Hắc Hải: phi cơ Su-27 Nga đã bắn một hỏa tiễn

cạnh một phi cơ trinh sát RC-135 Rivet Joint thuộc không lực hoàng gia Anh

Nhữ Đình Hùng

Từ nhiều năm qua,việc nhiều nước trong khối OTAN gởi phi cơ trinh sát điện tử hay các tàu tuần tiễu hải dương đến hoạt động trong vùng biển Hắc Hải là việc thường xảy ra,nhất là các nước Pháp,Hoa Kỳ và Anh. Điều này cốt để tìm hiểu và thu thập các tin tức về hoạt động quân sự Nga trong vùng biển Hắc Hải. Và việc này vẫn được tiếp tục trong lúc chiến cuộc Nga Ukraine diễn ra!

Thông thường,các phi cơ thi hành nhiệm vụ trinh sát không có võ trang và cũng không được các phi cơ săn giặc hộ tống.Cho tới ngày 18.10.2022! Vào ngày này,phi cơ trinh sát RC-135 của không quân hoàng gia (Royal Air Force) đã được hai phi cơ Eurofighter hộ tống để thi hành nhiệm vụ trong không phận quốc tế của Hắc Hải. Vì sao có chuyện này? Đó là vì trước đó ba tuần, một phi cơ Su-27 Flanker Nga đã bắn một hỏa tiễn không đối không gần một phi cơ RC-135 'Rivet Joint' của RAF trong khi phi cơ néy bay trong vùng Hắc Hải trong một nhiệm vụ thường lệ,theo như kể lại của bộ trưởng quốc phòng Anh Ben Wallace ngày 20.10! Phi cơ trinh sát của Anh đã bị hai phi cơ Su-27 ngăn chận -đây là điều xảy ra mỗi khi một chuyến bay quân sự tiến quá gần không phận Nga và những vùng đất Nga coi là của họ.Nhưng lần này,một phi cơ Su-27 đã bắn một hỏa tiễn cạnh phi cơ RC-135,ngoài tầm ngắm và việc quần thảo giữa phi cơ Anh và phi cơ Nga kéo dài cả 90 phút theo lời bộ trưởng quốc phòng Anh!Ông Wallace đã có văn thư phản đối đến Serguei Choigou, bộ trưởng quốc phòng Nga,nhấn mạnh rằng RC-135 không có vũ trang,bay trong không phận quốc tế,theo một lộ trình ấn định trước! Trong khi chờ đợi sự trả lời của Nga,ông Wallace coi việc đình chỉ các chuyến bay là việc thận trọng. Ngày 10.10, Nga đã trả lời cho biết đã có cuộc điều tra,cho biết việc xảy ra việc xảy ra do lỗi kỹ thuật của Su-27 và sự việc đã xảy ra trong không phận quốc tế,theo như lời ông Wallace!

Lời giải thích của Nga có lẽ chấp nhận được vì trong quá khứ đã từng xảy ra!Nhưng bây giờ thì phải thận trọng hơn vì tình hình tranh chấp Nga Ukraine,cần theo đúng luật quốc tế và... nên có hộ tống!

Nhữ Đình Hùng
Theo bản tin OPEX360 ngày 20.10.2022 của Laurent LAGNEAU



Một phân tích về nước Nga

Tác giả: David Remnick & Stephen Kotkin
Trần Gia Huấn lược dịch từ The Weakness of the Despot

Chuyên gia về Stalin đánh giá Putin, Nga và Phương Tây: Stephen Kotkin là một trong những học giả lão luyện về lịch sử Nga. Tác phẩm lừng danh của ông là bộ Tiểu sử Stalin ba tập: Tập I “Nghịch lý của quyền lực, 1878 - 1928” đã được giải Pulitzer, Tập II “Chờ đợi Hitler, 1929 - 1941”, và Tập III “Thế chiến II” và cái chết của Stalin vào 1953, và di sản của ông xuyên suốt thời Soviet.
S. Kotkin là Giáo sư lịch sử kiệt xuất đang dạy tại Đại học Princeton, Học viện Hoover, Đại học Stanford. Ông đã công bố nhiều nghiên cứu giá trị. Trong khi Kotkin nghiên cứu về nền công nghiệp kiểu Stalinist tại thành phố Magnitogorsk, Nga, ông đã đưa ra lời cảnh báo thật vô giá về chính quyền Putin, và cội nguồn văn hóa Nga.
Vừa rồi, có cuộc trò chuyện với Kotkin về Putin, về cuộc xâm lược Ukraina, về cách Âu-Mỹ đáp trả, và những gì sẽ xảy ra, bao gồm cả khả năng đảo chính tại Moskva. Cuộc trò chuyện đã được thu video, có chỉnh sửa lại cho phù hợp thời lượng, và đây là nội dung buổi trò chuyện đó.
David Remnik hỏi: Chúng ta đã nghe nhiều ý kiến trong quá khứ và cả hiện tại về nguyên nhân những gì đang xảy ra ở Ukraina. George Kenna cho rằng lỗi lầm chiến lược là do NATO đông tiến. John Mearsheimer khẳng định Mỹ phải chịu trách nhiệm chính. Vậy, chúng ta bắt đầu câu chuyện này bằng những phân tích của ông.
Stephan Kotkin trả lời: Tôi dành cho George Kenna một sự tôn trọng lớn, còn John Mearsheimer là học giả tầm cỡ. Nhưng tôi không đồng ý với cả hai. Hai học giả này đã giả định: Nếu NATO không mở rộng về hướng đông, thì Nga không đánh Ukraina.
Những gì chúng ta đang chứng kiến là không đáng để ngạc nhiên. Putin không khác gì so với những mô hình Nga từ thời chưa có NATO. Trong vòng 500 năm qua, Nga đã hành động như thế này rồi. Nga là chuyên quyền. Nga là trấn áp. Nga là sức mạnh quân sự. Nga là nghi ngờ nước khác. Nga nghĩ xấu về phương Tây. Nga thù oán phương Tây. Đây là nước Nga mà chúng ta đã biết. Nước Nga không phải mới xuất hiện hôm qua, hay từ thập kỷ 90s. 👍
Việc mở rộng NATO là tất yếu để ứng phó với mô hình Nga. Nếu Ba Lan, và ba quốc gia vùng Baltic không phải thành viên NATO, hẳn giờ này Ba Lan và ba quốc gia Baltic cũng đang bị bại liệt như Ukraina.
Ba Lan là thành viên nòng cốt của NATO. Không giống như những quốc gia NATO khác, Ba Lan đã so găng với Nga nhiều lần trực diện. Ba Lan đã đập gãy răng Nga hai lần. Lần thứ nhất ở cuối thế kỷ 19 kéo dài đến thế kỷ 20, và phong trào Công Đoàn Đoàn Kết bùng nổ cuối thời Soviet đã khơi nguồn cho Liên Xô tan rã.
George Kennan là một một học giả quan trọng, chuyên về Nga học còn đang sống, nhưng tôi không nghĩ rằng đổ lỗi cho Phương Tây là một phân tích đúng.
Hỏi: Khi ông nói về động lực nội tại của Nga, trong một bài viết đăng trên Foreign Affairs, cách nay đã sáu năm, ông mở đầu: “Đã 500 năm nay, chính sách ngoại giao của Nga là ‘Bành Trướng Lãnh Thổ’, nhiều lúc vượt ra khỏi khả năng của đất nước.
Bắt đầu vào triều đại của Ivan Hung đế (the Terrible) ở thế kỷ 16, Nga đã mở rộng lãnh thổ với tốc độ 50 dặm vuông mỗi ngày kéo dài hàng trăm năm. Kết quả là lãnh thổ Nga đã chiếm 1/6 đất đai toàn cầu.” Rồi, ông mô tả về “ba thời khắc dũng mãnh” của Nga: thứ nhất là vương triều của Peter Đại đế, tiếp đến là Alexander Đệ Nhất đánh bại Napoleon; tất nhiên, phải kể tới chiến thắng của Stalin đánh bại Hitler. Thế rồi, ông nói: “Nếu tạm bỏ những thời khắc huy hoàng này qua một bên, thì Nga gần như lúc nào cũng là một cường quốc yếu.” Xin ông nói thêm điều này: Về động năng nội tại của Nga đã dẫn đến khoảnh khắc hiện tại dưới triều đại Putin
Trả lời: Chúng ta đã tranh luận nhiều về Iraq. Iraq sinh ra Saddam hay Saddam sinh ra xã hội Iraq? Nói cách khác, tính cách và những yếu tố cấu thành nên tính cách là một trong những luận điểm mà tôi đã dùng để viết sách về Stalin. Ông lãnh đạo cường quốc trên thế giới trong hoàn cảnh và thời điểm đưa đẩy Stalin trở thành người như chúng ta đã biết, không có con đường khác.
Nga có nền văn minh rực rỡ: nghệ thuật, âm nhạc, văn chương, phim ảnh. Trong mọi lĩnh vực, Nga thường đứng ở vị trí đáng kể, một nền văn minh toàn diện, vượt ra khỏi lãnh thổ quốc gia. Điều này làm cho Nga cảm thấy họ có một vị trí đặc biệt, nhất là về sứ mạng truyền giáo. Chính Thống giáo phương đông, không phải ở phương tây. Nga muốn đứng riêng như là một cường quốc ngoại lệ. Rắc rối của Nga không phải là Nga không tự biết mình, mà là khả năng không tương đương với khát vọng. Nga thường phải vùng vẫy để cố sống cho xứng đáng với khát vọng. Nhưng khát vọng Nga không thể thành hiện thực. Bởi vì, Phương Tây nhanh mạnh hơn nhiều.
Nga là một cường quốc, nhưng không thành cường quốc đúng nghĩa, ngoại trừ vài khoảnh khắc vừa kể trên. Để đuổi kịp Phương Tây, Nga xoay xở tạo ra sự khác biệt. Nga thường dùng mưu mẹo. Nga dùng cách tiếp cận thô bạo, áp đặt, ép buộc. Nga đưa các nước vào cảnh hỗn loạn bằng quân sự, kinh tế, bằng đối đầu, căm thù, và cạnh tranh. Cách tiếp cận này cũng thành công phần nào, nhưng thường chỉ là bề nổi.
Khi kinh tế Nga tăng trưởng, Nga lao vào xây dựng quân đội. Làm như vậy là đâm đầu vào tường đá. Nga thường sa lầy, bế tắc dài lâu, và ngày càng tệ đi. Nga càng loay hoay, xoay xở, thì hố ngăn cách với Phương Tây ngày càng rộng thêm.
Phần tệ hại nhất trong lịch sử Nga là toàn bộ quyền lực quốc gia rơi vào tay một người.
Thay bằng trở thành một quốc gia hùng mạnh, rút ngắn khoảng cách với Phương Tây, Nga thường rơi vào vòng xoáy chuyên quyền của chủ nghĩa cá nhân. Nga tìm ra một nhà chuyên chế, rồi nhanh chóng biến thành nhà độc tài. Nga bế tắc trong tình trạng này khá lâu. Bởi vì, Nga không thể từ bỏ được thứ “Chủ nghĩa ngoại lệ” (Exceptionalism) bắt nguồn từ khát vọng phải trở thành cường quốc hùng mạnh nhất thế giới. Khổ thay, Nga không nhận ra một thực tế là: Khối Á – Âu yếu hơn nhiều so với mô hình quyền lực của khối Âu – Mỹ. Mô hình của Iran, Nga, và Trung Quốc rất giống nhau, và đang cố theo kịp Phương Tây.
Hỏi: Chủ nghĩa Putin là gì? Chủ nghĩa Stalin là gì? Nó chắc chắn không giống chủ nghĩa Tập của Trung Quốc, hay chế độ của Iran. Cái gì là đặc điểm của nó, và tại sao đã dẫn tới cuộc xâm lăng Ukraina một cách thiển cận và tàn bạo?
Trả lời: Chiến tranh thường là những toan tính sai lầm. Nó dựa trên những giả định. Những thứ bạn tin là sự thực hoặc muốn nó là sự thực.
Một nhà chuyên chế nắm toàn quyền quyết định.
Liệu ông ta có nghe ý kiến của người khác? Liệu ông có quan tâm đến người khác? Liệu người ta có báo cáo những thông tin đúng? Dường như “không”. Ông ta cho rằng ông biết rõ mọi chuyện. Ông giỏi hơn. Ông tin vào lời tuyên truyền. Ông tin vào thuyết âm mưu. Đây chỉ là những phỏng đoán từ rất ít người đã nói chuyện với Putin.
Chúng ta không biết. Putin có nhận đủ thông tin không. Putin chỉ muốn nghe những điều muốn nghe. Ông ấy tin rằng ông là người thông minh và nắm quyền tuyệt đối. Đây chính là vấn đề của chủ nghĩa chuyên chế (despotism) và chủ nghĩa độc tài (authoritarianism).
Độc tài và chuyên chế có quyền lực vô song, nhưng cũng tan rã rất nhanh.
Độc tài tự sản sinh ra những bệnh của riêng nó như: Đánh giá thấp đối thủ. Coi thường người khác. Tiếp nhận thông tin sai. Báo cáo láo. Khoái được tâng bốc. Thích thổi phồng thành tích. Không có cơ chế sửa sai. Sai lầm tiếp những sai lầm. Ngày càng yếu đi, và trở thành cố hữu.
Putin tin rằng Ukraine không phải là một quốc gia thật sự. Người Ukraine không phải là những con người thật sự. Chính phủ Ukraine yếu kém. Putin tin vào những lời báo cáo: Quân đội Nga có sức mạnh vô biên. Quân đội Nga đã hiện đại hóa đến mức tinh vi. Quân đội Nga có khả năng lật đổ chính quyền Kyiv nhanh như một tia chớp, mà không cần phải xâm lược. Putin đã phê duyệt kế hoạch này.  
.  
Trở lại Cuộc Nổi dậy Praha, Tiệp Khắc, vào 1968. Phong trào “Chủ nghĩa Xã hội Mang Gương mặt Con người” (Socialism with a Human Face) do Alexander Dubček, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp lãnh đạo. Brezhnev nói với Dubček rằng: Anh (Dubček) là kẻ phá hoại chủ nghĩa cộng sản. Dừng lại! Đừng làm gì thêm nữa! Nếu không, chúng tôi sẽ ghé thăm anh.
Dubček là người không dễ sai khiến. Phong trào tiếp diễn. Xe tăng Liên Xô lao thẳng vào Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp. Bí thư Thứ nhất cùng nhiều ủy viên trung ương bị bắt. Phong trào “Chủ nghĩa Xã hội Mang Gương mặt Con người” cáo chung vào tháng Tư 1969.
Thí dụ khác: Afghanistan 1979, Liên Xô không xâm lược Afghanistan, mà tổ chức một cuộc đảo chính ở thượng tầng. Lực lượng đặc nhiệm vào thủ đô Kabul, bắn chết lãnh tụ Afghan, rồi đưa Babrak Karmal, một đảng viên cộng sản người Afghan sống lưu vong ở Đông Âu, lên nắm quyền. Liên Xô đã thành công.
Đến lượt Ukraina, chúng ta lại giả định rằng, Nga sẽ thành công. Ukraine chỉ là một bản sao của Afghanistan.
Tất cả đã sai. Người Ukraina kháng cự tới cùng và sẵn sàng chết cho quê hương. Putin không tin lại có chuyện này.
Truyền thông ra rả rằng: Phương Tây đang suy tàn. Phương Tây đang tan rã. Phương Tây đã hết thời. Phương Tây đang chia rẽ. Phương Tây đang phân hủy. Phương Tây thối nát. Phương Tây đã cáo chung. NATO đã chết não. NATO đã chết lâm sàng. Đây là thế kỷ của Á Đông. Thời đại của Nga - Trung. Nga - Trung đang thắng thế. Nga - Trung đã soán ngôi Âu - Mỹ. Putin đã tin như vậy.
Lòng quả cảm của người Ukraina, sự thông minh của chính quyền Kyiv đã đánh thức Phương Tây choàng tỉnh, còn Putin bàng hoàng về một cú tính toán sai lầm.
Hỏi: Vậy ông định nghĩa thế nào là Phương Tây?
Trả lời: Phương Tây không phải là vị trí địa lý. Nga thuộc về Âu châu, nhưng không thuộc Phương Tây. Nhật không nằm trên lục địa Âu châu, nhưng thuộc về Phương Tây.
Phương Tây là những định chế và giá trị. Phương Tây là nhà nước pháp quyền, là nền dân chủ, là tư hữu cá nhân, là thị trường mở, là tôn trọng mọi cá thể, là đa sắc tộc, đa văn hóa, là đa nguyên tư tưởng, và rất nhiều giá trị tự do khác mà chúng ta đang có; thậm chí, chúng ta còn coi thường nó. Đấy là Phương Tây.
Sự mở rộng của Liên hiệp Âu châu và NATO, sự đứng lên của Liên hiệp Âu châu và NATO đã làm cho cả Putin và Tập rất ngạc nhiên.
Nếu bạn giả định rằng Phương Tây đang suy tàn, tháo chạy như vịt ở Afghanistan, Ukraina không phải là một quốc gia, người Ukraina không phải là những con người, Zelensky chỉ là tay diễn viên hài, một tên Do Thái miền đông, nói tiếng Nga trọ trẹ, và Nga có thể ra vào Kyiv như một chuyến dạo công viên, thì bạn đã lầm to.
Hỏi: Hãy thảo luận về bản chất của chính quyền Nga. Putin nắm quyền đã 23 năm. Giới đầu sỏ Nga có tên là олигархи (oligarchs) ra đời từ thời Yeltsin, khoảng 8 hay 9 người. Khi Putin nắm quyền, đã gởi thông điệp rõ ràng rằng cứ tiếp tục giàu có, đừng dí mũi vào chính trị. Những ai đã nhúng tay vào chính trị như Mikhail Khodorkovsky thì hoặc ngồi tù, hoặc phải lưu vong. Đến nay chúng ta vẫn nói chuyện về oligarchs. Vậy, bản chất của chính quyền Nga là gì? Ai là người trung thành? Ai đóng vai trò quan trọng?
Trả lời: Nga là chính quyền độc tài, nửa quân cảnh, nửa cảnh sát trị. Nền kinh tế vĩ mô, ngân hàng, tài chính, ở mọi cấp đều do những người cùng phe nhóm nắm giữ. Đó là lý do vì sao nền kinh tế Nga giống như một pháo đài.
Không một oligarchs nào nằm trong chính quyền. Nhưng Putin chỉ cần vung tay, là oligarchs phải phục vụ, nếu không muốn mất trắng. Putin chỉ tuyển lựa những người bạn cũ, người cùng tập võ judo, người cùng đi nghỉ hè, nghỉ đông, người cùng thời KGB, đồng hương Leningrad/Sankt-Peterburg. Putin coi chính quyền là tài sản riêng, mà ông ta là chủ sở hữu. Mọi người phải biết điều này, nếu không muốn chuốc lấy những đắng cay.
Những điều này đã thúc đẩy tham nhũng, thúc đẩy đánh cắp, thúc đẩy tước đoạt tài sản của người khác. Mọi cấp chính quyền ngày càng tham nhũng, bớt sự chính trực, bớt sự tin tưởng, bớt sự gần gũi. Đây là hậu quả tất yếu của độc tài. Điểm tử huyệt của nền chuyên chế.
Hỏi: Nếu ông nói như vậy, dường như chính quyền Nga chỉ quan tâm đến quyền lực, người Nga quan tâm đến giàu có và sang chảnh. Vậy tại sao họ phải bận tâm tới Ukraina?
Trả lời: Đây là quyết định của một người, hậu quả của nền chuyên chế. Chính quyền không thể cung cấp đủ thực phẩm cho dân, không thể bảo vệ dân an toàn, không thể cung cấp y tế, giáo dục miễn phí, nhưng chính quyền có một khả năng để sống sót là phủ nhận mọi thái độ chính trị khác, bỏ tù, đầu độc đối lập. Sự yếu kém trong việc điều hành quốc gia, những sai lầm, hay tham nhũng chẳng có ý nghĩa gì ở Nga cả. Chính quyền Putin vẫn khỏe re.
Hỏi: Nạn tham nhũng nặng ở Trung Quốc, nhưng họ đã đưa hàng triệu người ra khỏi cảnh đói nghèo và nền giáo dục đang thăng tiến. Lãnh đạo Trung Quốc cho rằng đó là thành tựu của họ.
Trả lời: Ai đã làm điều đó? Chính quyền hay xã hội? Đây là kết quả của những người lao động chăm chỉ, gian lao, tài kinh doanh, sự năng động của hàng triệu người trong xã hội đó.
Hỏi: Nếu tính tới sự ủng hộ của dân, thì chính quyền kiểu Putin sẽ thế nào?
Trả lời: Nga có cảnh sát chìm, cảnh sát nổi để trấn áp những người phản đối chính quyền. Đây là một chính quyền chuyên chế. Đừng coi nhẹ.
Nga có nhiều chuyện để kể. Câu chuyện mà họ kể ra thường uy quyền hơn mật vụ. Câu chuyện về những người Nga vĩ đại nhất, về sự hồi sinh Nga dũng mãnh nhất, về tâm hồn Nga thiêng liêng nhất, về khát vọng Nga cao cả nhất, về kẻ thù bên trong độc ác nhất, về kẻ thù bên ngoài hèn hạ nhất.
Chúng ta cho rằng kiểm duyệt là đàn áp thông tin. Nhưng với Nga, kiểm duyệt là sự cộng hưởng của câu chuyện tới người nghe. Câu chuyện làm cho người Nga tăng thêm khát vọng cường quốc, tăng thêm khát vọng làm đấng cứu thế. Những câu chuyện này rất hiệu quả, tràn đầy sức mạnh, và được Putin đánh bóng trong mỗi tình huống.
Câu chuyện còn gieo rắc sợ hãi, gieo rắc nghi ngờ, gieo rắc hận thù. Câu chuyện về thế lực bên ngoài đang âm mưu hạ nhục nước Nga. Kẻ thù đang ngăn cản bước tiến của Nga. Những kẻ thù này có thể là bọn Do Thái, George Soros, hay I.M.F hay bọn NATO. Nga đưa ra danh sách kẻ thù giống như việc bạn rút một cuốn sách đang nằm trên kệ.
Hỏi: Chúng ta đã thấy những gì Nga đã làm ở Grozny, ở Aleppo. Với người Nga, nếu không giải quyết xong trên chiến trường, thì họ sẽ hủy diệt. Kharkiv là một thí dụ và những nơi khác ở Ukraine.
Trả lời: Nguồn vũ khí của Nga rất dồi dào. Nga có thể thắng trên chiến trường, nhưng chiến thắng dễ hơn là chiếm đóng.
Người Ukraine có ngồi yên để Nga chiếm đóng không? Nếu bạn là công chức của chính quyền chiếm đóng, bạn có dám kêu một ly trà rồi uống nó không? Bạn có an toàn khi đề máy xe đi làm? Bạn có yên tâm mở đèn trong văn phòng? Vô vàn cạm bẫy, ám sát, rủi ro trong khi chiếm đóng.
Hãy nhớ lại trận đánh vào Kyiv năm 1940. Đức nhanh chóng chiếm được trung tâm Kyiv. Đức chiếm đóng tại khách sạn sang trọng nhất. Vài ngày sau khách sạn bị thổi bay.
Hỏi: Hãy trở lại Moskva. Chúng ta đã biết câu chuyện của Sa hoàng (Paul)  Pavel đệ Nhất đã bị ám sát bởi chính người thân cận. Khrushchev bị lật đổ bởi Brezhnev. Dưới thời Putin liệu có một cuộc lật đổ tương tự?
Trả lời: Putin đã đề phòng cẩn mật, nhưng mọi thứ đều có thể xảy ra. Ngay dưới thời Stalin hà khắc, mà Tướng Genrikh Lyushkov đứng đầu ngành mật vụ đã đảo ngũ tới Nhật vào năm 1938.
Cho đến nay, chúng ta không thấy có động tĩnh gì ở Moskva. Nên nhớ, chính quyền độc tài thường vận hành theo cơ chế “chọn lọc tiêu cực” (negative selection). Bạn muốn thành tổng biên tập, thì đừng mướn những thằng viết giỏi. Bởi vì bạn lo sợ về tài năng của nó.
Trong chính quyền chuyên chế Nga thường tuyển lựa những người kém thông minh (тупой). Những người yếu kém này thường không thành thạo công việc, không sáng tạo, chỉ biết vâng dạ, nên không đủ khả năng tổ chức một cuộc nổi dậy.
Xung quanh Putin không có gương mặt nào. Có điểm đáng lưu ý: Putin rất yên tâm và không nghi ngờ ai. Nhưng chính những người yếu kém trong chính quyền đã hạ Putin. Thử nhìn vào Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, cung cấp cho Putin toàn những thông tin rác làm hại Putin. Vậy cơ chế “chọn lọc tiêu cực” là con dao hai lưỡi nó bảo vệ lãnh tụ trước mắt, nhưng nó hạ bệ cả chính quyền trong tương lai.
Putin dường như đang cố tạo ra hình ảnh “điên”. Bởi vì, Phương Tây rất sợ người điên. Putin khá thành công trong việc làm cho cả Phương Tây hoảng sợ.
Hỏi: Ông nghĩ thế nào về việc Putin dọa dùng vũ khí nguyên tử?
Trả lời: Không nên giả định đây là lời hù dọa, hoặc chỉ là trạng thái tâm thần. Putin có thể làm điều này. Phải chuẩn bị kỹ.
Hỏi: Tôn Tử viết trong binh pháp: Phải xây “cây cầu vàng” cho địch có đường rút lui an toàn. Có nên làm điều này cho Nga để tránh những thảm khốc nặng nề hơn?
Trả lời: Có vài sự lựa chọn ở đây.
Có thể Putin sẽ hủy diệt Ukraine với tâm thức rằng nếu tao không nuốt được, thì chẳng còn gì cho thằng khác. Putin đã làm như vậy ở Grozny, ở Syria. Putin đang làm như vậy tại Ukraine.
Đây là một thảm họa lớn. Thậm chí, nếu Ukraine có chiến thắng, thì số thương vong và sự tàn phá là vô cùng lớn.
Phương Tây nên làm cách nào để tránh tình huống này. Bằng cách đưa Putin trở lại bàn đàm phán. Tổng thống Phần Lan, Thủ tướng Israel, Chủ tịch Tập, là những người Putin khá tôn trọng, có thể thuyết phục được Putin.
Người Phần Lan hiểu Nga hơn bất cứ dân tộc nào trên trái đất. Israel là một lựa chọn rất tốt. Trung Quốc về dài hạn có thể phải trả giá rất đắt cho cuộc chiến này. Giới tinh hoa dưới quyền Tập biết rất rõ, và bắt đầu lo lắng. Nhưng khốn nỗi, Tập có mối quan hệ riêng tư với Putin rất khăng khít.
Mối quan hệ này kéo dài được bao lâu? Tùy thuộc vào Âu - Mỹ; bởi vì, Âu - Mỹ là đối tác kinh tế, thương mại, tài chính, mậu dịch lớn nhất của Trung Quốc, không phải Nga.
Trung Quốc đang theo dõi diễn biến của cuộc chiến. Trung Quốc để mắt tới hệ thống tình báo Phương Tây. Trung Quốc quan sát những sai lầm của chủ nghĩa toàn trị Nga. Trung Quốc toan tính về những công ty Âu - Mỹ rút ra khỏi thị trường Nga. Tập thì đang bận tâm cho vị trí vững chắc ở nhiệm kỳ III.
Cuối cùng, sự kháng cự của Ukraine trên chiến trường, sự tiếp vận của Phương Tây, những lệnh cấm vận Nga; áp lực chính trị và ngoại giao… tất cả đều đóng vai trò đáng kể.
Hỏi: Ông đánh giá cao ban lãnh đạo của Biden đã xử lý tốt thông tin tình báo, lệnh cấm vận, và cách đáp trả thận trọng. Ban lãnh đạo của Biden có gì sai trong hồ sơ này?
Trả lời: Ban lãnh đạo của Biden đã khá hơn những gì chúng ta thấy ở Afghanistan, đã khôn hơn so với vụ bán tàu ngầm hạt nhân cho Australia.
Họ nhận ra những sai lầm. Đó là Mỹ. Chúng ta có cơ chế sửa sai. Chúng ta học từ những lỗi lầm. Hệ thống chính trị Mỹ có khả năng trừng phạt những sai lầm. Chúng ta có những định chế mạnh, xã hội đầy sức sống, có hệ thống truyền thông tốt và tự do.
Những người trong ban lãnh đạo có thể học, sửa chữa, và làm khá hơn. Đây là động lực thúc đẩy xã hội. Những điều này không có tại Nga hay Trung Quốc.
Vấn đề không phải là khuyết điểm của Biden, mà là tìm cách giảm cường độ quy mô của cuộc chiến, phải tìm cách thoát ra khỏi chủ nghĩa tối đa (maximalism). Chúng ta giơ cao cây gậy, cấm vận nhiều hơn, hủy bỏ mọi quan hệ nhiều hơn, áp đặt tư tưởng; bởi vì, người Ukraine đang chết mỗi ngày. Chúng ta càng dồn Nga vào chân tường, thì Putin càng hung dữ. Putin không còn gì để mất, và còn rất nhiều đồ chơi chưa moi ra khỏi túi.
Điều quan trọng bây giờ là tìm mọi cách giảm cường độ và quy mô của cuộc chiến. Chúng ta cần may mắn, và cần thời vận nữa. Biết đâu nó sẽ tới ngay từ Moscow, từ Helsinki, từ Jerusalem, từ Bắc Kinh; thậm chí, từ Kyiv.

Trần Gia Huấn lược dịch từ The Weakness of the Despot by David Remnick and Stephen Kotkin
Canada, Tuesday, September 27, 2022.
(Theo FB Nghiem Le)

https://www.facebook.com/1203931357/posts/10225100049547409/

 

Đăng ngày 24 tháng 10.2022