ÔNG TRƯƠNG VĨNH KÝ

Trần Khánh

Năm 1998 là đúng một trăm năm ngày mất của ông Trương Vĩnh Ký, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam ở thế kỷ 19. Về tiểu sử và hoạt động trong đời ông, sách báo đã biên chép nhiều rồi tưởng không cần nhắc lại ở đây, người viết chỉ nêu lên những đặc điểm về ông.
Thân phụ ông Trương Vĩnh Ký tên là Trương Chánh Thi và anh tên Trương Chánh Sử. Tại sao chữ lót trước tên ông không là Chánh mà là Vĩnh? Phải chăng cái tên và chữ lót là sự báo trước sau này sẽ được vĩnh viễn đi vào lịch sử.
Ông là người Việt Nam theo đạo Thiên chúa sớm là vì cha ông là một quan chức có lần cứu một vị linh mục vượt thoát trong một cuộc vây bắt của quan quyền. Thân sinh chết sớm, ông Cha này (Cố Tâm) có ghé thăm, thấy gia cảnh mẹ góa con côi nên ngỏ ý đem Trương Vĩnh Ký về nuôi cho ăn học để đền ơn xưa. Ông Cố Tâm mất, một linh mục khác từ bên Tây qua giữ địa phận Cái Nhum có tên Việt là Long. Cố Long đem Trương Vĩnh Ký lên Nam Vang học trường đạo của Cố Hòa (Belleveaux). Học trường đạo thì lẽ dĩ nhiên phải theo đạo.
Đọc nhiều tác phẩm của ông, ít khi thấy đề cập tới đạo, hoặc truyền đạo. Phải chăng ông là người thấy rộng nhìn xa, thời đó mà không theo đạo Thiên chúa thì con đường tiến thân giúp nước của ông không thể có cơ mà tiến, có đạo mới được người Pháp tin dùng.
Ở Nam Vang chung học với những bè bạn nhiều sắc tộc Á Đông: Miên, Lào, Thái, Tàu. Ông là người ham thích nghiên cứu nên vừa học nói lẫn học viết. Sau Cố Long lại đem ông đến trường nhà chung ở đảo Penang Mã Lai (1852) học thần học, triết học. Ông học rất giỏi, ở đây dạy tiếng La Tinh, tiếng Hy Lạp. Học viên Âu Á có trên ba trăm người, ông có dịp tiếp xúc học thêm tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hindu. Ông học rất chăm và rất khoa học, đem phân tích từng chữ. Vì thế nên ông biết nhiều thứ tiếng. Sau ông đi sứ với phái đoàn của Phan Thanh Giản để chuộc lại ba tỉnh miền Đông bị Pháp chiếm, nên có dịp đi đây đi đó như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý Đại Lợi. Ông có gặp Đức Giáo Hoàng. Ông rất thích Paris, cho là cái nôi văn hóa Âu Châu và là đô thị lớn nhất hoàn cầu hồi đó. Vì nói tiếng Pháp trôi chảy, thanh tao nên được gặp và quen nhiều nhà trí thức tiếng tăm như Victor Hugo, Émile Littré, Ernest Renan, Paul Bert. Về sau Paul Bert sang Việt Nam làm toàn quyền, hai người liên lạc nhau mật thiết. Theo ông Pierre Vieillard, ông nói thạo 15 sinh ngữ Âu Châu và 11 sinh ngữ Á Châu.
Việc nghiên cứu về nguồn gốc và chữ viết Việt Nam trong sách "Abrégé de Grammaire Annamite" phần mở đầu, Trương Vĩnh Ký viết: "Thứ chữ tượng hình đã được chấp nhận ở Tàu, Việt Nam và Nhật Bản vào quảng thế kỷ thứ 6. Dưới thời Tam Quốc, một đạo quân Tàu xâm chiếm An Nam, sau trận chiến dữ dội họ đã chiếm được Nam Việt. Thứ chữ mà người An Nam dùng thời đó là thứ chữ ghi âm (phonétique) mà bây giờ người ta còn tìm thấy dấu vết ở một số ghi khắc chẳng hạn trên một dãy tường bằng đá ở đỉnh núi Dahia. Sau khi xâm lược, một trong nhiều hành động của viên tướng Tàu Sĩ Nhiếp là chỉ thị việc dùng chữ quốc gia của ông trong các giấy tờ chánh thức và đề ra những biện pháp nghiêm ngặt cấm dùng thứ chữ ghi âm mà người An Nam vẫn còn dùng cho đến thời đó. Như thế là thứ chữ dùng ngày nay ở xứ An Nam là thứ chữ bị áp đặt bằng bạo lực".
Và trong quyển "An-Nam Politique et Social 1er semestre 1883" Trương Vĩnh Ký viết: "Tất cả cho ta thấy có thể tin rằng người An Nam đã có một thứ chữ viết riêng, ngày nay bị thất truyền, không phải thứ chữ tượng hình mà là ghi âm giống như thứ chữ của dân xứ láng giềng phía tây: người Miến Điện, người Lào, người Xiêm, người Ciampos (Chàm) và người Cao Miên" (Ông nói và đã nghiên cứu tất cả các thứ tiếng này).
Hai sự kiện kể trên cộng với chuyến đi sứ sang Tàu của một nhà bác học về ngôn ngữ đã chứng minh và xác nhận rằng người Giao Chỉ đã có một thứ chữ viết riêng mà ngày nay bị thất truyền.
Qua hai quyển sách dẫn cho thấy ông Trương Vĩnh Ký là người yêu mến tiếng Việt hết sức đặc biệt và mang niềm tự hào nữa. Ở bất cứ mục nào cũng thấy ông muốn cho độc giả thấy rằng tiếng Việt có đủ phương cách diễn đạt không kém gì tiếng La Tinh, tiếng Pháp. Có thể nói rằng tinh thần chính của hai quyển sách là ở chỗ đó. Hơn nữa, đôi chỗ ông còn có ý nêu lên những điểm tiếng Việt có khả năng phong phú về miêu tả và diễn đạt mà chưa chắc tiếng La Tinh và tiếng Pháp đã có.
Lúc ở Penang ông đã khảo sát những thứ trái cây ngon, lạ như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bòn bon. Ông đem giống đưa về quê hương Cái Mơn để trồng. Từ đó các thứ trái cây này có giá trị và về sau được trồng khắp cả Nam Kỳ. Ngoài ra, ở xứ Mã Lai, ông tìm thấy cách ăn mặc của người Bà Ba, một giống người Mã Lai Tàu, thường mặc áo gọn ghẽ khi làm việc. Ông lấy kiểu đem về xứ dạy lại cho dân, có chút ít thay đổi cho thích nghi. Từ đó, ở miền Nam có bộ đồ bà ba.
Năm 1874, ông được mang danh dự lớn là thế giới toàn cầu bác học danh gia chọn "Thế giới thập bát văn hào". Ông đứng hạng thứ 17. Người Pháp hết lời khen ngợi ông. Ông đáp: "Tôi chỉ làm cho hai dân tộc Pháp - Nam hiểu nhau và thương nhau".
Lời văn ông viết rất giản dị, dễ hiểu, ông viết cũng như ông nói, rặt người miền Nam. Ngay cả kể chuyện tục trong dân gian cũng rất tự nhiên.
Giả dụ như ông không gặp cái rủi (cha mất sớm) và nhiều cái may (gặp linh mục) thì cái tài của ông đành chịu mai một; có chăng chỉ là thầy giáo dạy giỏi và là nhà trồng tỉa hay ở vùng đất Cái Mơn Bến Tre mà thôi.
Khi ông mất rồi có nhiều nguồn dư luận tốt lẫn xấu. Có người như Phạm Quỳnh cho rằng ông theo Tây hại nước nhà. Một số trí thức trong đó có học trò ông xét thấy ông là một nhà Nho chân chánh, nhà văn hóa có công đối với dân tộc, nên muốn dựng tượng kỷ niệm và ghi công ông để đời.

Trong báo Lục tỉnh Tân văn số 29 ra ngày 4-6-1906, trang đầu viết về "Ông Đốc Ký" như sau: "Ông này khi sanh tiền tuy là nhà nước Tây tin cậy mặc dầu chớ không hề ỷ thế mà hại quê hương, chỉ vẽ cho các quan Lang Sa biết phong tục lễ nghĩa của con nhà An Nam cho khỏi chớ xích mích nhau, làm cho mẹ gà phải thương con vịt. Đêm ngày lo nghĩ đặt sách này dịch sách kia ra cho kẻ hậu sanh để học. Thật là quan thầy của cả Nam Kỳ. Nay ông Phủ Minh Tân nghĩ thương kẻ hiền, ngỏ hầu cậy các quan hiệp nhau lập hội quyên tiền đặng dựng hình ông mà dương danh cho hậu thế, thì chúng ta thảy đều vui mừng, nên cũng kẻ ít người nhiều đặng giúp cho nên việc thì cũng đặng vinh hiển chung nhau. Bản quán cúi xin Lục châu quân tử quảng cố mau mau trợ lực thì bản quán tạ ơn chẳng cùng".
Trang 15 cùng số 29 tờ Lục tỉnh Tân văn ghi tiếp: "Hội quyên tiền dựng tượng ông Đốc Ký: Nay nhà nước đã cho phép nên chúng tôi cúi xin đồng bào quảng cố kẻ ít người nhiều đặng có một vị An Nam được vinh quang thì càng ngày càng tấn bộ cho rạng danh Nam Việt. Như trong Lục châu, vị nào muốn cúng bao nhiêu xin mua mandat gởi cho ông Huỳnh Quan Vị Saigon hoặc hiệp với các quan An Nam trong tỉnh vào cùng một sổ cũng được. Ai cúng bao nhiêu thì bổn quán sẽ vào trương phụ mà rao cho Lục châu biết rõ tên họ và số bạc đã phụng cúng.
Hội phái viên nhứt định:
- Huỳnh Quan Vị: Chánh đầu hội
- Pierre Jeantet: Phó đầu hội
- Gilbert Chiếu: Trợ bút
- Lý, Lương, Khắc Ninh, Kinh, Thế, Tâm, Sớm, Tuân, Luật: Nghị sư cần khải".
Sau lời quảng bá trên báo, các số sau từ 30 đến 45 trong năm 1908 đều có bài vinh danh ông Trương Vĩnh Ký và danh sách các nhà hảo tâm ở Lục châu gởi về được số tiền là 659 đồng. Đến đây tờ Lục tỉnh Tân văn bị đóng cửa vì Gilbert Trần Chánh Chiếu bị Pháp bắt giữ với tội danh làm kinh tế thương mại nhưng để che đậy các hoạt động chống Pháp. Dĩ nhiên là mật thám Pháp thấy được mục đích quyên tiền dựng tượng Trương Vĩnh Ký là để kéo hẳn ông về với người Việt Nam.
Cho nên số tiền quyên được chuyển sang Nam Kỳ địa phận. Các địa hạt tiếp tục gởi về từ ngày 11-2-1909 đến 23-9-1909 được 2103,30 đồng. Đáng kể hơn hết là ông Trần Bá Lộc, người thân Pháp có tiếng, với tư cách cá nhân lại cúng đến 50 đồng. Thời này một tạ lúa (60 kg) giá từ 2,40 đồng đến 2,75 đồng. Số tiền này được gởi ở Ngân hàng Đông Dương bên Pháp.

Thời gian âm thầm lặng lẽ trôi qua, 20 năm đến ngày 18-12-1927 người ta làm lễ cử hành dựng tượng. Vì sao bị chậm trễ như vậy? Được giải thích rằng: Năm 1923 đã đặt làm hình tượng ở bên Pháp, lúc đem qua chỉ có cái đầu, bị dân chúng kích bác nên hội không chịu, phải làm lại cho đến năm 1927 mới xong toàn hình.
Lý do chính là nhà cầm quyền Pháp đã nghi ngờ ông Trương Vĩnh Ký bị những người chống Pháp lợi dụng và chính ngay ông Trương Vĩnh Ký cũng bị Toàn quyền Paulin Vial, người thay Paul Bert nghi ngờ đã đưa đến việc ông phải bỏ hết mọi dính líu chánh trị. Nên phải đợi đến 20 năm sau (1927) người Pháp mới đánh giá được Trương Vĩnh Ký như một người có công với nước Pháp, để tỏ lòng biết ơn bằng cách dựng tượng, đặt tên đường ở Sài Gòn và đặt tên trường Pétrus Ký.
Vậy việc dựng tượng Trương Vĩnh Ký là do quyết định của người Pháp. Không biết họ có sử dụng số tiền mà hội tự thu được từ năm 1908 hay không? Rồi mười năm sau (1937) người Pháp lại tổ chức mừng sinh nhật trăm năm của Trương Vĩnh Ký một cách trọng thể khắp cả ba kỳ. Ở Hà Nội, Giám đốc Học chánh Đông Pháp Bertrand chủ tọa, ở Huế vua Bảo Đại, ở Sài Gòn Thống đốc Pagès. Đã chính thức coi Trương Vĩnh Ký là người có hai tổ quốc (như ông từng nói) mà ông đã chân thành phục vụ một cách tận tụy.
Trong cuộc dựng tượng này, một độc giả tờ La Patrie Annamite ở Bắc Kỳ có nêu thắc mắc: "Tôi tự hỏi tại sao thay vì ghi dưới chân tượng những công trình đã được nhà bác học thực hiện, ngày sinh hay một tư tưởng nào mà ông chắt chiu, người ta lại chỉ khắc những phẩm hàm, chức tước chẳng ăn nhằm gì đến tượng kỷ niệm cả".


Tượng Trương Vĩnh Ký do người Pháp thực hiện sau 20 năm dự tính của người Việt, vậy là người Pháp đã dành lại sáng kiến từ tay người Việt. Tượng đặt giữa thành phố Sài Gòn đường Norodom trước dinh quan toàn quyền Pháp. Sau này, trước năm 1975 là đại lộ Thống Nhất trước dinh Độc Lập và cũng trước Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa đường Alexandre de Rhodes, dưới vườn cây cao bóng cả, một chỗ đứng vừa cao cả vừa thanh lịch.
Vào năm 1945, dân chúng xuống đường biểu tình giật ngã các tượng Pháp nhưng tượng Trương Vĩnh Ký vẫn y nguyên dù ở ngay trung tâm cuộc biểu tình. Lạ thay, đến sau năm 1975 lại bị chánh quyền Cộng sản ra lệnh hạ xuống một cách không thương tiếc.
Con người ai cũng có kẻ ghét người thương, đường lối nào cũng có kẻ theo người công kích. Nên ông Cử Tạ đứng trước tượng Trương Vĩnh Ký tức cảnh sanh tình làm nên bài thơ hồi năm 1958:
Người Việt được Tây đúc tượng đồng
Chúa ơi! Vinh dự nhất là ông
Áo dài khăn đống An Nam đặc
Kim khánh mề-đai bảo hộ phong
Mưa nắng chẳng sờn gan sắt đá
Búa rìu sá kể chuyện non sông
Tay cầm quyển đít-son-ne Pháp
Pháp rút đi rồi hỏi tiếc không?
Khi Trương Vĩnh Ký qua đời, tờ Nam Kỳ thuật đám tang "Trương Sĩ Tải tiên du" và than tiếc: "Thương thay người hiền sĩ, kính thay người hiền sĩ, lúc phân vân đã ra tài kinh tế, hồi thái bình nào quên bạn bút nghiên. Vì nước gương nhân đức mọi đàng, danh tiếng người thì ai ai cũng biết. Là đúng làm gương cho các đời hậu sanh".
Thơ văn khóc thương tiếc nhớ gởi về nhiều đến nỗi tờ báo Nam Kỳ đăng lời rao ở số 49 ngày 29-9-1898: "Kính cáo quốc viên có mua nhựt trình đặng rõ, xin các quốc viên đừng có gởi những văn táng ông Trương Sĩ Tải tới nữa, bởi vì trong một tờ nhựt trình như tờ này dẫu có muốn cho lắm cũng không đăng được những bài dẫn một tích như vậy hoài".
Và Đặng Thúc Liêng trong bài tựa quyển "Trương Vĩnh Ký hành trạng" gọi Trương Vĩnh Ký là một vị tân quân tử thật của nước Việt Nam ta, ai ai cũng đều biết cả.
Đánh giá về Trương Vĩnh Ký có một điểm chung về mặt đạo đức là cốt yếu và đức tánh cao quý hơn cả là khiêm tốn.
Thật khổ tâm và khó xử cho một nhân tài sanh nhằm ngôi sao xấu và nhầm thời. Trương Vĩnh Ký như người đi giữa hai lằn đạn, đạn nào cũng có thể xuyên qua thân thể ông. Cho đến chết vết thương tâm vẫn còn rướm máu. Cái gan góc của người quân tử chân chính là chọn đường ngay nẻo thẳng mà theo, tận tụy cho đến ngày gục ngã.

Trần Khánh

Trích "Bài học lịch sử"

 

Đăng ngày 02 tháng 12.2019