Cần nhận định đúng về các cuộc đình công

Nguyễn Quang Duy

Các cuộc đình công liên tục diễn ra tại khu công nghiệp Sài Gòn, Bình Dương, Tiền Giang, Tây Ninh, Long An… khiến nhiều người tin rằng “Phong trào công nhân Việt Nam đã trưởng thành”.
Xin đừng quên cuối năm 2005 cũng đã diễn ra nhiều cuộc đình công đòi tăng mức lương tối thiểu cho công nhân tại các doanh nghiệp do nước ngoài đầu tư, có cuộc đình công lên đến năm, sáu chục ngàn công nhân tham dự.

Việc công nhân khi ấy đấu tranh đòi tăng mức lương tối thiểu không khác gì đình công phản đối chính sách bảo hiểm xã hội lần này. Cả 2 đều là phản đối các chính sách đã được Quốc Hội thông qua và đã thành luật.

Lần trước Phan Văn Khải nhanh chóng đáp ứng yêu cầu bằng cách ký chỉ thị tăng mức lương tối thiểu lên 40 phần trăm. Khi được đáp ứng yêu cầu các cuộc đình công chấm dứt, cuộc đấu tranh lặng xuống, các công nhân đứng ra tổ chức bị sa thải, một số người sau đó bị bắt và có người hiện vẫn đang trong tù.
Các cuộc đình công sau năm 2005 thường ở mức độ nhỏ, tự phát và nhanh chóng chấm dứt. Nhiều người khởi xướng sau đó bị sa thải, có người bị an ninh theo dõi. Quyền lợi của công nhân mỗi ngày bị cắt bớt và đời sống của họ ngày trở nên tồi tệ hơn.
Việc công nhân đình công rồi kéo nhau ra đường lộ với những biểu ngữ tự làm tại công ty Pou Yuen cho thấy việc tổ chức khá lỏng lẻo và tự phát. Đương nhiên có người đứng ra khởi xướng nhưng cuộc đình công xảy ra do sự bất mãn cùng cực của công nhân. Các cuộc biểu tình khác là sự đồng thanh đáp ứng, tức nước vỡ bờ.
Lần này, sau khi Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố sẽ kiến nghị lên Quốc Hội sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội nhằm đáp ứng nguyện vọng công nhân các cuộc biểu tình cũng lặng xuống. Mặc dù Nguyễn Tấn Dũng đã hứa hẹn và cuộc biểu tình rất ôn hòa đã có 7 công nhân tích cực và tiên phong trong những ngày đình công bị bắt giữ.
Bài học năm 2005 cho thấy nếu những người khởi xứơng không biết nuôi dữơng cuộc đấu tranh thì đâu lại vào đó, quyền lợi chính đáng của công nhân lại tiếp tục bị cắt dần và đời sống của công nhân sẽ càng ngày càng tồi tệ hơn.
Trên thực tế cuộc sống của công nhân đã quá eo hẹp, thực lực đấu tranh hết sức hạn chế, vì thế để đấu tranh cho đến khi đạt được kết quả họ cần giảm thiểu mọi thiệt hại và cần sự hỗ trợ từ trong cũng như ngòai nước.
Về lâu dài Công Đòan là phương tiện để đấu tranh cho quyền lợi công nhân. Công đòan đại diện cho công nhân đấu tranh đòi giới chủ tôn trọng luật pháp quốc gia, thương lượng với chủ bảo vệ và gia tăng quyền lợi tại mỗi xí nghiệp hay mỗi nghành nghề.
Trong hòan cảnh Việt Nam hiện nay một công đòan độc lập với nhà nước cũng sẽ là một phương tiện vận động Quốc Hội đề ra các đạo luật có lợi cho công nhân và vận động Quốc Tế để quyền lợi công nhân được bảo đảm.
Công đòan còn mang một vai trò khác là nâng cao trình độ nhận thức của công nhân về quyền làm người, về quyền công dân và về quyền lợi của người công nhân.
Một công đòan đúng nghĩa cũng lo cho từng cá nhân công nhân và gia đình khi bị lâm vào những hòan cảnh rủi ro hay phải tranh tụng với giới quản lý hay giới chủ.
Tại các quốc gia dân chủ, công đòan còn thương lượng với các đảng chính trị để đề ra những chính sách có lợi cho công nhân. Tại Úc, đảng Lao động được nhiều công đòan ủng hộ cả về tài chánh lẫn nhân lực để đảng Lao Động một mặt bảo vệ quyền lợi của người Lao động mặt khác đưa ra chiến lược và chính sách có lợi cho tầng lớp Lao Động.
Hiện nay tại Việt Nam tồn tại hai dạng công đòan nhưng cả hai đều mang nặng tính chính trị và không thực sự đấu tranh cho quyền lợi của người công nhân.
Công đòan do đảng Cộng sản lãnh đạo thì có mặt tại hầu hết các xí nghiệp. Nhiệm vụ của họ chỉ nhằm thực hiện những chủ trương và nghị quyết do đảng cộng sản đề ra.
Ngược lại, Công Đòan Độc Lập là một nhóm nhỏ được thành lập nhằm đấu tranh chính trị đòi đảng Cộng sản trả lại quyền lao động cho người công nhân. Việc làm của họ rất cần nhưng chưa đủ. Vì muốn đấu tranh cho quyền lợi công nhân cần có nhiều công đòan thực sự phát xuất từ người công nhân, phải do người công nhân lập ra, được người công dân nuôi dưỡng và phải đấu tranh cho quyền lợi công nhân.
Những người lãnh đạo công đòan phải là người được công nhân thương yêu, tin tưởng và bầu lên qua những cuộc bầu cử dân chủ. Họ phải có khả năng đại diện công nhân thương lượng với cả chủ nhân lẫn nhà nước. Các công đòan lớn người lãnh đạo cần có khả năng làm việc với các công đòan, chính phủ và tổ chức quốc tế.
Như thế nuốn bảo đảm cho cuộc đấu tranh thực sự vì quyền lợi của người công nhân, những người khởi xướng cần tìm và đào tạo một tầng lớp lãnh đạo công đòan độc lập trong số những người hiện đang đấu tranh.
Mục tiêu trước mắt là mỗi công ty trung bình và lớn cần có một chi nhánh của công đòan độc lập. Theo Hiệp Định Đối Tác Thái Bình Dương và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu, Việt Nam phải có những công đòan độc lập với nhà nước cộng sản. Vì thế mục tiêu này khả thi và nên được xem như ưu tiên hàng đầu.
Công nhân cũng cần sự trợ giúp của truyền thông báo chí, của tầng lớp trí thức và nhất cần một số luật sư sẵn sàng đứng ra cố vấn hay bảo vệ cho công nhân và công đòan. Vì thế các cuộc đình công phải thuần khiết vì quyền lợi của người công nhân, tránh bị “chính trị hóa” hay bị các đảng chính trị lèo lái sang các mục tiêu khác.
Hiện Việt Nam là một quốc gia độc đảng, nên chưa có một đảng không cộng sản nào đưa ra một cương lĩnh với một đường lối đấu tranh rõ ràng cho quyền lợi của người công nhân. Việt Nam sẽ có đa đảng vì vậy nhu cầu thành lập đảng chính trị phục vụ cho tầng lớp công nhân là một nhu cầu cần được quan tâm.
Nói tóm lại Việt Nam hiện có 5 triệu công nhân, đóng góp của họ cho xã hội cho đất nước vô cùng to lớn. Con số này càng ngày càng tăng nhưng đến nay tầng lớp công nhân vẫn chưa có được tiếng nói chính thức vì thế đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của họ càng ngày càng suy giảm.
Đấu tranh cho quyền lợi công nhân là cuộc đấu tranh lâu dài luôn tiếp diễn hằng trăm năm nay và trên tòan thế giới. Việc bùng phát các cuộc đình công trong tuần qua cho thấy tức nước vỡ bờ, vì thế cần nhận định đúng để quan tâm hơn đến nhu cầu lâu dài và thiết yếu của tầng lớp công nhân.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
04-04-2015


Nhà nước đồng ý sửa luật bảo hiểm, công nhân chấm dứt đình công

RFA - Đài Á châu Tự do
02-04-2015


Cuộc đình công của hàng ngàn công nhân Pou Yuen ở khu công nghiệp Tân Tạo, tại Sài Gòn đã buộc chính quyền phải sửa luật bảo hiểm

Cuộc đình công 6 ngày qua của hàng chục ngàn công nhân ở thành phố Hồ Chí Minh đã chấm dứt hôm nay, sau khi Nhà nước chấp nhận sửa đổi Luật Bảo Hểm Xã Hội theo yêu cầu của công nhân.
Cuộc đình công 6 ngày qua của hàng chục ngàn công nhân ở thành phố Hồ Chí Minh đã chấm dứt hôm nay, sau khi Nhà nước chấp nhận sửa đổi Luật Bảo Hểm Xã Hội theo yêu cầu của công nhân.
Hôm qua ngay tại phiên họp tháng Ba của chính phủ do thủ tướng Nguyễn Tấn Dủng chủ trì, kết quả được loan báo là chính phủ sẽ kiến nghị quốc hội sửa đổi luật cho phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với nguyện vọng và sự lựa chọn của công nhân.
Đây là vụ đình công lớn nhất trước nay với tin có đến hàng chục ngàn công nhân tham gia. Tập thể công nhân này làm việc cho công ty Pouyuen, chuyên sản xuất giày hiệu Nike và Adidas.
Đình công diễn ra tại khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, phản đối Điều 60 Bộ Luật Bảo Hiểm Xã Hội sẽ có hiệu lực đầu năm tới.
Được biết Điều 60 Luật Bảo Hiểm Xã Hội bị công nhân phản đối là do qui định phải đợi tới khi về hưu mới được lãnh tiền bảo hiểm xã hội, thay vì được lãnh một lần như hiện nay nếu họ nghỉ việc.
Vụ đình công đông đảo người tham gia kéo dài 6 ngày đã khiến Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội cử thứ trưởng của bộ đến tiếp xúc làm việc với công nhân. Đầu tuần này, chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam cũng viết thư ngỏ yêu cầu công nhân trở lại làm việc.


Đình công lớn ở Pouyuen, Sài Gòn

RFA - Đài Á châu Tự do
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015-04-01

Hàng nghìn công nhân Công ty Pouyen Việt Nam (TP HCM) đã xuống đường tuần hành phản đối quy định bảo hiểm mới trong 5 ngày qua. 31/3/2015
Hàng nghìn công nhân Công ty Pouyen Việt Nam (TPHCM) đã xuống đường tuần hành phản đối quy định bảo hiểm mới trong 5 ngày qua. (31/3/2015 - RFA)

Trong suốt các ngày từ ngày 26 tháng 3 đến nay, tại hãng sản xuất giày da Pouyuen do người Đài Loan làm chủ ở khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, Sài Gòn đã diễn ra cuộc đình công, biểu tình của 90 ngàn công nhân nhằm phản đối luật bảo hiểm mới mà trong đó chứa những điều khoản không thỏa đáng, gây mất mát cho người lao động quá nhiều. Đến ngày thứ sáu, tức 31 tháng 3, các lực lượng công an, cảnh sát giao thông và cảnh sát cơ động đã bao vây khu công nghiệp. Cuộc bố ráp của các lực lượng công an không những không làm cho cuộc đình công, biểu tình giảm bớt nhiệt mà có thể gây bùng nổ một cuộc đình công, biểu tình lớn chưa từng thấy trong lịch sử bởi sự bất bình của người lao động.

Chế độ bảo hiểm xã hội bất minh
Bởi ngay ở cuộc đình công, biểu tình lần này tại Pouyuen cũng đã có qui mô, số lượng lớn gấp vài chục lần nhiều cuộc đình công, biểu tình khác. Và trên hết là hiệu ứng đô-mi-nô của nó khó mà lường được bởi mục tiêu đình công, biểu tình không mang tính cục bộ ở một đơn vị, địa phương riêng lẻ mà có qui mô toàn quốc. Chính sách của nhà nước thể hiện trong luật bảo hiểm xã hội đã chạm phải sự phản đối của giới lao động toàn quốc. Một chính sách mà theo nhận xét của giới công nhân là nó bảo vệ, làm giàu cho những ông chủ và công ty bảo hiểm nhưng lại bóc lột sức lao động của công nhân một cách dã man.
Anh Trần Hiền, công nhân đến từ Gò Công, Tiền Giang, đang làm việc tại công ty Pouyuen, chia sẻ:“Cái luật bảo hiểm 2006 quy định khi mình nghỉ việc một năm, mình không tham gia bảo hiểm một năm, không tìm được việc thì mình yêu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần. Bây giờ luật bảo hiểm mới 2014 có hiệu lực 1.1. 2016 thì nó không cho rút như vậy nữa mà phải đợi tuổi hưu thì mới được rút nhưng sẽ lãnh hàng tháng. Ngoài ra thì họ chỉ cho mình rút một lần trong trường hợp bệnh nặng, hiểm nghèo. Thì người công nhân khi khó khăn đột xuất muốn rút một lần để xoay sở theo luật mới là không cho nên mới có phản ứng biểu tình.”
Theo anh Hiền, qui định mới trong luật bảo hiểm xã hội mới do nhà nước ban hành hoàn toàn có lợi cho giới chủ và công ty bảo hiểm nhà nước nhưng lại vô lý đối với người làm công, ăn lương. Bởi bản chất của bảo hiểm là tích lũy và chia sẻ, nghĩa là khi làm việc, giới chủ đã khấu trừ một phần lương của người lao động để đóng cho bảo hiểm đề phòng khi họ thất nghiệp và không còn làm việc ở công ty.
Và đương nhiên là khi nghỉ việc, phần bảo hiểm xã hội đã chiết khấu từ quĩ lương hằng tháng của người lao động sẽ được giải quyết bằng cách thanh toán một lần khi nghỉ việc để người lao động có khoản tài chính tiếp tục làm ăn, chi tiêu. Nếu người lao động nghỉ việc một thời gian, trở lại làm việc tại một công ty khác thì lại tiếp tục đóng bảo hiểm ở công ty khác để được hưởng bảo hiểm sau này.
Nhưng ở đây, luật bảo hiểm xã hội mới lại qui định bất kì công nhân nữ nào dưới 55 tuổi và công nhân nam dưới 60 tuổi đều phải chờ cho đến đủ tuổi 55 – 60, đúng tuổi qui định theo giới tính mới được nhận bảo hiểm xã hội. Trường hợp những công nhân không may qua đời trước tuổi nhận bảo hiểm xã hội thì con của họ sẽ không được thừa kế nếu trên 18 tuổi. Những trường hợp thừa kế chỉ diễn ra dưới 18 tuổi khi cha mẹ đủ 55 tuổi và 60 tuổi.
Và điều này hết sức bất lợi cho người lao động vì ba lý do: Tiền Việt Nam liên tục rớt giá và có nguy cơ đổi tiền trong thời gian tới; Người lao động sẽ không có cơ hội chuyển nghề và; Nguy cơ mất tiền bảo hiểm quá cao.
Ở lý do thứ nhất, tiền Việt Nam rớt giá quá nhanh, nguy cơ đổi tiền trong thời gian tới bởi hiện tại, đồng tiền đã mất đi giá trị luân chuyển thị trường. Trong khi đó, một nữ công nhân nghỉ việc vào lúc 40 tuổi sau 20 năm làm việc cho công ty, số tiền tích lũy họ phải đóng Bảo hiểm xã hội ước chừng 75 triệu đồng. Khi nghỉ việc, nhận số tiền này để làm ăn, sinh lợi hoặc nếu sắm vàng sẽ được hơn hai lượng vàng SJC. Nhưng nếu đợi 15 năm nữa mới được nhận 75 triệu, liệu sẽ mua được gì? Có dám chắc là mua được vài chỉ vàng hay không? Và trong 15 năm đó, người lao động lại phải làm thuê cuốc mướn, lây lất ở đâu đó để sống qua ngày bởi không có vốn làm ăn. Điều này hoàn toàn không có lợi cho người lao động.
Ở lý do thứ hai, người lao động không có cơ may chuyển nghề. Bởi người lao động Việt Nam thường nhanh hao tổn sức khỏe, xuống sức, đuối sức, nhất là trong môi trường công nghiệp không mấy đảm bảo vệ sinh an toàn như các khu công nghiệp Việt Nam hiện tại. Nếu như khi nghỉ không được nhận bảo hiểm xã hội để lấy vốn chuyển sang nghề khác nhẹ hơn, họ buộc phải theo đuổi công việc ở công ty cho đến tuổi nhận bảo hiểm xã hội.
Với những công nhân xa nhà phải trả giá cho việc ở thuê, ở trọ, con cái học hành khó khăn, một cảnh hai quê, cha mẹ bươn bả hằng tháng gởi tiền về cho ông bà nuôi dạy con cái, hư hay nên cũng chẳng được biết… Cơ hội thay đổi công việc để được gần con cái hoàn toàn không có.
Lý do thứ ba, nguy cơ mất tiền bảo hiểm quá cao, trong lý do này hàm chứa cả sự nhẫn tâm của luật bảo hiểm. Bởi với qui định nếu như người lao động nghỉ việc trước tuổi 55 cho nữ và 60 cho nam và phải đợi đến tuổi này mới được hưởng bảo hiểm xã hội, nếu lỡ đến tuổi nhận bảo hiểm mà chết đi thì con cái của họ phải dưới 18 tuổi mới được thừa kế bảo hiểm xã hội. Trên 18 tuổi thì không được nhận. Như vậy, nếu không nghỉ tới cái chết, nhắm mắt nhắm mũi để làm thì người lao động mới tồn tại được.
Ngược lại, nếu nghĩ đến những rủi ro, nghỉ việc mà vẫn cố gắng để duy trì bảo hiểm xã hội thì phải sinh con ở tuổi 37 trở lên! Đây là chuyện hết sức khôi hài xét về mặt khoa học. Bởi để con cái được thừa kế bảo hiểm xã hội của cha mẹ, con cái phải ra đời lúc cha mẹ đã hết tuổi sức khỏe sinh sản, đứa bé ra đời có nguy cơ ốm yếu và kém phát triển thì chẳng cha mẹ nào đủ dại để chấp nhận. Hơn nữa, nó cho thấy bài toán bảo hiểm xã hội vừa có tính bất minh lại vừa phi nhân tính.
Cuộc đình công và biểu tình sẽ về đâu?
Một bạn trẻ là công nhân khu chế xuất tân Tạo, làm việc tại công ty Tỷ Hùng, nằm cạnh Pouyuen, chia sẻ: “Hôm nay đông lắm, số lượng người có thể trên 100 ngàn người chứ không phải chỉ 90 ngàn người đâu. Vì không chỉ riêng của công ty Pouyuen mà nhiều công nhân công ty khác cũng tham gia. Công an cũng rất đông, đông lắm, hơn ba trăm, nhưng mà lực lượng này ghê lắm, lực lượng cơ động, chống bạo động, công an giao thông chỉ là cái cớ thôi. Nói chung là căng, tình hình này còn căng nữa vì phải đấu tranh bởi tháng 1 năm 2016 thì nó có hiệu lực rồi, lúc đó mình đấu tranh cũng không có ý nghĩa gì nữa đâu”.
Theo bạn trẻ này, mặc dù các lực lượng công an đã bao vây khu công nghiệp nhằm khống chế biểu tình và bịt mắt báo giới nhưng cuộc biểu tình vẫn không vì thế mà suy giảm. Nhiều cuộc biểu tình đồng hành khác đã diễn ra ở Tây Ninh và một số khu công nghiệp trong thành phố Sài Gòn.
Tuy là biểu tình để hưởng ứng và đồng hành cùng công nhân Pouyuen nhưng thực chất là biểu tình để kêu gọi quyền lợi của chính họ. Bởi bộ luật bảo hiểm xã hội mới chi phối toàn bộ giới lao động làm thuê các công ty tại Việt Nam. Mà hiện tại, lực lượng lao động làm thuê tại các công ty trên toàn quốc có thể chiếm đến 70% độ tuổi lao động bởi tính liên kết giữa nông nghiệp và công nghiệp.
Nghĩa là trong số 80% dân số làm nông nghiệp, trên thực tế số lượng công nhân làm nông nghiệp ở nhà trong các ngày mùa hoặc làm công ty gởi tiền về nhà để cha mẹ thuê máy móc canh tác đám ruộng của họ cũng không ít. Giữa đám ruộng và công việc trong khu công nghiệp có mối quan hệ liên đới.
Và một khi quyền lợi của người làm thuê ngành công nghiệp bị ảnh hưởng, ngành nông nghiệp sẽ ảnh hưởng xâu chuỗi. Điều này ít nhiều báo hiệu một cuộc cách mạng lớn của công nhân và nông dân trong thời gian sắp tới bởi nhiều chính sách bất minh của nhà nước có liên quan đến công nhân và nông dân.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

 

Đăng ngày 12 tháng 04.2015