Đoản văn sau đây của Nguyễn Trần Trác (cựu Giáo sư Lý-Hóa trường nữ trung học Lê Ngọc Hân - Mỹ Tho 1967-1974) đã được đăng trên Đặc San "Hoài Niệm về Một Thời Đã Qua" do Hội Ái Hữu Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân Mỹ Tho tại Úc Châu thực hiện và phát hành vào tháng 03/2012 vừa qua.
Bài viết này dùng nhiều đoạn trong hồi ký "Theo Dòng Năm Tháng" đã đăng trên diễn đàn ĐHSPSG.


Những người Lê Ngọc Hân, ngày ấy, bây giờ

 
Ngày ấy…
Thời  còn  xe lửa chạy đường Sài Gòn – Mỹ Tho, năm 1957,  khi tôi còn là một cậu học trò học lớp Nhất trường tiểu học Lê Lợi ,cạnh trường  Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định trên đường Chi Lăng, một lần tôi theo một người quen về Mỹ Tho .Đó là lần đầu tiên tôi biết đến  thành phố này. Quả thực tới bây giờ tôi chẳng nhớ gì nhiều về chuyến “ dế mèn phiêu lưu ký” ấy, chỉ còn lại cái cảm giác là lạ , thích thú khi ngồi trên đoàn xe lửa đen chùi chũi, chạy xình xịch song song với quốc lộ 4 , hai bên là ruộng lúa bát ngát. Cũng chẳng nhớ thành phố Mỹ Tho dạo ấy ra sao, tất nhiên cũng chẳng hề biết ở cái thành phố đó một ngôi trường tên là Nguyễn Đình Chiểu, và càng không biết gần đó có ngôi trường nữ Trung học Mỹ Tho. Ấy thế mà bây giờ nghĩ lại, thấy ngờ ngợ , dường như mình và ngôi trường nữ này có một duyên nợ. Cái duyên nợ này mãi tới  năm mươi năm sau tôi mới nhận ra khi tôi nhận được quyển đặc san năm 2007, kỷ niệm 50 năm thành lập trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân,Mỹ Tho, do hội cựu học sinh Nguyễn Đình Chiểu- Lê Ngọc Hân Mỹ Tho ở Mỹ in và một em học sinh cũ gửi tặng. Vậy-thì-là tôi đã đến Mỹ Tho lần đầu tiên đúng vào năm ngôi trường Lê Ngọc Hân được thành lập.

Mười năm sau, năm 1967, sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, tôi lại được Bộ Giáo Dục bổ xuống dạy ở trường nữ này. Mà cũng có nguyên cớ của nó đấy, chứ không phải là chuyện tình cờ đâu. Vốn là , sau khi sinh viên Sư Phạm tốt nghiệp, Nha Trung học đưa xuống một danh sách các nhiệm sở có nhu cầu giáo sư để các sinh viên, trong buổi lễ tốt nghiệp, tùy theo thứ hạng ra trường, chọn nơi mình muốn về dạy. Hầu hết các sinh viên có nhà ở Sài Gòn đều muốn chọn nơi gần. Năm đó, trường gần nhất có trong danh sách là trường Trịnh Hoài Đức, Bình Dương. Nhưng khi lên chọn , sau khi ngắm nghía một lúc mấy chữ Trịnh Hoài Đức , Bình Dương, chẳng biết “ma đưa lối quỷ đưa đường” thế nào mà tôi lắc đầu bỏ qua và chọn trường Trung học Lê Ngọc Hân Mỹ Tho. Duyên nợ này đã gắn bó tôi với Mỹ Tho suốt bảy niên khóa, thậm chí khi đã được chuyển về Sài Gòn, trong suốt nửa năm học cuối tôi vẫn mỗi tuần hai chuyến xe lô đi-về, xuống Mỹ Tho dạy học.

Mỹ Tho là  một thành phố xinh xắn, duyên dáng, nằm trên bờ sông Tiền. Giữa sông là những dải cồn xanh ngắt. Phía bên kia là thị trấn Trúc Giang thuộc tỉnh Kiến Hòa ( Bến Tre). Nối hai bờ sông là những chuyến Bắc của bến Phà Rạch Miễu. Từ khi có cây cầu văng nối hai bờ, cách nay khỏang vài năm, bến phà này đã ngưng họat động để lại một chút bâng khuâng cho những người hòai cổ.
Cùng về dạy Lê Ngọc Hân với tôi năm ấy còn có anh Phạm Đắc Lộc dạy Pháp văn, nhưng dạy được vài tháng thì anh phải động viên đi học trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Vài tháng sau, về thêm hai cô dạy Anh văn , người nho nhỏ xinh xinh, là cô Kim Chi và cô Phước Lý. Anh Lộc, hai năm sau được biệt phái về Lê Ngọc Hân dạy học lại.
Dạo ấy, xe đi Mỹ Tho nằm ở bến xe Petrus Ký ,gần hãng giày Bata. Để đi xuống Mỹ Tho, có thể đi xe đò, giá vé 15đ .Muốn đi nhanh hơn thì đi xe lô của hãng Minh Chánh, giá vé 20đ . Cứ 5 phút là có một chuyến xe rời bến. Xe lô là những xe Hoa Kỳ, lọai xe du lich lớn được cải tạo làm xe chở khách. Đi xuống tới bên xe Mỹ Tho, khi đó ở trong thành phố gần cầu Bạch Nha, chỉ mất hơn một giờ đồng hồ. Ra khỏi Sài Gòn, qua mũi tầu Phú Lâm, tới huyện Bình Chánh đã thấy hai bên đường ruộng lúa mênh mông, phong cảnh thật thóang đãng (bây giờ nhà cửa  san sát, bụi bậm). Những cầu lớn trên đường như cầu Bình Điền, cầu Bến Lức, cầu Tân An đều là những cầu sắt, hẹp, xây dựng từ thời Pháp, xe chỉ chạy được một chiều. Ở hai đầu cầu có hai người lính có nhiệm vụ quay cái bảng báo hiệu giao thông. Khi các xe nhìn thấy bảng Stop, màu đỏ thì phải dừng lại ,nhường cho xe bên kia đi qua. Khi thấy bảng xanh thì chạy qua. Tới cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 thế kỷ trước, nhà nước cho xây dựng các cầu bê tông rộng rãi để thay thế. Xe có thể chạy hai chiều thỏai mái.

Thời kỳ đó, Hiệu Trưởng là cô Diệu Thông, Giám học là cô Nguyễn Thị Hạnh. Hai cô đều là giáo sư Pháp văn. Cô Hạnh người trắng trẻo, xinh xắn. Tôi dạy được gần hai năm thì cô chuyển về Sài Gòn và cô Cúc, giáo sư Vạn vật lên làm giám học. Cô Cúc tính hiền và vui.
Học kỳ đầu tiên, vì tôi về trình diện trễ? trường đã sắp xong thời khóa biểu, nên để xếp giờ dạy cho tôi, cô Hạnh phải “ngắt, véo” bớt các thời khóa biểu của các người khác. Cô nhờ tôi dạy hộ sáu lớp Đệ Lục, cộng với hai lớp Đệ Tam, mà dạy cả ba môn Vật Lý, Hóa Học và Vạn Vật, trong khi tôi tốt nghiệp ngành Lý Hóa, vì vậy, tôi phải sắm thêm mấy cuốn sách Vạn vật đề thày học trước, trò “tụng” sau cho nhịp nhàng. Năm đó, ở Đệ Lục, các em học con ve sầu, con chấu chấu, con chuồn chuồn, hoa bông bụp… Dạy Vạn Vật thì phải vẽ hình nhiều, được cái là tôi cũng hơi có hoa tay nên chắc các em học trò nhỏ chấm điểm thầy là “dạy được”. Các em rất dễ thương, xinh xắn và hồn nhiên.
Nửa  năm ta dạy lớp Đệ Lục
Học trò xinh xắn, hồn như gương
Thường đàn chim nhỏ ta thường ngắm
Tung tăng chân sẻ lúc tan trường
Từng đôi mắt sáng ngây thơ lạ
Từng giọng chim non ríu rít vui
Ta nghĩ đời ta rồi mãi mãi
Vui cùng phấn trắng bảng đen thôi.
Có một chuyện vui vui, trong một lớp Đệ Lục, có một em khá xinh xắn, tên là Việt nhưng họ là Trác (là tên của tôi) và tên đệm lại là Ái. Mỗi lần gọi em lên trả bài: Trác Ái Việt, tôi lại buồn cười về sự oái oăm của tên cô học trò. Không biết bây giờ em Việt còn ở Mỹ Tho không hay đang ở xứ người?
Ở Đệ Tam, môn Vạn Vật, các em học về Địa chất học: đất, đá, các hiện tượng địa chất v.v… So với học sinh lớp 10 ngày nay thì các em Đệ Tam thời đó trưởng thành hơn, có ý thức tự học hơn rất nhiều. Tôi dạy lớp Đệ Tam A vào buổi sáng, lớp Đệ Tam B buổi chiều ở một dãy chỉ có bốn phòng trệt, chơ vơ lẻ loi ở một góc sân trường, được gọi là dãy Cù Lao. Nhiều buổi dạy chiều, trong tiết học cuối, ngòai sân nắng đã nhạt, đang giảng bài tôi chợt nhìn qua khung cửa sổ, sao thấy bầu trời đẹp quá!
Có những buổi học đẹp như  mơ
Trời chiều lồng lộng dáng ngây thơ
Tóc mây một thủa em mười sáu
Ai biết những gì em ước mơ?
Trong trường, có nhiều thầy cô từ Sài Gòn xuống dạy nên cô giám học rất thông cảm xếp thời khóa biểu gọn trong nửa tuần. Nửa tuần còn lại ở Sài Gòn, người thì đi dạy thêm,  người thì ghi danh học lên cao học. Qua học kỳ một  thì tới thời gian nghỉ Tết, thầy trò trong mấy ngày cận tết cứ tíu tít về liên hoan. Giờ cuối cùng tôi dạy là giờ học thứ  năm của một chiều thứ bảy. Vừa  xong buổi liên hoan với các em học sinh, tôi đi thẳng  ra bến xe đề về Sài Gòn. Bến xe trong  buổi chiều muộn của một ngày gần tết, trông vắng và buồn, chỉ còn một chuyến, có lẽ là chuyến chót,  đang nằm chờ khách. Tôi đang ngồi trên xe thì thấy hai em học trò nhỏ, chở nhau trên xe đạp, ra bến, đứng ngơ ngác trong cảnh chiều vắng và rộng của bến xe trong  ngày tất niên. Tôi nhận ra hai em học sinh của mình nên bước xuống để các em trông thấy. Các em chạy ùa lại, nói vài lời chúc tết ngượng ngập và tặng thầy một món quà nhỏ.
Đó là Tết năm Mậu Thân 1968.
Đêm 30 tết, khi cúng giao thừa xong thì pháo bắt đầu nổ ròn rã , hầu như cả đô thành Sài Gòn đua nhau đốt pháo, khói pháo bay mù mịt các khu phố. Dân chúng không ai biết, đó cũng là lúc 84.000 quân cộng sản miền Nam và Bắc Việt đã đồng lọat mở các cuộc tấn công khắp nơi, từ vùng phi quân sự ở phía Bắc cho tới bán đảo Cà Mâu ở phía nam. Cuộc công kích đã xảy ra ở năm trong sáu thành phố lớn, ba mươi sáu trong bốn mươi tư tỉnh lỵ, sáu mươi tư trong 242 huyện lỵ và ở ngay cả thủ đô Sài Gòn. Tại Sài Gòn, nhiều khu vực dân cư như khu Bàn Cờ, khu đường Nguyễn Kim ở quận 5, v.v… bị tan nát. Dân chúng nheo nhóc chạy khỏi các vùng lửa đạn. Khu Trương Minh Giảng tôi ở may mắn không xảy ra giao tranh, tuy nhiên dân chúng sợ tình hình kéo dài, nhốn nháo mua lương thực dự trữ. Để tránh nạn đầu cơ của con buôn, chính quyền địa phương tổ chức cửa hàng bán gạo cho dân theo sổ gia đình. Người Sài Gòn thấy chiến tranh không còn là những hình ảnh từ những nơi địa đầu xa xôi, chỉ thấy trên báo chí, mà có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, ở ngay bên cạnh.
Tới mùng 5 tết, mặc dù chưa hết giao tranh nhưng tình hình an ninh ở trong nội thành Sài Gòn đã được kiểm sóat, chiến cuộc chỉ còn tiếp diễn ở các vùng ven. Sáng sớm ngày mùng 6 tết, tôi ra bến xe Pétrus Ký để xuống Mỹ Tho vì đã hết thời gian nghỉ tết. Bến xe vắng ngắt chỉ có vài xe chạy, có lẽ là những xe bị kẹt lại Sài Gòn do binh biến. Khi xe tới gần Phú Lâm thì tiếng súng lại nổ ròn rã. Tài xế nhấn ga cho xe vọt nhanh. Chạy tới địa phận Quận Bình Chánh, gần văn phòng Quận trưởng thì xe phải ngừng lại vì đằng trước là một đòan xe dài nằm ụ. Mọi người xôn xao hỏi nhau: chưyện gì vậy? Chuyện gì vậy? Trả lời: Đường bị đắp mô! Khọảng một giờ sau, đòan xe mới từ từ lăn bánh. Xe chạy được vài chục mét, nhìn ra ven đường, tôi thấy hai xác chết nằm sấp mặt trên bờ ruộng.
Xuống tới Mỹ Tho, khi tôi vào trường, vừa bước vào phòng giáo sư thì được bà hiệu trưởng tưoi cười chào đón vì hầu hết các giáo sư ở Sài Gòn còn bị kẹt lại, chưa xuống dạy. Buổi học đầu tiên, các em học sinh cứ nói chuyện tíu tít, quên cả học. Có em còn đem khoe với tôi nhửng tập vở bị cháy xém một phần. Một vài khu ở Mỹ Tho cũng bị nạn binh lửa. Tình hình an ninh ở nội ô Mỹ Tho đã được vãn hồi, nhưng thỉnh thỏang vẫn bị VC pháo kích từ phía  Kiến Hòa. Nhiều nhà đã phòng sẵn nơi trú ẩn. Nhà tôi ở trọ, gia đình chủ nhà cũng có một “hầm trú ẩn”. Đó là một bộ ván ngựa khá dày ở tầng trệt.Khi nghe có tiếng đạn pháo kích, cả gia đình nấp dưới bộ ván ngựa.

Mỹ Tho an bình trở lại khi Kiến Hòa đã được bình định,không còn tiếng đạn pháo kích bắn sang từ bên kia sông. Tuy vậy chiến cuộc vẫn còn ác liệt tại Huế và vài địa phương khác. Nhà nước ra lệnh tổng động viên. Các giáo chức là sĩ quan biệt phái nhận được lệnh trở lại quân ngũ. Các giáo sư mới ra trường, đến tuổi quân dịch, cũng được gọi đi huấn luyện khóa sĩ quan dự bị tại trường võ bị Thủ Đức. Các giáo sư ngòai hai thành phần trên, lần lượt phải tham dự lớp huấn luyện khóa sinh dự bị sĩ quan, 9 tuần ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Trường bị thiếu giáo sư nghiêm trọng. Cô giám học đề nghị tôi trả lại sáu lớp Đệ Lục để chuyển lên dạy cả sáu lớp Đệ Tam. Một lớp Tam B học buổi chiều và năm lớp A học buổi sáng.
Đó là học kỳ hai trong năm dạy học đầu tiên của tôi tại Mỹ Tho.  Một phần lớn các nam giáo sư  của trường phải đi học khóa Một, lớp quân sự chín tuần ở Quang Trung như Đinh Thế Vinh (người ẻo lả và trắng như bột), Nguyễn Ngọc Vinh, Phạm An Hòa, Trần văn Ty … Những người chưa đi thì dạy thay cho các thày đi trước .
Đang ở môi trường dạy học, các thày bị bốc vào quân trường nơi cứ suốt ngày nghe kẻng tập họp, điểm danh, ắc a ắc ê ngoài bãi, người đầy bụi bậm, vừa đi vừa hát bài “ đường trường xa con chó nó tha con mèo” , … Các thày đành tự nhủ “một dịp thay đổi không khí thôi ấy mà!”. Khi được mãn khóa về trường ,trong mấy ngày đầu nhận lại lớp, thày trò tíu tít, vài thày không tránh khỏi tật “ ba hoa chích chòe”. Đám học trò thì lại dễ thương một cách tinh quái, muốn câu giờ, nên  hỏi hoài các thày chuyện đi lính. Rồi sau đó các em than với nhau “ Sao các Thầy,mỗi ông nói một khác.Chẳng biết ông nào nói thiệt, ông nào thêm mắm thêm muối!”.

Tôi và vài giáo sư trẻ khác của Nguyễn Đình Chiểu và Lê Ngọc Hân được gọi đi khóa Hai. Trong quân trường chúng tôi được ghép vào một tiểu đoàn gọi là tiểu đoàn Trần Quốc Toản, đeo bảng tên màu vàng. Tuy chẳng ham gì cái món tập quân sự nhưng bây giờ nghĩ lại thấy chín tuần đi học quân sự cũng là một kinh nghiệm hữu ích và  thú vị. Nào là học tháo ráp súng ga-răng, súng M 16 , ra xạ trường tập bắn, tập vượt qua chướng ngại vật. Gay cấn nhất là màn trườn đi dưới hỏa lực. Các khóa sinh hai tay ôm khẩu ga-răng , người sát đất, dùng hai khủyu tay trườn người đi, dưới một lớp dây thép gai, trong khi một ông trung sĩ ngồi ở cuối bãi tập quạt khẩu trung liên bắn tía lia, đạn nổ ròn rã ở phía trên rào thép gai. Cậu nào trườn đi mà nhổm mông lên cao, hứng  phải một viên đạn thì “táng mạng sa trường”. Có ông bạn  bảo : đừng lo, họ bắn đạn mã tử đấy, không phải đạn thật đâu. Chẳng biết ông bạn nói có đúng không nhưng chẳng thầy nào dám vừa trườn vừa nhổm mông lên đê kiểm tra xem đạn thực hay đạn mã tử.
Rồi thì tập cận chiến, đi hành quân ngòai bãi với đủ súng ống, đạn dược , quân dụng như thật. Buổi trưa mệt lử, mỗi người kiếm một bụi cây ngả lưng, bất kể những đám phân bò bên cạnh. Nhiều buổi tối phải đi trực chiến, mang theo súng ống đầy đủ, căng lếu ngòai ruộng, ngòai bãi, chia phiên nhau canh gác. Hình như nguyên tắc của quân trường là không để các khóa sinh có thời giờ rảnh rỗi. Nhiều buổi vừa về tới trại, tưởng được nghỉ ngơi thì lại có kẻng tập họp. Buổi tối cuối tuần, chắc mẩm sắp được thư dãn thì loa phóng thanh đã oang oang: Tòan thể tiểu đòan tập họp tại sân doanh trại để nghe đại úy tiểu đòan trưởng “sinh họat”. Mặc dù, mỗi cuối tuần, anh em được về nghỉ phép ngày chủ nhật, nhưng đối với tôi và có lẽ cả các anh em khác, chín tuần học bò lê bò toài tại T.T. H.L Quang Trung là chín tuần gò bó, bức bối, tù túng. Nhiều buổi chiều hành quân dã trại xong, đại đội người nào cũng mồ hôi mồ kê, bụi bặm, ắc- ê về trại, nhìn ra bên  ngòai, qua hàng rào kẽm gai, thấy các em nữ sinh trường Lý Thường Kiệt, trong những chiếc áo dài trắng, tan trường về, tôi thấy cuộc đời bên kia hàng rào kẽm gai sao đẹp quá!
Chin tuần  làm lính cũng trôi qua, tôi được trở về” mái nhà xưa”.

Mỹ Tho ở bên con sông Tiền mênh mông. Đứng ở vườn hoa Lạc Hồng bên bờ sông, nhìn sang bên kia thấy cây cối xanh ngắt cứ tưởng là bờ bên thị xã Trúc Giang nhưng té ra đó chỉ là một dải cồn rộng nổi giữa sông, gọi là Cồn Rồng. Thủa xa xưa thuộc Pháp, người ta tập trung ở đấy các người bị bệnh phong, nhưng bây giờ trại phong không còn dấu tích. Cồn là một khu dân cư xanh tươi trù phú. Xa hơn, gần phía bến bắc Trúc Giang là Cồn Phụng, giang sơn của ông Đạo Dừa. Cư dân trên cồn này đều là đệ tử của ông Đạo Dừa, nam cũng như nữ đều mặc áo nhuộm nâu, để búi tóc. Ông Đạo Dừa họ tên thật là Nguyễn Thành Nam, đã từng du học tại Pháp và có bằng kỹ sư hóa học. Không hiểu cơ duyên nào mà ông trở thành một ông Đạo. Người ta kể, nhiều khi ông tịnh tu, ngồi trên ngọn cây dừa cả tháng, chỉ uống nước dừa. Chẳng biết có thật chăng? Những ngày dạy ở Mỹ Tho, ó những hôm được nghỉ lễ, tôi không về Sài Gòn, ở lại Mỹ Tho, rủ vài đồng nghiệp sang chơi bên Cồn -Phụng của ông Đạo Dừa. Thời gian đó Cồn Phụng như một nơi du lịch, vì nếp sống dân cư, không khí u tịch, tiếng tụng kinh đều đều làm cho khách vãng du như hòa vào trong một không khí là lạ, kỳ bí.
Năm ấy, tôi nhận dạy  lớp Đệ Nhất B, một lớp Đệ Nhất A và hai lớp Đệ Nhị. Trưởng Ban đại diện học sinh năm đó là Ngô Thị Bình, họclengochan lớp Đệ Nhất B.  Dạy Triết năm đó là cô Thu Nguyệt, mới tốt nghiệp đại học. Cô có dáng người cao cao, tóc để dài ngang lưng, ăn nói nhỏ nhẹ.Trông cô như một nữ sinh viên nhiều hơn là một giáo sư. Đặc biệt cô có đôi bàn tay rất đẹp. Dịp Tết năm ấy, Ban Đại Diện học sinh đề nghị với Ban Giám Hiệu cho mở hôi chợ Tết trong khuôn viên của trường. Ban Giám Hiệu không ưng lắm nhưng không thể từ chối nên bỏ lơ cho các em tự xoay sở. Các em phải dựa vào các thầy, cô. Các lớp Đệ Nhất chủ trương một gian hàng và nhờ tôi làm giáo sư cố vấn, dù tôi không phải là giáo sư hướng dẫn của lớp nào. Mỗi cấp lớp hay mỗi lớp, tùy theo khả năng, tổ chức một gian hàng. Thật đúng là một lễ hội Xuân của tuổi trẻ: nhộn nhịp, vui tươi, hào hứng. Khách đến thăm hội chợ đa số là thanh niên, thanh nữ mà đông đảo là các cậu học sinh trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu. Tôi tuy là giáo sư cố vấn cho gian hàng của lớp Đệ Nhất nhưng thưc ra mọi việc đều do các em tự tháo vát. Công việc mệt nhất của giáo sư cố vấn là đứng trấn thủ ở mặt chính của gian hàng vì mấy cậu chen lấn nhau khiếp quá.
Các bạn học sinh Nguyễn Đình Chiểu nếu có đi hội chợ Lê Ngọc Hân năm đó có nhớ gì về gian hàng Bàn Tay Ngọc hay không?

Tháng Năm hàng năm cũng là tháng bắt đầu mùa mưa ở Mỹ Tho. Những cây me ở trước trường Lê Ngọc Hân đã bắt đầu thay lá. Những tàng lá non xanh mướt, đọng long lanh những giọt nước nhỏ, trông thật tươi mát sau những cơn mưa đầu mùa. Những cây phượng vỹ  bắt đầu trổ bông đỏ thắm. Học trò các lớp cuối cấp đã cảm thấy nôn nao trước các kỳ thi đang đến gần. Tôi bắt các lớp Đệ Nhất đi học thêm, mỗi buổi một giờ, trước giờ học đầu tiên buổi sáng. Những buổi mai như vậy, sân trường vẫn còn hơi lạnh, thật vắng, chỉ có học trò của tôi tới trường. Lớp học thật yên tĩnh, các em chăm chú nghe giảng, ghi chép. Những lúc đó, tôi cảm thấy yêu nghề biết bao!
Rồi các em sẽ  vất vả với các kỳ thi cử, các thầy cô sẽ bận rộn với các lần đi coi thi, đi chấm thi. Kỳ nghỉ hè sẽ qua đi. Có em, có thể tôi sẽ có dịp gặp lại, nhưng cũng có những em, có thể chẳng bao giờ.
Năm 1969 ,trong khi ở Paris, người ta cứ dằng co mãi về mấy cái thủ tục hội nghị: Hội nghị gồm các thành phần nào? Cái bàn phải hình dạng như ra sao? Các phái đoàn  sẽ ngồi ở các vị trí nào?.... thì ở  cái thành phố nhỏ nhắn Mỹ Tho, thầy trò chúng tôi bước vào một năm học mới. Tôi đươc cô Cúc, giám học mới, phân dạy Lớp Đệ Nhất B, lớp Đệ Nhất A3 và vài lớp Đệ Nhị, Đệ Tam. Đó là năm thứ ba tôi dạy học ở Mỹ Tho. Vài người bạn được xuất ngũ, biệt phái về dạy học, vô hình chung chúng tôi tạo thành một nhóm giáo sư trẻ, phụ trách các môn học chính ở bậc đệ nhị cấp. Thời gian này, thành phố Mỹ Tho có vẻ rất thanh bình. Nhiều buổi chiều rảnh rỗi, trời đã hết nắng, chúng tôi rủ nhau ra vườn hoa Lạc- Hồng, thuê một chiếc xuồng máy, chạy quanh cồn Rồng. Buổi chiều nước sông lên mênh mông, xuồng chạy men theo mép nước làm sóng ì - oặp đập vào các gốc bần, gốc dừa nước, tạo thành những âm thanh đặc trưng của một vùng sông nước Nam Bộ. Nhiều buổi sáng, tôi thức dậy thực sớm, khi đường phố còn bật đèn, thả bộ ra bờ sông để ngắm cảnh bình minh, khi mặt trời đỏ ối, tư từ nhô lên từ bên kia song và ngắm những chiếc ghe của khách thương hồ rập rình trên sóng nước. Sau đó, lững thững đi về để chuẩn bị tới lớp, trên đường, đã thấy học trò lác đác tới trường.
Các em học sinh các lớp Đệ Nhất năm nay tôi đã dạy từ năm Đệ Tam. Buổi sáng đầu tiên bước vào lớp tôi cảm thấy rất vui khi gặp lại các em. Học sinh trường trung học nữ khi lên đệ nhị cấp đa số chọn ban A, chỉ một sốt ít chọn ban B, nên mỗi năm trường Lê Ngọc Hân chỉ có một lớp học sinh ban Toán. Em nào học ban văn chương thì phải sang học bên trường nam Nguyễn Đình Chiểu. Đa số học sinh Lê Ngọc Hân thời ấy đi học đều đi bộ tới trường, dù nhà ở khá xa. Chiếc nón lá thời ấy cũng rất thịnh hành với các học sinh Lê Ngọc Hân. Những ngày tháng này có lẽ là những ngày tháng đẹp nhất trong cuộc đời học trò của các em
Tháng ngày đẹp quá như trong mộng
Mơ ước tuổi xuân chẳng bến bờ
Em lên mười tám, hoa hàm tiếu
Như nàng công chúa lạc trong mơ
Khi mùa mưa về thì cũng là mùa thi học kỳ hai. Nhiều em ở xa phải đi học từ sáng sớm, khi không khí ban mai còn lành lạnh. Các em bắt đầu lo lắng về thi cử. Chỉ một thời gian nữa, các em sẽ dự thi tốt nghiệp, sẽ lên đại học. Sang năm tới, tôi sẽ có những lớp học sinh mới, sẽ không còn gặp các em mỗi sáng khi tôi bước vô  lớp học, không còn thỉnh thỏang gặp các em trên hành lang hay khi các em  đi trong  sân trường đầy nắng …
Mùa mưa lại đến,trời se lạnh
Con đường tới lớp những ban mai
Lớp học dường như trầm lắng quá
Hè về, ”Em sợ lắm chia phôi”

Chiến tranh càng mở rộng, lính Mỹ đổ vào Việt Nam càng nhiều, bộ mặt xã hội thay đổi càng nhanh chóng. Người ta đua nhau làm giàu: buôn đồ PX (quân tiếp vụ của quân đội Mỹ), đồ ăn cắp hoặc do các ông lính Mỹ mua về và các bà “ vợ” Việt đem bán; xây nhà cho Mỹ thuê (đúng ra là các cô lấy lính Mỹ thuê),… , nhiều người nhờ đó phất lên nhanh chóng. Trong các thành phố lớn, quán Bar, vũ trường, các tụ điểm ăn chơi mọc ra như nấm.
Tuy vậy, đời sống ở Mỹ Tho không có nhiều thay đổi, người dân, nói chung, vẫn giữ được nếp sống thuần phác của người Nam Bộ. Dân chúng hoặc phụ huynh học sinh khi gặp chúng tôi vẫn một điều “ ông giáo sư”, hai điều “ông giáo sư”. Các học sinh, không biết khi vắng thầy cô thì nghịch phá ra sao, nhưng trong giờ học thì rất ngoan, hiền, dễ mến. Tôi dạy học ở Mỹ Tho được bảy niên khóa và nhận thấy có những thay đổi theo từng thế hệ học trò. Các thế hệ trước, các em có vẻ “ người lớn” hơn, giữa các em và thầy cô hình như có một khoảng cách xa hơn, tình cảm trầm lắng, kín đáo. Các thế hệ sau, các em tự nhiên hơn, thầy trò có vẻ gần gũi hơn. Những dịp nghỉ lễ hay tất niên, các em hay tổ chức ở vườn nhà một em nào đấy, mời các thầy, cô tham dự, rồi ngâm thơ, ca hát, chụp hình … Dù đã  lớp 12 (bây giờ không còn gọi là Đệ Nhị, Đệ Nhất mà gọi là lớp 11,l ớp 12) nhiều em vẫn rất hồn nhiên.

Thày, trò lớp 12A1 Lê Ngọc Hân (1972-1973) trong một ngày tổ chức trại. Nay người còn,người mất,người ở nước ngoài
(Hình do học sinh chụp,gửi tặng).

Năm 1973, tôi được thuyên chuyển về làm giảng sư trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn nhưng ngoài các giờ dạy ở đại học, tôi vẫn hàng tuần xuống dạy tại trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân Mỹ Tho, cho tới hết niên học 1973-1974. Đây là niên học cuối cùng tôi dạy học tại Mỹ Tho. Năm học này, tôi dạy cả ba cấp: lớp 12, lớp 11 và lớp 10. Vì chỗ ở mới cách trường không gần như nhà trọ cũ, nên mấy năm học sau này, tôi mang xuống Mỹ Tho một cái xe Velo Solex đê di chuyển. Đây là một loại xe, đối với trẻ con  Mỹ Tho có vẻ hơi lạ, nên khi tôi chạy xe vào miệt vườn ở ngoại vi thành phố, trẻ con chạy ra xem tíu tít. Ba ông bạn ở chung phòng cũng lần lượt kiếm xe Velo mang xuống xử dụng, vô tình lập thành nhóm giáo sư “Velo Solex”. Năm học cuối này rất vui, các em từ lớp 10 tới lớp 12, rất hồn nhiên. Nhiều hôm ở Sài Gòn xuống dạy, mang theo cả chồng cours in rô-nê-ô để phát cho học sinh. Những sáng lỉnh kỉnh mang cours như vậy, tôi không đi Velo Solex mà thường đi xích lô tới cổng trường, tay xách chồng cours đi vào. Các em học sinh lớp 12 đang đứng trên hành lang lầu một, trông thấy. Lập tức, hai ba em ùa xuống, tíu tít tranh nhau xách chồng cours cho thầy. Những lúc như vậy, thầy trò rất gần gũi, như trong một gia đình. Ngày Tết, các em rủ nhau lên Sài Gòn thăm. Tôi đưa các em đi chơi Tết, ghé thăm chùa Vĩnh Nghiêm …


Đưa học sinh lớp 11A5,Lê Ngọc Hân, thăm chùa Vĩnh Nghiêm ngày Tết.

Năm 2009, tôi sang thăm Mỹ, ghé San José. Các em tụ họp được hơn mười em ở San José và San Francisco họp mặt, mừng thày trò hội ngộ sau 35 năm. Nhiều em trong hình trên có mặt trong buổi họp mặt.Các em tíu tít nhắc lại “chuyện ngày xưa”.
Sau 20  năm từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, lác đác có các em cựu học sinh Lê Ngọc Hân về thăm quê hương. Vài em, hỏi thăm được số điện thoại của tôi, ghé thăm. Khi các em ra đi, tôi đã nghĩ, sẽ không bao giờ gặp lại, nên khi gặp các em trở về, tôi rất vui.

Học sinh lớp 12A1 Lê Ngọc Hân ( 1973-1974). Hình do học sinh chụp, gửi tặng

Cách nay mươi năm, tôi nhận được một bức thư cũ của một em học sinh LNH gửi cho một anh bạn của tôi, cũng dạy Lê Ngọc Hân trước đây, khi em ở Mỹ, do anh bạn gửi về từ Canada. Em  là một học sinh của tôi trong  năm học cuối tôi dạy ở Lê Ngọc Hân. Ngày xưa em rất lí lắc và dễ thương. Đúng là nét chữ phóng khoáng của những bức thư ngày xưa em viết cho tôi khi tôi còn dạy em ở Lê Ngọc Hân, nhưng lời thư không còn tươi vui, hồn nhiên như những ngày em còn là cô học trò lớp 12 ở Mỹ Tho mà có một chút gì sầu muộn, một chút gì hờn giận cuộc sống. Tôi tự hỏi, em có còn nụ cười hồn nhiên ngày xưa, khi em ngồi cùng chúng bạn, dưới bụi cây bông bụp trong sân trường, như trong bức hình mà em gửi tặng?

… Và Bây giờ
Hết  năm học 1973-1974 tôi rời trường Lê Ngọc Hân để về dạy ở trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Sau năm 1975, một vài lần tôi trở lại Mỹ Tho để dạy các lớp đại học tại chức tại đây nhưng  không có dịp nào bước chân vào ngôi trường cũ (nay đã trở thành một trường đệ nhất cấp, học chung cả nam và nữ). Đôi lần đi qua đường Hùng Vương, nhìn dãy lầu với những phòng học quen thuộc mà ngày xưa mỗi sáng mình đã tới dạy, tôi không tránh khỏi một chút bâng khuâng. Những buổi chiều rảnh rỗi, tôi đi dạo trong thành phố, theo những con đường quen thuộc: Ngô Quyền, Hùng Vương, Lê Lợi ,.. đi qua chợ Hàng Bông, rẽ lên Cầu Quay … đứng nhìn những chiếc ghe thương hồ rập rình trên mé nước, … Phong cảnh vẫn như xưa, các con đường vẫn như cũ nhưng với Mỹ Tho, tôi đã thành một khách lạ!


Thầy và Trò lớp Đệ Lục năm xưa

Bỗng một hôm, cách nay khoảng mười năm, tôi nhận được một thư mời của một nhóm học sinh cũ “Mời thày về dự buổi họp mặt hàng năm của thày trò Lê Ngọc Hân tổ chức tại chùa Tịnh Nghiêm, ngày…  lúc …”. Đứng tổ chức buổi họp mặt là một nhóm cựu học sinh Lê Ngọc Hân tôi đã dạy lớp Đệ Nhất từ các năm 1968 và 1969 , cùng tham dự òn có một số em thuộc các lớp sau. Trong buổi họp mặt lần đầu tiên này, tôi được gặp lại nhiều thày cô trước đây cùng dạy ở Lê Ngọc Hân như các thày Đoàn Duy Tường, Thái Văn Ánh, Trần Văn Ty, Nguyễn Văn Hai,… cô Bạch Diệp, cô Kim Anh,… Đọc diễn văn chào mừng các thày cô và các bạn trong buổi hôi ngộ năm ấy là em Phụng Lan, cựu học sinh LNH, giáo sư dạy Văn NĐC. Ni cô trụ trì chùa Tịnh Nghiêm cũng là một cựu học sinh LNH. Tôi không nhớ tên của em nhưng các bạn em cho biết “ ngày xưa, khi học ở LNH, được quyến dụ theo đạo Tin Lành, em đã cùng vài bạn tìm hiểu về đạo, đi nhà thờ xem lễ, nghe giảng. Các bạn trong lớp đã nghĩ là em sẽ trở thành một tín đồ Tin Lành ngoan đạo nhưng không biết cơ duyên như thế nào mà bất ngờ mọi người nghe tin  em đã quy y”.


Thầy trò Lê Ngọc Hân ngày ấy" bây giờ.

Những năm sau tôi cũng thường về dự với các em và các đồng nghiệp, nhưng  mỗi năm mỗi vắng. Thày Duy Tường, thày Ty, cô Liên Hoa đã đi vào miền quên lãng. Em Phụng Lan cũng vừa mới ra đi. Hai năm trước tôi còn gặp em, người gày gày, cao cao, chạy chỗ này chỗ khác, cầm máy hình chụp buổi lễ kỷ niệm 52 năm thành lập trường Lê Ngọc Hân. Thày Lộc (Triết), từ lâu ẩn cư ở Vĩnh Long, nay cũng đã  thành người thiên cổ.
Bao nhiêu thời gian trôi qua rồi còn gì!
“Những người muôn năm trước
Hồn ở đâu bây giờ?”
(thơ Vũ Đình Liên)
Cách nay nhiều  năm, thày Phạm Đắc Lộc, trước là giáo sư Lê Ngọc Hân, dạy Pháp Văn, định cư ở Canada, về Việt Nam và gặp tôi. Tôi đưa anh bạn về thăm lại Mỹ Tho, gặp một số bạn bè giáo sư cũ. Khi đi qua ngôi trường Lê Ngọc Hân, chúng tôi ghé vảo thăm. Hàng me trên đường Ngô Quyền trước trường vẫn xanh tươi như ngày nào, nhưng quang cảnh sân trường đã có nhiều thay đổi. Không còn hai cổ thụ, ngày xưa vẫn phủ bóng mát gần kín sân trường. Nhìn lên lầu một, các lớp học với những khung cửa rộng che lưới vẫn như thuở chúng tôi dạy học.
Lúc đó là buổi chiều, học trò đã tan học từ lâu, sân trường vắng lặng, chỉ còn một hai nhân viên về muộn. Ngôi trường ngày xưa đối với chúng tôi biết bao thân thiết nhưng bây giờ sao xa lạ. Anh bạn đứng nhìn quang cảnh có vẻ trầm ngâm.
“Lâu lắm mới về qua chốn cũ
Trường lớp bâng khuâng, cảnh lạ người
Đâu những trưa hè ngây ngất nắng
Em về, áo trắng lá me rơi”.

Nguyễn Trần Trác