Tâm tình của một giáo già hưu non

 (bài 3)

vlx

Vũ Lưu Xuân

Nhân đọc bài “Hiện trạng giáo dục Việt Nam”, và tâm đắc nhất là bài “Nguyên do và thách thức trong giáo dục Việt Nam” của Giáo sư Mai Thanh Truyết, người viết lại chợt nổi hứng muốn ghi lại đôi điều, cũng cùng một đề tài, nhưng không dám phân tích, dựa vào dữ liệu và thống kê, mà nhìn vấn đề dưới một khía cạnh khác: tâm tình. Cụ thể là lang thang giữa những mẩu chuyện vụn, thật 100%, đôi khi cười ra nước mắt, nhưng để lại nhiều suy nghĩ và cảm xúc.

Quản Trọng, tể tướng nước Tề đời Xuân Thu đưa ra kế sách:

“Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc;
“Thập niên chi kế mạc như thụ mộc;
“Bách niên (chung thân) chi kế mạc như thụ nhân”
Kế sách một năm không tốt gì bằng trồng lúa;
Kế sách mười năm không gì tốt bằng trồng cây;
Kế sách trăm năm (trọn đời) không gì tốt bằng trồng người.

Giống như một số câu thơ hay, một số danh ngôn thâm thúy, suy nghĩ trên phút chốc được hô biến, để trở thành “tư tưởng Hồ Chí Minh”: “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người.” Bác nói đúng quá chứ, chẳng ai cãi được, nhưng cả Quản Di Ngô lẫn Hồ Chí Minh đều không bàn gì về hậu quả của cách “trồng” tầm bậy. Xin thêm vào:

Cái hại kéo dài mười năm vì trồng cây không đúng phương pháp,
Cái hại kéo dài trăm năm vì trồng người tầm bậy.

Có một câu nói người viết đánh giá là ngu xuẩn nhất trong số những câu nói ngu của loài người, đó là “cứ mạnh dạn làm đi, sai đâu sửa đó”. Câu nói ấy sở dĩ đáng bị coi là ngu xuẩn, vì tác hại của nó quá lớn. Chủ nghĩa duy ý chí không được hỗ trợ bằng căn bản tri thức đích thực, thì cái họa của nó không biết đâu mà lường. Một bằng chứng cụ thể: bão Wutip đổ vào miền Trung, vì “chúng tôi chỉ mới tính được độ an toàn của đập, cũng không thể lường hết được hậu quả sau khi xả lũ.” Thế nhưng giới lãnh đạo “mạnh dạn” vẫn cứ “xả cùng một lúc 5 cửa tràn hồ chứa nước Vực Mấu”(Nghệ An), kết quả là “việc xả lũ đã khiến ít nhất 20.000 ngôi nhà tại thị xã Hoàng Mai bị ngập, ước tính thiệt hại 800 tỉ đồng” (những chữ nghiêng trích từ VnExpress ngày 4/10/13).“Không lường hết được”, nhưng “cứ mạnh dạn làm đi” là cách suy nghĩ của những tay, tài chỉ có thể loanh quanh trong vũng ao làng, bằng cấp đôi khi rất to, mà hiểu biết vừa bằng hạt đậu, nhưng lại dám nghĩ và dám làm… đại, làm… liều. Sai, có sao, sửa. Nhưng họ biết đâu rằng, trong thực tế, có nhưng cái sai không thể nào sửa được. Thầy thuốc sai, giết một người. Xin trích 2 tựa đề trên báo chí lề phải “lại thêm sản phụ tử vong sau sinh” (NLĐ, 12,9, 2013) và “toa thuốc “khiến” mẹ con sản phụ tử vong” (VietNamNet, 10,6,2013). Còn giáo dục sai, “giết” ít nhất ba thế hệ. Lại xin chứng minh bằng một tựa bài: “Nhức nhối tình trạng học sinh phạm tội” (CAND, 24,9,2013) và phát biểu của PCT nước Nguyễn Thị Doan: “Đạo đức xã hội xuống cấp đáng báo động, xuống cấp ở mọi lĩnh vực, kể cả y đức và giáo dục. Vậy thì vì sao lại xuống cấp? Đã đến lúc chúng ta phải tìm ra nguyên nhân, do giáo dục học đường, do giảng dạy không tốt đạo đức trong nhà trường, hay là do sự không gương mẫu của cán bộ Đảng viên đã tác động lớn đến xã hội?". Bà hỏi tôi xin trả lời: vì trong già nửa thế kỷ, chúng ta đã “mạnh dạn trồng người” tầm bậy. Và con em chúng ta hiện đang lãnh nhận hậu quả.

 

Xin bắt đầu lang thang:

Vẫn nhớ như in câu chuyện lúc còn đi dạy, tức trước năm 1981, người viết đã được nghe câu nói trời ơi đất hỡi của một bà hiệu phó, tốt nghiệp đại học sư phạm Hà Nội trước 75. Nhân chuyến xét duyệt lên lương, có người thắc mắc: tại sao chị A được tăng lương, còn anh B không được. Chị A là giáo viên nữ công gia chánh, đứng đầu tổ mây tre lá, còn anh B dạy văn lớp 12, rất được học trò cảm phục (ở đây tôi hoàn toàn không có suy nghĩ “phân biệt chủng tộc”). Bà hiệu phó thản nhiên trả lời: “vì anh B không sản xuất ra của cải vật chất”. Tất nhiên đó chỉ là phát biểu của một cá nhân, nhưng nó phản ánh đúng cách suy nghĩ phổ biến của những người tôn sùng chủ nghĩa duy vật, coi mục đích chính của giáo dục là sản xuất ra của cải vật chất, nói rộng ra, giúp con người “thành công”, kể cả bằng con đường lắt léo, chứ không nghĩ tới việc giúp con người “thành nhân”, với đầy đủ nhân tính, từ đó nền giáo dục này đào tạo ra một bộ phận giới trẻ (không dám vơ đũa cả nắm) rất xộc xệch vì bị méo, biến dạng. Con người trước sau chỉ được coi như một thứ bản vị nào đó dùng để đầu tư, kiếm lời.

Khi ông Nguyễn Thiện Nhân nắm ghế Bộ trưởng giáo dục, ông đã chủ trương xóa bỏ nạn thành tích, mừng, nhưng rồi ông lại đặt ra chỉ tiêu phấn đấu trong 10 năm (tới 2020) đào tạo bổ sung 20.000 tiến sĩ. Kinh phí dự trù 14.000 tỷ. Chỉ tiêu là vậy, rồi cứ thế quanh năm suốt tháng loay hoay, giả vờ tự hào với mấy khái niệm rách như xơ mướp: “mũi nhọn và mũi tẹt, đỉnh cao với đỉnh lùn”. Nhưng trình độ và khả năng tiến sĩ thế nào, xin kể: nhân buổi họp mặt cựu sinh viên, vị huynh trưởng, người mở một đại học chuyên dạy ngoại ngữ, anh rất khắt khe trong việc tuyển chọn các ông thày. Có lần người quen tiến cử ứng viên, kèm với lời giới thiệu: “tuy nó là tiến sĩ, nhưng có học thật”, nói xong anh cười. Anh cười gì vậy, thưa huynh trưởng? Té ra ở nước mình có hai loại tiền sĩ: “tiến sĩ học thật” và “tiến sĩ học giả”, đại khái loại này thuộc thành phần các cụ, hoặc “5 C” (con cháu các cụ cả). Một quy định bất thành văn: “tiến sĩ học thật” thường được gọi là “Tiến sĩ Khoa học”, còn “tiến sĩ học giả” được gọi trần xì là “Tiến sĩ” (xin đồng môn chú ý chi tiết này khi xem báo đài trong nước). Đáng tiếc thành phần “học giả” lại được quy hoạch vào các ghế lãnh đạo, kết quả tất yếu là “Lùi nhanh, lùi mạnh, lùi vững chắc”, “tiến chậm, tiến yếu, tiến run run”.

Về việc quy hoạch, xin kể một câu chuyện:
Người viết đã gặp một giáo viên tốt nghiệp ĐHSP. Cô kể: một tỉnh lớn miền Tây, chi học bổng, gửi bốn sinh viên về Sài Gòn học hệ chính quy ĐHSP TPHCM. Tốt nghiệp, cô không được tỉnh bổ nhiệm, vì đã dành chỗ cho bốn giáo viên hệ tại chức – tất nhiên là thành phần “5 C” – Cô đi dạy tối ở một trường tư nhỏ, người khác đi bán hàng ở siêu thị. Lại chuyện quy hoạch.

Người viết đã gặp một cử nhân Anh văn hệ tại chức, sau hồi trò chuyện, chợt nhận ra rằng: người viết vốn tự biết dốt đặc về Anh văn, nhưng so với ông cử nhân hình như còn giỏi hơn. Hỏi ra mới biết, việc điểm danh rất sơ sài, thuê người học thế cũng được. Trước kỳ thi mỗi sinh viên chỉ việc đóng một số tiền, để trưởng lớp phong bì cho các thầy cô giáo, thế là thành ông cử, bà cử, và đủ chuẩn để quy hoạch. Có quan to, trước khi hạ cánh đã sai đệ tử sắm cho tấm bằng tiến sĩ, để về hưu quan mở đại học dân lập, một nghề oai phong, bề ngoài sạch sẽ, nhưng bên trong rất bẩn. Thiên hạ cười rằng: dốt như chuyên tu, ngu như tại chức.

Người viết có dịp tham dự buổi họp phụ huynh học sinh trước kỳ thi tú tài, cách đây mười mấy năm, bà hiệu trưởng không úp mở, đề nghị mỗi phụ huynh góp 100.000, làm phong bì cho các giáo viên giám thị, để họ dễ dãi khi coi thi, vì có một số học sinh thi ngay tại trường. Té ra lương tâm nhà giáo rẻ đến vậy ư? Không chịu học, tất phải tìm những cách loanh quanh, chả thế mà sĩ tử và cha mẹ, trước kỳ thi tú tài đã đi hết đền nọ, chùa kia khấn vái, rồi vào văn miếu sờ bia tiến sĩ, xoa đầu ông rùa, mà không chịu sờ thử xem bụng mình có chữ nào không. Ừ, thần thánh linh thật, thí sinh đỗ, không phải vì học giỏi, mà vì tỉnh nào cũng đặt chỉ tiêu tốt nghiệp trên 90%

Cái học ấy đẻ ra thứ tư duy lãnh đạo hoang đường, không giống ai, chẳng hạn lệnh trên bắt cán bộ thuế không được mặc quần áo có túi, hoặc cảnh sát giao thông không được mang trong mình quá 100.000đ. Lệnh ban ra nhằm ngăn chặn tệ tham ô, hối lộ. Tài thật!

Giáo dục như thế mà đất nước không lụn bại mới là chuyện lạ. Vậy “cái họa 100 năm” đã rõ rồi, nhưng “sai đâu sửa đó" thì làm sao đây? Cái sai đã kéo dài dăm chục năm, muốn sửa chỉ còn cách xóa trắng làm lại từ đầu.

Thầy Trần Văn Tấn đã đi rồi, đám môn sinh đích thực của Thầy tại ĐHSP Sài Gòn, tuổi từ 60 trở lên, một số đi trước Thầy, số khác đang chờ đợi tới phiên, nếu có bức xúc, cũng chỉ biết ngửa mặt nhìn trời, trách láo một câu: Ông ác quá… ông ơi!

Kết – Chợt nhớ lại 4 câu thơ đã làm hơn 30 năm về trước:

"Thang bậc đổi rồi, danh ông thầy hão
Phấn trắng bôi đen phận trí thức hèn
Thụ nghiệp chân sư ba ngàn tử đệ
Chữ nghĩa quàng xiên, ai gian, ai hiền".

Té ra tâm tình của giáo già hưu non chỉ lằng nhằng như vậy, chán thật, mà cũng cay thật, không biết có thứ ớt hiểm nào cay hơn nữa không? Đọc xong mấy mẩu vụn này, thật 100%, xin các đồng môn đừng buột miệng chửi thề, tội chết, giáo mà.

 

Vũ Lưu Xuân

(ĐHSPSG, ban Việt Hán, 64-68)