CẢM TƯỞNG VỀ MỘT BỮA ĂN

Trần Khánh

Lần thứ nhứt tôi tham dự một bữa tiệc gọi là tiệc tình thương do Hội Thương phế binh tổ chức. Thật ra hội này không xa lạ mấy ở Paris, tôi được đọc qua tờ Nạng Gỗ và có biết qua những buổi tổ chức gây quỹ yểm trợ. Tuy biết qua nhưng lần đầu mới tham dự vì là trong hai mươi năm qua tôi có tham dự nhiều cuộc tổ chức của các hội đoàn chánh trị, xã hội, tôn giáo, ái hữu… Tôi lấy làm ái ngại chẳng biết đi chơi chỗ nào cho phải, cho đúng.
Ở xứ ta nếu không có tiền nhiều và điều kiện thì khó vô được nhà hàng lớn như của Tây, của Tàu ở Sài Gòn, Chợ Lớn. Còn ở đây thì tha hồ, người giàu bạc tiền, người làm công có đồng lương tối thiểu cũng dễ dàng tham dự những đám tiệc lớn ở các nhà hàng như Chinagora, Chinatown…
Bữa ăn này như mấy bữa ăn khác có gì để nói, để viết cảm tưởng, vì bữa tiệc nào cũng có mục đích, bữa cơm xã hội nhà chùa, bữa tiệc cưới, tiệc sinh nhựt đều có ý nghĩa khác hết.
Tôi vừa đọc quyển "Bữa tiệc thịt chó dưới vòm trời Cần vương" của nhà văn Xuân Vũ. Thoạt nhìn cái tựa thấy lạ mua đọc thử , nhưng đó là câu chuyện lịch sử mà tôi đã đọc qua trong sử sách. Tôi có ý ghi lại chuyện chủ nhân bữa tiệc thịt chó này để hiểu thâm ý và hậu quả.
Xin trình bày ngắn gọn về câu chuyện bữa tiệc thịt chó lịch sử, chủ nhân là Ông Ích Khiêm khoản đãi. Ông Ích Khiêm sinh năm 1828 ở quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam, hiệu là Tiểu Phong Lệ. Là người văn võ song toàn, có tinh thần yêu nước cao độ. Làm quan thời vua Tự Đức, đã lập nhiều chiến công hiển hách. Nhưng phải tánh ngạo mạn  và khẳng khái nên bị hai quyền thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường trù dập, hãm hại khiến ông uất ức tự tử chết ngày 19-8 năm Quý Tỵ (1883).
Thịt chó là món ăn bình dân, lúc đầu dành cho những người nghèo khó ăn, dần dần được biến chế ra nhiều món như dồi, rựa mận…, có cả tiết canh, rất khoái khẩu được dân gian ca tụng: "Sống trên đời được ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không?". Có những nhà đạo đức "thật" hay "giả" cũng chê dân ăn thịt chó là ăn tạp, ai lại đi ăn con vật trung thành mình nuôi giữ nhà, thiếu gì con vật để mà ăn. Thế mà Ông Ích Khiêm dám đãi một bữa tiệc lớn toàn là thịt chó với nhiều món. Thực khách toàn là nhà tai mắt quan lớn nhỏ của triều đình. Ông cho vời những tay nấu thịt chó chuyên nghiệp với gia vị rất ngon đến nỗi thực khách chỉ biết "đớp" mà không kịp hỏi là thịt gì. Ăn xong mọi người hỏi ông cho ăn thịt chi mà ngon quá vậy. Ông đưa tay lên chỉ và nói to: "Trên cũng chó, dưới cũng chó, toàn là chó cả". Các quan sững sờ biết rằng ông chửi nặng.
Qua phần ăn xong tới phần uống, ông cũng sắp xếp trước là nhà bếp đừng mang trà nước ra mời khách như thường lệ của các bữa tiệc sau khi ăn xong. Đợi khách đòi nước, ông mới la quát ầm lên: "Mẹ cha bây, gục đầu xuống ăn không lo chuyện nước. Ăn cho no, không có nước ăn làm gì". Quan khách nghe đỏ mặt tía tai, lại bị một vố đau đớn cho kẻ chỉ biết ăn hưởng lộc nước mà chẳng lo gì tới nước trong lúc đảo điên.
Tôn Thất Thuyết có tánh tàn ác và tật mất ngủ, tiếng chó sủa và ngay cả tiếng côn trùng làm ông không ngủ được. Khi thiếu ngủ hay cau có thì ra lệnh chém giết dân bừa bãi dù lỗi rất nhỏ. Cho nên ông Thuyết ngủ đêm chỗ lạ thì nơi đó dân chúng lo giết chó và lấy nước sôi tưới lên đất để giết giun dế giữ cho yên lặng lúc ông ngủ.
Ông Ích Khiêm với Tôn Thất Thuyết là bạn, Thuyết tiếp ông rất tử tế. Có lần trên bàn ăn, ông Khiêm khuyên can ông Thuyết: "Biết nhau đã lâu, nay tôi xin can anh, nghe anh đánh giặc hay nhưng giết dân ta nhiều quá, dân ta lấy làm đau khổ. Còn Khiêm này chỉ giết giặc Tàu và bọn phỉ mà thôi, không khi nào giết dân ta". Ông Thuyết cười gằn và giữ mối hiềm khích chờ dịp trả thù.
Ông Khiêm có đặt ra câu đối:
Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết
Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường.
Có nghĩa là:
Giữa hai bờ sông Hương, một bên là toà khâm sứ Pháp, một bên là Nam triều khó mà nói chuyện,
Trong bốn tháng mà thay đổi ba vua (Dục Đức, Kiến Phúc, Hiệp Hoà) là điềm chẳng lành.
Cái dụng ý của ông là ở hai chữ cuối của hai câu ám chỉ tên của hai quyền thần Thuyết và Tường.
Lúc Pháp quấy phá đất Bắc vua Tự Đức ngầm thuê quân cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc sang giúp quân ta đánh Pháp. Nhưng quân Tàu đến sách nhiễu và tàn ác với dân ta quá, khiến dân chúng oán hận. Vua Tự Đức cử Ông Ích Khiêm ra Bắc, thấy dân chúng khốn khổ trăm đường, cho rằng việc mượn quân Tàu đuổi quân Pháp là thất sách, nên có bài thơ mỉa mai các nịnh thần xúi vua Tự Đức cầu viện qua Tàu:
Thuê Tàu đánh Tây
Áo chúa cơm vua đã bấy lâu
Đến khi có giặc phải thuê Tàu
Từng phen võng giá mau chân nhảy
Đến bước chông gai thấy mặt đâu
Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp
Trâu dê ngày hiến đứa răng bầu
Ai ơi hãy chống trời Nam lại
Kẻo mãi dân ta phải cạo đầu.

Không luồn lụy quan trên mà còn trêu chọc, nên hai ông Thuyết và Tường bắt hạ ngục. Trong lúc bị giam vẫn làm thơ:
Mình ốc tai rêu rửa sạch ai,
Rung cây nhát khỉ thói quen hoài
Mèo cào xuể vách còn chi sức
Sứa nhảy qua đăng mới gọi tài
Hiềm chửa gặp đường dung vó ngựa
Dễ đâu lấy thúng úp mình voi
Truông qua chưa khỏi đừng khinh khái (cọp)
Chim sổ lồng ra để đó coi.

Và một bài khác cũng ở trong tù đưa ra:
Ủa, ủa làm sao đến thế này?
Ừ! dây danh lợi buộc mình đây?
Bên tai rổn rảng dường đeo ngọc!
Trước bụng xuênh xoang tựa thắt đai.
Cuối cùng vì tánh cương trực, các bài thơ, câu đối và hành động, nhất là bữa tiệc thịt chó buộc ông phải chết một cách oan uổng.
    
Trở lại bữa tiệc ngày 23/5/1999 nhằm ngày lễ "Hiện xuống" kể luôn cuối tuần là được ba ngày nghỉ, thiên hạ thường đi chơi xa khi trời tốt. Họ chờ tới giờ chót, tôi cũng vậy, lấy làm xấu hổ không chịu ghi tên trước, tới ngày mới xin được tham dự. Sự việc này đã làm nhức nhối trong các tiệc cưới cho các gia chủ và làm đau đầu cho ban tổ chức của các bữa cơm xã hội vì sự sắp xếp không đúng với ý muốn của người ngồi cùng bàn. Còn một lỗi lầm tệ hại cho các tập thể dân Á Châu ở Pháp, ở Mỹ cũng vậy... là đi trễ. Sống ở xứ văn minh tôn trọng giờ giấc mà không học được điều tốt thì thật đáng buồn! Người ta mời 7 giờ tối mà đến 9 giờ có khi 10 giờ mới tới, nên người đã đi dự nhiều tiệc cưới trước khi đi ăn cơm trước. Vậy là làm khổ nhiều người, khổ gia chủ, khổ ban tổ chức, khổ nhà bếp, bồi bàn nhà hàng phải lo chờ đợi. Tới lúc dọn mâm bàn lên là ăn hối hả, nhà bếp bưng đồ ăn lên tới tấp rồi trách thiếu lịch sự.
Với 160 F mỗi người phải nói là có "chất lượng" nói theo tiếng bên nhà. Khẩu phần này thường đãi đám cưới không dưới 300 F mỗi người, dù giới hạn ở phần nước và rượu chát.
Ngoài những nghệ sĩ cây nhà lá vườn giúp vui cho buổi tiệc đặc biệt có mấy em rất trẻ đã làm cảm động cho mọi người có mặt, phụ huynh đã đào tạo cho các em hiểu được thế nào là tình thương đồng bào bên nhà nên đến giúp vui một cách nhiệt tình, sau đó các em lại đi đến từng bàn để kêu gọi sự ủng hộ thêm.
Trong lúc ăn uống, chốc chốc lại phóng ra trên micro để thông báo có những mạnh thường quân vì bận việc, vì ở xa không đến được, gửi đến 1000 F, 500 F, 300 F… Anh hội trưởng cho biết một phụ nữ âm thầm đến hội dấu không cho biết tên lẫn địa chỉ, xin một số hồ sơ người tàn tật, khốn cùng. Khi trở lại Pháp thì bà trả lại hồ sơ, được biết bà đã giúp trên 40000 F. Quả thật là một sự hiếm có ở xã hội này, thời đại này. Mọi người tò mò muốn biết mặt, trong đó có tôi, tôi nghĩ với tấm lòng bao la thương người như vậy chắc là Quan Âm Bồ Tát, mà nếu người thường chắc hẳn là đẹp lắm, đẹp như tiên.
Tới đây, tôi nhớ lại câu chuyện lịch sử hồi phong trào Đông du, cụ Phan Bội Châu nhờ cụ Phan Chu Trinh vô Nam vận động các nhà hảo tâm đóng góp tài lực để cho du học sinh Việt Nam sang Nhựt học sự tiến bộ của người để về giúp nước nhà. Sau thời gian hoạt động, du thuyết, cụ Trinh về gặp lại cụ Châu nói là: "Khó quá cụ ơi! Vì người hằng tâm thì không hằng sản, ngược lại hằng sản thì không hằng tâm". Người có lòng thì không tài sản, tiền bạc thì muốn đóng góp nhiều cũng không có, còn người có của, có lòng giúp rất hiếm, nên chuyến đi không đạt kết quả mong muốn.
Trong bữa ăn này, tôi có tiếp chuyện cùng người chung quanh, họ nói nhiều năm rồi hội này đã giúp được nhiều người tàn tật bằng hiện kim hoặc hiện vật ở trong nước, chính họ cũng có dự phần. Họ còn nói trong thời buổi này chẳng biết ai thật ai giả, như con chim bị bắn một lần sau thấy cái gì cong cong cũng sợ. Họ nói thêm đây là một hội đã làm việc có kết quả, khuyên chúng tôi nên phụ lực đóng góp ít nhiều.
Qua hai mươi bốn năm rồi, lần lượt có nhiều người bỏ nước ra đi với nhiều phương diện và phương tiện. Thế hệ 30, 40, 50 tuổi đã trở thành: ngũ thập tri thiên mạng, lục tuần (tuổi thọ), cổ lai hy (70 tuổi). Ai ai cũng gầy dựng lại sự nghiệp, nếu không giàu cũng đủ ăn đủ sống không lo. Chúng ta nghĩ lại dĩ vãng thời còn trong nước cuộc sống cũng khó khăn, về sau hơn hai mươi năm rồi đời sống quá cực khổ, người lớn gầy mòn trẻ em còm cõi thiếu dinh dưỡng. Còn những người cùng khổ, tàn tật do chiến tranh gây nên thì màn trời chiếu đất thiếu ăn thiếu mặc, thiếu cả tình thương, không bút nào tả nổi hết sự đau thương của họ.

Câu nói thường nghe: "Cứu một người còn hơn cất một kiểng chùa". Dù chúng ta có theo đạo nào đi nữa, điều cốt yếu là dạy từ bi bác ái và thương người như thể thương thân, hoặc một miếng khi đói bằng một gói khi no.
Đừng nói xa vời chi về tín ngưỡng, khi mình cho 100 F bằng 200000 đồng Việt Nam, người khốn khó mua được bộ đồ ngủ tầm thường, ăn bữa cơm gia đình có thịt. Mình nghĩ họ có một chút ấm no là thấy tâm hồn mình cũng được vui sướng rồi.
Người ta nói khi có tuổi rồi hay sợ tội muốn làm phước, muốn làm việc lành có ý nghĩa cho cuộc sống. Đúng với tâm trạng của tôi!
    
Trích "Bài học lịch sử" - Tác giả: Trần Khánh