Hiện trạng văn học miền Nam sau 1975

Nguyễn Văn Lục

Sau 1975, ta mất miền Nam. Ta đã mất tất cả. Mất đất, mất người, mất sự nghiệp, mất thể chế, mất tương lai, mất cuộc sống tự do an bình, mất cả di sản tinh thần vốn là cái hồn tính miền Nam.
Cái gì mất vào tay cộng sản thường là không đòi lại được như mất nhà cửa, cơ sở làm ăn, tiền bạc, ngân hàng, đất đai, ruộng vườn với chính sách con bò sữa bị vắt. Con bò sữa đã bị vắt đến kiệt quệ.
Nhưng cái duy nhất mà chúng ta còn có nhiều cơ may có thể lấy lại được là văn học miền Nam. Cái nền văn học bất hạnh ấy nhiều người tưởng rằng đã bị phôi pha đi. Nay dần dà từng bước một, nó được khơi dựng lại trên đống tro tàn đã mục nát của quá khứ.
Trong tương lai, cần những cơ quan truyền thông, cơ sở báo chí có phương tiện, có tiền bạc đứng ra làm việc này để cứu lấy Văn Học Miền Nam.
Hành trình chữ nghĩa của chúng lưu lạc từ trong nước ra đến hải ngoại không khỏi gặp nhiều trắc trở gian nan. Chữ đã đi theo người, chia sẻ số phận con người và số phận chữ nghĩa.
Tạp chí Bách Khoa. Nguồn: Sachxua.net
Tạp chí Bách Khoa. Nguồn: Sachxua.net

Tôi có một người bạn có thú chơi sách; anh Lít ở San Diego đã mang sang được toàn bộ Bách Khoa, toàn bộ tập san Quê Hương. Trong khi đó, một số Quê Hương được rao bán 200 đô la ở Việt Nam. Ngoài ra anh Lít còn rất nhiều bản đồ cổ, sách cổ… Nhưng anh không có ý định phổ biến cho mọi người cùng đọc. Ít nữa, tuổi già chết đi rồi, con cái sẽ không biết dùng làm gì, vứt vào thùng rác mất thôi.
Trăn trở với những sách vở cũ mà với tư cách người cầm bút, tôi muốn đóng góp vào việc khôi phục lại văn học miền Nam trong khả năng của mình.
Phần ở trong nước, tôi nhận ra có một giáo sư tên Huỳnh Như Phương vốn là một sinh viên miền Nam trước 1975. Thầy dạy học ông ở dưới Trung Học là Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Xuân Hoàng tại tư thục Trường Sơn, đường Lê Văn Duyệt cũ. Trên đại học văn khoa, ông học với các giáo sư Triết thời đó (1).
Vốn là một người gốc gác miền Nam, trước 1975, ông dễ mặn lòng với Văn Học miền Nam và tôi khá tâm đắc với bài tham luận của ông nhan đề: Chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam 1954-1975 (trên bình diện lý thuyết) (2).
Hy vọng vào ông sau này nằm trong số những ngưới có điều kiện có thể phục hoạt văn học miền Nam trong môi trường giảng dạy ở đại học của ông.
Riêng cái kinh nghiệm đi tìm diện mạo văn học miền Nam có nhiều kỳ tích đáng nói lắm. Một nhà văn trẻ trong quân đội miền Nam đã kể lại câu chuyện của ông trong Thư Quán Bản Thảo do nhà văn Trần Hoài Thư điều hành. Trong đó, anh kể lại câu chuyện cười ra nước mắt như sau:
Sau năm 1975, mình vào Sàigòn đi kiếm tiền ở khu nhà ga xe lửa cũ đường Lê Lai. Mình vào nhà vệ sinh công cộng ở bên hông nhà ga và thật mủi lòng khi thấy một nửa trang báo Khởi Hành rách bẩn có thơ của mình. Tâm trạng của mình lúc đó không thể nói được bằng lời. Chắc lúc đó Sài gòn cũng buồn thê lương như mình. Mình khóc thầm lặng một mình và vuốt thẳng thớm mảnh báo rồi cất cẩn thận vào chiếc bóp cũ… (Thư Từ Huế).(3)
Thân phận mảnh giấy báo trong một cầu tiêu công cộng ở nhà gare xe lửa Sàigon cũng là thân phận nhà văn miền Nam sau 1975.
Hiện nay, các nhà văn lớp đầu của miền Nam không còn mấy người, các nhà văn thế hệ thứ hai tính từ năm 1963 tụ họp lại có mất mát ít nhiều, nhưng nói chung còn khá đông đủ.
Người thì còn mà sách, tác phẩm thì không còn. Phải chăng đó là điều mà tôi có bài văn này.
Kinh nghiệm bản thân tôi muốn tìm lại cuốn Hồi Chuông Tắt Lửa của Thế Nguyên- một cuốn chuyện được in ra vào thập niên 1970 mà ở thời điểm đó đã gây một cú sốc trong tôi vì nội dung câu truyện, tôi đã vô vọng viết rao trên báo Tân Văn và trong bài: Sách cũ miền Nam trước 1975 để tìm lại nó.
Nguồn: tranhoaithux.wordpress.com
Nguồn: tranhoaithux.wordpress.com

Chẳng bao lâu sau, tôi nhận được món quà quý hóa đó một cách bất ngờ từ nhà văn Ngô Thế Vinh, bản sao cuốn truyện đó.
Những chuyện đi tìm về quá khứ di sản miền Nam mang nhiều ý nghĩa cao đẹp như thế. Tôi đã sống cái tâm tình đó khi đi về miền Nam thân yêu tìm lại sách cũ.(4)
Và dĩ nhiên sẽ còn nhiều câu chuyện cảm động về những đứa con tinh thần đã lưu lạc mà nay tìm lại được. Cho nên, tất cả những ai cách này cách khác khôi phục lại diện mạo văn hóa, văn học miền Nam thì chúng ta đều trân trọng.
Ngay đối với những nhà văn miền Bắc trước đây do tuyên truyền, do những lý do của lý do đã có lúc nhục mạ, phê phán sai lầm về gia tài văn học của miền Nam nay đổi chiều xin cũng rộng tay đón tiếp họ.
Chúng ta không quên quá khứ, nhưng có những điều cần phải quên. Đi tìm lại sách cũ cũng là đi tìm lại những người có lòng với sách cũ miền Nam. Tất cả chúng ta gặp nhau ở một điểm hội tụ Oméga. Ở nơi đó, chúng ta sống lại cả một dĩ vãng tươi đẹp mà chúng ta dù mất tất cả cũng vẫn cảm thấy hãnh diện.
Nếu người dân miền Nam trước 1975 có điều gì cần được hãnh diện- ngoài một hệ thống tổ chức giáo dục-hành chánh-quân đội- điều còn lại chính là diện mạo văn học miền Nam. Cho nên sự thay đổi cách đánh giá về văn học miền Nam của một số những nhà văn miền Bắc trước đây phải coi là dấu hiệu tốt đẹp.
Ít lắm nó dẹp bỏ được cái não trạng Winner-take-all, kẻ thắng thì vơ vét hết về cho mình. Cái bệnh vĩ cuồng của kẻ thắng trận chỉ nên dành cho những kẻ có chức quyền. Chúng vơ hết về cho mình và chẳng nghĩ tới những đồng đội, những người lính, những thanh niên xung phong, những thương binh cả nửa triệu người, những bà vợ, bà mẹ chiến sĩ mất con hoặc góa chồng, những thiếu nữ thanh niên xung phong.(5)
Còn những nhà văn miền Bắc mà tôi được biết như Lê Đạt, Nguyên Ngọc, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Tiến Lộc, Nguyễn Chí Thiện. Và nhiều người khác thì họ được gì sau cái chiến thắng đó.
Ở một tầm cao hơn nữa, nó thể hiện điều mà Alexis de Tocqueville trong cuốn Democracy in America viết năm 1835 như sau: Sự cao cả vĩ đại của người Mỹ không phải chỉ đơn thuần là do họ sáng suốt hơn các dân tộc khác, mà là do họ có khả năng sửa chữa những lỗi lầm của mình.(6)
Ý nghĩa cao đẹp nhằm sửa chữa những cái nhìn thiên lệch, miệt thị văn học miền Nam nằm trong cách thức mà một số nhà văn miền Bắc đã bắt đầu nhìn lại. Biết nhìn lại đâu là những lỗi lầm quá khứ cần vượt qua là bước tiến triển đáng khích lệ.
Tôi xin lấy lại một lời tuyên bố của tướng De Gaulle nằm trong ý nghĩa này: Mỗi một cuốn sách là một con người.
Cho nên đi tìm lại sách cũ miền Nam là đi tìm lại một phần đời của chính bản thân mình, bạn bè mình, các nhà văn lớn nhỏ.
Chân dung Trần Hoài Thư phác thảo bút dạ đen và màu cà phê. Nguồn:  Đinh Cường 3- 2014
Chân dung Trần Hoài Thư, phác thảo bút dạ đen và màu cà phê.
Nguồn: Đinh Cường 3- 2014

Phía hải ngoại, tôi phải trân trọng nhà văn Trần Hoài Thư nằm trong số ít ỏi muốn vực dạy các nhà văn, nhà thơ gốc lính đã bị bỏ quên. Người viết sẽ có một bài viết riêng về diện mạo văn học chiến tranh kể từ sau 1954 thường bị bỏ quên từ hai phía.

Phần một: Hiện tình sách báo miền Nam sau 1975 ở trong nước
Khi chiếm xong miền Nam, người cộng sản có một chính sách khủng bố mang tính chất nhà nước là xóa bỏ toàn diện vết tích miền Nam về mặt thể chế, mặt kinh tế, mặt xã hội và cả về mặt văn học.
Thực tế là xóa bỏ con người miền Nam được coi là quá nhiễm độc một thứ văn hóa của thực dân mới -một thứ văn hóa đồi trụy- một thứ văn hóa phản động.
Trong báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng trong kỳ họp Quốc Hội đã chủ trương:
Phải nhổ tận gốc rễ những nọc độc về tư tưởng văn hóa thực dân mới mà đế quốc Mỹ đã gieo trồng ở miền Nam Việt Nam. Đó là thứ văn hóa, nô dịch, lai căng, đồi trụy cực kỳ phản động cùng các hủ tục, mê tín, dị đoan lan tràn(7).
Phần tôi, cho đến hiện nay, sau 40 năm tôi kể từ ngày mất miền Nam vẫn chưa tìm ra được bằng cớ xác thực Mỹ đã đầu độc dân miền Nam bằng thứ văn hóa thực dân mới, đồi trụy, phản động là thứ văn hóa gì. Và cũng gần 40 năm ở xứ người, tôi chỉ nhận ra những điều tốt đẹp mà xứ sở này dành cho những người dân Việt tỵ nạn.
Ở đây, nơi chúng tôi đang sinh sống có một cuộc sống mà con người được nhìn nhận và tôn trọng. Dựa theo tinh thần tôn giáo, tôi có được đọc một cuốn sách nhan đề rất là kỳ diệu: Dieu est né en exil (God was born in Exile).
Chúa còn phải sinh ra trong hoàn cảnh lưu đầy thì phần chúng ta có xá gì. Phần Chúa đã vậy thì phần chúng ta là gì trong ý nghĩa của chữ Exil. Và một lúc nào rảnh rỗi phải mổ xẻ chi ly hai chữ emigrant và exil mới được.
Nhiều người ngồi nghĩ lại mình có lúc thầm nghĩ rằng cuộc lưu đầy nay trở thành cuộc sống ở miền đất hứa. Trong nỗi bất hạnh tìm được cửa ngõ vào vườn địa đàng.
Trở lại trong việc xóa bỏ văn học miền Nam, nhà cầm quyền cộng sản đã tiến hành hai bước:
– Ngay trước khi chiếm được miền Nam thì chính quyền cộng sản miền Bắc đã tiến hành một cuộc tuyên truyền nhằm đánh phá miền Nam liên tục trong nhiều năm trời. Theo Phan Cư Đệ và Hà Minh Đức thì đã có 286 bài phê bình đủ loại được đăng tải trên các tạp chí như Học Tập, tạp chí Văn Học và Văn Nghệ. Vì đối với người cộng dựa sản theo Marx, phê bình là một thứ võ khí. Đối tượng của phê bình chính là kẻ thù mà nó muốn tiêu diệt.
Cho nên, Lê Duẩn, sau 1975 ngay trong Đại hội 5 đã chỉ thị: ‘Sau ngày giải phóng, nhân dân ta đã làm rất nhiều việc nhằm quét sạch những dấu vết và di hại của thứ văn hóa ấy. Công việc này cần được tiếp tục một cách kiên trì, tích cực và triệt để.”(8)
Những lời tuyên bố có tính sắt máu của Lê Duẩn phải được coi là mang mầm mống một ý thức hệ cực đoan ‘tập thể’ như một thứ cực đoan “Hồi giáo” mà thực chất cả hai thứ cực đoan tôn giáo và cực đoan chính trị chỉ là một.
Nghĩ đến cảnh tiêu hủy gần 200 triệu cuốn sách của miền Nam, tôi liên tưởng đến câu chuyện trong thế chiến thứ hai, tại Normandie – hình như ở vùng Basse-Normandie, ở vùng này, có nhiều cây sồi lâu từ 100 năm đến 2,3 trăm năm, nơi quân đội đồng minh đổ bộ. Một người dân làng muốn bảo vệ một cây sồi đã gắn một tấm bảng yêu cầu đôi bên đừng phá hủy cây sồi.
Sau chiến tranh, cây sồi còn nguyên vẹn.
Một cây sồi thôi còn có một giá trị như một di sản văn hóa, được đôi bên tôn trọng. Câu chuyện đó giúp người hiểu biết đánh giá về tư cách những người đi giải phóng. Một câu truyện khác, tôi đọc trong cuốn Hồi ký của con trai De Gaulle.(9) Ngay sáng hôm sau, ngày giải phóng Paris, ba tôi, tướng De Gaulle đã đi bộ về khu Saint-Francois-Xavier, nơi ông ở trước khi lưu vong sang Anh. De Gaulle vui mừng thốt lên: “‘Rien n’a changé, J’ai tout revu”. Đã không có gì thay đổi, tôi đã thấy lại tất cả… Và tôi có cảm tưởng như mới rời nơi đây ngày hôm qua. (Ông đã rời Paris ngày 10-6- 1940). Hai bàn máy đánh chữ vẫn còn ở y nguyên chỗ cũ, cây kiếm kỷ niệm, ngày ra trường võ bị Saint-Cyr cũng vẫn còn đó. De Gaulle xúc động đến sững sờ.
Điều gì đã làm cho quân đội Phát xít Đức không đụng chạm đến căn nhà của De Gaulle.
Cũng trong tinh thần bảo vệ cung điện, bảo tàng của Pháp, tướng Leclerc trước khi tiến vào Paris đã gửi công điện cảnh cáo binh lính Đức rằng: ‘Nếu các ông phá hủy một trong những di tích lịch sử của Paris, không một người lính Đức nào sẽ có thể sống còn’(10).
Xem người để nghĩ đến ta.
Vậy mà người dân vùng Ninh Bình, Thanh Hóa, nói chung là khu tư, khu năm còn nhớ Hồ Chí Minh đã hô hào dân chúng áp dụng chiến thuật nhà không vườn trống, đốt sạch, phá sạch để cho quân đội Pháp không thể dựa vào dân.
Trừ Bùi Chu, Phát Diệm, nơi giám mục Lê Hữu Từ phản đối lệnh đó nên nhà cửa ở đây vẫn còn nguyên vẹn, các vùng Thanh Hóa trở vào như Vinh nhiều nơi chỉ còn là những hoang địa.
Để thực hiện công tác xóa bỏ Văn học miền Nam này thì có một đội ngũ cán bộ đặc trách là Thạch Phương, Trần Hữu Tá, Phan Đắc Lập, Thái Kế Toại, Lê Đình Kỵ, Vũ Hạnh ngay cả giáo sư Trần Văn Giàu (giáo sư Trần Văn Giàu viết hẳn một cuốn sách phê bình cuốn Nhận Định IV của Nguyễn Văn Trung) cũng tham gia vào công tác bài trừ này.
Nhưng có hai tác giả được coi là viết với nhiều tài liệu dẫn chứng được coi là có căn cơ nhất và cũng thâm độc nhất: Một vốn là một người sinh ra và lớn lên, được đào tạo từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa miền Nam. Đó là Lữ Phương với cuốn: Cuộc xâm lăng về Văn hóa và tư tưởng của Đế Quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam (1980)(11).
Chiến dịch đốt sách,   và Lữ Phương. Nguồn: DCVOnlie tổng hợp
Chiến dịch đốt sách, “bài trừ văn hóa đồi trụy” và Lữ Phương.
Nguồn: DCVOnlie tổng hợp

Người thứ hai là sản phẩm đặc trưng của miền Bắc- giáo sư Trần Trọng Đăng Đàn, Tổng biên tập Tạp chí Khoa Học Xã hội với nhiều tác phẩm trong nhiều thời kỳ liên tục như: Nọc độc văn học thực dân mới, tập I, 1983, tập II, 1987…
Văn hóa Văn nghệ.. . Nam Viejt Nam. Nguồn: OntheNet
Văn hóa, Văn nghệ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại miền Nam. Nguồn: OntheNet

…Văn học thực dân mới Mỹ ở miền Nam những năm 1954-1975, tập I, 1988, tập II, 1991. Và cuốn sách chủ yếu của ông là cuốn Văn Hóa, Văn Nghệ, phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại miền Nam 1954-1975 (1990). Sách này còn được in lại năm 2000.
Cho đến hiện nay, cho đến năm 2000, chính sách khủng bố mang tính nhà nước vẫn còn được chính thức lưu truyền trong nhà trường và nơi giới truyền thông. Cho nên, chúng ta cần phân biệt rõ rệt giữa chính sách của nhà nước cộng sản và thái độ của các nhà văn miền Bắc về chính sách ấy.
Có những chuyển biến rõ ràng về phía các nhà văn miền Bắc, nhưng ngược lại nó lại tỏ ra trì trệ và quá cứng nhắc về phía chính quyền cộng sản ở mặt cơ chế. Vì thế cho đến nay, năm 2015, tôi đã nhìn thấy một số chuyển biến tích cực ở bình diện cá nhân hơn là ở bình diện chính sách nhà nước.

Sự chuyển biến nơi các nhà văn từng hùa theo chính sách của nhà nước cộng sản diễn biến như sau:

* Thứ nhất là sự phủ nhận chính những tác phẩm của chính mình.
Sự phủ nhận chính mình là điều không dễ. Người ta thường cố bảo vệ những điều đã viết ra, dù sau này biết rằng những nhận thức của mình có thể đã lỗi thời hoặc đã bị vượt qua. Có những cái chỉ đúng cho một thời kỳ mà trở thành tai hại ở thời kỳ khác.
Vì thế, sự thay đổi, sự chuyển biến tư tưởng thường mang tính biện chứng trong tri thức luận cũng như trong nhận thức của đời thường. Chuyển biến nơi các nhà văn này có chiều hướng vượt rào, tiến bộ. Và đôi khi cần được hiểu rằng không ai trung thành với chính mình ở chính lúc mà người ta thay đổi.
Vì thế, thay đổi là biểu hiện của sự trung thành hơn là một phản bội.
Và nay nhiều nhà văn đã có thái độ chuyển biến tư tưởng mà không do bất cứ một thúc ép bắt nguồn từ quyền bính chính trị nào. Nhưng là do một thúc bách đòi hỏi của sự thật, của lương tri và lẽ phải.
Tôi cũng xác tín rằng không chỉ có vài nhà văn nêu tên sau đây đã xoay chuyển cách nhìn và đánh giá văn học miền Nam mà còn nhiều ngươi khác không nói ra thôi.
Lữ Phương đã kín đáo, thầm lặng loại bỏ cuốn Cuộc xâm lăng về văn hóa và tư tưởng của Đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam ra khỏi danh sách các sách của ông. Đỗ Đức Hiếu cũng một cách nào đó không muốn nhắc đến cuốn Phê Phán Văn học hiện sinh chủ nghĩa. Lê Đình Ky cũng đã dứt khoát không đưa cuốn Nhìn lại tư tưởng Văn nghệ thời Mỹ Ngụy vào danh sách các tác phẩm đã in của ông.
Bảo Ninh, tác giả Nỗi buồn chiến tranh và trong cuốn Hà Nội lúc không giờ, trong đó có chuyện ngắn Rửa tay gác kiếm đã miệt thị các nhà văn miền Nam khi cho rằng, các tác phẩm của họ chỉ dùng làm giấy đi cầu như trường hợp Chu Tử, Xuân Vũ v.v...(12). Nhưng sau này theo nhà phê bình Vương Trí Nhàn kể lại trong bài phỏng vấn của Thụy Khuê, ông có đưa cuốn Dấu Binh Lửa của Phan Nhật Nam cho Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu đọc. Cả hai đều nhìn nhận rất trân trọng, kính nể Phan Nhật Nam. Riêng Bảo Ninh sau khi đọc Dấu binh lửa của Phan Nhật Nam xong thì tiếc rằng: “Nếu tôi có cơ hội được đọc cuốn này trước thì có lẽ tôi sẽ viết khác đi. Và những cuốn sách viết về chiến tranh như Dấu Binh Lửa của Phan Nhật Nam mà bọn tôi đọc thì không thể quên nổi và ở chỗ đó, nó cho thấy sự cần thiết về sự đóng góp của văn học miền Nam của một thời.”(13)
Nhưng điều đó cũng cho thấy rằng những việc họ bắt buộc phải lên gân chửi văn học miền Nam trước đây có thể chỉ là hùa theo chính sách, không nói không được. Nó giống như cái cảnh tượng một người cán bộ đi dự một buổi mít tinh mà nhà nước đưa mấy phi công Mỹ ra đi diễn hành để cho dân chúng tha hồ chửi, đánh cũng có. Anh cán bộ nhà văn bắt buộc làm theo đám đông, anh cũng giả vờ dơ tay đánh dứ người phi công Mỹ đi qua… để che mắt người khác.
Nghĩa là giả vờ chửi. Hay nói cho cùng, các nhà văn miền Bắc đôi khi bất đắc dĩ phải chửi Nhân Văn Giai Phẩm, chửi văn học miền Nam là đồi trụy Mỹ-Ngụy – một cách thức như chửi thuê vì miếng cơm manh áo.
Đây là một điều chúng ta cần chia sẻ với một số nhà văn miền Bắc.
Hiểu hoàn cảnh các nhà văn miền Bắc như thế nên khi tôi đọc Trần Văn Giàu viết trong cuốn Nhận Định về cuốn Nhận Định của Nguyễn Văn Trung, tôi không tức giận, vì tôi có cảm tưởng ông chỉ giả vờ chửi Nguyễn Văn Trung mà điều chính yếu chính là ông Trần Văn Giàu muốn gián tiếp trình bày toàn bộ triết học hiện sinh theo cách của Nguyễn Văn Trung.(14)
Người ta cũng sẽ có một cảm tưởng tương tự khi đọc Lê Đình Ky. Ông cũng đã dành phần lớn bài viết của mình viết về triết lý hiện sinh ở miền Nam do Nguyễn Văn Trung chủ trương.
Nói tắt một lời chửi mà thực sự không phải là chửi. Nhưng dùng cơ hội chửi đó để triển khai một đề tài triết học mà các ông tâm đắc.
Ngoài những người trực tiếp phê phán văn học Mỹ Ngụy ở trên, còn có một số nhà văn ở miền Bắc, bằng cách kín đáo, họ bày tỏ một sự trân trọng và quý mến các nhà văn miền Nam. Theo ý kiến của Vương Trí Nhàn thì sau 1954, các nhà văn miền Bắc ít có cơ hội đọc sách vở của miền Nam. Tuy nhiên những nhà văn như Nguyễn Tuân, Nguyễn Thanh Long, Xuân Diệu, Tô Hoài, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu hay lớp trẻ hơn như Lưu Quang Vũ, Bằng Việt hay Trúc Thông đã lặng lẽ tìm kiếm các sách, tài liệu miền Nam để đọc.(15)
Bên cạnh đó, các nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc cũng có cái nhìn chia xẻ về văn học miền Nam như vậy.
Phần chúng tôi, những người miền Nam được may mắn sống trong một chế độ cởi mở hơn, chúng tôi có nhiều cơ hội được tự do tìm đọc thơ Xuân Diệu, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, đọc các chuyện của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, v.v.
Riêng trường hợp Nam Cao, giáo sư Nguyễn Văn Trung đã dùng truyện Chí Phèo làm đề tài nghiên cứu văn học ở Đại Học văn khoa Sài gòn. Trần văn Toàn (vừa quá vãng) đã khệ nệ bê nguyên con triết học Karl Marx-Hegel công khai vào giảng đường Văn Khoa Sài Gòn cho thấy sự tự trị đại học ở miền Nam như thế nào.
Sự phân biệt giữa chính trị và văn hóa đem lại cái lợi thế và cái may mắn cho những người sống ở miền Nam hơn ở miền Bắc.
Đó là điều phải nhìn nhận sự khác biệt về thể chế chính trị đã đem đến hai dạng thức văn học: Văn Học miền Nam mang tính tự do, nhân bản, cái tình con người. Văn học miền Bắc mục đích cổ xúy cho một ý thức hệ, tuyên truyền nên vì thiếu sự trung thực của người cầm bút. Có thể có những tác phẩm ở miền Bắc kín đáo phá rào, muốn thâm kín bày tỏ một điều gì. Nhưng thật là hiếm hoi để được nhìn nhận.

* Thứ hai, việc cho xuất bản lại các tác giả trước 1975 là một dấu hiệu tốt bắt đầu.
Trong cái tinh thần muốn tìm về quá khứ, muốn vượt qua những hàng rào cản vướng mắc ngăn chặn của một quá khứ cay nghiệt, tôi đã tìm và mua được một số sách triết học trước 1975 được in lại sau 1975 như các cuốn: Martin Heidegger, Tư tưởng và hiện đại của Bùi Giáng, các bộ Lịch sử Triết Học Tây Phương của Lê Tôn Nghiêm, nhất là cuốn Triết Học Hiện sinh của Trần Thái Đỉnh.
Về sách Văn Học, cuốn 13 năm tranh luận văn học, gồm 3 tập của Thanh Lãng đã được in lại (Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1997 gồm bốn tập). Tạp chí Tri Tân, 1941-1945, Phê Bình Văn Học cũng đã được Nhà xuất bản Nội Nhà Văn cho in lại.
Mặc dầu không thuộc di sản tinh thần của 20 năm Văn học miền Nam, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế đã cho in lại 4 tập Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des amis du vieux Hue, 1914-1944, một công trình biên khảo kéo dài trong suốt 30 năm trời do học giả L. Cadière làm chủ bút. Cũng nhà xuất bản này đã cho in lại bộ Đại Nam liệt truyện thuộc Quốc Sử Giám triều Nguyễn.
Chúng tôi cũng ghi nhận sự cố gắng của nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội đã cho in bốn tập, dày hàng mấy ngàn trang, 296 Tinh Tuyển Văn học Việt Nam, cũng dày khỏang hơn 4000 trang, in giấy mỏng, bìa cứng.
Và mới đây, cuốn Lục Châu Học của Nguyễn Văn Trung đã được xuất bản vào cuối năm 2014. Cuốn sách Lục Châu Học nhằm trả lại vị trí xứng tầm của một mảnh văn học miền Nam thường bị bỏ quên và bỏ qua trong suốt cả một thế kỷ dưới thời Pháp thuộc.
Tôi cũng ghi nhận một cách ngạc nhiên việc tái xuất bản các sách của Phạm Quỳnh như 10 ngày ở Huế – Luận giải văn học và triết học – Thượng chi văn tập, v.v. Và cũng một cách thức như vậy, các tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn như các nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng cũng tùy theo cuốn đã được tái xuất bản v.v…
Mặc dầu chỉ là thơ, Mê Hồn Ca của thi sĩ Đinh Hùng cũng như Mặc Khách Saigòn của Tô Kiều Ngân đã có dịp xuất hiện trên các kệ sách ở Sài Gòn.
Ngoài ra họ đã cho tái bản sách Nguyễn Hiến Lê, đặc biệt cuốn Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê do nxb TP. Hồ Chí Minh tái bản. Một điều ghi nhận là cuốn sách được tái bản trong nước và cũng được in lại hải ngoại thì một bên để nguyên, một bên đã được cắt xén.
Chúng ta đọc lại Lời Nhà Xuất Bản để thấy rõ một chút tâm địa của họ:
‘Không phải là người cách mạng, là nhà văn cách mạng, nhưng Nguyễn Hiến Lê cũng không phải là nhà văn của chế độ cũ, mặc dầu ông sống giữa lòng xã hội ấy mấy chục năm. Một lần nữa Nguyễn Hiến Lê lại ở giữa lằn ranh của nhân cách và phi nhân cách. Có người cho rằng ông đi giữa hai lằn đạn. Và một lần nữa ông đã tỏ ra bản lĩnh vững vàng trước sau ông vẩn giữ được nhân cách của mình’.(16)
Chả nhẽ, tôi lại đi đôi co về vấn đề nhà văn miền Nam và nhà văn miền Bắc, ai là loại người phi nhân cách. Khi còn sống, thời VNCH Nguyễn Hiến Lê tỏ ra bực tức vì sách bị kiểm duyệt. Nhưng khi ông chết, sách được tái bản, nhưng với lời nhà xuất bản như sau: “Vì tác giả đã mất. Nhà xuất bản không nỡ cắt bỏ nhiều quá. Trong quá trình biên tập, chúng tôi chỉ luợc bớt phần rườm rà và cắt những chỗ không thể nào để lại được. Chúng tôi mong bạn đọc thông cảm.”(17)
Ai cho họ cái quyền được cắt và không cắt?
Ngoài ra, sách của Sơn Nam vốn là người có cảm tình với phía bên kia nên hầu như hầu hết các tác phẩm của ông trước 1975 đều được cho tái bản. (18). Riêng cuốn Hồi Ký Sơn Nam gồm ba tập là: Từ U Minh đến Cần Thơ. Ở chiến khu 9. 20 năm giữa lòng đô thị. Bình An. Giọng điệu xem ra sắt máu rẻ tiền, báng bổ, ngôn ngữ tuyên truyền không có vẻ gì là Sơn Nam- Nhà văn miệt vườn- của một thời. Với cuốn Hồi ký Sơn Nam này, năm 2005, ai còn trân quý Sơn Nam sẽ thất vọng về ông không ít.
Vương Hồng Sển với Sách Hơn nửa đời hư cũng được trân trọng tái bản.
Cái đặc biệt trong những cái đặc biệt là một vài cuốn sách sử của Tạ Trí Đại Trường như: Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1871-1802 hay: Người lính thuộc địa Nam Kỳ cũng được tái xuất bản.
Nhà văn thì có thể mới có Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Mộng Giác mà khi sách của Dương Nghiễm Mậu được in ra đã gây một vài tiếng ồn ào, bất bình. Đặc biệt từ phía nhà văn nằm vùng ở miền Nam, ông Vũ Hạnh.
Tuy nhiên có một vài trường hợp ngoại lệ là tác giả phải về Việt Nam và có mặt trong dịp ra mắt sách như trường hợp Du Tử Lê khi ra mắt tập thơ của ông… Nhiều người đã lên tiếng phê phán, miệt thị ông nặng nề.
Ngoài ra, cũng như trước 1975, hiện nay có hiện tượng sách dịch chiếm hai phần ba thị trường sách của Việt Nam. Tuy nhiên, phẩm chất cũng như việc chọn lựa các sách dịch này trước 1975 phải nói tương đối khá. Khá vì trình độ sinh ngữ cao dịch khá theo nguyên bản, khá vì chọn lựa các đầu sách có giá trị.(19) Hiện nay sách dịch ở Việt Nam số lượng rất nhiều, nhưng rất xô bồ, nhằm mục đích thương mại hơn là giá trị nghệ thuật. Người dịch thường thiếu trình độ ngôn ngữ và thiếu cả trình độ kiến thức.
Có nhiều cuốn sách dịch trước 1975 cũng được tái xuất bản. Nhưng có những cuốn có giá trị được phiên dịch công phu như các cuốn L’etranger của Camus và cuốn Le petit prince của ST. Exupery, dịch trước 1975 nay lại mất công dịch lại. Dịch lại để lảm gì, có gì bảo đảm dịch hay hơn, chuẩn xác hơn hay là chỉ nhằm ăn cắp bản dịch cũ.
Tuy nhiên, trong những cuốn sách được tái xuất bản mà tôi tâm đắc và thích thú hơn cả là cuốn Việt Nam Văn học sử, giản ước tân biên, gồm ba tập của giáo sư Phạm Thế Ngũ.
Nếu về Sử học, tôi xin chọn cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim như tiêu biểu thì về văn học, xin chọn sách Việt Nam Văn Học Sử của Phạm Thế Ngũ.
Việc tìm kiếm số sách miền Nam được in lại, tái xuất bản người viết bài này không có điều kiện để cập nhật cho đủ, xin ghi lại trong chừng mực có thể mà không dám nói là đầy đủ.

* Thứ ba, việc bảo tồn sách cũ miền Nam do một thiểu số những người có lòng với sách, phần lớn còn lại là những người buôn sách
Nhà sách Khai Trí Saigon. Nguồn: OntheNet
Nhà sách Khai Trí Saigon. Nguồn: OntheNet

Có lẽ người có lòng nhất với sách vở miền Nam là ông Khai Trí. Từ người bán sách lẻ lề dường, ông xây dựng nên cơ nghiệp là nhà sách Khai Trí, số 60- 62 đường Lê Lợi. Tôi đã đứng bên kia đường Lê Lợi sau 1975 để chứng kiến cảnh hôi sách, đốt sách của nhà Khai Trí. Cảnh tưởng ấy còn như in vào đầu tôi. Sách của nhà Khai Trí vứt tung tóe, bừa bãi trên mặt đường phố Lê Lợi trong nỗi bất lực của nhiểu người miền Nam… cách đây gần 40 năm.
Tôi không biết lúc bấy giờ ông Khai Trí đứng ở đâu… Nhưng cái cảnh ấy nó bộc lộ hết cái bản chất bạo tàn của những kẻ chiến thắng.
Khi cơ sở nhà sách Khai Trí bị tịch thâu. Theo nhà văn Nhật Tiến, một lần nữa, ông Khai Trí lại ra ngồi lề đường, trải một tấm nhựa ni lông bán vài cuốn sách thiếu nhi còn sót lại.
Đây lại là một hoạt cảnh đau lòng và ngược đời bầy ra trước mắt. Từ một chủ nhân bề thế, uy tín mà trong kho chứa hàng triệu cuốn sách, nay ông trở thành người bán sách dạo đầu đường.
Cảnh tượng này giúp ta nhớ lại như hoạt cảnh đấu tố trong Cải cách ruộng đất.
Sau đó ông bị bắt, đi tù, rồi sau cùng ra hải ngoại. Cũng vì có lòng với sách vở miền Nam, năm 1995, ông trở về Việt Nam với mộng ước lớn. xây dựng lại sự nghiệp. Nhưng ước mơ của ông đã không thành. Vậy mà khi ông mất, nhà nước không quên vinh danh ông và ngay cả đặt cả một tên đường mang tên ông tại một phố nhỏ.
Ông “Khai Trí” Nguyễn Hùng Trương với kho sách của ông, ở những năm cuối đời. Nguồn: Nguyên Ngọc Chính.
Ông “Khai Trí” Nguyễn Hùng Trương với kho sách của ông, ở những năm cuối đời. Nguồn: Nguyên Ngọc Chính.

Những điều nghịch cảnh như thế chỉ có thể xảy ra trong một nước XHCN.
Sau này, nhà văn Nhật Tiến đã dành cả nửa cuốn sách để viết về ông Khai Trí.(20)
Trong đám ma ông Khai Trí, cụ Toan Ánh lúc đó 91 tuổi đã than thở: Tại sao mình sống lâu như thế, ông Khai Trí mới 80 tuổi.
Cuộc đời của ông Khai Trí mang ý nghĩa tiêu biểu nhất về thân phận con người gắn liền với thân phận sách vở báo chí văn học miền Nam cũng như thân phận một người có lòng với chữ nghĩa là ông Khai Trí.(21)
Mặc dầu như chúng ta biết có khoảng 180 chục triệu cuốn sách đủ loại ở miền Nam nằm trong vùng định chế sách bị tiêu hủy, vẫn có một số không nhỏ số sách trên thoát nạn do sự cất dấu của một số người có lòng với văn học và do cả óc trục lợi của một số người.
Dù cho có trục lợi đi nữa thì cũng vẫn là một điều đáng làm vì gián tiếp giúp cho sinh mệnh chữ nghĩa miền Nam vẫn có cơ hội sống lại.
Chính trong cái khung cảnh sinh hoạt sách báo miền Nam bị vây khốn khó khăn như thế đã làm nảy ra một nghề mới: Nghề bán sách dạo, sách bán ở vỉa hè. Nghề này từ nay thay thế công việc của ông Khai Trí cũng như cho khoảng 2500 nhà sách trên toàn miền Nam đã phải tự động đóng cửa sau 1975.
Nó tiêu biểu cho nghề buôn bán chui dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Xã hội tạo ra một lớp người làm ăn bất hợp pháp. Cái gì cũng thành chui cả. Sách chui, gạo chui, thuốc tây chui, đi chui và ngay cả việc đi tu cũng trở thành tu chui.
Sách càng bị cấm, càng nhiều người tìm đọc.
Đường đến với sách vở văn học miền Nam thật đầy gian nan, nhưng cũng có những người may mắn tìm được những kẽ hở của chế độ để trở thành đại gia.
Tôi xin nêu ra trường hợp tiêu biểu là ông Võ Thành Tân, hiện nay là Tổng Giám Đốc nhà sách Thành Nghĩa. Ông vốn chỉ là một sinh viên văn khoa Sài gòn trước 1975. Sau 1975, không có việc gì làm, ông xoay ra mở một kiosque bán sách cũ ở đường An Dương Vương. Thời thế đã tạo cho ông từ một người bán sách cũ, với sự hiểu biết về giá trị của mỗi cuốn sách. Ông hẳn biết mua rẻ bán đắt và sau này, ông trở thành một đại gia với doanh nghiệp in sách và bán sách.
Nhá sách Thành Nghĩa. Nguồn: http://sachthanhnghia.com/
Nhà sách Thành Nghĩa. Nguồn: http://sachthanhnghia.com/

Thoạt đầu, ông kể cho tôi, ông chỉ xuất bản vài đầu sách, in 1000 cuốn một năm. Bán hết, thu đủ vốn lại in cuốn khác. Ông biết được thị hiếu người đọc, ông nắm được thị trường sách vở và cứ thế ông làm ăn mỗi ngày mỗi phát đạt.
Cho đến năm 2005 thì cơ sở của ông đã có thể cho in 3500 đầu sách một năm… một điều không thể xảy ra ngay cả dưới thời thịnh hành của ông Khai Trí.
Thị trường sách vở nay không chỉ dành cho 20 triệu người mà là 85 triệu người.
Tôi đã có dịp trò chuyện với ông và người phụ tá của ông là Vũ Quang Việt, hầu hết lớp người như hai ông nắm các vị trí các tờ báo đều gốc gác dân Quảng Nam. Ông cho biết hiện nay các ông có 18 cửa hàng bán sách với khoảng 2000 nhân viên. Có những tiệm sách lớn, số lượng sách trong cửa hàng lên đến 40 chục ngàn đầu sách đủ loại được bầy bán.
Dĩ nhiên, để có thể yên thân làm ăn và thành công thì mỗi khi các cơ quan nhà nước tổ chức các buổi Hội Thảo hay phát giải thưởng, ông là người đứng ra ‘bao’ hết trọn gói. Tiền vé máy bay, tiền Hotel cho các quan chức từ Hà Nội vào Sài Gòn dự, tiền túi cho mỗi vị. Một buổi tổ chức như thế, ông mang khoảng 30 các cô gái bán hàng, ăn mặc đồng phục, tiếp đón các quan khách xếp hàng từ ngoài cửa trên dưới khoảng 100 quan khách.
Ban tổ chức sau đó sẽ đãi một bữa ăn trưa, rồi có văn nghệ giúp vui. Khi ra về mỗi vị khách mời nhận được một túi quà, trong đó có sách biếu. Tôi cũng là một khách mời, ngạc nhiên khi về nhà, mở túi sách ra thì có một phong bì với 50 chục ngàn đồng. Hỏi ra các buổi chiêu đãi đều có trả tiền như thế cả.
Một buổi tổ chức như thế, có khi ông phải chỉ cả trăm triệu đồng. Chưa kể, ông còn phải gánh trả các chi phí cho văn phòng đại diện một tờ báo mà địa chỉ nằm ở Hà Nội.
Thay vì trả thuế, chính quyền và người dân được lợi. Chi trả như trên thì quan chức được lợi hết. Đó là một cách hối lộ đẹp nhất mà tôi nhận thấy ở Việt Nam.
Trong dịp này, 2006, tôi đã mua được một cuốn sách Quốc Triều Hương Khoa Lục của cụ Cao Xuân Dục với giá 30 đô la. Tưởng đã là đắt lắm.
Nhưng hiện nay, sách cũ miền Nam nhiều cuốn trở thành ‘vô giá’. Có trường hợp ông Trần Văn Thiện, nguyên là một giáo viên thời VNCH nay trở thành người bán sách cũ. Ông có sự hiểu biết về giá trị từng cuốn sách và sự định giá một cuốn sách. Ông là một nhà thẩm định giá trị các tác phẩm văn học miền Nam dựa trên giá cả giữa nhu cầu người đọc và giá trị cuốn sách.. Tôi xin đưa ra giá một vài nguyệt san và sách được ông Trần Văn Thiện đề bán như sau:
Cuốn Hình sự tố tụng, đề giá 200 Mỹ kim
Việt Nam Văn học của cụ Dương Quảng Hàm, 150 mỹ kim
Tập san Quê Hương, chủ bút giáo sư Nguyễn Cao Hách, 200 mỹ kim mỗi số
Lược khảo văn học, Nguyễn Văn Trung, 100 mỹ kim
– Một số báo Văn, 100 Mỹ Kim
– Các số báo Đứng Dậy, 70 mỹ kim mỗi số.
Các sách cũ trước 1975 thường có giá từ 70 Mỹ Kim đến 300-400 mỹ kim… Sách của miền Bắc trung bình từ 20-50 mỹ kim.
Theo Viên Linh, trong bài viết Một nền văn học của những kẻ vắng mặt thì vào năm 1998, trong 10 cuốn sách bán chạy ở miền Nam, có 9 cuốn là sách cũ miền Nam trước 1975 (Số liệu do công ty phát hành sách báo Fahasa của Việt Nam, đăng trên tờ Thể Thao Văn Hóa số tháng 12-1997, trang 26-28).
Đó là hiện tượng đi tìm sách cũ để tìm đọc mà chính tác giả của chúng lại là những người vắng mặt.

* Thứ tư, công việc khôi phục lại Văn Học miền Nam còn là một đoạn đường dài, phải mất nhiều năm tháng và khổ công
Cứ theo Trần Trọng Đăng Đàn thì có vào khoảng 2721 tác giả nhà văn, nhà báo, dịch giả, nhà biên khảo, giáo sư, trí thức ở miền Nam Việt Nam có các tác phẩm để lại. Mặc dầu đã có chỉ thị phân loại các sách, nhưng trên thực tế chẳng ai có trách nhiệm thi hành. Họ đã dùng trẻ con đi đến các nhà, dùng xe ba gác, đánh trống để tịch thu.
Trong số 2721 tác giả này thì họ đều có sách xuất bản. Có sách xuất bản trước 1975 trở thành mục tiêu truy lùng sách báo cũ. Tiêu chuẩn này vô tình đã để lọt một sổ khoảng 600 các nhà thơ nhà văn trẻ, thường là gốc lính, chỉ có thơ văn đăng trên các tạp chí như Văn, Bách Khoa hoặc trên các tờ Hành Trình, Đất Nước, Trình Bày, Thái Độ và nhất là trên tờ Khởi Hành.
Thôi thì họ bỏ quên như thế thì cũng tốt thôi. Có thể nhờ đó tránh khỏi đi học tập về cái tội là nhà văn. Nhưng người ta sẽ không hiểu được tại sao nhà văn Võ Phiến trong Tổng Quan Văn Học, xuất bản ở Hải Ngoại đã cố tình bỏ quên bọn họ. Chắc là chúng ta sẽ có dịp làm rõ điều này trong một bài viết khác để trả lại công đạo cho các nhà văn , nhà thơ gốc lính mà nay có người đã không còn nữa.
Tôi đã có dịp đọc tập Thơ miền Nam trong thời chiến, quy tụ những nhà thơ gốc lính miền Nam đã bị bỏ quên do Trần Hoài Thư sưu tập. Xin hãy đọc một hai trích đoạn:
Dù chỉ một ngày ngưng bắn đó con
Cũng đem chiếc áo lành ra mặc
Cũng ăn một bữa cơm cho no
Cũng ngủ một giấc trên giường trên chiếu
Khổ đau lúc này mẹ gói trong mo.
Hồ Minh Dũng

Một trích đoạn khác:
Rừng Dậy men Mùa. Nguồn: Đói Diện.
Rừng Dậy men Mùa. Nguồn: Đối Diện.

Xin đặt đồng tiền lên bài vị mới
Cùng với lòng anh vừa chớm trong xuân
Địa ngục thiên đàng cho anh gửi tới
Mừng tuổi các em chết được một năm
Xin đặt áo quần vào vali giấy
cùng với sách vở thơm tuổi học trò
Các em ở đâu hãy về nhận lấy
Nhìn mẹ bây giờ như chim ngọn khô
Trích Đông Trình, Mừng tuổi em gái

(Cho linh hồn Loan và Quế)

Phần người cộng sản, nói chung hễ cứ sách là tiêu hủy tất cả.
Cứ giả dụ trung bình mỗi tác giả có năm đầu sách suất bản. Như vậy có trên 10 ngàn đầu sách xuất bản trong một năm. Và trung bình mỗi sách ở miền Nam thời đó in tối thiểu 3000 đến 10.000 cuốn, và tái bản nhiều lần. Nếu kể thêm các đầu sách giáo khoa kỹ thuật khoảng chừng 2000 tác giả. Mỗi tác giả có năm đầu sách sẽ có thêm 10 ngàn đầu sách, cũng in 3000 nghìn cuốn. Phần tái bản sách giáo khoa là thường xuyên.(22) Nếu kể thêm các đầu sách dịch mà có cuốn được in đi in lại đến 10 lần. Và cuối cùng là sách ngoại quốc nhập cảng vào miền Nam.

Trong bài “phỏng vấn 6 nhà văn nữ” của Lê Phương Chi đăng trên tạp chí Bách Khoa vào năm 1968, nhà văn Nhã Ca nói về những số tiền tác quyền nhuận bút của bà như sau:
“- Cơ sở xuất bản Thư Tư đặt ba trăm ngàn để lấy 6 cuốn sách, trong số ấy có một cuốn tái bản, đó là năm 1967. Nhà sách Khai Trí đặt hai trăm ngàn mua năm cuốn, có ba cuốn tái bản, năm 1968. Còn năm 1969, chúng tôi không bán nữa. Nếu dự định của chúng tôi được thực hiện, thì chúng tôi sẽ có một nhà xuất bản lấy tên là Thương Yêu, để in sách của chúng tôi Và các bạn thân”(23)
Và nếu cộng thêm các tập san đủ loại. Đã có khoảng hơn 300 tập san như thế. Các tập san này có thể ra hàng tuần và thường là hàng tháng, kéo dài trong nhiều năm như Tập san Văn Hóa Á Châu và tạp chí Bách Khoa.
Theo tờ Tin Sáng(24), thì từ năm 1962 về sau, tại Nam Việt Nam đã xuất bản 208 bộ sách chưởng, gồm 850 quyển, con số phát hành này ước tính 5 triệu bản, bằng số sách giáo khoa trung học xuất bản cùng thời gian.
Tôi chỉ kể một vài tập san tiêu biểu như tập san Đại Học Huế mà tôi vừa thực hiện việc điện toán toàn bộ gồm khoảng hơn 10.000 trang tài liệu.
10.000 trang tài liệu của trên dưới hơn 100 nhà biên khảo, trí thức, giáo sư đại học – những thành phần ưu tú nhất của miền Nam – về các lãnh vực triết học, sử học, ngôn ngữ học, văn học bỗng chốc tan biến hết.
Còn có nỗi mất mát nào lớn hơn nữa không?
Sau đây xin đưa ra một chứng từ của một người trẻ tuổi, lúc đó còn đang ở tuổi đi học nói về việc đốt sách trong gia đình của mình.
Thưở nhỏ ở Việt nam tôi lớn lên trong một gia đình yêu văn chương,nghệ thuật. Từ ba má đến anh chị em trong nhà người nào cũng mê đọc sách.
Theo năm tháng tủ sách gia đình ngày càng được tích đầy đến mức phải dành cả gian nhà rộng để chứa sách. Sách được đóng bìa, đánh số cẩn thận và phân chia thành nhiều loại: khoa học, văn học, thơ, tạp chí v.v… có trên 5000 quyển.
Do người lớn trong nhà kiểm soát nghiêm nhặt việc đọc sách nên ở khoảng tuổi thiếu nhi tôi chỉ được phép đọc những sách dành cho thiếu nhi. Thưở ấy có những buổi trưa khi người lớn bận việc tôi dạo lướt qua những kệ sách, lục tung từ những quyển sách to lớn cho đến những quyển sách nhỏ và mơ màng nghĩ đến một ngày nào đó tôi sẽ đọc hết tất cả những gì chứa trong đó. Bởi thế tôi thật sự kinh hoàng khi sau năm 1975 nhìn cảnh cả nhà phải đem sách ra đốt.
Đốt dấu diếm âm thầm trong nhà bếp vì không muốn bị kết tội phản động, tàng trử “văn hóa đồi trụy của Mỹ Ngụy”.
Cả kho sách phải đốt ròng rã hàng tháng trời mới tiêu hủy hết. Sau khoảng thời gian đó tôi ngẩn ngơ khá lâu như kẻ đang phải thấy một phần đời trong tương lai của mình bị thiêu hủy.
Tôi trưởng thành với một khoảng đen tăm tối trong tâm hồn, một khoảng trống với cảm giác như không có gì lấp được.
Những năm sau đó khi vào Thư viện quốc gia lục bao nhiêu thư mục tôi vẫn chỉ thấy một số sách vở văn chương ít oi còn sót lại sau khi bị kiểm duyệt. Hầu hết sách văn học chỉ là những quyển truyện của các nhà văn được gọi là có “ý thức cách mạng”.
Qua sách báo và các buổi học trong nhà trường giảng dạy Lục Vân Tiên cũng có ý thức cách mạng và Thúy Kiều là nạn nhân bị áp bức của chế độ phong kiến. Tất cả văn chương nghệ thuật đều dẫn đến con đường văn học nghệ thuật “Chống Mỹ cứu nước”.
Văn học nghệ thuật nước ngoài của cả thế giới như chỉ là những quyển sách dịch từ tiếng Nga.
Tôi bắt đầu yêu mến Puskin, Sekhov, Tourghenhev, tưởng như thế giới bên ngoài chỉ là những miền thảo nguyên bao la, xa vắng. Thưở ấy như con ngựa chạy quanh quẩn trong thảo nguyên bát ngát, hoang vắng tôi có cảm giác mình đang bị bó buộc.
Có lẽ cảm giác này đến từ những hồn ma của những quyển sách đã bị đốt luôn ám ảnh tôi. Những trang sách chứa chất nhiều điều bí ẩn đã bị thành tro bụi biến mất từ lâu nhưng oan hồn chúng như còn bảng lảng xa vời trong tâm thức mù mờ.
Chúng như tiếng nói từ tiềm thức sâu thẩm cho biết “Thế giới văn chương trước 1975 vẫn còn,chưa chết”.

Với “Tủ sách Tiếng Quê Hương” tôi như đã thấy những gì bị thiêu hủy, chôn vùi, dấu kín tại quê hương từ lâu nay đang từ từ bước ra ánh sáng.
Một vầng sáng dịu dàng nhưng sâu thẩm được thắp lên bởi những nhân chứng sống trong lịch sử.
Đấy là những tiếng nói của bao người đã bị chôn kín hàng năm dài đằng đẳng trong ngục tù cộng sản và may mắn sống sót ra được xứ người. Những tiếng nói của những người con xứ Việt đang lưu lạc bốn phương trời: Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Úc, Canada. Những tiếng nói đang bị cấm đoán đè nén ở Việt nam cũng được lên tiếng trong những trang sách của “Tủ sách Tiếng Quê Hương”.
Cùng sống lại với những trang sách là tiếng nói của “Chính thể Việt Nam cộng hòa” một chính thể đã bị bóp chết tức tưởi, oan khiên như số phận dân tộc Việt sau 1954, đang được lấy lại danh dự và được trả lại sự thật.
“Tiếng Quê hương” đặc biệt được in thật trân trọng trên những trang sách trình bày tao nhã do nhà văn Uyên Thao cẩn thận chăm sóc từ nội dung đến hình thức .Thật cảm động biết bao khi cầm những quyển sách như thế trên tay, cứ như được nhận tâm tình người nghệ sĩ chắt chiu đốt lửa cho đời một ánh sáng,giúp dân tộc Việt thoát ra chốn tối tăm,tù ngục.
“Ở đâu người ta đốt sách ở đó cuối cùng người ta đốt cả con người”
Copyright Unibersity of South Floria
Copyright University of South Florida
"Dort wo man Bücher verbrennt, verbrennt man am Ende auch Menschen". Heinrich Heine
Hiện nay rất nhiều người anh dũng, kiên cường đấu tranh cho dân chủ, công bình, lẽ phải đang chịu chết dần mòn trong chốn lao tù ở Việt nam,giống như những trang sách thật đẹp đã bị đốt cháy âm thầm trong xó bếp thưở xưa.
Nhưng với Tủ sách Tiếng Quê Hương tất cả như được khôi phục lại từ những bàn tay các văn nghệ sĩ không phân biệt Bắc, Nam, hải ngoại hay trong nước, chúa hay phật hay màu cờ.
Một buổi chiều cùng nhà văn Vũ Thư Hiên đi ngắm cảnh thành phố Munich, giữa cảnh những chiếc xe tàu điện ngầm, xe điện, xe bus chạy không ngừng, giữa dòng người ngược xuôi trong một thành phố Âu châu, tôi nhìn ông và như được thấy điều kỳ diệu.
Những ai đã đọc tác phẩm “Đêm giữa ban ngày” biết được cảnh sống khắc nghiệt của những nơi lao tù ông đã trải qua sẽ thấy việc ông còn sống sót và đang đi dạo phố nơi chân trời Âu châu là một sự diệu kỳ.
Tất cả những gì gọi là “Sức sống mãnh liệt” đều có thể đưa đến những điều kỳ diệu. Tủ sách Tiếng quê Hương biểu tượng “Sức sống mảnh liệt” của một dân tộc bị đày đọa, chịu nhiều nỗi oan khiên đã mang tính diệu kỳ ấy: Tính diệu kỳ của những ánh lửa không bao giờ bị dập tắt. Tính diệu kỳ của những trang sách đã bị hóa thành tro bụi vẫn có thể tái tạo lại được.(25)
Tính chung, một cách dè dặt nhất thì cũng có khoảng 180 triệu cuốn sách, tập san bị tịch thu và phá hủy. Chỉ trong một gia đình của người Miền Nam có ăn học phải tự tiêu hủy 5000 đầu sách thì đó chẳng khác gì một cuộc tự sát tập thể của sách vở.
Nhưng theo con số của ông Vũ Hạnh đưa ra trong bài Mấy ý nghĩa về Văn Nghệ thực dân mớithì từ: 1954-1972, có 271 ngàn loại sách lưu hành tại miền Nam với số bán là 800 triệu bản.(26)
Nhưng chỉ nghĩ đến điều đo thôi đã thấy rùng mình.
Nhưng nếu chúng ta căn cứ số liệu của bộ Thông Tin VNCH tính cho đến tháng 9-1972 thì trung bình họ đã cấp cho 3000 đầu sách được phép xuất bản trong một năm. Cộng chung từ năm 1954-1975, có từ 50.000-60.000 đầu sách được xuất bản. Thêm vào đó có 20.000 đầu sách ngoại quốc được nhập cảng. Con số mà tôi ước lượng là trên dưới từ 180-200 triệu cuốn sách được in ra là tương đối dễ được chấp nhận.(27)
Số liệu trên so với số sách đươc in ra bên Pháp dĩ nhiên thật khiêm tốn. Vào năm 2013, ở Pháp hơn 500 triệu cuốn sách đã được in ra. Nhưng hơn 100 triệu cuốn phải hủy bỏ vì không bán được để dành chỗ cho sách mói ra đời.
Có một điều sách càng bị cấm thì càng nhiều người tìm đọc. Có người liên tưởng việc đốt sách này đến việc Phần Thư Khanh Nho (焚書坑儒, đốt sách chôn nho) của bạo chúa Tần Thủy Hoàng. Lấy việc xưa mà nói việc ngày nay thì cũng có nhiều điều khiên cưỡng. Việc đốt sách đời Tần là đốt sách của ngoại lai. Người đề xướng ra việc đốt sách thật ra là Lý Tư chứ không phải Tần Thủy Hoàng.
Còn việc tịch thu, đốt sách thời Lê Duẩn là do ai chủ xướng, ai đề ra? Chắc chắn là không có câu trả lời. Đó cũng là một nhận xét lý thú trong thời đại chúng ta. Vì hạch tội một cá nhân nào đó thường không tìm ra thủ phạm.
10 tháng 5, 1933, Bá Linh | Trong số 20.000 cuốn xách bị ném vào ngọn lửa là các tác phẩm của Henri Barbusse, Franz Boas, John Dos Passos, Albert Einstein, Lion Feuchtwanger, Friedrich Förster, Sigmund Freud, John Galsworthy, André Gide, Ernst Glaeser, Maxim Gorki, Werner Hegemann, Ernest Hemingway, Erich Kästner, Helen Keller, Alfred Kerr, Jack London, Emil Ludwig, Heinrich Mann, Thomas Mann, Karl Marx, Hugo Preuss, Marcel Proust, Erich Maria Remarque, Walther Rathenau, Margaret Sanger, Arthur Schnitzler, Upton Sinclair, Kurt Tucholsky , Jakob Wassermann, HG Wells, Theodor Wolff, Emile Zola, Arnold Zweig, và Stefan Zweig. Nguồn:  historyplace.com

10 tháng 5, 1933, Bá Linh | Trong số 20.000 cuốn xách bị ném vào ngọn lửa là các tác phẩm của Henri Barbusse, Franz Boas, John Dos Passos, Albert Einstein, Lion Feuchtwanger, Friedrich Förster, Sigmund Freud, John Galsworthy, André Gide, Ernst Glaeser, Maxim Gorki, Werner Hegemann, Ernest Hemingway, Erich Kästner, Helen Keller, Alfred Kerr, Jack London, Emil Ludwig, Heinrich Mann, Thomas Mann, Karl Marx, Hugo Preuss, Marcel Proust, Erich Maria Remarque, Walther Rathenau, Margaret Sanger, Arthur Schnitzler, Upton Sinclair, Kurt Tucholsky , Jakob Wassermann, HG Wells, Theodor Wolff, Emile Zola, Arnold Zweig, và Stefan Zweig. Nguồn: historyplace.com

Để kết thúc về phần này, tôi chỉ có thể nói cho dù sau này có chính sách cởi mở hơn đối với sách vở miền Nam. Cùng lắm chỉ khoảng 20% có cơ may được tái xuất hiện. Còn lại 80% chịu số phận chôn vùi tập thể như những nấm mồ hoang của hàng triệu người đã chết trong chiến tranh.
Chỉ còn cần hai nén hương cho hai cái chết đó. Một cái chết của người vắng mặt và một cái chết của sách đi theo chủ nó.
Sách đi theo người. Vì vậy, sách đã theo người Việt Hải ngoại ra bên ngoài bằng mọi cách. Nhờ đó công việc khôi phục lại cũng đạt được một số kết quả tích cực, nhưng vẫn giới hạn. Công việc ấy vẫn cần được hà hơi tiếp sức tiếp.

Phần hai: Hiện tình sách báo miền Nam sau 1975 ở hải ngoại
Ngày nay, người ta có nhiều số liệu nói về sự thành công của người Việt nơi xứ người. Theo ông Léon Vandermeersch, cựu giám đốc trường Viễn Đông Bác Cổ, trong bài tựa cuốn sách Việt Nam: Văn Hóa và môi trường Viet Nam: Culture & Environment cho hay: con số năm 1995, người Việt Nam ở hải ngoại nay có 2037 bác sĩ, 16099 trình độ cao học, tiến sĩ và 57862 trinh độ cử nhân(28).
Con số nay có thể tăng thêm ít lắm là một phần ba nữa. Kết quả của quá trình thích ứng và hội nhập thật khả quan và đáng khích lệ.
Tuy nhiên việc duy trì bản sắc văn học miền Nam thì theo một quá trình thụt lùi, càng ngày càng giảm sút, giảm về lượng cũng như phẩm.
Việc khôi phục lại gia tài văn học miền Nam chưa xứng tầm. Còn là những chuyện có tính cách cá nhân, chưa kể đến tính phân lẻ, tính bè phái.
Việc cho tái bản cũng tùy tiện nhằm lợi ích thực tiễn hay lợi nhuận là chính.
Theo Viên Linh, nhiều sách cũ miền Nam nay được in lại ở hải ngoại. Tuy nhiên tác giả của những cuốn sách phần đông vắng mặt. Và ông gọi đó là một nền văn học của những người vắng mặt.
Chân dung tác giả Viên Linh và tạp chí Thời Tập do ông chủ trương trước 1975. Nguồn: http://camvan98.blogspot.ca/
Viên Linh và tạp chí Thời Tập do ông chủ trương trước 1975. Nguồn: http://camvan98.blogspot.ca/

Có những người vắng mặt tạm thời như Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Duyên Anh, Thế Uyên, Tạ Tỵ, Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Mộng Giác, Bình Nguyên Lộc, Thảo Trường. (Thảo Trường bị 17 năm tù và khi ở trại cải tạo, ông được chỉ định chăn nuôi một đàn bò. Ông kể lại cảm thấy thích thú với cái nghề mới nảy, vì ít ra ông không phải tiếp xúc với con người. Ra hải ngoại, sau cùng ông chết vì ung thư gan.)
Tuy nhiên, theo Viên Linh có những người vắng mặt vĩnh viễn vì họ đã ra đi trong lao tù cộng sản mà ông gọi là Chiêu Niệm Văn Chương…
Đó là những người như Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát, Dương Hùng Cường, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hoàng Vĩnh Lộc, Huy Vân, Lê Bá Lăng, Minh Kỳ, Nguyễn Mạnh Côn, tiến sĩ công pháp Quốc tế Nguyễn Ngọc Trụ (bị xử bắn trong trại), Phan Huy Quát, Phạm Văn Sơn, Trần Văn Tuyên, Thục Vũ, Minh Kỳ Trần Việt Sơn, Trần Khánh Vân, Vũ Ngọc Các.
Hay chết ngoài biển như Chu Tử, Bùi Kim Đĩnh, Trần Đại. Chết trên đường vượt biên bằng đường bộ như nữ sĩ Hồ Điệp, kịch sĩ Khả Năng, bà Phùng Thăng cùng với con gái.
Và hẳn còn những người đã tuẫn tiết khi cộng sản vào xâm chiếm miền Nam như Cụ Trần Chánh Thành, giáo sư Thạch Trung Giả, thi sĩ Trần Việt Hoài, nhà thơ Mạc Ly Châu, ca sĩ Vân Sơn…
Những người này bị lưu đầy và chết vì nhiều lý do, chỉ vì một cái tội duy nhất, tội cầm bút.
Và hẳn còn nhiều người khác mà chúng ta không thể nhớ và biết hết được.
Cho dù tái bản hay in lại thì cũng có một nguyên tắc: phải là một chọn lọc có tính chất kế thừa có tính biện chứng, chỉ giữ lại cái tinh hoa mà thôi. Bởi vì, trước 1975, nhiều tác giả, tác phẩm cũng bị người đọc phủ nhận và không đọc.
Cụ thể, một số truyện dài đăng trên các báo trước 1975 thiếu giá trị nghệ thuật. (Xin trừ trường hợp Lê Xuyên).
Chính vì thế đáng lẽ việc khôi phục lại nền văn học miền Nam ở Hải ngoại tương đối dễ dàng ở thuở ban đầu khi người di dân cần có một món ăn tinh thần. Nhưng cái cũ dù có giá trị – dù đã một thời – dần cũng mất giá trị thời thượng trong môi trường sinh sống mới.
Tham vọng của một số người muốn khôi phục lại toàn vẹn văn học miền Nam là một mơ tưởng. Tham vọng của một vài nhà văn hàng đầu như trường hợp nhà văn Võ Phiến trong Tổng Quan Văn Học của ông chỉ muốn nói tới văn học sáng tác như Truyện ngắn, truyện dài, Tùy Bút, Tạp Bút,Thơ văn, Kịch Nghệ là một tham vọng chệch hướng và phân mảnh.
Gia tài văn học miền Nam là Văn Học nghệ thuật trong đó bao gồm chung các lãnh vực như dịch thuật, biên khảo, trào lưu tư tưởng, lịch sử, triết học, ngôn ngữ học đã bị loại bỏ trong cuốn sách của ông.
Tính phân mảnh trong phê bình văn học là một tội tổ tông. Điều mà Mai Thảo gọi là bọn Vua Lê, Chúa Trịnh. Bọn vua Lê Chúa Trịnh là ai(*). Xin hỏi Mai Thảo. Nhiều người cũng biết như thế, nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ, coi như không có vấn đề gì.
Trong 20 năm văn học miền Nam, do những biến động chính trị nên cũng có hai thời kỳ văn học: thời kỳ 54-63 yên hàn nên tạm gọi là tính chất văn học thời bình. Từ 1963 trở đi với nhiều biến động chính trị và chiến tranh vào đến cửa ngõ Sài gòn, đó là thời kỳ văn học chiến tranh hay còn gọi là văn học dấn thân, nhập cuộc.
Võ Phiến cũng như nhiều nhà văn lớp trước như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền ở trong một tình thế lưỡng nan, đôi lúc như thể những người ngoài cuộc, nói đúng hơn là bất lực, không đáp ứng được tình thế.
Thế nhưng, một lần nữa, Võ Phiến lại thẳng tay gạt bỏ những ai không đống quan điểm với ông ra khỏi dòng sinh hoạt văn học miền Nam – khỏi dòng chính – không phủ nhận, nhưng cũng không nhắc đến tên tuổi họ mặc dầu chính họ là những nhân chứng thời đại, chính họ là tiếng nói trung thực cho giai đoạn máu lửa đó. Dưới mắt Trần Vũ, khi trả lời phỏng vấn của Thụy Khuê trong số Hơp Luu 100, số đặc biệt về Mai Thảo. Trần Vũ nhận xét thật đúng: Võ Phiến quá xa cách, quá nghiêm trang, quá đạo mạo, còn Nguyễn Mộng Giác quá lành, cả hai văn tài đều không uống rượu…
Bọn vua Lê, Chúa Trịnh có thể là để chỉ Võ Phiến đấy.
Đó là những người lính trẻ, thế hệ thứ hai, giáp mặt với cái chết, từng ngày, từng giờ. Họ từ những nơi vùng hỏa tuyến gửi thơ văn về thành phố.
Trong số họ có những người may mắn như Phan Nhật Nam, Thảo Trường có tác phẩm in về chiến tranh vì các ông có dịp về thành phố. Còn lại phần đông những người người lính ngoài mặt trận -tính văn nghệ nghiệp dư thời chiến- số phận con người và tác phẩm của họ ra sao. Họ không có tác phẩm được xuất bản nên không được chính thức nhìn nhận, bị bỏ qua, bỏ quên như số phận đời lính sau chiến tranh của họ.
Đến có thể nói đã có một thời có sự quên lảng về mảng Văn học vườn trước đây và nay laị một lần nữa mảng văn học dấn thân thời chiến sau 1963 bị bỏ quên.
Người đại diện cho đám nhà văn gốc kaki này là nhà văn Trần Hoài Thư đang có những nỗ lực tái tạo về cái mảng văn học chiến tranh bi bỏ quên này.
Phần các nhà văn lớp đầu di dân sang Mỹ, khả năng hội nhập gặp nhiều khó khăn, trở ngại về tuổi tác và nhất là hành lý mang theo khà kềnh càng về nếp sống, nếp nghĩ nên rất khó hội nhập như tâm trạng tiêu biểu của các nhà văn như Thanh Nam, Lê Tất Điều.
Họ hội nhập cũng không dễ mà đưa ra một cái gì mới cũng không xong. Hầu như có một sự ngưng trệ, tắc nghẽn, bất động để động não.
Sách bây giờ. Nguồn: OntheNet
Sách bây giờ. Nguồn: OntheNet

Đó là hiện trạng bế tắc sáng tạo hiểu được cũng như sự bế tắc sáng tạo vì những lý do cá nhân như nghiện ngập, suy thoái tinh thần và nhiều nguyên do nội tại khác.
Mai Thảo là người trong cuộc nhìn nhận có sự bế tắc này khi trả lời phỏng vấn Thụy Khuê. Trong số Hợp Lưu 100, ông nhận xét: Hầu như hầu hết mọi người đã chậm, đã ngưng lại.
Câu nói vắn gọi đó chứa đựng tất cả hoàn cảnh nhà văn hải ngoại, trong đó có Mai Thảo.
Trong khi đó trong văn học, người ta thường chỉ đưa ra những nhận xét hoặc đánh giá về vấn đề trì trệ hay phát triển, vấn đề suy thoái hay hưng thịnh của một thời kỳ văn học mà ít chú trọng đến môi trường hay hoàn cảnh địa-chính trị. Nghĩa là thường người ta có thói quen đánh giá thuần túy về bản chất văn học.
Ngày nay người ta hiểu được tại sao lịch sử văn học có những cắm mốc của mỗi thời kỳ văn học.
Khi nói văn học đời Lý, đời Trần là nói đến cái mốc chính trị ảnh hưởng trực tiếp tới văn học. Thịnh suy của chính trị tác động trực tiếp đến thịnh suy văn học.
Không lạ gì những cắm mốc thay đổi về chính trị hay môi trường định hình cho một thời kỳ văn học. Nghĩa là một biến cố đất nước thường kéo theo một biến cố văn học.
Chẳng hạn không có cuộc di cư 1954-1955 khó có có thể nói tới thời kỳ văn học miền Bắc ở trong Nam qua nhóm Sáng tạo với Mai Thảo-Thanh Tâm Tuyền.
Những biến động chính trị hay sự thay đổi một môi trường địa lý, xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến việc sáng tác văn học.
Chẳng hạn sự di chuyển từ ngoài Bắc vào Nam, sự thay đổi khung cảnh chính trị giữa miền Bắc trước 1954 và miền Nam sau 1954, sự thay đổi nếp sống xã hội, phong tục giữa Nam vào Bắc là những lý do khách quan của quy luật xã hội đủ làm ngưng trệ một dòng văn học biến nó trở thành lạc lõng và làm đứt mạch dòng văn học ấy.
Đó là sự phủ nhận của phủ nhận đòi hỏi môt cái gì mới. Mặc dầu cái Mới chưa chắc đã hay hơn cái cũ. Vấn đề chính là phải khác cái cũ. Sự phủ nhận ấy xem ra bội bạc, nhưng nó lại là quy luật của sự phát triển.
Khi có cuộc di cư thì một cách gián tiếp do nhu cầu tiếp cận trực tiếp với các nhà văn miền Bắc, độc giả miền Nam nói chung đã vô tình dẩy lui vào bóng tối một số nhà văn từng nổi tiếng một thời như Thẩm Thệ Hà, Đông Hồ, Quách Tấn, Vi Huyền Đắc ngay cả Vũ Bằng, Tam Lang.
Nếu hiểu như thế, người ta cũng sẽ hiểu được trường hợp Tự Lự Văn Đoàn (TLVĐ) của Nhất Linh. Số đầu tái xuất hiện của Văn hóa Ngày Nay ra ngày 27-6-1958 bán được cả 10.000 số, sau đó lụi tàn dần phải đóng cửa.
Thực tế đã xác định thời cũ chỉ còn là dĩ vãng. Nếp sống, nếp nghĩ đã thay đổi.
Nhưng vấn đề là chỉ cần nhìn nhận Nhất Linh và TLVĐ đã làm trọn nhiệm vụ của họ ở giai đoạn tiền chiến, trước những năm 1946.
Sau 1946, với cường độ chiến tranh như thế, nhóm TLVĐ đã bị lôi cuốn vào những vòng xoáy chính trị và các thành viên của nhóm đã bị tan rã. Đang là những người bạn nay có thể coi nhau như những kẻ thù vì ở hai chiến tuyến khác nhau: Thế Lữ, Tú Mỡ, Xuân Diệu ở một phía bên kia. Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng ở phía bên này. Và Khái Hưng là nạn nhân đầu tiên của vòng xoáy chính trị trên.
Theo nhận xét của tôi thì về mặt văn học cũng như chính trị. TLVĐ thật sự đã bị bức tử khi cuộc chiến tranh Quốc-Cộng bắt đầu. Nhưng tôi vẫn trân trọng nhìn nhận nó đã có thời của nó trong dòng sinh mệnh văn học Việt Nam nói chung. Văn chương mà nói thì gọi đó là thời vang bóng…
Thật vậy nhóm TLVĐ đã một thời sáng chói ở miền Bắc, đóng góp lớn lao vào văn học chữ viết vượt xa một đoạn đường giai đoạn thời kỳ văn học báo chí Phạm Quỳnh- Nguyễn Văn Vĩnh và tưởng chừng như không gì thay thế được TLVĐ.
Vậy mà khi vào đến miền Nam, Nhất Linh – một mình một chợ- dù có các thế hệ trẻ nối tiếp, tưởng rằng có thể nối tiếp dòng văn học của nhóm TLVĐ như thuở nào. Nó đã mau chóng trở thành một thất vọng đối với người đọc và một nỗi thất bại cho cá nhân Nhất Linh và của chung nhóm TLVĐ. Và miền Nam cuối cùng trở thành mảnh đất tá túc tạm dung cho Nhất Linh những ngày còn lại.
Rõ ràng miến Nam là mảnh đất tự do cho bất cứ ai muốn thi thố tài năng của mình. Nhưng cái giá phải trả của Nhất Linh là khơi lại một dòng văn học cũ trong khi Người đọc đòi hỏi ở ông một cái gì mới.
Nói đúng ra nó đòi hỏi sự sáng tạo, cái Mới. Bản chất của văn học là sáng tạo. Cái cũ là kẻ thù của văn học.
Nhất Linh đã không đáp ứng được điều đó và vì thế không có gì là ngạc nhiên khi người ta đổ xô đi tìm đọc tạp chí Sáng Tạo của Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền. Nói như thế, không có nghĩa tôi tán tụng nhóm Sáng Tạo và Mai Thảo.
Câu chuyện của TLVĐ cũng là câu chuyện của người Việt hải ngoại hôm nay. Nhưng dòng văn học miền Nam chuyên chở sang Bắc Mỹ ở trong trong một bối cảnh phức tạp bội phần về mặt chính trị, xã hội, địa lý.
Các nhà văn may mắn sang được Mỹ ngay từ những năm 1975 như Võ Phiến, Nguyên Sa Trần Bích Lan, Lê Tất Điều, Nguyễn Hoàng Đoan đều là những người có lòng với văn học miền Nam. Họ đã nghĩ ngay đến việc viết lách và cùng nhau lập ra tờ Hồn Việt như bước khởi đầu. Và từ đó báo chí được phát triển khắp nơi, bất cứ nơi nào có người Việt trú ngụ.
Mảnh đất tạm dung lúc đầu xem ra có đủ các yếu tố khách quan để giúp một nhà văn sáng tác, viết truyện. Khung cảnh chính trị tự do, tiền bạc xem ra thong thả hơn là thời kỳ trong nước. Trước đây phải chật vật viết mỗi ngày hai ba truyện dài trên các báo để kiếm sống.
Đề tài viết cũng không thiếu, nhất là những đề tài về miền Nam cũ, về nỗi nhớ và về những kỷ niệm khó quên về con người và những vùng đất nước thân yêu, về sự thù ghét chế độ chính cộng sản. Điều kiện có thể có tất cả, nhưng cái thiếu là sự sáng tạo trong môi trường mới.
Nghẽn mạch. Tranh: Campbell

Nghẽn mạch. Tranh: Campbell

Tất cả những tình trạng trên có thể đi đến một tóm tắt: Đó là sự bế tắc của nhà văn (writer’s block) Một sự bế tắc mà đôi khi chính nhà văn cũng không hiểu lý do tại sao mình không viết được nữa như một sự nghẽn mạch. Và đôi khi đó là nỗi khốn khổ lớn nhất của một người cầm bút.
Nguyên do của sự bế tắc có thể từ bên ngoài như chúng ta vừa trình bày ở trên mà còn có thể do những động lực bên trong về tâm sinh lý, về thần kinh, về não bộ, về chứng trầm cảm, tình trạng suy tinh thần và chứng nghiện ngập như nghiện á phiện, nghiện rượu.
Khi đặt ra những vấn đề này để nói về sự ‘bế tắc’ của một nhà văn thì có nhiều người có thói quen nhiễm tính là không cho phép bất cứ ai được đụng đến các ‘đỉnh cao văn học’. Đụng đến thần tượng là đụng đến họ. Họ sẽ không tha thứ và đáp trả một cách thấp kém.
Như trường hợp Mai Thảo, Nhất Linh, tôi đều xếp vào trường hợp có vấn đề vì nghiện rượu.
Phải để chính Trần Vũ nhận xét một cách sắc bén và trung thực về Mai Thảo, trong đó không thiếu phần trân trọng của một nhà văn trẻ. Ông viết:
“Nhưng khi đi uống rượu với Mai Thảo, tôi có cảm giác đi uống rượu với phu huyệt, sau xẻng đất, sau cốc rượu, bảo những hồn ma cũ Huyệt đã chôn rồi lấp đất xong. Thơ Mai Thảo rờn rợn, những giấc ngủ đen, những hồn ma thức giấc gây thành dông bão, của thần chết đã trở thành bạn, ngồi trên giường.(…) Mùa thu 96, tôi gặp ông lần chót. Ông nằm im trong căn phòng không bật đèn. Đôi mắt nhìn trừng trừng lên trần. Ông không động đậy. Ông giống một xác chết. Tôi nhận ra tức khắc, tôi đang nhìn ra một di vật. Thời đại ông đã đi qua. Thời đại ông biến mất… Sách ông bị tiêu hủy. Bạn bè ông quá vãng. Ông tồn tại di vật. Phải mất mấy phút, tôi mới cất được tiếng chào ông: ‘Cháu đến thăm bác’. Ông gật đầu. Căn phòng trống, chỉ còn một cái tủ lạnh còn sự sống, còn nước đá, còn tiếng máy chạy rù rì. (…) Có lần ông nói đùa: “Em phải để cái ly nó nghỉ.”
Cuối năm 96, ông bất động: nhìn trừng trừng lên trần vào một chỗ duy nhất. Ngõ hẻm Song Long xế chiều tắt nắng, chúng tôi trò chuyện trong bóng âm.
Điều gì khiến tôi nhớ nhất? Nét buồn bã là điều tôi nhớ nhất. Gương mặt ông buồn. Chỉ cần Mai Thảo xuất hiện, sự cô đơn vây lấy mọi người, lấm tràn sang mọi người. Ông ngồi đó, im lặng, rồi ra về.
Tôi hỏi về Nhất Linh, Mai Thảo nói: Tôi xem cái chết ấy là uổng phí. Vì sao phải chết như vậy. Ông ta có cả một sự nghiệp và còn cả một sự nghiệp chưa hoàn thành.
Đọc xong đoạn trích dẫn trên, không thể không buồn. Và nếu ta chỉ cần đổi tên Mai Thảo ra tên Nhất Linh thì câu chuyện cũng chỉ là câu chuyện của một người.
Tác dụng của rượu đã ảnh hưởng tới tình trạng tinh thần của Mai Thảo cũng như Nhất Linh. Rất tiếc, tôi không có tài nhận xét sắc sảo như Trần Vũ nên bị vài người đả kích khi viết về tình trạng tâm thần của Nhất Linh.
Nhận xét như thế sẽ trở thành thông thường nếu ta nêu ra những trường hợp các nhà văn ngoại quốc như ở Mỹ và chẳng một ai thấy thế là một xúc phạm ngay cả đến những nhà văn đã từng được giải thưởng Nobel như Hemingway.
Khi nói Hemingway say rượu rồi mắc chứng trầm cảm rồi tự kết liễu cuộc sống của mình bằng chính viên đạn súng săn của ông. Không ai trách những nhận xét có thực về Hemingway cả.
Vài trong nhiều nhà văn, nhà thơ nghiện rượu tiêu biểu.  Nguồn: DCVOnline tổng hợp.
Vài trong nhiều nhà văn, nhà thơ nghiện rượu tiêu biểu. Nguồn: DCVOnline tổng hợp.

Và còn bao nhiêu tên tuổi khác như Truman Capote, William Faulkner, John Steinbeck, John O’Hara, Carson, McCullers, F. Scott Fitzgerald, v.v.
Nhưng nhà văn Nhất Linh cũng ở trong trường hợp bệnh lý trầm trọng như các nhà văn nổi tiếng thế giới trên thì hầu như có sự cấm kỵ, không được phép nói đến.
Nói cho cùng thì Nhất Linh là nạn nhân không phải từ những nhận xét về tình trạng bệnh lý mà tôi đã viết về ông mà từ những kẻ tôn sùng ông. Tôi gọi đó là tình trạng cực đoan trong văn học.
Nếu ngưới ta không nên "đùa giỡn" với niềm tin tôn giáo khác thì cũng một lẽ ấy, kính nhi viễn chi với những chệch hướng trong văn học.
Có lẽ lý do chính yếu là ở Việt Nam thiếu một không khí phê bình văn học, hay chỉ có một thứ phê bình văn học được chấp nhận là ‘áo thụng vái nhau’. Duy Lam trước đây đã diễu Sáng Tạo về cái cảnh tượng soi gương chỉ thấy mình. Cái cảnh ấy có thể áp dụng cho nhiều nhà văn khác.
Và nếu chịu đọc, nếu chịu tìm hiểu sinh hoạt nghệ thuật thế giới, người ta có thể tìm ra hàng trăm nhà văn vì lý do này, lý do khác đã ngưng sáng tác, bị bế tắc.
Ngày nay chỉ vào Google bấm tên những nhà văn tôi vừa kể trên, người đọc sẽ biết sự thật nó nằm ở chỗ nào. Và khi đó sẽ dễ dàng thông thoáng chấp nhận những phê phán và bớt được tính nóng giận hẹp hòi khi có ai nói khác, suy nghĩ khác mình.
Trong số bảy nhà văn Hoa Kỳ được giải thưởng Nobel văn chương thì có đến 5 người nghiện rượu và đôi khi cuối cùng đã kết thúc cuộc đời của họ một cách bi kịch.
Uống rượu làm cho người ta rơi vào tình trạng buồn, càng buồn càng uống. Lấy cái say, cái tỉnh để viết văn có thể là một tai hại cho văn học. Người nghiện rượu làm nhà văn đôi khi chệch hướng, tai hại chả kém gì người say rượu lái xe trên xa lộ.

Xin trở lại tiếp tục những nhận xét của chúng ta về sinh hoạt văn học hải ngoại.
Văn học hải ngoại nên có một kệ riêng của mình hay không? Nguồn: themigrantbookclub.com
Văn học hải ngoại nên có một kệ riêng của mình hay không? Nguồn: themigrantbookclub.com

Ngoại trừ mặt báo chí, các tập san và tiểu thuyết thì phải nhận là không mấy sáng sủa. Nó nằm trong tình trạng bị lão hóa như trường hợp các nhà văn như Mai Thảo, Phan Nhật Nam sau này và nhiều người khác.
Tôi có một nhận thức khá rõ ràng là sinh hoạt văn học miền Nam trước 1975 và sau 1975 ở hải ngoại, phần sinh động nhất của nó vẫn là các tập san hơn là các tác phẩm.
Tập san như thể các món ăn hàng ngày. Tác phẩm như thể các món ăn lâu lâu ăn một lần.
Các tạp chí ở hải ngoại như mở đường và tiếp nối sinh hoạt văn học của miền Nam trước 1975, Nó như chiếc cầu nối giữ quá khứ trước 1975 và sau 1975, giữa trong nước và ngoài nước trước 1975.
Báo chí ra đời sớm nhất là tờ Người Việt Tự do, rồi tờ Lửa Việt, tờ Việt Nam Hải Ngoại, tờ Bút Lửa, tờ Hồn Việt Nam, v.v.(29)
Vì thế, các tạp chí như Văn Học hay sau này Hợp Lưu, Khởi Hành rồi Tân Văn thì phải nhìn nhận là có những cố gắng vượt bực.
Chẳng hạn tờ Hợp Lưu ở thời kỳ Khánh Trường và rồi Trần Vũ trong vai trò chủ bút là tiêu biểu sáng giá cho văn học hải ngoại. Sau này nhờ Trần Vũ mà nhiều nhà văn, nhà thơ trẻ được giới thiệu có đất dụng võ. Tôi phải nhìn nhận Trần Vũ là người trẻ có tài. Truyện ngắn của Trần Vũ đôi khi là tuyệt như các truyện: Mưa mùa gai sắc hay Pháo thuyền trên sông Yangtze. Anh có một khả năng tưởng tượng, hư cấu rất phong phú đến ngạc nhiên.
Hợp Lưu bề ngoài có vẽ vững chãi hơn. Lúc nào độ dày tờ báo cũng như nhau, 320 trang hoặc nhỉnh sút đi 12 trang. Hình thức lúc nào cũng trang nhã vì có họa sĩ Khánh Trường – sau này cứ thế mà tiếp nối. Vóc dáng Hợp Lưu như một cuốn sách quý, cùng khuôn khổ kích thước, bày trong kệ sách trông cũng đẹp mắt rồi. Nay thì Hợp Lưu là đất dụng võ của một số tài năng trẻ ở trong nước mà chính nơi đó họ chưa có tên tuổi. Đó là trường hợp xảy ra cho Đỗ Hoàng Diệu – một tài năng được nhìn nhận và có tên tuổi dưới sự trợ giúp của Trần Vũ trên tờ Hợp Lưu. Nhưng nay thì vẫn chưa có tài năng trẻ nào theo gót được Đỗ Hoàng Diệu.
Mặt mạnh của Hợp Lưu là có đủ sức tập hợp được càc nhà biên khảo để ra được các số chủ đề như chủ đề về Hoàng Xuân Hãn, về Tạ Trọng Hiệp, về Mai Thảo, về Khái Hưng, về Nhân Văn Giai Phẩm, về Thảo Trường, về Văn Cao và nhiều nhà văn, nhạc sĩ tên tuổi khác, v.v. Cạnh đó là những chủ đề về văn học, về lý luận văn học, về sử học, về phê bình văn học.
Mặt mạnh thứ hai của Hợp Lưu là mảnh đất dụng võ cho những nhà văn trẻ từ cỡ 45 đến 60 tuổi.
Cái bề ngoài khang trang, bề thế của Hợp Lưu không diễn tả đúng tình trạng chạy gạo từng bữa của Hợp Lưu. Bên trong tòa soạn đôi lúc Khánh Trường cũng rơi vào tình trạng có nguy cơ ‘phá sản’ khánh kiệt. Cũng đã không ít lần Khánh Trường kêu cứu về tình trạng bết bát tài chánh. Nay thì không biết bằng cánh nào – một tay chủ bút như Đặng Hiền có thể thong dong tiếp nối Khánh Trường cho đến hiện nay.
Nhưng căn cứ vào độ dày và sự có mặt đều đều hai tháng báo ra một lần. Chúng ta hãy cứ biết như thế. Như thế như thế và an tâm.
Nghĩ tiếp đến trưởng hợp tờ Văn Học mà thương hại, sống dở chết dở, thay hết chủ bút này đến chủ bút khác, cố gắng cầm cự một cách trôi nổi. Cao Xuân Huy đã ba lần gánh vác tờ Văn học. Và trong lý lịch ghi trích ngang, ngoài văn học thì ghi: “Đang không cộng tác với báo nào khác”. Có nghĩa là anh chỉ viết cho Văn Học… Sau này tôi thấy anh đi làm cho tờ Sài Gòn Nhỏ hay tờ Người Việt chỉ là với tư cách chuyên viên kỹ thuật. Và mỗi lần Văn Học trở bệnh thì y như rằng có Trương Hồng Sơn ở Hoa Thạnh Đốn cho tiền thuốc men chạy chữa. Có những số báo mỏng dính có 136 trang như các số 103 rồi 104. Cạnh đó có những số thật dày như số 228 với 288 trang, số 234 đến 312 trang, số 223 dày hơn nữa đến 342 trang.
Biết bao nhiêu đoạn trường và công khó ở trong đó. Tôi chợt nghĩ đến công khó của Trần Hoài Thư hiện nay.
Tờ Thế Kỷ 21 của Người Việt, đàng sau có chỗ tựa lưng vững chãi về tài chánh là công ty Người Việt. Làm ăn khấm khá như vậy, bề thế như vậy. Tưởng là tờ báo văn học sẽ vững vàng quá đi. Tưởng sẽ trở thành trùm Văn học ở Thủ đô tỵ nạn. Vậy mà cũng chẳng hiểu sao loay hoay hết chủ bút này đến chủ bút khác, bài vở cũng làng nhàng, nội dung làm sao mà đến một lúc nào đó cũng gõ lên hồi chuông báo tử. Sự mất mát của Thế Kỷ 21 cũng là một thiệt thòi cho văn học Hải ngoại giống như trường hợp tờ Văn, Văn Học sau này. Nhưng biết đâu với số tiền lời, từ trời rơi xuống 4 triệu rưởi đô la sẽ giúp công ty Người Việt làm trùm Văn học. và tờ Thế Kỷ 21 lại có cơ sống lại.
Tờ Văn của Mai Thảo èo ọp lắm về mọi mặt, xem ra sự điều hành có phần lơ là. Nó chỉ quý ở cái phần Sổ Tay của Mai Thảo rồi sau đó Nguyễn Xuân Hoàng kế thừa.
Mai Thảo là tiêu biểu cho một ngòi bút đã cạn dòng. Những bài thơ làm lúc cuối đời không đủ để bào chữa cho những năm tháng viết trước đây của ông.
Ông đã tốn bao nhiêu chai rượu để viết những bài văn đó.
Đôi khi tôi nghĩ rằng, chúng ta phải biết chấp nhận cái tầm thường của nhà văn để cho đời có dủ lý do đáng sống. Tầm thường chính là con người chứ không phải là cái cao cả.
Nguyễn Xuân Hoàng ôm lấy tờ Văn chẳng khác ôm một người tình nhân già, bỏ thì thương vương thì tội. Vừa ôm, vừa xót xa, chẳng sướng gì. Và theo lời Nguyễn Xuân Hoàng viết trong Sổ Tay, bạn Văn nào gặp cũng hỏi thăm Văn đội này ra sao. Văn chết chưa.
Nguyễn Xuân Hoàng quả thực là người ôm sự nghiệp Mai Thảo và không lối thoát. Nhưng dù thế nào thì Nguyễn Xuân Hoàng cũng thâm cảm rằng tờ Văn cũng chính là một phần đời của ông vậy. Tờ Văn đã ra đi trước ông. Ông phải đi theo thôi.
Khởi Hành của Viên Linh mới thật sự là cố gắng một mình một chợ, theo nghĩa sống ‘dai’ trước 1975 và sống ‘mòn’ sau 1975 ở hải ngoại. Chắc hẳn có sự tiếp tay của bà Nguyễn Tà Cúc. Viên Linh quả là người ôm đồm, ôm trách nhiệm cả văn học miền Nam trong một căn phòng nhỏ. Chưa bao giờ có dịp để được ông chia sẻ tại sao ông lại còm cõi suốt ngày trong căn phòng nhỏ làm việc quên mệt. Ông đã thay đổi đủ kiểu báo, lúc khổ lớn như báo nhật trình, rồi cứ thun lại dần, thun nữa, mỏng nữa. Chỗ làm việc cũng là chỗ ăn ngủ, bên cạnh sách báo bừa bộn đến không chừa một lối đi theo -cái kiểu-tòa soạn-một người- chỉ có ở dân Việt Nam và nay thì Khởi Hành, nó mỏng như thể không thể mỏng hơn được như người mắc bệnh trầm trọng, chỉ còn thoi thóp sống còn.
Nhưng đúng như kiểu nói của nhà văn Thảo Trường, Viên Linh dùng kích thước nhỏ (vài chục trang), khổ nhỏ để nói về những chủ đề thật lớn.
Hầu như số báo nào của Khởi Hành cũng là số chủ đề, hay ít lắm cũng hé lộ cho người đọc một số thông tin văn học trước 1975 mà hầu như chỉ mình Viên Linh biết được. Nhưng ông kỹ lắm, không bao giờ tiết lộ hết, cứ từng số một nhả ra chút ít như con tầm nhả tơ, một thứ câu khách mà tôi là người bị cắn câu.
Các chủ đề như số đặc biệt về Phụ nữ, chủ đề Dịch thuật, Văn nghệ 54-63 đi về đâu, v.v. Nội cá nhân tôi mua đều đặn Khởi Hành từ nhiều năm nay cho thấy hẳn Khởi Hành phải có cái gì chứ. Cái gì đó chỉ mình Viên Linh biết.
Tân Văn xuất hiện sau cùng, từ 2007 đến nay vẫn từng ấy số trang, vẫn từng ấy trang bìa láng trang nhã theo cách thức Hợp Lưu.
Ra sau nhưng tiềm năng có thể sống còn, tuổi thọ cao vì Tân Văn có những lợi thế ít ai có. Sài Gòn nhỏ có nhà in riêng nên bất chấp mọi khó khăn tài chánh. Còn Sài Gòn Nhỏ tức còn Tân Văn.
Tờ Tân Văn lúc đầu in 1500 số, tháng sau giữ ở mức 1200/tháng. Và số xuất bản cứ giữ mãi ở mức độ đó.
Sài gòn Nhỏ có một số độc giả mua năm khắp các tiểu bang. Tiểu bang nào có chi nhánh tờ Sài Gòn Nhỏ thì ở đó hẳn có Tân Văn. Và nay gần đạt đến số báo 100. Dĩ nhiên tuổi thọ của Tân Văn còn thua xa Văn Học đến hơn 100 số với hơn 20 năm. Và nay bà Hoàng Dược Thảo gặp nạn, chẳng biết số phận Tân Văn ra sao. Nếu Tân Văn có chết thì có nhiều người luyến tiếc, trừ tờ Người Việt.

Các nhà xuất bản ở Hải ngoại
Nhiều nhà xuất bản có tên tuổi trước 1975 thì sau này tái xuất ở hải ngoại. Họ tiếp tục công việc xuất bản như trước đây ở trong nước.
Bên cạnh những cố gắng mang tính văn học thì có một số nhà Xuất bản làm những công việc còn lại như lấp đầy các khoảng trống Văn Học vốn có của miền Nam.
Thay vào khoảng trống văn học đó, có một số nhà xuất bản như Xuân Thu cho xuất bản liên tiếp nhiều tác phẩm trước 1975. Đăc biệt các tác phẩm của Xuân Vũ như Đường đi không đến (Hồi ký vượt Trường Sơn, gồm 5 tập). Như Đồng bằng gai góc, Mạng người lá rụng, Đến mà không đến, Xương trắng Trường Sơn. Tôi nghĩ những tác phẩm của Xuân Vũ được đón nhận nồng nhiệt khi việc di tản còn đang xôi bỏng trong lòng người.
Tiếp nối là lá cuốn Dọc Đường số 1 của Phan Nhật Nam, Vượt Trường Sơn của Phan Nghị.
Sách truyện có cho tái bản cuốn Chú Tư Cầu của Lê Xuyên, một cuốn truyện rất hay và ăn khách ở miền Nam trước 1975. Nhà Đại Nam cũng cho in những tác phẩm cùng loại như Về R của Kim Nhật, Bóng tối đi qua. Nhà xuất bản thì đâu chỉ in một hai cuốn sách; họ đã tái bản nhiều sách của các tác giả như Duyên Anh, Phan Nhật Nam, Nguyễn Thị Hoàng, Tô Ngọc, Vũ Bằng, Doãn Quốc Sĩ, Hoảng Hải Thủy, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Hoàng Chương, v.v. (30)
Còn có một nhu cầu nữa là nhu cầu học hỏi để giao tiếp. Vì thế, sách Tự điển đủ loại đã được in lại cho nhu cầu hội nhập với xã hội bên Mỹ mà không có phép của tác giả. Nạn nhân là những người như ông Khai Trí.
Những bộ tự điển do nhà sách Khai Trí đã mua đứt bản quyền nay được in lại công khai, cướp bản quyền của người chủ các bộ tự điển đó.
Sau đây, xin trích Thông báo sau đây của ông Khai Trí:
KhaiTr
Ông Khai Trí

"Tôi là Nguyễn Hùng Trương, nguyên là chủ nhà sách và nhà xuất bản Khai Trí 60-62 Lê lợi, Sàigòn cũ, có soạn và in một bộ tự điển lời hay ý đẹp, dày 1898 trang, các trang trong in hai mầu có nhiều phụ bản đẹp, đóng làm hai quyển, chưa gởi bán ở nước ngoài. Nay được biết có người in lại bộ sách trên tại Mỹ, ruột một mầu và không phụ bản bày bán ở Mỹ và nhiều nhà sách ở hải ngoại. Tôi thông báo để quý vị độc giả khỏi mua lầm bộ sách in lậu."(31).
Nhiều tác phẩm khác của các nhà văn thường còn bị kẹt ở lại trong nước, sách của họ đã được tái bản mà không được đền bù một đồng xu teng nào.
Nói chung, do nhu cầu mà một số sách vở ở miền Nam trước 1975 đã được in lại.

Tình trạng lão hóa của văn học Hải Ngoại
Trong cái tình hình èo uột trên của văn học hải ngoại như vừa trình bày trên, một số người cho rằng không thể có hay không nên có một dòng văn hải ngoại.
Trên thế giới, người Tàu có mặt ở nhiều quốc gia trên dưới 200 năm và dân số của họ rất đông. Vậy mà họ chưa bao giờ có cơ hội thiết lập được một dòng văn học Trung Quốc ở Mỹ hay ở nơi nào khác. Người Ý mà một nửa dân số lập nghiệp ở ngoài nước Ý, đã có ai nghe nói đến Văn học Ý ngoài nước Ý.
Người Việt ở hải ngoại có những nhân tố nào để có thể lần đầu tiên trên thế giới xây dựng được một mảng Văn học độc lập với Việt Nam trong nước.
Trả lời cho nan đề trên, trong số Văn Học, tháng 8,1995, Nguyễn Văn Trung trong Văn Học hải ngoại xác định rõ ràng Văn học Việt Nam hải ngoại là một hiện thượng bất thường mà chính những người làm ra nó không mong gì hơn là càng chấm dứt nó mau chóng bao nhiêu càng hay bấy nhiêu.
Do lòng yêu mến văn học và những ước mơ của người cầm bút mà nhà văn như Mai Kim Ngọc, Nguyễn Mộng Giác phản bác lại lập luận của Nguyễn văn Trung. Ông Mai Kim Ngọc viết:
‘Tôi nghĩ văn học hải ngoại sẽ trường tồn và sẽ cùng văn học quốc nội, và rộng hơn văn học thế giới đóng góp cho đất nước và con người nói chung những tac phẩm có giá trị.(32)
Những điều dự đoán của Nguyễn Văn Trung năm 1995 nay càng ngày càng trở nên hiện thực.
Phần Nguyễn Mộng Giác, ngay từ số 103, tháng 11 năm 1994 trong một bài viết nhan đề Triển vọng của Văn học hải ngoại, theo ông, chất liệu sáng tạo của Văn học hải ngoại là quá khứ thì 10 năm nữa chất liệu ấy vẫn là quá khứ. Văn học di dân hải ngoại dần dần yếu đi, không còn biệt lập, khiêm nhường đóng vai trò đại lý y như những người Thụy Sĩ gốc Đức, gốc Pháp hoặc những người Mỹ gốc Hoa ở Nữu Ước, ở San Fransisco.
Nếu sau này Việt Nam có những nhà văn nổi tiếng thì đó là những Linda Le hay Kim Lefebre. Họ viết văn bằng tiếng nước người mà không bằng tiếng Việt. Bà Kim Lefevre trong dịp trả lời phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh đưa ra nhận xét: Hãy viết bằng thứ tiếng mình giỏi và có tài.(33)
Riêng cá nhân người viết bài này, ngoài vấn đề người đọc mỗi ngày mỗi thưa thớt, chính bản thân nhà văn cũng không còn có động cơ thúc đẩy để viết mà tôi gọi đó là hiện tượng lão hóa nơi chính các nhà văn.
Nếu trước đây trên dưới 20 năm, có ai dám cả gan tiên đoán về có hay không một văn học của người di tản, hay sự lão hoá trong giới nhà văn thì điều đó được hiểu là một xúc phạm tinh thần, một bôi nhọ Cộng Đồng người Việt. Với gần 3 triệu người Việt, với hằng trăm tờ báo đủ loại, với một số nhà văn uy tín hàng đầu trong nước di tản ra nước ngoài, với sự tiếp nối của một số cây viết trẻ, nhiều người nghĩ đến một mảng văn học lưu vong so ngang tầm với mảng văn học trong nước.
Niềm tự hào và ước vọng đó nay mỗi ngày mỗi suy giảm đến độ, sau 40 năm, người ta tự hỏi còn có hay chăng một mảng văn học người nước ngoài? Và nếu có thì có như thế nào? Có trong bao lâu nữa?
Nói về sự lão hóa, người viết bài nhằm đưa ra những chứng liệu sát thực, những quy luật xã hội về sự hội nhập để thấy rằng hiện trạng lão hóa là điều tất yếu dẫn đưa đến sự suy tàn. Sự lão hoá không phải chi nhắm vào tuổi tác mà còn nhắm vào hoàn cảnh sáng tác, vào đề tài sáng tác của các nhà văn nữa.
Bệnh già là một sự lão hóa trong quá trình sinh hóa. Đó là một điều bình thường. Nếu nó đã là bình thường thì sự lão hóa nơi một số đông nhà văn cũng là chuyện bình thường. Già thì trí nhớ suy kém, óc sáng tạo soi mòn, thể chất mất linh động nhậy bén. Muốn viết cũng không viết được nữa.
Về thể chất thì mắt mỏi, mắt kém hay nhức mỏi, rồi nhức đầu chóng mặt khi ngồi lâu. Về tinh thần thì nhớ nhớ quên quên, chuyện nọ lẫn ra chuyện kia, chuyện quá khứ thì như mặt lõm của một ngọn đồi. Chuyện hiện tại thì như mặt phẳng của ngọn đồi, vừa nói xong đã quên. Tệ nhất là trí tưởng tượng đã sói mòn, khô cạn.
Nhưng xem ra khi viết sự lão hóa nơi các nhà văn thì tự nhiên có một số người dị ứng, không chịu nhìn nhận một sự thật.
Nhưng giả dụ nếu có một thế hệ nhà văn trẻ kế thừa, tiếp tục thì tình trạng lão hóa đã không được nói đến ở đây. Có kế thừa như sự sống, như dòng sinh mệnh văn học, hết cây nến này vừa kịp tắt thì có cây nến khác thắp sáng lên.
Chính vì không có người trẻ kế thừa mà tình trạng lão hóa nơi nhà văn và người đọc sẽ đưa đến tình trạng tuyệt nòi.
Trong vòng 20 năm nữa, khó có thể nói đến một dòng văn học ngoài Việt Nam.

1. Lão hoá về đề tài hay nguồn cảm hứng

Lão hóa. Photo credits: Juangiahui used with Creative Commons license
Lão hóa. Photo credits: Juangiahui used with Creative Commons license

Stanley Karnow, một nhà báo kỳ cựu ở Việt Nam khi đến Little Sàigòn đã nhận xét về cuộc sống người di tản, và Karnow đã đưa ra một biểu tượng cây cầu:
Tôi không bao giờ kỳ vọng được trở lại trông thấy Sài Gòn một lần nữa. Nhưng nay bây giờ tôi đã thấy trở lại, ít lắm là về mặt tinh thần.
Vietnamese try to bridge two worlds in Orange County’s Little Saigon
(Trích Stanley Karnow 1992: 29).
Cây cầu đó nối liền hai thế giới Việt Nam và Mỹ, nối liền quá khứ với hiện tại. Mỗi người Việt Nam bỏ nước ra đi đều mang theo một quá khứ, phần lớn là đau thương, tủi nhục và mất mát. Họ chả quên được. Như nhà báo trẻ Andrew Lam viết trong một bài tựa đề Viet Nam after normalisation: Vietnamese in America Bid Farewell to Exile Identity (trích trong Jinn Home page). Ông cho biết, cha ông là một cựu tướng lãnh trong quân đội miền Nam. Trong lúc ăn, các câu chuyện quá khứ thường bao trùm toàn thể bữa ăn. Sau một vài ly rượu, cha của ông bắt đầu kể lại những hồi ức về những trận chiến mà ông tham dự và đã thắng trận. Kể riết rồi cậu bé Andrew Lam có thể nhìn thấy những trận mưa bom Napalm thắp sáng trên bầu trời đen tối.
Chính những hoài niệm quá khứ này là cái căn cước của người Mỹ gốc Việt.
Cái đã làm nên vinh quang của họ. Không có nó, họ còn là gì nữa? Theo Nguyễn Mộng Giác, vứt bỏ quá khứ ấy đi, nhiều người sẽ phát điên lên. Ký ức về chiến tranh đã đưa con người Việt lưu vong vào một thế giới không còn nữa.
Nó bầy tỏ một cảm thức sâu xa về một cái gì đó đã mất, rồi được huyễn hoặc về quá khứ cũng như cội nguồn của mình nhằm xoa dịu những nỗi đớn đau ấy.
Đó là một hội chứng sau 1975. Hội chứng thua cuộc.
Người việt lưu vong thế hệ đầu tiên 1975-1978, sau khi đã hội nhập vào đất nước “tạm dung” thường tìm cho mình một thẻ căn cước Việt tính (origin identity) như một lẽ sống còn, một chỗ trú ẩn. Hồi tưởng lại cuộc chiến là một cái trục xoáy (pivotal place) để từ đó người Việt lưu vong nhìn nhận ra gốc gác (racial identity) của mình.
Những buổi lễ, những câu chuyện bên chén trà, ly rượu, những buổi diễn binh như ở Boston với những người lính VNCH đồng phục đủ loại, với cờ quạt nghi lễ, những buổi ca nhạc kịch, v.v. Tất cả như muốn vực dậy cái quá khứ mà nay dần chỉ còn là những huyền thoại như Jean Baudrillard viết:
When the real is no longer what it used to be, nostalgia assumes its full meaning. There is a proliferation of myths of origin and signs of reality; of second-hand truth, objectivity and authenticity. There is an escalation of the true, of the lived experience; a resurrection of the figurative where the object and substance have disappeared. And there is a panic-stricken production of the real and the referential, above and parallel to the panic of material production.(34)
Nhưng thường thì người ta không dừng lại ở đó. Người ta thường chuyển hoá những kỷ niệm, những hoài niệm quá khứ thành một lý tưởng, một chủ trương, một đường lối, một chỉ hướng soi đường để hành xử và phê phán.
Người Mỹ hơn ai hết hiểu rõ tâm trạng đó nên ngay từ 1975 đã có chủ trương phân tán người Việt di tản đi khắp nơi trên toàn nước Mỹ như lời bà Ellen Mathews đã viết trong cuốn Culture Clash. Chính phủ Mỹ đã tìm cách phân tán mỏng những người Việt di tản để tránh cái tình trạng: một sự nhắc nhở quá lộ liễu về chiến tranh.
Lê Tất Điều
Lê Tất Điều

Cho nên cũng chẳng lạ gì, những nhà văn di tản lớp đầu đương nhiên lấy nguồn cảm hứng hay đề tài về cuộc chiến đã qua. Lê tất Điều với bút ký Ngưng bắn ngày thứ 492 (1978). Bài thơ Cảm Khái sau đây với những hoài niệm bi phẫn về cuộc chiến đã qua:
Hỡi thằng chiến binh một đời dũng cảm
Mày lang thang đất lạ đến bao giờ
Ôi trong ví mỗi người dân mất nước
Còn một oan hồn mặt mũi vu vơ.
Ôi trong trí mỗi anh hùng thủa trước
Còn dậy trời lên những buổi tung cờ. (1977).
Ông còn viết chung với Võ Phiến trong tùy bút Ly Hương (1977). Võ Phiến bắt đầu viết Thư gửi bạn (1976), Đất nước quê hương, Lại thư gửi bạn (1979).
Thanh Nam với bài thơ Xuân đất Khách:
Đổi ngược họ tên cha mẹ đặt
Tập làm con trẻ nói ngu ngơ
Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
Nghĩ đắt vô cùng giá Tự Do.(35)

Giai đoạn di tản đợt hai từ đầu thập niên 80 tới đầu 90 với những người đã có kinh nghiệm từng sống dưới chế độ Cộng sản, từng đã đi tù, từng đi cải tạo, từng nếm mùi bo bo, từng phải liều mạng trên biển mà thế giới gọi họ là những thuyền nhân (boat people).
Nay thì đề tài chống Cộng là sức sống, là cái lý lẽ ở đời, làm cho cuộc đời này có một ý nghĩa để tiếp tục sống.
Các nhà văn lớp di tản thứ hai lên án trực tiếp chế độ Cộng Sản bằng chính kinh nghiệm xương máu của họ qua các truyện dài, nhất là những bút ký, hồi ký đủ loại.
Nguyễn Chí Thiện với tập thơ Tiếng vọng từ đáy vực gây chấn động một thời. Trần Huỳnh Châu với Những năm cải tạo ở Bắc Việt (1981). Hà thúc Sinh với Đại học máu (1985). Tạ chí đại Trường với cuốn hồi ký Một nửa Việt Nam Cộng hoà kéo dào, theo tôi, đây là một cuốn hồi ký đắt giá. Cao xuân Huy với Tháng Ba gẫy súng (1986), rất trung thực, lên án các cấp chỉ huy của mình hèn nhát bỏ lại đồng đội. Cuốn sách đã gây được sự chú ý của nhiều người đọc. Phạm Quang Giai với Trại cải tạo, Nguyễn Thanh Ty với Trong lao tù cộng sản, Trại Đá Bàn & A.30.
Tiếp theo đó là các nhà văn như Nguyển Mộng Giác, Duyên Anh, Nhật Tiến, Hoàng khởi Phong, Nguyễn Khắc Ngữ, Lê Văn Phúc, Nguyễn Đức Lập, Tưởng Năng Tiến, Võ Hoàng, Nguyễn Bá Trạc, Xuân Vũ, Phan Nhật Nam, Nguyễn ngọc Ngạn, Võ kỳ Điền.
Tuy vậy, cái hội chứng 75 cứ được nhắc đi nhắc lại đến không còn gì để nói nữa.
Theo tôi, hội chứng sau 1975 có thể chỉ là một.
Nhưng vấn đề là nhà văn phải làm thế nào viết, cách thức trình bày, cách thức diễn giải sao cho người đọc cảm thấy như thể lần đầu, cảm thấy là mình, đụng chạm vào những nỗi đau như mũi chích vào chính da thịt mình, trong mình, không phải ngoài mình.
Cái đau bằng cảm nhận của nhà văn phải chuyển tải được bằng một thông điệp mang tính chất bi kịch con người trong lòng chế độ cộng sản. Cộng sản là một điều tồi tệ, một điều xấu trên mọi điều xấu, vấn đề là chuyển tải được nó như một lời mời gọi cùng nhau ngồi vào bàn tiệc, chia xẻ bữa tiệc dạ quỷ, trong đó món ăn, gia vị đắng cay rút ra từ chế độ ấy.
Điều đó cũng đánh dấu sự biện biệt giữa nhà văn có tài và ít tài.
Còn nếu cứ viết cùng một cung điệu, nó sẽ rơi vào trình trạng nói rồi, cứ nói mãi. Lúc đó bắt buộc tạm gọi đó là thứ văn chương H.O. Viết như thể một điệp khúc nháy đi nháy lại năm này qua năm khác thành cháy cả đám. Các nhà văn ấy trở thành những người tuyên truyền hơn là vai trò nhà văn.
Nhưng khi mà tình hình chính trị ở Việt Nam cũng như thế giới đã có nhiều biến động, nhất là từ khi có sự sụp đổ các nước Cộng Sản Đông Âu, cộng thêm đường lối cởi trói và mở cửa ở trong nước từ năm 1986.
Dần dần có một số nhà văn, qua trải nghiệm thực tế, có xu hướng đặt lại những quan điểm phê phán chế độ Cộng Sản.
Bắt đầu với Nguyễn Mộng Giác, Nhật Tiến và Duyên Anh.. Những nhà văn này xét lại những ý thức hệ Cộng Sản, tư bản, thực chất cuộc chiến tranh bị coi là phi nhân, phi nghĩa như một cuộc nội chiến. Đi xa hơn nữa họ nói tới tình nhân loại, con người Việt Nam không phân biệt Nam Bắc, tới quê hương dân tộc.
Nhật Tiên 2012 (Nguồn: NV/NT)
Nhật Tiên 2012 (Nguồn:NV/NT)

Nhật Tiến với Một thời đang qua (1985) Mồ Hôi của Đá (1988). Duyên Anh với cuốn Đồi Fanta, Nhìn lại những bên bờ. Nguyễn Mộng Giác với Ngựa nản chân bon.
Sự nhìn lại mình, duyệt xét lại một quan điểm chính trị thức thời là một thái độ chân thật và can đảm của nhà văn dễ bị chụp mũ và bị bôi bẩn.
Phần tôi, tin tưởng và không dễ dãi ngộ nhận những nhà văn trên.
Theo tôi, những nhà văn trên không có ý hướng ngả theo cộng sản. Phần Nhật Tiến đã trả lời dư luận khi ông viết cuốn Sự thật không thể bị chôn vùi (2012) để biện hộ cho các tác giả trong cuốn Trăm hoa vẫn nở trên Quê Hương. Đồng thời trích lại bài phê bình cuốn Mồ Hôi của đá của Thụy Khuê.
Trong cuốn Mồ Hôi của đá, Nhật Tiến mong muốn nhiều thứ lắm.
Chúng ta chỉ có thể không đồng ý với ông về những đề nghị ông đưa ra thuộc loại ảo tưởng.
Nhưng kết án ông lại là một chuyện khác.
Hoặc như Nguyễn ngọc Ngạn thay vì tiếp tục viết với xu hướng chống Cộng như trong truyện đầu tay của ông The will of Heaven (1982),nhưng chẳng bao lâu sau, do nhu cầu cơm áo, ông đã chuyển hướng viết về những truyện tình vô thưởng vô phạt, nhằm đáp ứng thị hiếu một số độc giả trên các báo chợ. Và quả thực, ông trở thành một tác giả khá ăn khách cho một giới người đọc nào đó. Một giới độc giả mà thời nào cũng có. Thật ra chính những người như Nguyễn Ngọc Ngạn mới là người đáng trách, bởi vì ông dễ dàng bỏ quên đi những đau thương bi kịch vượt biển mà hiếm hoi trong dòng người táp vô Mã Lai hay Nam Dương gặp phải.
Kể từ đầu thập niên 90, vẫn còn một số nhà văn tương đối trẻ -trừ Nguyễn Thị Hoàng Bắc không trẻ nữa- khai thác lại những chủ đề quen thuộc về chiến tranh, cuộc sống người tỵ nạn, kiếp lưu vong, pha trộn những khắc khoải băn khoăn của tiến trình hội nhập vào xã hội mới.
Thêm vào đó là các nhà văn như Trần Diệu Hằng, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Hồ Trường An, Hồ Đình Nghiêm, Phạm Quốc Bảo, v.v. Nhưng trước một cuộc sống đã quá nhiều thay đổi với một đa số là giới trẻ mới lớn, thuộc thế hệ thứ hai của người di tản. Những đề tài của các nhà văn trong các tiểu thuyết của họ hầu như không còn đáp ứng kịp, hoặc đã trở thành cũ mòn. Viết mãi một đề tài, nó dễ trở thành cliché, chuyện hay mấy cũng là chuyện nói rồi. Phải chăng đó là tình trạng già nua, cũ mòn, lão hoá, thiếu sáng tạo của một số nhà văn di tản?
Ngoài một vài tác giả như Nguyễn Mộng Giác (Thật sự, ông viết cuốn truyện dài Sông Côn mùa lũ ngay từ khi còn ở trong nước, phải đợi đến khi đoàn tụ gia đình, người vợ đảm đang mới đem ra khỏi nước được) Cao Xuân Huy, Tạ Chí Đại Trường, Xuân Vũ hay một Hồ Trường An. Những nhà văn lớp trước như Duyên Anh, Phan Nhật Nam, Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến kể như sức viết đã kiệt.
Phải chăng, vì thế Võ Phiến quay ra viết phê bình Văn Học, một nghề không phải sở trường của ông.
Võ Phiên trên bìa tạp chí Văn 1974. Ảnh Trần Cao Lĩnh
Võ Phiên trên bìa tạp chí Văn 1974. Ảnh Trần Cao Lĩnh

Sức viết không còn được như trước nữa. Đó là một thực tế phải nhìn nhận.
Ấy là chưa kể đến sự mất mát không thay thế đến những người như Nguyên Sa, Mai Thảo, Doãn Quốc Sĩ. Hai người trước đã không còn nữa, người còn ở lại cũng ngưng viết chờ ngày lên đường.
Mất mát một nhà văn hải ngoại là mất mát luôn
Những nhà văn với những đề tài đã được nhiều người viết nên mất hẳn sức căng, sức quyến rũ. Nó như những lối mòn không khéo một chút dễ đi đến chỗ nhàm chán. Xa tý nữa, đi vào chỗ khép lại như những ghetto văn nghệ, bất chấp thực tế xã hội, bất chấp cuộc sống sinh động hiện tại, tự xếp mình vào hàng ngũ những nhà văn lưu vong, ẩn dật.
Những truyện viết như thế dần mất chỗ đứng, không có người đọc.
Vì thế, mấy ai còn chịu khó đọc những tác phẩm xuất bản ở ngoài nước như Một người Nga ở Sàigòn, Bầy sư tử lãng mạn, Nhà tù, Nhìn lại những bến bờ. Họa chăng với cuốn Một người tên là Trần văn Bá của Duyên Anh? Còn đâu những Hoa Thiên Lý, Thằng Vũ, Dấu chân sỏi đá, Vết hằn trên lưng con ngựa hoang?
Mấy ai đã đọc và biết đến Mồ hôi của đá, Gặp gỡ cuối năm, Tiếng kèn của Nhật Tiến? Những truyện của Nhật Tiến vừa kể lấy chi để so đo với chính Nhật Tiến trước 1975 như Những Thềm Hoang, Những người áo trắng, Truyện Bé Phượng.
Có cái gì của Phan Nhật Nam viết hiện nay có thể so sánh được với Mùa hè đỏ lửa, Dọc đường số 1, Ải trần gian, Dựa lưng nỗi chết, Tù binh và Hoà Bình và đặc sắc nhất, Dấu binh lửa?
Nhưng cũng trong thời gian này, người ta thấy những đóng góp đáng kể và khởi sắc của một số nhà văn trẻ viết truyện ngắn như Lê Thị Huệ, Vũ Quỳnh Hương, Trần Vũ, Kiệt Tấn, Trân Sa, Mai Ninh, v.v. và một số nhà văn mới như Phùng Khánh Minh, Đỗ Lễ Anh Đào, v.v.

2. Tình trạng lão hoá nơi các nhà văn
Lão hóa nơi những lớp nhà văn từ 70 tuổi trở lên
Đây là dấu hiệu đáng lo ngại nhất, vì những nhà văn này đã thành danh, đã có chỗ đứng trong văn học và hiện nay không ai thế vào chỗ của họ được. Mỗi một người trong số họ mất đi, thêm một chỗ trống. Giống như các ghế ngồi trong một phòng họp đã đánh số, mất đi một người tạo một khoảng trống ghế ngồi. Có lần Nguyễn Xuân Hoàng, nghe tin bạn bè nhà văn ra đi, ông cảm thấy như thêm một cái ghế trống. Nay đến lượt chính ông để một cái ghế trống không người thay thế.
Không ai thay thế được ai. Mỗi nhà văn đã có tên tuổi ra đi là một khoảng trống để lại; nghĩ mà buồn.
Mai Thảo (1927-1998). Nguồn OntheNet
Mai Thảo (1927-1998). Nguồn OntheNet

Ai có thể thay thế cho Mai Thảo, Nguyên Sa, Duyên Anh? Mặc dầu Mai Thảo của thập niên 1954-1960 cũng giống Mai Thảo của thập niên 1963-1975 và cũng không khác bao nhiêu với 1979 về sau. Ông vẫn thế, bất kể những biến thiên, xáo trộn của thời cuộc đang rúng động, trụt lở dưới chân ông.Tôi vẫn muốn bầy tó ý riêng của mình là những nhân vật truyện của Mai Thảo có vẻ dửng dưng quá, như những kẻ ngoài cuộc bất kể những biến động lớn nhỏ đang xảy ra chung quanh ông.
Đối với tôi, những nhà văn không dấn thân là những nhà văn thuộc loại văn chương trú ẩn như tên gọi mà Nguyên Sa đã dùng để chỉ chỉ thị những nhà văn không dấn thân, nhập cuộc khi chiến sự xôi bỏng.
Họ như vẫn ở ngoài tầm bắn của tên đạn và đêm đêm không nghe thấy tiếng đại bác vọng về, hay tiếng ì ầm của bom nổ. Họ cũng không nhìn thấy xác người trôi sông hay vắt vẻo trên hàng rào kẽm gai thuở nào.
Cái cảm giác buổi sáng thức dậy: Khi nghe tin em gục ngã nơi chiến trường là có thật, là sống động. Tôi đã từng xem một cuốn video khi người ta chôn những người lính trẻ gục ngã ở một chiến trường nào đó, với những tiếng khóc kêu gào đến không xem tiếp nữa.
Tôi cũng đã từng đọc những thơ văn của lớp người trẻ làm do Trần Hoài Thư sưu tập, quy tụ 263 tác giả trong cuốn Thơ miền Nam trong thời chiến(36)
Những nhà văn còn sót lại của lớp tuổi trên 70 có thể đếm chưa hết 10 đầu ngón tay. Chẳng hạn thế hệ nhà văn sau 1954 như Doãn quốc Sĩ, 1923, với một văn nghiệp như Sợ lửa, Gìn vàng giữ ngọc, Hồ thùy Dương, Cánh tay nối dài, Dòng sông định mệnh, Trái cây đau khổ và trường thiên tiểu thuyết Khu rừng lau được kể là đồ sộ.
Sau 1975, ở hải ngoại, ông cho xuất bản Mình lại soi mình (1981), Người vái tứ phương (1982), Dấu chân cát xóa, Cỏ đùm (1997).(37)
So ra văn nghiệp thời kỳ sau 75 của ông kể là sút giảm. Nhưng người ta vẫn tìm thấy ở Doãn Quốc Sĩ một tấm lòng đôn hậu, lạc quan tin vào người, tin vào đời. Phải chăng, đó là nét đẹp nhất của một nhà văn, một nhà giáo?
Bình Nguyên Lộc, 1914-1987, với các tác phẩm Ký thác, Tâm trạng Hồng,Tình đất, Cuống rún chưa lià, Tâm trạng hồng, Quán tai heo, nhất là cuốn Đò Dọc. Ông sang Hoa Kỳ, ở Sacramento và mất ở đó năm 1985. Ông là nhà văn tiêu biểu của văn chương miền Nam, đồng thời vừa là nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà biên khảo. Bình Nguyên Lộc là một trong những nhà văn sáng giá của văn học miền Nam.
Ông viết với tình tự dân tộc, với tình đất, với Cuống rốn chia lìa thì hỏi rằng xa khỏi đất nước, làm sao ông còn có thể sáng tác được gì. Ông là nhà văn để lại gần 1000 truyện ngắn đủ loại, sang Mỹ ông đành khoanh tay ngồi chờ lúc về bên kia thế giới với một cuốn sách được tái bản là Ký Thác.
Tôi vẫn tiếc ngậm ngùi khi nghĩ đến sự ra đi của ông. Sự ra đi của ông cũng như sự ra đi của Mai Thảo, Nguyên Sa, Thảo Trường, Thanh Tâm Tuyền là những ghế trống văn học không ai thay thế được họ.
Duy Lam, 1932 với Chồng con tôi, Gia đình tôi, Cái lưới, Lột xác, Nỗi chết không rời. Sau 1975 cho xuất bản Tuyển tập Truyện mới (1995). Em phải sống (1996) Ai đã có dịp đọc Duy Lam trong các tác phẩm đầu tay của ông như Gia đình tôi sẽ nhận thấy ông viết rất dí dỏm, rất vui tươi lành mạnh.
Đặc biệt chỉ có Võ Phiến, sinh 1925, đã xuất bản nhiều tác phẩm ở trong nước cũng như khi ở ngoài nước. Trong nước như Mưa đêm cuối năm, Đêm trăng sáng, Giã Từ, Tạp luận, Tạp bút. Sau 1975 với Văn học miền Nam Tổng Quan, Thư gửi Bạn rồi Lại Thư gửi Bạn
Giai đọan sau 75 ở Hải ngoại, ông thiên về khảo luận nhiều hơn là sáng tác. Điều đó cho thấy một nỗi bất lực kín đáo của một nhà văn đã không còn thời nữa. Nếu tôi có phản biện ông một điều gì thì đấy là một thứ phản biện sinh lời và tích cực, không nhằm suy giảm thế giá của ông trên văn đàn.
Thanh Nam, 1931-1985, với Người Nữ danh ca, Buồn Ga nhỏ, Còn một đêm nay, Bầy ngựa Hoang, Những phố không đèn, Mấy mùa Thương đau, Trăng đất khách.
Kể như ông đã không sáng tác được gì từ khi ra Hải Ngoại, ngoại trừ một số bài thơ cảm khái về số phận của một người di tản.
Xuân Vũ là nhà văn viết khỏe nhất với Đường đi không đến, gồm 5 tập, rồi 2000 ngày đêm trấn thủ Cử Chi, Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi đã biết, đã in được 3 tập, Cách Mạng tháng 8, cha đẻ còng số 8, Sông nước Hậu Giang, Bùn đỏ, Kẻ sống sót, Con người vốn quý nhất, Thiên đàng treo. Một số hồi ký như Tấm lụa đào, Quê Hương Yều dấu, Trăng kia chưa xế, Vàng mơ bông lúa, Những độ gà nòi, Xóm Cái Bần, Buồng cau trổ ngược. Ngoài ra, còn có một số truyện viết liên quan đến Cộng đồng người Việt Hải ngoại như Ngọc Vùi, Hột Xoàn là của Trời cho, và cuối cùng là The survivor (Kẻ sống sót).(38)
Những tác phẩm xuất bản thời VNCH của ông, tôi đã mua được đủ. Nhưng những cuốn sau này không hiểu tại sao biến dạng. Tôi cũng đành bất lực, trói tay. Có lẽ ít có nhà văn hồi chánh nào viết một cách đầy đủ muôn mặt từ bên trong chế độ ấy như Xuân Vũ, với một trí nhớ kỳ diệu và một cái nhìn nhân bản soi dõi vào cái chế độ thiếu con người ấy. Ngậm ngùi và đau xót với phong cách của một người miền Nam đã từng đi theo kháng chiến, từng là kẻ ở trong cuộc. Những tác phẩm của Xuân Vũ trước 75 trình bầy những mảnh đời, những câu truyện bên trong của xã hội Cộng sản và được độc giả trong Nam đón nhận một cách nồng nhiệt.
Hoàng Hải Thủy, 1930, có khoảng 30 chục tác phẩm như Bạn và vợ, Môi thắm nửa đời, đi tù Cộng Sản ngay từ tháng 5, 1975, sau đó ra Hải Ngoại. Ông vẫn viết báo cho các báo chợ và mới cho xuất bản cuốn Những tên Biệt kích cầm bút (2000).
Chuyện không có gì đặc biệt, chẳng nhắn gửi được gì, cũng chẳng nói lên được gì, hoặc gây một ấn tượng đặc biệt nào. Cuốn sách Những tên Biệt kích cầm bút có thể nói là thường, điển hình cho một loại sách viết đã hết chất, hết lửa. Người đọc ông lấy làm thất vọng.
Võ Đình, 1933 với Xứ Sấm sét (1987), Đóa sen và nụ cười (1990), Sao có tiếng sóng (1991) được kể là một trong số những nhà văn viết muộn ở Hải Ngoại, nhưng viết có chất lượng, khá hay với một văn phong dàn trải cách riêng, trải chuốt và đặc sắc. Một chút tinh tế Võ Phiến, một chút mầu mè Mai Thảo và một chút phong cách Huế, một chút Paris.. Bấy nhiêu thứ cộng lại với một cuộc sống nặng phong cách Á Đông, Thiền đã là những gì làm nên Võ Đình.
Phải chăng ông viết được như thế vì ông không mang số phận người di tản.
Nói chung trong số tất cả những nhà văn vừa nêu trên, sức sáng tác vừa có sự sa sút rõ nét về phẩm cũng như về lượng. Bình Nguyên Lộc, Minh Đức Hoài Trinh, Thanh Nam kể như tắt tiếng. Hoàng Hải Thủy sa sút đến chẳng còn gì để nói. Trừ Võ Phiến và Võ Đình có những tác phẩm được kể là còn có giá trị. Dù vậy, nó cũng klhông đủ gây nên một làn sóng đặc biệt nào trong Văn học Hải ngoại. Âm vang của nó không đi xa. Nó vẫn chưa có được tầm vóc như độc giả mong đợi, nhất là trong trường hợp Võ Phiến. Một mặt khác, nó báo hiệu một thời kỳ suy tàn khó tránh khỏi.
Những lớp nhà văn từ 60 đến 70
Đây là lớp tuổi nhà văn chiếm số lượng đông đảo nhất ở Hải ngoại. Họ là những Nguyễn Mộng Giác, 1940, với Nỗi băn khoăn của Kim Dung, Bóng thuyền say (1974)… Tỵ nạn sang Hoa kỳ có các tác phẩm Ngựa nản chân Bon, Xuôi Dòng, nhất là Trường thiên Mùa biển động (1989) và Sông Côn mùa lũ (viết ở Việt Nam, mang sang Mỹ 1990-1991).
Ông là nhà văn gốc gác nhà giáo có nhiều phần giống phong cách của Doãn Quốc Sĩ. Nhưng ông viết sắc sảo hơn, nhiều nét tinh tế và còn dàn trải một ý thức sáng tạo cho những tác phẩm của mình. Nếu cần đánh giá ông thì phải nhìn nhận không mấy người vượt được ông khi cầm bút ở Hải ngoại.
Duyên Anh (Vũ Mộng Long 1937-1997)
Duyên Anh (Vũ Mộng Long 1937-1997)

Duyên Anh, 1935 với 50 tác phẩm xuất bản hồi trước 75. Có lẽ số lượng đầu sách xuất bản đó chỉ thua có một Bình Nguyên Lộc mà thôi. Đó là các truyện Hoa thiên lý, Thằng Vũ, Dũng Dakao., Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoan., Tuổi mười ba, Ao tiểu thư, Em đã yêu anh. Ngựa chứng trong sân trường. Ong là nhà văn của tuổi thơ với những thằng Côn, thằng Khoa, thằng Vũ, con Thúy đến Dzũng Dakao, Chương Còm, Bồn, Hưng mập.
Đó là thứ tuổi trẻ bụi đời và du đãng. Thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam mang ơn ông rất nhiều về những cuốn truyện của ông viết về họ.
Ông gặp nhiều bất hạnh lúc cuối đời va dập cả từ ngoài xã hội đến nội bộ gia đình. Tôi thu tập khá đầy đủ tài liệu về ông.
Nhưng về lúc cuối đời, như một số tên tuổi khác, ông đã tìm được con đường đạo phải đi trong suốt hành trình dương thế mà cả đời ông đã không gặp. Có nhiều phần, ông gặp được thánh Phê rô, người giữ cửa nước Trời.
Thế Uyên, 1935 với các tác phẩm Hạt cát, Mười ngày phép của một người lính, Những ý nghĩ của bọt biển, Nỗi chết không rời, Bản tình ca. Nghĩ trong một xã hội tan rã.
Ông là một người cầm bút với ý thức, với suy tư triết lý, với những ý nghĩ vụn vặt trong mỗi đầu sách. Sách nào cũng ngắn, trải dài chỉ hơn trăm trang.. Trước khi ngã bệnh nếu tôi nhớ không lầm, ông hy vọng tôi sẽ viết được đôi điều về ông nên đã gửi các truyện của ông xuất bản tại Việt Nam. Trong cuốn Hạt cát, ông gửi tặng tôi ghi, Sách đầu tiên, tặng anh Nguyễn Văn Lục.
Ông cũng như Duy Lam là hai người tâm sự vụn với tôi rất nhiều điều. Như một số nhà văn gặp hoạn nạn chính trị bị cộng đồng người Việt lên án, ông còn gặp sự đố kỵ của gia đình bên ngoại. Cũng như Duyên Anh, có thể ông có vài ý nghĩ khác người, nhưng nếu nhìn toàn diện tác phẩm của ông, tôi nghĩ rằng, ông vẫn là một người quốc gia chân chính và một nhà văn chân thật. Phải chăng nhận xét này đủ để tôi chuộc lỗi với ông không viết đầy đủ như lòng mong đợi của ông.
Kiệt Tấn. Nguồn: thethaovanhoa.vn/
Kiệt Tấn. Nguồn: thethaovanhoa.vn

Kiệt Tấn, 1940, tên thật là Lê Tấn Kiệt với Nụ cười tre trúc (1987), Lớp lớp phù sa (1988), Nghề múa (1989), Em ơi biết đâu tìm (1994).
Tôi có viết một bài về ông, Ba điều về Kiệt Tấn, đăng trên bào Văn của Nguyễn Xuân Hoàng. Ông là một trong số những người viết trẻ sau này có thể theo gót những nhà văn Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc. Nụ cười tre trúc được đánh giá cao xét về măt Văn học. Rất tiếc, tinh thần ông không được vững ảnh hưởng tới công việc sáng tác của ông.
Phan nhật Nam, với tác phẩm Dấu binh lửa, Ai trần gian, Dựa lưng nỗi chết, Tù binh và Hoà Bình, Dọc đường số 1 và nhất là Mùa hè đỏ lửa (1972) Sau 1975 với Những chuyện cần được kể lại, Mùa đông giữ lửa. Đường trường xa. Phải công nhận nhà văn Phan Nhật Nam là ngòi bút có lửa. Lửa rừng rực cháy trong Dấu binh lửa, trong Mùa hè đỏ lửa.
Theo tôi nhận xét, Phan Nhật Nam giống môt phần nào Phan Lạc Tiếp, ngòi bút chiến tranh không hừng hực hận thù. Ngay cả khi hừng hực sôi máu trước cái chết của đồng đội nếu có đi nữa, người ta vẫn tìm thấy cái tình con người trong những câu chuyện chiến tranh của ông.
Tôi chỉ thực sự xúc động khi đọc ở ông những góc cạnh, những câu chuyện kể bên lề cuộc chiến, nhưng vẫn nhắn gửi một cái tình con người trong những câu chuyện ấy.
Còn truyện chiến tranh cũng là những chuyện cũng đành cả. Nhưng lửa ấy nơi Phan Nhật Nam cũng rừng rực khi ngồi ăn nhậu trên bàn tiệc rượu với bạn bè. Nói chung, ông là người dễ thương, bạn bè trêu chọc đủ thứ ông không giận.
Nhật Tiến, 1936. với Những người áo trắng, Những vì sao lạc, Tay Ngọc, Chuyện bé Phượng, Người kéo màn, Chim hót trong lồng, Quê nhà yêu dấu, Lá chúc thư, Theo gió ngàn bay.
Ông được nhìn nhận như một nhà văn viết cho tuổi thơ bất hạnh, viết về những mảnh đời của trẻ em mồ côi với những tên Phựơng, Dung, Cúc, Alice, Hạnh. Tôi nghĩ đó cũng đủ làm nên văn nghiệp của ông.
Sau 75 có Mồ hôi của đá, Tiếng kèn, Gặp gỡ cuối năm, Một thời đang qua.
Ông là người có khả năng tài chánh để in ấn… Tôi cũng có đũ những sách của ông Nhật Tiến sau này ở Hải Ngoại. So với chính ông thì tự nó ông cũng thấy có sự sút kém nhiều.
Ngô thế Vinh 1941 với Mây Bão, Vòng đai xanh, Mặt trận Văn Nghệ ở Sàigòn, Gió mùa. Sau 1975, ông viết Cửu Long cạn dòng, biển Đông dạy sóng.
Những tác phẩm của Ngô Thế Vinh sau này ở Hải ngoại chuyên chở một lo ngại về môi trường. Tôi có được đọc và chia sẻ.

Nhưng có thể vấn đề môi trường còn quá sớm sủa đối với tâm thức người Việt Nam nên ít ai lưu tâm cho đủ.
Nhã Ca 2013. Nguồn: Việt Báo.
Nhã Ca 2013. Nguồn: Việt Báo.

Nhã Ca, tên thật Trần Thị Thu Vân, 1939 với Đêm nghe tiếng đại bác, Đêm dậy thì, Sống một ngày, Giải khăn sô cho Huế, Tình ca trong lửa đỏ, Một mai khi hoà bình, Lăn về phía mặt trời.
Theo nhận xét riêng của tôi, người phụ nữ viết về chiến tranh vẫn có cái chưa tới, viết bằng cảm giác hơn là cuộc sống thực. Hình như nó thiếu chiều suy tư, thiếu chiều sâu.
Bà là tiêu biểu cho những giọng nhà văn nữ eo éo thay cho tiếng ồm ồm của một thời kỳ văn học rộ lên một đám phụ nữ theo nhận xét dí dỏm của Võ Phiến. Sự rộ lên này hiểu được, vì đa số nhà văn phái Nam phải cầm súng ra trận.
Theo nhà văn Uyên Thao, trong cuốn sách của ông nhan đề Các Nhà Văn Nữ Việt Nam 1960-1970 , (1973) tác phẩm Đêm nghe tiếng Đại bác được đăng một phần trên nhật báo Tin Sáng đã làm nên tên tuổi Nhã Ca. Có điều nhà văn Uyên Thao khổ công tìm ra ở đâu bức hình Nhã Ca đẹp đến như thế với một nốt ruồi tô đậm, trên vành môi trên. Nốt ruồi ấy làm tôi liên tưởng đến Thanh Lan.(39)
Thảo Trường, tên thật Trần Duy Hinh, 1939 với Thử lửa, Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp, Vuốt mắt, Cánh đồng đã mất, Bên đường rầy xe lửa, Người khách lạ trên quê hương. Sau 1975 có Tiếng thầm trong bị tre gai (1995), Đá mục (1998).
Thảo Trường là một nhà văn quân đội tiêu biểu. Truyện của ông bao giờ cũng đặt ra vấn đề. Đó là loại tiểu thuyết không dễ viết, dễ bị gò bó, dễ bị vấn đề lấn lượt.
Vậy mà ông viết rất nhẹ nhàng, rất thông thoát. Chuyện Người đàn bà mang thai trên Kinh Đồng Tháp mà cấu trúc câu chuyện đăt chúng ta vào một tình thế lưỡng nan, phải chọn lựa, một chọn lựa không dễ chọn lựa trong một hoàn cảnh chiến tranh đặt tâm thức con ngưới trước những thử thách, những chọn lựa bất đắc dĩ hầu như một bi kịch.
Tôi chỉ có thể nói như vậy.
Bối cảnh là chiến tranh, nhưng chính là con người phải đối đầu với những bi kịch qua thân phận người phụ nữ ở giữa hai lằn đạn. Vào những năm cuối đời, 2007 thì phải, ông có gửi bản thảo truyện ngắn của ông và nhờ tôi đọc dùm xem, ông viết có còn được hay không, nếu không được ông sẽ ngừng viết.
Một công việc mà bình thường một nhà văn có tiếng như ông không bao giờ làm. Tôi đọc thì thấy quả thấy có cái gì đó không ổn. Nhưng tôi đã trả lời là “xin anh cứ tiếp tục”. Cũng sau đó, ông bắt đầu lo tái bản những truyện của ông viết trước 1975, nhờ vậy, hầu hết các truyện của ông hiện nay đều được in lại.(40)
Có những tác giả tạo được một thế giá, truyện có bản sắc cá biệt nhưng lại ít được độc giả biết tới như Nam Dao với một cuốn Gió Lửa. Cuốn sách với kỹ thuật cao, hư cấu tuyệt. Tuy nhiên không phải là một cuốn dễ đọc cho bất cứ ai. Với Nam Dao và Ngô Thế Vinh, cả hai tác giả, sách không hẳn là dễ đọc, dễ lôi cuốn.
Hãy nhìn lại thế hệ các nhà văn miền Nam sau 1954, họ đều là những người cầm bút rất trẻ và rất sớm như Mai Thảo, Nguyên Sa, Quách Thoại, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sĩ. Tô Thùy Yên làm thơ lúc 17 tuổi, Nguyên Sa làm thơ tình lúc 22 tuổi. Chưa người nào vượt quá tuổi 30. Đã thế, họ còn là những nhà văn có máu chuyên nghiệp. Họ cũng giống như lớp nhà văn tiền chiến Vũ Trọng Phụng, Trần Tiêu, Nam Cao và những nhà thơ như Lưu trọng Lư, Xuân Diệu hay những nhà văn trong TLVĐ như Nhất Linh, Thạch Lam, Khái Hưng. Họ bắt đầu sự nghiệp văn chương với nhiệt huyết, với tâm hồn của một người trẻ tuổi. Một hành trình sáng tạo, ấp ủ một giấc mộng văn chương như một văn nghiệp theo họ suốt hành trình nhân thế.
Họ là nhà văn theo nghĩa thân phận hơn là một nghiệp dư.
Vậy mà trước những biến cố chính trị sau 1975, họ như bị những lớp sóng thời cuộc xô đẩy đến cầm bút không còn được như trước nữa.

Những nhà văn lớp tuổi từ 45-60
Liệu những lớp nhà văn trẻ này, đều chưa cầm bút trước 1975 có thể thay thế được lớp nhà văn đàn anh không? Nhưng thay thế như thế nào.
Theo tôi, thường họ viết cho họ hơn là nghĩ đến chuyện thay thế ai.
Sự phóng túng, sự đa dạng, sự mạnh dạn trong những suy nghĩ và xu hướng bầy tỏ tình dục một cách thẳng thừng thay vì che đậy, xử dụng cái tôi trong truyện cho thấy họ có những cách suy nghĩ và thế giới truyện riêng của họ.
Trần Vũ. Nguồn: tranvu.free.fr/
Trần Vũ. Nguồn: tranvu.free.fr/

Đó là Đặng Thơ Thơ, 1962, tên thật là Thơ Thơ với Khi phong linh vỡ. Hoàng Mai Đạt, 1960 với Cánh đồng cho emGiữa hai miền mưa nắng. Hồ Đình Nghiêm, 1957, với Nguyệt thực, Tờ mộng rách rời và Vầng trăng nội thành… Lệ Hằng, sinh năm 1948 với 14 tác phẩm trước 1975 như Thung lũng tình yêu, Tóc Mây, Bản Tango cuối cùng, Tình yêu như Băng Sơn, Chết cho tình yêu, Kinh tình yêu, Sóc nâu, Mầu xanh đang lên, Như sương long lanh. Ở Hải ngoại với Sa tăng dịu dàng (1992), Nghề làm vua (1992), Bên kia là núi và tập truyện ngắn Nói thầm với đá (1998), Hạnh phúc quanh đây, Bình nguyên xanh. Lê Minh Hà, 1962 với Trăng góa, Thanh Văn, Gió biếc Thương thế, ngày xưa. Lê Thị Huệ, 1953 với Bụi Hồng, Lũy tre xanh, Rồng rắn Văn hoá trì trệ nhìn từ Hà nội, đầu thế kỷ 21. Lê Thị Thấm Vân, 1961 với Xứ Nắng, Mùa Trăng, Am vọng. Nguyễn Thị Ngọc Lan, 1957 với Một chút hạnh phúc nhỏ (1993), Trăng đất khách. Nguyễn Thị Thảo An với Bức Phù Điêu Khắc Cạn, gồm 12 truyện ngắn. Nguyễn Ý Thuần, 1953 với Tối thứ năm tại quán ăn đường Fifth, Người lính còn lại, Chốn không quên. Phan Thị Trọng Tuyến, 1951 với Mùa hè, Một nơi khác, Một trang đời. Trần Diệu Hằng, 1952 với Vũ điệu của loài công ( 1985), Mưa đất lạ (1986), Chôm chôm yêu dấu (1990), Niềm im lặng của m ây. Trần Vũ, 1962 với Ngôi Nhà sau lưng Văn Miếu, Cái chết sau quá khứ, Mùa mưa gai sắc. Bên cạnh đó, có một số đông các nhà văn chuyên viết truyện ngắn như Phùng Khánh Minh, Phạm Thị Ngọc, Nguyễn Nguyên Phước, Phạm Thị Minh Thư, Thúy Hằng, Lê Quỳnh Mai, Nguyễn Danh Bằng, Nguyễn Viện, Thuận, Mai Ninh, Đỗ Lễ Anh Đào, Nguyễn Hương, Kiệt Tấn.
Nhận xét chung về những nhà văn lớp tuổi này là họ không còn viết như trước nữa.
Gần như mỗi nhà văn, mỗi cách thể hiện, độc đáo và khác người: Đó là cách nói và nhận xét đầy đủ nhất.
Chẳng hạn như trong Tôi, Anna và Thu của Nguyễn Danh Bằng, người đọc nhận thấy có điều gì dặc biệt trong câu chuyện, trong nhân vật, nội dung truyện mà chưa bao giờ tôi có cảm nghiệm được. Cũng như thế trong truyện Hai công dụng mới của máy sấy tóc của Phan Nhiên Hạo, câu chuyện xây dựng trên những tình tiết làm người đọc ngạc nhiên và ngỡ ngàng. Thời hậu chiến của Nguyễn Hương càng đưa ta lạc lõng vào những hình thức, thể loại, dựng truyện, dựng nhân vật đến không dễ nắm bắt được. Nhà văn Nam Dao đã giới thiệu Thời hậu chiến:
“Đây là một truyện ngắn kỳ lạ qua cấu trúc thời gian và không gian, đi từ lịch sử này đến một lịch sử khác, từ một văn hoá này đến một văn hoá khác, nhưng rồi tụ lại ở thân phận người, một con người bất cứ ở đâu cũng cứ treo lửng lơ nối giữa trời và đất bằng một sợi dây đong đưa định mệnh.”
Ta cũng bắt gặp những suy nghĩ khác đời thường như trong Nơi trú ẩn an toàn của Nguyễn Hữu Hồng Minh. Nhiều lúc đọc mà cảm thấy hụt hẫng, sút chân không theo kịp, không nắm bắt được tác giả.
Đọc Đêm nghi ngại của Cổ Ngư, chẳng khác gì người đi trong đêm, không tìm được lối ra. Các tình tiết câu truyện xoắn sít vào nhau như những mảnh rời nối kết lại một cách rời rạc không thuận lý.
Đọc họ, phải nhân gấp đôi lần não bộ để hiểu tác giả muốn viết gì?
Hình như người đọc chưa kịp chuẩn bị đủ để đọc họ, hay ngược lại, tác giả thiếu chuẩn bị để tiếp cận người đọc?
Hình như phải có con mắt thời đại để dõi mắt theo kịp thế giới truyện của các nhà văn hiện nay.
Có khoảng cách xa lìa giữa mỹ học cũ với những tầng tầng lớp lớp bụi thời gian quá khứ với lịch sử đặc và dầy che phủ kín một lối nhìn thông thoáng thông lộ ra một tia sáng lạ?
Tình trạng xa cách giữa lớp người đọc cũ và những nhà văn mới, có giống cảnh quan những con người đứng nhìn vào một hang động và chỉ thấy chiếc bóng mình và thế giới từ bên ngoài chiếu lung linh trên vách tường?
Có sự chậm lụt trong tầm nhìn vì sự khép lại, lội bì bõm trong quá khứ đau thương và tủi nhục không rút chân ra được của lớp người di tản trước?
Bấy nhiêu câu hỏi để tự tra vấn chính mình vẫn chưa có lời giải đáp.
Nay nhìn lại sinh hoạt văn học, trong nước thì xô bồ như chợ vỡ, chợ bán solde, tạp nhạp đủ thứ. Ngoài nước thì vắng hoe như buổi chợ về chiều. Cố mà vực dậy, cố mà vươn lên với những cố gắng của một số tập san, nhà xuất bản. Gió Văn, Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Tân Văn nằm trong số đó.
Cứ giả dụ không có tập san vừa nêu trên thì số phận sinh hoạt nhà văn Hải ngoại có còn nữa không? Nhưng người ta cũng nhận thấy Hiện tượng Lão Hóa trong số những nhà văn trẻ trên đây. Rất nhiều nhà văn cầm bút muộn hay đã quá tuổi 40. Họ được coi là trẻ trong văn nghiệp, nhưng già tính theo tuổi đời. Nam Dao bắt đầu cầm bút năm 1999, khi tuổi đời sắp bước vào tuổi 60. Miêng, Mai Ninh bắt đầu sự nghiệp viết văn lúc trên 40 tuổi. Nguyễn Thị Thanh Bình nay 46, Lê Thị Thấm Vân 43, Lê Quỳnh Mai 42, Nguyễn Hương 42, Phạm Chi Lan 42, Phạm Thị Ngọc 41, Đinh Linh 41, Cổ Ngư 41, Nguyễn Quý Đức 42, Hoàng Mai Đạt 41, Thận Nhiên 42, Đặng Thơ Thơ tên thì rất trẻ, nhưng nay cũng 42. Thật trẻ họa may còn có Đỗ Lê Anh Đào mới 25 tuổi.
Theo nhà văn, nhà giáo Trangđài Glassey-Trầnguyễn trong bài thuyết trình về Văn Học miền Nam nhan đề 40 năm văn học miền Nam thất thủ: Thế hệ hậu chiến khước từ thân phận mồ côi, bà có đặt một câu hỏi cho đám học sinh của bà như sau:
– Em sẽ chọn công việc nào? Viết 800 chữ tiếng Anh, nhuận bút $500; hay viết 1.200 chữ tiếng Việt, nhuận bút $50. Tất cả các em đã chọn 800 chữ.
– Việc xử dụng tiếng Việt trong sáng tác văn học là một chọn lựa đắt giá.
Lớp người đọc bây giờ cũng từ lớp tuổi 49 đến 70. Họ không chia xẻ được với lớp nhà văn viết sau 1975. Chẳng những thế, họ như bị ngợp và không đọc.
Điều đó cảnh báo một tương lai không sáng sủa gì cho văn học ngoài nước.
Đã thế sự nghiệp văn chương thì nhiều người còn mỏng. Và vẫn là thứ văn chương nghiệp dư.
Cứ nhìn những nhà văn trẻ viết văn bằng tiếng ngoại quốc không khỏi làm chúng ta suy nghĩ. Những người như Linda Lê, Monique Trương, Lê thị Diễm Thúy, Pedro Nguyễn, Valerie Tống Cường… phải chăng, muốn trở thành nhà văn chuyên nghiệp thì chỉ có con đường chọn viết văn bằng ngoại ngữ?
Nhưng những nhà văn trẻ vừa và thật trẻ vẫn là niềm hy vọng của sinh hoạt Văn Học Di Dân Việt Nam như những đóm lửa của hy vọng còn chờ đợi. Do dự một giây lát, những người lớp trước như Lê Thị Huệ, Trần Vũ, Mai Ninh, đã là một lẽ… nay trọng trách đó đặt trên vai một số nhà văn có tiềm năng như Đỗ Lễ Anh Đào, Nguyễn Danh Bằng, Nguyễn Nguyên Phước, Nguyễn Hương, Đặng Thơ Thơ và Phùng Khánh Minh? Bao giờ niềm hy vọng cũng vẫn chỉ là hy vọng?(41)

3. Tình trạng lão hóa ngay chính nơi độc giả
Xin trích dẫn câu trả lời cho một nữ độc giả trên tờ Hợp Lưu cách đây mười năm:
“Sách báo hiện nay vẫn đang trong giai đọan thoi thóp. Người đọc cạn dần, mãi lực yếu. Điều này nguy hiểm nhất: độc giả càng ngày càng già đi, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, lớp thay thế hầu như không có. Điều này cũng xảy ra cả với người viết. Vì vậy, Văn chương Việt Nam ngoài nước hầu như không thể ‘trẻ’ được. Một tác phẩm nào ra ra ngoài cái khuôn mòn đã được định trong vài ba thập niên qua, là lập tức bị phản bác, chê bai, chửi mắng. Vì thế, chúng ta chẳng hy vọng gì có được ‘một bức phá ngoạn mục’, như trên dưới 40 năm trước, cuả Sáng Tạo với văn chương tiền chiến…”
Độc giả cũng là những người lưu vong, bỏ nước ra đi. Cũng mang tâm trạng và hội chứng sau 1975… Câu chuyện văn chương bị chính trị hóa biến người đọc thành những quan tòa, thành một thứ tòa án nhân dân. Người đọc có những đòi hỏi thúc bách người viết phải viết thế này, phải viết thế kia nhân danh một quan điểm, một lập trường. Lập trường đó trở thành ý kiến của quần chúng, của đa số như thể một cao trào quần chúng. Điều đó phản ánh tâm tình của đa số độc giả. Nó đúng chứ không phải là sai. Nhưng từ những yêu sách, những mong muốn biến thành bạo lực áp đặt, khống chế, vu khống chụp mũ, mạ lỵ, triệt hạ uy tín một cá nhân là chuyện nay thành cơm bữa.
Thật đáng tiếc. Văn học bị vạ lây và đốt cháy.
Viết từ nay phải dòm trước, dòm sau, tránh né trước một bóng ma, một thế lực vô hình. Chỉ cần một cá nhân lên tiếng, nhân danh tập thể, cộng đồng thì tiếng nói của vị ấy trở thành có trọng lượng, một thứ công lý một chiều. Hai chữ cộng sản nay trở thành bóng ma hay lá bùa hộ mệnh cho những thành phần quá cực đoan. Nó thật nguy hiểm chẳng khác gì hai chữ Chó dại trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư.
Chưa bao giờ độc giả lại có cái thế phán quan, vai trò xét sử đến như thế.
Đã có lần, một nhà văn tôi quen biết kể lại đem một cuốn truyện có nội dung rất tốt, chống Cộng là đằng khác, đem bầy bán trong một buổi họp Cộng đồng. Chỉ cần một viên cựu Đại úy lên cầm micro tố cáo nhà văn về chuyện mượn tiền in cuốn sách của đám di dân Hải Phòng (‘di dân Hải Phòng không phải người quốc gia’). Cuốn sách đột nhiên phải cuốn gói, rút lui.
Văn chương trở thành một thứ tuyên truyền lúc nào không hay, nhàm chán và lão hoá. Đến một lúc nào đó thì chả ai muốn đọc những cliché đó nữa… Và càng ngày số người đọc một giảm đi theo năm tháng.
Số người trẻ lớn lên, càng chiếm đa số, nhưng lại thờ ơ với sách vở viết bằng tiếng Việt. Cuối cùng văn học chỉ là sản phẩm dư thừa, ế ẩm và thiếu chất lượng… Nhà văn Hoàng Khởi Phong đã để ra 10 năm không viết, không đụng đến chữ nghĩa, chỉ vì thấy sách báo tác phẩm văn học được xếp lẫn lộn với tiêu muối hành.
Sự ra đời của báo chợ đã đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người đọc.
Từ chỗ đó, bất cứ ai cũng có thể viết, cũng có thể trở thành nhà văn. Tác giả ngày một hiếm, độc giả ngày một cạn là cớ cho một thứ văn chương bèo bọt, bát nháo, mạnh ai nấy viết. Và trong tương lai, phải chăng chỉ còn có một nền văn học báo chợ ở Hải ngoại?
Để tìm hiểu người đọc ngày hôm nay, tôi thử làm một thăm dò một số độc giả để xem họ nghĩ gì, thái độ ra sao đối với các nhà văn đang chiếm lĩnh văn đàn hay đang lên hiện nay. Sự chọn lựa 19 độc giả chỉ có tính cách tượng trưng, hướng dẫn, không có nghĩa đại diện. Trong số 19 độc giả, có 7 cặp và có 5 người ở tình trạng độc thân, một phụ nữ chủ báo có chồng, nhưng chồng không tham dự. Tuổi từ 49 đến 70. Có hai người trình độ tú tài, còn lại 17 người đã tốt nghiệp đại học. Trong số tốt nghiệp đại học, có 10 người tốt nghiệp đại học Âu Mỹ.
Người đọc sách ở hải ngoại. Nguồn: NVL
Người đọc sách ở hải ngoại. Nguồn: NVL

Có chín người từ lớp tuổi 49 đến 55 có đọc truyện tiếng Việt.
Với 19 độc giả vừa nêu trên, chúng ta có thể đưa ra một vài kết luận như sau: Lớp độc giả từ 60 trở lên ít đọc và ít theo đõi sinh hoạt văn học, nếu không nói có nhiệu vị có bằng cấp, học vị, từ khi ra nước ngoài chưa hề cầm đọc một cuốn sách tiếng Việt. Nhất là đọc các nhà văn lớp mới (từ 55 tuổi trở xuống).
Sự đánh giá tốt xấu tùy thuộc vào phái tính, nam hay nữ và hoàn cảnh gia đình.
Đối với một số cây viết trẻ, họ không có con đường nào khác là chọn viết truyện bằng tíếng Anh, tiếng Pháp thay vì tiếng mẹ đẻ. Và chẳng bao lâu nữa, sẽ có một nền văn học của người gốc Việt viết bằng tiếng ngoại quốc? Hiện nay, xin được liệt kê tên tuổi của lớp nhà văn trẻ này mà trong số họ, có những người đã thành danh, có tên tuổi, có thế giá đối với ngay xứ sở tạm dung của họ.
Hai tác giả gốc Việt viết sách bằng tiếng Anh (Vincent Lam's The Headmaster's Wager) và tiếng Pháp (Kim Thúy's Ru). Nguồn: CBC
Hai tác giả gốc Việt viết sách bằng tiếng Anh (Vincent Lam’s The Headmaster’s Wager) và tiếng Pháp (Kim Thúy’s Ru). Nguồn: CBC

Linda Le ở Pháp là một trong 3 nhà văn nữ nổi tiếng hàng đầu của Pháp hiện nay. Cô đã có hơn 10 đầu sách xuất bản tại Pháp. Cạnh đó có Kim Đoan, Kim Lefèvre, Jean-Michel Truong. Những nhà văn trẻ gốc Việt viết bằng tiếng Mỹ thì đông đảo hơn với Monique Truong, Kien Nguyen. Đặc biệt hai nhà văn này, sách có thời gian là best seller ở nước Mỹ. Mong Lan, Duong van Mai Elliott, Dao Strom, Andrew Lam, Cathy Yardley, Lan Cao, Le thi Diem Thuy, Tran thi Nga, Le Ly Hayslip, Nguyen Quy Duc, Dinh Linh, Lee Minh McGuire. Aimée Phan Andrew Wells-Dang, Anna Moi, Barbara Tran, Pham Andrew X, Surai Michele M, Nathalie Huynh Chau Nguyen, Ly Ho, Thuong Vuong-Rick.
Cứ nhìn vào sự việc trước mặt, phải chẳng trong tương lai chỉ còn hai hình thức sinh hoạt sách báo ở nước ngoài. Viết báo chợ cho người Việt đọc quảng cáo và đăng phúng điếu, hiếu hỉ, hoặc nhà văn gốc Việt viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp cho người ngoại quốc đọc?
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài do tác giả gởi và đã đăng trong Thư Quán Bản Thảo, số 63 Tháng 2-2015. Trang 283-356. DCVOnline minh họa.

Tài liệu tham khảo:
(1) Huỳnh Như Phương vốn là hoc sinh và sinh viên Văn Khoa, ban Triết Sàigon trước 1975. Nay đỗ tiến sĩ và giảng dạy đại học Tổng Hợp, Tp Hồ Chí Minh. Ông có ý hướng muốn có sự cải tổ giáo dục hiện nay và mong tiến đến một nền tự trị đại học. Có tự trị đại học là có con đường mở ra cho Văn Học miền Nam trước 1975 có sơ sống dậy.
(2) Xem thêm Nguyễn Thị Ngọc Nga với bài: Sự hiện diện của triết học và văn học hiện sinh ở đô thị miền Nam 1954-1975 trong vietvan.vn, Khoa viết văn. Bao chi
(3) Trích Thư quán bản thảo: Chủ đề Khởi Hành và tôi, số 62, tháng 12-2014
(4) Xem thêm bài viết của tác giả: Sách cũ miền Nam.
(5) Xem thêm Nguyễn Văn Lục, Mảnh đất chuồi.
(6) Lấy lại ý của luật sư Đoàn Thanh Liêm tròng bài điểm sách cuốn Europe’s promise
(7) Trích báo Nhân Dân ngày 26- 6- 1976
(8) Xem Trần Trong Đăng Đàn trong Văn Hóa, Văn Nghệ Nam Việt Nam
(9) Cuốn De Gaulle, mon père, do Philiipe De Gaulle viết, trang 359
(10) Philippe De Gaulle, Ibid, trang 351. Si vous touchez à un seul de nos monuments publics, pas un Allemand ne survivra.
(11) Xem thêm bài viết Nguyễn Văn Lục: Phê phán cuốn Cuộc xâm lăng về Văn hóa và Tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam
(12) Trích Bảo Ninh, Hà Nội lúc không giờ, trang 83, nxb Văn Hóa Thông Tin, 2002.
(13) Thụy Khuê: Văn Học miền Nam 1954-75 theo cách nhìn của Vương Trí Nhàn hôm nay. RFI, ngày 14 và 21-6-2008
(14) Sau 1975, ông vào miền Nam, tìm gặp Nguyễn Văn Trung và thú nhận lúc đó phải viết như vậy chứ không có ác ý gì…
(15) Trích phỏng vấn của Thụy Khuê, Ibid
(16) Trích Hồi Ký của Nguyễn Hiến Lê, Lời của nhà xuất bản, trang 7
(17) Trích Hồi Ký Ibid, trang9
(18) Sách của Sơn Nam như Hương rừng Cà Mâu, Bến Nghé, xưa, Đất Gia Định xưa, Cá tính miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long, Nét sinh hoạt xưa, Người Saigon. Phần Vương Hồng Sển thì có cuốn Tiếng nói miền Nam, Khám lớn Sài gòn cũng được tái bản.
(19) Xem thêm Nguyễn Văn Lục, 20 năm sách dịch miền Nam Việt Nam
(20) Nhật Tiến, Một thời như thế.
(21) Xin đọc thêm bài viết của tác giả nhan đề Sách cũ miền Nam, có đề cập đến trường hợp ông Khai Trí.
(22) Chính người viết có ba cuốn sách giáo khoa, mỗi cuốn in 2000 cho vừa đủ dùng trong một năm và thường tái bản mỗi năm.
(23) Trích Trần Hoài Thư, Vài suy nghĩ về hiện tượng văn chương nữ giới thời chiến, trong Thư Quán Bản Thảo, trang 9, số 61, tháng 10-2004.
(24) Tin Sang, số ra ngày i-8-1976
(25) Duong Hoang Dung, Munich, 20.02.2012, trong Tu sach Tieng Que Huong.
(26) Vũ Hạnh, Mấy ý nghĩ về Văn Nghệ thực dân mới, tuần báo Đại Đoàn Kết
(27) Số liệu trên so với số sách đươc in ra bên Pháp dĩ nhiên thật khiêm tốn. Vào năm 2013, hơn 500 triệu cuốn sách đã được in ra. Nhưng hơn 100 triệu cuốn phải hủy bỏ vì không bán đượcm để dành chỗ cho sách mói ra đời.
(28) Léon Vandermeersch, Preface, Vietnam: Văn Hóa và Môi trường, Lê Hữu Mục, Thái Công Tụng,, Viện Việt Học, 2012.
[…]
Thụy Khuê: Bọn vua Lê chúa Trịnh là ai?
Mai Thảo: Miền Trung.
Thụy Khuê: Tại sao?
Mai Thảo: Tại vì họ không có bản chất để hiểu.
Thụy Khuê: Nhưng họ có đọc các anh không?
Mai Thảo: Đọc mà không vào thì sao?
[…]
Trích Thụy Khuê, Lần trò chuyện cuối cùng với Mai Thảo. Tháng 7 năm 1997
(29) Xem, bài viết của tác giả, Báo chí Việt Nam hải ngoại, thập niên đầu tiên, Tân Văn số 1, tháng 8 -2007
(30) Theo nhà văn Nhật Tiến, trong Mưa Xuân, nhà văn Nhật Tiến đã tố cáo nxb Đại Nam bần tiện và trí trá, vì sau khi tái bản sách không xin phép đã chỉ gửi về Việt Nam cho các tác giả 200 đô la, tệ hơn nữa chỉ là những gói quà.
(31) Nhật Tiến, Một thời như thế trang 117
(32) Mai Kim Ngoc, Văn Học, số 113, tháng chín 1995, trang 14
(33) Nguyễn Nam Anh, Đi xa với nhà văn nữ Kim Lefevre, Văn Học, số 104, tháng 12, 1994, trang 10
(34) Jean Baudrillard, Selected Writings, ed. Mark Poster (Stanford; Stanford University Press, 1988), pp.166-184.
(35) Nguyễn Vy Khanh, “40 năm Văn học chiến tranh (1957-1979)”, trang 96-98. Nxb Đại Nam.1977
(36) Trần Hoài Thư, “Thơ miền Nam trong thời chiến”, Tủ sách di sản văn chương miền Nam, 846 trang.
(37) The list of Vietnamese Poets and writers abroad, The Writers Post. A Magazine of Literature and Literature in Translation, Published biannually – ISSN: 1527-5469
(38) Nguyễn Vy Khanh, “Văn học Việt Nam thế kỷ 20, trang 346, 34. Nxb Đại Nam, 2004

(39) Uyên Thao, Các nhà văn nữ Việt Nam 1960-1970, trang 319
(40) Sách truyện của Thảo Trường có bán tại báo Sai gòn Nhỏ
(41) Xin đọc thêm bài viết tác giả: Nhận định về các nhà Văn Việt đầu thế kỷ 21.
____________
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
DCVOnline.net

 

Đăng ngày 21 tháng 08.2017