Tác giả & Tác phẩm

15 tháng 2.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Dẫn nhập: Với cái nhìn chủ quan của người biên soạn, tuyển tập 300 tác giả và tác phẩm đơn thuần chỉ là công việc góp nhặt sỏi đá những tác phẩm tiêu biểu một thời của những tác giả tiền chiến, hậu chiến, trước hay sau 75 của hai miền Nam Bắc, trong nước cũng như ngoài nước, già hoặc trẻ, cũ hoặc mới. Tác giả và tác phẩm được góp mặt mỗi tuần theo thứ tự họ hoặc tên qua mẫu tự A, B, C… Xin thành thực cám ơn những tác giả có mặt trong tuyển tập nhưng vì trở ngại thông tin, chúng tôi đã không thể xin phép quý vị trước khi đăng tải. – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.


Nguyễn Tường Bách (II)

Tiểu sử
Hiện sinh sống ở Hà Nội.

Tác phẩm
Hoài niệm Hội An
Trên đỉnh Linh Thứu nhớ Descartes

Mục lục
Trước nhà là sông
Trên những ngọn đèo
Hoài niệm Hội An

Phụ đính :
Chuyện trên máy bay
Dòng người bất tận
Tùy bút mùa lụt
Mùa xuân lên đỉnh non cao
Quán cóc bên đường
Berlin, ngày hè…

_____________

Trước nhà là sông

Phía Bắc kinh thành Huế có một thị trấn nhỏ tên gọi là Bao Vinh. Từ thành phố Huế, khách đi dọc theo một nhánh sông nhỏ của sông Hương mà tiếng dân dã gọi là sông Đông Ba. Qua cầu Thanh Long, sau khi quanh co vài ba đoạn đường, khách sẽ đến cầu Bao Vinh. Qua khỏi cầu là một thị trần chỉ độc một con đường duy nhất dài khoảng 300m. Đó là Bao Vinh, quê tôi.
Sông Hương vốn đã nhỏ nên nhánh sông Đông Ba càng nhỏ hơn. Đi dọc theo nhánh sông này khách dễ nghĩ mình sẽ càng lúc càng xa sông nước. Nhưng khách lầm, nhánh sông Đông Ba đó dẫn về biển. Ngang cầu Bao Vinh thì nhánh sông đã đón thêm một nhánh khác, nở rộng hơn, chờ giờ hợp lưu với biển. Bên này bờ là Bao Vinh thì bên kia là Tiên Nộn. Hồi nhỏ, tôi nhìn qua chỉ thấy những hàng dừa mờ mờ. Bao Vinh thì làm gì có cầu bắc qua sông, người ta chỉ đi đò ngang. Người có sức thì bơi nổi qua sông. Còn tôi, thú thật cả đời chưa qua Tiên Nộn. Đứng trên bờ Bao Vinh nhìn về hướng biển, tôi chỉ thấy một vùng sáng rực, xa thăm thẳm. Thời trẻ con, tôi nghĩ sáng rực như thế phải là vùng của thần tiên và miền đó hẳn phải có tiên.
Sông Hương không phải lúc nào cũng êm ả như khách tưởng. Những ngày sông Hương nước lớn thì khách nào mà đến Huế, chỉ có dân Huế biết cái lụt của xứ Huế và biết cái phẫn nộ của sông Hương. Đó là những ngày mà nước bạc cuồn cuộn chảy từ trên nguồn về để đổ ra biển, mang theo cơ man nào là cây gãy và củi mục. Trẻ con như tôi từ trong nhà nhìn ra sông Bao Vinh chỉ rùng minh khi thấy nước cuốn ào ạt, người có sức cũng không ai dám ra sông vớt củi. Thế nhưng, nước lớn cũng có cái thú vị. Nó sẽ tràn lên đường, róc rách ngấp nghé trước nhà. Bây giờ ngay trước nhà đã là sông và trẻ con khỏi đi học. Không những đỡ được chuyện học, trẻ con còn được lội lụt, làm nơm bắt cá, dong buồm làm tàu, biết bao nhiêu niềm vui, kể sao cho hết. Con đường dài 300m đó bỗng trở thành dòng sông nhỏ, người ta ngồi ghe thuyền đi lại buôn bán cười đùa.
Bao Vinh là vùng trũng nên nó ngập nước trước nhất khi xứ Huế bị lụt. Có khi Bao Vinh lụt nhưng "trên phố" không ai biết đến. Và khi "trên phố có nước" thì Bao Vinh đã ngập đầu, bàn ghế đã trôi chỏng ngỏng, trẻ con cũng đã bớt vui. Thế nên chuyện lụt của Bao Vinh là chuyện cơm ngày ba bữa, người ta chỉ đợi nước rút là đi quét bùn non.
Nói thế chứ khách đừng vội tưởng Bao Vinh bị thiên nhiên bạc đãi. Nhờ gần cửa biển nên Bao Vinh chính là bến cảng ngày xưa của xứ Huế. Từ đầu thế kỷ thứ 19, nơi đây là chỗ tập trung nhộn nhịp của thương thuyền từ trong Nam ngoài Bắc ghé bến, kể cả thuyền buôn nước ngoài. Đầu những năm 50 tôi còn thấy những chiếc thuyền to lớn đậu bến Bao Vinh. Đó là những chiếc thuyền gỗ mà điều làm tôi kính sợ nhất là đôi mắt của nó được vẽ ở phía đầu thuyền. Ông tôi nói phải vẽ những con mắt đó để thủy quái tưởng thuyền là đồng loại, chúng mới không làm hại. Lân la đến các chiếc thuyền đó chơi, tôi đứng nhìn những người đàn ông lực lưỡng, da như đồng sắt. Họ bơi qua Tiên Nộn như chơi, nhưng họ nói tiếng gì tôi không hiểu. Hỏi ông tôi, ông bảo họ là người đem muối từ trong Nam ra bán, nói tiếng Bình Định.
Còn ông tôi là nhà buôn muối. Muối này là muối sống, hạt của nó to như đầu ngón tay út. Đưa lên cao xem thì thấy tinh thể muối có hình như chiếc tháp nhỏ. Muối được đựng trong những chiếc cạp thật lớn, đường kính dễ chừng cũng hai ba mét. Trẻ con xứ Bao Vinh như tôi thì đâu có gì chơi, chỉ biết ngồi trước nhà nhìn người qua kẻ lại hay đi hái những trái ổi non về nhai với muối sống. Tôi nghiệm ra rằng đúng Bao Vinh là nơi kẻ chợ vì nhớ rằng thời đó luôn luôn có khách thương qua lại mua muối sống với số lượng lớn. Cũng không hiếm khi có dân miền núi áo quần sặc sỡ xuống mua muối. Thấy họ là tôi nhanh chân chạy trốn, đứng thập thò sau cửa xem họ có bắt con nít không như lời đồn đãi.
Có lẽ do buôn muối, lắm người ra kẻ vào nên nhà tôi luôn luôn ươn ướt. Xứ Huế vốn đã hay mưa, Bao Vinh hay lụt mà nhà tôi thuộc loại ẩm ướt nhất trong mọi nhà. Trong nhà mà tôi phải bước đi cẩn thận kẻo bị ngã. Buổi tối trẻ con học dưới ánh đèn dầu, tay lật sách, tay đập muỗi và mơ mưa to nước lớn. Khoảng đầu những năm 50, nhà tôi sắm được chiếc đèn "măng-sông" sáng rực. Thật là một phát minh tuyệt diệu và mua được nó cũng nhờ mấy hột muối sống, ông tôi nói thế. Nhưng chỉ có một chiếc đèn chỉ để chiếu sáng phòng dưới, còn trên lầu, chỗ ông tôi tụng kinh thì đã có những chiếc đèn dầu mờ mờ. Cái nhà của tôi, phía dưới thì buôn bán ẩm ướt, phía trên là chỗ thờ tự, ngoài ra hầu như chẳng có gì đáng nhớ.
Mấy mươi năm sau, trong những chuyến du lịch ở nước ngoài, tôi hay được dẫn đến tham quan các nhà cổ truyền thống. Xung quanh Bắc Kinh, hay dưới chân Hoàng sơn ở Trung quốc, các vùng ở Miến điện (Myanmar) hay tại Hội An đều có những chỗ tương tự. Tại những nơi đó tôi hay nhớ lại nhà mình ở Bao Vinh vì có một cái gì quen thuộc mà tôi không thể định nghĩa. Nhưng tôi vội quên vì nhà mình đầy bụi bặm và mốc meo của bao nhiêu năm tháng và lụt lội, còn ở đây nước gỗ của họ bóng một màu cổ xưa và sang trọng. Họ giữ gìn và trang hoàng các nhà cổ thật mỹ thuật. Còn nhà tôi, tôi vẫn nhớ phía dưới đằng trước có một cái trang nhỏ. Ông tôi nói trang là để thờ bà cô mà bà cô "ngoại tộc" thì phải thờ bên ngoài phòng thờ chính. May thay, cái trang đó nằm trên cao nên nước lụt không tới. Trên đó có một bình hoa với một bó hoa bằng ni-lông đã cũ nhưng vẫn còn thấy được màu xanh đỏ. Mấy mươi năm qua bình hoa vẫn còn y nguyên, có chăng là hoa ni-lông ngày càng dày lớp bụi.
Cách đây nhiều năm tôi đưa một người khách về thăm nhà ở Bao Vinh. Đây là người khách duy nhất mà tôi mời về nhà, để kể về đời mình của những tháng ngày xa xưa. Đến cửa nhà, tôi ngẩn người vì mọi người đi vắng, ổ khóa chìa ra phía ngoài. Đây là lần đầu tiên tôi về nhà cũ mà không được vào. Tại sao đúng ngày hôm nay mọi người lại đi vắng? Xứ Bao Vinh này không ai bỏ nhà đi vắng cả, lúc nào cũng có người trông nhà. Trong sự thất vọng và nỗi tiếc nuối, tôi mơ hồ thấy có một điều gì kỳ lạ. Vài ngày sau dường như tôi nghe tiếng nói của căn nhà cũ: "mi biết gì về nhà này mà mời khách về?". Có lẽ nó nói đúng.
Ngày nọ, tôi đến Bồ-đề đạo tràng tại Ấn Độ, tham bái cây bồ-đề, nơi Phật thành đạo. Tại đây, tôi nghe thuyết minh, khi Phật tu tập có một con mãng xà hiện lên che mưa cho Phật. Tôi sực nhớ tại nhà mình, tượng Phật của ông tôi để lại chính là bức tượng diễn tả Phật ngồi dưới bóng che của một con mãng xà. Đó là một bức tượng hiếm có. Sau bao nhiêu năm tôi mới nhận ra điều này. Hôm đó, dưới gốc cây bồ-đề, tôi lượm vài chiếc lá rụng, đem về Việt Nam, đem về Bao Vinh. Nhà mở cửa. Tôi lựa ba chiếc lá nguyên vẹn nhất và dán sau lưng tượng Phật, xem như tượng ngồi tựa cây bồ-đề. Rồi tôi nhìn quanh phòng thờ. Sau bao năm đi tham quan nhà người khác, tôi về nhìn lại nhà mình. Kể ra cũng thật là lạ, trong nhà tôi chỉ có một cái phòng trang trọng nhất, trung tâm nhất thì nó chỉ được dùng để thờ tự. Ngày xưa, ông bà tôi và chỉ con trai còn nhỏ như tôi mới được ngủ trong đó. Đây là nơi mà cứ mỗi khuya lúc bốn giờ sáng, tôi mơ màng nửa thức nửa ngủ nghe ông tôi tụng kinh. Như thế mà suốt 12 năm liền. Từ xưa tới nay, phòng thờ tự này là nơi khô ráo nhất nhà, hoàn toàn không có chút bụi bặm, không phải như tôi hay có thành kiến về nhà mình. Trong bóng tối mờ mờ của những chiếc đèn dầu, tôi phát hiện các thớ gỗ lâu đời đã mang một màu sắc cao quí. Trước những lồng kính với những tấm hình thờ úa vàng là những bát nhang xưa cũ, miệng viền kim loại và đựng một loại cát vô cùng mịn màng,
"Bảy bát nhang, bảy cây hương", ông chú họ của tôi nói, bây giờ ông là người sống trong nhà. Tôi đã biết và lần nào về thăm nhà cũng lấy đúng bảy cây hương thắp cho bảy bát nhang. Thời gian như đọng lại trong phòng thờ đó, mùi hương trầm và thứ ánh sáng mờ mờ của những cây đèn dầu dường như không bao giờ thay đổi. Trong phòng thờ đó, nếu có ai lên cúng bái thì có lẽ cũng chẳng thấy ba chiếc lá bồ-đề của tôi dán sau lưng tượng Phật. Xem ra ông chú họ cũng đã quên, chỉ tôi là nhớ. Và cũng từ đó, không bao giờ tôi về nhà mà gặp cửa đóng nữa.
Ngày nọ ông chú họ bảo tôi: "Bao Vinh được phong là phố cổ, nhà mình là nhà cổ, Hà Nội đã vô thẩm định rồi, sắp tổ chức tham quan". Tôi ngạc nhiên hỏi thêm, ông chỉ các bức vách, các cột tròn bằng gỗ nằm ở tầng dưới. Đó là những nơi mà ngày xưa muối sống tha hồ tiết chất ẩm ướt của nó và nước bạc mỗi năm vỗ sóng vài ba lần. "Nhưng nhà mình không bằng, nhà bên cạnh cổ hơn nhiều", ông chú họ nói. Đúng thế, cách đây nửa thế kỷ, lúc tôi còn đó, lúc ông chú chưa sinh ra, nhà bên cạnh đã đổ nát rồi thì dĩ nhiên nó phải cổ hơn.
Ôi, Bao Vinh mà cũng là phố cổ, nhà tôi mà cũng là nhà cổ! Tôi ngẩn người nhìn những hoa văn lờ mờ, những cột kèo bạc thếch. Thế nhưng nó là cả một bề dày lịch sử. Bao Vinh một thời là bến cảng của kinh thành, nó phải được trân trọng. Con đường dọc sông trên bến dưới thuyền, quanh năm lũ lụt đó, nó đã một thời nhộn nhịp, cần phải được tu bổ. Những ngôi nhà bên bờ sông đã khắc ghi sức lao động cần cù của nhiều thế hệ, chúng cần được phục hồi. Chiếc phòng thờ đặc trưng xứ Huế, nơi con người cống hiến những gì đáng quí nhất của căn nhà cho niềm tin tôn giáo và lòng biết ơn tổ tiên cũng có thể được trình bày cho khách tham quan. Còn những chiếc lá bồ-đề thì sao? Chúng thì nên tiếp tục nằm trong bóng tối, chúng chỉ dành cho những ai biết đến lịch sử của chúng.
Tôi nhìn những đứa em họ, con chú tôi và khuyên hãy học ngoại ngữ cho giỏi, mai mốt tha hồ thuyết minh nhà cổ cho người nước ngoài. Chúng nhìn tôi nửa tin nửa ngờ. Hà Nội đã vô thẩm định rồi sao chúng vẫn còn lơ là? Có lẽ chúng bây giờ cũng như tôi ngày xưa, đang mơ những chân trời xa lạ. Hay chúng cũng như tôi, biết rằng nói là nói thế thôi, chắc chuyện này còn lâu hay không bao giờ thành hình. Còn tôi, sau 50 năm, không có gì quan trọng bằng mỗi lần về sẽ có người mở cửa.

_____________

Trên những ngọn đèo

Đầu những năm sáu mươi, tại một vùng hồ núi hoang vắng ở Quảng Nam có một hiện tượng được gọi là “cá thần”. Nơi một chiếc hồ nọ, có một con cá thỉnh thoảng xuất hiện trên mặt nước. Không mấy ai được thấy cá, người ta chỉ nghe kể lại, thân của nó to lớn dị thường. Người ta đến đó để cúng bái, để xin nước của chiếc hồ. Nghe nói thứ nước thiêng liêng đó có tác dụng hết sức kỳ diệu, nó mang lại sức khỏe, may mắn và hạnh phúc.
Những câu chuyện thần bí đó xem ra rất hấp dẫn với dân miền Trung vốn đã quen mùi nhang khói. Trong số hàng vạn người nườm nượp từ xa đi đến lễ bái “thần cá” có kẻ viết bài này, hồi đó chỉ là một cậu bé ưa đọc truyện linh dị như Nam hải dị nhân hay Lĩnh Nam trích quái. Ngày đó, trong tâm tưởng của tôi, đường đi Quảng Nam, tới một chiếc hồ trên núi là một cuộc phiêu lưu xa vạn dặm. Nhất là con đường đó sẽ dẫn tôi qua đèo Hải Vân, một vùng núi non vô cùng ẩn mật cho một đứa trẻ mới đi đèo lần đầu.
Trước khi đi, tôi đã nghe kể về Hải Vân. Những huyền thoại về ngọn đèo Hải Vân mà người lớn ưa kể cho con nít nghe đọng sâu trong tâm trí tôi, chúng hiển hiện trên con đường dẫn lên đèo. Dưới chân đèo người ta đã nhao nhao chỉ nhau xem “mây” đọng trên sườn núi, chỗ mà tôi sẽ lên đến và sẽ lên cao hơn nữa. Xe chỉ mới chạy qua vài khúc ngoặt, trên xe đã có kẻ xây xẩm mặt mày. Còn tôi cố mở mắt thật lớn nhìn núi cao vực thẳm, đời mình đâu dễ đến đây, tôi tự nhủ. Hải Vân là nơi nổi danh vì những tai nạn thảm khốc, đó là nỗi sợ của người vượt đèo. Nhìn xuống vực thẳm, tôi vẫn còn thấy nhiều xác xe đổ. Theo lời người lớn căn dặn, tôi cúi đầu thành kính khi qua các am miếu, đó phải là nơi quỉ thần ngồi nhìn xe cộ qua lại, biết đâu các vị sẽ phù hộ cho mình.
Nỗi sợ hãi của tôi tuy lớn nhưng nó phải nhường chỗ cho lòng hân hoan khi tôi được nhìn xuống biển. Ôi, đây là nơi mà núi và biển gặp gỡ. Màu xanh của rừng núi dường như không khác lắm với màu lục của nước biển. Chiều cao của vách núi lại tương phản với cái rộng mênh mông của đại dương cho tôi được ngắm nhìn một cảnh quan tuyệt diệu của thiên nhiên. Xe sớm lên tới đỉnh đèo, mọi người trong xe ai cũng đã mặc chiếc áo ấm, trên đỉnh cao chót vót này dĩ nhiên là trời rất lạnh, người lớn cẩn thận bảo tôi.
Con đường đất đầy bụi dẫn chúng tôi đến hồ. Tới gần bờ hồ tôi đã thấy đoàn người kéo nhau đi vừa nghiêm trang vừa chộn rộn mà người lớn thành kính gọi là “hành hương”. Quanh chiếc hồ nước đục, hàng trăm hàng ngàn người ngồi thắp hương chờ đợi cá thần xuất hiện. Chúng tôi cũng kiên nhẫn ngồi đợi suốt buổi trưa nắng cháy, nhưng hôm nay thần cá xem ra không chịu ra mặt để chúng tôi lễ bái. Tôi đi quanh quẩn bờ hồ, cảm phục lắng nghe nhiều người dân địa phương xứ Quảng kể chuyện, họ là người đã hân hạnh thấy thần cá nhiều lần, họ cao hứng chê chúng tôi không có “duyên” được thấy. Cuối cùng trời đã về chiều, chúng tôi đành xuống hồ múc nước đem về thờ cúng, nước đựng đầy trên xe vốn đã chật ních.
Trên đường về, lúc xuống đèo Hải Vân, bỗng nhiên xe lao vùn vụt một cách kỳ lạ. Tài xế nín lặng khó hiểu, bỗng có ai trên xe la lên “đứt thắng”. Xe tôi đi là một chiếc Citroen đã cũ mèm. Tôi run bần bật, đau đớn nghĩ, mình đi đèo lần đầu mà sao tai nạn đã vội xảy ra cho mình. Sẽ có thêm một cái miếu nơi đây chăng? Chiếc xe quả nhiên hỏng thắng nhưng may thay anh tài xế đã thắng xe bằng cách chủ động ép hông xe vào vách đá, dùng một bức vách tương đối bằng phẳng để hãm xe lại trước khi nó lao xuống vực thẳm. Hông xe bên trái bị nát, tôi ngồi phía đó nhưng kỳ diệu thay, không hề hấn gì. Thần cá không xuất hiện nhưng nước hồ kỳ diệu chất đầy xe xem ra đã cứu mạng chúng tôi.

***
Lớn lên tôi ra nước ngoài. Về sau, trong các chuyến du hành, tôi vẫn nhớ đến đèo Hải Vân xa xưa. Nó để lại cho tôi ấn tượng không thể nào quên mặc dù khi đi nhiều, tôi nhận ra rằng ngọn đèo đó không có gì gọi là cao, là nguy hiểm nếu so với nhiều nơi khác. Tôi nhận ra rằng, trên các ngọn đèo, tôi luôn luôn có lòng sợ hãi và niềm cảm khái khác nhau. Một đêm nọ, thời còn sinh viên trẻ tuổi, tôi đi từ Thụy Sĩ qua Pháp. Đó là đầu những năm bảy mươi, thời đó chưa có xa lộ, đường đi là những ngọn đèo dài vô tận trên rặng Alpes, một rặng núi mênh mông đầy uy lực của châu Âu, là suối nguồn của các con sông lớn Rhein, Rhone. Xe tôi đi là một chiếc Renault 4, thời đó đã rất cũ, ngày nay không còn ai tìm thấy nó. Những con đường đèo rặng Alpes không những không có am miếu và quỉ thần ngồi nhìn tôi, mà chúng còn vắng cả người sống. Đó là một con đường hiu quạnh cả trăm cây số không có người ở. Nếu trong đêm đó chiếc xe này đứt thắng hay hỏng bất cứ cái gì, tôi sẽ làm sao trong núi rừng mênh mông. Nơi đây sẽ có thứ nước kỳ diệu nào cứu độ tôi?
Rời Thụy Sĩ đi về phía tây, châu Âu có một nơi rất giống đèo Hải Vân, đó là đoạn đường núi Costa Brava, dọc theo Địa Trung Hải để về Barcelona. Đó là nơi mà lúc lái xe qua những đoạn đường ngoằn ngoèo, trên là núi, dưới là biển với hàng trăm khu du lịch, tôi tha thiết nhớ tới Hải Vân và ước mơ nước mình sẽ xinh đẹp và phồn vinh như Tây Ban Nha. Đó cũng là nơi mà tôi nhận thấy mình cũng lái xe vững vàng trên các ngọn đèo và sẽ có một ngày không xa, mình sẽ tự tay lái xe trên đèo Hải Vân, một nơi tôi vẫn còn kính sợ.
Khoảng đầu những năm chín mươi tôi có dịp đi Simla thuộc vùng bắc Ấn. Đây là một thị trấn nằm trên sườn nam của dãy Hy Mã lạp sơn. Một chiếc xe nội hóa Ambassador bốn bánh mòn nhẵn chở chúng tôi vượt đèo lên một độ cao khoảng 2300m. Trong xe, tài xế người Ấn thắp hương cầu các vị thần Ấn Độ giáo cứu độ cho khách nước ngoài. Quả nhiên các vị đó không hẹp hòi và cho chúng tôi đến nơi đến chốn. Đây là nơi mà ta có thể ngắm những đỉnh trên 8000 mét. Dáng núi vương giả và uy nghi, màu tuyết vạn niên trắng ngần tinh khiết, đó phải là trú xứ của thánh thần. Tôi bị chấn động tâm linh mãnh liệt và quyết sẽ đi Tây Tạng để có thể đến gần vương quốc bất tử hơn nữa.
Một ngày nọ quả nhiên tôi đến Tây Tạng. Trên đường du hành từ Lhasa đến Gyatse, tôi đi với một chiếc Toyota, vượt từ những con đèo này qua những con đèo khác của sườn phía bắc rặng núi Hy Mã. Đây là những con đường đèo nguy hiểm nhất mà tôi đã từng đi trong đời. Trên cao nguyên này không khí đã loãng, hơi thở tôi gấp rút, môi tôi tím bầm vì thiếu dưỡng khí. Độ cao này đã vượt xa đỉnh Hoàng Liên sơn của ta, nói chi Hải Vân của tôi ngày xưa. Đến đỉnh một ngọn đèo, tôi sững lại vì một cảnh quan tuyệt diệu, đó là hồ Yamdrok. Đó là một chiếc hồ nước mặn nằm trên núi, có độ cao 4441 mét. Màu nước của nó chính là màu xanh lục turquoise, màu của nước biển dưới chân Hải Vân.
Sau một đoạn leo núi nữa, xe tôi vượt đèo Karo, cao 5010 mét. Đó là chỗ cao nhất trên địa cầu mà tôi đã tới và có lẽ sẽ không bao giờ được tới nữa. Nơi đây, băng vạn viên đã vươn những cánh tay khổng lồ của chúng ra tận đường xe chạy, chim chóc đã vắng bóng. Thế nhưng mây trắng vẫn còn nằm xa trên cao, loại “mây trắng bay hoài ngàn năm” này hẳn sẽ có ngày kéo đến quê tôi. Trên đỉnh đèo chót vót này quả nhiên trời rất lạnh, tôi nhớ đỉnh đèo Hải Vân và chiếc áo len của mình thời xa xưa đó.
Người ta kể tôi nghe, hồ Yamdrok là hồ thiêng, trong đó sống toàn là sinh vật thiêng liêng. Tôi nhớ tới thần cá ngày xưa ở xứ Quảng. Trên cao nguyên Tây Tạng này điều nổi bật là cảnh quan kỳ lạ của thiên nhiên, màu sắc rực rỡ của đất đá núi rừng, sự tĩnh lặng đến nao lòng, sự nhất thể hầu như đang hiện hình. Tất cả những thứ đó làm người ta phải nghĩ mọi sự hẳn phải có thần, chờ gì đến sinh vật. Tôi đã đi một vòng đời tâm linh. Bắt đầu với ngày trẻ con tin có thần cá thần sông, đến ngày cho rằng thế giới chỉ là vật chất đang vận động, làm gì có thánh thần ma quái, và bây giờ tôi nghĩ, người xưa nói “vạn vật hữu thần” chắc phải có lý của họ.
Tôi cũng đã đi một vòng thế giới, đã trở lại Hải Vân. Gần đây tôi đi máy bay từ Huế vào Thành phố Hồ Chí Minh. Đến giờ bay, kế hoạch bay phải thay đổi, chúng tôi được đưa vào Đà Nẵng để đáp máy bay từ đó. Sau một giây bực dọc vì bất ngờ, tôi bỗng nhận ra lòng mình rộn rã được đi lại đèo Hải Vân. Ôi những đoạn đường đèo dễ thương này đã từng làm tôi sợ hãi! Những đám “mây” bềnh bồng trên sườn núi chẳng qua là sương mù do khí núi ẩm ướt toát ra, chúng một thời đã làm tôi hãnh diện tưởng mình lên cao hơn mây.
Thế nhưng, khi đi qua am miếu tôi vẫn thành kính cúi đầu. Và cũng như ngày xưa, tôi vẫn liếc nhìn xem bên trong có gì. Thời thế đã đổi thay! Nếu ngày xưa bên trong am miếu thường có nải chuối hay nén hương thì ngày nay chúng trống hoác, đầy đất đá bụi bặm, bị nguệch ngoạc vẽ hình, viết chữ. Trên đường xuống đèo, tôi nhận thấy một điều bất ngờ. Đó là những “đoạn đường cứu hộ” chạy dốc ngược do một hãng bảo hiểm xây, chúng phòng hờ cho những chiếc xe đứt thắng có chỗ để dừng lại thoát hiểm.
Chiếc xe Citroen nát hông bên trái ngày xưa của tôi bỗng hiện về rõ mồn một.
Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ ngày đó. Đèo Hải Vân đã mở rộng, đường cứu hộ đã được xây, nhưng hình ảnh hoang tàng đổ nát của các am miếu làm tâm tôi vướng bận. Người ta lo cho người sống trước, người chết sau, tôi tự nhủ. Cũng sau một thời gian bốn mươi năm, khi đã đi nhiều nơi trên thế giới, tôi nhận ra rằng đèo Hải Vân có một sắc đẹp vô song, nó sánh vai với các cảnh quan trên thế giới, nó phải là chỗ đẹp thứ nhì của Việt Nam, sau vịnh Hạ Long.
Ngày nay người ta đang xây một đường hầm chạy dưới Hải Vân để tiết kiệm thời gian di chuyển. Con đường hầm này sẽ dài khoảng hơn 6 km, thời gian đi chỉ còn năm phút thay vì một tiếng rưỡi nếu đi trên đèo. Tôi đã từng đi đường hầm Gotthard dài 16 km tại Thụy Sĩ, xuyên qua lòng núi Alp để về xứ Ý. Cho hệ thống giao thông cả nước, xây đường hầm là phải, nhưng tôi từng biết cái cảm giác khó chịu của người đi xe trong hầm.
Vì thế ngày nào đường hầm Hải Vân hoàn thành, tôi sẽ nhường nó cho những ai có công việc vội vã. Còn tôi, tôi sẽ đi lại con đường ngoằn ngoèo trên núi để nhớ lại đời mình, để thưởng ngoạn núi rừng và biển cả.
Đối với tôi, Hải Vân là chỗ kết hợp hiếm hoi của núi và biển, của thần và vật…
Nó là chốn trở về của những cuộc hành trình.

_____________

Hoài niệm Hội An

Tôi náo nức trở lại Hội An, thành phố cổ.
Bốn mươi năm trước, tôi đã đến đây. Ấn tượng ngày xưa của một cậu bé tiểu học vốn mau mờ nhạt trước sự thay đổi nhanh chóng của tuổi thiếu niên. Do đó, Hội An chỉ đọng lại trong tôi với chiếc Chùa Cầu.
Đối với tôi, Chùa Cầu thật lạ, chùa nào mà nằm ngay giữa phố, lại bắc qua sông, chùa phải xa chợ! Bốn mươi năm trước, đến Chùa Cầu Hội An tôi đứng tần ngần trước tượng thần khỉ ở đầu cầu, có ai vừa thắp một nén hương. Ngày đó tôi đã biết Hội An là một thành phố cổ, ngày xưa nơi đây tấp nập những thuyền bè nước ngoài. Nhưng ai đã dựng xây Chùa Cầu và nhất là tại sao chùa nằm ngay giữa phố, tôi tự hỏi.
Bốn mươi năm qua là một thời gian kỳ lạ của lịch sử, trên thế giới và trong lòng đất nước. Nếu hai mươi năm đầu còn mang năng dấu vết của thù hận, chiến tranh và ý thức hệ thì hai mươi năm sau, như nhờ một phép lạ, mọi tranh chấp và chiến tranh nóng lạnh hầu như chấm dứt. Hòa bình trở lại tại Việt Nam. Tại phương Tây, bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 đánh dấu một khúc ngoặt của sự tranh chấp Đông-Tây và mở ra một kỷ nguyên mới của sự toàn cầu hóa. Hai mươi năm qua cũng đánh dấu một hiện tượng chưa hề có trong lịch sử con người, đó là sự di dân với qui mô lớn từ nước này qua nước khác, từ lục địa nay qua lục địa khác. Hàng trăm ngàn người đi từ Đông Âu qua Đức, từ Bắc Phi qua Pháp, từ Việt Nam qua Mỹ, từ Pakistan qua Anh, từ Tây Tạng qua Ấn Độ... Phương tiện giao thông và khả năng thông tin hiện đại đã làm trái đất trở nên nhỏ bé. Ngày nay, con người lên đường đi định cư tại một nước khác dĩ nhiên cũng có chút phiêu lưu mạo hiểm nhưng không khác gì lắm nếu so với trăm năm trước dân quê bỏ lũy tre xanh lại đằng sau. Họ lên đường tìm cuộc sống một nơi xa lạ, đó là những người được mệnh danh là "kiều dân".
Kiều dân không phải chỉ trong thế kỷ hai mươi mới có. Tôi khám phá ra một cách thú vị và muộn màng rằng, từ thế kỷ thứ 16, Hội An là nơi kiều dân Nhật Bản và Trung Quốc đã sống. Khoảng năm 1560, người Nhật đã đến đây giao thương, có người ở lại lâu dài. Tại Trung Quốc, khi nhà Thanh thắng lợi, con cháu nhà Minh cũng bỏ xứ ra đi và lưu lạc đến tận Hội An, tìm nơi đây là quê hương mới của mình. Thì ra dân Việt không chỉ sản sinh kiều dân Việt Nam sống nhiều nơi trên thế giới, chúng ta cũng đã cưu mang kiều dân nước khác từ nhiều thế kỷ trước. Cách đây vài trăm năm những con người lưu lạc đó đã chân ướt chân ráo qua đây, mang theo thuyền gỗ, súng đồng, sản phẩm cao cấp như tơ lụa và đồ sứ để buôn bán làm ăn, nhất là cả một vốn liếng văn hóa và kiến trúc.
Câu hỏi ngày xưa xem ra đã có câu trả lời. Chùa Cầu có lẽ do thương nhân người Nhật xây dựng khoảng thế kỷ thứ 17, khi họ xem Hội An là một trong những nơi dừng chân ít ỏi, là nơi họ sinh cơ lập nghiệp và hội nhập với người bản xứ. Chẳng thế mà Chùa Cầu có tên là Cầu Nhật Bản. Cũng vì thế mà người Nhật sẵn sàng bỏ tiền ra trùng tu Chùa Cầu khi kiến trúc này xuống cấp. Người Việt thuyết minh kể một cách hãnh diện rằng năm ngoái năm kia, một đoàn nhà sư Nhật đã đến Hội An để thăm mộ tổ tiên và "trấn huyệt" cho cà xứ Nhật vì khe nhánh sông Thu Bồn ngay tại Chùa Cầu nằm ngay trên lưng một con thủy quái khổng lồ. Con vật này có tên tiếng Nhật là Mamazu, đầu nằm ở Nhật, đuôi ở Ấn Độ. Nhờ các nhà sư trấn huyệt mà linh vật bớt vẫy đuôi, nước Nhật năm đó bớt bị động đất. Dáng phục thay các nhà sư già, họ không quản đường xa khó nhọc, họ làm tất cả vì tiền nhân và xã tắc của họ.
Cách Chùa Cầu vài trăm mét, khách có thể tham quan vài ngôi chùa của các bang hội người Hoa. Trong chủa họ thờ vị nữ thần Thiên Hậu Thánh Mẫu năm xưa đã phù hộ cho họ vượt biển an toàn. Chùa được bảo quản vô cùng chu đáo, tượng nữ thần hiện trên đầu sóng hết sức uy nghi. Bà con trong bang hội phần lớn nay đã xa xứ làm ăn, người giữ chùa cho biết. Họ đi xa, Hội An đâu phải chỗ làm ăn, người ra nước ngoài, người về cố hương. Người giữ chùa kể, nét mặt không dấu được nỗi buồn của người ở lại đơn chiếc. Nhưng họ hãnh diện và biết ơn tổ tiên, họ gửi tiền về để chăm sóc giữ gìn nơi thờ tự trang nghiêm sạch sẽ.
Nhắc lại người Nhật, người Hoa của vài trăm năm trước, tôi bỗng nhớ đến thân phận của những người được gọi là Việt kiều hiện nay đang lưu lạc trên toàn thế giới. Những vấn đề của ngày xưa hẳn không khác ngày nay. Chắc những người Nhật người Hoa đó cũng trăn trở lắm điều, cũng thực hiện một cách khó khăn phương châm "vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa hội nhập với người bản xứ". Nhiều người trong số họ đã kết hôn với người Việt, con cháu họ chỉ còn nói được tiếng Việt và bị cha mẹ la rầy. Họ cũng ngóng trông quê hương của mình, là "giọt máu rơi" của tổ quốc họ. Rồi cũng đến ngày, họ cũng có cái đau xót bỏ thân nơi xứ lạ quê người. Nhưng họ không bao giờ ngờ, vài trăm năm sau, sẽ có một ngày mà một đoàn nhà sư già sẽ đến cầu siêu cho mình và hành đoàn con cháu sẽ đến viếng lăng mộ của mình.
Tôi vào lại Chùa Cầu, tìm đâu là nơi thờ cúng mà ngày xưa tôi do ham đứng xem tượng thần khỉ, thần chó không chịu vào lễ bái. Án thờ trưng hình vị Bắc Đế Trấn Vũ, xung quanh đầy bụi bặm. Ảnh thờ cong queo khô rốc, lạnh tanh. Thấy cán bộ hăng hái bán vé tham quan, tôi hỏi tại sao không ai lau bàn quét bụi trên án thờ và không nghe tiếng trả lời. Chỉ cách chùa người Hoa mấy trăm mét mà sự chu đáo hai nơi khác nhau một trời một vực. Trên bàn cạnh án thờ, người bày bán một xấp tranh lụa vẽ vời cẩu thả. Sau án thờ là chỗ sinh hoạt của cán bộ phụ trách tham quan, một bàn cờ tướng còn đánh dở.
Bụi bặm này làm tôi nhớ đến các nơi thờ tự trong lăng tẩm xứ Huế, ở đâu cũng đóng bụi như nhau. Con cháu Nguyễn tộc ở đâu cả ? Trên án thờ Chùa Cầu, không hề có một nén hương thơm, phải chăng tại vì vị Bắc Đế Trấn Vũ là người Hoa hay do ta đã mất thói quen thờ cúng ? Hay tại vì cán bộ đang mải xem ai là người nước ngoài để bán vé lấy gấp mười lần ?
Tôi đứng lại trước tượng thần khỉ thần chó. Bây giờ tôi mới biết hai vị này cũng là linh vật, đứng nơi đây để "yểm" thủy quái Mamazu. Thắp một nén hương để nhớ công ơn hai vị và cũng để nhớ ngày xưa, chiêm nghiệm về thời gian và những điều dâu bể. Ôi, bốn mươi năm trôi qua. Bây giờ tôi cũng là kiều dân, sống nhờ trong một nước khác. Dưới chân cầu hầu như không có nước chảy. Trên thế gian bao nhiêu điều đã diễn ra. Nhiều điều trọng đại đã thay trời đổi đất, đã mở kỷ nguyên mới cho đất nước, đã đổi đời cho một số lớn người. Nhưng cũng có một số người khác, vì hoàn cảnh riêng, cũng phải di tản ra nước ngoài làm kiều dân, như những người Nhật năm xưa đã xây dựng ngôi Chùa Cầu này, hỡi thần thức hai vị.
Kiều dân người Việt ngày nay sống khắp thế giới, con số có thể lên đến ba triệu người. Họ có để lại dấu vết văn hóa gì trong các nước sở tại hay không, điều đó thời gian sẽ trả lời. Còn tôi thì tôi không mấy tin tưởng. Dù có rất nhiều bằng cớ về sự thành công của người Việt Nam ở nước ngoài, tôi vẫn thấy đau đáu điều gì về kiều dân người Việt. Họ dứt khoát không phải là những người đầy tự tin và có nhiều ảnh hưởng như người Nhật, người Hoa ngày trước. Trên đường phố xuôi ngược ở nước ngoài, nếu cứ thấy người châu Á, mặt mày đăm chiêu, tò mò đi lại gần nghe thử tiếng nói thì ta thấy, y như rằng, đó là người Việt Nam. Họ là những con người làm đủ thứ nghề, nhưng vốn ít, chí nhỏ, sống nội tâm, thiếu đoàn kết. Lịch sử gần nửa thế kỷ qua của dân tộc dường như dạy cho họ một bài học, tồn sinh được qua ngày là may mắn lắm rồi, tất cả mọi sự khác là xa xỉ. Kinh nghiệm lớn nhất của họ dường như là, đừng hợp tác với ai, đừng làm điều gì lớn lao, chỉ thất bại thôi. Họ không hề có tâm lý mở đường như kiều dân nước ngoài ở Hội An mà ngược lại, một phần trong số họ nghĩ mình là những người cùng đường. Làm sao đòi họ làm một điều gì để đời, vượt thời gian?
Điều chắc chắn là họ nhớ quê hương và biết đâu là "chốn để về" của mình. Nhưng họ đã lỡ quen nghi ngại nhau nên sẽ không có những công trình văn hóa đồ sộ, những bang hội lớn lao, những sự hợp tác tầm cỡ. Họ quen chôn những điều ấp ủ đó ở trong lòng. Vài mươi năm nữa, con cháu họ chắc sẽ không còn ai chịu quét tước đền chùa, hoài niệm nhắc nhở lịch sử di dân của cha ông hồi xưa và các thánh thần đã một thời phù hộ.
Nếu họ có về thăm nước, thấy bàn thờ phủ đầy bụi bặm, họ sẽ thấy hình ảnh quen thuộc, chẳng có gì đáng trách. Và người thuyết minh vẫn kể một cách hãnh diện…
Có một đoàn nhà sư người Nhật...

____________

Phụ đính:

Chuyện trên máy bay

Đứng trước bàn hải quan mà cô ấy khóc mùi mẫn làm tôi ái ngại. Đi nhiều nơi trên thế giới tôi chưa thấy nơi nào nhiều nước mắt như Tân Sơn Nhất. Người đi cũng như người về, hai trạm đưa đón, buồn vui cách nhau không đầy vài chục mét. Đó là số phận người Việt Nam ở nước ngoài, tôi tự nhủ. Người đi thì nghĩ mình vĩnh viễn xa cách, người về lại không ngờ có ngày hội ngộ. Có lẽ cô ấy vừa từ biệt người yêu, hai người ước hẹn những gì, cô sẽ trở lại hay người ấy sẽ đi theo, hay sao nữa?
Cô ấy đi chung với một nhóm khoảng hai mươi người, mỗi người mang trên ngực một tấm thẻ đỏ. Nhìn các khuôn mặt nửa náo nức nửa băn khoăn, tôi đoán họ đi theo diện xuất cảnh. Nhưng xuất cảnh thì thường thường đi Mỹ, sao họ lại đi Đức một chuyến với tôi?
Lên xe bus ra máy bay, tôi thấy một chị phụ nữ mặc một chiếc áo kim tuyến lộng lẫy như đi dạ hội. Ngồi cạnh chị hẳn là anh chồng, mặt mày đăm chiêu, dắt theo hai đứa con trai nhỏ. Cả ba người lớn lẫn trẻ con đều đóng bộ complet cà vạt, nghiêm chỉnh như sắp đi dự một buổi đám cưới sang trọng. Tiếc thay cho những bộ áo quần mới toanh đó, hẳn người mặc không biết chúng sẽ nhàu nát sau vài lần nằm ngồi uể oải trong mười hai tiếng bay. Đối với nhiều người, ngày xuất cảnh là ngày trọng đại nhất, họ phải mặc bộ áo quần đẹp nhất, tôi tự nhủ. Nhưng không phải chỉ có thế, họ đã nghĩ lúc gặp người thân nơi xứ lạ quê người, lúc đó cũng là giây phút khó quên, họ phải xuất hiện cho tầm cỡ chứ.
Trong xe bus, tôi tò mò ghé mắt nhìn tấm thẻ đỏ. tấm thẻ ghi tên tuổi hành khách và các chuyến bay, dòng cuối cùng đề chữ "JFK". Thì ra, họ chỉ ghé qua Đức, đi đường Đại Tây Dương để đến sân bay J. F. Kennedy ở New York. Họ đi Mỹ thật, đến một nơi xa quê hương đúng nửa vòng trái đất. Tôi nhớ New York với vô số những chiếc taxi màu vàng và những con đường buổi chiều tôi đi gặp đầy những rác. Đó là một thành phố đủ mọi màu da và quốc tịch, đủ hạng người và mọi thứ nghề nghiệp. Đó là thiên đường và cũng là nơi đầy cà nước mắt. Các đồng bào của tôi sẽ làm gì ở Mỹ, ở New York, trong đó có ai sẽ vào khu Harlem mà ở?
Tôi phải bay mười hai tiếng để đến Đức, nhưng chuyến du hành của họ sẽ dài gần gấp đôi. Đến Frankfurt, tôi sẽ xuống máy bay nhưng với họ mới chỉ nửa đoạn đường. Hơn hai mươi tiếng nữa họ mới được gặp người thân, liệu họ còn sức để tươi cười. Một ông cụ già không lên nổi cầu thang máy bay, phải có người đỡ tay. Ông cụ tìm điều gì ở New York, hay ông đi thăm con cháu, tại sao những đứa con xa nhà đó không về thăm để ông đỡ nhọc nhằn?
Trong máy bay, ngồi bên cạnh tôi là một người Ý. Hỏi ra mới hay ông về Việt Nam còn nhiều hơn tôi, biết ngõ ngách Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hơn tôi xa lắc. Nghe chuyện, tôi biết ông nói thật. Đã gần chục năm nay, ông chuyên cung ứng thiết bị và dịch vụ cho ngành khai thác dầu khí, cho các dàn khoan ngoài khơi. Đó là những công ty chuyên môn, cung cấp toàn hàng đặc chủng, không mấy ai biết đến. Trên thế giới họ thuộc về một nhóm nhỏ của những người chuyên khai thác dầu mỏ, kiếm tiền dễ hơn trở bàn tay. Đó là những mạng lưới kinh doanh mà đứng đầu là các ngài công hầu trong các vương quốc Trung Đông, dầu mỏ đối với họ là cơm gạo hàng ngày như của chúng ta. Họ đến Việt Nam từ ngày ta khai thác những tấn dầu đầu tiên, nghiệp vụ của họ đã được chuyên môn hóa, không ai thay thế nổi từ những ngày xa xưa, lúc ta còn chiến tranh. Việt Nam đã trở thành nước sản xuất dầu khí, may cho ta và cũng cho họ. Tôi hỏi thêm về vấn đề bảo vệ sinh thái ngoài khơi Việt Nam.
Ông mỉm cười không nói gì cả.
"What is your business?", người bạn Ý hỏi người bên cạnh. "Whisky", câu trả lời cụt ngủn làm chúng tôi chưng hửng. Thì ra rượu mạnh Whisky đã trở thành một mối kinh doanh hẳn hoi tại Việt Nam, không phải chỉ vài ba chai lậu thuế bán lẻ tẻ ngoài đường. "Họ uống nhiều lắm", người kia trả lời câu hỏi và cười bí mật. Tôi chỉ có thể công nhận ông nói đúng. Tôi nhớ trong một tiệm chả cá ở Hà Nội, có một bàn vài người ngồi mà uống hết hai chai cognac.
Người ngoại quốc ngồi xung quanh nhìn nhau ngạc nhiên trước sức uống và cách uống của người mình.
Tôi hỏi thăm một người Việt trẻ tuổi về thăm nhà. Hôm nay anh ra đi, mặt mày còn mang niềm quyến luyến. "Cháu ở Strassburg từ sáu năm nay". "Ở Strassburg sao không đi máy bay Air France mà qua Đức làm chi cho phiền?", "Dạ, phải đi cho thế cho Tây khỏi biết". Đúng rồi, đó là lý do tại sao bà con "tị nạn" ở Đức thì qua Hà Lan hay Thụy Sĩ mà đi, ở Pháp thì chạy qua Đức mà lên máy bay mà về Việt Nam. Đối với chính quyền sở tại thì bà con tị nạn đó, những người bị Việt Nam "ngược đãi" đó, chỉ lên máy bay đi du lịch các nước xung quanh. Đến các nước trung gian, bà con mới rút trong túi bên kia giấy máy bay bửu bối nhắm hướng Thành phố Hồ Chí Minh. "Đi bằng hai vé máy bay rời mà bố cháu cũng không dám đi, ông đợi vô quốc tịch đã mới dám về". Tôi hỏi số tuổi ông bố, hỏi đợi bao lâu nữa mới vào quốc tịch và thầm mong thời gian sẽ đợi lại ông.
Mới đi hơn một tiếng đồng hồ mà chị phụ nữ nọ xem ra vừa lạnh vừa mệt. Chiếc áo kim tuyến hở tay hở ngực không giúp được bao nhiêu trong bầu không khí máy bay khá lạnh. Chị không biết đến tấm chăn để bên cạnh dành cho hành khách. Tôi đưa cho chị tấm chăn. Ông chồng thấy vậy bắt chuyện ân cần.
Nghe tôi ở Đức, anh hỏi Mỹ hay Đức nơi nào àm ăn dễ hơn. Ở Mỹ dễ hơn nhiều, tôi nói. "Hễ có sức và chịu làm việc, thế nào cũng có việc làm". Nghe xong anh tin tưởng ra mặt. Chị vợ ngồi nghe chăm chú: "Dạ, em qua bên đó tính làm neo, anh thấy sao?". "Được đó, nghề làm móng tay, điểm lông mày bên Mỹ bây giờ sống lắm". Khuôn mặt mệt mỏi của chị tươi lên. Tôi nói bừa thế thôi, như tôi làm sao mà biết bên Mỹ nghề nào sống chết. Nhưng làm sao tôi có thể làm ai thất vọng được trên bước đường này của họ? Nhất định tôi sẽ không nói bên Mỹ chuyện thất nghiệp xảy ra như cơm bữa và tôi cũng không vội nói chị phải học nghề này hai năm mới được làm việc.
Tôi hỏi tại sao cả gia đình ra đi. "Dạ, đời sống khó khăn quá, kiếm không ra đồng tiền". Tôi đưa mắt nhìn hai người bạn ngoại quốc đang ngồi ở khoang máy bay phía trước. Hai người đó, kẻ bán rượu, người khoan dầu đã trở thành tâm đắc từ hồi nào, họ đang nói gì về chúng tôi?
Cô gái khóc vùi hồi chiều đang tìm cách tập trung đọc một cuốn sách nhưng hình như không đọc được. Người yêu cô đã xa cả ngàn cây số và không biết bao giờ gặp lại. Bên cạnh cô, một ông đứng tuổi đang lôi từng chồng sách ra, toàn là sách triết lý đạo Phật. Có lẽ ông đem tặng bà con mộ đạo bên Mỹ vì mỗi thứ hai ba quyển giống nhau. "Vạn pháp vô thường", tôi thoáng thấy một câu. Nếu cô gái hiểu được câu đó, có lẽ sẽ đỡ khổ cho cô.
Tiếp viên dọn thức ăn ra. Tôi đã quá ngán thứ thức ăn trên máy bay, thứ đã hâm đi hâm lại nhiều lần. Tôi bỗng thèm một tô mì hoành thánh. Giờ này, Thành phố của tôi đã đi vào giấc ngủ, các chị quét đường đã bắt đầu quét sàn sạt. Có ai trong số những người này sẽ bị số phận đẩy đi quét đường tại New York, tôi tự hỏi với lòng nhói đau. Giờ này, trên các đường thân thiết của tôi, chắc các em bán xe mì vẫn còn gõ mõ lóc cóc trong đêm tối và các bác xích-lô vẫn lặng lẽ đạp xe kiếm khách. Thành phố đi ngủ nhưng vẫn sống thiết tha. Tôi sẽ cố ngủ vài tiếng trên máy bay, khi tôi thức dậy thì bên mình hẳn đã ăn sáng xong và đang uống cà-phê đá.
Các xa lộ vùng Frankfurt đã hiện ra dưới cánh máy bay, trong ánh sáng xám đục của một ngày mùa đông. Nếu ở phố cổ Hà Nội tôi sẽ gọi thứ ánh sáng này là "trữ tình" nhưng bây giờ chút lòng nghệ sĩ của tôi đã biến mất vì nhọc mệt. Cụ già kia mới đi nửa đường mà trông đã yếu hẳn rồi. Chị phụ nữ cuộn tròn người ngủ, đang mơ làm neo tại Mỹ hay thấy mình còn ở Việt Nam?
Ôi, còn nửa đường nữa, bao giờ mới đến.
Đến rồi thì "làm gì cho hết nửa đời sau?" [1] .
12.1995

[1]Trích thơ Cao Tần, "Ta làm gì cho hết nửa đời sau?", 3.1977

____________

Dòng người bất tận

Du khách đến Huế thường đến viếng đàn Nam Giao, vốn có tiếng tăm và nằm gần thành phố. Từ Nam Giao, rẽ tay mặt, khách có thể đi thăm nhiều lăng tẩm chùa chiền cổ kính. Trên đường từ rẽ mặt, chỉ cách Nam Giao không đầy một cây số, có một con đường nhỏ dẫn vào một ngôi chùa không mấy ai biết đến. Đó là chùa Châu Lâm, "chùa nhà" của tôi.
Chùa Châu Lâm không mấy ai biết đến là phải. Đó là một ngôi chùa chỉ mới được xây dựng cách đây hơn 70 năm, là một ngôi chùa nhỏ trong số hàng trăm ngôi chùa nhỏ bé khác tại Huế. Dường như các gia đình xứ Huế ai cũng có một ngôi "chùa nhà" như ngày nay xã hội tân thời ai cũng có một "bác sĩ nhà". Không rõ cơ duyên nào mà gia đình tôi tuy ở tận Bao Vinh hầu như nằm phía đầu kia của thành phố, nhưng không chịu lấy một ngôi chùa nào đó ở Hương Trà, Hương Vinh mà lặn lội lên tận sườn núi Ngự Bình, tìm ngôi chùa nhỏ đó để xin làm đệ tử và làm nơi qui y cho con cháu.
Nói "lặn lội" thật ra không hề quá đáng vì ấn tượng của tôi với chùa Châu Lâm thường dính liền với mùa đông xứ Huế. Ngày xưa, tôi vốn thường tháp tùng ông tôi lên thăm chùa vào dịp Tết Nguyên Đán, một mùa của mưa gió và giá lạnh của miền Trung. Trong những ngày đầu xuân của thập niên năm mươi đó người ta thường đi xích-lô mà khách được che bằng một miếng vải bạt lỏng lẻo. Xe dừng trước cổng ở ngoài đường cái. Ông cháu chúng tôi lội đường đất vào chùa và cuối cùng leo một cái dốc mà thời xa xưa đó tôi cho là cao lắm. Một cây mít đón chào chúng tôi nhưng tôi nào có hơi sức nhìn đến nó. Cái dốc này dường như đầy đất sét trơn trợt, đi giày mà tôi vẫn cố bấm chân thật chặt cho khỏi té ngã.
Trong chính điện, tôi đợi ông tôi lạy Phật xong mới đến phiên mình. Đến chùa, lạy Phật là việc đầu tiên phải làm, điều mà tôi vẫn còn giữ đến ngày nay. Sau khi lễ Phật chúng tôi xuống "nhà dưới" thăm Ôn Châu Lâm, hoà thượng trụ trì của chùa. Ngày đó, tôi đâu biết Ôn tuy mới gần sáu mươi nhưng đã là một vị tăng sĩ đã thực hiện nhiều Phật sự to lớn, đã dày công tham gia xây dựng phong trào Phật giáo tại miền Trung, là huynh đệ với hòa thượng Tịnh Khiết. Tôi cũng không hề biết sau khi tu học, tham vấn và hoạt động nhiều nơi, Ôn đã về đây khai sơn ngôi chùa Châu Lâm, chỗ mà tôi đang ngồi co ro trong những mùa đông lạnh giá đó. Đối với con mắt trẻ thơ hồi đó, Ôn là thầy của ông tôi, là người có một khuôn mặt vừa nghiêm nghị, vừa hiền hậu. Ôn là người rất thoát tục cao xa, dường như không có gì của thế gian va chạm đến, tôi nghĩ thế. Tôi lơ đãng ngồi nghe những câu chuyện đạo nho nhỏ, đợi đến lúc được phát bánh mứt. Trong không khí lạnh và đầy sương của sườn núi Ngự Bình, không gian thấm đượm mùi thơm ngát của hương trầm và thỉnh thoảng được điểm nhẹ bằng vài tiếng chuông thong thả. Chùa nào đánh chuông, chùa nào thắp hương, đó là điều không ai hỏi đến trên sườn núi xứ Huế. Những ngày đi chùa giá lạnh tưởng chừng như bất đắc dĩ đó nào ngờ để lại ấn tượng sâu xa trong tôi để mình cứ mơ mãi về một ngày Tết Nguyên Đán về thăm quê đi lại trên sườn núi Ngự Bình.
Bẵng đi mấy mươi năm xa quê tôi không về lại Châu Lâm. Một ngày nọ trong năm 1977 tôi nhận được thư từ xứ Huế, cũng vào một ngày xuân, báo tin Ôn Châu Lâm đã mất. Tôi tự hỏi, như thế Ôn đã chứng kiến những lần dâu biển của đạo pháp và đất nước, những cảnh vùi dập của năm 1963, những biến cố miền Trung của năm 1965 và cuộc đổi dời trong năm 1975. Ôn đã nghĩ sao? Rồi tôi tự trả lời, chuyện thế gian chắc không thể tác động đến Ôn, một người tu hành ẩn dật đích thực. Rồi cũng nhiều năm mà tôi đi tham bái chùa chiền trong nhiều nước khác nhau và thấy rõ một điều, có lẽ trên đời ít có chùa nào nhỏ hơn chùa nhà của mình, nhưng cũng khó có những pho tượng nào đẹp hơn tượng chùa mình.
Tháng 12 năm 2002 tôi lại đến thăm chùa trong một ngày mưa phùn giá lạnh. Cây mít ngày xưa không còn nữa và dốc lên chùa bây giờ xem ra rất tầm thường, xe Honda chạy thẳng lên sân. Sau khi lên điện lạy Phật và ngắm lại các bức tượng xưa mà tôi đã thầm mang theo hình ảnh đi khắp nơi trên thế giới, tôi ngồi lại ngay chỗ ngày xưa ông tôi ngồi, còn ngồi chỗ của Ôn Châu Lâm là thầy Phước Thành, một vị đệ tử của Ôn. Bên cạnh tôi là chú Hạnh Viên, một vị xuất gia còn rất trẻ, từ miền Nam ra đây tu học. Theo truyền thống xứ Huế mùa đông, chúng tôi rút chân lên ghế cho ấm, ngồi uống trà trong ngôi nhà xưa, nơi Ôn từng sống hẳn cũng gần 40 năm. Tôi nhìn ảnh của Ôn, tưởng chừng như thời gian đọng lại trong căn nhà mờ tối này.
Tôi nhìn chú Hạnh Viên với chút thú vị. Trong Nam xa xôi tại sao chú lại "lặn lội" ra đây tu học, bộ trong đó không có chùa sao mà ra Huế chịu khổ vì lạnh và ẩm, nhất là tại sao chú lại chọn đúng ngôi chùa vô danh và nhỏ bé này. Chùa Châu Lâm của tôi bây giờ đã được đồn xa tiếng lành rồi chăng? Thời gian không hề đọng lại như tôi tưởng vì bây giờ trong ngôi chùa khang trang đã có điện thoại, có máy vi tính, có tủ sách, có internet.
Tôi nhìn thầy Phước Thành, tính ra thì Thầy hơn tôi có vài tuổi, y như ngày xưa Ôn hơn ông tôi vài tuổi. Ôi, thời gian đâu có bao giờ đọng lại, Ôn và ông tôi đã mất, còn tôi nay bằng cỡ tuổi ông tôi năm xưa. Chỉ căn nhà mờ tối này và mùi thơm của hương trầm mới không hề thay đổi. Tôi nhìn mắt thầy Phước Thành, hỏi thăm bệnh mắt của thầy. Thầy cho biết một bên mắt không thể cứu chữa được và bỗng buột miệng ngâm:
Phù nghiệp hệ thọ thân, Bởi do nghiệp trói buộc mà có thân,
Vị miễn hình lụy Chưa ai khỏi khổ lụy về thân.
Đó là hai câu đầu trong Qui sơn cảnh sách. Tôi đã biết Qui sơn cảnh sách là một tập luận nhằm khuyến cáo tăng sinh, nhưng hôm nay tôi nhận ra nó được bắt đầu bằng hai câu đầy lòng từ bi và thương xót. Thân người chỉ là tập hợp của những yếu tố vật chất, hai câu này vang lên như một lời cảm khái, đầy an ủi cho cuộc đời nhân sinh.
Tuy nãi tứ đại phù trì Tuy nhờ bốn đại giữ gìn
Thường tương vi bội Nhưng chúng thường trái nghịch
Vô thường lão bịnh, bất dữ nhân kỳ Vô thường già bệnh, chẳng hẹn với người
Triêu tồn tịch vong, sát na dị thế Sớm còn tối mất, một sát-na đã qua đời khác
Tôi nhìn hình Ôn, nhớ Ôn và ông tôi. Cả hai vị đã trường thọ nhưng quả có người sống một cuộc đời rất ngắn ngủi, quả là cái chết chẳng hẹn với người. Người Tây Tạng chẳng từng hay nói: "Kiếp sau có khi tới sớm hơn ngày mai". Thấm thía thay! Tôi lắng nghe lời giọng ngâm trầm ấm của thầy Phước Thành và lắng nghe chính lòng mình, khám phá có vài điều khác lạ.
Những câu kinh luận như trong Qui sơn cảnh sách ngày xưa là những lời căn dặn thường tình nay bỗng có chiều sâu thẳm. Đó chính là những kết luận lớn nhất của con người. Những điều mà ta chỉ hiểu bằng trí năng, bằng lý luận nay là sự trải nghiệm đích thực của chính mình. Đạo Phật quả có nhiều mức độ và chiều kích mà có lẽ lòng người chỉ thấu hiểu nó sau khi bản thân mình đã sống trải và tâm phải đang dò tìm thực sự.
Tôi nhìn thầy Phước Thành với lòng hâm mộ giọng ngâm. Thầy cho biết tăng sinh nào cũng phải thuộc nằm lòng Qui sơn cảnh sách từ hồi nhập môn. Tôi quay nhìn chú Hạnh Viên, chú mỉm cười gật đầu. Tôi lại khám phá ra một điều mới mẻ nơi chính mình. Thầy Phước Thành không quá xa tôi như hình ảnh của Ôn Châu Lâm ngày trước, vì một lẽ là chúng tôi cùng một thế hệ, nhưng một lẽ khác quan trọng hơn là tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ cả, một tu sĩ cũng có những "khổ lụy" về thân. Đúng thôi, chưa có ai được "vị miễn hình lụy". Có lẽ ngày xưa Ôn Châu Lâm cũng thế mà tôi không biết chăng. Hình ảnh của một nhà tu thâm nghiêm của thời xa xưa bỗng biến đi và nhường chỗ cho một con người với lòng thương yêu gần gũi. Tôi nhìn hình Ôn, nhìn thầy Phước Thành, nhìn chú Hạnh Viên, nhìn chính mình và nhận ra một điều kết nối giữa bốn chúng tôi, một điều mà tôi chưa bao giờ nhận thấy thật rõ, đó là tình đồng đạo.
Tình đồng đạo, một điều vốn được nói đến quá nhiều để trở thành sáo ngữ, nhưng trong buổi sáng mùa đông nọ tại Huế, tôi thấy vô cùng đích thực. Thoắt một cái tôi bỗng nhớ tới những người bạn quí đang sống trên đất nước Việt Nam, tại Pháp, tại Đức, có những người đã rất lâu tôi chưa gặp lại, nhớ cả những người tôi chưa bao giờ được gặp, chỉ trao đổi bằng thư từ. Tất cả giữa chúng ta có một điều chung, đó là những người cùng nhận đức Phật làm thầy. Tất cả đều ập về một lúc như thể trái đất chật ních những người đó, những người mà ta gọi là "tăng", một trong ba tam bảo.
Trong một lúc tôi nhớ đến những bất mãn, những phê phán, những nghi kỵ của mình đối với nhiều thầy, nhiều bạn về các mặt như giáo lý, chủ trương, phép tu tập, thái độ chính trị...và nhận thấy mình phiến diện. Không phải vì những điều khác biệt đó không có, mà vì đầu óc thiển cận của mình chỉ cho thấy cái khác, cái riêng, mà không chịu thấy cái gốc rễ to lớn đã sinh ra muôn vạn lá cành, không thấy cái tình nghĩa, cái chung nhất của những người đi chung một đường. Không dại dột sao khi ta chỉ thấy sóng nhấp nhô khác nhau mà không thấy chất nước? Huống hồ gì những người như chúng ta không hề "chật ních" trên trái đất mà thật ra vô cùng mỏng yếu và đang bị các yếu tố xã hội phân hóa và xói mòn một cách không thương tiếc. Những con người đó không những chỉ chịu hình lụy của thân thôi mà còn bị xã hội và các thế lực khác thử thách, xâu xé, lừa dối, chia rẽ...một cách vô cùng tinh tế và tàn bạo.
Nhưng tôi vẫn không tuyệt vọng. Tôi nhìn hình Ôn Châu Lâm và hai vị tu sĩ trong căn nhà mờ tối nọ của Ôn để lại và thấy tính chất liên tục của thời gian và đạo pháp. Sau Ôn có thầy Phước Thành, sau thầy Phước Thành có chú Hạnh Viên. Sau lớp người chúng tôi vẫn có những con người rất trẻ hướng về ánh sáng chân lý của tự thân. Những dòng người tự nguyện tiếp nhau đi trên một con đường đạo, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tôi bỗng nhớ đoàn người kéo nhau lên đỉnh Linh Thứu tại Ấn Độ để đảnh lễ đức Thế Tôn, họ cũng tự nguyện đi đường xa vất vả đến đó, tất cả cũng chỉ vì một lòng kính mộ sự thật.
Tôi chợt nhận ra rằng chính những khổ lụy về thân và những thử thách của xã hội mới làm ta thấu hiểu nhiều điều. Có những điều giản đơn mà sau nửa thế kỷ ta mới nhận ra nó. Đó là một ngày mùa đông, trong chùa Châu Lâm vô danh và nhỏ bé...
8.1.2004

_____________

Tùy bút mùa lụt

Quê tôi xứ Huế mỗi năm lụt vài lần, đó là điều ai cũng biết.
Như một người đẹp khó tính, sông Hương có nhiều khuôn mặt. Sông chảy từ Tây sang Đông nên trong buổi hoàng hôn, ánh chiều đọng lại dọc theo dòng, sông sáng lên như một giải lụa giữa hai bờ sẩm tối. Nếu trong bầu trời mọc một mảnh trăng non, dòng sông sẽ mềm mại không sao tả xiết. Thế nhưng vào mùa lụt thì cũng chính dòng sông đó lại vùng lên tràn bờ, ào ạt chảy một thứ nước đục ngầu, mang theo vô số củi đen, cây gãy.
Thứ nước lụt mà người Huế gọi là "nước bạc" là một thứ nước đục nhờ nhờ, trẻ con như tôi ngày xưa không biết từ đâu mà có. Hỏi người lớn thì được nghe nói "trên nguồn chảy xuống" nhưng hỏi "nguồn" ở đâu thì không ai biết. Giữa dòng thì nước chảy cuồn cuộn đáng sợ, nhưng khi lên đến đường, tràn vào hóc hẻm mọi nhà thì nước hiền lành trở thành bạn của chúng tôi.
Trong thứ nước bạc đó có cơ man nào là tép, đưa rổ xuống là xúc được tép. Thỉnh thoảng chúng tôi may mắn câu được cángạnh, bụng đầy trứng. Mùa lụt chúng tôi được ăn cá ngạnh, cá chình. Cá ngạnh giống cá trê nhưng nhỏ hơn, nghe nói cũng "trên nguồn" đổ xuống. Tôi nghiệm ra những thứ gì không ai biết xuất xứ thì được người Huế cho là "trên nguồn" đổ xuống cả. Cá chính cũng là thứ cá nguồn, có con to như bắp đùi, mùi thịt rất lạ, mỗi năm chúng tôi chỉ ăn được một hai lần. Trong thứ nước bạc đục ngầu đó, tôi chỉ sợ nhất là rắn đẽn. Người lớn nói ai cũng rắn đẽn cắn là chết liền. Nhưng tôi chưa nghe ai bị rắn đẽn cắn cả. Nước tràn lên bờ thì dĩ nhiên trường học đóng cửa, con nít nghỉ học, chúng tôi tha hồ chơi. Trò chơi của các nít xứ Huế bốn mươi năm trước chỉ là thả tàu bằng cái lon sắt tây đựng cá mòi, đôi khi có buồm làm bằng vải rẻo. Người lớn bày cho chúng tôi cột một miếng xà-phòng sau tàu, xà-phòng nhả ra một thứ bọt lăn tăn, có sức đẩy tàu tiến lên. Cứ thế mà chúng tôi chơi từ sáng đến chiều.
Lụt là niềm vui con nít, chúng tôi nào cần biết đến nỗi lo của người lớn. Không có gì sung sướng hơn khi trong đêm lắng nghe mưa to gió lớn, sáng ra trước đường đã có nước. Chúng tôi nghe người lớn nhìn trời ngóng gió, nếu họ buột miệng nói mưa nay là mưa lụt đây, gió này là gió ngược sông đây, sắp lụt to đây...chúng tôi sẽ khấp khởi mừng thầm. Người lớn chuẩn bị đônbàn ghế lên, còn chúng tôi sửa soạn chiếc tàu con, chiếc vợt bằng vải mùng để bắt tép, thau nhôm đựng cá.
Trong mùa lụt, người ta vừa nhàn hạ vừa bận rộn. Xem ra ai cũng gấp rút, xung quanh lúc nào cũng có tiếng kêu ơi ới. Nhưng người lớn có người khỏi đi dạy, miễn đi làm...lại thú vị lấy sách ra đọc, lấy cờ ra chơi hay cùng trẻ con đi lội lụt. Chúng tôi thì có việc làm của mình vì con đường đã biến thành dòng sông, chuyện gì cũng đáng thích cả. Trên dòng sông đó, những chiếc thuyền cót trét dầu rái chở vô số người và hàng hóa xuôi ngược. Họ vẫn đi buôn đi bán, đi thăm ông bà cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo, đến nhà này nhà kia để đôn bàn ghế. Người lớn chỉ biết lo chuyện bàn ghế bị hư, hàng hóa bị trôi, sách vở bị ướt, chắng ai hơi đâu mà la rầy chúng tôi. Thế nhưng, lụt ở Huế chỉ kéo dài chứng vài ba ngày là nhiều, lúc chân trời hừng sáng là lúc nước rút, lòng trẻ con buồn như chiều mồng hai tết. Nước rút rồi thì người lớn rút chổi rành ra quét bùn non, con nít lấy sách vở ra học lại.
Về sau tôi không còn ở quê mà lên phố. Sau mỗi đêm mưa to giớ lớn, tôi lại chạy ra ban-công, nhìn sông Hương và xem Đập Đá. Đập Đá là đoạn đường ngắn cắt sông Hương, nối thành phố với Vĩ Dạ. Đập Đá tràn nước thì quê tôi lụt, đó là kinh nghiệm lâu năm của tôi. Nhưng quan trọng nhất là khi Đập Đá đã tràn thì trường học đóng cửa vì thầy trò có nhiều người từ Vĩ Dạ đi lên. Thế là tôi lấy cớ đi thăm ông bà, thốc áo mưa lên thuyền về quê. Lớn hơn đôi chút, tôi vẫn còn ham nước bạc, vẫn đưa mắt nhìn chừng rắn đẽn, nhưng đã thấy cái vất vả của người lớn trong mùa lụt. Thuyền càng đi, nước bạc vào nhà càng sâu, có nơi tới bụng tới ngực. Tôi khám phá ra một điều mới. Trẻ con như tôi đâu phải ai cũng yêu thích lụt lội, chúng cũng vô cùng khốn khổ vì đôn bàn ghế và vớt vát những gia sản nhỏ bé của mình. Nước mắt của chúng cũng đã đổ khá nhiều vì người lớn nóng tính và tiếc của. Thuyền của tôi đi qua vạn nhà đò, họ cũng chộn rộn sợ sệt khi nước lớn và chảy xiết. Trẻ con nhà đò không hề bình chân như vại như tôi thầm tưởng.
Mưa gió lụt lội là một phần của thời thơ ấu tôi. Về sau khi ra nước ngoài học tập, tôi vẫn nhớ mùa mưa bão xứ Huế và hay mua gửi về thứ áo mưa thật tốt để thay cho chiếc tơi lá mà cha ông tôi hay dùng. Tôi vẫn mơ về Huế đúng mùa lụt để đi đò, để nhớ lại cảnh đời xưa. Gia đình tôi lại khuyên phải tránh những tháng tám tháng chín để đỡ bão lụt, nhưng tôi vẫn thầm mong.
Năm ngoái tôi về lại Huế, may thay đúng những ngày lụt. Tôi vội lấy Honda về Đập Đá. Nước tràn mạnh qua đập, cảnh sát đề bảng cấm xe người vượt qua. Nhiều người tụm năm tụm ba đứng ngó nước chảy, đúng là phong cách Huế. Nước đã lên Hàng Bè. Tôi chạy xe về cầu Đông Ba, gửi xe, xắn quần, lội nước bạc lên ghe. Ôi, thời gian như dừng lại, xem ra nó chẳng chịu trôi trong xứ Huế này. Sau bốn mươi năm vẫn là những chiếc ghe bằng cót phết dầu rái. Thế nhưng chúng vẫn đủ sức chở đầy người và hoa quả. Ghe hướng về Bao Vinh, vẫn thứ nước bạc trăm năm không hề thay đổi. Nước sông chảy mạnh, người ta rớ cá cũng vẫn bằng chiếc rớ với bốn cây tre buộc chụm lại. Người lớn kéo lưới, một đám trẻ con bu lại đứng coi. Có tiếng chửi thề, càm ràm năm nay ít cá.
Người ta vẫn đi lội lụt, áo tơi lá ngày xưa đã nhường chỗ cho những chiếc áo mưa mang chữsport. Té ra cũng có thay đổi. Con nít chơi với những chiếc tàu hẳn hoi bằng ni-lông, có thứ chạy bằng pin. Thau nhôm ngày xưa không còn, ngày nay người ta xài thau ni-lông xanh đỏ, nhiều kích cỡ khác nhau, cái này nằm gọn trong cái kia. Nhưng các vạn nhà đò đã bị giải tỏa, những cuộc đời nhỏ bé và ướt át đó nay đi vể đâu ?
Bao Vinh đây, nước bạc đã ngập ngang ngực. Bên kia sông, Tiên Nộn xa tít. Cả nhà trố mắt ngạc nhiên khi tôi sùm sụp áo mưa đi vào. "Đi chi vất vả rứa? Trời ni gọi tê-lê-phôn thăm được rồi!". Thì ra, sau bốn mươi năm, Huế tôi cũng có thay đổi, bây giờ nhiều nhà đã có điện thoại. Tôi cười dấu ý nghĩ của mình. Tôi về thăm bà ngoại tỏ lòng hiếu thảo cũng có, nhưng thật ra là đi thăm thời thơ ấu của mình.
Nước vô đầy trong nhà, tôi hỏi thăm và biết trước câu trả lời, lụt xứ Huế là chuyện cơm ngày ba bữa. Tôi hỏi chuyện ăn, ở nhà biết ý tôi cho hay cá chình mấy năm sau này rất hiếm, rất đắt, chỉ khách sạn mới có. Vì thế mà người ta ráo riết bắt cá chình trong mùa lụt. Thì ra tiếng càm ràm "ít cá" hồi nãy cũng có lý. Tôi hỏi chuyện sống và biết tuy lụt lội thế thôi nhưng năm nay bà con dễ thở, "gạo hăm hai", tức là mười ngàn mua được hăm hai lon gạo. Tính nhẩm thì chị chèo đò hôm nay ăn không hết cơm rồi. Kể chuyện áo mưa thì bây giờ người ta văn minh lắm, có thứ áo mưa mặc một lần là vứt. Quần áo thì đâu còn ai mặc áo rách, áo không mô-đen thì không ai mặc. Xứ Huế mình cũng ghê thật, tôi nói theo và lòng thầm nghĩ thời gian không dừng lại bao giờ, quê mình cũng đã khá lên rồi. Có tiếng điện thoại reo, ông cậu tôi bên Canada gọi về hỏi thăm, nghe bên nhà lụt. Xứ Bao Vinh này cũng đã "hội nhập" vào quốc tế rồi chứ không phải tầm thường.
Nói chuyện với trẻ con đang hớn hở chơi nước lụt, tôi giả bộ ngó trời mây, nói chân trời đã sáng, chắc ngày mai nước rút. Chúng nhìn tôi không tin hẳn vì chúng nghi ngờ khả năng thiên văn của tôi đã đành mà tâm lý chúng vẫn mong nước chưa rút. Thì ra có một điều trăm năm không hề thay đổi, đó là tâm lý con người. Rồi chúng sẽ lớn như tôi, chúng sẽ nhớ những chiếc tàu xanh đỏ đó, chúng sẽ bồi hồi trong một ngày nước dâng ngập bờ.
7.1997

_____________

Mùa xuân lên đỉnh non cao

Nếu Xuân này bạn có dự định đi chơi núi non, cao nguyên, đừng chần chờ, hãy thực hiện.
Đã dự định đi núi hẳn bạn muốn tránh thành thị ồn ào, chật chội. Hầu như tất cả mọi thành thị trên thế giới đều xây dựng bên một dòng sông, tại lũng thấp của địa thế. Do đó núi non luôn luôn là nơi vắng người, của thiên nhiên, của không gian và sự tĩnh lặng.
Dân thành thị hầu như không bao giờ thấy không gian. Đi giữa những con phố New York người ta thấy mình như trong hẻm núi, không ai ngước nhìn bầu trời. Phố xá Saigon không đến nỗi cao như New York nhưng nơi đây ta chỉ thấy xe và người, không hề có không gian trống trải. Trong đời sống thành thị, hình khối, vật thể và tiếng ồn choáng hết lòng người. Sống lâu trong thành thị người ta tưởng chỉ có thế, con người sớm mất khái niệm về thiên nhiên rộng mở và lặng lẽ. Vì thế tâm con người "văn minh" chỉ là một chuỗi liên tục của cảm xúc và ý niệm được sinh ra từ sự chộn rộn từ bên ngoài.
Con người mơ đến núi non là phải. Trong vô thức con người mơ hồ biết đến một cái giø khoáng đạt, tĩnh lặng, bên trong và bên ngoài.
Người Saigon nghĩ đến Đà Lạt, người Hà Nội nghĩ đến Sa Pa. Cả hai nơi đều đạt được một độ cao trên 1500m. Trên đó không gian đã bắt đầu hiện hiønh sâu thẳm. Cao độ vượt mức 3000m ta có thể kể Fansipan, đỉnh cao nhất Việt Nam, Nga Mi sơn của Trung quốc hay Lhasa của Tây Tạng. Trên độ cao đó không gian bắt đầu lạ lùng mang đầy màu sắc, hơi thở dồn dập của con người nghe rõ trong sự tĩnh lặng. 4810m là độ cao của Mont Blanc, ngọn núi mà các thế hệ leo núi Alps tại châu Âu mơ ước. Nhưng tất cả đều khuất phục dưới Hy mã lạp sơn, dãy núi tuyết tại biên giới Ấn độ và Trung quốc mà một mình nó đã có chục ngọn trên 8000m. Cuối cùng đỉnh Everest với độ cao 8848m là đích đến cao nhất của các nhà leo núi mà Tensing Norgay và Edmund Hillary là những người đâu tiên đạt đến năm 1953. Tiếc thay ngày nay hàng năm có khoảng 300-500 người leo đỉnh Everest. Đỉnh núi này đã bị thương mại hóa. Nơi đây người ta thiết lập mọi phương tiện leo núi, từ thang dựng sẵn, đến biønh oxy, đến điện thoại vệ tinh để ai bỏ tiền ra cũng "chinh phục" được Everest.
Nhiều nhà chinh phục của phương tây nhìn núi non như thế. Núi non là đỉnh cao để chinh phục, để đứng cao chóp đỉnh và tự hào về thành tích của mình. Hay thâm trầm hơn, núi non là "ngã rẽ giữa cái sống và chết" để tiøm sự "chứng thực" bản thân mình, nói như Reinhold Messner, nhà leo núi nổi tiếng. Nhưng trong ý nghĩa sâu thẳm hơn, núi non là nơi không gian vô tận hiện hình rõ nhất, là nơi sự tĩnh lặng hầu như có thể sờ được. Vì vậy đến với núi non theo cách của người phương đông là đến với cái trống rỗng của không gian, với cái lặng lẽ của sự an tĩnh.
Bởi thế nếu bạn có dự định đi núi, bạn không cần phải lo núi miønh có cao nhất không, liệu mình có đủ sức leo tới đỉnh. Hãy quên tâm lý ham thành tích, hãy đến một cao nguyên, bốn phương là bầu trời. Bạn hãy bỏ lại đằng sau tiếng ồn của phố thị và lắng nghe sự im lặng. Làm sao có thể nghe được sự im lặng? Bạn đã quen nghe âm thanh, tiếng ồn nên cho rằng sự im lặng không thể nghe được. Tương tự như thế bạn đã quen nhìn thấy vật thể nên khi nhắm mắt bạn nghĩ là không thấy gì cả. Thực ra khi nhắm mắt bạn thấy "cái tối đen". Thì cũng như thế bạn có thể nghe sự im lặng.
Hãy lắng nghe sự im lặng và tự biết rằng sự im lặng của mình nghe được khác với sự tĩnh lặng của một xác chết. Xác chết không biết nghe, nó chẳng nghe tiếng ồn cũng chẳng biết sự tĩnh lặng.
Lắng nghe cái im lặng một hồi lâu bạn sẽ phát hiện ra một điều kỳ dị: cái im lặng chính là khả năng nghe của bạn, ở đây ta tạm gọi là Tính nghe. Tính nghe không phải ở trong chẳng phải ở ngoài. Dường như Tính nghe, khả năng nghe đó đã "dàn" ra thành sự im lặng. Và hơn thế nữa, mọi âm thanh bình thường đều là những gì nhảy múa trên sự im lặng đó, từ đó mà xuất đi.
Cũng tương tự như thế, nếu bạn không chú tâm nhìn sự vật mà nhìn không gian, trong đó sự vật xuất hiện, bạn sẽ khám phákhả năng thấy hay Tính thấy dường như dàn ra thành không gian mà trong đó sự vật chiếm cái chỗ của mình. Không có không gian thì không thể có sự vật.
Quan sát thêm một hồi lâu, bạn sẽ thấy có một khả năng biết hay Tính biết đang dàn trải. Nó trống rỗng như không gian, lặng lẽ như sự im lặng. Nó ghi nhận mọi sự, âm thanh hay sự vật, cảm xúc hay ý tưởng, bên ngoài hay bên trong. Nó làm bạn khác với một xác chết. Bạn gọi Tính biết đó là Sự sống thì cũng được, gọi nó là Thượng đế chắc cũng được nốt. Những lúc đó có lúc bạn nhớ đến miønh, có lúc không. Nếu Tính biết đó liên tục ghi nhận những gì đang xảy ra, bạn không còn hơi đâu mà nhớ đến mình. Lúc đó chỉ có Tính biết tinh khôi như mùa xuân đang vận hành. Đó là thời khắc bạn tự chứng nghiệm lấy những gì xảy ra, không thể miêu tả.
Bạn sẽ hỏi, tất cả những trò này để "được" cái gì. Không được gì cả. Đến với nó là để mất chứ không phải để được. Mất là mất sự ồn ào náo loạn trong tâm. Bạn sẽ để một gánh nặng xuống chứ không thêm thành tích của sự chinh phục nào cả. Đó chính là sự khác biệt cơ bản giữa người đi chinh phục đỉnh cao và người buông xuống gánh nặng của tự ngã.
Bạn quay về thành phố và ngạc nhiên nhận ra rằng, lâu nay mình đã bỏ sót rất nhiều. Không gian và sự im lặng sờ sờ trước mắt nhưng mình không thấy không nghe. Không gian chỉ là khoảng cách giữa các vật thể. Không gian trong một góc phòng nhỏ hẹp không hề khác với không gian trên núi. Sự tĩnh lặng giữa những tiếng ồn cũng là sự tĩnh lặng trên cao nguyên, thậm chí giữa hai hơi thở cũng có sự tĩnh lặng.
Bạn lại trở về lũng thấp đầy tiếng ồn, vật thể và sự hỗn loạn. Phần lớn chúng ta sẽ rơi trở lại trong thói quen thường ngày của tự ngã. Tất cả những chứng nghiệm của những ngày qua lại sẽ rút lại vào kho chứa của vô thức. May mắn thay cho những ai giữ được mãi chứng thực tâm linh của mùa xuân và non cao.

____________

Quán cóc bên đường

Đường Võ Văn Tần có một cái hẻm nhỏ, đó là chỗ tôi hay ghé ăn khuya. Con hẻm vô danh này cũng như hàng trăm hàng ngàn các hẻm khác trong thành phố Sài Gòn, là nơi tụ tập bán hàng rong, quán nhậu, là chốn lui tới của những cuộc đời cơm hàng cháo chợ. Tôi thường đến đó để ăn sò huyết. Người nhà ai cũng dặn tôi đừng ăn nghêu sò, dễ bị bịnh thương hàn. Thế nhưng tôi phớt tỉnh vì cho bụng mình đã quen và cũng vì nhớ đến các cửa hàng coquillages ở Paris. Ở đó người ta bán nghêu sò ốc hến với một thứ giá trên trời dưới đất, không hề tương xứng với cái tên dân dã của chúng. Thế nên cứ những buổi khuya mát trời, tôi sà ngồi vào những chiếc ghế thấp bé trước một cái bàn đựng đầy sò huyết và thầm nguyền rủa kinh đô ánh sáng. Đó là nơi vừa đắt tiền vừa không bao giờ có một thứ sò tươi ngon như thế.
Thế nhưng không phải ai cũng ăn sò huyết như tôi. Bà chị bán hàng cũng biết thế nên trên chiếc bàn nhỏ bé nọ còn đủ các thứ linh tinh khác như hột vịt, ốc hương, ốc hút... Mùi vị của chúng rất khác nhau nhưng dường như chúng thuộc về một chủng loại nên được tập trung vô tay của một người bán. Sau lưng tôi lại là một cái quán khác, gồm một chủng loại khác như mề gà lòng vịt và cũng thu hút nhiều kẻ ăn khuya. Bên cạnh bà chị sò huyết lại là một bà chị khác chuyên bán cháo trắng ăn với cá khô, vịt muối, dưa mặn. Xa hơn một chút là xe mì rồi đến hàng chè sâm bổ lượng. Các khu vực quán cóc khác trong thành phố này cũng hao hao như vậy, dường như chúng có một cấu trúc hẳn hoi về chủng loại.
Bà chị sò huyết có một cô con gái hay ra quán giúp mẹ. Cô quạt than, luộc trứng, gọi bia, có lúc chạy biến vào hẻm bên kia đường lấy thêm hàng cho khách. Dường như ở mặt trong, các hẻm cũng chia nhau công tác hậu cần tiếp vụ. Mặt ngoài, hai bà chị sò huyết và cháo trắng ngồi cạnh nhau, xem ra hợp nhau, thỉnh thoảng trao đổi vài câu thân mật. Qua cách nói chuyện, dường như họ ngồi chung với nhau đã chục năm trời. Bà chị sò huyết có lúc nhìn tôi ái ngại vì lúc nào tôi cũng đến một mình. Không ai đi nhậu một mình cả. Chắc bà lo cho tôi bị cô đơn, nhưng là người Sài Gòn lịch sự, bà không hỏi. Bà chị cháo trắng cũng quen mặt tôi, biết tôi không bao giờ ăn cháo trắng. Dù thế, nhưng những lúc bên cạnh hết ghế, tôi vẫn được ngồi bên bàn bà chị cháo trắng, uống bia ăn sò huyết. Ưa ăn cháo trắng nhất là các cô gái mặc đồ bộ, uể oải từ trong hẻm đi ra, ngồi ăn không nói tiếng nào. Ăn uống mạnh bạo nhất thường là các anh công nhân mặc đồng phục màu xanh đậm. Hẳn các anh làm ca khuya, phải ăn lấy sức. Cũng có những cặp vợ chồng còn trẻ mặt mày hốc hác, đôi mắt đăm chiêu, người vợ im lặng đập trứng cho chồng.
Thế nhưng những chốn đó dĩ nhiên không bao giờ thiếu tiếng ồn. Mặc dù thứ bia ở đây pha với những viên nước đá to tướng vừa để lọt ly, nhạt gần bằng nước lã nhưng lượng nhiều quá quả nhiên cũng biến thành chất. Có chút nồng độ và niềm hứng khởi tụ tập trong phút giây mát trời, dân nhậu nói nhiều và nói to. Thế nên tôi được nghe mọi chuyện về cuộc đời muôn mặt. Chuyện chiến tranh, chuyện tham nhũng, chuyện vụ án, chuyện bánh phở, chuyện hoa hậu, chuyện Việt kiều, chuyện bóng đá... Việt Nam ngày nay đã khác xưa. Người dân công khai bàn những chuyện tưởng chừng như cấm kị. Gần 30 năm sau ngày giải phóng, điều rõ rệt nhất mà kẻ phương xa về nhà như tôi đều mừng mà thấy rằng mức độ thông tin và nhận thức của người dân lao động rất đáng nể nang. Từ chuyện vĩ mô toàn cầu, siêu cường “Gờ bảy” cho đến những trận bão tuyết đâu đâu ở bên Tây, những vụ chuyển nhượng cầu thủ bóng đá chẳng ăn nhằm gì đến ai, họ đều biết vanh vách và nhận định chính xác. Tôi sực thấy có nhiều điều bên Đức mà họ rành rẽ còn hơn tôi.
Thế nên toàn cầu hóa cũng có cái hay, ai cũng học được của ai, tôi ngẫm nghĩ. Thế nhưng bản thân những quán cóc bên đường này thì trên thế giới hẳn không ai bắt chước được. Bắc Âu không thể có quán cóc vì thời tiết quá lạnh. Nước Pháp hay có những quán cà-phê, rượu trà tại ngã tư đường. Tại làng mạc miền Nam xứ Pháp vào mùa hè, chúng mang chút phong vị của cuộc đời dân dã. Những ông già mặt mày hóm hỉnh ngồi uống loại rượu vang đỏ rẻ tiền. Họ làm gì có món nhậu, chỉ uống chay thế thôi, bên cạnh vài người đánh boule. Thế nên họ không thể nào có cái náo nhiệt trong quán cóc của ta.
Ấn Độ thì sao? Đó là một dân tộc không biết ăn nhậu. Họ chỉ ăn uống trong gia đình, không có thói quen la cà ăn hàng. Trong thành phố, tiệm ăn chính qui của họ rất ít, nói chi đến quán cóc. Người dân Trung Quốc coi trọng chuyện ăn uống, đó là điều mà ai cũng biết. Thế nhưng ở những nơi mà tôi đã đi qua ở lục địa khổng lồ này, tôi chưa từng thấy một nơi nào có hàng quán xem ra vừa tràn lan vừa có một thứ nề nếp hẳn hoi về chủng loại như tại thành phố của chúng ta. Chỉ tại Thái Lan và Singapore là thỉnh thoảng có chút dáng vẻ quán cóc. Đó là những chỗ có những dàn đèn nê-ông nơi mờ nơi tỏ, với bàn ghế thấp nhỏ mà tôi ưa sa vào ngồi xem thử họ bán cái gì. Thế nhưng không bao giờ tôi tìm thấy cái không khí thân tình của ta. Một nơi hào sảng như Việt Nam, nơi mà thỉnh thoảng người ta giành nhau được trả tiền đến nỗi phải to tiếng, nơi đó hẳn không có chỗ thứ hai trên thế giới. Thiếu cái ồn ào đã đành, dĩ nhiên tôi cũng không bao giờ nghe hiểu những gì họ nói, tâm trí của họ dành cho một điều gì khác mà tôi không hề rung động.
Một buổi tối nọ, tôi lại dựng xe vào hàng quán ở hẻm Võ Văn Tần. Hôm nay, ngồi sau cái bàn sò huyết là cô con gái. Cô chào tôi thân thiện và bắt đầu quạt than. Sau mấy tháng, bà chị sò huyết nay đâu vắng. Bà bị ốm hay đã nhường chỗ làm ăn cho con? Tôi đưa mắt nhìn cô gái « Bà chị hôm nay không ra? ». Cô im lặng. Bà chị cháo trắng bỗng lên tiếng « Bả đi vượt biên rồi ». Tôi nửa tin nửa ngờ, bà chị tuổi đã lớn sao còn đi vượt biên. Không biết vì tội nghiệp bà chị sò huyết hay vì nhìn thấy mặt tôi ngơ ngẩn, bà chị cháo trắng nói nhỏ « Bả chết rồi ».
Cô gái im lặng cúi đầu. Tôi định hỏi tại sao bà chị lại chết sớm nhưng lại thôi. Lòng tôi bỗng nhiên trống trải. Tối nay dường như dân nhậu sau lưng tôi cũng ít cãi nhau hơn. Hình như thành phố hôm nay bớt náo nhiệt. Tôi gửi cho cô gái một tờ giấy bạc “Cô em thắp hương cho bà chị giùm tôi”. Cô gái cố giấu một giọt nước mắt.
Ôi, quán cóc bên đường đâu phải chỉ là chỗ nhậu nhẹt ồn ào. Nó cũng không phải chỉ là tế bào, là đơn vị phân phối có cấu trúc hẳn hoi của một nền kinh tế đồ sộ của thành phố năm triệu dân này. Nó chính là cuộc đời. Những quán cóc bên đường nuôi sống hàng trăm hàng ngàn dân, tồn tại từ thế hệ này qua thế hệ khác, là nơi diễn ra cảnh ngộ muôn vẻ của cả kẻ mua lẫn người bán, của những giấc mơ con, những cuộc đời nhỏ bé, những số phận không tên.

____________

Berlin, ngày hè…

Tôi đến Berlin đúng ngày 13.7.2014. Lần này đi Berlin không phải du lịch, chẳng phải công việc mà tôi phải đi vì chữa mắt, chứng đục thủy tinh thể. Trong ngành nhãn khoa thì phẫu thuật thay thủy tinh thể thuộc loại giản đơn, nhưng tôi chấp nhận lái xe gần 650km vì muốn được một người bạn tư vấn và chữa trị. Anh là giáo sư tiến sĩ, giám đốc của một bệnh viện nhãn khoa tiếng tăm tại Berlin, một trong những người Việt thành đạt nhất trong bọn chúng tôi, sinh viên du học từ 45 năm trước.
Khi định ngày đến Berlin tôi không ngờ nhằm ngày chung kết của giải vô địch bóng đá thế giới. Đến Berlin, thủ đô của Đức, mà đúng dịp Đức vào chung kết thì lại càng nằm ngoài mọi tiên liệu. Không ai tính trước được kết quả bóng đá, tôi nghĩ thế vì cho rằng trong bóng đá yếu tố may rủi đóng vai trò quá lớn. Trong bóng rổ, bóng ném hay bóng chuyền ta có thể loại bỏ tính chất may rủi vì số lượng bàn thắng quá lớn. Còn trong bóng đá bàn thắng quá hiếm hoi.
Khách sạn nằm gần sông Spree, thuộc địa phận Đông Berlin ngày xưa. Berlin đã thay đổi nhanh chóng, không còn phân biệt đông tây. Ngày nay Berlin đúng là thủ đô của một nước lớn với những tòa kiến trúc tráng lệ và hiện đại. Nhưng Berlin cũng là một không gian sống đúng nghĩa cho tất cả mọi giai tầng xã hội. Đi giữa Berlin ta vẫn tìm thấy những góc nhỏ bình yên xanh mướt, những khu vườn hoang phế, những góc rừng âm u, những con đường lát đá cổ xưa như từ thời trung cổ còn sót lại.
Berlin đón tôi bằng một chiều trời nhiều mây sắp mưa. Tối nay 9 giờ trọng tài sẽ thổi còi mở màn trận đấu. Tôi mong đến trung tâm Berlin tại Brandenburger Tor để xem bóng đá cùng hàng trăm ngàn người. Nhưng từ trên xe đài phát thanh đã báo cảnh sát không cho ai vào nữa, Fanmeile đã ngập người. Cũng phải thôi, nếu vào đó, nhỏ người như vợ tôi chắc sẽ không thấy nổi màn hình. Và dù có lọt vào, liệu nàng có chịu nổi đứng suốt trận, có thể 120 phút, có thể đá phạt luân lưu?
Tàu điện ngầm ngập người. Hai cô gái châu Á mang trên đầu vòng hoa đen đỏ vàng đợi xe, nói cười tíu tít. Trên xe nhiều người đã mặc sẵn áo mưa, xem ra họ sẵn sàng đội mưa đêm nay. Những dòng người đi ngược chiều nhau, mỗi nhóm hẳn có một chỗ xem. Xung quanh tôi là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hà Lan và vô số ngôn ngữ không thể xác định. Berlin bây giờ đã international thế ư, khác hẳn 45 năm trước?
Chúng tôi vội tìm đường đến Potsdamer Platz, nơi tôi hy vọng sẽ tìm ra một tiệm ăn với màn hình lớn. Ra khỏi ga tàu điện ngầm quả nhiên trời mưa. Còn hơn một tiếng nữa, kịp thôi. Nhác thấy bên kia đường một tiệm ăn Ấn Độ đông người, tôi băng qua quảng trường rộng mênh mông. “Đi đâu, đi đâu”, cô hầu bàn tay bưng cà-ri, miệng hỏi dồn dập. “Fussball”, tôi trả lời. “Hết chỗ, hết chỗ”. Tôi đưa mắt nhìn bàn đang trống, có tiếng “đã đặt từ lâu”. Tôi thầm rủa người Đức cái gì cũng đặt chỗ, lên xe xuống tàu, ăn sáng ăn tối gì cũng đặt chỗ trước. Thế thì những dòng người ngoài kia mang cờ quạt kéo nhau đi đâu? Mưa rơi, những người ngồi ngoài hiên đã ướt. Gần đến giờ, tôi không thể hụt một phút. Tôi chợt nhớ tới sảnh trong khách sạn của mình, màn hình cũng khá lớn.
Ngoài âm thanh trong máy dội ra, cả Berlin dường như nín thở lặng yên. Sau một trận thắng dòn dã, đội cầu Đức thường gặp khó khăn. Thực vậy, họ sắp thua. May quá, Higuain việt vị. Phút thứ 113, một tiếng reo như vỡ tổ, một tiếng reo duy nhất của cả Berlin, một tiếng reo kéo dài cả phút. Không phải chỉ tiếng reo, tôi cảm nhận có một làn sóng vận động trong không gian. Phải chăng niềm vui của hàng triệu dân Berlin đã trở thành năng lực vật chất để ta “nghe” một sự bùng nổ?
Trong phút kỳ diệu đó Götze dùng ngực chặn banh, chân trái làm bàn. Bàn thắng đó không phải chỉ là bàn thắng mà là một tác phẩm nghệ thuật. Bóng vào khung thành qua một góc rất nhỏ. Götze được mệnh danh sẽ đi vào lịch sử bóng đá Đức nhờ thắng trái này, bàn thắng duy nhất của trận đấu. Tôi yêu mến Götze và Özil, hai cầu thủ khiêm tốn và ít nói trong đội cầu và mừng cho anh gặp may. Nếu thủ môn đẩy ra được hay bóng không vào, người ta sẽ trách Götze sao không bình tĩnh chận banh lại và chỉ lách nhẹ là khung thành trống rỗng chờ trước mặt.
Anh tốt nghiệp ngành nhãn khoa năm 1977. Anh kể tôi nghe tiến bộ kỳ diệu của môn phẫu thuật nhãn khoa. Chỉ hai ba mươi năm trước có khi người ta phải chụp thuốc mê để bệnh nhân nằm yên, không được nhúc nhích. Ngày nay việc mổ xẻ cho tôi chỉ là một thao tác kéo dài chưa đầy 15 phút, với thuốc tê nhẹ quanh mắt. Tôi tin anh và thành tựu ngành y khoa, nhưng đối với người ngoại đạo như tôi, “mổ mắt” trước sau là một động tác vô cùng hiểm nghèo.
Trong thời gian gần nửa thế kỷ đã qua của chúng tôi, thành tựu khoa học kỹ thuật trong mọi lĩnh vực là cuộc cách mạng vĩ đại nhất trên thế giới. Người Việt xa quê như chúng tôi cũng từ xa chứng kiến cuộc đổi dời của đất nước, trải nghiệm tận mắt sự sụp đổ bức tường Berlin và công cuộc thống nhất nước Đức. Chúng tôi ai cũng mỗi năm mỗi về viếng thăm quê nhà và tuy không nói ra, vẫn quặn lòng về tình trạng ngổn ngang của xã hội Việt Nam.
Sau chúng tôi một thế hệ mới của người Việt ra đời. Đó là những Neue Deutsche (người Đức mới), như tựa đề của một cuốn sách mà con gái anh là đồng tác giả. Những người Đức gốc Việt đó hiện nay đang ở tuổi trên dưới 30, phần lớn đều thành đạt và có cá tính. Họ được đào tạo trong đại học, nói nhiều thứ tiếng và biết mình muốn gì trong đời. Đặc biệt họ rất coi trọng quê hương Việt Nam của cha mẹ, biết rằng Việt Nam là một yếu tố hình thành tính cách của mình.
Potsdamer Platz là một quảng trường đặc biệt tại Berlin. Ngày xưa trước khi nước Đức bị chia cắt, đây đã là một trung tâm giao lưu quan trọng của thành phố. Bức tường Berlin, như một vết dao tàn bạo, cắt quảng trường này làm hai, phố xá phía trên cũng như các tuyến xe điện ngầm phía dưới. Ngày nay quảng trường này là nơi du khách không thể không đến. Tôi đi thơ thẩn tại đây, đợi ngày mai vào phòng mổ và khám phá Berlin ngày nay toàn là những “người Đức mới”. Họ là ai cả vậy? Tại sao ai cũng trẻ đẹp và đầy sức sống? Họ từ đâu đến mà sao đủ màu da, đủ khuôn mặt và nói muôn thứ tiếng? Hay họ là du khách đêm qua đến Đức coi bóng đá và góp vui vào chiến thắng của đội cầu? Hay họ mới đến hôm nay để ngày mai được tận mắt đón chào đội cầu vô địch về đến Berlin?

nguyen tuong bach
Dấu cũ bức tường Berlin (chỗ người thiếu nữ đang đi)

Quảng trường Potsdamer Platz mênh mông có một đường lằn bằng đá chạy xuyên suốt. Đó chính là dấu tích của bức tường Berlin. Thực ra khắp nơi tại Berlin, dấu tích đó vẫn còn được ghi lại bằng đá chạy xéo trên các con đường tấp nập. Dấu tích này được đắp bằng đá thẫm màu, khách đi qua có thể không ai để ý. Đó là cách ghi nhớ quá khứ của người Đức. Họ không rùm beng ồn ào nhưng họ không quên. Những vết đen lịch sử do các chế độ độc tài của họ gây ra trong thế kỷ 20 không bao giờ phai mờ trong tâm trí họ. Không giống người Pháp, họ sợ nói đến lòng tự hào dân tộc vì tính chất này đã hơn một lần gây thảm họa thế chiến. Hôm nay người dân phất cờ đen đỏ vàng chỉ vì Đức thắng trận bóng đá. Ngoài ra người dân Đức không bao giờ phất cờ.
“Ông là người Việt Nam?”. Chị vừa hỏi vừa đắp lên người tôi tấm vải xanh lục truyền thống trong các phòng mổ. “Vâng, còn các chị?”. “Tôi từ Hàn Quốc”. “Còn tôi từ Ba Lan, chúng ta rất international”. Chị người Ba Lan kể tiếp: “Nhờ sếp chúng tôi mà bây giờ bệnh viện mắt này nổi tiếng thế giới, có cả bệnh nhân Saudi nữa cơ đấy”. Thì ra chiếc giường mổ này đã biết đến các vị công hầu người Saudi Arabia, nổi tiếng giàu có và khó tính.
Lúc anh đang mổ cho tôi cũng là lúc đoàn cầu thắng trận trở về Berlin. Chiều nay sẽ có gần nửa triệu người tụ tập trên quảng trường lịch sử Brandenburger Tor để ca khúc khải hoàn. Tôi sẽ không tham gia dự được, anh cũng không, các chị ấy cũng không nốt mặc dù họ rất hâm mộ bóng đá. Ngày trong tuần, ai cũng tất tả làm việc. Thế nhưng trong phòng đợi, một vòng hoa đen đỏ vàng treo trên tường, dáng hình trái tim.
Tôi không được lái xe trong những ngày tới, con mắt cần được hồi phục. Thực ra cũng không mấy ai thích lái xe trong thành phố lớn như Berlin. Thế nên đây cũng là cơ hội để đi lại những con đường lịch sử. Chúng tôi đứng trước một tòa nhà uy nghiêm, đây là nơi xảy ra cuộc khởi nghĩa đầu tiên ngày 17.6.1953 chống chính quyền Đông Đức. Ngày 17.6 đi vào lịch sử, trở thành ngày lễ của Tây Đức mà 45 năm trước sinh viên chúng tôi vui mừng được nghỉ học và không mấy ai biết tại sao.
Cách chỗ tôi đứng vài trăm mét hàng trăm ngàn người đang reo hò đón đoàn cầu, còn nơi đây vài du khách đang ngẩn ngơ đọc thông tin về một ngày lịch sử mà nếu không có nó thì hẳn cũng chẳng có ngày hôm nay. Đoàn cầu Đức thắng lợi chủ yếu nhờ tinh thần đồng đội, đó là điều mà ai cũng công nhận. Ngày nay Đức trở thành cường quốc số một tại châu Âu cũng nhờ lòng đoàn kết. Kể từ ngày thống nhất, họ không nói về hòa giải, họ làmchuyện hòa giải. Ta không quên, vị Thủ Tướng cũng như Tổng Thống hiện nay của họ đều là người đến từ phía đông.
Tôi lại đến xem những mảnh tường Berlin còn sót lại. Những khối bê-tông này được dựng lên năm 1961. Kể từ đó bức tường Berlin trở thành biểu tượng của chia ly và tang tóc. Bức tường này là tiền đồn của hai phe Đông-Tây, là chứng tích của một cuộc đối đầu vô nghĩa của lịch sử loài người. Năm 1989, 28 năm sau, “chủ nghĩa xã hội” đã bị châu Âu loại bỏ. Năm nay, khi Đức giành chức vô địch bóng đá, bức tường đã biến mất cũng khoảng ngần đấy năm, Berlin đã chuyển mình ngoạn mục. Đức trở thành một nước phồn vinh, trở thành một nước nhập cư, đón mời nhà khoa học, chuyên gia và thợ thuyền đến làm việc. Berlin trở thành nơi hội tụ, là chốn gặp gỡ náo nhiệt nhất của hai phía đông tây.
Tôi đến để anh tái khám. Xe chạy trên trục đường lớn mang tên Karl Marx. Berlin cũng như nhiều thành phố khác vẫn vinh danh triết gia xuất sắc này qua những con đường. Ông là một trong những người Đức được tung hô và thóa mạ nhiều nhất. Từ cả hai phía, những người to tiếng nhất thường là những người không đọc ông, không hiểu gì về ông cả.
Punktlandung” (Đúng ngay điểm rơi), đó là cách nói của anh chỉ một ca phẫu thuật chính xác. Chúng tôi bật cười khi nhớ đến từ “sáng mắt sáng lòng” của ngày tháng xa xưa. Sau 45 năm, phần lớn du học sinh ngày nọ đã đi sâu vào chuyên môn riêng của mình, đã trải nghiệm mọi chuyện đời hay dở. Tất cả không khỏi chạnh lòng khi sống tại một nước như xứ Đức mà nhớ về quê hương. Lịch sử hai nước giống nhau biết bao và cũng khác nhau biết bao.
Cúp vô địch bóng đá vừa qua được mấy ngày mà dường như không còn ai nhắc nhở. Đúng thôi, mới qua mấy ngày mà Kroos đã tuyên bố đầu quân cho Real Madrid, Philipp Lahm giã từ đội cầu quốc gia, Van Gaal đã đi huấn luyện cho Manchester United. Những người hùng của ngày 13.7 đã đi đâu mất cả, chắc họ đi nghỉ hè chuẩn bị cho mùa giải mới. Tuần trước đây họ là đồng đội thân thiết, chỉ vài tuần nữa họ sẽ sống mái với nhau trên các sân bóng châu Âu. Báo chí sẽ không thương tiếc phê bình khi họ đá hụt quả phạt đền, dù trước đây vài tuần họ là cứu tinh của màu cờ sắc áo. Không có gì chóng tàn bằng hào quang bóng đá.
Tôi ra phố Berlin đông người qua lại. Trên các đường đi bộ rộng thênh thang, nghệ nhân đường phố đủ mọi lứa tuổi chơi đàn vẽ tranh làm trò kiếm tiền lẻ. Không khác các thủ đô khác, Berlin cũng có kẻ không nhà, họ ngủ dưới gầm cầu, chú chó trung thành là vật sở hữu duy nhất. Tất cả những điều đó không hề làm phiền đến ai, càng không hề hấn đến khách du lịch. Sau lần trời mưa ngay tối chung kết thời tiết chuyển qua những ngày hè oi bức. Khách du lịch tay cầm chai nước, tay cầm bản đồ tuôn đi bốn phía.
Có tiếng hò reo trên phố và một đám đông mang đầy cờ quạt tiến về phía tôi. Lần này thì không phải màu đen đỏ vàng mà cờ Palestina với sọc xanh lá cây. Họ biểu tình chống Israel đem quân đánh dải Gaza. Tôi đi nhanh về phía trước thì gần đó lại một nhóm khác đang mít-tinh đọc tuyên cáo, ủng hộ “quyền tự vệ” của Israel. Cảnh sát Berlin, mặc đồ đen, đầu để trần, xem như võ sĩ châu Á, cả trăm người đang cách ly hai nhóm để tránh ẩu đả. Như thể tai ương ập đến chưa đủ, một chiếc máy bay Malaysia bị bắn rơi, thêm một lần nữa làm ta nhớ cuộc đối đầu Nga Mỹ trong thế kỷ trước mà Berlin là chứng tích vừa mới lành da.
Buổi tối, tôi kéo ghế của tiệm cà-phê trên vệ đường Kurfürstendamm ngồi nghe một chàng thanh niên chơi nhạc bên kia đường. Tiếng đàn điêu luyện với máy móc hẳn hoi vang hẳn qua bên này. Tôi chợt thấy một chị phụ nữ nép mình dưới gốc cây bên kia đường, xây lưng về phía tôi, đang nhìn anh. Tôi vừa nghe nhạc, vừa nhìn chị. Sau hơn nửa tiếng tôi rảo bước qua đường, gửi cho anh một đồng tiền xu, nhân thể nhìn mặt người đàn bà. Người trẻ tuổi chơi nhạc hào hứng, khẻ gật đầu cám ơn. Chị đăm đăm nhìn anh, khuôn mặt sầu muộn, dễ chừng bằng tuổi mẹ anh. Tôi rảo bước về khách sạn, chị vẫn ngắm nhìn anh.
Ngày qua ngày, đường phố Berlin xuôi ngược hàng vạn con người. Tôi mới đến Berlin chưa đầy một tuần. Cuộc đời tưởng như rất ngắn nhưng thực ra rất dài vì nó trải nghiệm quá nhiều biến cố. Hành tinh của chúng ta tưởng như rất bé nhưng thực ra rất lớn vì nó chứa quá nhiều cảnh ngộ và số phận.
Tôi đến Potsdam, đứng trước lâu đài Cecilienhof. Đây là nơi các nhà lãnh đạo Churchill, Truman và Stalin họp hội nghị trong tháng 7.1945 sau thế chiến thứ hai. Tại căn phòng này, các vị đó phân định lãnh thổ Tây Đức - Đông Đức. Rồi họ đàm phán chia thủ đô Berlin ra làm hai, để Tây Berlin thành một ốc đảo nhỏ bé nằm trong lòng Đông Đức. Sau đó Tây Berlin trở thành ngọn hải đăng cho cả dòng diễn biến lịch sử Đức. Phải chăng đây chính là lỗi lầm “chết người” của Stalin, chấp nhận Tây Berlin tồn tại để rồi nước Đức sụp đổ và kéo theo cả hệ thống chủ nghĩa xã hội Đông Âu ? Một sai lầm duy nhất quyết định cả “trận đấu” chăng?
Không, lịch sử không giống bóng đá, không phải chuyện một hai bàn thắng may rủi. Thành bại của lịch sử dệt nên bằng những biến cố từng ngày, vận hội của một nước có thể thấy trước được.
Hôm nay lại một ngày nắng sáng. Mười ngày sau khi đến Berlin, tôi lên xe trở về Tây Đức.