NGHĨ ĐẾN NGÀY 30/4

TỪ MỘT CHIẾC XÍCH-LÔ ĐẠP TRONG THÀNH PHỐ

Mỗi sáng tôi đi bộ vài mươi phút trong công viên gần nhà. Công viên nầy chỉ cách ngôi trường tiểu học bởi cái hàng rào song sắt vuông sơn đen. Mỗi ngày cứ khoảng 9 giờ sáng, các học sinh túa ra sân chơi. Sân xi măng liền với sân cỏ xanh mượt. Các cháu chơi đủ thứ tùy lớp tuổi. Đá banh, chọi banh, xích đu, nhảy dây, chạy thi…Các thầy cô giáo cùng chơi với các học trò mình. Tất cả đều hồn nhiên. Dĩ nhiên là tôi không biết tên hay nhớ mặt đứa nào hết; đi hết một vòng trở lại cũng không nhớ đứa nào mình đã gặp mấy phút trước; cũng không quen các giáo viên, nhưng nhìn sân chơi đầy sinh động, trẻ trung, ngây thơ, liếng thoắng… tôi có những phút vui mỗi ngày. Cơ thể khỏe khoắn mà trong óc cũng rộn tiếng cười!

Vậy mà có đôi khi tôi nhận ra niềm vui trên đây hình như  không trọn. Các học sinh tôi gặp hôm nay đương nhiên sẽ có mặt hôm sau và hôm sau, hôm sau nữa; ngoại trừ trường hợp duy nhất là bịnh. Học sinh toàn nước Mỹ có cả cái Children’s Bill Of Rights chống lưng, có No Child Left Behind Policy từ thời Tổng Thống George W.Bush và có cả chục ngàn dollars dành cho chi phí giáo dục hàng năm cho mỗi học sinh, không phân biệt giàu, nghèo, trắng, đen, vàng, đỏ,... Hàng năm vẫn có những nhà giáo, kể cả giám đốc sở, hiệu trưởng, tình nguyện gõ cửa từng nhà những học sinh bất ngờ nghỉ học để kéo chúng trở lại trường. Còn số đông các cháu trên quê hương tôi không có những quyền lợi và phúc lợi đương nhiên đó. Các cháu đi học hôm nay nhưng có thể nghỉ học ngày mai. Cha mẹ nghèo quá mà học phí thì cứ tăng. Cũng ngộ: Trường công mà phải đóng tiền đến chóng mặt! Thời Pháp thuộc, chánh quyền gọi là thực dân mà chúng ta còn có những trường công khắp nơi, tuy không nhiều nhưng miễn phí. Ngôi trường tôi đã theo học bên bờ Hậu Giang có mặt từ hơn 90 năm nay với tên đầu tiên là Collège de Cantho. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa tuy chánh quyền còn phôi thai và Đệ Nhị Cộng Hòa một số tướng tá tranh giành quyền lực, cả lô chánh khách xôi thịt và phong trào phản chiến nhiều nơi, chiến tranh cũng vào thành phố… nhưng giáo dục vẫn nở rộ tới tận xã, ấp. Cả đời một học sinh trung, tiểu học, trường công lập không biết cái gì gọi là học phí hay góp tiền xây dựng trường ốc. Nếu có thì chỉ là thỉnh thoảng tình nguyện đối với những người khá giả. Nhà nước lo hết. Học trò chỉ biết có “Tiên học lễ, hậu học văn”. Có học phải có hạnh. Thương thầy, mến bạn. Đạo đức, kiến thức đề huề.

Tính đến hôm nay, sau ngày 30/4/75 nước tôi đã 36 năm hết chiến tranh rồi. Dân số đã 82 triệu. Nhà lầu mọc lên như nấm. Xe cộ chật đường. Du sinh đông đảo, khắp thế giới.Tỉ phú, triệu phú có nhiều mỗi năm nhưng Forbes Magazine không tài nào biết chính xác để báo cáo với bàng dân thiên hạ hàng năm. Của chìm, của nổi biết đâu mà rờ. Còn đại gia, đại cán, tiểu thư, công tử…thì nhiều quá, kể sao cho hết! Đã lạm phát Hắc Công Tử và Bạch Công Tử rồi.

Kính thưa chư liệt vị, ý nghĩ dẫn tôi tới mấy dòng văn tự dài dòng như trên vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhứt là tôi thấy 2 bức ảnh trên net, rồi đọc mấy tin tức về dân Nhật sau trận thiên tai ngày 11 tháng 3/2011 vừa qua và một bản tin sáng nay (25/03/2011) nói về ông Bill Gate. Nguyên nhân sau cùng là hình như trong đầu óc tôi bỗng có sự liên quan của hai tấm ảnh và các bản tin vừa nói với Ngày Tháng Tư Đen của cả dân tộc mình.

Tiền đề thì như vậy nhưng đưa ngòi bút đến đâu để chư vị thông cảm cho mấy ý tưởng mộc mạc của hạ nhân nầy thì sao thấy khó quá. Bút mình vốn cùn mà đầu óc thì bắt đầu lão hóa. Thật tức cho mình!

xichloĐầu tiên là về hai tấm ảnh. Ảnh thứ nhất chụp chiếc xe xích-lô đạp chở 11 em bé chắc chỉ ở lớp mẫu giáo hay cao lắm là lớp 2 ngồi chen chúc từ dưới lên trên trong thùng xe phía trước; còn bác tài già cong lưng ngồi đạp phía sau. Cách ăn mặc cho thấy trời đang lạnh. Loại xe nầy bình thường chỉ chở mộ người khách, ráng lắm thì 2 người ốm yếu. Xe chạy ngang tiệm cầm đồ có tấm bảng "Dịch vụ cầm đồ" viết bằng chữ Việt nên có thể biết xe đang chạy trên một con phố VN nào đó.

Đến bức ảnh thứ hai: Hình chụp chiếc xe buýt đưa rước học sinh ở Nhật. Xe láng coóng, bên trong trang bị những chiếc bàn cho học sinh ngồi, mỗi chỗ ngồi có một máy computer (ảnh phụ).

Tạm kết luận: Đất nước mình nghèo đâu có thể so sánh với nước Nhật tiên tiến được! Mười một em bé nầy ráng chịu cực từ bây giờ cho quen; sẽ còn nhiều thứ để “quen” nữa theo tuổi lớn của các em. Hơn nữa cha mẹ nghèo làm gì có chuyện ngồi xe thoải mái đến trường. Ngày nào còn ngồi cá hộp như vầy là còn may đó con ạ! Ngày nào tiền trường quá cao, cộng với những chỉ tiêu kinh phí trường ốc, v.v và v.v…thường xuyên rớt trên vai các bậc cha mẹ để tay họ không vươn quá trán thì con ơi, cứ ra xã hội mà vật lộn, tranh nhau từng miếng sống và ...tha hồ buồn! Cha mẹ đã "quen" từ 36 năm nay rồi! Bây giờ truyền lần lần cái gia tài gọi là “làm quen" nầy cho các con. Gia tài của mẹ mà! Trịnh nhạc sĩ đã nói rồi: "Để lại cho con một nước Việt buồn". Nước Việt mình bây giờ không chỉ “buồn” mà là nước Việt khô. Có người đã khô tim, khô óc.xichlo

Cái xã hội có hàng ngàn cảnh đời tương tự như chiếc xích-lô chuyên chở kiểu nầy nhan nhản trên đường phố là một xã hội như thế nào? Chỉ mới đây thôi, ai cũng nghe tin vị hiệu trưởng miền núi nọ là loại tú bà thời đại; còn những nàng kiều thời đại là học trò của trường mình! Rồi tại Quảng Ngãi, một băng cướp khét tiếng cầm đầu là một thầy giáo! Tai hại là không ai biết xã hội nầy có bao nhiêu tú bà, mã giám sinh và tướng cướp như vậy vì tất cả đều đẹp mày đẹp mũi, chức vị hẳn hòi, nhà cao cửa rộng, tì thiếp mệt nghỉ.

Bây giờ xin nói chuyện về bản tin liên quan đến người giàu thứ nhì của hành tinh nầy, ông vua điện toán Bill Gate. Bản tin có in hình Bill Gate và vợ là Melinda ngồi vui vẻ thoải mái giữa những đàn bà, đàn ông và trẻ con tại quận Patna, bang Bihar nước Ấn Độ. Nước Ấn có xichlo¾ dân nghèo trong dân số 800 triệu. Ông bà Gates trên đường vận động cho chiến dịch “Hứa Cho” (The Giving Pledge) tại nhiều nước trên thế giới, theo đó tổ chức của ông bà , hợp tác với tỉ phú Warren Buffett, thúc đẩy những cá nhân hay những tổ chức giàu có hứa đóng góp tiền bạc để cải thiện tình trạng đói nghèo, bịnh tật, thất học…trên toàn thế giới. Chỉ tính tại Mỹ, thời gian qua tổ chức nầy đã kêu gọi được 59 gia tộc giàu có nhất nước, "siêu giàu", hứa góp ít nhất là 50% gia sản cho xã hội.

Ảnh phụ: Bên trong xe: Trang bị computers cho mỗi chỗ ngồi

 

Việt Nam tôi bây giờ tỉ phú đô la không phải là ít nên bần bút xin kính mời Ông Bà Gates ghé thăm một lần. Kết quả thế nào thì xin hồi sau phân giải.

Nhìn chiếc xích-lô rồi nhắc tới các tỉ phú và các đại gia tại nước mình không hiểu sao tôi lại nhớ đến ngày Tháng Tư Đen. Thiệt là kỳ! Làm như cái ngày oan nghiệt nầy đã sanh ra những gương mặt ngây thơ, ốm o, buồn hiu trên chiếc xích-lô và đồng thời sản sinh ra nhiều tỉ phú VN vậy! Thiệt là không hiểu nổi mình!!!

Còn hơn tháng nữa mới tới ngày 30/4 vậy mà tôi đã nghĩ đến nó! Thật quá sớm! Nhưng mà có đúng là quá sớm không? Có lẽ không phải. Vì ai là những người ti nạn chánh trị thuộc thế hệ thứ nhất đang tạm dung tại các nước ngoài VN mà không thường xuyên nghĩ tới cái ngày khiến mình phải bỏ lại tất cả để ra đi, đâu phải đợi đến ngày nhìn con số 30/4 hiện trên cuốn lịch? Hơn 30 năm trước nhà văn Thanh Nam, sau những ngày: “Quê người nghĩ xót thân lưu lạc, đất lạ đâu ngờ buổi viễn du” đã viết: “Một năm người có mười hai tháng, ta trọn năm dài một Tháng Tư”.

Chung qui cũng tại mấy tấm ảnh và mấy câu chuyện như đã nói trên mà tôi lan man tâm sự.

Nhìn 11 gương mặt trẻ thơ âm thầm chịu đựng nép mình trong lòng xe xích-lô chật chội, ai không khỏi làm một so sánh khi đối chiếu với chiếc xe buýt thời đại hi-tech chở học sinh bên Nhật. Nước Nhật giàu có và có những ông thủ tướng biết từ chức vì một câu nói hớ hay vì một ông bộ trưởng đi trật đường rầy, hay vì mấy món quà biếu trị giá vài trăm đô la, nên học trò có computer trên xe buýt là điều dễ hiểu. Nhưng thật khó hiểu cho cả ông bà Gates nầy: Tại sao không du hành nước tôi một chuyến để đem “The Giving Pledge” program nói chuyện với hàng trăm triệu phú, tỉ phú ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hốc Môn, Bà Điểm…. Thắc mắc thì như vậy, nhưng làm gì được với những đại gia chỉ biết vung tiền qua cửa sổ? Hay làm sao tìm được ai là người dám nhận cái “pledge” nầy? Nhà giàu nứt đố đổ vách thì nhiều nhưng không ai dại gì mà “lạy ông con ở bụi nầy” để mất cả chài lẫn chì sao. Dấu lúc nào hay lúc ấy; khi sắp lòi ra thì…a lê hấp! Chuồn! Cứ để mặc những chiếc xích-lô chở mười mấy học sinh tha hồ lăn bánh trên đường phố. Bỗng nhớ bài thơ "Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc" thời tiền chiến. Không đi học được thì làm công nhân bãi rác. Thời nầy rác nhiều lắm, rác khắp nơi kể cả trong các cao ốc. Càng ngày càng có thêm loại công nhân không cần chữ nghĩa này. Nhà nghèo không gần với chữ nghĩa được thì gần với hè phố, bụi đường, bia rượu, nắm đấm, lọc lừa…. Chữ nghĩa mất dần trong đầu. Nhân tính cũng do đó mà có thể lụn tàn theo đà đi xuống của đạo đức xã hội. Con người như vậy thì có lúc sẽ là người có đầu mà thiếu óc, có lồng ngực mà thiếu trái tim. Một xã hội có một số không ít người chỉ nghĩ tới mình, nghĩ tới tư lợi thì xã hội ấy sẽ đi về đâu? Hay sẽ tự mình bước vào con tàu đang tuột dốc lui về những năm B.C tiền-văn-minh nhân loại? Chủ trương "Khánh nho, phần thư" của Tần Thủy Hoàng cùng lắm là đốt sách, chôn sống học trò, làm tiêu ma văn hóa của một thế hệ con dân của 6 nước vừa bị nhà Tần thôn tính. Bỗng nhớ câu nói của ai đó: 10 năm trồng cây, trăm năm trồng người. Nước tôi trồng người suốt cả trăm năm như hiện nay thì sản phẩm có còn được gọi là “con người” có đầy đủ nhân tính của một con người văn minh?

Có quá trễ không khi kể cho họ nghe câu chuyện nước Nhật sau cơn thiên tai 11/3 vừa rồi? Chuyện thứ nhất nói về một em bé đang co ro đứng ở cuối hàng dài chờ lảnh thực phẩm cứu trợ. Em được một cảnh sát viên người Nhật gốc Việt nhường phần lương khô của mình vì ngại em đói trong cái lạnh rát da khi phải chờ lâu. Em bé liền mang phần thức ăn ấy đến bỏ vào thùng quà đang phân phát. Hỏi:“Tại sao em làm vậy?” Trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”. Chuyện thứ hai là chuyện người phát thư vẫn đồng phục tươm tất đi làm dù đang có nỗi lo rất lớn vì chưa liên lạc được với gia đình ở vùng thiên tai Miyagi với hơn 10 ngàn người chết. Hỏi:“Sao hôm nay ông vẫn đi làm?” Trả lời: “Công việc là công việc. Xin lỗi ông, tôi rất tiếc là đã làm phiền ông với tin buồn này. Sumimasen, sumimasen”. Còn nữa. Để bảo vệ mấy nhà máy nguyên tử ở Fukushima, nước Nhật đã có những samurai thời đại, tim nóng hổi, đầu ngẩng cao, một tay xăn áo, một tay viết sẵn tuyệt mệnh thư; mới đầu 50 bây giờ đã hơn 500 những người biết quên mình lo cho người khác. Những bài học làm người-đàng-hoàng này không phải dễ học, nhất là đối với người thiếu óc và không tim.

Nhiều năm trước, khi đến ngày 30/4 người mình hay nhớ cha nhớ mẹ, nhớ người tình, nhớ những chuyến vượt biên, vượt biển, rồi nhớ những ngày chân ướt chân ráo nơi xứ người. Nhưng gần đây sao những chuyện, những cảnh oái oăm ngoài xã hội, trong gia đình, nơi học đường, trên đường phố… hiện nay tại quê nhà dễ khiến mình nghĩ tới ngày oan khuất tháng Tư năm ấy? Có gì liên quan?

Mình quả là hạ nhân nhiều chuyện!

Houston, Mar.25, 2011

đăng lại trên website ĐHSPSG ngày 30/04/2012

TRẦN BANG THẠCH