Đôi điều suy nghĩ về

cuộc bầu cử tổng thống Pháp

 

Nhữ Đình Hùng

Chỉ còn ba ngày nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng một. Khó có thể đoán được ai sẽ lọt vào vòng hai trong số 4 ứng cử viên dẫn đầu. (Emmanuel Macron, Marine Le Pen, François Fillon, Mélenchon). Ngoại trừ Marine Le Pen có được sự hậu thuẫn của toàn đảng FN và François Fillon có sự hậu thuẫn của đảng LR, hai người cònh lại không có sự hậu thuẫn của đảng!
Ngay trong việc lựa chọn ứng cử viên để ra tranh cử tổng thống, đã có những sự bất ngờ.
Trong đảng LR ( les républicains), trong vòng bầu cử vòng một để chọn ứng cử viên ra tranh cử tổngthống Pháp, các thăm dò dân ý của giới truyền thông cho thấy Alain Juppé dẫn đầu, kế đó là Nicolas Sarkozy và sau đó là François Fillon. Các 'chuyên-gia' nghĩ rằng Juppé sẽ dẫn đầu và sẽ thắng vòng hai. Bất ngờ là François Fillon về đầu và Nicolas Sarkozy về ba! Sang vòng hai, thăm dò dân ý cho rằng Juppé sẽ thắng nhưng cuối cùng François Fillon thắng trở thành ứng cử viên của đảng LR ra tranh cử tổng thống!
Trong đảng Xã Hội (PS), sau khi tổng thống François Hollande quyết-định không ra tranh-cử (có nhiều lý do cho quyết-định này hoặc vì tai tiếng qua cuốn sách 'một vị tổng thống không nên nói thế' hoặc vì tỉ lệ ủng-hộ quá thấp v.v), thủ tướng Manuel Valls ra tranh cử. Ông là người đứng đầu chánh-phủ, lẽ ra phải được đảng Xã-hội đề cử, nhưng trong vòng một tranh cử trong đảng, ông đã bị Hamon đánh bại. Đây quả là một sự bất ngờ!
Tuy được đề cử làm ứng cử viên ra tranh cử tổng-thống, ông Hamon cũng gặp một bất ngờ khác. Đó là việc đảng xã hội đã không hoàn toàn ủng-hộ ông mà có nhiều người quay sang ủng hộ ông Emmanuel Macron. Và theo giới truyền thông, tỉ lệ dân chúng tín nhiệm ông Hamon thua xa ông Macron, một người không có đảng nào đứng đàng sau!
Hai ông Emmanuel Macron và Jean-Luc Mélenchon là hai ứng cử viên không có đảng nào đứng đàng sau. Ông Mélenchon là người đã từng trải qua nhiều cuộc bầu cử, được coi như là cáo già trong chánh trường trong khi ông Macron mới chân ướt chân ráo nhảy vào chánh trường. Ông này không đi từng bước như ra ứng cử hội viên hội-đồng tỉnh, vùng hay dân biểu quốc hội, ào một cái ông ta ra tranh cử tổng thống. Nửa năm trước đây ông còn làm việc trong chánh-phủ của Manuel Valls, sau đó từ chức , dùng phong trào 'En Marche' để làm hậu thuẫn cho cuộc tranh cử. Phong trào này mới được lập ra cách đây một năm rưỡi khi ông Macron còn là tổng trưởng! Vậy mà ông này đạt được kết quả khả quan. Theo các thăm dò ý dân, ông Manuel được coi là sẽ về hạng nhất hay hạng hai trong vòng đầu tranh cử tổng thống! Điều đáng ngạc nhiên khác là hầu như giới truyền thông hoàn toàn ủng hộ ông Macron và chỉ trích mạnh mẽ ông Fillon.
Đảng FN có một nữ ứng cử viên ra tranh cử tổng thống. Sau nhiều lần tranh cử tổng thống từ thời ông Jean-Marie Le Pen, đảng này chỉ về hạng ba hay hạng tư. Tuy nhiên, đảng này đã có lần về nhì trong cuộc tranh cử tổng-thống giữa Jacques Chirac, Lionel Jospin và Jean Marie Le Pen. Và cũng kể từ khi đó, FN đã bắt đầu có được hạ tầng cơ sở vững chắc, trở nên mạnh hơn đảng cộng sản và ngang ngửa với đảng xã-hội. Trong lần tranh cử năm nay, các thăm dò cho thấy FN có thể về đầu hay về nhì.
Vẫn theo các thăm dò ý kiến, ông Fillon về hạng ba và ông Mélenchon về hạng tư và bỏ khá xa ứng cử viên của đảng xã hội. Trước đây, các thăm dò cho thấy ông Fillon có thể về đầu hay về nhì. Nhưng ông Fillon bị báo 'con vịt buộc' tố là đã xử dụng bất hợp pháp tiền cấp cho để thuê phụ tá, ông đã thuê bà vợ và bà này bị tố là không có làm việc gì cả. Ông Fillon đã bác bỏ những sự việc này. Nhưng, ngay hôm báo Canard enchaîné loan tin, ông Fillon bị toà án điều tra ngay. Sự nhanh chóng của toà án khiến nhiều người ngạc nhiên. Trong khi đó, tại quốc hội, có rất nhiều dân biểu, nghị sĩ xử dụng người nhà và không bị để ý đến. Trường hợp mới nhất là tổng trưởng nội vụ Roux.Ông này là dân biểu quốc hội trước khi được bổ nhiệm làm tổng trưởng nội vụ, đã thuê người con còn học trung học làm phụ tá. Nếu một học sinh trung học có thể làm phụ tá dân biểu thì công việc của dân biểu chắc không có gì khó khăn! Ông Roux đã phải từ chức tổng trưởng và lập tức có phong-trào đòi ông Fillon phải rút khỏi cuộc tranh cử tổng thống! Trong khi ông Fillon và bà vợ bị tai tiếng và điều tra tư pháp, ông Roux không bị phiền hà gì! Một trường hợp hai cân, hai lạng! Và sự đòi hỏi ông Fillon phải rút ra khỏi cuộc tranh cử cũng kỳ lạ vì như thế cuộc tranh cử sẽ diễn ra giữa FN và phe tả là J.L. Mélenchon và E.Macron. Ông Macron nói là không thuộc phe tả, không thuộc phe hữu nhưng các tuyên bố của ông thường mâu thuẫn với nhau, khi thì ông nói đương nhiên là ông theo xã-hội, lúc thì không phải là xã hội. Điều phải hỏi nếu ông không thuộc cánh tả và xã hội, tại sao ông lại được cử làm tổng trưởng trong chánh-quyền Valls, một chánh-quyền thuộc đảng xã-hội! Ông Macron đã được nhiều dân biểu xã hội ủng hộ, đặc biệt là có sự ủng hộ của ông Bayrou, người được coi thuộc cánh trung tâm nhưng thực lực của đảng Modem rất yếu đến độ ông Bayrou không tranh được ghế dân biểu, và ghế thị trưởng ông có được là nhờ ông Juppé tiếp sức. Nhưng nay ông 'phản thùng' phe hữu như đã từng làm trước đây trong cuộc tranh cử giữa Sarkozy và Hollande.
Trường hợp ông Mélenchon cũng là trường hợp đáng để ý! Ông này trước kia thuộc đảng xã hội nhưng sau đó đã rời bỏ đảng này để trở thành ứng cử viên không đảng nhưng khuynh hướng cực tả. Ông Mélenchon và bà Le Pen chủ trương ra khỏi Liên Âu và OTAN.
Cho tới một tuần trước ngày bầu cử các giới truyền thông qua các thăm dò dân ý đều nói là ông Macron và bà Le Pen chiếm hai hạng đầu, còn hạng ba và bốn dành cho ông Fillon và Mélenchon, khi thì ông Fillon ở hạng ba, khi thì ông Mélenchon đứng hạng ba. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là nếu ông Macron và bà Le Pen có tỉ lệ ủng hộ cố định, ông Fillon cũng cố định thì ông Mélenchon lấy đâu ra số ủng hộ thêm để từ 14% lên 19%. Ngoại trừ tỉ lệ ủng hộ ông Hamon có giảm sút nhưng có chắc là số này đã quay sang ủng-hộ ông Mélenchon. Nhưng trong tuần này, các cơ sở thăm dò dư luận đã tỏ ra thận trọng, cho thấy mức dự đoán rất khó vì các ứng cử viên có khoảng cách sát nút và khó có thể đoán chắc ai sẽ vào vòng hai. Do đó, các suy nghĩ về kết quả bầu cử tổng thống Pháp sẽ có thể là:
- nếu Macron và Le Pen vào vòng hai, Macron sẽ thắng.
- nếu Fillon và Le Pen vào vòng hai, Fillon sẽ thắng.
- nếu Fillon và Macron vào vòng hai, không biết ai sẽ thắng nhưng sẽ không có hậu quả gì xấu!
- nếu Le Pen và Mélenchon vào vòng ai, ai thắng cũng sẽ là một điều không hay cho nước Pháp.
Do đó, người ta chờ đợi các bất ngờ trong cuộc bầu cử vòng một vào chủ nhật 23.04. sắp tới!
Nhữ đình Hùng/20.04.2017


 

Hàn Quốc có bị lừa trong vụ

tàu sân bay Mỹ hướng tới Triều Tiên?

Cách đây chưa đầy hai tuần, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố điều nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson đến gần bán đảo Triều Tiên, nhiều người Hàn Quốc lo sợ xảy ra xung đột với Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, một số khác hoan nghênh hành động của Mỹ và cho đó là biểu tượng mạnh mẽ của cam kết kiếm chế Triều Tiên.
Tuy nhiên, khi thông tin nhóm tàu chiến nói trên vẫn còn cách xa bán đảo Triều Tiên hàng ngàn hải lý và đang di chuyển theo hướng ngược lại đến Ấn Độ Dương được tiết lộ hôm 19-4, nhiều người Hàn Quốc cảm thấy hoang mang và bị lừa bởi đồng minh quan trọng nhất.
Trang JoongAng Ilbo (Hàn Quốc) hôm 19-4 đăng tải bài báo có tựa đề: “Lời nói dối của ông Trump về tàu sân bay Carl Vinson”,
 Tàu sân bay Carl Vinson (phải) ở Ấn Độ Dương vào tuần trước. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Tàu sân bay Carl Vinson (phải) ở Ấn Độ Dương vào tuần trước. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Bài báo đặt câu hỏi: “Giống như Triều Tiên thường bị cáo buộc phô bày tên lửa giả trong lễ duyệt binh, giờ đây Mỹ cũng sử dụng chiến lược lường gạt giống Triều Tiên?”.
Phát ngôn viên Youn Kwan-suk của đảng Dân chủ đối lập nói rằng: “50 triệu dân Hàn Quốc cũng như nhiều người trên khắp thế giới không thể không cảm thấy xấu hổ và bị sốc”.
“Hàn Quốc rõ ràng là không thể không biết chuyện nhóm tàu Carl Vinson không có mặt ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên ngày 15-4 nhưng họ cố tình giữ im lặng, không làm gì nhằm giảm bớt căng thẳng khi an ninh là vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử sắp tới” – cựu sĩ quan hải quân Hàn Quốc Kim Dong-yub nhìn nhận.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Shin In-Kyun cho rằng ông Trump dường như đã dùng nhóm tàu Carl Vinson làm “đòn nhử” nhằm ngăn Triều Tiên thử hạt nhân. “Quân đội Hàn sẽ rất lúng túng nếu lên tiếng làm rõ vụ việc khi biết ông Trump đang lừa họ. Tuy nhiên, “quả lừa” này thực sự hiệu quả khi Triều Tiên không thử hạt nhân vào ngày 15-4” – ông Shin cho biết.
Ông Narushige Michishita, một chuyên gia về an ninh quốc tế tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia ở Tokyo – Nhật Bản, cho rằng: “Dù đó là do thông tin cố tình cung cấp sai lệch hoặc có sự hiểu lầm giữa Lầu Năm Góc và Nhà Trắng thì vụ việc lần này cũng khá nghiêm trọng. Nó làm giảm uy tín của giới lãnh đạo Mỹ”.
Tuy nhiên mới đây, Chuẩn đô đốc Jim Kilby, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson xác nhận nhóm tàu này đã tham gia tập trận với Úc và chuẩn bị tiến đến vùng biển gần bán đảo Triều Tiên. Ông Kilby viết trên trang Facebook của tàu Carl Vinson hôm qua rằng việc điều động được kéo dài thêm 30 ngày để hiện diện tại khu vực nói trên. “Sứ mệnh của chúng tôi là đảm bảo cam kết kiên định với các đồng minh ở Ấn Độ Dương và châu Á – Thái Bình Dương”, ông chia sẻ.
Trang USNI News ngày 19.4 dẫn lời ông David Benham, người phát ngôn Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ xác nhận nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson đã hoàn tất cuộc diễn tập với Úc ở vùng biển quốc tế gần bờ biển bang Tây Úc, hiện đang vào Biển Đông để lên phía bắc. Dự kiến nhóm tàu này sẽ đến gần bán đảo Triều Tiên vào cuối tuần tới.
Trong khi đó, CNN đưa tin có thể nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson đã không đến vùng biển gần bán đảo Triều Tiên trước đó là do có nhầm lẫn trong trao đổi thông tin giữa các bộ ngành với giới chỉ huy quân sự. Thông tín viên cao cấp của CNN phụ trách các vấn đề Nhà Trắng là ông Jim Acosta hôm qua đã công bố thông tin bất ngờ này trên tài khoản Twitter. “Quan chức cấp cao của Nhà Trắng đổ lỗi cho việc hiểu lầm trong quá trình trao đổi thông tin dẫn đến hậu quả là tàu sân bay Carl Vinson không ở đúng vị trí mà chính quyền Washington từng tuyên bố”, ông tiết lộ.
Trong một diễn biến khác, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence hôm qua lên tàu sân bay Ronald Reagan ở căn cứ hải quân tại Yokosuka (Nhật Bản), khẳng định cam kết của Mỹ với các đồng minh tại châu Á – Thái Bình Dương. Ông cũng đưa ra lời cảnh báo cứng rắn đối với “mối đe dọa cấp bách và nguy hiểm nhất tại khu vực”, nhấn mạnh Mỹ và đồng minh đang chuẩn bị đáp trả nguy cơ tấn công từ Triều Tiên bằng vũ lực “vượt trội”.


http://dannews.info


 

Bắc Hàn dọa

nhấn chìm nước Mỹ trong tro bụi

RFA


Các xe tăng của Quân đội Nhân dân Triều Tiên trong một cuộc diễu hành quân sự kỷ niệm 105 năm ngày sinh của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Il-Sung ở Bình Nhưỡng vào ngày 15 tháng 4 năm 2017.
Các xe tăng của Quân đội Nhân dân Triều Tiên trong một cuộc diễu hành quân sự kỷ niệm 105 năm ngày sinh của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Il-Sung ở Bình Nhưỡng vào ngày 15 tháng 4 năm 2017.
AFP photo

Bắc Hàn cảnh cáo Hoa Kỳ về một cuộc tấn công phủ đầu mà Bình Nhưỡng tung ra sẽ vô cùng dữ dội.
Tuyên bố này được hãng thông tấn Bắc Hàn đưa ra sau khi Bộ trưởng ngoại giao Mỹ ông Rex Tillerson nói là Washington đang tìm cách tăng áp lực lên nhà nước Bắc Hàn để giải quyết vấn đề hạt nhân của nước này.
Tờ báo của Đảng Lao động Triều tiên cầm quyền ở Bắc Hàn nói rằng cuộc tấn công phủ đầu không những sẽ quét sạch các lực lượng đế quốc Mỹ xâm lược ở Nam Hàn mà còn sẽ nhấn chìm cả nước Mỹ trong tro bụi.
Đây được xem như phản ứng giận dữ của Bắc Hàn để đối lại với những lời lẽ của các quan chức Mỹ trong vài ngày qua.
Ông Rex Tillerson ngoại trưởng Mỹ thì nói rằng Bắc Hàn là một nhà nước hỗ trợ khủng bố. Phó tổng thống Mike Pence của Mỹ trong chuyến viếng thăm các đồng minh vùng châu Á nói thời kỳ chính sách kiên nhẫn của Hoa Kỳ đã qua rồi, ý muốn nói đến chính sách mềm mỏng đối với Bắc Hàn của tổng thống Obama. Còn ông Paul Ryan, chủ tịch Hạ viện Mỹ thì ám chỉ ông Kim Jong Un lãnh đạo Bắc Hàn là một nhà độc tài, và chuyện cho phép một kẻ như vậy có sức mạnh là điều không thể chấp nhận được của loài người văn minh.
Trong khi đó thì ở miền Nam, tổng thống tạm quyền Hàn quốc Hwang Kyo-ahn nói trong một cuộc họp với các quan chức cao cấp của Hàn Quốc rằng các cơ quan quân đội và an ninh lúc nào cũng phải cảnh giác.
Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc nói rằng cuộc tập trận hàng năm phối hợp với lực lượng không quân Mỹ vẫn đang diễn ra và kết thúc vào ngày 28 tháng tư tới đây.
Bắc Hàn nói rằng cuộc tập trận này là để chuẩn bị xâm lăng miền Bắc. Còn một sĩ quan Hàn Quốc thì nói là với những cuộc tập trận như thế này Hàn Quốc có thể ngăn chận chiến tranh cũng như không cho kẻ địch có ý định khiêu khích.
Trong khi đó thì tại hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga lại phản đối một dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo, lên án vụ thử tên lửa vừa qua của Bình Nhưỡng.
Nga đòi thêm vào bản dự thảo câu nói giải quyết vấn đề thông qua thương lượng, trong khi đó các nhà ngoại giao lại nói là Trung quốc đồng ý với bản dự thảo này.

http://www.rfa.org/vietnamese

 

Đăng ngày 20 tháng 04.2017