Chẳng lẽ họ tới hồi tận số?

Nguyễn thị Cỏ May

Ông Craig Hamilton Parker, người Anh, dân chúng quen gọi là nhà «Tiên tri số mệnh» vì đã dự đoán đúng vài chuyện lớn như nước Anh rút ra khỏi Âu châu (Brexit), ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Huê kỳ... Nay ông đưa ra những dự đoán mới về tình hình thế giới gây nhiều chú ý.  Trong hai buổi phát sóng trực tiếp vào ngày 5 và 11/5/22, ông Parker dự đoán về số phận của nhà lãnh đạo các cường quốc trên thế giới như Xi của Tàu cộng, Biden của Huê kỳ và Poutine của Nga... Địa vị và cả số mệnh của nhũng người này sẽ thay đổi nghiêm trọng.

Về Biden, Parker nói «ông ta sẽ không giành được nhiệm kỳ II. Biden không làm được những gì ông ta phải làm, một người nào đó ở phía sau và thao túng ông ta. Ngoài ra, ông ta còn bị sức khỏe tinh thần suy kém ảnh hưởng nặng».
Parker nói tiếp «Vào cuối năm 2021, tôi đã đề cập đến vấn đề này, rằng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Hoa Kỳ sẽ là một thảm họa lớn đối với đảng Dân chủ. Đảng Dân chủ sẽ mất quyền kiểm soát lưỡng viện. Vậy một câu hỏi rất quan trọng là chúng ta cần loại người nào để điều hành nước Mỹ, trên thực tế, chính là quản lý thế giới này”. Ông cũng nói thêm «Phó Tổng thống Harris còn tệ hại hơn Biden. Harris sẽ không thành công thay thế Biden».

Về ông Poutine, Parker tiên đoán: «Theo báo chí, Poutine bị bệnh, và chúng ta có thể thấy rõ điều đó. Tại lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ hồi đầu tháng 5, Poutine trùm khăn kín chân. Trái với thông thường, ông thích khoe với mọi người mình vẫn cường tráng như thanh niên».
Parker còn cho biết một số tướng lãnh đã mất tích, và ông tự hỏi liệu có một cuộc đảo chánh đằng sau các tướng lãnh khiến Poutine mất quyền lực vì thất bại trong cuộc chiến Ukraine hay không? Poutine sẽ không  còn tại chức, hoặc vì sức khỏe của ông ấy, hoặc vì ông ấy bị lật đổ bởi các tướng bên trong.
Parker quả quyết «cuối cùng thì Poutine cũng bị bãi nhiệm bởi các tướng lãnh của ông ấy, như một cuộc đảo chánh, và Nga sẽ rất nhanh chóng cải tổ chánh phủ».

Trả lời một người Tàu hỏi ông về tình hình Trung quốc, Parker cho biết :“Trung Quốc ngày nay là một chánh phủ theo chủ nghĩa duy vật sâu sắc, chủ nghĩa Mao là một loại chủ nghĩa duy vật, họ là những người vô thần, họ rao giảng việc không tin thần thánh, Trời Phật, bài trừ tôn giáo và đạo giáo. Khi đại dịch tràn lan, để đối phó, nhà cầm quyền chỉ biết áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt gây ra tình trạng xã hội bất ổn, làm cho dân chúng bất mãn và không tin tưởng chánh quyền». Ông nói thêm theo sự cảm nhận vừa vụt đến với ông «Ở Tàu, sắp có một sự thay đổi, chánh quyền này sẽ bị thử thách, mặc dù ông không nhìn thấy rõ ràng lắm, nhưng ông cảm thấy nó rất mạnh mẽ. Ông thấy rằng sẽ có một sự thay đổi lãnh đạo ở Trung Quốc, lãnh đạo hiện tại sẽ bị loại bỏ, và điều đó sẽ xảy ra rất sớm. Nhưng nhà lãnh đạo mới của Đảng cộng sản Trung quốc trong tương lai lại đáng lo ngại hơn vì đó là một người rất nguy hiểm, người có thể làm xáo trộn trật tự thế giới, như tấn công Đài Loan trong vòng 2 năm sau đó».
Sau cùng, Parker nhấn mạnh «một cuộc cách mạng có thể nổ ra ở Trung Quốc làm cho Trung Quốc chuyển biến theo một hướng khác, như sẽ từ bỏ sạch chủ nghĩa cộng sản, mà thay thế bằng Tam Dân chủ nghĩa của Tôn Trung Sơn. Hiện nay, Trung Quốc khiến cả thế giới ghét bỏ, nhưng Trung Quốc cũng là niềm hy vọng của thế giới».

Người ta thấy những lời « tiên tri » trên đây về hiện tình thế giới của nhà tiên tri Craig Hamilton Parker không khác những thông tin đã được báo chí phổ biến. Nếu nay được ông trích dẫn, phải chăng vì nó phù hợp với «cái thấy» thuộc loại «ngoại cảm» riêng đặc biệt của ông?
Thật ra, từ ít lâu nay, có nhiều thông tin nghiêm chỉnh, từ những tiết lộ của giới thân cận với cấp lãnh đạo các nước Tàu, Nga, từ những nguồn tình báo, về số phận của ba nhà lãnh đạo thế giới, các ông Biden, Poutine và Xi. Vậy lần theo đây, ta thử tìm biết thêm số phận của những nhà lãnh đạo này.

Biden với nước Mỹ
Mỹ là nước có truyền thống dân chủ tự do. Joe Biden là Tổng thống do bầu cử theo định kỳ. Như vậy số phận chánh trị của ông hoàn toàn do bầu cử quyết định theo thành tích của 4 năm ông cầm quyền ở Tòa Bạch ốc. Những bất ngờ như bị đảo chánh, bị ám sát... để triệt hạ ông chắc không cần thiết.
Ông Biden đã tận hưởng “tuần trăng mật” tại Nhà Trắng trong 6 tháng đầu cầm quyền với tỷ lệ ủng hộ trên 53%. Nhưng đến tháng 8 xu hướng này đã thay đổi. Hiện nay tỷ lệ phản đối ông Biden là 52% trong khi tỷ lệ ủng hộ chỉ là 43%. Nhà phân tích Kyle Kondik tại Trung tâm Chính trị Đại học Virginia nhận xét: “Công chúng đang ngày càng đánh giá ông Biden tiêu cực. Tỷ lệ ủng hộ ông đã giảm và lượng phản đối còn cao hơn tỷ lệ ủng hộ”.
Như vậy ông Biden có bị hạ bệ chỉ vì ông là một Tổng thống thiếu khả năng nên phải thay thề bằng một người khác mà thôi.

Số phận Poutine
Cách nay vài tháng, ông Tổng thống Poutine của Nga là mục tiêu của một âm muu ám sát ở vùng Caucase, phía Nam, theo tiết lộ của ông Kyrylo Budanov, trùm tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine, nhơn trả lời một cuộc phỏng vấn của báo chí Ukraine hôm 24/6/22. Chính Poutine cũng thừa nhận ông từ lâu từng là mục tiêu của ít nhứt năm âm muu ám hại ông nhưng ông nói rõ ông vẫn không sợ.
Nhiều người quả quyết chiến tranh ở Ukraine chấm dứt và Âu châu chỉ yên ổn khi nào Poutine không còn cầm quyền. Một số người Mỹ, người Anh chủ trương phải loại Poutine. Cựu Đại tá Anh, ông Richard Kemp, nói rõ trên tờ Daily Mail (10/03/22) «Otan phải ngiên cứu các trường hợp có thể loại hắn khỏi Điện Cẩm linh. Kể cả bằng việc ám sát, mặc dầu không phải dễ».  Ông Jean Marie Bigard trên Đài TV C8 của Pháp nhấn mạnh «muốn kết thúc chiến tranh Ukraine chỉ có cắt đầu Vladimir Poutine» (22/03/22).
Không chỉ người bên ngoài thấy chiến tranh Ukraine chỉ được giải quyết khi Poưtine bị loại, mà ngay cả giới ưu tú của Nga cũng âm thầm sửa soạn một kế hoach hạ bệ ông ấy, như ám sát, đầu độc, bịnh bất ngờ, tai nạn. Theo báo chí Anh, trong  giới thương gia và chánh trị gia ưu tú Nga, có một nhóm rất có ảnh hưởng, chống Poutine, mục tiêu là «loại ông ta càng sớm càng tốt và tái lập quan hệ với Tây phương bị đánh mất do chiến tranh với Ukraine».  Và người thay thế Poutine có ngay, đó sẽ là ông Alexander Bortnikov, Giám đốc KGB/FSG, bị Poutine khai trừ do bất đồng ý kiến với ông trong vụ tấn công Ukraine. (AFP/M. Klimentyev - le 23/03/2022).

Người ta vẫn thường nói «một sức khỏe tốt trong một cơ thể lành mạnh». Ngay từ năm 2000 lên cầm quyền, Poutine đã quan tâm dàn cảnh cho mọi người thấy người cầm quyền nước Nga là một con người khỏe mạnh tuy tuổi tác cao. Nhưng từ lúc tấn chiếm Ukraine, nhiều người đã loan tin dồn dập Poutine bị Parkinson, bị bịnh tâm thần, bị ung thư máu hoặc ung thư thyroïde, mặt phù lên do cortisone (giúp xóa vết già)… và ông đã một lần được giải phẩu hồi đầu tháng 5 vừa qua. Từ đó bịnh tình của ông nặng thêm. Điều đáng để ý là Điện Cẩm linh không đính chánh mà cũng không xác nhận những tin tức đó.  Nhưng ai cũng biết chắc chắn là từ sáu bảy năm nay, Poutine được một đội ngũ y sĩ chuyên môn vây quanh ông túc trực suốt ngày đêm.
Tin đồn về tình trạng an ninh, cả về sức khỏe của Poutine rất tiêu cực nhưng biết đâu đó không phải do Điện Cẩm linh tung ra để nhằm đánh lạc hướng những tính toán của đối phương?

Xi hết thời
Trong môt tuyên bố chung phổ biến hôm 28/06/22, nhóm G7 họp ở Đức, đã nhắm đúng Xi và cùng lên án Xi vẫn ngang ngược làm ăn thiếu minh bạch phương hại nghiêm trọng đến thị trường thế giới.
Để ngăn chận ảnh hưởng Xi trong chương trình «một vành đai, một con đường», ông Biden sẽ đầu tư 600 tỉ USD cho chương trình phát triển hạ tầng cơ sở giúp các nước đang phát triển.
Hiện tại, lại cận ngày Đại hội Đảng thứ XX, Xi đang phải đối phó không kịp thở cùng lúc hai thế kẹt chiến lược lớn: sự bùng phát mạnh dịch Vũ hán và chiến tranh Ukraine mà đồng chi Poutine đang sa lầy. Và đây cũng là hai mục tiêu bị công kích trong nội bộ, điều mà từ khi lên nắm quyền làm ông Chủ tịch toàn trị, Xi mới gặp phải lần đầu tiên.
Đôi phó với dịch Vũ hán, Xi chọn cách giải quyết «O Covid». Và thời gian đầu, Xi huênh hoang thành tích chống dịch với thế giới, đề cao đường lối độc đảng và toàn trị hữu hiệu hơn chế độ dân chủ tự do của Tây phương. Nhưng khi bịnh Vũ hán tái bùng phát thì mới thấy khả năng thật sự quản lý đất nước của Xi. Một thất bại thê thảm và dân chúng công khai bất mãn, phê phán đảng cộng sản và Xi thiếu hiểu biết khoa học và nặng đầu óc duy ý chí mù quáng.
Phong tỏa gần phân nửa nước Tàu, cả Bắc kinh, chống dịch đã gây ra những hậu quả nặng nề cho đời sống xã hội, kinh tế và chánh trị.
Khi Poutine xâm lăng Ukraine, Xi tỏ thái độ dè dặt, vắng mặt ở LHQ, thay vì ủng hộ Poutine, để né tránh những biện pháp trừng phạt kinh tế của Âu châu và Huê kỳ. Thế mà trong lúc đó, Xi lại oang oang chống Mỹ, tung ra những loạt tin bịa đặt như những phòng thí nghiệm chiến tranh vi trùng của Mỹ ở Ukraine… Xi nghĩ chiến tranh Nga ở Ukraine sẽ kết thúc mau với sự đắc thắng của Poutine, và những phong tỏa ngoại giao, kinh tề cũng sẽ qua đi. Thực tế đã  không phải như vậy và Xi đang đối đầu với một khủng hoảng kinh tế bất ngờ, cộng với sự tác hại khủng khiếp của virus Vũ hán, đang làm đảo lộn mục tiêu phát triển và xóa đi giấc mơ bá chủ thế giới, còn ảnh hưởng mạnh tới chiếc ghế Chủ tịch muôn năm của Xi vào cuối năm. Trong chế độ độc tài, khi mất ngôi thường đồng nghĩa với mất mạng!
Tình huống khó khăn này bỗng làm thay đổi quan điểm của những người trước giờ ủng hộ đường lối của Xi. Như ông Weijian Shan, Chủ tịch Ủy ban đầu tư trung quốc, đồng ý với Xi trong các vụ lớn như vấn đề Ouigours, Đài loan, cả cách quản lý dịch Vũ hán, nay lớn tiếng  phê bình Xi trước một nhóm đầu tư ở Hồng kông «Chúng ta có một lãnh tụ vẫn tưởng mình là người hiểu biết đúng về kinh tế và cách bảo vệ tốt đời sống nhơn dân. Than ôi, tôi nghĩ tầm hiểu biết và đầu óc hợp lý của hắn quá giới hạn!». Thật ra sự phê phán như vầy là rất bình thường ở Tây phương. Nhưng trong một chế độ độc tài toàn trị như Trung quốc thì đây quả thật là cú Trời đánh!
Một đánh giá Xi cách khác rõ ràng hơn trên tờ «The Market». Ông Joerg Wuttke, thương gia người Đức, Chủ tịch Phòng Thương mải Âu châu ở Tàu từ ba mươi năm nay, am hiểu sâu sắc xã hội và chánh trị Tàu, nhận xét «Theo tôi, nhóm lãnh đạo ở Bắc kinh hoàn toàn không hiểu tại sao chiến cuộc Ukraine và «tình đồng chí với Poutine» làm cho thế giới dị ứng trong quan hệ thương mại và chánh trị với Trung quốc. Họ càng không hiểu tại sao nếu Xi tấn công Đài loan thì các xí nghiệp Tây phương sẽ lập tức ùn ùn bỏ đi khỏi Trung quốc như đã làm ở Nga». Ông  Joerg Wuttke còn nói rõ hơn về Xi đó là «một người ít học, làm phách và tàn bạo, một thứ Mao mới siết chặt nước Tàu để cai trị».
Qua sự thành công của trang âm nhạc trên net «Do You Hear the People Sing?», dân chúng Tàu và hải ngoại mới biết được tầm vóc làn sóng bất mãn và chống đối đang phát tán rộng ở lục địa.
Trong lúc đó, trên thực tế, Xi đã phải làm «bước đại thụt lùi» vì vẫn giữ chánh sách «Zéro Covid».  Nhiều nhà phân tích tài chánh đã báo động kinh tế sẽ khó trụ vững vì hiện nay mức phát triển dự phóng 5,5%  đã phải hạ xuống ở 4%. Nếu tình trạng không khả quan hơn, có lẽ sẽ phải bớt đi thêm 1 điểm nữa (theo Alicia Garcia-Herrero của Ngân hàng Natixix, Paris).
Với những con số như vậy thì không ai còn nghĩ tới sức phát triển của Tàu nữa. Giới doanh thương xưa nay làm ăn với Tàu nay lần đầu tiên thấy cần phải xét lại vì thị trường thật sự không còn ở đó nữa. Đã có 23% xí nghiệp Âu châu bắt đầu từ giã Xi mà không hẹn ngày tái ngộ. Khi mô tả trung tâm kinh tế chết của Shanghai, người ta không ngần ngại chỉ mặt Xi là người trách nhiệm. Xi đã không thay đổi đường lối chống virus Vũ hán, mà cũng không tách xa khỏi Poutine. Trung quốc sẽ không còn là nguồn cung cấp cho thế giới.
Hiện nay, Trung quốc có 2 luồng dư luận. Phe chống Xi cáo buộc do đường lối cai trị cứng ngắc của Xi mà dẫn tới kinh tế suy sụp. Phe ủng hộ thì cho rằng nếu sống chung với virus như Tây phương thì tình hình  còn bi đát hơn.
Sự chống đối sẽ rõ hơn và có tính quyết định số phận của Xi là vào tháng 7 tới khi TW đảng họp Đại học Hè ở Beidaihe, nơi nghỉ hè của lãnh đạo Đảng. Theo bà Valérie Niquet, học giả về Tàu của Pháp, thì Xi sẽ tiếp tục làm Chủ tịch nhưng với thế suy yếu hơn. Nhưng tình trạng sẽ tệ hại hơn và còn kéo dài… Biết đâu!
Nguyễn thị Cỏ May


Đăng ngày 07 tháng 07.2022