Mổ  Phaco

vlxuan
Vũ Lưu Xuân

Mùa hè năm rồi, tôi có dịp tháp tùng đoàn từ thiện tới thăm một trung tâm khiếm thị. Trung tâm có cây ăn trái, có bóng mát, có hoa cảnh, nằm trên một khu đất khá rộng ở ngoại thành.

Tôi ít đi đây đó, nên điều gì đối với tôi cũng lạ, từ kiểu chữ nổi, tới cách học vi tính của người khiếm thị. Ngay cả những bông hoa trong vườn, tôi không ngờ những bông hoa rực rỡ lại do chính tay các em vun trồng, nó để lại ấn tượng tương phản giữa vẻ đẹp của màu sắc với cảnh tối tăm. Đặc biệt hơn cả, anh Minh sáng lập và điều hành trung tâm cũng là một người khiếm thị đứng tuổi, anh muốn chia sẻ nỗi đau, cùng thành tựu của mình với những người đồng cảnh ngộ.

Trong đoàn có nhiều ân nhân, để chào mừng và để mọi người có thể trực tiếp đánh giá kết quả đạt được, trung tâm tổ chức một buổi biểu diễn âm nhạc. Tiết mục tương đối phong phú. Có màn độc tấu lục huyền, độc huyền, hòa tấu, tốp ca và đơn ca. Tôi đặc biệt chú ý một cô gái khoảng hai mươi. Lúc bước ra, cô không đeo kính đen như một số bạn. Nếu đôi mắt không đục như ruột nhãn, có thể nó khá đẹp, vì đó là kiểu mắt bồ câu, đuôi dài. Cô gái được giới thiệu tên Thanh, đã tốt nghiệp phổ thông. Trước mặt chúng tôi là một hình hài nhỏ bé,  thanh nhã, dáng dấp u sầu, hai tay vụng về đan chặt vào nhau, đầu hơi nghiêng, cúi xuống, để mái tóc dài phủ gần kín một bên khuôn mặt. Cử chỉ của cô khác hẳn kiểu cách của các ca sĩ chuyên nghiệp, đám ca sĩ ưa diễn tả cảm xúc bằng những cơn co giật, động kinh và những cử chỉ rất kịch. Nhưng khi Thanh cất tiếng hát “với bao tà áo xanh đây mùa thu...”, tôi bàng hoàng thấy một trời cảm xúc vỡ ra trong những âm thanh tràn ngập không gian. Điều đặc biệt, tiếng hát của cô gái trẻ lẽ ra phải thật trong, thì ở đây lại hơi khàn đục, nghẹn ngào, đó là tiếng hát của nước mắt chảy ngược vào tim, nó gợi một chút âm hưởng của Phương Thanh, một chút của Cẩm Vân nhưng mềm hơn, dịu hơn và tất nhiên cũng non hơn về kỹ thuật.

Khi Thanh hát xong, tôi đánh bạo đứng lên.
- Thưa cô Thanh, tôi muốn đặt một câu hỏi, được không?
- Vâng, nếu biết, em sẵn sàng trả lời.
- Nếu không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên, tôi muốn biết tại sao cô hát bài “Tà áo xanh” của Đoàn Chuẩn – Từ Linh?

Cô suy nghĩ mông lung:
- Thực sự vấn đề ông đặt ra, em chưa hề nghĩ tới, nhưng có lẽ thế này: em bị mù từ khi chưa đủ trí khôn, sau một cơn bệnh. Ông cũng biết trong ngôn ngữ người mù không có những từ chỉ màu sắc, vì nó vô nghĩa. Từ đó bài hát gợi cho em rất nhiều tò mò. Em không hiểu giữa trời mùa thu, tà áo xanh tạo ra ấn tượng gì. Sau nữa em đã từng sờ một chiếc lá vàng, nó đem lại cảm giác se cứng, vỡ vụn, nhưng lại không thể hình dung được vẻ đẹp của “lá vàng từng cánh rơi từng cánh”. Em chỉ linh cảm toàn cảnh rất thơ và dễ rung động lòng người. Em đã ao ước, dù chỉ một lần, được đắm chìm trong cảnh trời thu có tà áo xanh và có lá rơi từng cánh.

Cả gian phòng tràn ngập không khí yên lặng xót xa. Ở đời có ngàn vạn ước mơ nhỏ bé, đơn sơ rất khó biến thành sự thật.

Tôi lại đứng lên:
- Câu hỏi thứ hai có vẻ khiếm nhã, thiếu tế nhị, trước hết tôi xin cô thứ lỗi. Ngày nay người ta thường dè dặt dùng hai chữ “khiếm thị”, trong khi cô thản nhiên dùng từ “mù”. Theo cô có khác biệt gì không?
- Câu hỏi của ông rất thẳng thắn. Theo em cái vỏ bọc ngôn ngữ dùng để chuyển tải một nội dung. “Mù” hay “khiếm thị” có khác gì nhau, nó cùng chỉ một người mất ánh sáng, không thể nhìn thấy mọi vật chung quanh. Chúng ta loay hoay, bận bịu về ngôn từ một cách vô ích. Cốt lõi vấn đề là thái độ của người sáng mắt trong khi giao tiếp với người  mù. Em đánh giá thái độ một người không chỉ qua ngôn ngữ, mà quan trọng hơn, qua giọng điệu.

Câu trả lời phảng phất vị cay đắng. Đó là suy nghĩ rất chín của một cô gái hai mươi. Có lẽ bóng tối đã giúp đôi mắt tâm hồn sáng hơn. Câu trả lời cũng đặt cho chúng tôi nhiều vấn đề để tự hỏi lại mình, trước hết là sự chân thành và thói phô trương, kiểu cách.

Sau buổi chiều hòa nhập, tôi bỗng thích không khí ở trung tâm, có lẽ vì mặc cảm ngoại hình. Tôi cao chưa đầy mét sáu, vai lệch, đặc biệt trên trán có một cái bớt tím bầm. Hồi bé soi gương, cái bớt to bằng quả nhãn, bây giờ lớn ngang quả trứng vịt, chẳng rõ nó có lan rộng ra không, hay chỉ tăng trưởng cùng với tầm vóc. Cái bớt nằm vắt trên trán phải, kéo dài xuống mí mắt, phía giữa phình ra, chắc tại trán tôi dồ. Có người cười bảo trông nó giống trái tim. Điều khiến tôi khổ tâm hơn hết chính cái bớt quái ác đã làm tôi hoàn toàn thất bại trên tình trường. Có cô nói thẳng vào mặt:
- Ngó cái bớt của anh, đêm chiêm bao thấy ác mộng.

Té ra nó gớm ghiếc như vậy. May là cái bớt tím, nếu là bớt đen với chòm lông, chắc còn dị hợm hơn nhiều. Từ đó mỗi khi chợt nghĩ tới một cô gái, tôi lại tự nhắc mình:
- Trán mày có cái bớt.

Lập tức lòng tôi trở nên nguội lạnh. Không hiểu tôi đã đọc ở đâu bài viết của một triết gia Tây phương, cũng chẳng nhớ tên gì. Đại khái ông phân thích “cái nhìn”. Có những “cái nhìn” kẻ cả, lạnh lùng, tàn nhẫn, miệt thị khiến đối tượng bị tổn thương. “Cái nhìn” của tha nhân hủy diệt, đốt cháy chúng ta, muốn biến chúng ta thành số không, thành hư vô. Phân tích có vẻ cực đoan, quá tối, nhưng cũng đúng phần nào. Thế giới người sáng có quá nhiều rào cản khắc nghiệt, trường hợp tôi là một minh chứng. Tôi có cái bớt tím bầm trên trán, nên không đủ tư cách tham dự một số cuộc chơi. Trong thế giới khiếm thị, tôi tìm được một không gian để ẩn thân, một cảm giác an toàn. Ở đây không có những “cái nhìn”.

Từ đó tôi kiếm cớ đến trung tâm nhiều lần, tôi cũng giúp các em vài việc lặt vặt bên ngoài.

Lúc đầu thấy tôi sốt sắng, anh Minh có vẻ thận trọng, dò xét, không phải bằng mắt, mà bằng tai, đúng hơn bằng một thứ giác quan nào đó mà người sáng mắt không có. Một lần tôi đã nói thẳng với anh:
- Tôi có dị tật trên mặt, một cái bớt lớn, tím bầm.

Anh suy nghĩ một lúc rồi gật gù.
- Tôi hiểu.

Từ đó anh đối xử với tôi sòng phẳng, chan hòa. Anh bảo tôi:
- Về tuổi tác, chỉ cần nghe giọng nói cũng đủ biết anh ít tuổi hơn tôi. Tôi muốn gọi anh bằng chú, được không?
- Tất nhiên, có lẽ anh lớn hơn em gần hai con giáp. Em vốn ghét thói kiểu cách, màu mè, rào đón.

Tôi hỏi tiếp:
- Vậy em có thể đến đây hàng ngày được không?
- Có hề gì. Nhưng chú phải lưu ý một điều : không thể gây thêm bất hạnh cho những người vốn đã thiếu may mắn, ở đây không những anh chịu trách nhiệm về mặt vật chất, mà còn chịu trách nhiệm về đời sống tinh thần.

Tôi vắn tắt:
-Em hiểu.

Đó là giao ước giữa những người đàn ông.

Ở trung tâm, nhiều việc các em tự giải quyết lấy, nhưng cũng có một số nhu cầu cần đến những người sáng mắt, tôi luôn đứng cạnh các em trong trường hợp này, nó tạo ra niềm vui. Tôi là người bạn, không phải ân nhân. Tôi ghét từ “ân nhân”, ở đó có khoảng cách, nó gợi mặc cảm kém cỏi nơi người nhận, như thể họ phải dựa vào kẻ khác để sống qua ngày. Tôi cũng ghét hai chữ “từ thiện” nó có vẻ kênh kiệu, phô trương. Nếu coi việc đóng góp công sức chỉ là bổn phận đối với những ai kém may mắn hơn mình, thì không có khái niệm ban ơn và chịu ơn.

Dần dần tôi trở thành người thân của hầu hết các em. Con số thành viên lên tới gần năm mươi. Có em học chữ, có em học nghề. Đám học chữ cũng đủ mọi trình độ, lớp một, lớp hai có mà đại học cũng có. Tôi vốn là giáo viên văn, nhưng ở đây tôi không phải giáo viên chính thức, chính nhờ vị trí không rõ ràng mà chúng tôi dễ gần gũi nhau hơn. quan hệ đôi bên giống như anh em, bè bạn, không phải thầy trò. Cả cách xưng hô cũng vậy.

Các em lớp lớn thích nghe tôi nói về văn học lãng mạn. Ở đó có những khu vực các em chưa hề biết tới, có lẽ không bao giờ được biết tới với tư cách một người trong cuộc. Các em như kẻ đứng  ngoài cửa nhìn vào, khao khát. Đối với người khiếm thị, không gian của văn chương lãng mạn chỉ là thế giới mộng tưởng, phi hiện thực. Điều đó làm tôi cảm thấy xót xa. Trước mắt chúng ta, có những con người đã bị tước mất một nửa cuộc đời.

Trong những ngày này, tôi có nhiều dịp tiếp xúc với Thanh. Lúc đã thân, một hôm Thanh hỏi:
- Anh là người lục vấn em trong buổi biểu diễn phải không?

Tôi cười không trả lời.

- Em run muốn chết. Nhưng nếu giọng hỏi của anh khác đi, em đã không trả lời.
- Em biết không, chính cách trả lời làm anh chú ý tới em rất nhiều. Nếu các cô thí sinh hoa hậu có được phân nửa ngôn ngữ của em, khán giả sẽ đỡ khổ biết mấy.

Thanh hay hỏi han chuyện này, chuyện nọ. Cô chờ đợi câu trả lời để tìm gặp một chân trời mới. Một buổi chiều thơ thẩn trong vườn hoa, Thanh chợt quay qua tôi.
- Anh có thích hoa ngọc lan không?  Hương thơm ngọc lan làm em ngây ngất, nhưng năm ngón tay em chưa cảm nhận được hết vẻ đẹp của nó. Hình như một tâm hồn đẹp chỉ tồn tại trong một thể xác toàn vẹn?

Đại khái phần đầu câu hỏi thường chỉ là cái cớ, để đi vào một chủ đề nào đó trong cuộc đời. Tôi chọn cách trả lời đi thẳng vào chủ đề.
- Anh lại nghĩ khác, con người vốn bất túc, thường thì chúng ta được phần nọ lại hỏng phần kia, bởi vậy có những mỹ nhân lòng chỉ là khoảng trống vô phương lấp đầy, trái lại có nhiều bộ óc thông minh, nhiều tấm lòng nhân hậu ẩn kín trong một thể xác đầy khuyết tật. Đó là luật bù trừ.

Ở Thanh, “phần được” chính là một tâm hồn phong phú, bén nhạy, luôn rộng mở, đón nhận, để tự làm giàu.

Buổi chiều thư giãn, Thanh hay hát cho mọi người nghe. Có lần tôi hỏi:
- Em có thích bài “Biệt ly” của Doãn Mẫn không?
- Em rất thích nghe, nhưng không bao giờ hát. Một người mù như em có gặp gỡ đâu mà nói biệt ly.

Tôi ngập ngừng:
- Có đó, thế nào em cũng gặp mà.
- Đã được gặp, em càng không muốn hát bài “Biệt ly”.

Không hiểu sao những lần tiếp xúc ấy, đôi khi rất ngắn ngủi, cứ quanh quẩn trong đầu óc tôi. Tôi nhớ từng chi tiết nhỏ, từng câu nói, cử chỉ. Tôi sắp xếp, cố gán cho nó một ý nghĩa. Ba mươi không còn là tuổi mộng mơ. Vậy tôi là ai trong thế giới này? Thế giới của người sáng và thế giới người mù? Có điều lần này tôi không cần phải tự nhắc mình:
- Trán mày có cái bớt.

Anh Minh rất tinh tế. Một buổi chiều ngồi tâm sự, anh hỏi thẳng tôi:
- Anh hỏi chú, rất thành thật, chú có gì cho Thanh?
- Anh muốn hỏi về phương diện nào? Nhà lầu, xe hơi, hay địa vị xã hội?
- Những thứ đó bọn anh không cần.
- Cái em thật sự có là đôi tay và một trái tim.

Anh gật gù:
- Được.

Tôi tiếp:
- Có một câu anh nói, em luôn luôn ghi nhớ: “không thể gây thêm bất hạnh cho những người vốn đã thiếu may mắn”.

Anh cười, hoàn toàn thư giãn.
- Anh yên tâm.
- Anh yên tâm phần anh, còn em không yên tâm.
- Sao vậy?

Tôi không trả lời. Anh lại cười.
- Anh hiểu, chú cần thời gian, Thanh nó rất nhạy cảm.

Thời gian là một chiều thứ bảy. Hôm ấy có ông khách Việt kiều tới viếng trung tâm. Sau khi tham quan, ông tỏ vẻ hài lòng về những thành quả đã đạt, đặc biệt là cuộc sống tinh thần của các học viên. Trước lúc ra về, ông nán lại ít phút trong văn phòng, lúc ấy tôi cũng có mặt. Ông khách có vẻ mơ màng:
- Tôi mơ ước một xã hội trong đó tất cả bệnh tật đều được chữa trị miễn phí, mọi người khuyết tật xứng đáng được đền bù, vì thành tựu y học là tài sản chung của nhân loại. Hiện tại ước mơ ấy xa vời. Vấn đề chính, tôi định tài trợ chi phí cho trung tâm hai ca mổ Phaco. Khả năng  của tôi cũng chỉ có vậy.  Ông chọn người đi.

Trong lúc anh Minh chưa trả lời, ông khách tiếp:
- Tôi lưu ý ông, mổ Phaco là thay nhãn cầu đục bằng một nhãn cầu nhân tạo trong suốt. Bởi vậy, nếu khiếm thị vì nguyên nhân khác như tổn thương võng mạc hay rối loạn thần kinh thị giác, thì không thể áp dụng phương pháp này. Xin lỗi ông, tôi hỏi thẳng, ông bị mù từ năm nào hay bẩm sinh?
- Năm lên tám, lúc ở quê, tôi bị đậu mùa, sống được là may. Mấy chục năm nay y học đã chặn đứng được tai họa này, nhưng hậu quả của nó vẫn còn tồn tại, tôi rỗ hoa và đục nhãn cầu, hơn bốn mươi năm mất ánh sáng.
-Như vậy, tôi đề nghị một suất dành cho ông, vì ông là người trung tâm rất cần. Tuy nhiên phải xét nghiệm trước đã. Cũng cần phải nói trước, cơ may rất nhỏ.

Ông khách và tôi đều nóng lòng chờ câu trả lời. Anh có vẻ suy nghĩ mông lung.
- Tôi chấp nhận, nhưng xin hỏi, tôi điều khiển trung tâm có kết quả không?
- Tôi không nịnh, dù khiếm thị, phương pháp tổ chức của ông rất khoa học và hiệu quả.

Anh nói thật nhanh:
-Như vậy trong trung tâm còn nhiều người cần ánh sáng hơn tôi. Gần năm mươi em hiện sống ở đây, hơn mười em mắc chứng đục nhãn cầu. Tôi sẽ chỉ định hai em nếu được phép lựa chọn.
- Ai vậy?
- Một là Thanh, nó chuẩn bị vào đại học, mù năm ba tuổi. Nó mới lớn, ánh sáng giúp nó nhìn thật rõ hạnh phúc đang đến gần. Đứa thứ hai là thằng Toàn, mười hai tuổi, rất thông minh, hiếu học, ánh sáng giúp nó phát triển toàn diện, nó là nhân tài nếu được vun đắp. Lớn lên nó sẽ tìm ra phương pháp tốt hơn và rẻ hơn mổ Phaco. Tôi chờ chính tay nó mổ.

Giọng nói của anh chắc nịch, như một lời khẳng định tương lai tất yếu, đó là niềm tin vào cuộc sống, rất cần.
- Tôi đã chọn rồi, xin ông ghi hộ. Nguyễn Thành Toàn, mười hai tuổi và Nguyễn Thị Xuân Thanh, mười chín tuổi. Mọi chi tiết cần thiết, chúng tôi sẽ cung cấp thêm.

Tôi bàng hoàng trước quyết định của anh. Đó là một sự hy sinh. Khách về, tôi chạy vội đi kiếm thằng Toàn và Thanh.
- Các em sắp được mổ Phaco.
- Tức là sao?

Tôi cố tìm cách giải thích thật dễ hiểu:
- Một trong những nguyên nhân gây chứng khiếm thị là đục nhãn cầu, ánh sáng không thể xuyên qua để hội tụ trên võng mạc. Vào những năm năm mươi thế kỷ này, người ta đã rạch cái bao đựng nhãn cầu theo đường viền tròng đen, để gắp bỏ nhãn cầu cản sáng. Bệnh nhân được đeo một cặp kính cận rất dày, thường trên mười độ, nhờ đó có thể thấy mọi vật chung quanh. Tiến bộ hơn, người ta thay nhãn cầu đục bằng nhãn cầu nhân tạo trong suốt, đó là một kiểu thấu kính hội tụ có kích cỡ vừa bằng nhãn cầu, sau đó khâu lại. Trường hợp này bệnh nhân phải tiêm thuốc tê rất đau và lâu khỏi. Mổ Phaco là một bước tiến mới. Thay vì rạch một đường dài để gắp nhãn cầu đục ra, người ta biến nhãn cầu thành thể lỏng, hút ra được, còn nhãn cầu nhân tạo bằng chất dẻo có thể cuốn lại, khi nhét vào bao mắt nó tự động bung ra, bởi thế vết mổ rất ngắn, không cần khâu, khỏi cần tiêm thuốc tê, chỉ cần nhỏ vài giọt cũng đủ.
Lúc nãy có ông khách chịu tài trợ cho chúng ta hai ca mổ, anh Minh chọn hai em, hai em sẽ được mổ Phaco, có mừng không?

Nghe xong Thanh nhảy cẩng lên, cô quên mình bị khiếm thị. Còn thằng Toàn, đứa bé mười hai tuổi, nó giấu kín sự vui mừng trong vẻ trầm tư rất người lớn, niềm vui đến với nó quá đột ngột, nó lẩm bẩm:
- Mổ Phaco, mổ Phaco.

Rồi đứng lên, lần mò bước đi.

Còn tôi với Thanh, tình cảm của tôi rất lộn xộn, nửa mừng, nửa lo. Thanh sẽ thấy ánh sáng, sẽ thấy vẻ đẹp hư huyễn của tà áo xanh giữa trời mùa thu, đồng thời cũng thấy khuôn mặt tôi, khuôn mặt có cái bớt tím bầm. Tiếng nói của Thanh làm tôi giật mình:
- Anh nghĩ gì mà thừ người ra thế? Anh không mừng cho Thanh sao?
- Trên trán anh có cái bớt.

Đúng là câu trả lời chẳng đâu vào đâu. Tôi cầm tay Thanh đặt lên trán.
- Em sờ thử đi.
- Em có thấy gì đâu.

Bàn tay Thanh lần xuống khuôn mặt tôi, thật ra cái bớt thấm sâu vào da.

- Nó to bằng quả trứng vịt, rất dị hợm, có người bảo nó nhang nhác giống hình trái tim.

Thanh cười:
- Thế là anh có hai trái tim, một trái trong ngực, một trái trên đầu.

Có lẽ đúng, trái tim trên đầu thường xuyên tranh chấp với khối óc, biến tôi thành kẻ hồ đồ.
- Người ta bảo trái tim đàn ông có bảy ngăn, mỗi ngăn dành cho một cô. Anh có hai trái tim, vị chi là mười bốn ngăn, sướng nhất anh rồi.
- Không đúng đâu, trái tim trên đầu chung cho bá tánh, còn trái tim trong ngực dành riêng cho một người con gái.

Lời nói thốt ra, không thể nuốt lại, đây là lần đầu tiên tôi bạo gan, bạo phổi. Thanh hỏi:
- Ai vậy?

Thanh nhìn thẳng vào mặt tôi , chờ đợi. Không phải, cô không nhìn, cô lắng nghe tôi nói, vậy mà tôi chỉ trả lời rất vu vơ:
- Rồi mai em sẽ hiểu.

Tôi tự nhủ còn chờ tới bao giờ, không nói liền, tới lúc Thanh sáng mắt, có thể tôi không đủ can đảm nói nữa, Thanh sẽ thấy cái bớt dị hợm trên trán. Nhưng vẻ khẩn thiết của Thanh làm tôi luống cuống, cuối cùng tôi vẫn không nói rõ.

Bỗng Thanh nắm chặt tay tôi, khẽ lắc.
- Nói đi anh, ai vậy?

Lần đầu tiên Thanh tỏ ra mạnh dạn, có lẽ viễn ảnh một ngày mai được thấy ánh sáng đã đánh tan mọi mặc cảm. Cô thấy mình bình đẳng với mọi người. bình đẳng khi đối mặt với một thứ quyền chính đáng: quyền yêu thương. Tôi nói rất nhỏ:
- Nếu anh không nói, liệu em có hiểu không?
- Em hiểu, nhưng em vẫn muốn nghe chính miệng anh nói. Bọn con gái rất vớ vẩn, nhiều khi muốn nghe lập đi lập lại một câu nói đến nghìn lần.

Tôi đặt tay Thanh lên ngực mình.
- Em có nghe thấy gì không?
- Tiếng tim anh đập cuống quýt.
- Nó đang cố nói thật nhanh để bắt kịp cảm xúc. Nó nói hộ anh rồi đó. Nó lập đi lập lại nghìn lần một câu.

Thanh gục đầu vào ngực tôi. Lần đầu tiên có người con gái gục đầu vào ngực tôi. Tôi vụng về, rất vụng về tận hưởng cảm giác êm ái, bay bổng. Tôi lập lại một cách vô thức:
- Trên trán anh có cái bớt tím bầm.
- Anh có hai trái tim, nên rất nhân hậu.

Lần đầu tiên tôi được nghe lời khen từ cửa miệng một người con gái. Năm nay tôi đã gần ba mươi, vậy mà nhiều điều mới cảm nhận lần đầu.

Thanh tiếp:
- Còn chúng mình tổng cộng có ba trái tim, nếu hai trái cãi nhau, trái thứ ba đứng ra giải hòa, như vậy suốt đời chúng mình sẽ không giận hờn nhau, đúng không?
- Đúng, suốt đời anh sẽ không giận hờn em.

Trước khi chia tay, một ý nghĩ thoáng trong óc.
- Hôm nay tự nhiên anh muốn nghe bài “Biệt ly”, anh muốn thật đó.
- Không bao giờ.
- Em hát thử một lần, anh muốn nghe thật đó.
- Không, em không hát, không bao giờ hát.

Tôi nghĩ tới ánh sáng, tới cái bớt. Tôi đứng dậy, bỏ đi.

 

Về nhà, buổi tối tôi ngồi vào bàn viết, tôi có thói quen tối tối viết hai, ba trang, không phải nhật ký, cũng không phải tiểu thuyết. Tôi ghi nhanh những cảm xúc, những biến cố, những điều mắt thấy, tai nghe, để mai kia khi đã chín hơn tôi sẽ lấy đó làm tài liệu sáng tác. Thực ra, tôi cũng có viết một số truyện ngắn gửi đi, nhưng chẳng báo nào chịu đăng, tôi bực tức đổ cho nạn bè cánh và thói đố kỵ. Bây giờ tôi tìm được nguyên nhân khác: tôi có trái tim trên đầu, nên mọi ý tưởng rất lộn xộn, hồ đồ. Hơn nữa, trong xã hội hiện đại, bộ óc với nhiều cuộn chất xám cũng đủ rồi, còn trái tim biết rung động chỉ là món trang sức phù phiếm, vô bổ, huống hồ tôi có hai trái tim.

Ngồi ở bàn, tôi nặn óc cố tìm đoạn kết cho câu chuyện tình của anh chàng tuổi ba mươi có cái bớt dị hợm trên trán và thiếu nữ khiếm thị sắp được mổ Phaco. Tôi thích những kết thúc có hậu, cho dù nó chân chất như kiểu Lục Vân Tiên với Kiều Nguyệt Nga. Đối với con người triền miên thất bại, kết thúc có hậu dường như chỉ tồn tại  trong mơ, cùng lắm trong văn học. Văn học có khả năng giải tỏa ẩn ức. Câu chuyện nên kết thúc thế nào cho có hậu, lại vừa hợp lý, hợp tình. Lý – tình, lý – tình, trái tim trên đầu và khối óc lại bắt đầu xung đột với nhau. Tôi phác thảo trên trang giấy cái khung, để về sau triển khai chi tiết.

“Vừa sáng mắt, cô gái X đã thấy cái bớt trên trán anh  chàng Y, trông nó tức cười, nhưng cô vẫn yêu Y tha thiết, đó là tình yêu đầu đời. Sau thời gian hội nhập vào cuộc sống bình thường, giọng hát mượt mà của X thu hút sự chú ý của T, một ông bầu có thế lực. Từ đó, đêm đêm cô cắp tay anh chàng bớt tím đi khắp các sàn diễn.”

Không được, có lẽ nên để chàng Y đêm đêm ngồi đợi ở nhà, như thế hợp lý hơn mà vẫn tình tứ. Tôi gạch bớt câu cuối.

“Giọng hát mượt mà của X thu hút sự chú ý của T, một ông bầu có thế lực. Từ đó cô lao vào sức hút của ánh đèn sân khấu đầy bất trắc. Chính lúc cô bắt đầu chao đảo, đứa con đầu lòng của họ định hình, đứa con đánh thức thiên chức làm mẹ. X trở về trong vòng tay bao dung của Y”.

Không được, kết luận có hậu như ng gượng ép. Nếu không có con, mối tình của họ sẽ ra sao. Tôi gạch chéo đoạn sau, rồi cố phác thảo một giải pháp khác.

“Giọng ca mượt mà của X thu hút sự chú ý của T, một ông bầu có thế lực. Từ đó, cô lao vào sức hút của tiền tài, danh vọng như một thứ thiêu thân. Cô trở thành thần tượng của giới trẻ nhơ tiếng hát mượt mà, nhờ quá khứ khác thường, đặc biệt nhờ sự lăng xê của ông bầu lắm mưu ma chước quỷ. Rồi những buổi biểu diễn đến khuya, những ly rượu, những điếu thuốc để làm dịu bớt nỗi căng thẳng, nhọc nhằn. Cuối cùng mọi vầng hào quang đều có cái giá phải trả…”

Viết tới đây tôi nhận thấy câu chuyện đã bị đẩy đi quá xa, rất khó tìm một con đường cho X quay về, để kết thúc có hậu. Được, có rồi, tôi viết tiếp.

“Cuối cùng trong một cuộc xét nghiệm, X bị HIV dương tính. Mọi người quay lưng lại với cô, trước hết là các ông bầu. Thêm vào đó, những bài báo đầy ác ý của vài tay ký giả đã từng bốc cô lên tận mây xanh, những tay ký giả coi sự giật gân của cột báo nặng hơn tình người, tất cả tiếp tay xúi giục người ái mộ từ bỏ cô. Cô đập phá, tuyệt vọng. Trong một lần lang thang dưới cơn mưa cuối năm, X vô tình gặp lại Y, anh chàng có cái bớt trên đầu đêm đêm vẫn ngồi đợi cô về. Cuối cùng trong thế gian chỉ có một vòng tay ấm áp duy nhất xiết chặt cô vào lòng”

Không được, kết có hậu, ướt át, nhưng lại quá kịch, giống như vở cải lương của một soạn giả ưa trò chơi mùi mẫn. Trên hết, đó là sự xúc phạm nặng nề đối với người con gái dịu dàng, thuần khiết như Thanh.

Tôi vò nát trang giấy, vứt vào sọt rác.

Không được, không được, giải pháp nào cũng không được. Trái tim trên đầu rất phiền, chỉ muốn dẫm chân khối óc, để làm những việc dở hơi. Tất nhiên vẫn còn một kết thúc khác, vừa có hậu, vừa hợp lý hợp tình, nhưng đêm nay tôi chưa thể nghĩ ra. Kết thúc nào cho một cuộc tình.

Tôi nắn nót viết hàng chữ lớn giữa trang giấy:
“Thanh sắp được mổ Phaco”.

Vũ Lưu Xuân
(Trích tập truyện "Hương Hồng Quế " - Cội Nguồn xuất bản - 2009)