Bài viết tháng tư năm trước

Vẫn còn nước mắt

Đỗ Duy Ngọc

Tháng tư. Khi cái nóng miền Nam lên đến đỉnh điểm và cờ đỏ giăng đầy lối phố, là đến ngày kỷ niệm. Ngày mà cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng: Triệu người vui cũng có triệu người buồn.

Người bên thắng trận có triệu người vui, nhưng thật ra trong niềm vui cũng có chất chứa sâu kín nỗi buồn. Hàng ngàn thanh niên miền Bắc sinh Bắc tử Nam, đã đi và không về cho một chiến thắng cuối cùng. Họ nằm lại và cho đến giờ, cuộc chiến tranh chấm dứt đã 43 năm, gần nửa thế kỷ qua rồi, thịt xương của họ đã thành cát bụi, đã hoà lẫn với đất cát, tro than, cây cỏ. Người thân của họ vẫn trông chờ, tìm kiếm trong vô vọng. Những bà mẹ miền Bắc chiều chiều vẫn ngóng về Nam, thắp nén nhang gọi hồn con về. Cắm nén nhang lên bàn thờ nhiều khi chỉ là khung ảnh trống không có hình, nhiều khi chỉ ghi một cái tên, cũng có khi là chân dung của một người rất trẻ. Họ ra đi trong chiến tranh và không trở về trong ngày hoà bình, thân xác của họ được vùi vội vàng đâu đó và bây giờ không còn dấu tích. Bạn bè, đồng đội trở về nhưng họ không về. Có người cho đến giờ vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Và hàng ngày những bà mẹ già buồn bã vẫn đợi tin con. Ngày lễ chiến thắng nhiều người vui nhưng mẹ lại buồn dù con mẹ là người lính của đoàn quân thắng trận.

Một người không về là nỗi đau không riêng người mẹ, nó là nỗi xót xa, khổ đau của cha, của anh em và còn là nỗi đau của người vợ mất chổng, những đứa con lớn lên không biết mặt cha. Chiến tranh đi qua như một con lốc dữ, để lại những nỗi đau không lấp được.
Hàng dãy mộ bia trùng trùng điệp điệp ở Trường Son, ở các nghĩa trang liệt sĩ, nhiều đến không còn nước mắt để khóc thương.
Người ta có thể tung hô, hùng hồn đọc diễn văn, vui chơi với ngày chiến thắng. Nhưng những bà mẹ, người cha, người vợ làm sao vui khi vẫn chưa tìm thấy hài cốt người thân của mình, hay chỉ thấy con, cháu mình chỉ còn là nấm mồ hiu quạnh.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam, trong tất cả các cuộc chiến tranh kể từ sau năm 1945 (bao gồm Chiến tranh Đông Dương, Chiến tranh Việt Nam, Chiến tranh biên giới Tây Nam, Chiến tranh biên giới Việt-Trung và một số chiến dịch chống thổ phỉ và FULRO), cả Việt Nam có trên 1.140.000 liệt sĩ. Theo tài liệu thống kê của cổng thông tin điện tử ngành chính sách quân đội - Cục chính sách - Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng thì đến năm 2012, toàn quốc có 1.146.250 liệt sĩ và khoảng 600.000 thương binh, trong đó có 849.018 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.(Wikipedia)

Bên thua cuộc là hàng triệu người buồn. Họ bị mất nhiều thứ: công việc, nhà cửa, tương lai không biết về đâu? Là chia ly, là ly tán, là những bất hạnh dồn dập.
Họ cũng có những người thân cầm súng chết trong cuộc chiến. Và cũng có rất nhiều người không về. Trong cơn hoảng loạn của tháng ba, cả tiểu đoàn Thuỷ quân lục chiến bị kẹt lại ở biển Thuận An, pháo dội, súng nổ, nhiều người đã chết và vùi thây trong hố chôn tập thể. Trên con đường từ Phú Bổn về trong những ngày cuối tháng tư, bao nhiêu xác người đã nằm lại bên đường, họ nằm đó và cát bụi thời gian phủ thây họ, gia đình bặt tin và lấy ngày đó làm ngày giỗ. Những ngày cuối của cuộc chiến, xác người vẫn ngã xuống và nhiều người bây giờ cũng không tìm thấy xương cốt mộ bia. Rồi khi lá cờ của bên chiến thắng tung bay trên những thành phố, hàng trăm ngàn người vào trại cải tạo, và hàng ngàn người cũng không trở về, họ chết và thân xác được chôn vội vàng giữa vùng đồi núi xa lạ hoang vu. Người thân của họ đi tìm mà mấy người tìm gặp.

Con số 220.357 binh sĩ VNCH tử trận được Lewy dẫn từ tài liệu lưu trữ của Bộ quốc phòng Mỹ, tính từ năm 1965 đến năm 1974. Cộng thêm con số tử trận trong giai đoạn 1974-1975 và trước đó cho ra ước tính khoảng 300.000 tử trận. Nhà sử học R.J. Rummel đưa ra con số ước tính cao nhất có thể lên tới 313.000 tử trận.

Theo thống kê chi tiết của Jeffrey J. Clarke thì tính từ năm 1960 tới 1974, Quân lực Việt Nam Cộng hòa có 254.256 lính tử trận. Cộng thêm con số tử trận trong các năm 1956-1959 và năm 1975 thì số lính Việt Nam Cộng hòa tử trận ước tính là khoảng 310.000 người.

Sau năm 1975 ở miền Nam có hơn 1.000.000 người thuộc diện phải ra trình diện. Riêng ở Sài Gòn có 443.360 người ra trình diện, trong số đó có 28 viên tướng, 362 đại tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 sĩ quan cấp uý, 35.564 cảnh sát, 1.932 nhân viên tình báo, 1.469 viên chức cao cấp trong chính quyền, và 9.306 người trong các “đảng phái phản động”.

Hàng trăm ngàn người đi về phía biển, hàng triệu người bất chấp hiểm nguy đi ra biển và hàng trăm ngàn người chôn vùi thân xác dưới đáy đại dương. Hàng trăm, hàng ngàn người đàn bà bị hãm hiếp trên con đường đi về phía biển ấy, có người bị chết xác quăng xuống biển, cũng có người đi được đến nơi và sống đến bây giờ, nhưng dấu tích của vết thương theo suốt đời họ, không xoá được. Có hàng trăm, hàng ngàn cô gái bị bắt đi và mấy chục năm rồi không tin tức, có thể họ chết lần mòn trong những căn nhà chứa ở Thái Lan. Theo thống kê của cơ quan Tị nạn Liên Hiệp quốc thì có khoảng 500.000 người vượt biên đã bỏ xác ở biển Đông. Thế giới cho rằng đó là cuộc di dân tồi tệ nhất của lịch sử.
Nỗi đau tức tưởi đó làm sao quên, nên tháng tư đối với họ là tháng nước mắt.

Như thế, trong ngày chiến thắng của bên thắng cuộc, cả hai phía vẫn còn những nỗi đau khó xoá. Cả hai phía đều vẫn còn nước mắt. Nước mắt khóc cho một dân tộc bất hạnh có cuộc chiến tranh dài nhất của thế kỷ hai mươi. Một cuộc chiến tranh giữa anh em mà đã 43 năm rồi vẫn chưa hàn gắn được. Thời gian đã trôi qua, cuộc chiến tranh đã lùi xa, nhưng VẪN CÒN NƯỚC MẮT.

15.4.2018
Fb. DODUYNGOC

__________________________________

 

Một thời cái nồi ngồi trên cái cốc

Phạm Thắng Vũ

Chuyện Năm Xưa Nay Vẫn Còn Y Nguyên. Cái Nồi ngồi trên cái Cốc. Ngày nay nếu quý bạn thử hỏi một người Việt nào đó về cái nhóm chữ kể trên thì có thể người ấy sẽ lắc đầu, trả lời là không biết ý nghĩa nó chỉ cái gì ? Ngoại trừ những người đã từng sống trong khung cảnh của thời điểm: Cái Nồi Ngồi Trên Cái Cốc. Những ngày sau 30.4.1975 tại miền Nam VNCH.  Ngay khi CS vừa chiếm được thủ đô Saigon, người dân miền Nam đã thấy bộ đội CS kéo nhau (từ nơi đóng quân) đi rảo thành từng nhóm trên các dãy phố để xem phố xá miền Nam và đây cũng là dịp để người dân Saigon tiếp xúc với họ, người miền Bắc XHCN .
Những cuộc tiếp xúc ấy, dù chớp nhoáng, ngắn ngủi nhưng đủ để cho người dân Saigon có những nhận xét về tình hình miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN) là:
– Người dân miền Bắc sống trong một xã hội lạc hậu vì có rất nhiều bộ đội hoàn toàn ngạc nhiên khi trông thấy các tiện nghi rất bình thường tại miền Nam như quẹt gaz, máy cassette , máy hát dĩa , đồ chơi điện tử… Có bộ đội không hề biết Hoa Kỳ đã đưa được người (Niel Amstrong ngày 20.7.1969) lên được mặt Trăng. Kiến thức về thế giới sử, về lịch sử VN và nhất là về miền Nam VNCH của những bộ đội khác biệt hẳn với hiểu biết của người dân Saigon.
– Vai trò của Hoa Kỳ trong Đệ Nhị Thế Chiến đã được bộ đội diễn giải là tàn ác, diệt chủng khi thả bom nguyên tử (tháng 8.1945) xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki.

Trong những lần tiếp xúc đầu tiên, người Saigon rất ngạc nhiên khi thấy chỉ là anh lính mà một bộ đội có thể nói (thao thao bất tuyệt) về các đề tài chính trị nhưng chỉ ít lâu sau; Người dân Saigon khám phá ra là nếu trò chuyện với bất kỳ bộ đội nào, cũng đều được nghe họ nói cùng một kiểu y như vậy (hùng hồn dù chỉ một chiều). Chính thời gian nầy, những câu chuyện máy bay Mig nấp trên mây phục kich máy bay Mỹ hoặc bom hạt nhân mà Mỹ thả xuống 2 thành phố bên nước Nhật là do Liên Xô cho mượn… đã được các bộ đội kể ra cho nghe.
Phần các bộ đội, khi tiếp xúc với người dân của thủ đô miền Nam VNCH. Họ đã thấy đây một xã hội văn minh, người dân có cuộc sống sung túc gấp bội so với xã hội miền Bắc XHCN mà (trước đó không lâu) các cán bộ chính trị trong đơn vị họ vẫn quả quyết là người dân ở miền Nam VNCH phải sống trong cảnh nghèo đói cực kỳ. Đám chính trị viên quả quyết với họ rằng đế quốc Mỹ đã thu gom mang hết các tài nguyên, của cải ở miền Nam nên người dân không có cái gì để ăn thậm chí có quần áo không có và phải mặc áo quần làm bằng nylon… Đó cũng là một trong các lý do mà đảng và bạo quyền CS Hà Nội tuyên truyền để biện minh việc kéo quân vào xâm lăng miền Nam VNCH (nói là giải phóng người dân khỏi sự kềm kẹp). Chính vì kinh tế miền Nam vượt trội hẳn hơn miền Bắc nên khi dạo phố, bộ đội đều tròn xoe (và trầm trồ trong lòng) là miền Nam giàu có cực kỳ nhưng ngoài mặt thì họ đều một bài bản leo lẻo là xã hội miền Nam chỉ phồn vinh giả tạo.
Cũng một lò CS với nhau nhưng đám VC tập kết trở về miền Nam trong giai đoạn nầy lại có thái độ khác. Đa số im lặng không đả động gì về miền Bắc nhưng cũng có người lại nói thẳng (dù rất ít) là: Ngoài đó có cái mẹ gì! Trộm cắp thấy sợ luôn. Xe đạp phải có bảng số riêng, quần áo giặt phơi ngoài dây phải coi chừng không thì mất. Ai có cái đài (radio) đi đâu cũng phải mang kè kè bên người, sơ ý một phút là mất ngay.
Dạo phố chung với nhau từng nhóm để rồi bộ đội thấy mọi thứ trên đường phố như các cao ốc, xe gắn máy hai bánh, quần áo phục sức của người dân, hàng hóa bày bán trong các cửa hiệu có đèn đuốc sáng choang. Các tiện nghi mà người Saigon đang dùng trong nhà (ở miền Bắc XHCN chưa hề có) như TV, máy hát, tủ lạnh (lần đầu tiên trong đời họ mới được thấy, được biết) đều lạ lẫm, văn minh và cực kỳ hiện đại (chữ dùng của bộ đội). Rồi sau khi tiếp xúc với người dân và xã hội miền Nam lúc đó, có bộ đội đã bừng tỉnh (vì biết bản thân mình đã bị đảng và bạo quyền CS Hà Nội lừa bịp bao nhiêu lâu nay) nên họ đã thổ lộ (chỉ trong chỗ riêng tư kýn đáo với các thân nhân thôi) về nỗi buồn nỗi đau vì đã là nạn nhân của chế đô. CS (tương tư. Dương Thu Dương ngồi bệt xuống vệ đường Saigon mà khóc khi biết được sự thật).
Tuy vậy, một chuyện vui trong thời điểm đó là người dân Sài Gòn đều biết là bộ đội CS rất thèm thuồng có được một cuộc sống như người dân miền Nam nhưng ngoài mặt, họ vẫn cố làm vẻ tỉnh bơ thậm chí có bộ đội còn nói xạo nói nổ là ở miền Bắc XHCN những thứ kể trên nhà nào mà chẳng có hoặc chạy chúng đầy đường (kể cả TV và tủ lạnh). Kem lạnh (Ice Cream) thì có bộ đội còn cả gan bảo là ở ngoài Bắc, dân ăn không hết còn phơi khô để dành.
Không biết thái độ nói lấy được nói cái gì miền Bắc cũng có và phẩm chất còn tốt hơn thứ ở miền Nam VNCH đang dùng là tự ái địa phương hoặc sĩ diện của người sống khác chế độ hay đây là một chỉ thị (từ cấp trên) bắt buộc các bộ đội CS khi tiếp xúc với người miền Nam VNCH phải nói láo, nói thánh tướng như vậy? Họ đã bị đảng, nhà nước CS nhồi sọ. Thêm một điều nữa là với những bộ đội đóng quân trong các thành phố miền Nam VNCH nầy, khi về phép hoặc phục viên (giải ngũ) thì đã bị chính trị viên đơn vị hội thảo (nhồi sọ, buộc phải kể lại (cho thân nhân ở hậu phương miền Bắc nghe) là miền Nam VNCH vô cùng lạc hậu và đói nghèo (không có cái gì để ăn). Chính vì vậy mà có rất nhiều người dân miền Bắc đã mắc lừa thêm một lần nữa khi họ cố hết sức để mang vào miền Nam ít kg gạo, thuốc chữa bệnh và quần áo (cũ rách của họ) để tiếp tế ngay cho các thân nhân di cư từ năm 1954 đang sống tại Saigon.
Đây là trường hợp dở khóc dở cười (chở củi về rừng) của các thân nhân người viết bài nầy khi họ vào thăm gia đình ngay sau khi thiết lộ (đường sắt Thống Nhất) xuyên Việt vừa khai thông. Ngay học gia? Nguyễn Hiến Lê, một người luôn có tình cảm với phe CS nhưng chỉ một thời gian ngắn sau ngày 30.4.1975 đã viết như sau (trong hồi ký):” Mấy anh bộ đội bị nhồi sọ, trước 1975 cứ tin rằng miền Nam này nghèo đói không có bát ăn, sau 30.4.75, vô Saigon, loá mắt lên, mới thấy thượng cấp các anh nói láo hết hoặc cũng chẳng biết gì hơn các anh”. Có thể như vậy thật vì sự dối trá bắt đầu từ cấp lãnh đạo rồi xuống dần các cấp thừa hành và sau cùng là người dân lãnh đủ.
Ngay trong khu phố của người viết bài nầy có một tiệm Kem. Một bộ đội ghé vào, được nếm món Kem lạnh quá ngon nên khi quay về chỗ đóng quân (trại lính, căn cứ của chế độ cũ), bộ đội nầy đã kéo thêm vài đồng đội khác trở lại tiệm và gọi người chủ mang ra cả mấy khay đầy Kem để cả bọn ăn cho sướng miệng. Để rồi, những ngày kế đó, các bộ đội nầy tìm gặp chủ tiệm Kem để buộc tội định đầu độc họ vì sau khi ăn Kem về tới doanh trại, cả bọn đã bị Tào Tháo đuổi liên tục.

Nhiều người vẫn kể về câu chuyện tiêu biểu cho hình ảnh lạc hậu của bộ đội là chuyện về cái Nồi ngồi trên cái Cốc.
Chúng ta hãy hình dung ra một hình ảnh một tay bộ đội (bên vai đeo lủng lẳng một máy radio) làm ra vẻ bình thản bước vào một tiệm cà phê đông người. Tay nầy kéo ghế ngồi tại bàn, mở radio ra nghe nhưng kýn đáo quan sát các thức uống khách đang dùng trong tiệm mà (với y ta) có một món là lạ ở trên bàn của những người khách ngồi gần. Chủ tiệm thấy khách là bộ đội, vội bước đến hỏi:
– Anh bộ đội dùng thứ gì đây? (có nghĩa là ông quyền muốn uống thứ gì chủ bán trong tiệm).
Tay bộ đội nầy rụt rè chỉ ngón trỏ vào món (mà  y không biết tên gọi ) đó, nói:
– Cho tớ (bộ đội thường xưng hô cậu tớ  trong giao tiếp) uống cái món đấy đấy. .
– Món gì?  Chủ tiệm ngạc nhiên, hỏi lại ỵ .
– Cái món… như là cái Nồi ngồi trên cái Cốc đó. Tay bộ đội trả lời.
Nhìn theo ngón tay của bộ đội chỉ, chủ tiệm và những người khách ngồi gần bên nghe được phải nín cười (cười công khai lúc đó thì coi chừng mắc vạ chẳng chơi).
Thì ra cái Nồi ngồi trên cái Cốc trong lời nói của bộ đội là ly cà phê Phin. Cái nồi là cái lọc cà phê bằng Nhôm đặt nằm trên trên một cái ly thủy tinh. Món cà phê Phin nầy du nhập vào nước Việt (cả ba miền Nam.Trung.Bắc) từ thời Tây thực dân chứ đâu có phải là thức nước uống mới lạ gì. Vậy mà các bộ đội miền Bắc khi đó lại không biết đến nó. Quá sức lạc hậu! Có người bào chữa cho là món cà phê Phin có thể là một thức uống xa xỉ trong một xã hội nghèo đói như xã hội CS miền Bắc khi đó. Có thể trong các hàng quán thông thường (cửa hàng giải khát quốc doanh) không có nên bộ đội mới không biết đến hình thù nó ra sao. Giờ bắt gặp, thấy lạ nên mới hỏi.

Trong thực tế, hầu như ở bất cứ quốc gia nào cũng đều có những thứ hàng thuộc loại xa xỉ, mắc tiền mà người dân nghèo nơi đó không dám dùng (vì không dư giả tiền bạc) nhưng họ vẫn biết có sự hiện hữu của chúng trên đời nầy. Còn như không biết đến chúng (như món cà phê Phin nhan nhản ở các nước) thì chỉ do người dân bị chính quyền nơi đó bịt mắt không muốn cho biết mà thôi. Chuyện cái Nồi ngồi trên cái Cốc tưởng như là một chuyện đùa (kiểu chuyện khó tin nhưng có thật) đã được truyền miệng như một câu chuyện cười dân gian kể từ đó.
Nhưng, chỉ vài năm sau, nhiều cán bô. CS khác (sau khi đã sống trong miền Nam rồi) đã cãi cối cãi chầy với người viết bài nầy là làm gì mà có chuyện bộ đội như Mán Về Thành được. Các cán bộ nầy cho là một quân đội từng đánh thắng hai tên Đế quốc sừng sỏ của thế giới là Pháp và Mỹ thì nhất định quân đội đó không thể nào…Cả Quỷnh như vậy được. Tất cả chỉ là luận điệu tuyên truyền của bọn địch thôi (nhằm làm giảm hình ảnh hào hùng, thanh nhã của bộ đội) và có nhiều người trẻ bây giờ cũng tin là vậy. Nhưng những hồi ức của các cán binh kể lại (trong trang báo QDND) ở dưới đây cho chúng ta thấy các chuyện tương tự cái Nồi ngồi trên cái Cốc đã từng xẩy ra.
… xin trích… “Tôi ra gọi một chiếc xe lam. Cậu y tá tên Thành, người Thái Bình ở trung đoàn bộ được điều đi giúp tôi lấy giấy in báo. Khi ra đường thấy chiếc xích lô máy chở nước đá cây đang lóng lánh bảy sắc cầu vồng trong nắng tháng Năm Saigon, vì dân quê đi bộ đội là vào rừng, lần đầu tiên đến thành phố nên Thành không biết đó là thứ gì, Thành níu vai tôi la toáng lên:
“Anh Khôi ơi! Kim cương! Kim cương nhiều chưa kìa!”. Tôi nín cười, mắng: “Im đi, họ cười cho đấy, đó là nước đá, họ làm đông nước thành đá!”. … Ngay buổi sáng 1.5.1975 đi chợ mua chục con cá lóc. Anh về đếm mãi vẫn cứ 12 con, bèn lật đật ra chợ tìm cho được bà bán cá trả lại hai con vì “tội người ta”, “buôn bán kiểu này thì lời cái gì”. Khi anh tìm được bà bán cá, bà cười toáng lên: “Chú giải phóng ơi, “một chục” ở đây là 12 chứ không phải mười nghen!”. Anh về kho nấu bữa tối, còn hai con cá để lại ngày mai , anh cho vào chỗ bồn cầu vì thấy ở đó có nước! Sáng mai anh đi bắt cá để nấu cháo thì cá không còn nữa. Anh đi báo cáo thủ trưởng, tưởng có người làm mồi nhậu ban đêm. Đến nơi ai cũng ôm bụng cười vì cá thì mất, mà cầu thì tắc, phải nhờ ông thợ hàng xóm sang thông hộ”. … hết trích.

Thói đời, người nghèo thì ghét kẻ giàu có và người dốt không ưa người khôn ngoan. Người vô học, hành xử khác người có giáo dục và người lạc hậu thì xa lạ với các cử chỉ văn hóa. Buổi trưa ngày 30.4.1975, các chính khách trong nội các của Tổng Thống VNCH Dương Văn Minh đã ngỏ ý mời các sĩ quan CS trong lữ đoàn xe tăng 203 (đơn vị chiếm được dinh độc lập) dùng bữa tiệc mà họ đã dọn sẵn để khoản đãi đại diện phía bên kia (phe CS) khi vào dinh nhận bàn giao chính quyền. Bữa tiệc được kể là có món Súp Cua nấu măng Tây, rượu Champagne … nhưng thái độ niềm nở của chính quyền miền Nam VNCH khi đó đã bị các sĩ quan CS nầy từ khước. Thay vào đó, các sĩ quan CS nầy đã buộc các chính khách trong nội các của Tổng Thống Dương Văn Minh phải ăn một bữa cơm trận mạc (chỉ có lương khô hoặc cơm với thịt lợn kho đóng hộp, hàng viện trợ của Trung Cộng). Thái độ của các sĩ quan CS nầy tương tự như cách hành xử của một cán bộ CS cao cấp khác khi y nhận bàn giao chính quyền từ tay viên đại tá tỉnh trưởng tỉnh Bạc Liêu. Viên đại tá VNCH tỉnh trưởng nầy sau khi bàn giao chính quyền xong, đã mời tay cán bô. CS đại diện dùng một bữa ăn tại một nhà hàng trong thị xã. Bữa ăn vừa chấm dứt thì chính tay cán bô. CS đại diện đó đã ra lệnh cho thuộc hạ còng tay viên đại tá VNCH nầy và giải ông ta vào thẳng trại giam.

Không cho người dân biết đến các thông tin ở các nơi khác, nước khác thì đó là bức màn sắt, bức màn che hay bưng bít thông tin rồi. Trong một xã hội mà người dân bị chính quyền bưng bít các thông tin thì xã hội đó chỉ là một xã hội nghèo đói, lạc hậu (sợ người dân biết về các xã hội khác văn minh, giàu có hơn xã hội mình). Tệ hại hơn, đảng và bạo quyền CS miền Bắc lại còn buộc người dân phải nói láo về xã hội họ đang sống. Người dân mở miệng nói ra những điều lếu láo và biết người nghe mình biết đó là dối trá nhưng vẫn tỉnh bơ. Đó chính là tình cảnh của các bộ đội CS miền Bắc trong thời điểm đoàn quân họ vừa chiếm được miền Nam VNCH.
Bề ngoài ca tụng hết lời về cảnh sống ngoài miền Bắc nhưng thực tế thì lại khác. Những tháng kế tiếp sau ngày 30.4.1975 nầy, rất nhiều bộ đội khi quay về miền Bắc để đi phép hay giải ngũ (mà họ gọi là phục viên) thì người nào người nấy cũng cố mà mua sắm ít hàng hóa của miền Nam để làm quà cho mình và thân nhân. Người có tiền thì mua TV, Radio, Đồng Hồ đeo tay…Người ít tiền thì mua quần áo, đồ chơi… Hầu hết bộ đội có gia đình đều mua một Búp Bê bằng nhựa (có thể chớp mắt mở mắt) để làm quà cho con cháu mình. Có bộ đội thì chiếm đoạt hẳn đồ đạc còn lại (coi là chiến lợi phẩm) trong những căn nhà mà chủ đã di tản ra ngoại quốc khi họ đóng quân nơi đó.

Chính vì sống trong một xã hội lạc hậu nên có quá nhiều câu chuyện (mà ta tưởng là chuyện đùa, tiếu lâm tân thời như các mẩu chuyện kể trên) về anh bộ đội cu. Hồ sau khi được tiếp xúc với xã hội miền Nam VNCH. Xã hội miền Nam VNCH khi đó nếu là phồn vinh giả tạo (theo biện giải của các tay đầu lĩnh Hà Nội) nhưng cho dù có giả tạo thì người dân cũng vẫn còn có phồn vinh trong khi miền Bắc XHCN thì rõ ràng là có nghèo đói thật.
Thân nhân của người viết bài nầy là một bộ đội miền Bắc trong thời điểm 30.4.1975 khi đó. Khuôn mặt đầy vẻ ngạc nhiên và buồn bã, người bà con nầy thổ lộ tâm tình cho biết: Từ những chiến dịch ở Tây Nguyên (các tỉnh miền Trung VNCH), không hiểu tại sao mỗi khi bộ đội CS kéo quân đến bất kỳ nơi nào thì người dân miền Nam ở nơi đó đều tìm cách bỏ của chạy lấy người về phía quân Nguỵ? Rồi khi bộ đội CS vào được đô thành Saigon thì người bà con nầy mới biết miền Nam VNCH quá sức phồn vinh, bỏ xa lơ xa lắc miền Bắc XHCN. Nhiều người dân miền Bắc khi có công việc vào miền Nam, nếu dừng chân ở một khu phố nào đó trong Saigon (trong các năm sau 1975) thì họ tưởng như đang đứng trong một thành phố nào đó ở nước ngoài.
Thực sự trong lòng người dân miền Nam VNCH khi đó, không ai cười về những hành động những cử chỉ kiểu Mán Về Thành, Cả Quỷnh hay Không Biết Tại Sao…của các bộ đội miền Bắc nầy. Vì người dân miền Nam VNCH biết bộ đội (cũng như toàn thể dân chúng miền Bắc XHCN) đều là nạn nhân của thói bưng bít tin tức của lũ cầm quyền trong xã hội CS. Đám đầu lãnh CS Hà Nội không muốn người dân biết về một cái gì đó (như sự sung túc về kinh tế, sự dân chủ.tự do về chính trị của miền Nam VNCH) thì làm sao người dân miền Bắc biết được. Kể cả những thứ rất bình thường tại các nước (và tại miền Nam VNCH trước đây) như chuyện cái Phin lọc cà phê trong bài viết nầy.

Chiến tranh hai miền Nam Bắc VN đã lùi xa 34 năm rồi. Giờ đây, chắc chắn không còn ai trong nước Việt vào một tiệm cà phê lại buột miệng gọi món: Cái Nồi ngồi trên cái Cốc nữa (ngoại trừ họ đùa giỡn với nhau) nhưng ý nghĩa câu chuyện cái Nồi ngồi trên cái Cốc vẫn còn trong tư duy của đảng CSVN vì; Những điều thật bình thường ở các quốc gia khác hiện nay mà đảng CS vẫn muốn người dân trong nước Việt không được biết đến đó là các thứ quyền của người dân như: Cư trú, Lập hội, Ngôn luận, Ứng cử thậm chí Bãi miễn chính quyền nữa… Những món hàng Dân Quyền nầy vẫn xa lạ với người dân Việt trong nước mà nguyên do là các tay đầu lãnh CS Hà Nội muốn duy trì như vậy.
Tự do cư trú, quyền lập hội lập đảng mới, tự do ngôn luận, quyền ứng cử, quyền bãi miễn chính phủ… Nhiều thứ quyền mà người dân chưa hề thấy (kể từ khi đảng CS cai trị nước Việt tới nay), dù là trong Hiến Pháp CS đã ghi rõ rành rành. Duy trì một xã hội nghèo đói, lạc hậu là để người dân vì đói vì nghèo nên chỉ biết tìm cái ăn cái mặc còn tâm trí đâu mà tìm hiểu những quyền con người được hưởng để chống lại bọn cầm quyền. Hầu như xã hội CS nào cũng đều một cách thức điều hành đất nước y một kiểu như vậy.

Nhân ngày 30.4 kể lại câu chuyện cái Phin cà phê nầy, tác giả không có ý viết để dè bỉu để chê cười cái ngây ngô của bộ đội miền Bắc trong những ngày năm xưa đó mà chỉ muốn nhắc nhở với những người còn tin vào chế đô CSVN. Chính chế độ nầy đã đang và sẽ là rào cản mọi tiến bộ của đất nước nếu vẫn còn tiếp tục cai trị. Đám đầu lãnh CS Hà Nội hiện giờ vẫn cứ cố sức mô tả là người dân Việt trong nước có đầy đủ các thứ dân Quyền (theo kiểu ở ngoài miền Bắc chạy đầy đường nhưng thực sự là không hề có) giống y cách gọi cái Nồi ngồi trên cái Cốc năm xưa trong các câu chuyện kể về các bộ đội CS. Ai (người nước ngoài) mà nói dân ở VN hiện không có các thứ quyền nầy thì đều nhận được câu trả lời của đảng và chính quyền CS Hà Nội là người đó xuyên tạc tình hình (xã hội.chính trị) tại VN.

Viết để nhớ lại ngày 30.4.1975
Phạm Thắng Vũ

 

 

Đăng ngày 02 tháng 05.2019