TÂY DU KÝ

chan dien muc
Chân Diện Mục

Tôi không có được ngựa Thần như Huyền Trang, nhưng có ngựa sắt tàng tàng, một ngày đẹp trời, cũng đủng đỉnh đường thôn đường làng đi du hí nước Tây Phương cho thư giãn ngày nhàn tuổi xế bóng .
Qua một đoạn đường cát bụi có nhiều xe bò lóc cóc tới một cái cổng khá lớn, chung quanh toàn là trường gà và sòng bạc. Tôi tức cảnh sinh tình, có thơ rằng:
XÀ XÍA
Cứ chơi đi, cứ đặt đi
Tiền chùa ai xót ta thì cứ chơi
Ngoài kia bụi đỏ mù trời
Xe bò lóc cóc bên đời hoang sơ
Ai say xưa, ai hững hờ
Ai trúng quả đậm, ai chờ vận hên
Còn đây đất nước chênh vênh
Ai đem đặt cược dân mình bến mê
Còn ai giữ vẹn lời thề
Mà ai hiểm độc để chia hoa hồng
Hỏi đời bên đục bên trong
Tương lai nào biết xuôi giòng về đâu.

Tôi bước qua xứ bạn với tâm sự khó tả. Bạn không giống ta, mà cũng không giống với nhiều nước khác! Tóm lại, là một đất nước hiền hòa, dễ mến. Không ai ép buộc ai! Có thể gọi đây là một thứ dân chủ chăng!... Những người lính Cam pu chia ăn mặc ka ki vàng giống... như thời còn Pháp! Bạn chỉ cần lì xì anh ta 20.000 đồng tiền Việt là đi qua thoải mái (nếu nói đi đường gần, chiều về). Tôi nghe đồn rằng muốn làm lính ở đây thì... quá dễ. Bạn chỉ cần vào đồn nói: tôi muốn làm lính. Người chỉ huy phát cho bạn bộ quần áo lính, thế là xong. Bạn cứ việc ra đứng đường, xoè tay lấy tiền người qua lại. và rất tùy hỉ: ai đưa bao nhiêu lấy bấy nhiêu, không chê ít chê nhiều. Nếu bị chê ít, bàn tay vẫn xòe trước mặt, bạn thêm lên chút xíu, thế là vui cả làng! Vào lính không quân số, không tập tành, và cũng khó mà phân biệt được lính chiến với lính bảo vệ quan, công an điều tra với công an giao thông!. Cái ông chỉ huy cũng chẳng biết mình có bao nhiêu lính! Tôi kể những lời đồn này, nếu sai xin các bạn Campuchia miễn chấp! Ý tôi là chỉ nhấn mạnh cái tùy hỉ rất ư là dân chủ (!) bên xứ các bạn! Không ai yêu sách, làm khó dễ, gài bẫy, bắt giam để lòi tiền, ép cung, mớm cung! Tất cả đều tuỳ hỉ thôi! Quan nhỏ ăn ít, quan lớn ăn nhiều. Ai cũng hiểu rằng quan có quyền với cấp dưới và dân. Và như vậy rất ư là kỷ cương và lễ phép. Không có ăn xin, níu kéo dai dẳng, vì nếu có, quan sai lính bợp tai đá đít liền. Một nền dân chủ không khoe khoang, lộ liễu, không đá nhau một cách nham hiểm.

Nhiều người nói tếu rằng Cam pu chia là nước nghèo nhất Thế Giới vì có một trái cam mà cũng bu lại chia (!) Nhưng người dân sống trong thanh bình và thoải mái, lạc quan. Khoai lang ở đây chỉ to bằng ngón tay cái, lớn hơn thì bằng ngón cẳng cái nhưng ăn rất ngon, vừa bùi vừa ngọt. Xoài vườn cũng rất rẻ và ngọt. Hỏi ra thì họ chẳng biết u rê với phân ba màu là cái gì. Ở quê không hề có các thứ đó. Phnom Penh có, nhưng không ai rỗi hơi lên đó mà mua cái thứ quái quỷ ấy. Không ai khôn ranh và láu vặt như nước kia toàn mua đồ độc hại của Trung Quốc.
Đám cưới đám giỗ cũng tổ chức bình thường như xưa. Không ai in chức tước vào thiệp mời để nhận những món quà khủng. Không ai cáo tang cha mẹ nội ngoại hai ba lần! Không ai ngại rước cha mẹ quê mùa ra tỉnh, thuê đai người khác đóng vai cha mẹ như ở nước kia. Tôi càng hỏi càng thấy nước bạn rất ưu việt.
Một ông quan lấy đất hoang (dĩ nhiên khỏi phải xin xỏ) miếng đất rộng mười hecta, hàng rào inox, bên trong chỉ trồng thốt nốt và thả bò... chơi! Không như ở nước đàn anh, quan lớn làm dinh thự, lâu đài tráng lệ ở đồi cao, bãi biển là những nơi cấm dân...

Tôi đi về phía núi Tà Lơn, huyện Bô kor đang phát triển du lịch. Đường xá rất sạch sẽ, hỏi ra thì là đường làm từ thời Pháp, thế mà không có ổ gà, ổ voi! Không có nham nhở trục trặc như đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Nam Kinh, không bỏ hoang như con đường rất hoành tráng Thanh Hải – Lasha, Tây Tạng, và cũng không có những đường chưa xong đã nát, những cây cầu không đường dẫn, làm những chuyện xây vội vàng để thu phí. Không có những khu đô thị Ma gồm hàng trăm nhà cao tầng không người ở!
Xe đò và xe lửa thì ngồi, đứng vô tư, ngồi cả lên nóc xe, không sợ quá tải, nguy hiểm, không sợ vòi tiền, bắn tốc độ, Chủ xe không hẹn giờ, chạy nhanh để giành tài, bảo đảm giờ giao hàng! Cũng không ra lệnh cho tài xế chỉ được mỗi năm cán không chết quá hai người! Tài xế không de xe lại cán chết người bị thương nặng, vì bồi thường người chết còn hơn phài nuôi dưỡng người tàn tật suốt đời!!!

Ở Bô kor có cái nhà nghỉ mát của Thượng Hoàng Cam pu chia không thấy người ta trùng tu để thu tiền vào cửa. Thật là không biết làm kinh tế!.

Tất cả những nơi tôi đã đi qua như Lục Sơn, Kompongtrach, cửa khẩu Ton hon, suối ở Campot, bãi biển Kev đầu có một vẻ hiền hòa, thanh bình! Chợ Lục Sơn y hệt như chợ Việt, những tô bún, hủ tíu y như ở các tỉnh Hậu Giang. Cửa khẩu Tonhon (Từ Giang Thành qua sông Vĩnh Tế đi dăm cây số là tới chợ. Từ người mua tới chủ sạp là người Việt rất nhiều, tràn ngập các nhu yếu phẩm của hai nước. Tôi vẫn khoái nhứt là trái cây của người Miên rất ngon và rất rẻ. Ngọn suối ở Kampot ít nuớc, đi vào mùa mưa thì đẹp hơn. Ở vùng này có những khu vườn sầu riêng rất rộng, rất bắt mắt, toát lên một mầu thanh bình. Mùi vị Sầu riêng ở đây thì khỏi nói, có lẽ ngon hơn sầu riêng ở Việt và Thái Lan (truyền thuyết VN đã từng nói sầu riêng có nguồn gốc từ Miên).

Bãi biển Kev thì đẹp tuyệt vời (hình như được bầu là một trong những bãi biển đẹp nhứt thế giới). Nước biển mầu xanh biếc không thua nước biển Phan Thiết, Phan Rang... Tôi không dám ví nước biển này với ánh mắt của nàng Apsara. Nhưng thật tôi nao lòng và nổi hứng thơ. Tôi lại nghĩ tới ánh nhìn của thần Bayon. Tôi bèn có bài thơ cảm tác ở bãi biển Kampot.

Đúng là đất nước của truyền thuyết Riêmkê. Xưa kia hào hùng nhưng nay khiêm nhượng, chung thuỷ, nhân hậu, vì người! Tôi đi từ suối đẹp Pam pot tới bãi biển Kev không thấy có hàng rào, thu phí đường, thu tiền vào cửa, mà cũng chẳng thấy những bảng nêu gia đình văn hóa! Thôn văn hóa!

Đi đâu cũng được đón tiếp niềm nở, chỉ dẫn tận tình. Dù đã trải qua chiến tranh, khó khăn, và từng bị lừa đảo... nhưng người dân không một chút than van, hờn giận. Ôi nụ cười của tượng thần Bayon, nụ cười nhân hậu, tha thứ. Đúng là đất nước của Phật Pháp: Thấu hiểu lẽ vô thường của văn hóa, lẽ vô thường của tình huynh đệ, lẽ vô thường của tình đồng chí! Tuyên truyền mà chi! Khoa trương mà chi!

02-12-2015
Cảm tác ở KAMPOT

Chân Diện Mục

 

Đăng ngày 08 tháng 01.2016