nguyenthanhtrungTác giả Nguyễn Thanh Trừng sinh năm 1938 tại Hội An, giáo sư Pháp văn tại Saigon.
Trước 30/04/1975, Ông được cấp học bổng qua Pháp tu nghiệp và đã theo học tại trường Đai Hoc Sorbonne (Ecole des Hautes Etudes) về môn ngữ học và taị Đại Hoc Provence về môn xã hội học.

Bài viết  dưới đây được trích từ một luận án tiến sĩ mà ông đã bảo vệ năm 2009 tại Đại Học Provence - Pháp.

 

Phan Khôi và cuộc tranh đấu cho quyền phụ nữ

 

phankhoiPhan Khôi (1887-1959), ngay từ lúc còn trẻ đã là một nhà nho xuất sắc, lúc mười chín tuổi, (1905) đã đã trúng tuyển trong kỳ thi Hương ; nhưng ông chán ngán khoa cử chỉ còn được coi như một cứu cánh để tiến thân, và muốn noi gương của hai bậc đàn anh, Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu, trong mưu đồ cách mạng: năm 1907, ông ra Hà Nội tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Chẳng bao lâu, phong trào bị khủng bố. It năm sau, ông lén về Quảng Nam hoạt động trong Phong trào Văn Thân cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Trong một biểu tình đòi gỉa thuế, ông bị bắt giam mãi cho đến năm 1914, vì có chiến tranh Pháp Đức, ông được ân xá. Kể từ đó, ông dành cả cuộc đời mình cho nghề làm báo.

Ngưới ta thường nhắc đến nhắc đến ông trong vụ  Nhân Văn Giai Phẩm trong những năm 1950: mặc dầu bị khủng bố và đàn áp bởi bởi chính quyền cộng sản miền Bắc, ông luôn luôn giữ được tinh thần tiết tháo của một nhà Nho và tinh thần bất khuất của con người xứ Quảng.
Nhưng ít ai nhắc đến những bài xã luận của ông trong những năm 1930, trong đó ông đã tranh đấu cho nữ quyền.


Phụ nữ ngày xưa, dầu có nhiều ưu điểm, đã là nạn  nhân của các quy tắc Khổng giáo

Trong cuộc đấu tranh dành quyền lợi phụ nữ, có nhiều thức gỉa tham gia. Tuy nhiên, Phan Khôi, ký giả kiêm chủ bút của tuần báo Phụ nữ Tân văn ( 1929-1934), là người đầu tiên, đã dành tài văn chương và sự học cao hiểu rông của mình để phục vụ cuộc đấu tranh đầy chính nghĩa này  qua các bài xã luận đăng tải một cách đều đặn trong nhiều số báo.

Qua mười bài nghiên cứu về những sinh hoạt của nữ phái qua ca dao, đăng đều đặn  trong PNTV từ 30 /5 cho đến 29/8/1929, ông đã ca ngợi việc đồng áng cũng như việc nội trợ của phụ nữ. Ông nêu cao lòng tận tụy đối với con cái, tình yêu thương chồng, và những hy sinh của họ cho người thân yêu. Tất cả việc này được hoàn tất trong một bối cảnh xã hội không thuận lợi cho họ. Họ phải chịu đựng một bà gia có khuynh hướng bạc đãi dâu, trên pháp lý địa vị của họ bi hạ thấp thua sút người chồng. Phong tục tập quán và các phép tắt  Khổng giáo, tất cả đều khoan hồng với người đàn ông và sẵn sàng đổ cả tội lỗi trên đầu người phụ nữ nếu chẳng may họ bi phạm  sai lầm trong cách xử thế. 

Trong phần dẫn nhập, Phan Khôi tìm hiểu thân phận phụ nữ từ thưở xa xưa cho đến thời đại của ông. Không tìm ra tài liệu trong Sử biên niên, tác giả  phải quay về ca dao và tục ngữ, một nguồn tư liệu quí giá và súc tích cho ta nhiều hiểu biết về vấn đề trên. Tuy nhiên, tài liệu này có điều bất lợi : vì là văn chương truyền khẩu, xuyên qua nhiều thế hệ, nên ta không rõ được thời gian và nơi chốn của các sự kiện kể ra trong ca dao, trừ vài trường hợp ngoại lệ.


Sau đây là các vấn đề phụ nữ mà Phan Khôi đề cập đến trong các bài xã luận đăng trên báo Phụ nữ Tân Văn:

1/ Những bất công mà phụ nữ phải chịu đựng trong xã hội xưa : (PNTV 30/5/29, số 5, Tr. 19)

Phan Khôi nêu rõ sự lệ thuộc vào người chồng bị xem như là khó dạy bảo, bi liệt vào hạng « tiểu nhân » và loại ra khỏi hệ thống giáo dục.

2/ Tầm quan trọng trong hôn nhân của phụ nữ (PNTV 30/6/29, số 7, Tr. 12 và PNTV 20/6/29, số 8, Tr. 12-13)

Không có quyền chọn lựa người phối ngẫu, nhưng tương lai của họ lại phụ thuộc rất nhiều vào tư cách của người chồng. Là thân con gái, họ thường bị cha mẹ thúc bách về vấn đề hôn nhân, với nỗi lo sợ rằng, qua thời son trẻ, cô sẽ sống cả cuộc đời buồn bã là gái không chồng. Thường là nạn nhân của các cuộc hôn nhân được sắp xếp trước, người vợ phải chịu đựng suốt đời người chồng, nếu chẳng may gặp phải  phường vô lại. 

3/ Những  trách nhiệm rất cao quý của người phụ nữ đối với gia đình. (PNTV 27/6/29, số 9, Tr.12 và PNTV 4/7/29, số 10, Tr. 14)

Ngoại trừ những trường hợp phụ nữ nơi thị thành, nhất là ở miền Nam, sống núp bóng chồng và nhàn cư dẫn dắt họ đến những thú vui nguy hại như cờ bạc, người thôn nữ lại tỏ ra đảm đang qua sự tận tụy, hy sinh cho chồng con, và cho cả gia đình chồng. Chính họ đã gánh mọi sự nặng nhọc của gia đình trong lúc chồng đi vào quân ngũ. 

4/ Những điều thua thiệt của phụ nữ. (PNTV 18/7/29, số 12, Tr.13-14 và PNTV 25/7/29, số 13, Tr. 14)

-Tình trạng bán nô lệ khi họ sống chung với bà gia.

-Thiếu khoảng không gian cần thiết cho sự sự quan hệ khắng khít trong đời sông vợ chồng.

-Bị bắt buộc sống với gia đình chồng trong lúc chồng phải đi làm việc xa.

-Sự ngược đãi của bà gia và sự đố kỵ của em chồng.

-Bị bỏ phế bởi người chồng vô ơn và phản bội.

-Nỗi khổ đau bi trở thành nàng hầu  hay vợ hai.

-Nỗi bất hạnh khi bị « tuyển chọn » vào cung vua.

5/ Bằng cách nào phụ nữ phản ứng lại những bất công kể trên. (PNTV 01/08/29, số 14, Tr. 16-17)

Phụ nữ không phải luôn luôn ngoan ngoãn chịu đựng số phận  hẩm hiu như ta tưởng. Ca dao cho ta thấy rõ bề trái được che dấu đó.

-Bị cám dỗ bởi ngoại tình, truy hoan, cố thoát khỏi cái cảnh ngạt thở của gia đình bằng ly dị.

-Có khuynh hướng lấy chồng khách trú để hưởng giàu sang. [1]  Nhưng một số không may bị mắc bẫy  trong cuộc hôn nhơn này.

-Việc làm lại cuộc đời sau khi chồng chết cũng không phải chuyện ít xảy ra.

6/ Quan niệm thẫm mỹ khi xưa về phụ nữ. (PNTV 08/08/29, số 15,Tr. 13-14)

Chúng tôì bỏ qua phần này vì ngoài đề tài nghiên cứu..

7/ Những nghề nghiệp của phụ nữ. (PNTV 22/08/29, số 17 Tr 15-16 và PNTV 29/08/29 số 18,Tr. 16) 

Nông nghiệp, nghề tơ tằm, chăn nuôi heo, gà vịt và nghề may vá, thêu dệt nhất là nghề buôn bán : thưở xưa, những hoạt động thương maĩ nằm trong tay người phụ nữ, vì các ông chỉ biết ngâm thơ với bầu rượu cùng bạn bè.

Phan Khôi chấm dứt loạt bài về phụ nữ bằng cách nhấn mạnh vào sự kiện : đang có sự đổi thay lớn lao trong hai thập niên vừa qua, về văn hóa cũng như trong hoàn cảnh xã hội. Sự thay đổi này là nguyên nhân của cách xử sự lố lăng của một số phụ nữ nơi thành thị. Hiện tượng xã hội này chỉ liên hệ đến một thiểu số, trong lúc đó, nơi đồng quê Việt Nam, đại đa số thôn nữ tạo thành một giới nông dân cần cù chỉ biết làm việc để sinh sống.


Phan Khôi tìm hiểu về tình trạng lệ thuộc của phụ nữ

Sự quá đà của luân lý Khổng Mạnh dưới hai triều Hán Tống

Phan Khôi nói rõ ngay rằng ông không có ý công kích Nho Giáo, một Đạo Giáo mà Khổng Tử và môn đệ của ngài, Mạnh Tử, đã sáng lập và truyền bá.Ông cũng không có ý địnhxét lại thuyết Ngũ Thường : Nhân, lễ, Nghĩa,Trí,Tín, được giảng dạy bởi vị Thánh Sư và là căn bản của nền đạo lý của đức Khổng. Phan Khôi cũng không công kích thuyết Ngũ luân, coi như một trụ  cột của nền luân lý ấy.

Theo Phan Khôi, thuyết Ngũ Luân có cái ưu điểm là tạo lập một tương quan rất công bình và có tánh cách hổ tương giữa vua và tôi, giữa cha con, giữa vợ chồng, giữa anh em, giữa người trong nước.Đó là một khế ước lập ra giữa hai bên : hẳn nhiên là mỗi bên đều phải tôn trọng những điều khoản trong khế ước, có nghĩa là mỗi bên lo chu toàn nghĩa vụ của mình.[2]

Qua góc độ đó, luân lý Khổng Mạnh nhìn từ cội nguồn là rất thích hợp với lý trí và lẽ phải. Nhưng, một vài thế kỷ sau, dưới triều Hán (-206-220), những môn đệ của Khổng Giáo nặn óc để sáng chế ra phép Tam Cương, [3]  cho vua một quyền hành quá mức với bề tôi, cha với con, chồng với vợ. Cái phép Tam cương củng cố quyền hành của vua với dân và đương nhiên được áp dụng qua các triều đại. Cuối cùng, phép này laị vượt trội cả phép Ngũ luân và trở nên « khuôn vàng thước ngọc » ngự trị trong gia dình : con gái lệ thuộc cha mẹ, khi xuất gia, lệ thuộc chồng.

Trước khi lập ra phép Tam cương, và dưới sự  hỗ trợ của phép ngũ luân, sau khi lập gia đình, con trai có thể ở riêng như ngày nay, bên các nước Tây phương.[4] Nhưng, sau khi ban ra phép Tam cương, nhân danh lòng hiếu thảo, người ta đề cao sự sống chung giữa hai hay có khi nhiều thế hệ dưới một mái nhà. Phép này giúp nhà vua trong việc cai trị, nên tập tục đó rất được khuyến khích.[5] 

Cáí khuôn mẫu gia đình Việt Nam được chép đúng theo gia đình Trung Hoa, vì các vua Việt Nam đã nhìn nhận Khổng Giáo được sửa đổi dưới triều Hán, như một quốc giáo. Từ đó, phụ nữ Việt cũng chiu chung một số phận với phụ nữ Hoa, nhất là ở miền Bắc, nơi chịu ảnh hương rất sâu đậm của Khổng giáo. Người phụ nữ trở thành nạn nhân của sự sống chung ấy: họ bị hành hạ bởi bà gia, ngược đãi bởi em hay chị chồng. Cũng có khi, cậu trai có vợ cũng bị gia đình áp chế đến độ cậu không còn ham sống nữa.  Sau đây là thơ tuyệt mạng của Hai Nghĩa viết trước khi tự sát; điều này làm chúng ta thấy rõ cái thảm cảnh của cuộc sống chung:

«  …Ai đời làm trai đã 24 tuổi đầu, có vợ có con, còn phải nương nhờ cha mẹ, mà tiêu đồng xu cũng phải xin, đi ra một bước cũng phải bẩm, làm gì cũng không tự ý mình thì sống làm chi ! »[6]


Phan Khôi chống lại hai phép tam cương và thủ tiết.

Phan Khôi mạnh mẽ  đả phá phép tam cương mà phụ nữ Việt phải chịu đựng qua hơn mười thế kỷ. Đây là nguồn gốc của bao khổ đau mà họ phải chịu đựng. Đã đến lúc phải loại bỏ  khuôn mẫu lỗi thời và tạo dựng một khuôn mẫu mới phù hợp  với bối cảnh của phong trào giải phóng phụ nữ trong một xã hội đang vươn lên.

Trong các bài xã luận khác, ông lại tiếp tục đã phá phép thủ tiết, được sáng chế dưới đời nhà Tống (960-1279) bên Trung Hoa bởi các môn đệ cuồng tín của đức Khổng. Và như thế phép này không phù hợp với cái tinh hoa của Khổng Giáo.

Theo Phan Khôi, Mạnh Tử có minh xác rằng «thực sắc thiên tánh» có nghĩa là cái ăn và sắc dục là bản năng tự nhiên của con người. Theo đúng nghĩa của lời này thì không có gì bắt buộc người đàn ông góa vợ không có quyền tái gía. Và cái quy tắc này cũng phải được áp dụng cho phụ nữ góa chồng. Như vậy, đương nhiên, họ có quyền làm lại cuộc đời. Hẳn nhiên, nếu vì lý do tình cảm gắn  bó với người chồng quá cố, người quả phụ được hoàn toàn tự do sống trong cảnh góa bụa. Quyết định này sẽ được tôn trọng.

Thế mà cái phép thủ tiết này, sáng chế ra bởi Tống nho, được tuân theo qua nhiều triều đại bên Trung Hoa, như thời nhà Minh (1368-1644) : các nhà đạo đức khuyên phụ nữ phải luôn luôn phục tùng theo phép ấy để được xứng đáng là một người đàn bà đức hạnh. Biết bao phụ nữ bị sa vào cái bẩy ấy lập ra bởi sự ích kỷ của đàn ông đến nỗi có nhiều cô gái quyên sinh để theo vị hôn phu đã quá vãng!

 Ở Việt-Nam, phép thủ tiết này đã ghi dấu ấn trong phong tục Việt-Nam. Điều này giải thích tại sao nhiều góa phụ phải đương đầu với bao khó khăn kinh tế cũng như trong vấn đề tình cảm, không dám tái gíá, sợ bị thiên hạ chê cười. Tệ hơn nữa, gia đình họ cũng làm áp lực mạnh bắt họ phải «thủ tiết thờ chồng».

Trong một bài xã luận khác có tên « Tống nho với phụ nữ »,[7]  Phan Khôi lại công kích phép tam cương với lời lẽ cứng rắn. Nhưng nhà ký giả không đã phá một cách «vơ đũa cả nắm,» vì trong các môn đệ của Tống Nho, không phải ai cũng  có thái độ đàn áp phụ nữ.

Sự khoan hồng của các hiền triết Khổng Giáo dưới đời nhà Tống

Ông chấp nhận, dưới thời nhà Tống, cũng có nhiều vị hiền triết nhìn nhận quyền tái giá của góa phụ.

Phan Trọng Yêm, sinh năm 969, một trong các vị đại hiền của thời đó đã giúp đở các góa phụ cải giá. Ông đã cởi mở chấp nhận việc cải gía của nàng dâu, khi con trai ông qua đời, bằng cách gã cô này cho một môn đệ của ông, Vương Hòa, cũng góa vợ. Mẹ ông cũng cải giá và ông vẫn sống chung với bà và cha dượng.

Các vị đại hiền khác của Khổng Nho như Hồ Viên (năm sinh 993), Âu Dương Tu (năm sinh 1007) Tư mã Quang (năm sinh 999), theo các tác phẩm họ để lại, đã tỏ ra rất thông cảm và khoan hồng với các phụ nữ không tôn trọng phép thủ tiết.

Trường hợp đáng cho chúng ta kể là Vương An Thạch (năm sinh 1021). Con trai ông, Vương Phan, bi bịnh tâm thần, hăm dọa giết con trai mình vì cho rằng nó không giống cha. Đứa trẻ đã chết đi vì quá sợ hãi. Lúc bấy giờ, Vương Phan trút sự hung bạo của mình trên đầu bà vợ bằng cách đánh nàng mỗi ngày. Vương An Thạch nhận  thấy sự điên khùng của con ông và cái thế nguy khốn của nàng dâu, thay vì thúc đẩy cô dâu ly dị chồng, việc này có thể không hay cho cô, bèn quyết định gã cô dâu cho một môn đệ của ông.
Sự việc ông làm chứng tỏ thái độ khoan dung và nhân đạo, coi nhẹ phép tam cương và cũng cho ta thấy uy quyền tối thượng của người cha trong thời đó.

Trình Hy (năm sinh 1033) tuy là kẻ hậu sinh đối với các vị đại hiền vừa kể ra, nhưng lại có một thái độ cứng rắn với phụ nữ không thủ tiết. Xin trích ra đây câu trả lời của ông về phép thủ tiết :
« Có kẻ hỏi Trình Hy: Người đàn bà góa mà bần cùng không cậy nhờ ai được thì có nên tái giá không ?
Đáp rằng: Chỉ có người đời sau (đối với đời xưa) sợ chết mới có thuyết ấy. Song le, chết đói là sự rất nhỏ, còn thất tiết là sự rất lớn. » [8]

Đúng là nhà đạo đức này quyết cấm phụ nữ thà chết chứ không được tái gíá !

Niềm tin vào lẽ phải được tăng cường qua sự cải giá của bà cố

Phan Khôi đã đem tất cả bầu nhiệt huyết để đả phá phép thủ tiết được đặt ra từ thế kỷ X bởi những môn đệ của Khổng Tử  bởi vì niêm tin vào lẽ phải của ông được hỗ trợ thêm bởi cảnh huấn đau lòng mà bà cố của ông trải qua: cụ cố đã dám cả gan coi thường phép thủ tiết bằng cách tái giá. Bởi sự việc này, không những bà cụ bị người đời mỉa mai mà tệ hơn nữa, sau khi cụ qua đời, chính con trai của bà không dám để bài vị của bà trong bàn thồ tổ tiên trong nhà. Lúc sanh tiền, nhờ tài buôn bán giỏi, bà có đủ khả năng tài chánh để nuôi dưỡng một cách đàng hoàng hai con bà và các con của người chồng đời sau. Bà tạo được một tài sản lớn và mua tậu được thêm hàng trăm mẫu ruộng. Khi qua đời, cụ để lại cho con cháu một gia sản rất đáng kể. Thật quá bất công đối với một bà mẹ, mà các con cháu lẽ ra đều phải biết ơn sâu xa.

Qua các bài xã luận trong những năm 30, ta nhận thấy Phan Khôi là một nhà văn, nhà báo đã đi trước thời đại của mình. Tuy được đào tạo qua nền học thuật  Khổng Mạnh, nhưng ông đã mạnh dạng chỉ trích những bất công của luân lý Tống Nho đối với thân phận người phụ nữ. Tư tưởng mới mẻ và tiến bộ qua cuộc tranh đấu cho nữ quyền đã bị chỉ trích và lên án gắt gao của nhóm thủ cựu, tiêu biểu nhứt là nhà văn nổi tiếng thời đóTản Đà Nguyễn Khắc Hiều. Nhà thi sĩ tài ba này lên án Phan Khôi là «phản đạo» và đòi đem Phan Khôi ra «Văn miếu Huế mà dánh đồn» Ngược lại, Phan Khôi được  sự hậu thuẩn của phe tân học, một thế hệ mới bắt đầu vươn lên.   Với ngòi bút, Phan Khội trong suốt cuộc đời của ông, đã tranh đấu cho tự do, dưới mọi sắc thái, và, dầu bi uy hiếp hay đàn áp, ông cũng không bao giờ chịu « bảy cong ngòi bút của mình » đúng theo tư thế của một người quân tử mà Khổng giáo đã trình bày qua câu « uy vũ bất năng khuất.

_______________

[1] Theo thiển ý của chúng tôi, đó là một nhận định sai lầm ; ngược lại, chính người Khách trú nhờ tài quản trị của vợ, (phần đông là vợ nhỏ), phụ nữ Việt Nam, mà tiệm buôn của họ được phát đạt. Xin dẩn chứng qua nhận xét này của Phan Khôi, trong bài « Xét về sanh hoạt của phụ nữ nước ta », PNTV 27/06/29, số 9,Tr. 12 : « nếu độc giả không tin, hãy điều tra nơi thành phố buôn bán lớn xưa, như Hội An, Hanoi, Nam Đinh, thì sẽ thấy có nhiều hiệu Khách nhờ một tay người đàn bà Annam chủ trì cho mà trở nên phát đạt thạnh vượng » Và ông còn thêm « cái mẩu nghi của đàn bà Annam không dâu bằng, đàn bà Tàu cũng phải chịu thua »

[2] Để nói rõ hơn, xin ghi thêm : vua có nhân với tôi, tôi có kỉnh với vua, cha co lòng từ với con, con có hiếu với cha, giữa người trong nước có chữ tín.

[3] Nội dung của phép tam cương : Qua bài xã luận đăng trong Phụ nữ Tân văn, số 85, ngày 3/ 6/ 1931, tr 5-8, ông xác định rằng phép Tam Cang (hay Tam Cương) được trích ra từ sách «Bạch Hổ Thông,» dưới Triều Hán Đế. Phép ấy được diển đạt bằng ba điều phục tòng vô điều kiện : phục tòng người dân đối với vua, con đối với cha, vợ đối với chồng. .Ngược lại, nó không dòi hỏi trách nhiệm của vua đối với dân. Như vậy phép Tam Cang đi ngược với phép Ngũ Thường của Đức Khổng. Phép này đặt ra tánh cách hỗ tương, có qua có lại, giữa nhà vua với dân, giữa cha con, giữa vợ chồng, giữa anh em giữa bạn bè.Những tương quan hay quan hệ trên được xây dưng không những trên nền tảng bổn phận mà  còn trên quyền lợi của mỗi người. Như vậy phép Ngũ Thường có thể đuợc xem là công minh hơn phép Tam Cang, đặt ra sau này chỉ để bảo vệ quyền hành nhà vua.

[4] Từ  sách Kinh Lễ của Khổng Tử, ta có thể lấy ra câu trích dẩn sau đây : «Nhứt mạng chi sĩ, phụ tử dị cung » (người nho học sau khi đi làm, phải rời nhà cha mẹ)

[5] Để khuyến khích tập tục nhiều thế hệ ở chung trong một đại gia đình, vua Cao Tôn đời nhà  Đường đã đích thân đến thăm ông Dương Công Nghệ đã có ưu điểm qui tụ được chín thế hệ cùng cư ngụ dưới một mái nhà.

[6] Phan Khôi, PNTV, 22/5/31 số 83, Tr. 9-11 «Gia đình xứ ta đã thành vấn đề rồi »

[7] PNTV 13/08/31, số 95,tr. 5-8

[8] Phan Khôi, Sđd, tr. 6

_____________

 

Sách sắp xuất bản: "Người Phụ Nữ qua văn học miền Nam ( 1858-1945)" - Tác giả: Nguyễn Thanh Trừng.