Một thời mà không ai muốn nhớ lại

Phan Xuân Sinh

Lục lại một chút hồi ức: Một thời mà không ai muốn nhớ lại, và rồi, cũng không thể nào quên được!
Sáng 30-4-75, tôi dựng xe Honda ở bờ sông Sài Gòn, đứng nhìn chiếc tàu Hải Quân của VNCH cuối cùng rời bến. Người ta bỏ lại xe hơi, xe Honda, xuống tàu thong thả như một chuyến du lịch. Trong đầu tôi không có một chút xíu nào nghĩ rằng đó là lần họ vĩnh viễn rời đất nước. Thế nhưng không hiểu sao tôi lại đứng như trời trồng, không theo họ. Làm một cuộc viễn du cũng thích thú lắm chứ. Nếu như đất nước sau nầy tốt, đối xử tử tế thì mình lại trở về, có sao đâu.
Cái ân hận nầy làm cho tôi ray rứt mãi, nhất là những ngày đói khát, thất tha thất thểu ở Sài gòn… Những đêm tập trung “ngụy quân, ngụy quyền” ra phường hội họp, ngồi dưới đất nghe người thắng trận trong rừng mới ra, mang dép râu, đội nón tai bèo, xối xả chửi vào mặt người ngồi nghe là thứ bán nước, theo chân đế quốc, “Ngụy” tặc. Thấm đau cho cái ngu si không biết chọn lựa của mình, để bây giờ phải lỡ khóc lỡ cười.
Tôi lên xe Honda chạy qua Khánh Hội, người ta đang mở kho vơ vét. Tôi dừng xe ngồi nhìn. Một tay thuộc loại “anh chị” khiêng bao gạo 50 kí-lô trên vai hỏi tôi có cần mua không? Tôi gật đầu. Anh ta ném bao gạo trên yên sau xe Honda của tôi, không cần biết tôi đưa bao nhiêu tiền, anh trở vào kho vác bao khác ra ngoài, đứng dáo dác không có ai mua, anh cho tôi thêm một bao nữa để phía trước xe mà không lấy tiền thêm. Cửa kho mở rộng, ai muốn vào lấy cũng được, tội gì phải bỏ tiền ra mua.
Tôi chạy xe về nhà người bạn tôi đang ở nhờ. Yên tâm trong bụng không sợ đói. Tôi chạy qua lại tìm mua một thùng nước mắm, hàng “hôi của” nên trả bao nhiêu tiền cũng được. Như vậy, tôi vững bụng không còn sợ thiếu ăn trong những ngày sắp tới, trong những ngày tranh tối tranh sáng, vô chính phủ.
Về nhà mua một lít đế, mấy miếng khô cá, tôi và thằng bạn vừa nhâm nhi, vừa mở radio nghe ông Dương Văn Minh đọc diễn văn bàn giao đất nước lại cho người thắng trận. Xem như hạ màn một cách nhanh chóng, chế độ Miền Nam cáo chung, nhường sân khấu cho cộng sản điều hành đất nước. Hòa bình mà toàn dân khao khát đang thực sự “hiện thực”. Thế nhưng lòng người tan hoang, những chính sách sắt máu ụp trên đầu dân chúng. Đốt sách, cải tạo, đánh tư sản mại bản, đổi tiền v.v… toàn những món dân Miền Nam không thể nuốt trôi, ói ra máu.....
Đường phố áo quần lính chất đống, người người đi trên phố khuôn mặt ngơ ngác, không ai biết được mình sẽ đi về đâu. Mấy người trai trẻ hàng xóm mà tôi biết là những người lính Miền Nam, đi ngang qua nhà nhập vào uống rượu với tụi tôi. Hết lít nầy họ chạy đi mua lít khác. Tụi tôi ngồi nhậu tới chiều. Một bữa nhậu mà không có một tiếng nói to, âm thầm uống, hồn ai nấy giữ. Xong cuộc nhậu tự động ra về, chỉ chào nhau bằng cái gật đầu nhè nhẹ. Tôi thấy mọi người đều “xanh mặt”, mệt mỏi, lo sợ, như chờ đợi một cái gì không may ụp trên đầu mình.
Ngày hôm sau, có những người mang băng đỏ trên tay xuất hiện trong xóm và điều khiển xe cộ trên đường phố. Trong xóm tôi ở đường Minh Mạng, Phú Nhuận, có một ông ca sĩ nổi tiếng Sài Gòn, lái chiếc xe jeep của người anh trước đây là Trung Tá của Miền Nam đi Mỹ để lại, trên xe ông và những người mang băng đỏ chạy khắp Phú Nhuận, hò hét như các tay “cách mạng” thứ thiệt. Có lẽ thời điểm nầy tôi đã chứng kiến biết bao khuôn mặt tráo trở, họ không có một chút xíu ngượng ngùng, tiếp tay chỉ điểm, đắc lực làm tay sai. Quả thật, tụi tôi hồi đó không sợ những người cộng sản, mà sợ những thành phần nầy, họ làm bất cứ việc gì để lấy điểm. Nên tụi tôi thấy họ phải lo tránh xa. Không loại trừ thành phần nào trong xã hội Miền Nam, đâu cũng có thứ nầy. Qua Mỹ lại thấy ông ca sĩ nầy mặc đồ lính rằn ri hát những bài ca của lính. Họ thay đổi còn hơn tắc kè. Đúng là cuộc sống đầy những nhiễu nhương.

Chiến dịch Bài trừ Văn Hóa Đồi Trụy (21 tháng 5 1975)!
Bây giờ kể lại những chuyện nầy như kể chuyện đời xưa, nghe lại thấy tức cười. Tội nghiệp cho những con người yếu đuối, vì tìm một chỗ yên thân mà họ phải táng tận lương tâm, làm những chuyện ruồi bu. Mấy ông có người thân đi tập kết về thì dựa hơi, bắt nạt người khác, hoặc to tiếng khẳng định lập trường của mình. Trong lúc chưa có người thì người ta để yên, mượn tay các ông để răn đe người khác. Khi có đầy đủ nhân sự thì cho các ông “chầu rìa”. Lúc đó các ông mới biết cái “lố bịch” của mình đối xử với anh em thì đã muộn. Có người phải tránh mặt anh em vì khi gặp nhau ngượng ngùng mắc cỡ. Có người bắt đầu ngồi quán café chửi đổng vì bị thất sủng.
Có lẽ trong buổi giao thời, tranh tối tranh sáng, mình mới thấy được những bộ mặt “ghê tởm” nầy xuất hiện. Họ như những tên hề đứng trên sân khấu múa may mà không biết trơ trẽn, lớn tiếng chỉ trích anh em có chút máu “ngụy”, như một tay cách mạng chính hiệu. Cái trò chỉ điểm, tố cáo để kiếm điểm, tìm một chút địa vị, lúc ấy thật đáng sợ, anh em thiêm thiếp chịu trận, không dám hé răng. Cái bối cảnh lúc ấy thật nhố nhăng, thật sắt máu, nghi kỵ lẫn nhau, chà đạp nhau để vươn lên. Những người lập công cho “cách mạng” kiểu nầy dần dần bị đào thải, anh em thì xa lánh. Họ thui thủi như một bóng ma. Cho đến bây giờ thời gian quá lâu, mọi chuyện đã phôi pha, trong lòng mọi người không ai muốn nhớ lại.
Những năm đầu “giải phóng” người Miền Nam không ai ra được Miền Bắc để trông thấy ngoài ấy ra sao. Tôi có một thằng bạn thuộc “gia đình cách mạng”, muốn đi một chuyến ra Bắc, thế nhưng phải năm lần bảy lượt mới đi được, phải cỡ thứ trưởng bảo lãnh mới được cấp giấy cho đi. Sau khi trở về hỏi gì nó cũng không nói chỉ lắc đầu. Một bữa tôi với nó đi uống café, nó nói nhỏ vào tai tôi là trước khi nhận giấy ra Bắc, người ta dặn không được nói với ai về cuộc sống ngoài đó, nên nó không dám nói chuyện nầy với ai. Sau mấy đêm suy nghĩ, nó tự thấy như vậy là không đúng, tại sao không nói cho thiên hạ biết “chiếc nôi” của chủ nghĩa xã hội, cái thiên đường đã đánh đổ Miền Nam để cả nước cùng tiến lên. Nó không thể nào tưởng tượng Miền Bắc nghèo đói và lạc hậu đến thế. Phố xá cũ kỹ dơ bẩn, ngoài đường áo quần chỉ mỗi một màu ô-liu, thỉnh thoảng mới thấy màu xanh đậm, hình như cho công nhân, họa hoằn lắm mới thấy chiếc áo trắng, còn xe đạp bạt ngàn, không thấy có một chiếc xe gắn máy nào, nếu có thì chắc từ Miền Nam mang ra. Hà Nội dưới mắt nó sao thấy thảm thương quá chừng. Sau đó nó nói với tôi bằng giọng mỉa mai, “Tiến lên xã hội chủ nghĩa như vậy đủ rồi, còn tiến mạnh tiến nhanh thì chắc chết quá mầy ơi”.
Mười năm sau (1985), tôi có việc phải ra Miền Bắc vì mấy cái hợp đồng với thương nghiệp ngoài đó. Tôi đứng giữa Hà Nội mà lòng thấy se thắt. Mấy chục năm, người dân “văn vật” chịu đựng một cách dai dẳng mà không nổi loạn nghĩ cũng lạ thật. Áo quần nghèo nàn nhưng con gái Hà Nội mặt mày sáng chưng, phần đông đẹp hơn các thành phố trong Nam. Dưới con mắt tôi, cái thanh lịch chỉ còn lại trên nét mặt của người con gái Hà Nội, còn bao nhiêu cái khác, sau ba mươi năm xã hội chủ nghĩa đã tẩy sạch hết, tiêu tan hết.
Mấy năm trước đây, tôi gặp nhiều văn nghệ sĩ Hà Nội qua Boston theo chương trình của William Joiner. Trong lúc trà dư tửu hậu, tôi có nói với họ về chuyện ra Miền Bắc của tôi năm 1985. Họ đều cười và nói với tôi rằng có dịp bây giờ nên ra Miền Bắc một chuyến, mọi thứ đều thay đổi một cách chóng mặt. Cái chính sách xã hội chủ nghĩa chỉ còn trên lý thuyết, người dân bây giờ giàu có, không còn tiến nhanh tiến mạnh như khi xưa, mà họ chạy đua theo kịp đà tiến hóa của tư bản. Đó là một bước tiến đáng mừng cho dân chúng, để họ được hưởng những tiện nghi, những phúc lợi mà thế giới đã giành được qua những phát minh phụng sự cho con người. Đứng trên phương diện nhân bản, thật đáng mừng cho những mảnh đời tưởng rằng sẽ sống trong tăm tối mãi mãi. Bây giờ ấm no hơn, thoải mái hơn, tuy nhiên vẫn còn bị những rào cản về tự do, dân chủ còn bị siết chặt.
Tôi có dịp lên Thái Nguyên, nhìn những cánh đồng chè bạt ngàn, những người hái chè buổi sáng sớm trong sương mù thật tội nghiệp. Đồng lương công nhân của công ty chè quốc doanh không bao nhiêu, mà phải chịu cực khổ một cách nặng nề. Tôi cũng có dịp đi Quảng Ninh, trông thấy công nhân mỏ than lam lũ trong hầm mỏ. Không biết những nhà lãnh đạo của giai cấp nầy trước đây có giống như anh chị em công nhân, mặt mày lấm lem, sống trong điều kiện kham khổ như vậy không. Chứ khi ấy nhìn họ thấy không khá nổi. Còn nhiều cảnh thật tang thương cho một chế độ xã hội chủ nghĩa mà họ ca tụng như là thiên đường. Thú thật tôi vỡ mộng.

Trước đây tôi không tin những gì mà bộ máy tuyên truyền của Miền Nam nói về Miền Bắc. Tôi không tin những tác phẩm của Xuân Vũ nói về chế độ Miền Bắc. Tôi cho đây chỉ là những tuyên truyền rẻ tiền để hạ nhau, chứ thực tế không đến nỗi như vậy. Sau khi ra Hà Nội, tận mắt nhìn thấy đời sống dân chúng, chứng kiến cảnh làm việc, nhìn thấy sinh hoạt của người dân từ nông thôn đến thành thị, thấy trật tự xã hội bị đổ nhào, đạo đức văn hóa không ai cần phải giữ gìn, những cảnh trắng trợn không ai cảm thấy xấu hổ. Tàu hỏa và xe buýt là nơi bọn đầu trộm đuôi cướp hoành hành mà cơ quan công lực không làm gì được. Dân chúng bị hà hiếp không biết kêu than nơi đâu. Phải công nhận người dân Miền Bắc gặp cảnh tai trời ách nước cay nghiệt, mà họ không hề phản kháng, chỉ cắn răng chịu đựng. Mà phản ứng làm gì được khi bao tử đói meo, chỉ lo mỗi cái ăn chưa xong, hơi đâu ôm đồm chuyện khác.
Xe chạy đến huyện Kỳ Anh (tôi không nhớ thuộc tỉnh nào vì lâu quá, hình như là Hà Tĩnh). Chúng tôi vào một quán cơm bên đường, người con gái bán cơm rất đẹp, nói giọng Hà Nội. Tôi nghĩ giữa nơi đồng không mông quạnh, lại có người nho nhã, ăn nói lễ phép và đồ ăn rất ngon. Trong lúc đó ngay tại Hà Nội chưa có quán ăn nào vừa ý. Tôi xin nói thêm chỗ nầy, Hà Nội lúc đó tìm một quán café cũng rất khó. Đi ăn phở phải xếp hàng và trả tiền trước.
Đặc biệt, khi chúng tôi xếp hàng thì người giữ trật tự mời vào ngồi bàn trước, ăn xong mới trả tiền (ưu tiên cho dân Miền Nam). Tôi hỏi người thu tiền tại sao chúng tôi được đặc ân như vậy. Thì họ trả lời là phải thu tiền trước để biết khách muốn ăn bát phở giá bao nhiêu, thì làm đúng với giá tiền, nếu không họ chỉ trả ít hơn thì mình không biết phải làm sao, hoặc ăn xong không trả tiền rồi bỏ chạy. Còn các anh ở Miền Nam đã quen với cái lối trả tiền sau, các anh nhắm mình có đủ tiền mới vào quán và nếu có bỏ chạy thì các anh không biết đường nào mà chạy thoát được. Vì vậy chúng em phải tiếp các anh như ở Sài Gòn vậy.
Chính quyền cách mạng xem tụi tôi như một thứ ghẻ lở, nhưng bà con Miền Bắc thì lại xem tụi tôi rất thân tình. Sau khi ăn xong, tôi hỏi về gia đình. Giọng nói của cô gái khác với những người chung quanh. Cô cho biết cha mẹ cô là dân Hà Nội chính gốc, sau 54 bị tịch thu nhà cửa và đi kinh tế mới nên phải trôi giạt vào đây. Cô hiện thời là sinh viên, cuối tuần phải về để giúp đỡ cha mẹ bán cơm. Nhìn hình ảnh của cô, tôi liên tưởng đến những bà con ở Sài Gòn đi kinh tế mới. Chắc chắn họ không được may mắn như gia đình cô hiện thời, cái gốc Sài Gòn của họ rồi cũng sẽ mất. Nhà to cửa lớn của họ đã được các “quan cách mạng tiếp thu”, đổi chủ một cách hà khắc.

Chưa có một cuộc sống nào người dân phải chịu đựng oan ức như trong thời “giải phóng”. Tôi nhìn ra cánh đồng xa xa, thấy những chiếc áo tơi (chầm bằng lá buông mà vào khoảng thập niên 60 không còn thấy xuất hiện tại Miền Nam), nhấp nhô trên đồng ruộng. Tôi hỏi cô gái trời nắng như vậy mà tại sao phải mặc áo tơi. Cô ta cho biết, làm gì có áo mặc để làm ruộng, họ mặc áo tơi để thay cho áo vải. Nhìn qua cánh đồng khác tôi thấy người kéo cày thay cho trâu bò. Lần đầu tiên trong đời tôi mới thấy cái cảnh thân hình thiếu ăn ốm o, choàng sợi dây trên vai kéo cái cày, có một đứa bé đứng phía trên, thật tội nghiệp.
Những năm của Miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã gặt hái những gì tốt hơn cho người dân? Cái cảnh trông thấy trước mắt mà tôi có dịp ra Miền Bắc, cho tôi một bài học là phải bằng mọi cách tìm đường ra nước ngoài, nếu không thì quá trễ, và viễn ảnh cho thấy cuộc đời sẽ khốn nạn, thê thảm, bần cùng như bà con ruột thịt Miền Bắc đang gánh chịu.
Một chuyện buồn cười. Xe của chúng tôi tới Bến Thủy, chờ lên phà để về lại trong Nam. Đoàn xe nối đuôi nhau dài cả cây số. Tôi nghĩ trong bụng ở đây chờ ít nhất phải hai ngày trời mới tới phiên mình, vì lúc ấy chiếc “phà” chỉ chở được bốn chiếc xe vừa qua lại mất cả tiếng đồng hồ. Nói là “phà” cho nó oai vậy, chứ quả thật là mấy cái phao cột dính lại với nhau, một chiếc tàu nhỏ như ca-nô kéo đi.
Tôi nghe các tài xế chạy trên đường xuyên Việt kể lại rằng trong mùa nước lũ, phà bị đứt dây trôi mất là chuyện thường. Tôi hỏi thế thì xe và người trên phà phải làm sao? May mắn thì được vớt, còn không thì chết thôi. Chuyện quan trọng như vậy mà người kể chuyện xem như thường và những cơ quan có trách nhiệm điều hành về phà qua lại trên sông, tỉnh bơ xem đó không quan trọng, không phải trách nhiệm của mình. Chiếc phà bao năm vẫn không thay đổi. Cho nên mấy chiếc phà bắt qua bắc Cần Thơ hay bắc Vàm Cống thấy rất an toàn.
Đang ngồi trên xe tán chuyện với nhau, thì người phu cầm cờ đỏ chạy đến xe chúng tôi hỏi có cần phải qua phà nhanh không? Người tài xế hỏi ông giá bao nhiêu. Ông trả lời muốn đi ngay thì cho nhiều một chút, muốn qua phà chậm thì ít hơn. Người phu cầm cờ đỏ đưa hai ngón tay (có ý là hai trăm đồng) chạy ngay. Hai trăm đồng - Lương công nhân thuở đó là năm mươi đồng một tháng. Ông ta cầm cờ đỏ giơ cao chạy trước, miệng la lớn: “Anh em Miền Nam giúp đỡ anh em Miền Bắc”. Họ xem cái chuyện đút lót nầy là bình thường, là công khai, cho những chiếc xe khác noi theo. Chiếc xe của tụi tôi ưu tiên xuống trước. Đứng trên phà qua sông, thật tình tôi ngao ngán cho một xã hội mà tôi đã chứng kiến trên Miền Bắc. Rồi đây Miền Nam của chúng tôi sẽ lăn trên vết xe của đồng bào ngoài kia đã trải qua. Bấy giờ chúng tôi đã thấy ngột ngạt khó thở, người ta đã bắt đầu áp dụng đường lối cứng rắn để uốn nắn dân Miền Nam rập khuôn Miền Bắc.
Xe chạy đến Quảng Bình, thành phố xem như bình địa vì bị bom của Mỹ rải nát, mười năm sau vẫn còn nguyên si, không sửa chữa. Thành phố lợp tranh trên những nền nhà cũ. Nhà thờ chính Quảng Bình chỉ còn trơ lại gác chuông. Dấu tích chiến tranh vẫn chưa xóa, nhìn thành phố chúng ta đủ biết nơi đây đã nhận biết bao nhiêu bom đạn. Chúng tôi vào uống nước tại một căn nhà tranh trên Quốc Lộ, chủ quán là một anh thương binh trạc tuổi tôi. Lúc đầu mới vào anh nói chuyện với chúng tôi sặc mùi cộng sản. Chẳng hạn như về những năm tháng chiến tranh mà Quảng Bình nhận lãnh hậu quả nặng nề nhất.
Anh nói rất tự hào: “Quảng Bình quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Người dân Quảng Bình kiên cường đứng đầu cả nước chống giặc xâm lăng Mỹ”. Tụi tôi chỉ lắng nghe anh thao thao bất tuyệt về chiến tranh, về chính sách, về con người sống thế nào cho phù hợp chế độ. Luận điệu nầy tôi đã từng nghe những người thắng trận lớn lối nói ra rả vào tai tụi tôi. Anh hỏi tôi trước khi hòa bình tôi làm gì ở Miền Nam. Tôi không trả lời ngay câu hỏi của anh, tôi vén ống quần cho anh thấy cẳng chân giả làm bằng plastic. Tôi chỉ trả lời vỏn vẹn: “Tôi là người lính của Miền Nam”. Sau khi nhìn thấy sự mất mát thân thể của tôi, sau khi nghe tôi xác định một cách chắc nịch về con người thật của tôi, con người mà đứng trên chiến tuyến là đối nghịch với anh. Tôi nói không có một chút thù hận, không tranh cãi với anh, tôi chấp nhận danh phận không may mắn của tôi. Thái độ nầy tôi làm cho anh bất ngờ lúng túng. Tôi thấy anh ngồi suy tư, nhìn tôi có chút ngậm ngùi. Anh thấy những gì anh nói với tôi đều là những câu tuyên truyền không cần thiết, mười năm “giải phóng” tôi đã hiểu rõ chân tướng của chế độ, có đánh bóng nó cách mấy cũng không thể che đậy cách trả thù hèn hạ trên đầu anh em chúng tôi. Tôi trả tiền nước rồi ra xe, anh chạy theo bắt tay tôi thật chặt, anh nói là anh cảm thấy mắc cỡ ăn nói quá nhiều hàm ý tuyên truyền, khi nhìn thân thể tôi, anh biết không dễ gì lay chuyển được tôi. Dù là người bại trận, đang sống dưới chế độ thù nghịch, tôi vẫn không tránh né về thân phận của mình.

Từ Quảng Bình về Quảng Trị con đường gập ghềnh, lởm chởm. Xe qua cầu Hiền Lương, chiếc cầu lịch sử ngăn chia Nam Bắc. Chiếc cầu nhỏ nhắn, dễ thương, nó đứng giữa ranh giới chứng kiến biết bao nhiêu tai ương đổ xuống trên đầu nhân dân hai miền Nam -Bắc. Nó ngăn cách không những chế độ bên nầy, bên kia, mà nó còn ngăn cách cả lòng người, xé tan tình tự của dân tộc. Bao nhiêu năm hòa bình mà ấn tượng, đố kỵ còn nặng nề quá vẫn chưa biết làm sao nối lại được. Chiến tranh chỉ trong vòng 20 năm, mà đến 35 năm sau sống trong hòa bình vẫn chưa có cách nào chung sống trong tình anh em ruột thịt. Tuy không còn cầm súng giết hại nhau, không còn ranh giới phân chia chiến tuyến, thế nhưng bức tường chắn giữa lòng người (nói theo kiểu Tưởng Năng Tiến) vẫn còn kiên cố ngăn cách đôi bên, không ai chịu phá bỏ và quên đi cái thời xa xưa nhục nhã của dân tộc.
Chút hồi ức nầy không dụng ý khơi dậy đống tro tàn, nhưng để nói lên cho chúng ta biết “có một thời như thế”, một thời mà không ai muốn nhớ lại, và rồi, cũng không thể nào quên được!!!
Phan Xuân Sinh


 

Tản mạn ngày 30/4

Đặng Chí Hùng

PHẦN 1: 30/4- NGƯỜI VUI VÀ NGƯỜI BUỒN
Trong một cuộc họp với Mao Trạch Đông hồi năm 1970, Lê Duẩn đã cho Mao Trạch Đông biết, Việt Nam đang trường kỳ kháng chiến chống Mỹ là vì Trung Quốc. Lê Duẩn đã nói, nguyên văn như sau: “Tại sao chúng tôi giữ lập trường bền bỉ chiến đấu cho một cuộc chiến kéo dài, đặc biệt trường kỳ kháng chiến ở miền Nam? Tại sao chúng tôi dám trường kỳ kháng chiến? Chủ yếu là vì chúng tôi phụ thuộc vào công việc của Mao Chủ tịch... Chúng tôi có thể tiếp tục chiến đấu, đó là vì Mao Chủ tịch đã nói rằng 700 triệu người Trung Quốc đang ủng hộ nhân dân Việt Nam một cách vững chắc”.
Còn cuốn sách “MAO: The Unknown Story” - viết: “Có một nơi gần Trung Quốc, nơi đã có người Mỹ, đó là Việt Nam. Cuối năm 1963, miền Nam Việt Nam có khoảng 15,000 cố vấn quân sự Mỹ. Kế hoạch của Mao là tạo tình huống làm cho Mỹ phải gởi thêm quân đội vào miền Nam, ngay cả có thể xâm chiếm miền Bắc giáp giới với Trung quốc.”. Và Lê Duẩn sau này cũng đã khẳng định “Ta đánh Miền Nam là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa”.
Trong khi đó, bà Dương Thu Hương, một đảng viên đương thời lúc CSVN chiếm được Miền Nam đã khóc trong ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi bà theo chân đoàn quân chiến thắng vào tiếp thu Sài Gòn, và bà đã “Ngồi xuống vỉa hè ôm mặt khóc như cha chết, vì nhận ra rằng, kẻ thắng trận là một chế độ man rợ hơn người thua”. Bà đã mô tả lại sau này rằng trong bà lúc đó có “Một cảm giác vô cùng hoang mang và cay đắng  vì cái đẹp phải tan nát, và nền văn minh phải quy hàng”. Còn ông cựu thủ tướng CSVN – Võ Văn Kiệt thì bảo ngày 30/4 là ngày mà “Triệu người vui, cũng có triệu người buồn”.

Đó là thống nhất ư? Không, nước Đức không cần T54 húc đổ dinh tổng thống. Nước Thái không cần đảng cộng sản lãnh đạo, nước Sinh chẳng cần sự “đỉnh cao trí tuệ loài người”. Nhưng họ vẫn có tự do và thống nhất, vươn lên mạnh mẽ. Có gì mà tự hào với cái gọi là thống nhất khi mấy chục triệu người dân hai miền đã phải ngã xuống vì chiến tranh phi nghĩa? Dân tộc VN là một, thống nhất không cần phải xua xe tăng và đại pháo tới bắn giết đồng bào Miền Nam. Cái gọi là thống nhất chỉ là bức bình phong cho một sự tham quyền, tham của và làm tôi mọi cho chủ nghĩa cộng sản của những Hồ, Đồng, Chinh Giáp. Bằng chứng tuyệt vời về cái gọi là thống nhất chỉ là trò lừa bịp đó là Hà nội đã mặc nhiên dâng Hoàng – Trường Sa cho Tàu thông qua sự kiện công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng và vụ ủng hộ Tàu “đánh giúp lấy Hoàng Sa” năm 1974. Bằng chứng đó cho thấy CSVN không hề muốn thống nhất lãnh thổ, mà nó chỉ muốn tuân lệnh Mao một cách tuyệt đối mà thôi!
Miền Nam cũng không cần giải phóng bởi Sài Gòn hòn ngọc Viễn Đông không cần một thứ kim khí thô ráp nào để mài rũa, để bỏ tù, để đánh tư sản, để đầy đi kinh tế mới. Sài Gòn lúc đó đã đi trước Soul, Singapor, Bangkok rất xa thì Hà Nội có gì để mà “giải phóng”? Miền Nam cũng không hề đói nghèo như họ Hồ bôi bác thông qua những lần phát ngôn và thông qua đội ngũ bồi bút. Dân Nam thanh bình và yên ấm đã chẳng cần giải phóng bởi họ thừa thuốc, thừa gạo, thừa vải đến mức các con tàu, đoàn xe “giải phóng” phải chạy hết công suất để đem ra Miền Bắc sau ngày CS chiếm được Miền Nam. Cái mà bà Dương Thu Hương đã nói rất hợp lý với thực tế lịch sử và hiện tại. Và một điều minh chứng rõ nhất cho cái gọi “giải phóng Miền Nam” chỉ là một điều láo khoét:  Chẳng có một đất nước nào được giải phóng mà dân lại phải tìm đường đi trốn quân giải phóng, và dân nước đó lại luôn nhớ ơn kẻ bị gọi là “đô hộ”…Quan thì có có thể nói dóc, nhất là quan cộng sản, chứ dân thì luôn thật và luôn thể hiện thái độ đúng những gì lịch sử đã xảy ra…

Khi mà Thống nhất hay giải phóng chỉ là lừa gạt và dối trá thì cái khái niệm triệu người vui, cũng có triệu người buồn nó cũng có một phần lớn đúng. Cái người vui là người đã thỏa mãn được sự ăn cướp, thỏa được sự đổi đời nhờ đánh giết chính người cùng dòng giống với mình. Đó là đảng CS Hà Nội, là những kẻ nằm vùng tại Miền Nam. Từ đây họ đổi đời, được nhà đất, chức tước, tiền tài, thậm chí cả vợ con của những người thuộc chế độ VNCH. Như vậy, nói cho đúng thì những kẻ vui là những tên cướp được may mắn thành công nhờ sự phản bội của đồng minh đối với nạn nhân.
Còn người buồn ư? Nhiều lắm, họ là công chức, binh lính, thân nhân những người thuộc chế độ độ VNCH. Họ là dân Miền Nam từ sau 30/4/1975 sẽ phải sống cúi đầu trong lầm than, khổ đau, mất tự do. Họ là cả người Miền Bắc mất thân nhân vì cái gọi là “Sinh bắc tử nam”. 90% dân tộc VN là người buồn, chỉ có một lũ ăn cướp trong đó có Võ Văn Kiệt là kẻ vui. Đó là một kết cục cay đắng của cái gọi là giải phóng, là thống nhất.
Ngày 30/4/1975, ngày mà kẻ vui chỉ là số ít mà người buồn là số đông thì ngày đó sẽ là ngày của những nỗi xót xa và đọa đầy...

PHẦN 2: NHỮNG NỖI XÓT XA ĐỌA ĐẦY
Trong cuộc phỏng vấn tạp chí George năm 1998, chính tướng William Childs Westmoreland - Tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam- về tướng Võ Nguyên Giáp của quân đội cộng sản như sau: “Of course, he was a formidable adversary…. By his own admission, by early 1969, I think, he had lost, what, a half million soldiers? He reported this. Now such a disregard for human life may make a formidable adversary, but it does not make a military genius. An American commander losing men like that would hardly have lasted more than a few weeks”. Xin được tạm dịch là: “Dĩ nhiên, ông ta là một đối thủ ghê gớm…. Với sự thừa nhận của chính ông ta, đến đầu năm 1969, tôi nghĩ, ông ta đã mất nửa triệu lính? Ông ta đã báo cáo điều này. Hiện tại, một sự coi thường mạng người như thế có lẽ sẽ tạo nên một đối thủ ghê gớm, nhưng nó không tạo nên một thiên tài quân sự. Với một người chỉ huy người Mỹ mà làm thiệt mạng nhiều binh sĩ thì vị chỉ huy đó sẽ bị cách chức sau vài tuần lễ”.
Một cuộc chiến tranh phi nghĩa với danh xưng giải phóng và thống nhất bằng vũ lực quân sự mà ở đó, các lãnh đạo Hà Nội không coi cuộc sống của dân lành, của thanh niên là gì. Các lãnh đạo cộng sản coi thường sinh mạng của mình để đổi lấy sự vinh quang cho riêng lãnh đạo. Các bà mẹ miền Bắc chỉ biết đến “Các con không về mình mẹ lặng yên” (trích “Đất nước” - Nhạc: Phạm Minh Tuấn - Thơ: Tạ Hữu Yên). Trong khi đó, các con của các mẹ đã bị đẩy vào chiến trường cho cái gọi là sinh bắc tử nam. Một sự xót xa đọa đầy cho người miền bắc.
Những nỗi xót xa và đắng cay của những số phận nghiệt ngã đi tìm cái chết để đem lại giàu sang tột cùng cho con cháu Hồ, Giáp, Duẩn, Chinh, Đồng vv…đã được nhà văn cộng sản hồi chánh Xuân Vũ mô tả chính xác “mạng người lá rụng”. Những đứa con của các bà mẹ Miền Bắc như thể những chiếc lá trên rừng Trường Sơn rơi vào quên lãng, rơi vào mục nát, rơi vào quên lãng để cho bác và đảng vinh quang trong chiến thắng ồn ào…
Nhưng ngày 30/4 lại còn đem đến những nỗi xót xa hơn cho cả Miền Nam và chung quy là cho cả dân tộc trừ 10% bọn cộng sản, nằm vùng và mafia đỏ. Nhà báo James Taranto đã trích dẫn cuộc điều tra quy mô của nhật báo Orange County Register được phổ biến trong năm 2001 về “học tập cải tạo” tại Việt Nam và đã kết luận rằng: "Ngay sau khi xâm chiếm VNCH, cộng sản đã đưa một triệu quân dân cán chính VNCH vào tù vô thời hạn - dưới cái nguỵ danh học tập cải tạo – trong ít nhất là 150 trại tù được thiết lập trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam kể cả những nơi rừng thiêng nước độc với khí hậu khắc nghiệt. Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đại đa số những người này đã bị giam cầm từ 3 tới 10 năm và có một số người đã bị giam giữ tới 17 năm. Nếu lấy con số trung bình là bẩy năm tù cho mỗi người, số năm tù của một triệu người là 7,000,000 năm… Cứ mỗi ba gia đình tại Miền Nam, có một gia đình có người phải đi tù cải tạo. Và trong số một triệu người tù kể trên, đã có 165,000 người chết vì bị hành hạ, tra tấn, đánh đập, bỏ đói, lao động kiệt sức, chết vì bệnh không được chữa trị, bị hành quyết… Cho tới nay, hài cốt của 165,000 nạn nhân này vẫn còn bị Việt Cộng chôn giấu trong rừng núi, không trả lại cho gia đình họ. Hiện nay chỉ có Việt Cộng mới biết rõ tên tuổi các nạn nhân cùng nơi chôn giấu hài cốt của họ. Đây là tội ác thủ tiêu mất tích người, một tội ác chống loài người đã và đang diễn ra tại Việt Nam suốt 35 năm nay mà thủ phạm là Lê Duẩn…”.
Còn theo tài liệu của Viện Bảo Tàng Việt Nam tại San Jose ghi nhận số lượng tù cải tạo thực sự đều là tù chính trị như sau: “Năm 1975 QLVNCH có 980.000 quân nhân gồm 1/10 cấp Tá và cấp Tướng tổng cộng 9.600, cấp úy là 80.000, còn lại là hạ sỹ quan và binh sĩ . Binh sĩ VNCH bị bắt đi cải tạo sau ngày 30 tháng 4, 1975.AFP/Getty Images – Cấp Tướng tại ngũ đến 30 tháng 4 năm 75 là 112; bị tù cải tạo: 32 vị, 80 tướng lãnh di tản và 1 số nhỏ không bị bắt giam. – Ðại tá có 600, bị tù 366. – Trung tá có 2.500, bị tù 1.700. – Thiếu tá có 6.500, bị tù 5.500. – Cấp úy có 80.000, bị tù 72.000. Trong số này bao gồm cả nữ quân nhân cũng như thành viên đảng phái và các cấp chính quyền. Ðây là con số ghi nhận được từ phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa, không có tài liệu của các trại giam phía cộng sản để đối chiếu; và không có con số chính xác tù cải tạo bị chết trong khi giam cầm”.
Hàng triệu người quân dân cán chính VNCH phải đi tù, vợ con họ bị hãm hiếp, lao động cưỡng bức, đầy đi vùng kinh tế mới. Gia sản, nhà cửa bị cướp mất để làm giàu cho quan to của đảng cộng sản hay đám sâu bọ nằm vùng trước 1975. Hàng trăm nghìn người đã bỏ mạng trên biển chỉ bởi muốn thoát khỏi nhà tù lớn, muốn có được hai chữ tự do. Cảnh tù đầy sau 1975 đã được miêu tả qua nhiều hồi ký như Tôi Phải Sống, Đại Học Máu, Đáy địa ngục, Tôi đi cải tạo vv…xin đọc một đoạn để thấy sự thật đau lòng cho người dân Miền Nam sau 30/4/1975: “Đã hơn hai tháng nay, chúng tôi không được ăn miếng thịt nào. Lao động mỗi ngày 8 tiếng, toàn việc nặng. Cơm không có, mỗi ngày lãnh hai chiếc bánh mì luộc, mỗi cái khoảng 200 gram và một nửa chiếc bánh buổi sáng 50gram, như vậy chúng tôi chỉ được ăn 450 gram chất bột với muối, không có chất béo, chất rau và chất đạm nào! Do đó, ai nấy đều gầy rộc hẳn, da khô khốc. Trên nguyên tắc theo giấy tờ chúng tôi được ăn 18 kí lô chất bột, 300 gram thịt mỗi tháng, nhưng thực tế chúng tôi chỉ được ăn 13 kí 500 chất bột”, (Đáy Địa Ngục -Tạ Tỵ trang 378- 379.).

Lý do ư? Đảng CSVN phải sắt máu để làm khiếp sợ quân dân cán chính VNCH, phải trả thù cho được những người đã bảo vệ miền nam đến cùng. Lê Duẩn đã khẳng định trong sách “Lê Duẩn, Nội dung cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”, xuất bản lần 1 tại trang 482 có viết: "Sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam được tích luỹ qua gần nửa thế kỷ đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, kết tinh cả truyền thống chiến đấu và tài thao lược của tổ tiên ta. Bằng ý chí của chúng ta, những kẻ một thời lầm đường lạc lối theo Mỹ - Ngụy đã được lao động cải tạo để trở thành những công dân có ích cho xã hội mới…”. Trong khi đó Đỗ Mười thì tuyên bố trắng trợn hơn “Giải phóng rồi, nhà cửa của bọn nó là của chúng ta, vợ con của bọn chúng thì chúng ta dùng”…
Một miền Nam tươi đẹp đã ra đi, một miền Nam tươi đẹp đã băng hà sau ngày 30/4/1975 để đến nỗi tiêu điều, khổ cực như Huy Đức đã viết là một ví dụ dù Huy Đức chưa viết hết những sự thật kinh hoàng về những kẻ cướp ngày “Tối 10-9-1975, “tin chiến thắng” liên tục được báo về “Đại bản doanh” của Trung ương Cục đóng tại Dinh Độc Lập. Con số bị bắt cho đến khi ấy vẫn tăng lên. Các đoàn đưa ra những con số chi tiết: hàng chục triệu tiền mặt, hàng chục ký vàng, cả “kho” kim cương, hàng vạn mét vải và cả một cơ sở chăn nuôi gồm “7.000 con gà, thu hoạch 4.000 trứng mỗi ngày”, 120 ở Thủ Đức. Một nhà tư sản đang nằm viện bị yêu cầu kiểm tra xem ốm thật hay cáo bệnh, trong khi đó con trai ông ta bị bắt để buộc phải khai ra nơi cất giấu tiền, vàng. Do tin tức bị lọt ra, một số nhà tư sản đã kịp cao chạy xa bay, có người bị bắt khi đang chuẩn bị trốn.”

Thảm kịch của miền Nam chưa dừng lại ở cướp ngày mà nó trực tiếp đẩy người dân vào một thảm kịch khác: trên biển đông. Tập tài liệu ấn hành vào năm 2000, mang tựa đề “The State of the World’s Refugees 2000, 50 yearsof Humanitarian Action”? viết về tình trạng tị nạn thế giới, để đánh dấu 50 năm hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, Bà Sadako Ogata, Cao Ủy Trưởng Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, đã nói về lòng can trường của hàng triệu người tị nạn và lánh nạn trên thế giới đã mất tất cả, ngoại trừ niềm hy vọng, và đã vượt qua biết bao thử thách và chông gai để đi tìm con đường sống. Bà Ogata đã tuyên dương những người này là “Những người sống sót vĩ đại của Thế Kỷ 20”. Cuốn sách cho biết:
“Ngay từ cuối năm 1975, những đợt người tị nạn Việt Nam đã bắt đầu đến lánh nạn tại các nước lân bang. Vào những ngày đó, Thái Lan đã đón nhận 5. 000 người tỵ nạn từ Việt Nam qua, tại Hồng Kông cũng đã có 4.000 tị nạn, Tân Gia Ba 1, 800 người, và có khoảng 1. 250 người cũng đã đến Phi Luật Tân. Vào tháng 7 năm 1976, khi chế độ Hà Nội loại trừ bộ máy quản chế miền Nam của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam để thực hiện việc thống nhất hai miền, cưỡng chế người dân đi vùng kinh tế mới, và tập trung trên một triệu người miền Nam vào các trại tù cải tạo, những làn sóng di tản bằng đường biển bắt đầu gia tăng. Và đến cuối năm 1977, đã có trên 15. 000 người Việt sang tị nạn tại các nước trong vùng Đông Nam Á. Cho đến năm 1978, khi nhà cầm quyền Cộng Sản phát động chính sách cải tạo tư sản, và tiếp theo đó là việc xua quân xâm chiếm Cam Bốt, và phải đương đầu với cuộc chiến biên giới với Trung Quốc, làn sóng tị nạn bằng đường biển đã tăng lên gấp bốn lần, với đa số người ra đi thuộc khối người Việt gốc Hoa, để sau đó được đưa sang định cư tại các tỉnh phía Nam Trung Quốc.
Vào cuối năm 1978, đã có 62.000 thuyền nhân người Việt tị nạn tại các nước Đông Nam Á. Riêng trong tháng 6 năm 1979, đã có trên 54.000 thuyền nhân Việt Nam đến tị nạn tại các nước nói trên. Những làn sóng tị nạn này đã khiến cho các nước trong khối Đông Nam Á, như Mã Lai Á, Thái Lan, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba và Nam Dương tuyên bố không nhận thêm người tị nạn từ Việt Nam, khiến cho những đợt thuyền nhân đến sau đã bị xua đuổi cấm không cho lên bờ. Cũng kể từ đó, con số thuyền nhân tử vong trên biển cả cũng đã gia tăng.

Sau những cuộc hành trình hãi hùng lênh đênh trên đại dương, một số thuyền nhân cũng đã đến được bến bờ tạm dụng. Những lớp người này đã đem cho thế giới bên ngoài những mẫu chuyện về người cha, người mẹ, đã phải chia nhau những hạt cơm rơi từ miệng những đứa con; đến chuyện chia nhau từng giọt nước quý hơn vàng được vắt ra từmiếng vải thấm mưa, để đánh lừa những cơn đói khát triền miên. Hay là những chuyện thương tâm về người chết đã cứu được người sống với thịt máu của chính mình. Hoặc nữa là những chuyện nói nhỏ, kể về những trường hợp phải đương đầu với hải tặc. Ngoài những mối đe dọa do sự đầy đọa của con người đối với con người, những thuyền nhân này còn phải đương đầu với những cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Những cơn phong ba bão táp đã khiến cho không biết bao nhiêu thuyền nhân làm mồi cho biển cả. Không ai dám phỏng đoán với mỗi người có cơ may đặt chân lên bến bờ tự do, đã có bao nhiêu người hy sinh trên đại dương.
Cuối cùng, làn sóng người tị nạn Việt Nam bằng đường biển đã viết lê thiên bi sử của thuyền nhân, và những câu chuyện hãi hùng của các cuộc vượt biển của người tị nạn Việt Nam đã đánh động được lương tâm thế giới. Vào tháng Ba 1979, chương trình Ra Đi Có Trật Tự ra đời để cố gắng ngăn chặn những làn sóng vượt biển. Ngoài ra, cũng vào thời gian này, các chương trình cứu người vượt biển đã được một số tổ chức thiện nguyện quốc tế phát động hai chiếc tầu cứu vớt thuyền nhân ngoài biển là Anamur do một tổ chức từ thiện Đức Quốc vận động vào năm 1979 L’Ile deLumiere của tổ chức từ thiện Pháp Medecins du Monde điều hành vào năm 1980 đã cứu mạng được nhiều thuyền nhân Việt Nam lênh đênh ngoài biển cả trong khoảng thời gian từ 1979 cho đến 1990.”
…Tất cả sự đau thương thống khổ của người dân hai miền Nam Bắc chỉ đổi lấy sự hào nhoáng giả tạo, sự chiến thắng viển vông và sự giàu có cho chỉ tầng lớp lãnh đạo đảng, nằm vùng và cơ hội. Còn toàn thể dân hai miền thì đau thương không xiết. Những nỗi đau thương cứ đầy theo năm tháng mãi không thể xóa nhòa bởi từ ngày 30/4 thống hận đó, lịch sử toàn bộ đất nước VN lại bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên của đau khổ, cùm kẹp và đầy rẫy trái ngang… Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng không thể nào quên những kẻ phản bội miền Nam.
Đặng Chí Hùng
24/04/2022

 

Đăng ngày 29 tháng 04.2022