôm là cỏ đẹp, Mỹ là xinh đẹp, Tho là một loài cỏ. Theo nghĩa Miên, Mê So là cô gái đẹp hay nàng tiên, nhưng theo Lê Hương, người am tường về xứ, văn hóa Chùa Tháp thì Mỹ Tho xưa gọi là Mê So không biết là nghĩa gì.
Từ Mỹ Tho xuất hiện từ năm 1679 bằng chữ Nôm trong Gia Định thành Thông chí của Trịnh Hoài Đức: "Ngày 28 tháng 2 năm Kỷ Tỵ (1679) tướng Long Môn là Dương Ngạn Địch từ nước Tàu chạy sang quy phục. Tháng 5, chúa Nguyễn sai Xá sai Văn Trinh dẫn cả binh biền và ghe thuyền đến đóng dinh trại ở địa phương Mỹ Tho".
Trong quyển lịch sử truyền giáo Nam Kỳ của Launay tên Mi Tho xuất hiện cùng lúc với tên Saigon bằng chữ Quốc ngữ năm 1747. Vì cuộc sống khó khăn bởi chiến tranh khốc liệt Trịnh - Nguyễn, bị áp bức, bóc lột, mất mùa, đói kém nên người dân ở Trung Bắc không thể sống được nên họ lần tìm về phương nam dễ thở hơn. Đa số dân Việt vào Mỹ Tho có gốc gác trung và nam Trung phần như Quảng Nam, Quảng Ngãi, có một số ít từ Thăng Long và Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa. Phần đông thuộc thành phần nông dân nghèo khổ, tù tội bị lưu đày, chống chế độ Trịnh Nguyễn, binh lính, quan lại nhỏ, thầy đồ bất đắc chí, về sau người có vật lực chiêu mộ người theo vô khai hoang.

Thành phần tiền phong vào khai hoang điển hình:
Lê Phước Tang dẫn một nhóm người vào làng Hòa Thuận Cai Lậy giữa thế kỷ 18, ông mất năm 1779, đến đầu thế kỷ 19 con cháu ông có đến hàng trăm mẫu đất.
Nguyễn văn Lũ đến vùng Nhị Bình, Nhị Quí, Dưỡng Điềm giữ chức cai đội chỉ huy binh lính đồn điền trong đội binh sản xuất của chúa Nguyễn. Khi mất, lấy tên và chức vụ đặt cho giòng đất ở địa phương này là giòng Cai Lũ (Lữ).
Ông Lễ đến trung tâm quận Cai Lậy giữ chức cai đội vào thế kỷ 18. Để ghi nhớ ơn ông, nhân dân lấy tên và chức vụ đặt cho vùng đất này, từ Cai Lễ đọc trại thành Cai Lậy.
Lê Công Giám từ Trung vô hồi giữa thế kỷ 18 giữ chức trùm cả, khi mất dân thờ như vị thành hoàng và cữ tên ông Giám nói là Giếm, và cũng không ai dám nhận chức hương cả, chỉ có chức hương chủ hay quyền hương cả.
Trần Văn Khủng vào khai phá Bình Cách, Bình Thanh Chợ Gạo thế kỷ 18, đến đời thứ năm là Trần Văn Học (1819-1879) thì có hàng ngàn mẫu đất. Trần Văn Học là sui gia với Thủ Khoa Huân. Thiên Hộ Dương là rể của ông Học lấy con gái ông là Trần Thị Vàng. Cho nên ông Học đóng góp rất nhiều cho hai cuộc khởi nghĩa.
Phạm Đăng Dinh (1717-1776) từ Quảng Ngãi vào giòng Sơn Qui Gò Công. Dòng họ này gốc ở Thanh Hóa theo Nguyễn Hoàng vô Thuận Hóa. Đầu thế kỷ 19 sinh đại công thần Phạm Đăng Hưng triều Nguyễn và con ông Hưng là Phạm thị Hằng, mẹ vua Tự Đức.
Lê Văn Hiếu cùng con là Lê Văn Toại từ Quảng Ngãi vào cư ngụ tại Trà Lọt Hoà Khánh Cái Bè giữa thế kỷ 18 sau chuyển cư tới Long Hưng. Gốc gác trước ở Sơn Tây, Vĩnh Yên miền Bắc. Ông Lê Văn Toại là thân sinh của Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt (1764-1832).
Ngoài nhóm Việt còn có người thiểu số do những người có vật lực mua nô lệ mang vào làm việc. Ở vùng đất mới họ được tự do lấy nhau. Còn có một nhóm người Tàu sanh con đẻ cái vài đời trở thành người Việt tuy mang họ rất lạ như họ Lăng, Nông, Phòng. Ở Cai Lậy có họ Ma, họ Chế sống nhiều đời ở đây.
Còn có một nhóm người Tàu đến năm 1679 do Dương Ngạn Địch cầm đầu được chúa Nguyễn cho tị nạn và định cư ở Mỹ Tho vì chống đối nhà Mãn Thanh, một vương triều ngoại tộc đánh đổ nhà Minh người Hán, thống trị Trung Hoa. Họ sống chủ yếu là nghề buôn bán ở chợ. Vài đời sau họ trở thành người Việt vì họ tiếp xúc công của và có quan hệ hôn nhơn, theo tập tục người Việt, văn hóa Việt, coi Việt Nam như là tổ quốc của họ. Với họ, người gốc cũ có chăng chỉ qua danh xưng là Minh Hương. Họ đã chung lưng đấu cật với người Việt từ hồi đầu, nên khi Pháp đến họ dám xả thân cho nền độc lập nước nhà, điển hình là ông Trác Tấn đã chiêu tập nghĩa binh khởi nghĩa chống Pháp ở giữa thế kỷ 19. Sau đó bị Pháp đàn áp và thủ lĩnh Trác hy sinh.
Vì có lưu dân đông và sản xuất nhiều, nên năm 1623 chúa Nguyễn cho lập thuế Quản thảo ở Sài Gòn và sở thuế Tam Lạch, Bả Canh ở Mỹ Tho.
Ở đất mới khí hậu điều hòa, ít bão lụt, đồng ruộng phì nhiêu, sông rạch có nhiều cá tôm, chỉ gặp rừng rậm hoang hiểm nhiều thú dữ, nhưng dần dần khắc phục đi vào ổn định. Cho tới cuối thế kỷ 17 Mỹ Tho trở thành một trong ba trung tâm thương mại lớn nhứt miền Nam, ngay cả làng xã cũng đi vào nề nếp, cuối thế kỷ 18 trong nội ô Mỹ Tho có: làng Điều Hòa (trung tâm Châu thành Mỹ Tho), làng Bình Tạo (chợ Vòng Nhỏ), làng Mỹ Chánh, làng Phú Hội, làng Mỹ Hóa (khu vực chùa Vĩnh Tràng), làng Thạnh Trị (dọc kinh Bảo Định), làng Đạo Thạnh (từ bến xe mới đến Hóc Đùn).
Năm 1781 chúa Nguyễn cho dời lỵ sở của dinh Trấn Định từ giòng Kiến Định (Tân Hiệp) về thôn Mỹ Chánh (Chợ cũ Mỹ Tho), nơi đây trở thành trung tâm hành chánh. Chúa Nguyễn cho xây thành Mỹ Tho vào năm 1792, do Trần Văn Học vẽ họa đồ theo kiến trúc tây phương kiểu thành Vauban của Pháp, hình vuông, chu vi 2000 m², có hai cửa ra vào bằng cầu bắc qua trên hào rộng 16 mét, sâu hai mét. Có đặt ống chảy ra sông cái, có nuôi tôm cá. Ngoài hào có đắp lũy đất cao bao quanh, trong thành có kho chứa gạo, kho đạn, trại quân v.v…
Vậy cuối thế kỷ 18, Mỹ Tho có thành, có phố chợ mua bán náo nhiệt. Trấn Định Tường thành lập năm 1808 thời Gia Long ở thôn Mỹ Chánh phía tả ngạn rạch Bảo Định (Chợ cũ). Đến năm 1826 thời Minh Mạng do nhu cầu phát triển thành phố nên cho dời lỵ sở về thôn Điều Hòa và Bình Tạo thuộc hữu ngạn sông Bảo Định, làm thành Mỹ Tho mới. Thành này do Lê Văn Duyệt trực tiếp chỉ huy xây dựng, với gần mười một ngàn nhân công, quanh thành đắp đất, chu vi 2000 m², cao 4,30 mét, hào rộng 3 mét, sâu 2,90 mét, có bốn cửa (theo Đại Nam Nhất thông chí). Ngoài cơ sở hành chánh, thành thị, còn có các công trình khác phục vụ cho kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo ở địa phương như: cất chợ, cơ sở chánh quyền năm 1835, sở thu thuế, trường học năm 1826, đàn xã tắc năm 1833, thần xã tắc (thần đất nước) của tỉnh, đàn tiến nông năm 1832 thờ thần Nông, miếu Thánh Hoàng năm 1848 (theo Gia Định thành Thông chí).
Song song theo đó, những cá nhân giàu có bỏ tiền ra xây dựng chùa chiền với nhiều kiểu kiến trúc độc đáo:
Năm 1803 bà Nguyễn Thị Đạt xây chùa Bửu Lâm ở thôn Phú Hội và Ban Văn Thiện xây chùa Thiên Phúc ở thôn Mỹ Hóa.
Năm 1819 Nguyễn Ngọc Giản xây Hội quán Kim Bảo.
Năm 1849 Hoà thượng Huệ Đăng xây chùa Vĩnh Tràng ở thôn Mỹ Hóa.
Và chùa Sắc Tứ có trước thời Gia Long còn bôn đào ở xã Thạnh Phú (Xoài Hột), cách thị trấn Mỹ Tho bảy cây số. Với truyền thuyết, từ mấy trăm năm trước vùng này còn hoang vu, đám mục đồng thả trâu ngoài đồng, trưa tụ họp nơi có cây cao bóng mát chơi đùa, lấy đất sét nắn tượng Phật đem lên gò đất cao, bẻ cành lá cây làm chòi che Phật giống cảnh trí của chùa, có bánh trái chi thì bày cúng Phật, rồi chia nhau ăn. Chủ đất hay được đến quở trách bảo đám chăn trâu dẹp cảnh chùa đi. Nhưng có đấng vô hình ngăn cản, gia đình chủ đất khấn nguyện và cất am nhỏ thờ thì trong nhà bình yên. Xa gần nghe sự linh thiêng đến phụ giúp làm chùa thờ cốt Phật bằng đất. Về sau có tu sĩ tên Nguyễn Phước Chánh pháp danh Nguyệt Hiền đến làm trụ trì đặt tên chùa là Long Tuyền Tự (Suối Rồng).
Năm 1775 Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đuổi đến ẩn mình trong chùa với hình dạng dân dã. Một hôm chim bay vần vũ quanh chùa kêu inh ỏi. Nhà sư đoán biết điều chẳng lành cho khách lạ nên khuyên chúa Nguyễn nên rời khỏi chùa, nghe lời khuyên Nguyễn Ánh từ giã đến Long Hưng, tại đây chúa gặp tướng tài là Lê Văn Duyệt theo phò. Quả nhiên, hôm sau Tây Sơn đến lục soát chùa.
Có thuyết rất phổ quát trong dân gian, Tây Sơn đến cửa chùa, hòa thượng quýnh quá bảo Nguyễn Ánh chui vô đại hồng chung trốn. Chuông lớn úp lại tự dưng bên ngoài bụi bặm, nhện giăng đầy, chứng tỏ rằng quả chuông này từ lâu không xài tới và không có dấu vết chi trên đó nên quân Tây Sơn kéo đi.
Năm thứ 10 Gia Long (1811) nhà vua ký sắc cho tên chùa là Long Nguyên Tự (bãi đất Rồng) và cho mấy mẫu đất chung quanh làm đất chùa, cho lính canh giữ, coi như chùa của vua. Đến đời Thiệu Trị (1841) lại đổi tên chùa là Linh Thứu hay Linh Tựu.
Dù cho nhà vua có ngự tín tên đẹp nhưng dân địa phương vẫn gọi là chùa Sắc Tứ, cho tới ngày nay chùa Sắc Tứ là chùa của sư nữ truyền được ba đời rồi.
Từ năm 1826, Mỹ Tho mới và cũ cách nhau con sông Bảo Định cùng nhau phát triển, giao dịch nhau bằng chuyến đò ngang, có tên cũ là giang trạm Điều Hoà, bến đò Hồng Vũ, nơi đây sanh ra nghề đưa đò chuyên nghiệp. Hồi năm 1792 chính quyền có xây cầu bắc ngang đôi bờ tên Quì Tông, nhưng đến năm 1801 nước sông chảy xiết, bị xoáy lỗ cầu hư sụp. Sau này mới bắc cây cầu quay cho đến nay tình trạng tồi tệ, dành cho người đi bộ và xe đạp.
Là đặc trưng của thành phố miền Nam luôn ở ven sông, Mỹ Tho được dựng lên ở ngã ba sông, phương tiện giao thông trên bộ dưới nước đều thuận lợi. Con kinh Bảo Định được Nguyễn Cửu Vân đào từ năm 1705. Đến năm 1819 Trấn thủ Mỹ Tho Nguyễn Văn Thông cho nạo vét, mở rộng thêm bề ngang 30 mét, sâu bốn mét, hai bên bờ kinh có đường lộ lưu thông rộng 12 mét dùng 9697 nhân công. Năm 1846 vua Thiệu Trị đổi tên là kinh Trí Tường. Kinh này nối sông Vàm Cỏ Tây đoạn Vũng Gù (Tân An) với sông Tiền, riêng đoạn Mỹ Tho dài 22 cây số.
Thành phố Mỹ Tho tạo thêm vẻ mỹ miều cũng nhờ Cồn Rồng nổi lên từ năm 1788 có dáng con rồng nằm, vua Gia Long đặt tên là Long Châu, sau gọi là Tân Long, dài độ bốn cây số dùng la tinh yểm trấn thủy khẩu, ngăn chặn sóng dữ. Theo địa lý, ở cửa sông có cồn nổi che kín thì chỗ đó thịnh đạt. Có giả thuyết người Pháp được nhà địa lý nào bày vẽ, đem người cùi đến ở để phá long mạch nên hết thiêng.
Năm 1705 Nguyễn Cửu Vân dùng dân binh đào hào đắp lũy khẩn đất Vũng Gù, lưu dân đến lập nghiệp trên các giòng đất:
- Cai Yến (Cánh én) ở Khánh Hậu.
- Giòng Trấn Định ở Tân Lý, Tân Hiệp.
- Giòng Cai Lữ ở Nhị Bình, Dưỡng Điềm.
Năm 1790 Nguyến Ánh cho đắp con đường thiên lý từ Gia Định tới Cái Thia Cái Bè. Nhờ con đường này, lưu dân đến vùng Ba Giòng càng ngày càng đông. Đại Nam Nhất thông chí kể: "Gò Tam Phụ (Ba Giòng) tục danh là Ba Đống (Đông) thuộc hai huyện Kiến Đăng (Cai Lậy, Cái Bè) và Kiến Hưng (Châu thành Mỹ Tho) gồm có các gò: gò Yến, gò Kỳ Tâm, gò Qua Qua. Gò Đống rộng lớn cây cối sum sê, chỗ khởi lên chỗ phục xuống tiếp tục nối liền, trước có Đại Giang (sông Tiền) ngăn trở, sau tựa vào chầm Mãng Trạch (vùng Đồng Tháp Mười)".
Còn Gia Định thành Thông chí ghi: "Ba Giòng có Gò Đống khởi phục cây cối sum sê, dân giàu của đủ, các giòng đụn lớn nhỏ không đều nhau, nhưng đều trồng bông vải, dầu, mè, dâu, bí, đậu, khoai, thuốc lá, bắp, nhân dân nhờ đó dễ làm sản nghiệp".

Nhìn trên thực địa, Ba Giòng gồm có ba cụm giòng cát, bắt đầu từ hướng nam sông Vàm Cỏ Tây chạy song song với rạch Bảo Định theo hướng bắc - nam rồi chuyển sang hướng đông - tây để cập dài theo sông Tiền đến Cái Thia, băng qua vùng đất rộng thuộc thị trấn Tân An và Châu thành Mỹ Tho, Cai Lậy, Cái Bè. Ba giòng đó là:
Giòng 1: giòng Cánh Én (Cai Yến), gò Trâm Bầu, gò Tren Trảo (Qua Qua), giòng Trấn Định (Tân Lý, Tân Hiệp), giòng Kỳ Lân (Thân Cửu Nghĩa), giòng Dứa (Tam Hiệp, Long Định);
Giòng 2: giòng Cai Lữ hay Gò Lũ, giòng Thuộc Nhiêu ở Nhị Bình, Điềm Hy, gò Luộc ở Nhị Quí, Phú Quí Cai Lậy.
Giòng 3: gò Mồ Côi, gò Lâm Vồ ở Tân Hợi Cai Lậy, giòng Bà Trà ở thị trấn Cai Lậy, gò Bù Lu ở Nhị Mỹ Cai Lậy, giòng Tre, gò Sung ở Bình Phú Cai Lậy, gò Triệu ở An Cư Cái Bè.
Vùng ba giòng là điểm tựa để xuất phát vào khai phá Đồng Tháp Mười sau này và cũng là căn cứ địa của ba ngàn quân Đông Sơn của Đỗ Thành Nhân.
Hầu hết các chợ ở Mỹ Tho thời đó đều có bán gạo nhất là chợ Lương Phú, chợ Bến Chùa. Đặc biệt hơn hết là Chợ Gạo do Trần Văn Nguyệt lập ra hồi hậu bán thế kỷ 18 nổi tiếng khắp Nam Kỳ. Mỹ Tho sản xuất nhất gạo nhì cau, chợ An Bình Cái Bè là tụ điểm bán cau, chở qua Miên, qua Thái Lan.
Sách Gia Định thành Thông chí cho biết ở địa phận vùng Tân Hiệp và thôn Tân Đức có nhiều nhà chuyên nghề dệt cửi sản xuất sô, sa, trừu, lãnh rất tinh xảo, dệt được các thứ bông hoa và cách phục sức của người Mỹ Tho so với người Gia Định thì xa xỉ hơn. Nghề dệt ở Hiệp Đức Cai Lậy đến năm 1930 thì bị tư bản Pháp chèn ép vì hàng Pháp đổ vào xứ ta nhiều.
Còn tôm cá thì vô số, hầu hết các sông rạch đều có. Con buôn đóng ghe thuyền lớn, rộng cá mang đi bán dạo nên dân gian gọi là "lái rối", có dư thừa làm mắm nên có câu: "Ăn mắm thắm về lâu" và đặc biệt hơn:
Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm.

Mỹ Tho có loại thủy sản nổi tiếng ở cù lao Tân Phong Cai Lậy, vào tháng tư, tháng năm là mùa ốc gạo, có hình tròn cỡ đầu ngón tay,vỏ trắng ngà, khi luộc chín dưới mài hiện ra một cục mỡ trắng giống như hột gạo vì thế người ta gọi là ốc gạo.
Ở miền Nam, con kinh đào sớm nhất là kinh Bảo Định kế tới là con kinh Bà Bèo, nối liền giữa rạch Bà Rài phía nam và rạch Chanh phía bắc, giữa hai con rạch này nhiều bùn lầy, rừng tràm hoang dã. Năm 1785 sau khi diệt quân Xiêm, Đô đốc Tây Sơn là Nguyễn Trấn cho đào con kinh gọi là kinh mới Rạch Chanh, có người nói văn hoa là Tranh giang Tân kinh, nhưng dân gian gọi là kinh Bà Bèo, mục dích là tiện đường tiến đánh quân Đông Sơn của Đỗ Thành Nhân. Con kinh này rất lợi cho sự phát triển, thâu ngắn con đường từ Sài Gòn xuống đồng bằng sông Cửu Long, ghe thuyền buôn bán qua lại, nên thời Pháp gọi là kinh Thương mại.
Đầu thế kỷ 18, chúa Nguyễn thành lập trang trại, man, nậu. Trang trại là ở vùng đất tốt, dân cư đông. Như ở Gò Công có tên trại Cá, ở Bến Tre có Ba Tri trại. Đứng đầu là cai trại phụ trách an ninh và thu thuế. Nậu cũng ở đất tốt nhưng chuyên coi về ruộng, đứng đầu là đầu nậu. Man là nơi dân cư ít. Ngoài ra ở Mỹ Tho còn có một đơn vị hành chánh gọi là thuộc như thuộc Nhiêu ở Dưỡng Điềm, thuộc Đẹp ở xã Long Trung Cai Lậy. Do ông Nhiêu, ông Đẹp lập ra hai thuộc này. Có người giải nghĩa chữ thuộc là đất thuần thục, đất tốt sau một thời gian khai khẩn.

Năm 1788, Nguyễn Ánh thu phục được vùng Gia Định. Tháng 4-1790, Nguyễn Ánh ban hành quy chế thành lập làng ở Mỹ Tho. Nơi nào quy tụ được 40 người trở lên thì được lập thành một làng. Sau đó cho phép mười nhà thành một làng nhỏ, năm chục nhà trở thành làng lớn. Muốn lập làng phải làm đơn xin ghi rõ ranh giới, diện tích, dân số, người xin, tên làng và xin miễn thuế ba năm. Theo đơn được quan trên gửi xuống điều tra rồi quyết định. Người đứng tên xin lập làng được cử đứng đầu làng, khi chết thành tiền hiền thờ ở đình làng. Ban hương chức làng có các vị: trùm cả, trùm chủ, trùm nghị (cho ý kiến), xã trưởng (giữ con dấu), thủ khoán (thủ quỹ), câu đương (an ninh), tri thâu (thu thuế). Các hương chức làng đều có của cải, tài sản, đức độ, tuổi tác.
Ở Gò Công, Chợ Gạo được khai phá trước. Năm 1743 ông Trần Văn Giồng lập làng Bình Phục Nhứt và Trần Văn Sủng lập làng Bình Trị. Giữa thế kỷ 18, Nguyễn Văn Trước lập làng Điều Hoà, Nguyễn Văn Lũ lập làng Nhị Bình, Dương Tấn Tuyên lập làng Tân Hương. Năm 1757, Nguyễn Văn Quờn và Nguyễn Văn Lý lập làng Mỹ Thạnh. Năm 1785 Nguyễn Văn Cối lập hai làng Hội Sơn và Xuân Sơn ở Cai Lậy.
Các tên làng được đặt ra bởi người đứng tên xin lập, theo nguyện vọng của người dân địa phương mình, cầu sao cho được no ấm, bình an, may mắn, giàu có trong cuộc sống. Cho nên làng nào tên cũng đẹp đẽ, có ý nghĩa bằng các mỹ từ: Phú, Quí, Bình, An, Thạnh, Thuận, Tân, Hoà… thường thì hai chữ hoặc ba chữ. Những làng có chung tên đầu hoặc tên cuối thì thường là được lập cùng thời gian, sau đó do sự phát triển nên tách ra làm hai hoặc ba làng nhỏ, tên làng mới dựa vào tên làng cũ như: nhứt, nhị, tam; hoặc theo vị trí: thượng, trung, hạ; hoặc theo hướng: đông, tây, nam, bắc.

Về gia phổ, người Nam ít ghi lại vì trình độ học vấn hạn chế từ buổi đầu đi khai hoang, lại nữa dòng người từ ngoài vào thì không ít những người chống chế độ Trịnh, Nguyễn rồi qua thời kỳ Pháp thuộc dân chúng phần đông tham gia phong trào yêu nước nên cần dấu lý lịch, về sau nữa nội chiến liên miên, dựng gia phổ chỉ hại cho thân nhân mà thôi. Nhưng thay vì ghi gia phổ, họ sáng tạo ra một hình thức nhận nhau quyến thuộc, dòng họ bằng cách cúng lề, đây cũng là lễ giỗ hội tổ tiên ông bà và những người xiêu mồ lạc mả bỏ mình trên bước đường khai mở đất mới, thể hiện sự biết ơn của kẻ đi sau nhớ ơn người đi trước.
Cúng lề tức là cúng lễ vật nói tắt, lúc phân tán đi làm ăn hoặc trốn tránh, người trong gia đình mật ước với nhau là hàng năm đến ngày N tháng T thì tổ chức mâm cơm cúng với lễ vật đặc biệt được định sẵn mà chỉ riêng người dòng họ biết thôi: con cháu ở xa, họ thấy nhà nào cúng món đặc biệt đó thì truy tìm và nhận biết là họ mình. Lễ vật thật đơn sơ, mỗi dòng đều cúng khác nhau. Ở làng Mỹ Phước Tây có dòng họ Lê cúng lễ bằng một tỉn nước mắm, cá nướng, cháo ám. Họ Nguyễn ở Phú Quí Cai Lậy cúng gà quay, gạo, muối. Họ Nguyễn ở Mỹ Phong cúng cua luộc, ốc luộc, rau luộc.
Có những câu hát xuất xứ từ thời Nguyễn Ánh thế kỷ 18 cho làm con đường thiên lý quãng Trung Lương đến Long Định, lúc đó có nhiều thú dữ người đi ngang qua đều lo sợ và nhiều cây dứa gai, lau sậy um tùm, dân phu làm công xa nhà lâu ngày nhớ vợ nên buồn hát:
Ai về giòng dứa qua truông
Gió lay bông sậy để buồn cho em.
Về sau về Rạch Giá, người ta nghe:
Ai về Rạch Giá Cà Mau
Gió lay bông sậy dạ sầu nhớ em.

Về giai thoại "đồn Chợ Giữa" người ta thường kể mỗi nơi mỗi khác về nhân vật thầy đồ…Nhưng giai thoại này xuất xứ từ đất Vĩnh Kim Mỹ Tho.
Năm 1945, khi tái chiếm Mỹ Tho quân viễn chinh Pháp đặt một đại đội đồn trú tại Vĩnh Kim, do Đại úy Savary chỉ huy, khu vực này gọi là secteur de Vĩnh Kim, một thị trấn chiến lược. Dưới quyền Đại úy Savary có tên thượng sĩ gọi là Ách thẹo, tên này tàn ác lắm, thường khoe các chiến công ở Phi Châu bằng nhiều vết thẹo để lại trong người y. Bọn chúng thường làm khó dễ dân chúng bằng nhiều thủ đoạn để kiếm tiền, sáu giờ chiều thiết quân luật cho tới sáng, hễ nghe năm tiếng súng lịnh báo hiệu thì các ghe thuyền phải dừng lại đậu cách đồn Chợ Giữa 500 mét. Giai thoại đồn Chợ Giữa diễn ra trên bến Sầm Giang trong khoang thuyền của một lái buôn vịt tàu vào một chiều giới nghiêm vào năm 1946.
Ông xã Re ở Bàn Long sống nghề nuôi vịt tàu lưu động, bầy vịt độ bốn, năm ngàn con, không nhất thiết ở chỗ nào, nơi đâu có thức ăn là lùa vịt đến, nhất là sau mùa gặt, ông xã cho vịt vào ghe luờn xuôi miệt Hậu Giang để mò lúa rớt trong những cánh đồng bao la. Trên sông Vàm Cống vào một đêm trăng, ông nghe giọng rao lanh lảnh của cô gái bán vàm: "Ai ăn bánh ú o hông?"
Xã Re gọi: "Bánh ú o!"
Cô hàng: "Ai gọi đó?"
Xã Re: "Ở ghe hướng này!"
Cô hàng bánh cho thuyền cập lại.
Ông xã Re hỏi: "Bánh gì mà kêu là bánh ú o nghe lạ quá hả cô?"
Cô hàng đáp: "Thì mời ông anh dùng thử một cái rồi sẽ biết".
Xã Re: "Thử thì thử, đâu cô cho một cái".
Trả tiền xong ông lấy cái bánh ú mở ra ăn, ông vội la lên bánh ú gì mà thiu nhớt.
Cô bán hàng vội bơi xuồng đi, xã Re dùng chèo móc xuồng cô lại nói: "Nè cô! Bánh gì thiu nhớt mà cô rao là bánh ú o!"
Cô hàng nhanh nhảu trả lời: "Thì bánh ú thiu, em o lại bán vậy mới gọi là bánh ú o chớ!"
Mặc dù bị gạt, nhưng cô gái bán vàm duyên dáng ăn nói lanh lợi, với nụ cười tươi đưa ra hàm răng trắng điểm thêm chiếc răng vàng, xã Re chẳng những không giận mà còn thích thú bằng cuộc hội ngộ lạ.
Lạ chi khách giang hồ lữ thứ gặp gái vào một đêm trăng. Lời qua tiếng lại đẩy đưa, cô hàng bánh ú chịu theo xã Re học nghề nuôi vịt tàu. Một bữa, cô thủ thỉ với ông là em không muốn sống bất hợp pháp bên ông, cô muốn làm sao bà lớn phải nhìn nhận cô.
Bị sa vào mê hồn trận, trở về Bàn Long ông cố uốn ba tấc lưỡi để làm xiêu lòng bà Cả. Nào là nghiệp dĩ sông hồ, nơi đất lạ quê người cô đơn buồn chán lắm. Còn mình thì phải lo con cái vườn tược không thể theo tôi được. Nào là duyên phận tôi gặp dì nó, quyết hy sinh đời mình để đỡ đần tôi. Xin mình rộng lượng cư xử cho trong ấm ngoài êm.
Bà xã hài lòng, ông mừng rỡ lui thuyền long đong trên sông nước với dì Ba. Sau nghe sự yên ấm của đôi uyên ương làm bà Cả xin ông cho theo để biết đó biết đây và ghé thăm cho biết quê dì Ba nó luôn. Ông xã buộc phải miễn cưỡng chấp thuận. Vào đêm trăng tháng giêng năm 1946 trên bến nước Sầm Giang cách đồn Chợ Giữa 500 thước, trong chiếc ghe lườn với sự sắp xếp ngầm, ông xã Re đóng ở đầu khoang, dì Ba cuối khoang bất ly cục cựa, bà Cả ở trung ương giám sát. Thấy cảnh sanh tình, quen lối tự do phóng túng trên sông nước, dì Ba cất giọng hò để nói lên tâm sự của mình:
Hò ơ! Đêm khuya nước lặng sóng yên
Chèo ai có muốn chống thuyền thì sang.
Nằm bên kia đầu thuyền, ông xã Re biết bà nhỏ mượn câu hò xa xôi nhắn gởi, kêu gọi "cái gì" đó với mình. Nhìn thấy đồn Chợ Giữa chắn ngang thì làm sao chèo qua cho được, ông bèn đối đáp:
Hò ơ! Muốn qua buôn bán cho vui
Ngặt đồn Chợ Giữa thì xuôi đàng nào?
Bà lớn nghe hai người hò đối đáp nhau biết họ bí lối chịu thua, buồn cười hò theo:
Hò ơ! Muốn qua buôn bán cho vui
Qua đồn nộp thuế thì xuôi chứ gì.
Đó là cách hối lộ của quan ba Savary, dù giới nghiêm nhưng ghe nào muốn đi gấp có chuyện biết chạy chọt lo lót thì ghe vẫn qua như thường, nhất định phải "nộp thuế".
Dì Ba nghe lời hò bà lớn giận tức khí, vì nếu qua đồn Chợ Giữa mà nộp thuế thì cạn vốn còn chi bán buôn. Nghĩ vậy dì Ba hò chấm dứt để ngầm bảo ông xã Re đừng có qua đồn mà mất hết vốn, vốn ấy để dành cho em.
Hò ơ! Chẳng buôn chẳng bán thì thôi
Nộp thuế hết vốn còn gì bán buôn.

Những ai sanh ra vào thập niên 60 ở Mỹ Tho chỉ nghe trước kia có đường rầy xe lửa, nhưng chẳng thấy dấu tích chi. Vậy tuyến đường sắt Mỹ Tho - Saigon là tuyến đường sắt đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1874, giám đốc sở công chánh Nam Kỳ là Eyriaud des Vergnes lập hai dự án thành lập hai đường rầy xe lửa ở Nam Kỳ:
- Dự án 1 là Saigon - Tây Ninh - Phnom Penh
- Dự án 2 là Saigon - Vĩnh Long - Sóc Trăng và một nhánh khác Long Xuyên - Châu Đốc - Phnom Penh.
Tháng 11-1879 Thống đốc Nam Kỳ là Le Myre de Vilers chấp thuận dự án 2, bởi tuyến Saigon - Vĩnh Long - Sóc Trăng có lợi lớn, vì trên đồng bằng sông Cửu Long người đông của nhiều. Nhưng xem lại ngân khoản đòi hỏi quá lớn, ngân sách Nam Kỳ không đủ cung ứng, chỉ đủ để lập tuyến Saigon - Mỹ Tho thôi, chừng nào có kinh phí thì làm tiếp xuống Vĩnh Long - Sóc Trăng. Năm 1881, tuyến đường sắt Saigon - Mỹ Tho khởi công dài 71 cây số phải băng qua hai chướng ngại lớn là sông Vàm Cỏ Đông (Bến Lức) và sông Vàm Cỏ Tây (Tân An). Kinh phí lên tới 11 triệu 600 ngàn quan Pháp. Đến ngày 20-7-1885 tuyến đường này hoàn thành nhưng cầu Bến Lức xây chưa xong nên sự lưu thông qua hai chặng:
- Chặng Sài Gòn - Bến Lức: hành khách và hàng hóa phải đưa xuống xe lửa qua sông bằng đò ngang.
- Chặng 2: Bến Lức - Mỹ Tho.
Tháng 5-1886 cầu Bến Lức làm xong, Saigon - Mỹ Tho đi suốt với tốc độ 25 cây số/giờ. Nếu đi ghe thuyền chèo hoặc đi ngựa phải mất cả ngày hơn. Chuyến xe lửa phải ngừng lại nhiều trạm (gare) để đổ khách và rước khách: An Đông, Phú Lâm, An Lạc, Bình Điền, Bình Chánh, Gò Đen, Bến Lức, Bình Ảnh, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Lương Phú, Trung Lương và Mỹ Tho (14 trạm tất cả).
Năm 1937 công ty hỏa xa tăng cường bằng những chuyến ô tô ray (autorail) đi nhanh hơn xe lửa thường, chỉ dừng lại những ga chánh thôi hay chạy suốt luôn.
Từ năm 1948-1954 do chiến tranh gây ra, đường rầy bị phá hoại chỉ hoạt động cầm chừng.
Sau năm 1954, chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cho sửa chữa và khai thác lại, sau vì sự cạnh tranh và sự tu bổ cầu đường lẫn nhân viên nên sở hỏa xa bị thua lỗ trắng, nên năm 1958 chánh phủ cho ngừng hoạt động tuyến đường đầu tiên và duy nhứt ở đồng bằng sông Cửu Long.
Thời năm 1915-1919, ở khu vực nhà ga và bến tàu thủy Mỹ Tho có các dịch vụ sửa chữa máy móc ghe tàu, buôn bán ăn uống, nhất là ông Trần Chánh Chiếu một thương gia yêu nước phát động phong trào chống Pháp gọi là Minh Tân, ông xây một khách sạn lấy tên Minh Tân gần ga để phục vụ cho khách lỡ tàu, đò…Có xe lửa, gần như chợ hàng bông hoạt động suốt đêm. Có những công chức cuối tuần đi xe lửa xuống Mỹ Tho du ngoạn, ăn hủ tiếu như ông Vương Hồng Sển. Và gánh hát thầy Năm Tú chưa lên Sài Gòn thì khách mộ điệu đi xe lửa xuống Mỹ Tho xem hát, tối ngủ khách sạn Minh Tân, sáng ra mua mận hồng đào, kẹo chuối, ăn hủ tiếu Mỹ Tho rồi trở về Sài Gòn bằng xe lửa khỏe re.
Tuyến đường sắt Saigon - Mỹ Tho ngừng hoạt động từ năm 1958, đường sắt bị tháo gỡ, dấu tích để lại lờ mờ, các nhà ga Gò Đen, Bến Lức sau là trạm thuốc. Cầu sắt Bến Lức không còn. Cầu sắt Tân An dành cho người đi bộ và xe đạp. Đoạn thuộc Mỹ Tho từ Tân Hương đến trạm cuối cùng dài 16 cây số song song với quốc lộ đến Trung Lương, cập theo đường liên tỉnh vô tới đường Lý Thường Kiệt quẹo phải qua hướng cầu bắc cũ rồi quẹo trái mé sông đường Gia Long, mút đường gặp ngã ba sông Bảo Định là trạm chót về sau thành vườn hoa Lạc Hồng. Dấu tích đường sắt thuộc địa hạt Mỹ Tho nay chỉ còn ga Ông Táo (qua Tân Hương), hai chiếc cầu sắt ở thị trấn Tân Hiệp và đầu đường Lý Thường Kiệt, ở đây trước kia có cư xá công nhân hỏa xa, nay không còn nữa. Khách sạn Minh Tân nay bán sách báo văn phòng phẩm. Cảnh tang thương mà người xưa viết qua văn chương, biển cả hóa cồn dâu là đường sắt Mỹ Tho vậy.
Sau hết, trong truyện xưa tích cũ ngôi đình Điều Hòa là ngôi đình xưa nhứt Mỹ Tho, có từ non hai thế kỷ, được tu bổ nhiều lần ở cạnh bờ sông Bảo Định gần chùa Chà Chợ Cũ. Do các vị tiền hiền sáng lập thời hoang vắng và được vua Tự Đức phong sắc thờ, nhưng điểm đặc biệt khác hơn các đình khác là bốn vị nữ thần vì theo tương truyền là phần đông đàn bà góa ở mé Chợ Cũ đến làm ăn phát đạt giàu có, còn phái nam thì không khá, người để ý sống ở đây nhìn nhận là sự thật.
Năm 1946 quân đội viễn chinh Pháp trở lại tái chiếm Mỹ Tho có Marocains, Sénégalais… đến đóng tại đình, khi chúng ra đi đình không mất mát, sứt mẻ một món, trong khi các đình khác chung quanh bị phá tan hoang. Phải chăng đó là sự linh ứng của đình Điều Hoà.
Mỗi năm có hai lễ cúng kỳ yên vào ngày rằm và 16 tháng 2 âm lịch, lần cuối năm là tháng 10 âm lịch. Trong văn tế có viết: "Tứ đại nương nương thượng đẳng thần". Theo lời của cố Đốc phủ sứ Trần Nguyên Lượng ở Cây Trôm gần cầu bắc kể lại: Bốn vị nữ thần là ai? Có công trạng với đất nước như thế nào? Không ai biết! Vì không ai dám mở sắc ra xem cả. Theo đồng bào quanh vùng còn suy ra chắc là bà Trưng, bà Triệu mới thiêng liêng như vậy. Nếu hai bà Trưng, bà Triệu thì chỉ có ba bà. Vậy bốn vị thần nữ được thờ vẫn còn trong sự bí mật.
Sau cuộc đổi ngôi đổi đời này, chúng ta còn lại những gì? Dĩ vãng năm xưa vụt về trong đêm, khi nắng sớm mưa chiều, lúc trà dư tửu hậu, đến nỗi ngồi trong cầu vệ sinh mà cũng nhớ cũng thương trong cảnh u tối của quê hương dân tộc.
Đường còn xa mà tuổi đời, thân xác mòn dần, một ngày không xa số phận này giống như tuyến đường sắt Saigon - Mỹ Tho mà thôi, có còn nhớ chăng đến đời con cháu nội hay ngoại rồi cũng hết.



ĐỒNG THÁP MƯỜI

Thuở xưa, miền nam bán đảo Đông Dương có một dân tộc chịu ảnh hưởng Ấn Độ, lập nên nước Phù Nam. Đến thế kỷ thứ 4, 5, nước Phù Nam rất cường thịnh. Qua giữa thế kỷ thứ 6, nước này bị nước chư hầu Chân Lạp lấn chiếm.
Đầu thế kỷ thứ 8, nước Chân Lạp chia làm hai miền:
- Miền bắc nhiều núi non, truông rẫy gọi là Lục Chân Lạp.
- Miền nam giáp biển Nam Hải, nhiều đầm hồ, sông rạch gọi là Thủy Chân Lạp, sau đổi là Cao Miên hay Campochea, thời Pháp gọi là Cambodge do Sihanouk chọn. Thời vua Thiệu Trị người Việt gọi là Cao Man vì húy kỵ tên Miên của vua.
Trước kia, nước Cao Miên có hai vua: Đệ nhứt vương đóng ở Oudong và Đệ nhị vương đóng ở Sài Gòn lúc đó gọi là Prey-Nokor (xứ Gòn). Đến đời vua Lý Thái Tổ (1012), nước Chân Lạp có sang triều cống.
Vùng đất này người Tàu gọi là Cổ Chiêm Thành, Tây phương gọi là Basse Cochinchine rồi Cochinchine. Do các nhà hàng hải Bồ Đào Nha thấy miền duyên hải Việt Nam giống miền duyên hải Ấn Độ, để phân biệt cho khỏi lầm lẫn vì vùng này ở gần Tàu nên gọi là Cochinchine. Một giả thuyết khác có tính cách dân gian nói rằng vua Chân Lạp Chey Chettha II (1618-1628) kết hôn với Công chúa Ngọc Vạn thời chúa Nguyễn được dân chúng thương mến gọi là Cô Chín Xinh. Người Pháp đọc trại là Cochinchine. Do mối quan hệ đó, vua Chey Chettha II cho dân Việt từ miền ngoài đến lập nghiệp trước ở vùng Mô Xoài gần Bà Rịa. Về sau mỗi khi Chân Lạp có nội loạn hoặc ngoại xâm (Xiêm La) đến cầu cứu Việt Nam, mỗi lần được trợ giúp, kết quả vua Chân Lạp cắt đất cho để đền ơn.
Việt Nam được nhận đất Biên Hòa năm 1650, Sài Gòn năm 1698, Hà Tiên do Mạc Cửu dâng năm 1708, Mỹ Tho, Bến Tre và Vĩnh Long năm 1731, Tân An và Gò Công năm 1755, Trà Vinh và Sóc Trăng năm 1758. Từ thế kỷ thứ 17 đến thế kỷ thứ 18, Việt Nam thu hết miền Thủy Chân Lạp lên tới Châu Đốc.

Trong phần đất Thủy Chân Lạp có một di tích lịch sử để lại trên gò cao, giữa cánh đồng rộng mênh mông: một cây tháp mười tầng gọi là Prasat Prom Loveng. Do đó, Việt Nam đặt là Đồng Tháp Mười, còn Pháp gọi là Plaine des Joncs (Đồng lác cói).
Vùng Đồng Tháp Mười là một đồng lầy rộng lớn khoảng 70.000 mẫu tây, đông giáp sông Vàm Cỏ (Bến Lức), tây giáp Cao Lãnh, nam giáp quốc lộ 4 (Cai Lậy) và bắc giáp biên giới Miên - Việt (Mộc Hóa).
Cánh đồng bao la nhưng ít sông rạch, nên nước ngập không có đường rút, vào tháng 6 nước sông Cửu Long dâng cao đổ vào sông Sở Thượng và sông Trabek. Sau đó, nước rút theo nhánh Sở Thượng một phần, và theo rạch Cái Trốt đổ ra sông Vàm Cỏ Tây. Nhưng phần lớn nước tràn vào trung tâm Đồng Tháp theo rạch Sở Hạ và rạch Cái Cái biến cánh đồng thành biển nước. Mùa này, người ta có thể dùng ghe xuồng bơi từ biên giới Miên - Việt đến Mỹ Tho.
Đến tháng 10, mực nước vùng Thăng Bình Tân Thành cao tới 3 mét và kinh Lagrange hơn 1 mét.
Đến tháng 12, nước rút dần cho tới tháng 2 mới dứt. Vùng phía đông, đất thấp nên vẫn còn lầy.
Cánh đồng đầy cỏ lác cao từ 1 đến 2 mét, khí hậu độc địa, nước phèn, là nơi trú ẩn của loài thú dữ, hùm, beo, rắn, tượng. Có những gò đất cao đầy rùa, cóc, ếch... muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh. Những bàu sen, láng bông súng, đồng lác, đồng đưng, rừng tràm, cỏ cây mọc la liệt, chạy mút tầm mắt tận chân trời. Có những nguồn lợi thiên nhiên là những đìa cá, tôm nhiều vô số được xem là "tiểu biển hồ" ở Nam phần. Có người còn nói là không dám lội xuống đìa để tắm vì sợ ngạnh cá đâm, nhiều con thật to lớn sắp "biết nói" (ví).
Về sau, Trần Bá Lộc, một quan lại của Pháp, bắt dân xâu đắp đường, đào kinh rộng cả 10 mét chạy từ Bà Bèo tới Rạch Ruộng (1897) gọi là kinh Tổng đốc Lộc, rất tiện lợi cho việc di chuyển.
Sở dĩ có Đồng Tháp Mười là vì giữa cánh đồng có một kiến trúc cổ, cao mười tầng. Điều lạ lùng là chung quanh vùng này chẳng có núi non, mà đá xanh đâu để xây tháp, vì xưa kia sự di chuyển, vận tải hết sức khó khăn.
Năm 1931, ông Parmentier, nhà khảo cổ Viễn Đông đến tận ngôi tháp để nghiên cứu, do lời phúc trình của Trần Văn Mẫn, quận trưởng Cao Lãnh. Parmentier đọc những chữ còn trên bia đá sứt mẻ đặt ngổn ngang đã trơ gan cùng tuế nguyệt như sau: "Cây tháp thứ mười trong số mười cây tháp của vua nước Chân Lạp lập ngày xưa".
Một nhà khảo cổ khác tên P. Pelliot cho rằng phần đất này xưa kia nước Phù Nam (Founam) lập quốc ở miền tây bán đảo Đông Dương từ thế kỷ thứ nhứt đến thế kỷ thứ 6, bị sụp đổ vì Chân Lạp xâm chiếm. Và tòa tháp này là công trình kiến trúc của vua Phù Nam tên Giunavarman, là con của vua Jayavarman để kỷ niệm sự lấp hào, vũng, lập một thánh đường để tôn thờ Thái dương thiên thần Vishnou.
Nhiều nhà bác học đồng công nhận nơi đây xưa là cái vịnh to, lần lần nước phù sa của sông Cửu Long bồi đắp nhiều ngàn năm mới thành đất liền. Tuy vẫn còn là một lòng chảo nên người ta còn gặp những thuyền bè bị đắm, cột bườm, lòi tói, mỏ neo... Theo lịch sử cận đại nơi đây cũng là chỗ tập trung làm khu chiến của quân phiến loạn giáo phái, với các nổ lực quân sự của De Latour vào năm 1848, các cuộc hành quân tảo thanh trong chiến dịch Nguyễn Huệ và nơi đây cũng là căn cứ địa hiểm yếu của một vị anh hùng dân tộc chống Pháp Võ Duy Dương tức Thiên Hộ Dương trong suốt hai năm liền (1865-1866) đã từng đánh bại Đô đốc Roze.
Võ Duy Dương người miền Nam là một nhà phú hào, tài kiêm văn võ, có sức khỏe hơn người, có thể dùng tay nhổ lên một cây tre to và cử năm trái linh cùng một lúc, người đời kính phục tặng là Ngũ Linh Thiên Hộ.
Hưởng ứng hịch Cần vương, ông chiêu mộ được cả ngàn người trong đó có nhiều lính người Tagal, giống như lính Lê dương của Pháp, đào ngủ sang chiến đấu chống lại người Pháp vì họ là những tù binh ở Maroc, Algérie, Tunisie. Tuy các chiến sĩ đó bất đồng ngôn ngữ nhưng thấy được chính nghĩa của ta mà theo giúp. Đặc biệt lại có một người Pháp chánh tông tên Liguet cũng theo giúp ông.
Để tưởng thưởng thiện chí vì hy sinh cả tài sản, triều đình phong chức Thiên hộ, sau được thắng trận lớn, phong chức Lãnh binh.
Nam nữ từ các vùng lân cận Cao Lãnh, Mộc Hóa, Hồng Ngự, Sa Đéc... tình nguyện chiến đấu tiếp tế dưới cờ lãnh đạo của Thiên Hộ Dương. Đêm đêm, theo dòng kinh rạch, vẳng lên những hồi hát âm điệu buồn buồn:
Non nước tan tành ngủ mãi sao
Vội vã dân làng thu dẹp cuốc
Trong lòng đã rộn ánh binh đao.
Và có tiếng vọng lại bên xuồng khác:
Đã nghe sắt lửa âm thầm dậy
Tiếng gọi từ xa thúc giục về
Há chịu làm thân trâu ngựa mãi
Chim lồng sao để hát bi ai!

Năm 1862, theo hòa ước với Pháp, triều đình kêu gọi tất cả các tổ chức kháng chiến phải hạ khí giới, ông không tuân lệnh mà còn tiếp tục chiến đấu mạnh hơn nữa.
Thủy sư đô đốc De La Grandière về Pháp giao quyền lại cho Đô đốc Roze. Ngày 22-7-1865, từ Đồng Tháp, đoàn nghĩa quân rầm rộ đến vây đánh đồn Mỹ Trà Sa Đéc. Đô đốc Roze đem quân Pháp và tay sai đến giải vây. Hai bên kịch chiến suốt mấy ngày. Cuối cùng nghĩa quân hạ đồn đốt chợ, thiêu hủy tàu liên lạc, đoạt nhiều chiến lợi phẩm rồi rút lui. Liền sau đó, lại tấn công Cái Bè Mỹ Quí chọc thủng phòng tuyến địch quân, bắt sống hàng trăm quân Pháp.
Cuối tháng 3-1866, 250 quân Pháp kéo đến vây căn cứ của ông ở Ấp Lý nhưng bị nghĩa quân đẩy lui. Thua mấy trận liền, Thủy sư đô đốc Roze bị chánh phủ triệu hồi về nước.
Nam triều được tin ông thắng trận, vua Tự Đức giáng chỉ phong chức lãnh binh cho ông.
Đô đốc De La Grandière trở lại Nam Kỳ, liền nghiên cứu kế hoạch tấn công căn cứ địa chính của ông ở Đồng Tháp.
Tháp Mười là chỉ huy sở hình vuông, chiều dài mỗi bên 200 mét, thành quách vững chắc, trong có vài chục căn nhà, tích trữ đạn dược, thực phẩm. Bao bọc bởi ba đồn chánh (tả, hữu, tiền) và nhiều tiền đồn phụ. Tiền đồn chánh được trấn giữ bởi 200 đến 300 nghĩa quân, vài khẩu đại bác và 10 súng bắn đá. Còn các tiền đồn phụ được trấn giữ bởi khoảng 150 nghĩa quân.
Đường vào căn cứ do 3 ngõ:
- Từ gò Bắc Chiên đi xuống có đồn Tả án ngữ.
- Từ rạch Cần Lố đi lên có đồn Hữu ngăn chặn.
- Từ Cái Nứa đi qua có đồn Tiền cản lại.
Ngày 14-4-1866, quân Pháp huy động toàn lực tấn công vào căn cứ, chia làm ba mũi dùi theo các nẻo trên với bộ tham mưu gồm có: De La Grandière, Boubée, De La Bollardière, Gally Passebose, Huỳnh Công Tấn và Trần Bá Lộc.
Mũi dùi đầu, Pháp cho thủy quân và bọn lính đánh mướn đánh đồn Sa Tiên đường Cần Lố, nghĩa quân rút lui vào trong. Trung úy Pháp Vigny bị thương. Hai mũi dùi khác, quân Pháp thọc vào tiền đồn đường Cái Nứa và gò Bắc Chiên. Thế là phòng tuyến thứ nhứt bi chọc thủng.
Ngày 18-4-1866, tên Hùynh Công Tấn đi tiên phong tấn công đồn Tiền để lập công đầu, nhưng bị phản công mạnh, y cho rút lui mất hết 1/3 quân số của y. Đồn Tả cũng bị tấn công, giặc tràn vào, quân ta rút lui để bảo tồn lực lượng.
Tuy thắng trận, quân Pháp cũng bị thiệt hại nặng nề, thương vong đến hàng trăm, chưa kể 11 tên trong tàu trên đường về Tân An bị nổ chìm ngày 22-4-1866.
Hai mươi ngày sau, 12-5-1866, quân Pháp và tay sai trở lại căn cứ phá hủy vật dụng, lương thực, súng đạn.
Đó là trận cuối cùng đời ông. Dù không nản lòng, ông ra sức họat động, nhưng Trời không chiều lòng. Ông bịnh thương hàn rồi mất. Đốc binh Lê Công Kiều tiếp tục hùng cứ vùng Mỹ Quí, chẳng bao lâu cũng bị thất bại, nghĩa quân Đồng Tháp bị tan rã.
Thiên Hộ Dương mất, nhân dân lập đền thờ ông tại Đồng Tháp, tên ông đi vào lịch sử ngàn thu. Vào những đêm trăng mờ ảo, dân quanh vùng vẫn còn nghe vẳng đâu đây những câu hát buồn ảo não thắm thía của những người nông phu, anh lái đò, chú bé cắm câu:
Ai về Đồng Tháp mà coi
Mả Ông Thiên Hộ trăng soi lạnh lùng
Bà con đùm bọc quanh vùng
Tháng giêng ngày giỗ xin đừng ai quên.
Và ở đền thờ ông cũng có vài câu đối:
Ẵm hận anh hùng, tự Bắc tự Nam
Thập tháp hương yên trường diếu diếu.
Kiên gan tuấn kiệt nhi kim nhi cổ
Ngũ linh phong độ thượng y y.
Nghĩa là:
Ngậm ức anh hùng, nổi tiếng Bắc Nam,
Thập tháp lửa hương còn phơi phới.
Chắc gan tuấn kiệt danh truyền kim cổ
Ngũ linh dáng cách vẫn như như.

Khoảng thập niên 40, thi sĩ Nguyễn Bính từ Bắc vào Nam có những vần thơ kể lại vùng Đồng Tháp Mười với Thiên Hộ Dương chống giặc Tây:
Kể từ khi đặt chân lên đất nước này
Giặc Pháp giở trò xâm lược
Ngậm hờn vong quốc
Tháp Mười chung hận với non sông
Bông súng ngoài đồng
Bầm gan tím ruột
Nước phèn chua chát
Lắng nỗi đau thương
Đốc binh Kiều, Thiên hộ Dương
Bóng cờ khởi nghĩa mờ trong gió sương.

Về sau, một nhạc sĩ đã ghi lại những dòng hát:
Đây Tháp Mười phương nam tôi thân yêu
Sông lúa vờn vờn trong ánh nắng chiều
Vang tiếng chày khắp chốn cô liêu
Có những mùa trồng dâu ta ươm tằm
Có những mùa trồng khoai hay hái cà.
Tháp Mười ơi! Tháp Mười ơi!

Trần Khánh

(Trích "Bài học lịch sử")

 

Đăng ngày 07 tháng 06.2018