Coi World cup

Song Thao



Tôi lại coi World Cup một mình. Nhưng chẳng phải lần đầu. Từ vài lần world cup gần đây, tôi vẫn một mình theo dõi những hàng chân múa trên sân cỏ. Không lâu trước đây, mỗi lần trái banh đi vút vào lưới, điện thoại reo liền tức khắc, ông Luân Hoán bàn ngang bàn dọc về cú sút hay cái đánh đầu của người vừa ghi bàn thắng. Năm nay khi trái banh lọt lưới, tôi chỉ kêu khẽ lên một tiếng trong căn phòng không có tới người thứ hai. Ông Luân Hoán mất tăm mất tích. Mới đây, nhân một cú điện thoại bàn về chuyện chẳng ăn nhậu chi tới world cup, tôi hỏi ông kỳ này có coi đủ các trận không, ông nói không. Chuyện lạ! Mê trái banh như ông này, coi cả những trận đấu tranh chức vô địch Âu châu, Mỹ Châu, coi tới cả những trận đấu giao hữu giữa các đội sừng sỏ, vậy mà lại làm lơ với hội bóng đá thế giới. Thế là sao? Ông nói với giọng vô cảm: “Kỳ này cầu thủ cũng như trọng tài đều dở, coi mà tức anh ách, mở màn hình để đó, làm chuyện khác!”. Tôi thấy như trời sập. Người mà  mỗi khi có world cup đều manh nha ý định mua tivi mới coi cho đã của mấy năm trước, nay lại phụ tình với môn thể thao vua này sao. Có lẽ bạn tôi tuổi đã…chín, trơ với mọi sự trên đời.
Ông Luân Hoán ở tuổi…chín thì tôi cũng ở tuổi…nhừ. Đuổi theo trái banh đã thấy mệt mỏi. Màn ảnh trong phòng vẫn sáng đều khi trái bóng lăn nhưng đôi mắt thì lơ là khi coi khi không. Đôi cửa sổ như đã hết nhựa dính vào cái mặt vuông vức đang nhộn nhạo chân với cẳng. Chỉ khi nào trái banh vùng vằng lọt lưới như con cá mắc cạn, tiếng ồn ào trộn lẫn với tiếng trống tiếng kèn dội lên, tôi mới nhẩn nha coi màn hình chiếu lại pha gay cấn vừa qua. Kiểu coi của một anh chàng đã vơi đi rất nhiều nhiệt huyết.

Chúng tôi không còn được như xưa. Xưa cỡ hai ba chục năm trước, lũ chúng tôi đón world cup như đón tết. Hẹn nhau tại một địa điểm, mang bia rượu và đồ nhắm tới. Ngày đó chúng tôi đi dự hội bóng tròn. Mỗi cú sút, dù hụt, banh bay ngoài lưới cũng đủ làm chúng tôi xuýt xoa, vỗ tới gẫy đùi tên bên cạnh. Mỗi bàn thắng là dzô dzô. Người ta vô lưới, tụi tôi vô bia vô rượu. Gà vịt chịu trận, bánh trái hao hớt. Nỗi háo hức ở lại đủ cả tháng của mùa world cup. Càng vô sâu, càng đông bạn bè, càng hao bia rượu. Một tháng sống chơi vơi với vũ điệu của những tên tuổi nổi danh khắp trái đất. Trong lớp người nhảy nhổm hồi đó có ông Hồ Đình Nghiêm. Ngày nay coi bộ ông vẫn còn nhảy nhổm. Ông chưa bỏ cuộc chơi. Cũng đúng thôi. Ông là người trẻ nhất trong đám viết lách chúng tôi ở Montreal. Ông vẫn ngày ngày dõi mắt vời theo Doha bên Qatar, vẫn đủ hung hăng theo trái banh. Không phải một mình. Ông kể như thế này: “Hạnh là bạn hàng xóm của tôi. Cô Hạnh này cùng sở thích giống tôi là ưa xem môn "đánh ba". Mà ngồi theo dõi các trận cầu một mình trước TV thì... mất sướng. Phải có ai kia ngồi kề đặng vỗ đùi, xô vai la hét, thậm chí "khôn ba năm dại một giờ" nhào qua ôm nhau để biểu tỏ niềm vui khi cầu thủ mình ưa vừa chọc thủng lưới đối phương. Hồi hôm Hạnh đã điện thoại "dụ khị": “Tui làm sẵn mấy món nhậu rồi nha, bia thì chất đầy trong tủ lạnh. Sau Ngọ, đúng 2 giờ là có trận đá ác liệt giữa thằng Ạt-răng-tin đụng độ với thằng Cờ-roát-ti-a. Qua tui nha, trời lạnh thấy mồ tổ, mình nhảy đựng lên để bớt run lập cập”. Gà đen. Ô kê là chữ thằng tôi sốt sắng dóng lên. Bả nói đúng, một người lẻ loi thì sức mấy mà so bì với hai người "hờn anh giận em" được?”. Nhà văn là chúa hư cấu. Ông Hồ là nhà văn. Các bạn nghĩ sao cũng được.
Coi đá banh như vậy, cỡ tôi sức mấy theo kịp. Mà tôi có ý định tranh đua chi với ông bạn văn vừa tới tuổi hưu này đâu. Chỉ gật gù thán phục máu trong người ông bạn còn đỏ tươi và đôi mắt còn đủ keo hồ dính chặt vào màn hình và thứ ngoài màn hình. Đôi mắt thiệt…nghiêm!

Ông bạn Quan Dương, tuổi đời không biết bao nhiêu, nhưng máu còn rất đỏ. Ông nổi tiếng trên Facebook vì tài làm thơ nịnh vợ. Cách chi ông cũng nịnh được. Phải công nhận là thơ nịnh vợ của ông rất tới. Nhiều người chỉ mong được bằng gót chân của ông trong công việc cao cả này mà chịu. Không bằng được ông thì ghen tức. Sao cha này nịnh ngọt vậy mà mình rặn không ra một câu cho vợ mát lòng mát ruột. Nhưng thôi, chuyện ông nịnh vợ ông chẳng ăn nhằm chi tới chuyện world cup. Hai chuyện khác hẳn nhau. Một bên thì ôm chân cẳng, một bên thì dùng chân cẳng đá túi bụi. Quay lại chuyện ông Quan Dương với world cup cho khỏi lạc đề. Ông này dính mắt vào màn hình mỗi khi người ta đá, không bỏ một pha bóng nào. Bận rộn với túc cầu đến nỗi không có thời giờ đi hớt tóc. “Tóc dài tới ót chưa bị mẫu hậu cằn nhằn là may lắm rồi”. Trái bóng trên sân cỏ không át được nỗi lo tại gia. Thời chúng tôi, những người như ông Quan Dương được khen là “có hiếu với vợ”. Mà ông có hiếu thật. Bận chuyện coi người ta đổ mồ hôi trên sân cỏ, ông quen béng mất ngày lễ Tạ Ơn. Người ta tạ ơn đời, ông tạ ơn bà xã.
Cám ơn bà xã rất cừ
Gặp tôi không chút ngần ngừ trao thân
Tay em nắm chiếc đũa thần
Biến tôi thành gã tiểu đồng đi theo
Nhưng ông này chơi với ma quỷ nên chơi động tác giả, không đậm tình hiếu đễ như người ta tưởng. Ông mải mê theo trái banh nhiều phần là vì ông có đánh cá. Vui chơi đi đôi với cờ bạc. Cờ bạc chứ không phải bài bạc. Bài bạc ăn thua nhờ may rủi, cờ bạc ăn thua có tính toán. Mãi nịnh vợ nên tính toán chi được, ông thua cá độ.
Chiếc ghế thường ngồi với phu nhân
Sáng nay cô lẻ nơi góc vườn
Gió lạnh đông về càng thêm lạnh
Vì anh vừa mới thua đá banh
Phu nhân đi làm không ai ủ
Thua độ lòng anh lạnh lâng lâng
Ngước mắt nhìn trời mây xám ngắt
Dưới đất cũng toàn đá sỏi không
Nhớ lại ngày xưa đi đánh trận
Nhớ lần đụng độ với phu nhân
Chưa kịp dàn quân bị bắt sống
Ngoan ngoãn theo về làm tù binh
Lần thua độ ấy vậy mà thích
Đâu thảm như lần thua độ này
Phu nhân thắng trận làm cai ngục
Trói cuộc đời anh bằng vòng tay
Chiếc ghế buồn vì vắng phu nhân
Anh cũng buồn vì thua đá banh
Trái bóng cũng buồn trên sân cỏ
Buồn đã đủ rồi đi nấu cơm.

Cô nhà văn Minh Ngọc bên New York, không cam phận nữ nhi, cũng đấm đá ra trò. Tôi chẳng cần coi trận đấu ra sao, khi nào có bàn thắng là cô post luôn tấm hình trên Facebook tức thời. Cô sống từng giây từng phút với trái banh. Vốn là bác sĩ gây mê, cô đã tự gây mê. Trái banh lăn tới đâu, cô theo tới đó. Có lần từ trong phòng mổ ra, thấy tỷ số thay đổi, cô ngạc nhiên đến tức tối. Tại sao tên cầu thủ này dám đưa banh vào lưới trong lúc cô đang bận rộn không ghé mắt trên màn hình được.
Có 32 đội đại diện 32 quốc gia múa chân múa cẳng trên màn hình. Nhiều trận có kết quả ngược ngạo khiến cho bữa tiệc thêm phần gay cấn. Đội Maroc góp phần quan trọng trong vụ gay cấn này. Họ thắng những đội mà ai cũng nghĩ là họ phải thua để lừng lững đi vào tới bán kết, nghĩa là có mặt trong bốn đội sừng sỏ nhất.  Đây cũng là lần đầu tiên một đội banh châu Phi vào sâu được tới giai đoạn này. Dân ta khoái chí vì một anh nhược tiểu sánh vai cùng ba anh khổng lồ. Nếu họ đi luôn vào tới mức ôm chiếc cúp vàng thì rõ ràng “tết Maroc” là chuyện có thật. Nhưng nhiều người không lạc quan như vậy. Họ gặp Pháp, đương kim vô địch trong trận bán kết này. Nhà thơ Đỗ Trung Quân cảm hứng trước trận tranh tài mà dân ghiền trái banh chắc chắn phải coi này.
Paris có gì lạ không em ?
Xưa bảo rằng Maroc thì đen
Ra sân Maroc nay toàn trắng
Dân Phốp bây chừ nâu với đen
Paris có gì lạ không em
Em còn ngồi bán xôi lá sen?
Tối nay Maroc tưng bừng Tết
Chung kết lần này anh dek xem

Paris có gì lạ không ta?
Gì cũng có trừ ông Nguyên Sa
Gì cũng có trừ ôm cái Cup
Bữa trước cười rồi “Mbeppa! »

Để cho quý vị “ngoại đạo” tỏ tường, Mbeppa (Mbappé) là anh cầu thủ Pháp da mai mái chơi rất xuất sắc, có cái miệng ếch và nụ cười rất đặc biệt. Nhà thơ Đỗ Trung Quân ngồi coi world cup mà trở thành... triết gia. Ông phán: “Có hai thứ không nên tranh cãi, khiêu khích: tôn giáo và chính trị. Nhưng ba mới đúng: bóng đá nữa! Chỉ hát lời ca cũ “thôi về đi nhà ai nấy về... Cup không có về...”
Ông Đỗ Trung Quân ở Sài Ghềnh, coi world cup coi bộ vất vả vì các cầu thủ đá vào ban ngày nhưng với dân ta là đá... đèn. Muốn coi phải chống mắt lên suốt đêm. Ông họa sĩ Phan Nguyên cũng ở Sài Ghềnh, cũng chẳng bỏ qua trận nào, nên sức khỏe sa sút, người gầy ốm trông thấy. Tội cho ông bạn. Bữa trước ông đã qua Montreal thăm bạn bè, sao ông không ở lại luôn tới world cup coi cho... phẻ? Bên này, chúng tôi coi world cup phẻ re. Trận đầu lúc 10 giờ sáng, trận thứ hai lúc 2 giờ chiếu. Coi xong một trận có thể làm một phát la-siết chờ coi trận thứ hai. Sướng vậy mà còn khảnh chơi. Như ông Luân Hoán, như tôi. Chả thèm dán mắt vào màn hình trọn vẹn. Nhưng tôi không bao giờ bỏ qua màn hát quốc ca lúc khai mạc trận đấu. Cầu thủ của nước mà bài quốc ca đang được hát đã gân cổ lên. Nhìn những cần cổ nổi gân, tôi thực sự cảm động. Trên khán đài, các fan công dân của nước đó lặn lội từ xa tới, tốn tiền tốn của, cũng gân cổ lên không kém. Ngàn năm một thuở họ được yêu nước trước con mắt của cả tỷ người trên khắp thế giới. Hãnh diện quá chừng chừng.

Trong một kỳ world cup cách đây ít năm, tôi ở Cuba. Du khách tắm biển từ tứ xứ kéo đến. Hình như người nước nào cũng có. Trời nắng đẹp, biển xanh êm, vậy mà trong nhà khách của khách sạn, nơi để một chiếc ti-vi nhỏ loại cũ, hình mờ mờ ảo ảo, trận banh nào cũng đông nghẹt người bỏ biển vào coi. Người nước nào chưng cờ nước đó. Các nường nõn nà mặc bikini màu cờ sắc áo quốc gia của họ. Dĩ nhiên chỉ công dân của các nước có những bàn chân vàng đưa đất nước vào tới vòng chung kết của tiệc banh tròn thế giới mới có cơ hội yêu nước. Phải có hai đội tranh tài mới làm nên một trận banh. Công dân của hai đội đối nghịch nghênh nhau, la ó điếc tai điếc óc, chọc quê nhau mỗi khi trái banh lọt lưới đối phương. Lòng yêu nước của họ nồng nàn đến cuồng điên, nhất là khi quốc ca của nước họ được cất lên. Trai tài gái sắc ôm vai nhau, ngoác miệng rống lên hát với tấm lòng yêu quê hương tưởng như vô hạn. Chưa bao giờ tôi thấy người ta yêu nước hùng dũng như vậy. Tôi ngồi yên, trên người chỉ có chiếc quần tắm, cảm thấy buồn vô hạn. Buồn hay ganh tị, tôi chẳng biết.
Quê hương là trái banh, phải vậy không ông nhà thơ “chùm khế ngọt” Đỗ Trung Quân thân mến?
12/2022
Song Thao

 
Website: www.songthao.com
https://www.facebook.com/profile.php?id=100007265208765

 

Đăng ngày 10 tháng 01.2023