Tiếp tục câu chuyện hoa Sen

 

Ts Mai Thanh Truyết

 

 senta

Hai đứa trẻ trong hình là hai đóa hoa sen “đời”, lớn lên trong bùn XHCN...
Làm sao tỏa hương thơm được?

 

Sau khi gửi bài viết “Sen Người - SenTa” cho một người bạn vong niên đọc, anh gửi lại cho người viết một bài viết khác có tựa đề “Bạch Mã Phi Mã” với lời mào đầu như sau:”Ở tuổi tam thập, tôi tiếp cận với câu ‘Con ngựa trắng không phải là con ngựa.’ Hán Việt nói gọn hơn: ‘Bạch mã phi mã.’  Đó là câu nói của Công Tôn Long, khi ông qua một cửa ải, bị quân lính chận bảo ông phải xuống ngựa. Ông bảo: ‘Bạch mã phi mã.’ Con ngựa của Ông là con ngựa trắng. Vì ngựa trắng thì không là ngựa, nên ông không xuống ngựa”.
Thế nhưng gần đây, nhớ lại thời trung niên, gần hai thập niên sống với những người quân tử thời hiện đại. ‘ăn chỉ gần no, mặc chỉ gần đủ ấm’, tôi mới  ngộ ra cái  nghĩa của ‘con ngựa trắng không phải là ngựa”.

Đọc hai ba lần bài viết dài 7 trang của một người anh vong niên, tôi liền điện thoại đến hỏi anh xem ẩn dụ nào anh ngụ ý cho bài Bạch mã phi mã? Câu tiếp của tôi là: ”có phải anh định nói “sen ngoài bùn không là sen nữa phải không?” Và, cấu tạo của bùn gồm tất cả những vật xú uế trên đời, mà tại sao không ảnh hưởng lên sen, để sen vẫn còn giữ sắc trắng và tỏa ngát hương thơm?
Anh bảo tôi phải khai triển thêm nữa các yếu tố trên. Và hôm nay, câu chuyện sen người sen ta lại tiếp tục.

 

Hòa thượng Thupten Ngodrup, Tu viện Nechung Dorje Drayang Ling ở Dharamsala, Ấn Độ, nghĩ về hoa sen như sau: “Hoa sen là đóa hoa đẹp nhứt, các cánh hoa mở ra từng cánh. Tuy nhiên, hoa chỉ lớn lên trong bùn. Để được tăng trưởng và thành tựu trí huệ, trước hết bạn phải có bùn - những chướng ngại của đời sống và hệ lụy thương đau... Bùn nói lên nền tảng chung trong đó mọi người cùng san sẻ, cho dù dưới bất cứ hoàn cảnh nào trong đời sống ... Cho dù chúng ta có tất cả hay không có gì hết, tất cả chúng ta cùng đối mặt với cùng những cản ngại như: sự buồn tẽ, sự mất mát, bịnh tật, sự chết dần và sau cùng sự chết. Nếu chúng ta phấn đấu để có thêm được trí huệ, thêm được lòng nhân, thêm lòng từ bi, chúng ta phải có chủ tâm lớn lên như hoa sen và phải mở từng cánh hoa một.”

Thêm một bài hát về Sen và Bùn mà tôi có ý muốn để nguyên thủy, không phỏng dịch:

“I am a lotus, you are a lotus, Jesus a lotus, the Guru a lotus, the dearest golden poodle a lotus, all floating on one still pond of solitude, equally radiant, inseparable, entangled, with pale green stems undulating from the same luscious mud.

I never hear the breeze whisper, "This one is the Master, that one is the Savior." I just hear a breath rippling over the waters, singing over the pond, "How beautiful you are! And you! This one has blossomed, that one is next! How beautiful!"

 “Tôi mở tâm để nhận tất cả những gì đến với tôi hôm nay”.

Đây có phải là một trong những triết lý của Phật giáo? Tôi không biết, nhưng tôi cảm nhận như vậy. Trong Phật giáo, hoa sen nở ra tượng trưng cho một trái tim rộng mở. Hoa sen nở trên mặt nước, nối dài bằng cuống sen dài và rễ sen chìm trong lòng bùn dưới đáy sâu tượng trưng cho “cái đẹp” và “ánh sáng” chìm trong tăm tối. Những ngón tay mở rộng cho ta hình dung được hoa sen với từng cánh sen mở lớn ra, cho ta hình dung một sự nối tiếp về nguồn cội, và cũng cho ta nhớ lại suối nguồn tươi mát của sự sẵn sàng chào đón cuốc sống bằng một trái tim rộng mở.

Khi viết đến đây, nhìn lại phần chuyển của anh bạn già trong bài “Bạch mã phi mã” như sau: ”Số là: Họ là những con người ‘thánh thiện’.

Họ nói cái gì cũng đúng. Người người, nhà nhà đều hồ hởi, phấn khởi, vỗ tay, đồng loạt khen rằng họ đúng. Mọi người đều ghi tâm khắc cốt rằng: ‘sông có cạn, núi có mòn, nhưng chân lý ấy của họ thì luôn không bao giờ thay đổi’. Họ là ‘lương tri của thời đại, đỉnh cao trí tuệ của loài người’. Họ là những nhà tiên tri-prophets-thời nay. Mà là tiên tri tức thuộc bậc thánh.

Trong thực tế, họ là thánh. Họ là những tông đồ khai đạo. Đạo Xã Nghĩa của Hội Xích Thánh, dịch nôm là Hội Thánh Đỏ. Tổ chức Hội Thánh Đỏ và cách hành xử gần như thời kỳ các tòa án dị giáo-Inquisition-ở Tây Ban Nha, thế kỷ thứ 16, xử thiêu các người dị giáo. Trong thực tế, ít nhất là trong giới hạn những kinh nghiệm mà tôi trải qua, thì trong thế giới do các thánh quản lý, ai mà nghĩ khác, làm khác lời các thánh dạy, đều là la dị giáo-heretic đáng lên giàn hỏa.  Kẻ dị giáo không có chỗ đứng dưới sự cai quản của các thánh.
Thánh không là người. Chính danhh chi thuyết, thì nếu là người làm sao gọi là thánh được.
Vì thế nên: là thánh thì khó mà biết tình người, không hiểu tình người. Thánh chỉ biết Giáo Hội, giữ gìn đề cương của Giáo Hội.

Thế giới các thánh không có cái ác.  Chỉ có thiện.  Mà thiện ác tương sinh: không có ác thì làm gì có thiện.  Vậy, thế giới các thánh cũng không có thiện. Không ác, không thiện. Nói đúng ra, thế giới các thánh là thế giới phi thiện phi ác.  Cho nên khi đọc Beyond the good and evil-tựa của một quyển sách của Nietzsche, tôi giựt mình, và lo sợ. May mà tôi chưa có cái tò mò đi vào nội dung. Nói riêng, vào trong thế giới phi thiện phi ác của các thánh tôi sợ mình lạc đạo. Mà lạc đạo là dị giáo.

Sống với các thánh, một trong những phản ứng của tôi là thèm muốn, ước mong, thiết tha trở về cái thế giới loài người: Thế giới của thiện ác, của sự bất toàn, của sự đổi thay, thế giới phù du, nhưng cũng là thế giới của sự góp phần, của hy vọng, của lòng tin ở sự tiến bộ của loài người.  Không chắc vô thường là tiến bộ, vô thường không là điều kiện đủ cho tiến bộ.  Vô thường là điều kiện cần và tối quan trọng cho tiến bộ.  Còn cái thế giới vĩnh hằng, miên viễn, nước của chư Phật, của Thiên Chúa, cũng là một thế giới toàn thiện, tuyệt đối tốt, tuyệt đối chân thật-không có ác, không có cái xấu, không có giả dối cũng là một thế giới phi thiện phi ác. Và ở đó, có gặp các thánh thì cũng vui thôi. Mọi chúng sinh đều bình đẳng trước Phật, và trước Chúa!

Trong xã hội lãnh đạo do các thánh-mà các thánh muốn là phi thiện phi ác thì mọi người đều trở thành người-thánh.  Người-thánh không khác người thường. Người-thánh in hệt người thường về thể chất.  Nhưng về trí tuệ tâm linh thì là thánh. Người-thánh, tương tự như trẻ con Việt Nam sinh trưởng ở Châu Âu, lớn lên ở Châu Âu, nói tiếng địa phương, nghĩ như người địa phương, thất tình lục dục như người địa phương. Chúng giống như trái chuối-ngoài vàng, trong trắng như Mỹ trắng. Bên ngoài, chúng là da vàng mũi tẹt, Việt Nam rặt, nhưng bên trong tâm lý, nghĩ suy,… tất tất đều là như người địa phương da trắng, trắng tinh.  Người-thánh cũng tương tự như vậy; xác người mà hồn thánh. Một cách nói khác-và thực tế hơn-thì  đó là những con người như người thường, nhưng đã cầm bán linh hồn cho các thánh, nên nghĩ như thánh, lý luận như thánh, hành sự như thánh.

Thế nào là hành sự như thánh?

Một thí dụ: Với các thánh, cứu cánh biện minh cho phương tiện. Cứu cánh: một thế giới đại đồng, không có người bóc lột người, không giai cấp, làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu, người người, nhà nhà sống hài hòa trong hòa bình an lạc. Cái cảnh thanh bình lạc thiện, mà từ xửa từ xưa đến nay, các đạo giáo như Khổng, Lão, Phật, Thiên Chúa, Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, … đều bất lực, không đem lại cho nhân loại được, thì các thánh có một con đường khoa học-con đường xã nghĩa-tất yếu  đưa nhân loại đến Niết Bán trần thế. Nói theo các thánh, nàng tiên xã nghĩa rộng mở cho mọi người, nhưng hoa đẹp nào cững có gai, nhưng đó là ‘hướng đi tất yếu của lịch sử loài người.’  Đường nào rồi cũng đến đó, nhưng con đường xã nghĩa là con đường ngắn nhất. Mọi phương tiện-cả gian giảo, lừa lọc, bạo lực, khủng bố, giết người, giết lầm hơn là tha lầm-đều tốt, buộc mọi người phải ôm lấy nàng tiên xã nghĩa nầy. 

Vì vậy, mọi người phải là người-thánh, bằng không thì là dị giáo. Hồi xưa, chưa văn minh, còn đem thiêu sống.  Giờ, thời đại khoa học, bị nghi là dị giáo thì bị tù khổ sai mọt gông, gọi như vậy là rộng lượng, bao dung, cải tạo để tri-kiến-ngộ-nhập xã nghĩa, và nhập thành người-thánh”.

…...........

Đọc tới đây, tôi hình dung ra được là anh bạn già muốn nói tới những “ông thánh xã nghĩa” làm ẩn dụ cho bài viết bạch mã phi mã chăng?
Rồi anh viết tiếp: ”Thế nhưng phải làm thế nào để thành người-thánh.

Muốn trở thành người-thánh phải biết ‘tiên ưu hậu lạc” ‘lo trước thiên hạ và vui sau thiên hạ.’. Nói rõ hơn là biết quên mình vì đại nghĩa, mà đại nghĩa là ở các thánh.  Vậy, phải có ý  thức cao độ về việc ‘bảo vệ các thánh’; ‘bảo vệ thánh thể’  là từ mới trong kinh xã nghĩa. Ngoài ra, phải được công nhận là: ‘có cái tự do là tự ý từ bỏ quyền làm người của mình và ủy nhiệm cho một thánh, đại diện cho mình-gọi là đại biểu.’  Sau đó, mình phải bằng lòng và vui vẻ “hồ hởi”, nạp tất cả sản phẩm mình tạo ra cho Hội Thánh, rồi Hội Thánh sẽ phát trờ lại ‘công bằng’ cho mỗi người.  Mọi người nhờ đó mà được ấm no. 

Còn con cái?
Hồn mình đã giao cho thánh, thì con cái mình đương nhiên là đồng nhi của Hội Thánh. Hội thánh nuôi dạy, giáo dục, và đương nhiên là theo Kinh…Thánh, và cuối cùng là nhằm cho chúng thành… thánh, bằng không cũng thành người-thánh.

Người-thánh không cần phải suy nghĩ, không lo âu, khỏe ru, vì đã có các thánh nghĩ cho mình. Trong giáo dục, các thánh chú trọng đặc biệt vế tính chất nầy. Trong thực tế, Hội Thánh dạy ‘dám nghĩ, dám làm’.  Nhưng phải dạy sao cho trẻ con giác ngộ rằng nghĩ suy làm mệt trí, mà có khi còn nguy hiểm.  Dành quyền tư duy cho các thánh-các nhà tiên tri đã thấu rõ ‘con đường tất yếu của lịch sử…” và hành xử y theo các thánh dạy thì an toàn trên xa lộ đời người. Cho nên thường người ta huấn luyện để trẻ con biết ‘hồ hởi’, ‘vổ tay’ (khi thánh vổ tay), và nhất trí với những điều thánh phán. Dưới chế độ các thánh, con người hoàn toàn có an ninh và cơm no ấm áo!
Vì không còn mâu thuẫn giai cấp, không còn người bóc lột người.

Cách đây hơn hai tuần, tôi có đi học đạo, Thầy G.Đ. thuyết về Thơ Thiền, Thơ Đạo. Tôi nghĩ đến con ngựa trắng, đến những người-thánh-xác người-hồn thánh, và theo đó tôi ngộ ra:
Người-thánh không là người. Vì linh hồn đã cầm bán cho thánh”.

Đọc đến đây, chính người viết cũng “ngộ” ra rằng, anh bạn già muốn ám chỉ con ngựa trắng là thánh nghĩa là không còn là con ngựa nữa. Và những người xã nghĩa cũng “đã” là thánh trong chính cái chuyên chính vô sản của họ. Họ chỉ là “xác người hồn thánh” và đã bán mình cho thánh rồi…thì chúng ta, những con người phàm, không cứ gì phải chào, phải xuống ngựa. Vì họ chính là những hồn ma làm theo lời thánh ở cõi ta bà nầy.

Mà thánh của họ là ai?
Chắc chắn là thánh của họ cư ngụ ở phương Bắc, một địa danh tập hợp nhiều “xác người hồn thánh” khác nhau…nhưng nay đã ngộ và đang cố quay trở về “xác người hồn người” để thoát họa thánh “đỏ”. Bao giờ xác người hồn thánh Việt Nam mới ngộ được như Tây Tạng, Tân Cương, và tiếp theo là Vân Nam, Tứ Xuyên, Quảng Đông… ?

Như vậy “bạch mã phi mã” có liên quan gì đến “sen trong bùn” của tôi?

Phải chăng ý anh nói, sen trong bùn tuy vẫn là sen, nhưng phải là bùn của quê hương, bùn của xác người hồn người, chứ không phải là bùn của xác người hồn thánh nữa!
Mà bùn của xác người hồn thánh là gì?

Đó là xác người đã nhập vào Văn hóa thánh:

1-    Đóng thuế đẻ (tức là ai vào "xưởng đẻ" phải đóng thuế, một sắc thuế chưa có nước nào thực hiện, chỉ có ở Việt Nam là có sắc thuế đẻ);

2-    Dạy tiếng Tàu tại trường tiểu học. Đây là cách "mười năm trồng cây, trăm năm trồng người" được đảng cộng sản thi hành, dạy tiếng Tàu từ bậc tiểu học để sau nầy lớn lên gắn bó với Trung Cộng, chuẩn bị đưa cả nước sát nhập vào đất Tàu;

3-    Người chết phải chôn sau 48 tiếng. Chết là phải chôn trong vòng 48 giờ, là luật rừng, hồ chí minh chết từ ngày 2-9-1969, xác vẫn còn nằm trong lăng ở Hà Nội, cán bộ lãnh đạo phải làm gương, nhưng đảng chỉ bắt dân làm, nhưng họ thì không bao giờ làm theo những gì mà họ qui định; đừng tin những gì cộng sản nói, hãy nhìn kỷ những gì cộng sản làm. Chết mà chôn quá sớm, giới thấy cúng, thầy tụng mất lợi nhuận, nhưng ngày nay nhiều người hỏa táng, nên chôn cất không quan trọng;

4-    Xe phải “chính chủ”. Xe phải do chính chủ nhân lái, người khác như con cái, gia đình, bạn bè là bị phạt. Đây là thứ luật giao thông rừng, chưa thấy ở các nước khác như Hoa Kỳ, Âu Châu…ai có bằng lái là có quyền lái bất cứ xe nào do ai làm chủ, không thành vấn đề;

5-    Phải đăng ký tên thật khi lên internet. Ở Việt Nam, thành phần dùng internet không nhiều, đăng ký tên là do các công ty phục vụ như Google, Yahoo…chứ đảng và nhà nước lấy quyền gì để buộc người dân đăng ký tên thật?

6-    Đám ma không quá 7 vòng hoa. Đám ma thì thân nhân, bạn bè muốn phúng điếu bao nhiêu vòng hoa cũng được, nhưng luật mới qui định giới hạn là 7 vòng hoa, chưa có nước nào có thứ luật kỳ quặc như thế;

7-    Con bất hiếu cha mẹ bị phạt 20 triệu đồng Việt Nam. Tội bất hiếu bị phạt 20 triệu, nhưng không ghi rõ thế nào là bất hiếu?

8-    Cấm mua bán nhà đất, ô tô bằng tiền mặt. Mua bán nhà, xe là quyền tự do, ai có tiền thì mua, nhưng giới có tiền và vàng thì mua dể dàng, trả ngay…biện pháp nầy nhằm ngăn ngừa tham nhũng, nhưng ở Việt Nam, tham nhũng lan tràn. Thế là luật nầy chỉ dành cho dân, còn cán bộ có trả tiền mặt, xài tiền giả cũng không ai dám đụng đến;

9-    Phạt tới 20 triệu nếu tiết lộ giới tính thai nhi. Điệu nầy các bác sĩ, phòng thí nghiệm bị mất mất hết khách hàng, luật nầy quá kỳ cục, chả lẽ phụ nữ mang thai, chồng, thân nhân không có quyền biết giới tính bào thai?

10- Đề nghị “còn trinh tiết mới được thi hoa hậu”. Ở Việt Nam, chỉ cấn tốn 10 đô la, là gái chơi bời được bác sĩ vá màng trinh, các hoa hậu đừng lo, khoa học tiên tiến giúp cho. Nhưng ban giám khảo có biết ai mất trinh, ai còn trinh mà cấm?

11- Công An được phép bắn người cản trờ thi hành công vụ. Luật nầy dành cho công an có quyền bắn người, tức là có license to kill.

12- Phụ nữ 33 tuổi trở lên không được phép mang thai. Điều nầy gái phải có chồng sớm để đẻ sớm, đẻ trước năm 33 tuổi;

13- Có con ngoài giá thú phải xin phép lãnh đạo. Chắc chắn là Lê Khả Phiêu, Trương Tấn Sang và nhiều cán bộ khác…phải xin phép lãnh đạo để nhìn nhận con rơi, luật mới nầy nếu hồi tố, thì Hồ chí Minh phải công bố bao nhiêu con rơi, nhưng tiếc là hắn chỉ còn là xác ướp. (trích một số “kiểu” văn hóa Việt Nam của Bùi Lý Hồng trên internet).

Đến đây, nhìn lại kết luận bài viết của anh bạn già về bạch mã phi mã, về nói chuyện thánh của anh, người viết nghĩ rằng với “văn hóa thánh” trên đây, cho dù là “xác người hồn thánh” có một sát na nào đó muốn “ngộ” ra cũng không được, Sen trong bùn văn hóa thánh không thể nào là sen được.

Cho dù đã có “khi mê bùn vẫn là bùn, ngộ ra mới biết trong bùn có sen”, người có văn hóa thánh sẽ ngàn đời không bao giờ ngộ được, vì làm sao thấy sen trong bùn được trong khi Tâm, Khẩu, Ý chỉ mơ thấy, nói đến, và nghĩ đến quyền lực, tài sản, gái đẹp v.v… Họ chỉ thấy “khi mê sen vẫn là sen, ngộ ra chỉ thấy sen là con sen”.

Xin mượn bốn câu thơ kết thúc cho bài Bình về quyển Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh để làm kết luận cho bài viết “Tiếp tục câu chuyện hoa sen”:

Cô vọng ngôn chi cô thính chi.
Đậu bằng qua giá vũ như ti.
Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
Ái thính thu phần quỷ xướng thi!

Bản Diễn Nôm của Cụ Đào Trinh Nhất:

“Nói láo” mà chơi, nghe láo chơi
Dàn dưa lún phún hạt mưa rơi
Chuyện đời đã chán không buồn nhắc
Thơ thẩn nghe ma kể mấy lời.

Mai Thanh Truyết
Viết trong Vô Thường
Mùa Vu Lan-2013