Chữ nghĩa làng văn

tháng 05.2017

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Chữ Việt cổ
Từ cổ tiếng Việt trong "Đại Nam quốc âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Paulus Của. Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại.
Ca: vai anh
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

Chữ Việt gốc Tàu
Chữ Việt gốc Tàu là một đặc thù của văn hóa Đồng Nai – Cửu Long, là những chữ, mà ta dùng thẳng từ của người Tầu và dùng âm của mẫu tự quốc ngữ viết lại.
Như:
Phở nguồn gốc từ chữ “phảnh” của tiếng Quảng Đông.
Nạm là miếng thịt ở bụng con bò có một lớp mỡ đính sát vào miếng nạm.
Ngầu mà ta đọc là gầu. Hán Việt là “ngầu đục”, đúng nghĩa là…miếng thịt bò.
Hủ tíu giống như bánh phở của ta. Triều Châu đọc là “quẻ tíu”. Hán Việt là “qua điêu”.
là bột lúa mì pha trứng, mầu vàng, sợi nhỏ. Đúng ra là “mìn”, ta đọc trại đi là…mì.
Tiệm xấmtiệm ăn sáng. Hán Việt là điểm tâm.
Lẩu, Quảng Đông đọc là “lò lửa”. Ta đọc là…”lẩ-u” là dụng cụ nấu nướng gồm cái lò và nồi nước. Vì nồi nấu có nước bao quanh một cái ống nên còn được gọi là…cù lao.
Lẫu còn gọi là “tả pín lù”. Hán Việt là “đả biên lư” nghĩa là “đánh bên lò”.
Từ “tả pín lù” của Tầu ta có…”thịt bò nhúng dấm”.
(Lê Ngọc Trụ – Tầm nguyên tự điển Việt Nam)

Ca dao lơ mơ lỗ mỗ
Bước chân dô quán đèn mờ
Ngồi gần con gái không sờ là ngu!!!
Thà rằng cắt tóc đi tu
Ngồi gần con gái…ngu sao không sờ?

Lăng căng
Lăng căng : vội vàng
(thấy nó lăng căng chạy theo)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Những câu đối hóc búa
Gần đây có những câu đối hóc búa là những câu đối có vận tài tình về lối chơi chữ.
Như:
Vợ cả, vợ hai, hai vợ đều là vợ cả
Nem chả ngon, chả ngon
Chị hươu đi chợ Đồng Nai, ghé qua Bến Nghé ngồi nhai khô bò
(Thân Trọng Thủy – Tập san Tân Văn)

Truyện hậu hiện đại
Nền văn học trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Tây phương, nếu chủ nghĩa hiện đại, trong nửa đầu thế kỷ 20, gắn liền với những thử nghiệm táo bạo của thơ, từ chủ nghĩa dada đến chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa vị lai và chủ nghĩa hình tượng (imagism) thì chủ nghĩa hậu hiện đại, từ giữa thế kỷ 20 đến nay chủ yếu gắn liền với tiểu thuyết, từ tiểu thuyết của Georges Perec và Monique Wittig ở Pháp đến tiểu thuyết của Italo Calvino và Umberto Eco ở Ý, của Gabriel Garcia Márquez ở Colombia, của J.M. Coetzee ở Nam Phi, và đặc biệt, của những tên tuổi như John Barth, Donald Barthelme, Robert Coover, Thomas Pynchon.
Như vậy, nhìn từ bất cứ khía cạnh nào, người ta cũng đều không thể phủ nhận một sự kiện: Từ mấy thập niên gần đây, tiểu thuyết đã thay thế thơ trong vai trò một thể loại chủ đạo trong sinh hoạt văn học. Đáng kể hơn, tính chất chủ đạo ấy còn thể hiện ở phương diện kỹ thuật và mỹ học: Chính ở tiểu thuyết, chứ không phải trong thơ, người ta chứng kiến được nhiều thử nghiệm táo bạo và độc đáo nhất liên quan đến nghệ thuật ngôn ngữ.
(phỏng theo Nguyễn Hưng Quốc – Truyện: Một số vấn đề mỹ học)

Khoa cử
Nền khoa cử chỉ một lũ hủ nho, mở miệng ra chỉ biết “chi, hồ, giả, dã”. Trong Việt Nam quốc sử khảo, về bãi bỏ thi cử Phan Bội Châu viết: “Triều Tiên bỏ từ năm Giáp Ngọ 1894, Trung Hoa bỏ từ năm Canh Tý 1903 duy chỉ nước ta còn có mà thôi”.
Và tiếp: “Người ta mửa ra, mình lại nuốt vào”.
(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Lối xưa xe ngựa…)
Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Phù dâu
Tục lệ xưa cần có phù dâu vì hôn ngân cưỡng ép, do cha mẹ định đoạt, nhiều nơi lại có nạn tảo hôn, thông thường thì "Nữ thập tam nam thập lục", con giá mười ba tuổi về nhà chồng đã biết gì đâu! do đó cô dâu phải có người dẫn dắt.
Người dẫn dắt cô dâu gọi là phù dâu.
Ngày xưa phù dâu phải là người cô, người dì hay chị em thân thiết của cô dâu, bày vẽ cho cô dâu, được cô dâu kính nể, mến phục, được bố mẹ cô dâu ủy thác. Người phù dâu phải là người may mắn, tốt phúc, duyên ưa, phận đẹp, con gái lành mạnh ngoan ngoãn, gia đình êm ấm, đề huề có thể truyền kinh nghiệm làm dâu, làm mẹ, làm vợ cho em, cho cháu mình. Phù dâu nhiều khi còn phải ở lại năm bảy ngày sau để cho cô dâu đỡ buồn và để chỉ bảo kinh nghiệm. Thông thường phù dâu cũng trở lại với dâu rể trong lễ lại mặt.
Đám cưới ngày xưa phải có phù đâu, không định lệ, và cũng không có danh từ "phù rể". Đám cưới ngày nay, nhiều nơi có cả phù dâu, phù rể, có đám mời đến năm sáu đôi phù đâu phù rể toàn là trai thanh, gái lịch, chưa vợ chưa chồng. Có lẽ mục đích để cô dâu thêm bạn, chú rể thêm bầu. Hay phải chăng ngày nay chàng rể bẽn lẽn e thẹn hơn xưa, nên phải có người dẫn dắt.

Triết lý củ khoai
(…trích lục lại)
Lúc bé, tưởng mình có thể thay đổi cả thế giới, giờ thấy được ngay cả một người còn chẳng có khả năng thay đổi. Có chăng, vẫn chỉ là tự thay đổi mình.

Chữ nghĩa làng…nhậu
Theo người Tàu, rượu là thuốc nên chữ “Y” (thuốc)
Có chữ “Tửu” (rượu) đứng trước
(Nguồn: Mường Giang)

Ca dao Hán Việt
Trong những bài ca dao thể loại này, chữ Hán và nghĩa được thể hiện cùng một lúc:
Cha con thầy thuốc về làng
Hồi hương phụ tử thì chàng đối sao?
Đáp:
Con vua đi sứ nhà trời
Thiên môn quân tử đã tỏ nhời chưa em
Cha con về làng, chữ hán là phụ tử và hồi hương, nhưng phụ tửhồi hương cũng là tên một loại thuốc. Con vua và nhà trời, chữ Hán là quân tử, thiên môn, nhưng quân tửthiên môn cũng là tên của một vị thuốc.
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
- Còn câu hỏi về sự tự vẫn của Nhất Linh tuy đã được bàn rất nhiều trên báo chí nhưng đâu đó vẫn còn những câu hỏi cho rằng Nhất Linh có vấn đề tâm thần dẫn tới cái chết của ông ấy…
- Đến bây giờ mọi người vẫn không chịu tìm hiểu gốc gác các câu chuyện tại sao, động cơ nào đã khiến ông Nhất Linh tự vẫn. Tôi làm việc với ông Nhất Linh nhiều nhất, khi tôi bắt đầu viết truyện theo sự huấn luyện và kèm của ông thì tập “Chồng con tôi” ra đời và do ông chọn.
Tiện đây tôi cho anh biết rằng lý do tại sao ông ấy lại làm ra vẻ điên như vậy vì ông ấy nói với tôi vào thời tôi đến chơi ở Đà Lạt với ông: “ Đời bác lắm khi phải giả vờ để tránh sự chú ý của Pháp. Có một lần bác phải giả điên điên, dại dại một thời gian. Rồi sau này thì nói khỏi rồi”.
Trong cuốn sách của ông Tú Mỡ có nói đến đoạn đó. Đó chẳng qua là một mưu kế chính trị mà một người như ông phải làm thôi. Đó là lần thứ nhất. Lần thứ hai, lần này thì mẹ tôi có ghi trong cuốn hồi ký là năm 60, ông ở nhà bà ngoại tôi là mẹ ông ở 58 Lý Thái Tổ (mà sau này tôi vô ở cùng) thì cảnh sát đứng rình chung quanh nhà. Như mẹ tôi nói” anh Tam lấy giấy tờ vất ra cửa sổ”, rồi nói năng lảm nhảm để giả vờ mình bị điên.
Thế nhưng cái đó không phải là lần đầu tiên. Ngày trước bác đã giả vờ điên rồi. Cái đó có ghi trong sách nhưng không ai đọc sách cả. Trong cuốn hồi ký của mẹ tôi đã in đến lần thứ ba. Mẹ tôi còn khôi hài “giá bác vất tiền ra thì mẹ đến mẹ nhặt”. Hai lần giả vờ điên thế nhưng người ta cứ bảo ông Nhất Linh tự tử chống Ngô Đình Diệm là vì ông điên. Tôi sợ họ không đọc sách cho kỹ nên họ mới là người điên.
(Gia đình Nguyễn Tường, vinh quang và bi kịch – Duy Lam)

Văn học miền Nam
Trước khi tìm hiểu chỗ đứng của văn học miền Nam từ 1954 đến 1975 trong bối cảnh chung của văn học Việt Nam, chúng ta cần nhìn lại sự hình thành và phát triển văn học quốc ngữ tại miền Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Chữ quốc ngữ được sử dụng, về mặt hành chánh, ở trong Nam trước, vì người Pháp chiếm Nam Kỳ trước và họ thúc đẩy việc dùng quốc ngữ trong Nam. Một mặt khác, nhờ sự tiếp xúc với Pháp và văn học Pháp, người Nam cũng hấp thụ được tinh thần dân chủ của Pháp qua ngả học đường và sách vở báo chí Pháp. Những nhà trí thức Tây học đầu tiên như Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Huỳnh Tịnh Của (1834-1897), đều thấm nhuần hai nền giáo dục: thủa nhỏ học chữ nho, sau đó được các thày tu đưa vào trường đạo học tiếng La tinh và tiếng Pháp, rồi đi du học (các trường đạo) ở Cao Mên, Mã Lai. Trương Vĩnh Ký nổi tiếng biết 15 ngoại ngữ, 11 tử ngữ, trở thành nhà bác học được các đồng nghiệp Tây phương kính trọng. Ông cũng là nhà bác ngữ học (philologue) và Việt học đầu tiên của nước ta. Bộ từ điển tiếng Việt "Đại nam quốc âm tư vị" do Huỳnh Tịnh Của soạn năm 1893, cũng là một trong những viên gạch đầu tiên xây dựng nền văn học quốc ngữ. Tờ báo quốc ngữ đầu tiên là tờ Gia Định Báo, do Pháp lập năm 1865, với chủ bút Trương Vĩnh Ký, rồi Huỳnh Tịnh Của. Tiếp đó đến tờ Nam Kỳ Nhật Trình (số 1 ra ngày 21/10/1897), Nông Cổ Mín Đàm (số 1: 1/8/1901), Lục tỉnh tân văn (số 1: 15/1/1907) v.v... Theo tài liệu của Nguyễn Văn Trung (công bố năm 1987), cuốn tiểu thuyết quốc ngữ sớm nhất viết theo lối Tây phương, Thày Lazzaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, xuất hiện ở trong Nam ngay từ 1887 và bản dịch Tam Quốc Chí đầu tiên, cũng khởi đăng trên Nông Cổ Mín Đàm, số một. (Nguyễn Văn Trung, Lục Châu Học).
Khi người Bắc di cư vào Nam năm 1954, họ ngạc nhiên thấy những người phu xe xích lô Sàigòn, buổi trưa, tìm chỗ mát nghỉ ngơi, ngồi gác chân đọc nhật trình, việc không thể có ở ngoài Bắc. Sở dĩ có hiện tượng này bởi vì miền Nam có truyền thống đọc sách báo của người bình dân mà ở ngoài Bắc không có; bởi miền Nam đã là vùng đất của quốc ngữ và báo chí, tiểu thuyết, ngay từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khiến nền văn chương bình dân phát triển mạnh ở trong Nam, trong khi ngoài Bắc, sách vở, báo chí phần lớn chỉ dành cho người có học.
(Thụy Khuê – Văn học miền Nam)

Chữ nghĩa hiện thực
Tiền thì anh không thiếu.
Nhưng nhiều thì anh không có!

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Sau một loạt ấn bản “từ điển Vũ Chất” bị “tuýt còi” với lỗi ngô nghê, mới đây, lại có thêm một cuốn từ điển với cách giải nghĩa từ ngữ… giật mình, đó là cuốn “Từ điển tiếng Việt” do NXB Bách khoa Hà Nội biên soạn, với đối tác liên kết là Nhà sách Huy Hoàng.
“bia” là “rượu giải khát”
(Chính Lê)

Rượu ty
Năm 1858, khi những người Pháp đặt chân đến Việt Nam, vẫn chưa có sản xuất rượu ở quy mô công nghiệp. Chính phủ bảo hộ khuyến khích người Việt nấu rượu, uống rượu để thu thuế. Kể từ khi sản xuất rượu công nghiệp ra đời, chính quyền bảo hộ ra sắc lệnh cấm dân tự nấu rượu, ngừng cấp giấy phép nấu rượu cho gia đình đã từng kinh doanh bằng nghề nấu rượu, chỉ duy trì một số làng nghề tập trung để dễ thu thuế. Việc cấm dân nấu rượu ngày càng được kiểm soát chặt chẽ đi đôi với đẩy mạnh sản xuất rượu công nghiệp, một số tổ chức thanh tra riêng do người Pháp trực tiếp chỉ huy đã được thành lập chuyên đi bắt phạt những gia đình nấu rượu không phép, những đối tượng mà dân Việt thường gọi là "Tây đoan”.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Không phải tại anh mà cũng không phải tại em
Tại ngôn ngữ khỉ gió nên chúng mình giận nhau

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
cáo bệnh 告病, cáo lão 告老
Trong các từ này mà giảng rằng, cáo nghĩa là báo cho biết thì thật là ngớ ngẩn, nhưng chính soạn giả đã giảng giải như thế. Chữ cáo 告 có nhiều nghĩa, mà nghĩa cụ thể trong trường hợp này là xin rút lui, xin miễn trừ. Nghĩa này cũng đã đi vào tiếng nói hàng ngày của người Việt Nam, ví dụ, người ta nói “hôm nay có cuộc họp nhưng tôi xin cáo” thì cáo có nghĩa là xin miễn họp. Khi nói đùa thì người ta đổi cáo thành kiếu, ví dụ: chuyện đó thì tôi xin kiếu.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Tiếng Việt trong sáng
Làm tốt: Tốt là một tính từ bổ túc nghĩa cho danh từ, như hạnh kiểm tốt, sức khỏe tốt.
Ngày nay tốt được dùng làm trạng từ bổ túc nghĩa cho động từ, như làm tốt, học tốt, thay vi nói làm giỏi, học giỏi.
(Triêu Thanh tạp chí)

Ca dao Hán Việt
Trong những bài ca dao thể loại này, chữ Hán và chữ nghĩa nằm ở hai vế trên và dưới:
Cưu hạn phùng cam vũ
Tha hương ngộ cố tri
Tình cờ mà gặp mấy khi
Hỏi thăm thục nữ giai kỳ định chưa?
Câu chữ Hán ở vế trên có nghĩa là: Xa quê gặp bạn cũ chẳng khác nào đại hạn gặp mưa.
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Nhà thơ, nhà văn: Không có nghĩa là cái nhà để chứa những bài thơ, bài văn mà chỉ là người làm thơ, làm văn.


Sách vở xưa dùng chữ "mỗ" để gọi những người không biết tên. Chữ mỗ là đại danh từ không chỉ rõ cái gì, người nào. Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, đưa ra một loạt các ông bà Mỗ : ông liệt sĩ Mỗ (họ tên chưa thể tra xét được). Thầy địa lý Tả Ao là ông Mỗ, người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Ông thượng thư Nguyễn Văn Giai thuở nhỏ học ông Thái học sinh Mỗ. Có thể cho rằng chữ Mõ, chỉ một người không tên tuổi, là từ chữ Mỗ mà ra.

Mời ai, tìm ai, tiếng Hán việt là "Mộ". Chữ “mộ” có thể chuyển qua chữ nôm thành “mõ”. Mõ là người đi mời (mộ) làng nước. Về sau các đồ vật được mõ dùng, hoặc các đồ vật được dùng để làm hiệu lệnh, để rao gọi, đều được gọi là mõ. - điếm làng có cái mõ cá làm bằng đá tạc hình con cá. Tấm sắt cầm canh (chữ Hán Việt là thác) cũng được gọi là mõ canh. Nhà sư lúc tụng niệm chú tâm dùng mõ làm hiệu lệnh, giữ nhịp.
Bài thơ Vịnh cái mõ của Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu: Điêu đẩu thiên cao dạ chuyển canh”. nghĩa là Trời cao, tiu kẻng, đêm dời canh”. Và được chú thích rằng: "Điêu là cái kẻng (xưa gọi là cái tiu), đẩu là cái đấu dùng trong quân binh để đong gạo nhưng cũng dùng để gõ làm hiệu lệnh. Điêu và đẩu đều dùng như kẻng và mõ trong quân binh".
Tóm lại, thằng Mõ, người đi mời mọi người trong làng, là do chữ mộ (mời) hoặc chữ mỗ (không tên tuổi) mà ra. Và đồ nghề của Mõ thì được gọi là cái mõ. Cái mõ có thể được làm bằng gỗ, bằng tre, bằng gạch đá hay bằng sắt.
(Nguyễn Dư – Chim viêt.free.fr)

“Từ điển” của một người Bắc vào Nam sau 75
(Chữ nghĩa làng văn giữ nguyên chữ và câu cú, không…”nát bàn” với lời bàn Mao Tôn Cương)

Bá chấy bù chét
Bà tám = nhiều chuyện (thôi đi bà tám = đừng có nhiều chuyện nữa, đừng nói nữa)
Bang ra đường = chạy ra ngoài đường lộ mà không coi xe cộ, hoặc chạy ra đường đột ngột, hoặc chạy nghênh ngang ra đường
(Nhớ đâu viết đấy… - Nguyễn Văn Trường)

Chữ Việt cổ
Sách Tân Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh viết trong thế kỷ 15 gọi lối ký tự Việt cổ là chữ Khoa đẩu do có hình những con nòng nọc. Sách Thông Chí của Trịnh Tiêu biên soạn trong đời Tống có đoạn viết rằng “Đời Đào Đường, nam di Việt Thường thị qua nhiều lần thông dịch đã biếu một con rùa thần, rùa ước được ngàn tuổi, rộng hơn 3 thước, trên lưng có chữ Khoa đẩu, chép việc từ lúc khai thiên lập địa đến ngày nay. Vua Nghiêu cho chép lấy gọi là Quy lịch”.

Khác với chữ Hán tượng hình, Khoa đẩu của người Việt cổ là thứ chữ tượng thanh gồm nhiều ký âm viết thành hàng ngang như chữ Quốc ngữ ngày nay.
Gần đây nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền sắp xếp lại thành 47 chữ cái cùng phép chính tả và vài niêm luật. Trước đó trong khoảng năm 1850, vị quan Phạm Thận Duật cũng là nhà văn hóa lớn đã tỉ mỉ ghi chép, phân loại các dị bản chữ cổ ở vùng Tây Bắc.
(Chữ Việt cổ - Trần Vân Hạc)

(còn tiếp)

 

Đăng ngày 15 tháng 05.2017