Chạnh nghĩ về một

“Đệ Nhất Phu Nhân”… không ngai!

 

Lời mở đầu
Ý định của tác giả khi quyết định viết bài nầy là chợt nhớ những gì Bà Ngô Đình Nhu đã tuyên bố vào đầu thập niên 60, với ước muốn cùng quí bạn đọc suy nghĩ xem có phải là những lời tiên đoán quá đúngvề những gì xảy ra trên đất nước triền miên đau thương của chúng ta, sau ngày binh biến 1.11.1963, tất yếu dẫn tới thảm họa 30 tháng Tư 1975 cho cả dân tộc:
- "Thầy chùa nướng BBQ" và... Phong Trào Phật Giáo Tranh Đấu tại miền Trung do Thượng tọa Thích Trí Quang chủ xướng sau đó...
- "Các sĩ quan Mỹ là những tay phiêu lưu (aventuriers)"và..."Khi đồng minh tháo chạy", bỏ rơi VNCH cho CSBV "làm thịt" sau đó…
Ngoài ra, tưởng cũng cần suy nghĩ thêm về sự tranh đấu của Bà chống ly dị, chống tệ trạng 5 thê 7 thiếp để bảo vệ gia đình và để bình quyền nam nữ. Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới, trước đây bị đả kích, bôi bác, xuyên tạc nặng nề. Các phụ nữ VN hải ngoại cũng như trong nước giờ đây tưởng cũng nên điều chỉnh lại cái nhìn về vấn đề nầy: Bà Trần Thị Lệ Xuân phải chăng đã đi bước tiên phong tại VN so với Phong Trào Bảo Vệ Phụ Nữ (Féminisme) phát triễn rộng khắp thế giới ngày nay?   Lê Tấn Lộc

***

Tháng 4 năm 1961, trăm hoa xuân đua nở khoe sắc thắm, kết thành áo choàng ngoài muôn màu bao phủ những bức tường xám xịt, ám khói đen của Viện Pháp-Việt (Institut Franco-Vietnamien), nằm trong quartier latinde Paris:
Là nơi trú ngụ của nhóm 16 sinh viên VN trong đợt đầu được chính phủ VNCH chấp thuận cho xuất ngoại du học ngày 26 tháng 10 năm 1960 (Nghị định số 988-TTP/KH ngày 8 tháng 10 năm 1960 của Phủ Tổng Thống) -gồm 10 nam nữ sinh viên các ban Triết học, Pháp văn, Sử địa, năm thứ 3 Đại Học Sư Phạm Sài Gòn và Đà Lạt, 1 nữ sinh viên sang làm luận án Tiến sĩ, cùng 5 nam nữ sinh viên theo học các trường đào tạo kỹ sư hóa học, cơ khí, thủy điện, công kỹ nghệ, với học bổng do chính phủ Pháp cấp sau một thời gian khá dài hai nước gián đoạn “giao lưu văn hóa”, hậu quả của không khí ngoại giao nguội lạnh từ khi Tây bị Mỹ hất cẳng khỏi VN- ngôi nhà hai tầng với sous-sol, tọa lạc số 269 rue Saint-Jacques nầy (góc Feuillantines, gần Hôpital du Val-de-Grâce, sát vách Schola Cantorum, trường dạy khiêu vũ Ballet, cách Trường Sorbonne, cùng đường, không xa lắm) đang sửa soạn tiếp đón các vị thượng khách từ VN sang thăm viếng. Nhóm anh chị em sinh viên chúng tôi chỉ được thông báo về vụ tiếp tân nầy vào giờ chót, nên phải tất bật bắt tay ngay vào việc chuẩn bị các thứ. Tôi được giao phó phụ trách phần âm thanh cho khách “đàm đạo” với sinh viên và cho buổi dạ vũ sau đó, cũng như trang hoàng hoa đăng cho buổi dạ tiệc -rất đơn sơ, với thức ăn nhẹ- trong khuôn viên tuy nhỏ bé nhưng rất xinh xắn, ấm cúng, phía sau Institut…


(Người viết và Martha, bạn đồng môn-Paris, Xuân 1961)

G.S. Giám đốc Viện Gustave Meillon và phu nhân -cả hai đều nói tiếng Việt lưu loát, ông giọng miền Bắc, bà, giọng miền Nam- cùng cô con gái và Ban Điều Hành Institut nghênh đón, hướng dẫn phái đoàn khách quí về hướng khuôn viên lộ thiên. Tháp tùng Ông Cố vấn và Bà Ngô Đình Nhu -nhủ danh Trần Thị Lệ Xuân- cùng ái nữ Ngô Đình Lệ Thủy -17 tuổi, đẹp nhu mì- có Ông Đại sứ và Bà Phạm Khắc Hy cùng cô con gái cưng tên Uyên, trang lứa với Lệ Thủy, cũng khá đẹp, nhưng cung cách hầu như không còn chút Á Đông nào hết.
Kinh nghiệm đương đầu với đám sinh viên VN thân cộng thường lỡn vỡn trước phạn điếm đại học (restaurant universitaire “Maison des Mines”), đối diện Institut -nơi anh chị em sinh viên chúng tôi đến dùng bữa trưa và cơm tối sau giờ học- để gây sự, đôi khi đưa tới xô xát, tôi linh cảm thế nào chúng cũng tìm cách trà trộn vào buổi tiếp tân để phá thối…Quả nhiên!
Đoán biết chúng sẽ bị nhận diện ngay, nếu chúng mưu toan len lỏi vào Institut -bởi chúng thường chận đường nhét truyền đơn chống VNCH vào tay chúng tôi trước cửa quán ăn sinh viên; và nếu chúng tôi vứt bỏ không cần xem là bị chúng áp lại hành hung tức khắc- chúng bèn đổi chiến thuật: đưa các cảm tình viên loại “gộc” của CSBV, bên ngoài trông rất đạo mạo, “trí thức”, ăn mặc rất “chic”, nói năng chững chạc, hòa nhã…vào tham dự buổi tiếp tân!
Chính tôi cũng không rõ những tay nầy thiên tả “có bằng cấp”; không chừng dám là cán bộ CS chính hiệu con nai vàng nữa đấy! Trông họ rất đứng đắn, sang trọng, tiền bạc rủng rỉnh, tiêu xài rất “mát tay”. Họ thường lân la tìm cách giúp đỡ những sinh viên VN bị tạm cúp sổ chuyển ngân vì ngã theo CS tuyên truyền chống VNCH và hăng hái tham dự các sinh hoạt văn nghệ hay du ngoạn do các bộ phận CSBV trá hình tổ chức, nhằm thu phục cảm tình đám sinh viên nhẹ dạ rời xa quê hương khá lâu, không am tường hiện tình đất nước, với hậu ý khuyến dụ đám “nai tơ” nầy trở về miền Bắc phục vụ sau khi thành tài -những con nai tơ đã được miền Nam VN ưu đãi tài trợ cho xuất ngoại tiếp tục dồi mài kinh sử. Thế đấy: một lũ “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản” mà vẫn hiu hiu tự đắc mình “cao siêu” hơn bọn sinh viên theo “Diệm-Mỹ”!
Các đợt sinh viên kế tiếp do VNCH cho xuất ngoại hưởng học bổng của chính phủ Pháp nâng cao nhân số cư trú tại Institut, khiến chúng tôi cảm thấy đỡ lẻ loi trước sự hung hãn của bọn sinh viên theo VC luôn chờn vờn trước Maison des Mines: Những bậc đàn anh, như BS Nguyễn Phước Đại, GS Trần Văn Tấn, GS Hồ Thới San, v.v… trước đây đã từng du học tại Pháp, Bỉ… sang đây chuẩn bị tiến thêm về học vị quả thực có giúp chúng tôi thấu đáo hơn các mưu chước quỹ quyệt của CSBV nhắm vào giới sinh viên VN mới chân ướt chân ráo tới kinh đô ánh sáng.
Dĩ nhiên , các giới chức trách nhiệm an ninh cho “thượng khách” biết trước sẽ có “địch thủ” thâm nhập, nhưng vì nơi đây là xứ tự do, không lý do gì ngăn cản họ tới tham dự cuộc tiếp tân dành cho giới chức cao cấp của VNCH, một chính thể…tự do! Chúng tôi chỉ còn biết hy vọng ông cố vấn Ngô Đình Nhu đủ bản lĩnh và thao lược đương đầu với các phần tử tập tành trung kiên với chế độ độc tài đảng trị Bắc Bộ Phủ!
May mắn thay, lòng tin tưởng vào khả năng đối đáp của vị Cố vấn Tổng Thống VNCH trước những câu hỏi hốc búa của hai sinh viên “yêu nước” -yêu XHCN!- trong khuôn viên Institut được đền bù xứng đáng:
-Thưa ông Cố vấn, sinh viên yêu nước thứ nhứt hỏi. Xin ông vui lòng xác nhận hay phủ nhận chuyện ông cho chuyển ngân bất hợp pháp hai tỷ đô-la sang một ngân hàng ở Thụy Sĩ. Có phải ông định dùng số tiền nầy kinh tài để củng cố chế độ “gia đình trị” do Tổng Thống Ngô Đình Diệm chủ xướng chăng?
Có tiếng vỗ tay lét đét từ phía “cò mồi” do các phần tử “yêu nước” gài.
Ông Cố vấn chờ tiếng vỗ tay chấm dứt, điềm tĩnh trả lời:
-Có! Chúng tôi có một ngân khoản ở Thụy Sĩ. Nhiều hơn con số anh đưa ra. Tôi không tiết lộ con số chính xác vì nó liên quan tới An Ninh Quốc Phòng. Đó là một ngân quỹ bí mật. Muốn sử dụng phải hội đủ 5 nhóm mật mã của 5 vị trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia mà tôi là một thành viên. Có lẽ anh ở ngoại quốc quá lâu, nên không theo dõi hiện trạng đất nước. Người Mỹ đang áp lực chúng tôi theo đường lối chính trị của họ. Chúng tôi không muốn hoàn toàn lệ thuộc vào họ, đánh mất chủ quyền quốc gia. Nên quỹ bí mật nầy nhằm đảm bảo sự độc lập của chúng tôi trong việc điều hành quốc sự…Hy vọng tôi đã trả lời thỏa đáng điều anh thắc mắc…
Cử tọa không vỗ tay rầm rộ, nhưng gật gù tán thưởng. Sinh viên “yêu nước” bẽn lẽn rời khuôn viên Institut.
-Thưa ông Cố vấn, sinh viên “yêu nước” thứ hai sừng sõ “chất vấn” tiếp. Ông vẫn chưa trả lời dứt khoát Tổng Thống Ngô Đình Diệm có áp dụng chế độ “gia đình trị” tại miền Nam không?
Lại có tiếng vỗ tay lét đét!
-Như ông bạn anh vừa hỏi tôi, tôi nghĩ rằng anh cũng đã xa quê hương rất lâu. Tôi xin tóm lược hiện tình đất nước từ ngày Ngô Tổng Thống về chấp chánh đến nay, để đặt câu hỏi ngược lại với anh:
Giả thử anh là Thủ tướng Ngô Đình Diệm, về nước năm 1954 khi thực dân Pháp còn tiếp tục khuyến khích các phần tử thân Pháp lật đổ chính quyền, cũng như yểm trợ, xúi giục các giáo phái có thành tích bất hảo như thổ phỉ đánh phá quân đội quốc gia, trước cảnh dầu sôi lửa bỏng do các phần tử đối nghịch tạo nên, rắp tâm tiêu diệt anh, nếu phải chọn cộng sự viên sẵn sàng chết sống có nhau vì đại cuộc, giữa hai người đồng tài, đồng sức, đồng chí hướng, một bên không là thân bằng quyến thuộc, một bên là cật ruột, anh có cảm thấy gần như không cách chi anh không hành sử như Tổng Thống Ngô Đình Diệm chăng?
Sinh viên “yêu nước” thứ hai âm thầm lủi mất.
Mọi người lần lượt rời khuôn viên bước vào hội trường tham dự dạ vũ...
Ông Tuyên, tùy viên văn hóa (attaché culturel) Tòa Đại Sứ VNCH có lẽ là người duy nhứt trong cơ cấu đại diện quốc gia được anh chị em sinh viên chúng tôi quý mến. Ông rất cởi mở, chia sẻ và cảm thông những khó khăn của sinh viên du học, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của họ nơi xứ người. Nhờ vậy chuyện mất thiện cảm của kiều bào trước thái độ ít nhiều lãnh đạm, nếu không muốn nói là kiêu căng, hách dịch của các viên chức ngoại giao tại tòa đại sứ giảm sút thấy rõ từ lúc ông nhận trách nhiệm. Cũng nhờ ông chăm chú cải thiện việc tiếp đón thực khách mà số sinh viên lâu nay thường la cà ở tiệm ăn khu Maubert của CSBV dần dà trở lại quán cơm Việt Nam đường Monge của VNCH!
Nhưng trong buổi tiếp tân nầy, trông ông có vẻ bối rối ra mặt trước phản ứng bất bình của một sinh viên VN đến mời cô con gái cưng của ông Đại sứ ra sàn nhảy, bị cô khước từ với lý do cô không biết… nhảy. Nhưng sau đó cô ta lại “nhảy” liên tu bất tận với… sinh viên Tây! Trong khi đó tôi cũng đến lịch sự mời ái nữ ông bà Cố vấn khiêu vũ và cũng bị từ chối, cũng với lý do rất lễ phép:
-Thưa anh! Rất tiếc Lê Thủy không biết khiêu vũ…

Nhưng khác hơn cô Uyên, Lệ Thủy không khiêu vũ với ai cả. Tôi không cảm thấy bị mất mặt nhưng anh bạn sinh viên VN của tôi thì cho rằng anh bị xúc phạm nặng nề… Trước tình thế căng thẳng có thể gây bất lợi cho việc thu phục nhân tâm của chính quyền VNCH tại hải ngoại, ông bà Đại sứ vẫn không chút nao núng… Hầu như ông Đại sứ quên mất trách nhiệm của ông trước một “rối rắm” (incident) bất ngờ.
Và…không ai ngờ Bà Cố vấn Ngô Đình Nhu đã nhanh trí ra tay làm công việc của ông Đại sứ VNCH! Với một phong cách “ngoại giao đầy nữ tính” (diplomatiquement féminine) hết sức duyên dáng, Bà Cố vấn nhẹ nhàng giải tỏa bế tắc (dénouer l’impasse):
-Lệ Thủy! Ban chiều con đi kermesse (chợ phiên) bắn bia trúng được hai chai rượu. Mau đem ra mở mời các anh đi con!
Lệ Thủy đích thân khui hai chai rượu đỏ, rót mời “các anh”. Con nhà gia giáo có khác! Một điểm son cho người mẹ quá tinh tế trong giao tiếp…
Vì Tổng thống Ngô Đình Diệm suốt đời độc thân, nên do vị thế khá đặc biệt của người phụ nữ trong xã hội VN thời đó, Bà Ngô Đình Nhu -vừa là vợ Ông Cố vấn, vừa là Dân biểu Quốc hội- mặc nhiên được thiên hạ coi như “Đệ Nhất Phu Nhân”…không ngai!
Nhờ sự “can thiệp” khéo léo của người phụ nữ đã có thời dạy piano cho các nữ sinh Couvent des Oiseaux (Đà Lạt), sự căng thẳng chùng hẵn và không khí vui tươi trở lại bao trùm cả hội trường. Chủ, khách trò chuyện râm rang, thoải mái.
Khi hội trường trở lại hoang vắng, tôi liếc nhanh đồng hồ: 3 giờ sáng! Cũng may là…Chúa Nhật! Khỏi phải thức sớm!
***
Có tiếng gõ cửa phòng tôi. Còn ngáy ngủ, tôi vẫn cố ngồi dậy: người gác dan Institut báo “une dame vietnamienne”muốn gặp sinh viên. Anh gõ cửa tất cả các phòng, không ai trả lời; chắc họ đi chơi hết rồi. May thay tôi chưa “sortir”. Hỏi có biết danh tánh người đến tìm gặp sinh viên chăng; được trả lời người ấy chỉ nói đêm qua có đến dự tiếp tân…
Gấp rút làm vệ sinh, thay áo quần mới, tôi tự hỏi “Madame” nào bí ẩn dữ vậy, chẳng lẽ…Vô lý. Bởi nếu đúng như tôi nghĩ thì phải nghi lễ rườm rà, tiền hô hậu ủng chứ!
Từ thang lầu vội vã bước xuống, tuy khách quay lưng về phía tôi, ngắm nhìn dàn hoa oeillet hai bên lối đi dẫn tới cổng Institut, tôi muốn đứng tim: dáng dấp nầy chỉ có thể của một người rất “tinh tế”…Nhưng sao không mặc áo dài cổ hở -dấu ấn độc đáo của “người ầy”? Quần tây sậm, sơ mi trắng giản dị, tóc buông thả phủ vai như Graziella, chân mang ballerines…Tôi tiến gần đến độ ngửi được hương tóc thoang thoảng mà người thiếu phụ vẫn chưa quay mặt lại vì mãi mê ngắm hoa. Vẫn giữ khoảng cách tối thiểu, tôi tuyệt đối im lặng cho tới khi “phu nhân” xoay người lại…
-Kính chào và hân hạnh được đón tiếp Bà Cố vấn…
Quả thật khó khăn lắm tôi mới nói được suông câu, trong lòng bán tin bán nghi có phải mình chào đón đúng người chăng vì… “Bà Cố vấn” hôm nay sao hình như…quá trẻ? Tôi cảm thấy như đang tiếp chuyện với một nữ đồng môn ở Sorbonne!
Tôi hỏi sao không ai báo trước cho chúng tôi bà đến thăm. Bà cho biết muốn đến tự nhiên với anh chị em sinh viên, muốn đích thân tìm hiểu cuộc sống chúng tôi xem có gì cần giúp đỡ cải thiện thêm chăng.
Sau khi hướng dẫn bà đi quan sát phòng ốc, tiện nghi vệ sinh, v.v…tôi thực sự quí mến và cảm phục lòng ưu ái chân thành của bà đối với đám sinh viên xa quê hương, còn bỡ ngỡ trước những khác lạ trong nếp sinh hoạt thường nhật nơi xứ người. Tình thật tôi không cảm thấy chút kiêu căng, hách dịch, xa cách, “quan liêu” nào toát ra từ người phụ nữ rất phong lưu, rất có “classe” nầy! Có lẽ phần nào bị ảnh hưởng về cách phục sức y như sinh viên chúng tôi của vị khách quí bất chợt đến, tôi miên man liên tưởng tới hình ảnh người nữ một thời thanh thoát ngồi trước dương cầm, thả hồn phiêu lãng theo đôi bàn tay tuyệt trần bay lượn trên các phím ngà, cho hàng chuỗi giai điệu réo rắt vang lộng khắp các hành lang Couvent des Oiseaux Xứ Hoa Đào thơ mộng thuở nào…
***
Hai mươi tám năm sau, từ dạo tiễn Đệ-Nhất-Phu-Nhân-Không-Ngai ra cổng Institut Franco-Vietnamien, lặng nhìn “Madame” đơn độc đếm bước về hướng métro Port Royal dưới ánh nắng xuân vàng ấm, tôi có dịp trở lại con đường Saint-Jacques đầy ắp kỷ niệm, sau khi ngồi tù cải tạo CS năm năm, vượt biển lưu lạc sang Xứ Tuyết Canada định cư.
Tiệm Tabac, góc Saint-Jacques-Feuillantines, nơi bọn sinh viên chúng tôi thường đến điểm tâm trước khi đi cours vẫn còn, nhưng chắc cũng đã nhiều phen đổi chủ. Cũng nơi nầy, 28 năm về trước, tôi dự tính mời Madame-khách-quí ghé qua để nghe giọng lanh lảnh của nữ chủ tiệm Tabac duyên dáng lập lại “còm-măng” quá quen thuộc của tôi:
-Một cà-phê sữa to và 2 miếng bánh mì nướng! (Un grand crème et deux tartines!)
Nhưng vào giờ chót tôi bỏ ý định vì sực nhớ phương vị rất “bề thế” của Madame, sợ không tiện lắm.
Schola Cantorum vẫn bất biến, luôn kín cổng cao tường. Trái lại ngôi nhà mang số 269 St-Jacques, tuy vẫn còn ở nguyên vị trí, đã hoàn toàn thay hình đổi dạng, từ ngoài tới trong! Bảng đồng mạ vàng khắc hàng chữ xanh Institut Franco-Vietnamien được thay thế bằng tấm gỗ sơn mài, tô hàng chữ đỏ chói Maison du Sud-Est Asiatique! Phòng ốc bên trong cũng đã đổi thay toàn diện . Và hình như chẳng có sinh viên VN nào trú ngụ cả. Toàn sinh viên Căm-pu-chia và một số ít sinh viên Lào.
Sau khi tiếm đoạt quán ăn đường Monge -mà CSBV đổi tên thành Foyer Vietnamien như đã đổi tên Sài Gòn- nghe đâu Hội Thân Hữu Pháp Việt (được tái lập từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa) bị CHXHCNVN áp lực tháo gỡ bảng hiệu Institut Franco-Vietnamien làm xốn mắt Bắc Bộ Phủ. Họ muốn xóa bỏ mọi dấu tích của VNCH trên đất Pháp…
Paris, một thuở…Sài Gòn, một thời...Khi Tháng Tư còn Xanh...Khi Tháng Tư chưa Đen trên đất nước, chưa sầu thảm, uất nghẹn trong ký ức ray rứt, trăn trở của người dân Việt, trong cũng như ngoài nước...
Hãy hình dung cảnh ngộ người vợ -đang công tác ngoài nước, rụng rời nhận hung tin chồng và anh chồng bị thảm sát trong cuộc binh biến 1.11.1963 tại Sài Gòn- chưa kịp khô nước mắt, đã phải sụt sùi lau lệ khóc đứa con gái Lệ Thủy tử nạn thảm khốc, chưa đầy một năm sau chịu tang chồng...
Suốt 47 năm, người đàn bà đau khổ sống ẩn dật như một nữ tu, không hề lên tiếng trước những ồn ào náo nhiệt từ loa phát thanh của các “đấng” anh hùng hải ngoại, chuyên đấu võ mồm, mắc chứng “nổ” không ngưng nghỉ (non-stop),tự đánh bóng ngoài những giới hạn có thể chấp nhận! Nghe đâu người đàn bà rất tự trọng nầy dự tính viết hồi ký. Hàng ngũ anh hùng dỏm chắc chắn ít nhiều đang bị chấn động…
Ném một hòn sỏi xuống giòng sông, theo dõi các vòng tròn từ từ tan loãng, tôi ngước nhìn trời cao thầm cầu nguyện cho người đàn bà bạc phước, một thời Đệ Nhất Phu Nhân không ngai của Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa, nhưng mãi mãi vẫn ngự trị trong tâm hồn tôi như Một Phụ Nữ Việt Nam phi thường…

Thôn trang Rêu-Phong, Tháng Tư 2010
Lê Tấn Lộc