Nên đối kháng hay đối thoại

với Cộng sản Bắc Việt?

Mai Thanh Truyết

Be your best self - Live your best life

Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng như hiện nay, trong lúc toàn dân trong nước đang dâng trào đứng lên chống Tàu khựa, chống Thái thú biết nói tiếng Việt là Đảng CSBV, thế mà, tại hải ngoại vẫn còn luận điệu …”nội – ngoại” cùng nhau đoàn kết chống “giặc Tàu”! Đây là một suy nghĩ hết sức trái khoáy và là sức cản không nhỏ đẩy lùi tiến trình mang lại dân chủ cho Việt Nam.
Một lần nữa, để làm sáng tỏ vấn đề, bài viết nầy hy vọng mang lại một hướng suy nghĩ rốt ráo về tư thế của một người con Việt trước tình trạng cấp bách đang xảy ra ở Việt Nam.

1- Đối thoại là gì? Tại sao phải đối thoại?
Đề tài hòa giải xuất hiện ở cộng đồng hải ngoại qua Nghị Quyết 36 từ năm 2006 qua các sự việc như CSBV tung tiền mua chuộc những nhân vật “nhẹ dạ” bằng tiền và những lời hứa hão huyền cho một vài chức vụ đại diện “dân cử” trong nước qua Thứ trưởng ngoại giao CS Nguyễn Thanh Sơn (thời bấy giờ) ở hải ngoại và do Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc ở trong nước.
Cao điểm của Nghị quyết nầy là lúc Nguyễn Thanh Sơn được thành phố Houston tiếp đón vào năm 2012, đã tạo ra nhiều xáo trộn cho cộng đồng thành phố trên qua việc một Nghị viên và một số nhân vật cộng đồng ủng hộ và cổ súy cho chính sách hợp tác với CSBV.
Từ đó, vấn đề hòa giải được mặc chiếc áo khác là “đối thoại”. Có lẽ học kinh nghiệm những năm trước về sự thất bại qua lời kêu gọi hòa giải mà phía CSBV lùi lại một bước và chỉ kêu gọi đối thoại nhằm mục đích để tìm hiểu những khác biệt, mâu thuẫn hay làm quen, một bước khởi đầu hữu lý để đưa tới hòa giải. Quả thật sự hữu lý đã xảy ra, khiến cho một số người Việt ở Houston đã đi gặp ông Sơn và chiêu bài đối thoại đã được một số người, vài đảng phái hải ngoại chấp nhận và thậm chí cổ võ. Thử xem xét về hai ý tưởng sai lầm mà những người bênh vực lý lẽ ‘đối thoại’ đưa ra.

  • Đối thoại là bước khôn ngoan, hòa bình để giải quyết mâu thuẫn, tốt hơn là đối đầu có thể gây ra nhiều tổn hại. Trong ý nghĩa này, đối thoại còn có thể được tận dụng làm vũ khí đấu tranh;
  • Hiện nay nội bộ nhà cầm quyền CSBV có nguy cơ sụp đổ vì những rối loạn trong nhiều lãnh vực như kinh tế, tham nhũng, xã hội… nhất là nguy cơ xâm lược của Tàu cộng và bị bế tắc không biết phương cách giải quyết.

Nay đại diện CSBV đề nghị ‘đối thoại’ với cộng đồng người Việt hải ngoại:
1- Phải chăng là “họ” đang bị bế tắc chính trị?
2- Phải chăng họ muốn nhờ cộng đồng hải ngoại giúp một tay gỡ mối rối: xây dựng lại đất nước và chống ngoại xâm.
3- Hay phải chăng người CS đã chán chủ nghĩa CS và chỉ muốn thoát thân an toàn’?
Ba giả thuyết về câu chuyện ‘đối thoại’ này có hai điểm sai lầm khi được nhìn dưới lăng kính đấu tranh (còn những ai nếu có ý muốn ‘chia phần’ với CSBV thì xin miễn đọc tiếp) như sau:

  • Đối thoại không hề là một công cụ đấu tranh như từng được diễn tả trong lịch sử chiến tranh. Trong chiến tranh, thắng bại đều do sự tương quan thế lực của hai bên mà đối thoại thường xảy ra để dàn xếp vấn đề thắng thua một cách ổn thỏa và tránh thêm đổ máu. Cuộc đấu tranh với chế độ CSBV ngày hôm nay, cũng là chiến tranh với hình thức đấu tranh dân sự, thay vì bằng quân đội vũ trang. Sự thắng thế trong bất kỳ thương thảo nào cũng tương ứng với thắng thế ngoài mặt trận và không thể có điều ngược lại. Dựa trên nguyên lý này, thử điểm lại tình hình đấu tranh của lực luợng dân chủ chống lại chế độ độc tài CSBV thì thấy ngay rằng, phía dân chủ thực ra chưa gây được thiệt hại đáng kể nào cho phía CSBV cả.

Vậy thì phía dân chủ lấy gì để đặt điều kiện, để gây áp lực hay đưa ra đòi hỏi? Nếu một bên không có vật trao đổi thì để nhận được điều mình muốn sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào ‘lòng tốt’ của đối phương. Ý nghĩa này là gì nếu không phải là sự xin-cho? Kết luận là hoàn toàn không phải đối thoại.

  • Rồi có giả thuyết cho rằng, sẽ có ngày CSBV rơi vào một tình thế gọi là ‘bế tắc chính trị (vì không thể kết hợp dân tộc để chống ngoại xâm và xây dựng đất nước) và con đường giải quyết duy nhất là ‘hòa giải’ giữa hai miền Nam và Bắc, quốc nội và hải ngoại, cộng sản và quốc gia để mọi người Việt Nam có thể cùng góp phần chống ngoại xâm và xây dựng quê hương.

Đây lại là một giấc mơ của những người không muốn dấn thân đấu tranh mang tâm khảm chủ bại và muốn có phần thưởng một cách dễ dàng qua sự “hoà giải, hòa hợp” của ĐCSBV. Khi một nhà làm chính trị “xôi thịt” thích mơ mộng thì ông hay bà ta không muốn nhìn vào thực tế, những thực tế CSBV đã làm trong quá khứ như:
- Công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng,
- Hiệp định biên giới, thái độ ươn hèn của thời Nông Đức Mạnh,
- Né tránh hàng loạt ‘tàu lạ’ ngoài Biển Đông,
- Đàn áp người biểu tình chống Tàu cộng xâm lược,
- Càng mạnh tay hơn với người biểu tình đòi đuổi Formosa, đòi biển sạch.
Giấc mơ này càng làm cho người cộng sản được nâng lên thành những người yêu nước đang tìm kiếm hướng đi đúng đắn cho đất nước chứ không phải là những kẻ bán nước.
Nếu thực sự CSBV cảm thấy bị bế tắc chính trị thì chẳng cần hỏi đâu xa, chính họ cũng biết rất rõ, rõ hơn tất cả 93 triệu người dân sống trong nước. Nhưng vì họ là một đảng độc tài đảng trị, chọn cơ chế chuyên chính vô sản làm kim chỉ nam, cho nên dù có bế tắc chính trị đi nữa…họ vẫn bám chặt quyền bính, nếu cần sắt máu, họ cũng không từ nan. Do đó, mọi chuyện sẽ chỉ được giải quyết một khi giải tán và giải thể được ĐCSBV mà thôi.

2- Tại sao phải đối kháng?
Cuộc tranh chấp giữa lực lượng dân chủ và độc tài CSBV là một cuộc tranh chấp nằm trong ý thức hệ giữa cộng sản và tự do, độc tài và dân chủ. Đó là hai nguyên lý xung khắc không thể nhượng bộ hay thương thảo mà kết quả đưa tới phải là thắng hoặc thua. Chính hoàn cảnh này nói lên tính dứt khoát của lực lượng dân chủ phải là đối kháng mới có thể đạt mục tiêu.
Bất cứ ai chủ trương đối thoại là chưa thực sự bước vào con đường đấu tranh với CSBV hay chưa hiểu bản chất về cuộc tranh chấp.
Trong đấu tranh, sự thắng thua đặt căn bản trên thực lực của mỗi bên, không phải trên đối thoại. Thông thường, bên yếu muốn ‘đối thoại’ để ngưng chiến để có thời gian củng cố lực lượng hay để xin đầu hàng tránh bị tận diệt. Mặt khác bên mạnh muốn ‘đối thoại’ để dụ chiêu hàng bên thua mà không tổn hao lực lượng. Với tương quan lực lượng ngày nay, nhà cầm quyền CSBV hẳn nhiên là bên mạnh đối với lực lượng dân chủ thì khi họ ngỏ ý muốn “đối thoại” với cộng đồng người Việt hải ngoại thì chỉ có nghĩa là dụ ‘chiêu hàng’!
Đối kháng với CSBV là công việc thiên nan vạn nan. Tầm mức to lớn của vấn đề quả đã làm nhiều người e ngại, mất tự tin, nhưng hãy điểm qua trường hợp cách mạng bất bạo động Ba Lan để tìm xem nền dân chủ mà dân Ba Lan có được ngày hôm nay là do đảng CS Ba Lan ban cho (đối thoại) hay phải tự đổ xương máu giành lấy?
Sơ lược công cuộc đấu tranh ở Ba Lan bắt đầu từ khoảng năm 1970 với cuộc đình công lớn của công nhân xưởng đóng tàu Lenin ở thành phố cảng Gdansk kéo theo các cơ xưởng trong vùng, sau đó dẫn tới việc đốt phá trụ sở đảng cs thành phố. Nhà cầm quyền cs đã phải huy động tới 60,000 quân lính để đối phó và dẹp yên. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh vẫn âm ỷ tiếp diễn ngoài vòng pháp luật. Năm 1979, buổi thánh lễ do Đức Giáo Hoàng John Paul II cử hành, trong lần đầu tiên trở về Ba Lan sau khi nhậm chức (1978), đã quy tụ 3 triệu người trong trật tự, không cần tới an ninh của chính quyền và đã không xảy ra bất cứ xô xát nào. Năm 1980, công nhân toàn quốc đình công với sự tham gia của 1 triệu đảng viên cs, số thành viên của Công đoàn đoàn kết Solidarity lúc này lên đến 10 triệu người. ĐCS Ba Lan đã phải dùng tới đội quân 100,000 người được huấn luyện đặc biệt và toàn thể đội cảnh sát cơ động (riot police) để đối phó. Sau đó Solidarity đổi chiến thuật qua phương thức bất hợp tác làm suy yếu nền kinh tế dần và cuối cùng ĐCS đã phải chấp nhận ‘đối thoại’ theo điều kiện do Solidarity đòi hỏi. Năm 1990, Lech Walesa trở thành tổng thống và đcs Ba Lan bị mất quyền chủ động.
Qua 20 năm đấu tranh, người công nhân và dân chúng Ba Lan đã hiểu ra rằng bắt buộc phải thay đổi thể chế thì các quyền dân sự của họ mới được bảo đảm và cuối cùng họ đã không chấp nhận bất cứ điều kiện gì thấp hơn đòi hỏi dân chủ hoàn toàn.
Từ ví dụ của Ba Lan mà ngẫm ra Việt Nam sẽ thấy ngay rằng người dân Việt Nam, nếu muốn có tự do thì chính mình phải tranh đấu để giành lại.
Muôn đời sẽ không có người CS nào ban phát cho cả.
Xin đừng mong cầu, van xin, khuyên nhủ.
Chỉ có áp lực mới có thể đưa ĐCSBV tới chỗ giải thể.
Cộng sản và Tự do, Độc tài và Dân chủ không thể đi đôi. Người CS hiểu rất rõ điều này và phía dân chủ cũng phải hiểu như thế.
Chỉ có đối kháng mới loại bỏ được chế độ cộng sàn Bắc Việt, Thái thú của Tàu Khựa mà thôi!

Mai Thanh Truyết
Nhóm Chống Tàu Diệt Việt Cộng
Mùa Quốc nạn 2017

http://maithanhtruyet.blogspot.com


NHỮNG ĐỨA TRẺ THÁNG TƯ

Khuất Đẩu

Thủa ấy, thế hệ chúng tôi thường ca cẩm đầu thai nhầm thế kỷ! Cái thế kỷ mà chúng tôi ngán ngẩm là thế kỷ hai mươi, với thế chiến thứ nhất, thế chiến thứ hai, rồi chiến tranh lạnh, chiến tranh qui ước và cuộc nội chiến lê thê suốt hai mươi năm dài.
Kêu trong chán nản, trong hờn dỗi nhưng không tuyệt vọng. Vì còn kêu được kia mà. Chỉ có một chút tấm tức, sao không được sinh ra trong những thế kỷ yên bình. Có nghĩa rằng, dù thế nào chăng nữa, thì được sinh ra làm người vẫn hơn là không được sinh ra.
Khác hẳn với những đứa trẻ sinh ra trong tháng tư, bảy lăm, sau chúng tôi một thế hệ. Chúng không kêu mà hỏi: sinh chúng tôi ra làm gì?
Đó là những đứa trẻ mẹ mang đầy bụng, mẹ không thở ra hơi mà vẫn phải bết bát chạy.
Chạy từ cầu Ái Tử qua cầu Tràng Tiền. Rồi từ cầu Tràng Tiền lê lết trèo qua đèo Hải Vân. Rồi từ đèo Hải Vân qua đèo Mẹ Bồng Con. Sau cùng đến giữa trái tim thủ đô Sài Gòn, vẫn phải giẫm đạp lên nhau để xuống bến Bạch Đằng, hay chen lấn nhau đến nghẹt thở để chui vào phi cảng Tân Sơn Nhất. Một cuộc chạy Marathon dài nhất trong lịch sử.
Và rồi mẹ sinh. Không phải trong nhà thương Từ Dũ với sự giúp sức của các bác sĩ và cô đỡ mát tay để mẹ tròn con vuông.
Mà sinh, có thể là lúc đang chạy trối chết, con rớt trong quần mà mẹ không hay.
Cũng có thể là lúc mẹ mệt quá cái đôi chân này đang ngồi tựa lưng vào một bức tường lỗ chỗ dấu đạn. Rồi con lặng lẽ chui ra mà mẹ không cần phải rặn, đúng hơn là không còn hơi sức đâu mà rặn.
Có thể trong thùng xe chất cứng người, suýt nữa con bị người ta đạp cho nát bét.
Có thể trên con tàu mấp mé sắp chìm, người ta đang ném những xác chết và những người sắp chết xuống biển cho nhẹ bớt. (Cũng may họ không ném những người đàn bà chửa)
Có thể trong khoang trực thăng mà viên phi công bị đạn dưới đất bắn lên, xuyên qua ghế ngồi khiến anh ta đầm đìa máu, vẫn cố sức giữ cho máy bay khỏi rơi.
Có thể mọi lúc, mọi nơi, mọi giờ, mọi phút.
Ngay cả phút cuối cùng của giờ thứ hai mươi lăm, khi tông tông Dương Văn Minh vừa nói xong mấy tiếng “đầu hàng không điều kiện”.
Mẹ sinh, không có cha bên cạnh.
Có thể cha đã chết trong chiến hào, có thể đang chiến đấu mà súng bị gãy, có thể bị thương, bị bắt, cũng có thể cởi bỏ quân phục lẫn lộn giữa đám thường dân đói khát trên quốc lộ số 1
Người ta đi biển có đôi
Còn tôi đi biển mồ côi một mình.
Mẹ sinh con ra chỉ mình ên, quạnh hiu lắm con ơi!
Mẹ sinh con ra, chính mẹ, cũng không biết để làm gì!
Không biết để làm gì nhưng vẫn muốn con được sống.
Giữa chốn đông người, mẹ vẫn cứ vạch áo ra cho con bú. Tuy chỉ uống nước lã cầm hơi, mẹ cũng hãy còn một ít máu. Những giọt máu hiếm hoi màu đỏ khi chảy qua miệng con vẫn thành màu trắng thơm tho.
Và kỳ diệu làm sao, con vẫn sống được.
Nghĩa là con vẫn thở trong khi khắp nơi đậm đặc mùi xác chết thối rữa, mùi khói, mùi xăng, mùi nhà cháy. Và con vẫn khóc được trong tiếng đại bác ì ầm, tiếng A.K cọc cọc, tiếng xe tăng rít trên mặt đường.
Con sống, nhưng sau cái phút cuối cùng của giờ thứ hai mươi lăm, mẹ ngơ ngác không biết đang ở đâu, rồi sẽ đi về đâu giữa rừng cờ nửa xanh nửa đỏ.
Sau cùng, mẹ cũng hiểu ra rằng lịch sử đã sang trang. Không chỉ riêng mình mẹ mà nửa nước đều thấy xa lạ với chính thành phố, xóm làng của mình. Ngay cả con phố, căn nhà, mảnh vườn cũng không còn là của mình nữa.
Mẹ bị đuổi về quê làm xã viên hợp tác xã. Mẹ lội xuống ruộng, mặc dù rất sợ đỉa, để cấy, gặt. Đôi lúc mẹ trần vai để kéo cày thay trâu. Mẹ làm ra lúa ra khoai đầy kho đụn, nhưng mẹ và những người đội nón lá chỉ làm cho nón cối hưởng, nên con vẫn đói khát, bủng beo.
Mẹ bị hốt trong đêm quẳng lên rừng thiêng nước độc, gọi là kinh tế mới. Mẹ phải sống chung với rắn rít và cả cọp beo, khi ấy hãy còn nhiều lắm. Mẹ bẻ măng rừng, hái nấm ăn cho đỡ đói. Nhiều lần ăn phải nấm độc suýt chết. Cả con và mẹ đều bị sốt rét rừng, bụng ỏng da vàng khè.
Chịu hết xiết, mẹ cõng con trốn về thành phố. Mẹ vay mượn chút ít chạy chợ trên, lộn chợ dưới. Bị mắng là con buôn, bị quản lý thị trường rượt đuổi còn hơn mã tà. Một đôi lần bị cướp sạch cả vốn. Đến nổi, nói ra thật xấu hổ, chỉ còn cái vốn trời cho. Để làm lại cuộc đời mẹ đã thử theo bè bạn đi đứng đường. Nhưng mẹ gầy yếu teo tốp quá, chẳng ai thèm rớ tới.
Cũng may, lúc ấy cha con chẳng phải chết, chỉ bị bắt đi cải tạo, vừa được thả ra. Cha con còn thảm não hơn cả mẹ. Nhưng nhờ cái gọi là tình chồng nghĩa vợ, mẹ cha cũng gắng gượng mà sống để nuôi con. Cha đạp xe thồ, bán cà rem, mẹ lượm lon nhặt giấy vụn trong bãi rác.
Con được (hay bị) dạy thành cháu ngoan Bác Hồ.
Rồi con cũng học đến lớp 12.
Nhưng tới đó thì thôi, cánh cửa đại học đã đóng sầm trước mặt con.
Con bị ném vào đời không nghề nghiệp, không vốn liếng.
Con sống lây lất cho đến hôm nay.
Hôm nay, những đứa trẻ tháng tư năm ấy đã bốn mươi tuổi, cái tuổi tứ thập nhi bất hoặc. Còn bi đát tội nghiệp hơn cả cha mẹ, chúng không có quá khứ để tiếc thương, không có tương lai để hướng tới, chỉ có cái hiện tại không sắc màu, không mùi vị, như một con số không chẳng biết để làm gì.
Trong gia đình, nhìn thấy mẹ cha co rúm, mòn cùn, tuy không nói ra, nhưng chúng thừa biết họ là những kẻ hèn. Ngoài xã hội, chúng chỉ đứng bên lề, nếu không muốn nói là đứng dưới đáy. Trong khi những đứa cùng năm sinh, tháng sinh nhưng ở nửa nước bên kia hay dưới cái dù lý lịch màu đỏ phía bên này đang được cơ cấu vào những chức vụ ngon ăn, sắp sửa đi làm đầy tớ cho những ông chủ kém may mắn nói trên.
Thế nên, đến chết vẫn còn nguyên câu hỏi: Sinh ra trong chết chóc, lớn lên trong đói khổ và suốt đời sống trong ô nhục, vậy sinh chúng tôi ra làm gì?!
Khuất Đẩu

https://baovecovang2012.wordpress.com

Những bài viết của Đặng Chí Hùng

 

Đăng ngày 09 tháng 05.2017