LẠC NẺO MÂY NGÀN

Chân Diện Mục

Văn vô sơn thuỷ vô kỳ khí
Nhân bất phong sương vị lảo tài
Những kỳ tài tuấn kiệt được người đời ca tụng thường là những người từng trải, biết nhiều, suy nghĩ nhiều. Hẳn nhiên đây không phải là những người sống trong tháp ngà! Phải là người trải qua phong ba, bão táp, bị đời hắt hủi, ruồng bỏ, trù dập… Đây không phải là những người thành đạt trên đường công danh, lại càng không khấm khá trên đường kinh tế !

Tôi thích nhất những người đi khắp mọi miền đất nước, lịch lãm núi rừng kỳ vĩ và sông nước hào hùng!
Đoàn Phú Tứ với "Mầu thời gian", Thâm Tâm với "Tống biệt hành", Nguyễn Bính với "Hành phương Nam", "Đêm mưa đất khách"… đó đều là những tuyệt phẩm. Nhưng người ta không suy tôn đó là những nhà thơ lớn bởi những vị này chưa được “phong sương“ lắm! Ngay cả những người được nhiều người biết đến như Xuân Diệu, Huy Cận cũng chỉ là những câu “uyên ương hồ điệp“ và “ngậm ngùi“. Lưu Trọng Lư nghe con nai vàng đạp trên lá mùa Thu thì tôi nghĩ chàng cũng chưa từng trải nhiều… Tôi nghĩ những người này còn thua xa Hàn Mặc Tử chứ chưa nói đến những những kẻ phong sương lưu đầy cùng sơn thuỷ. Tôi thích nhất thơ “SƠN THUỶ“ của các bậc kỳ tài: Hoàng Hải, Tô Thuỳ Yên, Khoa Hữu, Trần Minh Hải, Tuệ Sĩ…
Hoàng Hải mấy chục năm bôn ba nơi núi rừng Vân Nam, Quảng Tây, nhớ về đất nước:
Ôi khói lửa tan hoang chìm cổ độ
Chàng muốn thét lên khi đất nước còn rền tiếng gót giầy xâm lược của ngoại bang :
Ai vỗ kiếm lên yên thề trả nợ
Ai xô ngàn đạp núi nhủ đàn sau.
Chàng nhớ đến người yêu, ôi khó gặp
Em là trăng và anh chỉ là mây.
Thương lắm
Hiu hắt heo may mấy độ rồi
Chàng đi non nước nẻo xa xôi
Em về vun lại nương dâu ấy
Khép cánh phên thưa giữ trọn lời.
Chung quanh chàng chỉ là tiếng vó ngựa
Từng lớp ngựa hồng men rẻo núi
Từng đoàn dũng sĩ lặng trên yên
Từng cơn bụi cuốn mờ biên ải
Từng loạt dòn tan tiếng súng rền
Chàng cũng mong, cũng nhớ, cũng đợi, cũng chờ
Một buổi rừng cây lặng lẽ chờ
Suối ngàn vi vút hoạ vần thơ
Suối xa quằn quại reo lên nhạc
Sương xuống đầu non dáng ảo mờ.
Đáp lại chàng chỉ có tiếng vó ngựa, tiếng suối và… trăng:
Vang vang vó giục xa vời
Chân mây ghi dấu cuộc đời phôi pha
Duyên ngàn xa, nợ ngàn xa
Trăng reo ngấn nước lời ca vạn trùng.

Một thi sĩ khác, tuy không nổi tiếng lắm, nhưng từ núi rừng viết về người yêu đầy cái rưng rưng của “phong sương“:
Ngựa anh say bước đường dài
Tình em chan chứa ra ngoài thành nam
Mịt mù cách dặm quan san
Trăng tuần vò võ mây ngàn xa xôi
Ra đi không hẹn một lời
Ngày về không biết còn người năm xưa.

Bị đầy ải cực nhọc nơi núi rừng cũng khiến cho thơ một số thi sĩ thêm hương vị “ phong sương“. Mái tóc người quả phụ miền Tây của Trần Minh Hải đọc thấy thấm lắm! chỉ vì nỗi hờn chất chứa nên phát tiết ra những bài thơ ngoại hạng! Tô thuỳ Yên qua miền Tây qua phá Tam Giang, Trường Sa … làm chàng suy nghĩ lung lắm. Chính vì thế mà câu thơ giựt mắt ra đời :
Thức dậy đi nào gỗ đá ơi
Nhà tu Tuệ Sĩ mong góp phần vào Phật Pháp cứu đời! Nhưng núi rừng đã luồn vào tai chàng những lời huyễn hoặc thê lương :
Quê người trên đỉnh Trường Sơn
Cho ta gửi một nỗi hờn thiên thu
Khoa Hữu bị đày ải chán chường, khi về tới Hà Nội, Huế, Sài gòn … phóng ra những lời thơ Kỳ Khí nhưng có lẽ, có lẽ … buồn thay rất ít người thích khí thơ này :
Gọi ngàn năm vọng tiếng thưa tuyệt tình
(Hà Nội)
Huế ơi máu thắm những tờ sử xanh
( Huế )
Về bôi mặt nhọ tìm nhau
Hỏi trăng xưa khuyết. Hỏi châu ngọc chìm
(Sài gòn)
Chao ôi! Cái giọng kỳ khí này biết đâu có người khoác cho nó cái bộ áo thơ ĐIÊN. Không điên sao đươc khi nói chuyện với gỗ đá :
Thức dậy đi nào gỗ đá ơi!
C.D.M.



CHỮ THỜI

Chân Diện Mục

Chàng là Tráng Sĩ, Chí Sĩ hay Thi Nhân. Đọc thơ chàng như Khổng Tử gặp Lão Tử : gặp một con rồng! Chàng là một trong những người buồn, rất buồn! Người ta thường nói: văn vui khó hay, văn buồn dễ cảm!. Đọc thơ chàng ta thấy như những giọt buồn rơi tí tách vào hồn và thấm sâu… thấm sâu…
Mịch mịch trần ai mãn thái không
Bế môn cao chẩm ngọa kỳ trung
Nhất thiên minh nguyệt giao tình tại
Bách lí Hồng Sôn chính khí đồng
Nhãn để phù vân khan thế sự
Yêu gian trường kiếm quải thu phong
Vô ngôn độc đối đình tiền trúc
Sương tuyết tiêu thời hợp hóa long
Xin kính cẩn phóng dịch như sau :
Khói bụi mịt mù tỏa khắp nơi
Cài then nằm khểnh gối đầu chơi
Bên trời trăng sáng tình gửi nguyệt
Vạn dặm mờ xa khí ngất trời
Mây trôi nheo mắt thời qua lặng
Kiếm lạnh bên người gió thoảng vơi
Chẳng nói một mình nhín sân trúc
Bao giờ tuyết giá sẽ ngừng rơi.

Khách anh hùng này đã nhiều lần nói đến kiếm! Á, một lần Quận Công Hòang đình Bảo tới thăm Nguyễn Khản, thấy cậu bé Nguyễn Du khôi ngô tuấn tú, đã rút bảo kiếm đeo bên mình tặng cho. Phải chăng :
Nhớ từ năm hãy thơ ngây
Có người tướng sĩ đoán ngay một lời
Anh Hoa phát tiết ra ngoài
Ngàn thu bạc mệnh một đời tài hoa
Nếu ta lẽo đẽo theo chàng thì thấy là cả một cuộc đời lận đận của kẻ tài hoa :
Tằng lăng trường kiếm ỷ thanh thiên
Triền chuyển nê đồ tam thập niên
Văn tự hà tằng vi ngã dụng
Cơ hàn bất giác thụ nhân liên
(Đã từng cầm kiếm dựa trời xanh
Lê lết đường bùn ba mươi năm
Chữ nghĩa làm sao mà đắc dụng
Đói rét lại nhờ đến kẻ thương)
Thời ôi! Thời ôi! Chàng lang thang mãi trên đường gió bụi
Trường đồ nhật mộ nhân du thiểu
(Đường xa, chiều tối, khách du ít)
Muốn lên rừng săn bắn chăng? (Hồng Sơn Liệp Hộ )
Muốn xuống biển giăng câu chăng (Nam Hải Điếu Đồ)
Hay bỏ quách chuyện đời, cắt tóc đi tu:
Hà năng lạc phát quy lâm khứ
Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân
( Sao không cắt tóc vào rừng thẳm
Nằm nghe thông reo ngắm mây bay )
Chàng buồn thương, nghe thời gian nghiệt ngã chàng đã tự hỏi hoài (Giống như một thi sĩ khác đã từng tự hỏi: Ta đã làm gì đời ta) rồi chàng nghĩ: Ta có người tri kỷ không? Ba trăm năm sau có ai là người hiểu ta không?
Nhưng chưa tới ba trăm năm đã có một người hiểu Nguyễn Du. Bùi Kỷ là người đã hiểu Nguyễn Du hơn ai hết:
Kiếp kim cổ tài tình là bận
Hồn văn chương vơ vẩn non sông
Xót thay nước đục bụi trong
Ngàn thu biết ngỏ tấm lòng cùng ai.
Bùi Kỷ biết Nguyễn Du có hoài bão lớn lao:
Mắt chí sĩ trông đời ngao ngán
Muốn ra tay tát cạn bể Đông
Trách người chi bấy hoá công
Lỡ thời để khách anh hùng bó tay
Nhưng chữ thời luôn luôn giáng những đòn lên Nguyễn Du
… Cái công danh là bẫy trên đời
Song le con tạo trêu ngươi
Buộc nhau chỉ một chữ thời mà đau
Nghiệt ngả thay là chữ thời. Những người sau đây có thắng nổi chữ thời không?
Nguyễn Mạnh Tường kêu mãi trong đêm có ai nghe không ?
Vũ Quốc Thúc có giúp gì cho nền kinh tế không?
Nguyễn Ngọc Huy có góp gì cho chuyện thay đổi thời thế không?
Bà Thuỵ An chẳng làm nên công tích gì.
Bà Quỳnh Hoa đóng góp cho ai đây?
Và thời gian cứ quay quay chẳng để ý tới những con người đang vật vã.
Nhưng rút cuộc, những con người sinh không gập thời này vẫn còn một tâm hồn thanh cao! Tạo hoá đâu có bất công!
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Những thi nhân chân chính không thành công trong xã hội phong trần, nhưng đã để lại văn chương cho đời!
Khi nói về Nguyễn Du, nhà giáo Nghiêm Toản đã phóng bút:
Đoạn Trường Tân Thanh là gì nhỉ?
- Như tiếng sơn ca cất lên làm im bặt tiếng ngàn chim đua nhau ca hót
- Như nàng tiên hiện ra làm thẹn chết các cô gái đẹp dưới trần.
C.D.M.

 

Đăng ngày 22 tháng 01.2017