"KÝ ỨC SƠ SÀI"

Tấc lòng trĩu nặng

Thảo Dân

Tôi nhận được cuốn tùy bút KÝ ỨC SƠ SÀI của cựu nhà giáo, nhà phê bình văn học Nguyễn Anh Khiêm độ một tháng trước. Cuốn sách tới tay tôi sau ít nhiều trắc trở vì sự cẩu thả của người bưu tá. (Không hiểu sao, với những món hàng thuộc về vật chất thì người ta thường giao tận tay rất cẩn thận, bắt ký tá rõ ràng, nhưng với bưu phẩm là sách hoặc những vật phẩm liên can tới tinh thần thì họ sẵn sàng đưa nhờ bất cứ ai có thể cầm giúp, không cần biết đích danh người nhận). Nội việc này cũng hiểu ra nhiều thứ. Nhưng thôi, nói điều này trong một câu chuyện khác. Tới khi tôi nhận được sách, vừa kịp mở ra thì nhà có khách quen. Gặp vị khách ham đọc, lướt qua vài trang, bèn ngỏ lời mượn. Chỗ thân tình, nên tôi đồng ý. Bởi vậy, tôi được đọc sách muộn màng. Và đọc mải miết suốt đêm qua tới sớm nay. Không phải cố đọc cho xong, mà cứ bị cuốn vào lời văn chậm rãi, ưu tư đan xen chuyện xưa- chuyện nay ngổn ngang tâm sự. Giống như khi còn bé, được gối đầu lên chân bà cô- người bà thông tỏ chuyện kim cổ, nghe bà rủ rỉ kể chuyện đời.
Cuốn sách dày hơn 400 trang, được Người Việt Books xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ năm 2015, lấy nhan đề "KÝ ỨC SƠ SÀI". Chỉ cần đọc ít trang đầu, đã nhận thấy tính từ "sơ sài" thật chỉ là cách nói khiêm hạ chân thành. (Đọc sách của những bậc tiền bối Tây học thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hòa, thường thấy các vị  dùng những từ ngữ rất nhún nhường để nói về mình, hoặc sáng tác của mình, sự nhún nhường biết mình biết người chứ không hề giả bộ cung kính, khác hẳn kiểu ăn to nói lớn ca tụng lẫn nhau hoặc tự tụng ca mình của văn nghệ sĩ thời nay). Những "ký ức sơ sài" về làng quê, về phố phường, về nghề dạy học, về chuyện chữ nghĩa, văn chương... đan xen lời bình luận thâm trầm, buồn bã chứa đựng những ưu tư của một trí thức trước phận dân, mệnh nước. Tập tùy bút không lời đề tựa, không chương hồi, chỉ có các đoản văn đánh số thứ tự, không theo dòng thời gian mà theo những khoảnh khắc vụt sáng của ký ức, rồi chậm rãi kể lại, nhìn chuyện xưa, ngẫm chuyện nay. Dường như, ông viết cho con cháu mình, sau chia với những độc giả có chung nỗi niềm ưu ái chứ không định làm nhà này nhà nọ. Cuốn tùy bút của nhà giáo Nguyễn Anh Khiêm, trước hết, viết bằng Tiếng Việt đẹp của một người thầy dạy văn uyên thâm. Chữ nghĩa trong sách giản dị, chân phương, khúc triết và trong sáng.

Đọc tập sách, tôi ao ước.
Giá chi, tất cả các đồng nghiệp dạy Ngữ Văn phổ thông có lòng yêu nghề, yêu tiếng mẹ, yêu văn chương đích thực đều có thể đọc tùy bút KÝ ỨC SƠ SÀI để hiểu, ở một thể chế khác ngay trên đất nước này, dạy và học văn đã đi những bước xa thế nào, để thấy chính mình và học trò đã bị tước đi cơ hội dạy và học môn Văn ra sao, để ân hận vì mình đã làm thui chột và tiêu diệt tình yêu văn chương của trẻ đến đâu, ngõ hầu sửa sai chút nào hay chút đó, hòng chuộc lỗi với những tâm hồn bé bỏng. Giá chi, những nhà báo mậu dịch được đọc những dòng trăn trở của ông về những lỗi sai văn phạm, lỗi sai dùng từ phổ biến trên các đài, báo trung ương (ở địa phương chắc còn tệ hơn), thấy mình thiếu hụt những gì, để chịu khó bồi đắp vốn từ, để trui rèn nghề nghiệp hòng bớt nêu gương xấu phá hỏng ngôn ngữ Việt. Giá chi, mỗi ông cán bộ trước khi rao giảng đạo đức, lý tưởng, thì việc đầu tiên là chịu khó mỗi ngày đọc dăm ba trang sách để học nói cho có ngọn có ngành, đừng thì là mà rằng ậm ờ đánh đố người nghe. (Điều này e là khó, vì ngôn ngữ là sản phẩm của tư duy. Tư duy lỗi thì ngôn từ lỗi. Mà quan đọc sách có thể xếp vô mục Chuyện lạ thế gian, làm sao mà sửa). Giá chi, trẻ con đọc cuốn sách này, để hiểu mình đã bị tước đi cơ hội được học những điều tử tế, để bất bình mà phản kháng thứ văn trường ốc hạ giá kia.

Đọc tập sách, tôi thương.
Thương quê quán đẹp thanh bình tan hoang trong tháng ngày đạn bom và lại càng tả tơi hoang tàn khi không còn bom đạn. Thương người tài năng nhân hậu, sau ly loạn nội chiến lại âm ỉ loạn ly không tiếng súng. Thương "những người muôn năm cũ" chìm khuất mang theo bao châu ngọc nhân tình. Thương bao thế hệ học trò xã hội chủ nghĩa không được thụ hưởng nền giáo dục nhân bản, mà mình là một kẻ tiếp tay đào tạo ra những công dân, mới nứt mắt đã phải yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào, quên mất, đồng bào, trước hết là ông bà, cha mẹ, anh em, bè bạn... Thương lớp lớp người học văn mà không được tiệm cận văn chương đích thực. Chỉ có văn mang tính đảng, tính giai cấp nhưng thiếu vắng văn chương mang Tính Người. Tôi thương chính tôi khi phải dạy cho trẻ con những bài văn sáo rỗng, ý tình hời hợt. Mình không được quyền chọn lựa để thứ văn rác vẫn đường hoàng nhồi nhét vào đầu con trẻ, trong khi bao áng văn chương tuyệt kỳ của nhân loại phải nằm im trên giá sách và trong Kindle.

Đọc tập sách, tôi yêu.
Yêu một thế hệ tài danh có tuổi hoa niên ngập chìm trong chiến tranh, lê lết tù đày thời hậu chiến để rồi lớp đi, lớp ở, ai còn, ai mất, ai nằm lại cố hương, ai vùi thây nơi biển cả. Xin được lan man một chút. Nhiều người nhận xét rằng, chỉ 2 chục năm của Việt Nam Cộng hòa đã kịp giáo dưỡng một thế hệ nhân văn, khai phóng với biết bao nhân tài về mọi mặt. Nói vậy đúng, nhưng chưa đủ. Hai chục năm đó, về thực chất, đã được đặt trên nền móng vững chắc của nền văn minh mà người Pháp đưa vào cả gần thế kỷ (cho dù với tư cách của kẻ thực dân) chứ không phải bỗng dưng mà có. Hiểu như thế, để nhận thức rõ ràng rằng, sau này, vào thời hậu cộng sản, dựng lại rừng thì dễ nhưng dựng lại người, phải tốn cả trăm năm. Di họa khôn cùng. Quay trở lại, thế hệ tài danh mà tác giả Nguyễn Anh Khiêm thiết tha nhắc tới, là những người cùng thời với ông, là những tên tuổi lừng lẫy văn đàn miền Nam, và sẽ còn mãi tới sau này, khi văn chương đích thực được tôn vinh như đáng ra phải thế. Thi sĩ Tô Thùy Yên, nhà thơ- nhà văn Thanh Tâm Tuyền được ông đặc biệt ưu ái. Ông gọi sách của mình là tùy bút. Nhưng đọc những trang bình luận của ông về thơ thi nhân Tô Thùy Yên, văn thơ Thanh Tâm Tuyền, thơ Bình Nguyên Lộc, văn Bùi Hiển, thơ Xuân Diệu... dù kỹ càng hay chỉ chấm phá, sẽ cảm nhận được sự cảm thụ văn chương uyên áo, tinh tế ở người thầy dạy văn qua hai chế độ. Tôi không ngần ngại gọi ông là nhà phê bình văn học chính danh. Có lẽ, cả cuộc đời mình, nhà thơ mà ông yêu nhất, say nhất là thi sĩ Tô Thùy Yên. Những cảm thụ của ông về thơ Tô thi nhân là chìa khóa cho lớp hậu sinh khi muốn đọc, muốn nghiên cứu nghiêm túc về nhà thơ lớn của tâm hồn Việt, tâm hồn Đông phương.

Đọc tập sách, tôi xấu hổ.
Xấu hổ khi bất giác so sánh nhân cách, sở học, lòng tự tôn, trách nhiệm người thầy... của mình với đồng nghiệp vong niên đáng kính. Thế hệ chúng tôi kém cỏi quá. Dốt nát biếng lười quá. Cá chậu chim lồng, giá áo túi cơm quá. Ngoài thi đua, ganh đua về thành tích để tên tuổi dễ bề thu hút học sinh, thì có được bao nhiêu giáo viên thành thực yêu nghề? Lỗi ở chúng tôi, và cũng không hẳn ở chúng tôi. Ai dung túng cho điều này, hẳn không cần phải nói.

Đọc tập sách, tôi kính trọng.
Kính trọng nỗi trăn trở, ưu tư, đau đời của một bậc trí thức có tấm lòng với quê hương. Kính trọng sự trung thực và chân thành trong mỗi trang viết. Nhắc về thời Việt Nam Cộng hòa, ông không ngại chê trách những nhược điểm của con người và thể chế khi đó, nhưng rạch ròi công nhận những giá trị tốt đẹp từ nền dân chủ non trẻ này. Ông cũng không ngại ngần tự phán xét những "lý tưởng trên mây" của mình "sau 75 đặt chân xuống đất". Trải khắp cuốn tùy bút, bất kỳ dòng chữ nào, cũng hoài hủy một niềm đau đáu phận dân mệnh nước sau khi trải bể dâu thời cuộc. So sánh với cụ Nguyễn Trãi, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm khi về nhàn... thì e mọi người cho là nói quá. Nhưng suy cho cùng, bậc thức giả nào sống vào thời mạt mà không có tấc lòng ưu ái non sông. Nỗi niềm này, đâu chỉ danh nhân mới có. Bởi vậy, KÝ ỨC SƠ SÀI mà tấc lòng trĩu nặng.
(Ban đầu, tôi định trích dẫn minh họa. Sau thấy trích trang nào cũng chưa đủ, bỏ trang nào cũng tiếc, nên đã xin phép tác giả sẽ đăng các trích đoạn riêng, như một cách bày tỏ lòng trân trọng những Ký ức không hề sơ sài, và Chú đã đồng ý. Tôi gọi ông là Chú, vì tôi bằng tuổi con trai lớn của ông. Độ chục năm trở lại đây, trừ họ hàng trong gia tộc, còn lại, tôi không gọi ai là bác, dù họ hơn tuổi Bố tôi. Vì tôi ngại nhắc nhớ một ông bác của toàn dân tộc).
Ơn Chú Khiem Nguyenanh  đã quý mến mà tặng sách cho cháu ạ.
5/12/2021

https://www.facebook.com/profile.php?id=100006028785891



Tản mạn về chiến tranh

trong thơ Tô Thùy Yên

Thảo Dân


Nhắc tới tên tuổi Tô Thùy Yên, các nhà phê bình thường liên hệ tới nhóm Sáng Tạo và bài thơ "Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu" như nhắc nhớ khởi điểm thi nghiệp của ông. Hẳn nhiên, điều này có lý. Tô Thùy Yên cùng với những tên tuổi: Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyên Sa, Quách Thoại, Trần Thanh Hiệp, Cung Trầm Tưởng, Sao Trên Rừng...đã làm thay đổi diện mạo thi ca miền Nam khi đó, với những cách tân cả về tư tưởng và nghệ thuật, thậm chí, có người còn nhận xét, nhóm Sáng Tạo đã làm nên một thời đại thi ca rực rỡ hơn cả Thơ Mới. Xin không bàn về đúng sai trong nhận định này, nhưng đánh giá đó cho thấy vai trò của Sáng Tạo với văn chương miền Nam lúc bấy giờ. Thậm chí, ngay cả phát ngôn viên của Sáng Tạo, nhà văn, nhà thơ Mai Thảo còn tuyên bố "Văn nghệ từ thủ đô Hà Nội đã chuyển vào thủ đô Saigon"! Nhận định của ông có thể chủ quan, nhưng để đối chiếu, so sánh thành tựu thi ca Nam- Bắc cùng thời điểm, với sự mai một tài năng của những tên tuổi Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Văn Cao...và nhiều thi sĩ kháng chiến khác sau 1945, thì thấy Mai Thảo không hẳn đã đại ngôn. Nhưng tôi lại mạo muội nhận xét rằng, phải tới khi nhóm Sáng Tạo tan rã (vào 1961),

Tô Thùy Yên gia nhập quân lực VNCH, trong thời gian ở trại lao cải, thời gian nối tiếp giữa những đợt tù đày và khi ly hương mới thực sự làm nên tầm vóc, chiều kích lớn lao của thơ ông. Tuy nhiên, không phủ nhận rằng, từ bệ phóng Sáng Tạo, Người Thơ Tô Thùy Yên hiện lên sừng sững ngọn cô sơn với những bản trường thi lộng lẫy ngôn từ, điệp trùng tình ý, tầm vóc tư tưởng vượt thoát thời đại với cảm hứng vũ trụ quan rợn ngợp, kỳ vĩ. Sẽ tới một ngày, những bài phê bình văn học về thơ Tô Thùy Yên nhiều hơn chính tác phẩm của ông, khi mà thơ ông ra khỏi giới hạn kiểm duyệt và được lưu hành rộng rãi. Để nói đầy đủ, thấu đáo về trước tác của ông, có lẽ, chỉ những người bạn sống cùng thời với ông, cùng chung giai đoạn lịch sử biến động, bão táp và bi thương thời chiến và hậu chiến mới làm nổi.

Sáng tác của Tô Thùy Yên mang đậm chất siêu hình, siêu thực mà ông là kẻ hành giả thấm thấu triết lý của các tôn giáo, cô độc đi, âm thầm đi trong bạt ngàn vũ trụ để rồi lặng lẽ, xót xa, băn khoăn trở về thực tại, không hề bị thực tại ấy ràng buộc, chi phối, mà thấm thía hơn sự hữu hạn của kiếp người, thấm thía hơn những đi về, được mất, hơn thua...chỉ là "vinh dự lầm than của kiếp người", để rồi một ngày "tất cả sẽ nguôi ngoai" trong cơn biến thiên của trời đất. Trong thơ Tô Thùy Yên, mật độ dày đặc những câu thơ, tứ thơ chất chứa tri thức uyên thâm về các tôn giáo, các trường phái Triết học, phải hiểu sâu sắc Lão trang, uyên thâm Phật pháp, am tường thánh tích Thiên chúa giáo mới có thể lĩnh hội trọn vẹn. Hậu sinh đọc thơ ông, chỉ mong cảm thụ được một phần sơ giản nhất. Có thể liệt kê vài ví dụ:
Kẻ lưu lạc chiều cuối năm về lại nhà
Ngồi chưa xanh cỏ một mùa xuân
Đã nghe động mồ khăn gói cũ...
...Thềm anh, nhớ đọng tượng khổ đọa
Tỷ, tỷ năm về qua chừng động lòng
Tiếp nhau hà hơi cho hiển sinh.
(Bãi nước rút)
...Bóng ta tách vượt ta.
Gió thổi qua truông, gió kéo qua đầm.
Ta mờ người chạy đuổi,
Càn, càn băng hiện đại lạnh rồi thây...
(Hồn vô sở cư)
...Phải ta đang sống chệch
Một dị bản nào đây của chính ta,
Mãi không vừa chập?
Nghiệp Khất giả, tiếng rao thương thảm.
Cõi trăm năm người nghe bất an.
(Khất giả)
...Ta đến đây,
Bờ bãi hỗn mang
Những di thể lên nấm lên rêu
Của những gì một thời huy hoàng.
Làm khách tạm,
Những chiều hôm nhìn lửa nhớ tiền  nhân...
(Ánh tàn dư)...


Thi nhân Tô Thùy Yên thời trẻ

Nhưng, Tô Thùy Yên tuyệt đối không phải là nhà tư tưởng, nhà  truyền giáo khắc khổ. Thơ ông, trước hết là hồn thơ Việt thuần thành, thẫm nhuần ca dao tục ngữ, một Việt Nam thăm thẳm bề dày văn hóa của một quốc gia có nền văn minh lúa nước, chất chứa hồn Phương Đông. Thơ ông là lời tự tình dân tộc, là lời hóa giải thương đau. Ông tự nhận mình "Tôi là Tô Thùy Yên là thi sĩ là người chép sử tương lai/ Vốn học hành dang dở nên ra đứng bờ cuộc đời ngó xuống hư vô".(Tôi, Sáng Tạo,11,8- 1957- Dẫn theo nhà phê bình Thi Vũ). Bởi thế, thơ ông là thi sử, cũng là tâm sử của con người chứng kiến giai đoạn bi ai nhất của dân tộc từ thời lập quốc với sự khách quan điềm đạm của bậc trí giả. Tô Thùy Yên có 3 gương mặt thơ, tương ứng với 3 thời điểm sáng tác trong cuộc đời ông: Người lính, Người tù và Người xa xứ. Người lính trong thơ văn cổ kim Đông Tây đã in dấu những tài năng trác tuyệt. Ngay cả nền văn học miền Nam khi đó, âm nhạc và văn học cũng không thiếu tác phẩm để đời của những nghệ sĩ khoác áo trận. Trong phạm vi bài viết nhỏ này, chỉ xin có vài lời sơ sài về bóng dáng chiến tranh trong mảng "Người lính" vừa đề cập.

Thơ Tô Thùy Yên viết về chiến tranh không nhiều, nhưng đó là những khúc bi ca khốc liệt, chân thực, như cuốn phim tư liệu không hề qua cắt sửa. Chiến tranh từ vùng quê lan về thành đô (Qua sông, Anh hùng tận- Chiều về trên phá Tam Giang). Chiến tranh hiện diện trên gương mặt lính, trên gương mặt nữ sinh, trên gương mặt địch thủ và, nhất là, hiện diện trong lòng nhân vật trữ tình. Trong "Qua sông" và "Anh hùng tận", Tô Thùy Yên như một đạo diễn tài ba, dựng thước phim ngắn, lớp lang bài bản, tất cả hình ảnh, hình khối, màu sắc, âm thanh, ngôn ngữ (độc thoại, hay là đối thoại?) nén chặt trong những cảnh quay chậm. Cả hai bài thơ đều tái hiện khung cảnh bến đò thời chiến ở vùng châu thổ Nam Bộ, nổi bật giữa đất trời là xanh màu áo lính.
Ở bài Qua sông, bối cảnh:
- Không gian: Không phải "Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách" mê hoặc lòng lữ khách trong Tỳ bà hành (Bạch Cư Dị), không phải "Bến Tiêu Tương chàng còn ngoảnh lại" quyến luyến, bịn rịn trong Chinh phụ ngâm khúc (Đặng Trần Côn), không là "Quân tại Tương giang đầu/ Thiếp tại Tương giang vĩ" trong Trường tương tư (Lương Ý Nương), mà là một bến đò đông nghẹt những đoàn quân xa đi tiếp viện chiến trường. Ống kính mở ra khẩu độ rộng: bến sông thời chiến "Đò nghẹn đoàn quân xa tiếp viện" ở vùng sông nước Nam Bộ và thu hẹp lại, đặc tả trong "Quán chật xanh lên rừng lính ướt"- Một rừng lính gội mưa gió ngồi chờ đợi được tiếp viện cho chiến trường bên kia sông.
- Thời tiết: mưa lâu, trời xám tái trĩu nặng mây (Trời mốc).
- Thời gian: Chiều muộn, những cánh cò bay xiêu lạ tìm về tổ. (Chiều mập mờ xiêu lạc cánh cò).
- Hành trình: Con đường tới nơi nhận nhiệm vụ hun hút như nỗi nhớ. (Con đường đáo nhậm xa như nhớ).
- Nhân vật: Những người lính ướt run khi trải qua những cây mưa nhiệt đới, trên những chuyến quân xa, gương mặt bơ phờ mưa gió). (Quán chật xanh lên rừng lính ướt/ Mặt bơ phờ dính gió bao la)
Từ bối cảnh không- thời gian- thời tiết như vậy, trong mùi thuốc khét, chiến hữu sát bên nhau, chia sẻ những câu chuyện đời trai nơi khói lửa.
Bi thương, nhưng không bi lụy, mà đậm chất bi hùng. Không phải hùng tráng của "Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt" động tâm những "Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo việc binh đao" để lập công danh, mà là bi hùng của người trai thời loạn, những kẻ "Tới đây toàn những tay hào sĩ.  Sống chết không làm thắt ruột gan", khi cần thì khoác chiến y, coi cái chết "nhẹ tựa hồng mao", ý thức được tất cả nghiệt ngã của đời binh nghiệp, nhưng nhìn chết chóc bằng một tâm thái bình thản bởi ý thức được sự hữu hạn, hư vô của đời người. Đời lính càng ngắn ngủi hơn. Người lính ở tư thế chấp nhận, không có sự đôn đốc của những lý tưởng lãng mạn hay sự cổ vũ của một chủ thuyết sắt máu, không ra trận với tinh thần "mãi mãi tuổi hai mươi". Người lính trong bài thơ mang tâm thế tự vệ, khi cần thì phải lên đường để cầm súng bảo vệ quê hương, bảo vệ châu thổ, bảo vệ người thân người thương. Hùng ở đó. Đẹp cũng là đó.
Suốt dọc bài thơ, không có bom rền đạn rú, không có cảnh chinh chiến nào. Chỉ màu xanh áo trận, "Khí ấm mù bay", "mùi thuốc khét", những "địa danh huyền hoặc" và cuộc đối thoại âm thầm. Bóng dáng chiến tranh hiện ra với những cảnh đặc tả, tận cùng sự bi thương, ai oán: "Tiếp tế khó- đôi lần phải lục/ Trên người bạn gục đạn mươi viên./ Di tản khó- sâu dòi lúc nhúc/ Trong vết thương người bạn nín rên./ Người chết mấy ngày chưa lấy xác/ Thây sình, mặt nát, lạch mương tanh...". Không vẻ đẹp hào hoa, dũng mãnh. Không hồ hởi ra đi lập công danh. Ngay cả căm thù cũng không nốt. Nhà thơ chỉ tái hiện khoảnh khắc bi ai của chiến tranh, mà người lính điềm nhiên chấp nhận. Hình ảnh thơ hiu hắt cộng hưởng bến đò mưa gió âm u khi chiều tối càng gợi vẻ thê lương ảm đạm. Thê lương ảm đạm nhưng không bi lụy, không bạc nhược. Sự can trường thầm lặng, coi cái chết như một mặc khải: "Xuống đò đời đã bỏ quên/ Một sông nước lớn trào lên mắt người". Phảng phất bóng dáng của những chàng Kinh Kha qua sông Dịch, bỏ lại đằng sau chuyện sống chết. Hoàn toàn không hiếu sát, hận thù. Dường như ngay thời khắc viết bài thơ đó, Tô Thùy Yên đã cảm thấu sâu sắc sự phi lý của cuộc chiến của những người nói chung tiếng Mẹ. Và trào dâng một nỗi xót xa cho tất cả những trai tráng phải cầm súng ra trận.

Trong Anh hùng tận, thi sĩ cũng lấy bối cảnh một "ngã ba sông làng sát nước/ Xuồng ba lá đậu kế chân bàn". "Những tay hào sĩ" gặp nhau trên đường hành quân, "Sống chết không làm thắt ruột gan./ Cũng không ai nhắc gì thân thế/ Có vợ con mà như độc thân". Vẫn không có cảnh chiến trận nào được phô bày. Không có chiến địa. Thậm chí, Tô Thùy Yên không dùng từ "chiến hữu", chỉ có ta- bạn, như trong một cuộc thám du bất đắc dĩ giữa đời vô tận. Nhưng bóng dáng tử thần hiển hiện. Người lính- những tay hào sĩ chỉ nhắc tới nó một cách thong dong, nhìn cái chết như một tất yếu "Bạn hỏi thăm ta cho có lệ/ Cuộc đời binh nghiệp. Ta cười bung:/ Còn mười tháng nữa lên trung úy,/ Có thể ngày mai, chửa biết chừng.". Ngày mai, bạn và ta- đều có thể được thăng cấp giữa chiến trường, khi "Áo quan phong quốc kỳ oanh liệt". Một ngày mai không mong muốn, nhưng nếu nó xảy ra, thì thản nhiên chấp nhận. Nhà thơ không tô vẽ để mỹ lệ hóa. Cũng không phản chiến ồn ào theo cách "Chính chúng ta phải nói hòa bình/ Khi đất này địa ngục dựng lên/ Chính chúng ta giành lấy mọi quyền/ Quyết chối từ chém giết anh em" (Chính chúng ta phải nói- Trịnh Công Sơn). Chỉ người chưa ra trận, chưa nhìn thấy cái chết của chiến hữu, chưa bị đạn thù bắn thẳng, chưa từng giáp mặt với lằn ranh sinh- tử nơi chiến trường... mới có thể buông lời hô hào sáo rỗng như vậy. Nhìn vào những cái chết của anh em, bè bạn, nhưng không bao giờ căm thù, hằn học. Thơ Tô Thùy Yên vượt lên mọi phân tranh giới tuyến. Nỗi đau và cái nhìn của ông là cái nhìn của Người Việt Lớn bao dung, thấu suốt vận mệnh và số phận dân tộc. "Chiều trên phá Tam Giang" là bài thơ thể hiện rõ nhất nỗi thao thức của một tấm lòng nhân đạo, một nhà tư tưởng đi trước thời đại và vượt thoát sự "mắc cạn" thể chế mà không ít nhà văn, nhà thơ lớn của cả hai bên đều sa xuống, để nhìn về đối phương, nhìn vào bản chất cuộc chiến và nhìn vào khúc quanh bất hạnh của Lịch Sử bằng tấm lòng nhân đạo thấm thía, có thể so sánh sáng tác của ông với những bậc tiên hiền của thi ca thế giới như Đỗ Phủ, Hugo, Saint John Perse ...

Xin được một chút ngoại đề, khá nhiều người biết tới bài hát cùng tên được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ nhạc, nhưng ít người đọc trọn vẹn bài thơ nguyên tác. Có thể, nói điều này không hài lòng người hâm mộ nhạc Trần Thiện Thanh, nhưng theo thiển ý của tôi, cho dù nhạc phẩm rất thành công qua giọng ca liêu trai của danh ca Khánh Ly, nhưng thực sự, nó phần nào làm cạn hẹp, nhỏ bé đi tầm vóc tư tưởng của bài thơ. Tô Thùy Yên không viết chuyện tình. Dường như, ông không có thơ tình. Một số bài nói về tình yêu, nhưng dung chứa trong đó là những suy tư lớn lao liên quan tới thời cuộc, những suy tưởng về phận người, phận quê hương dân tộc, bi tráng, mãnh liệt đầy mẫn cảm.
Bản trường thi 'Chiều trên phá Tam Giang" có 3 khúc. Khúc 1: Những lời độc thoại với kẻ đối địch, cũng là nói với chính mình về sự phi lý của chiến tranh tương tàn Nam, Bắc. Khúc 2, nói với người tình, từ đó tái hiện một Saigon hoa lệ có bề ngoài bình lặng, nhưng bên trong chứa đầy bất trắc của bóng ma chiến tranh. Khúc 3: Độc thoại với chính mình về những tang thương của thời cuộc, vượt khỏi sức bình sinh trước "bầy ác thú của lịch sử".

Xin được nhắc về khúc 1.
"Gã cộng quân sốt rét, đói/ Xích lời nguyền sinh Bắc tử Nam" và những lời tự vấn "Vì sao ta tới đây?/ Lòng xót xa, thân xác mỏi mòn/ Dưới mắt ngươi làm tên lính nguy./ Ví dầu ngươi bắn rụng ta/ Như tiếng hét/ Xé hư không bặt im,/ Chuyện cũng vô ích. Ví dầu ngươi gục/ Vì bom đạn bất dung,/ Thi thể chẳng ai thâu/ Nào có chi đáng kể./ Nghĩ cho cùng, nghĩ cho cùng,/ Ví dầu các việc ngươi làm, các việc ta làm/ Có cùng góp lại,/ Mặt đất này đổi khác được bao nhiêu?... Ngươi cùng ta ai thật sự hi sinh/ Cho tổ quốc Việt Nam- một tổ quốc...?/ Các việc ngươi làm,/ Ngươi tưởng chừng ghê gớm lắm./ Các việc ta làm, Ta xét chẳng ra chi./ Nên ngươi hăng điên, còn ta ảm đạm/ Khi cùng làm những việc như nhau..../ Ta thương ta yếu hèn/ Ta thương ngươi khờ khạo./ Cả hai cùng cam phận quay cuồng,/ Nên cả hai cùng mắc đường Lịch Sử,/ Cùng mê sa một con đĩ thập thành".

Thế đấy. Không một lời kết án đối phương, không một dòng thù hận (Ngay cả khi chịu đựng nỗi thống khổ bị tù đày, phải sống một cuộc sống "phó người"- từ dùng của nhà thơ Hoàng Hưng, thì thơ ông cũng tuyệt nhiên không có căm thù. Ông bao dung ngay cả với kẻ đối địch, bởi ông nhìn thấy đó chỉ là một thứ tội nhân kiêm nạn nhân kệch cỡm khi "Lịch sử lên cơn dữ bất thường" (Mùa hạn). Chỉ thăm thẳm một lòng thương xót, cho mình và cho người, cho nhân quần bị khốc hại bởi "đám chủ mới" mang ảo tưởng ngông cuồng cải tạo thiên nhiên, cải tạo xã hội, đòi "Lăn địa cầu ra khỏi lối xưa" (Mùa hạn). Vào thời điểm đó, ít người nhìn ra được sự phi lý, vô nghĩa của cuộc chiến tranh, gọi theo ngôn ngữ bây giờ là cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Nửa thế kỷ sau, những người tỉnh táo nhất mới nhìn ra đó là cuộc chiến mà người Việt buộc phải can dự và tham dự một cách bất đắc dĩ dưới sức ép của các cường quốc. Người Việt không được tự do chọn lối đi cho mình. Đó là bi kịch thời đại, và Tô Thùy Yên đã nhìn ra bi kịch đó bằng sự thông tuệ hiếm có. Phải chăng vì thế mà thơ ông luôn đượm nỗi ưu sầu về thân phận con người và đạt tới chiều kích hài hòa hợp nhất với vũ trụ?
Chiến tranh qua đi đã nửa thế kỷ. Nhưng trong lòng đất nước, trong lòng người Việt cả hai phía, chưa thực sự hòa bình. Và như thế, nếu được đề cử một sứ giả khiến cho những người Việt có lương tri thấu hiểu được mất mát, thấu hiểu được bi kịch dân tộc mà thương nhau hơn, xin trân kính đề cử Thi nhân Tô Thùy Yên, trước hết, chỉ với ba bài thơ mang dấu vết chiến tranh: Qua sông, Anh hùng tận và Chiều trên phá Tam Giang.
(Xin được bày tỏ lòng biết ơn với nhà giáo, nhà phê bình văn chương, người bạn thơ tri kỷ của thi nhân Tô Thùy Yên- chú Khiem Nguyenanh . Cháu lần đầu biết tới tên tuổi thi nhân từ một bài bình của chú, tình cờ thấy trên mạng. Và đó là một sự tình cờ đầy ý nghĩa, với cá nhân cháu).
23/9/2021
Thảo Dân

https://www.facebook.com/profile.php?id=100006028785891

 

 Đăng ngày 09 tháng 12.2021