ĐƯỜNG THI CHUYỆN BÊN LỀ

TIẾT PHỤ NGÂM

 

Võ Kỳ Điền

Chuyện chữ nho, nói ra không hết. Cũng không biết tại sao tôi lai đâm ra mê thơ Đường một cách điên cuồng. Nhớ lúc mới bắt đầu học ban Việt Hán ở ĐHSP tôi có một anh bạn thân cũng có chung một niềm say mê y như vậy. Nhà anh ở một ngõ hẽm đường Trần Hưng Đạo, gần Đại Thế Giới miệt Chợ Lớn, vô sâu chừng vài trăm mét. Vào một buổi trưa tôi đi kiếm nhà bạn để mượn bài vở. Lần lần kiếm từng số nhà. Quanh qua quẹo lại, đường xá ở đây như là một nùi chỉ rối. May quá, qua một khúc quanh tôi tìm ra dảy phố nhỏ nầy với số nhà chính xác. Nhìn kỹ thì thấy cái ổ khóa to chần dần trước cửa. Thấy mà tức ứa gan. Làm sao bây giờ, bạn không có nhà, mà cũng không biết phải làm sao. Tôi bèn lượm một cục gạch bể định ghi vài dòng nhắn tin lại. Đương loay hoay thì cạnh bên có một cô người Tàu xinh xinh, khá đẹp mở cửa nhà đi ra. Tôi dọ hỏi thì cô không biết tiếng Việt. Thôi đành. Cầm cục gạch, tôi viết lên cửa cái bốn chữ Hán : Hận Bất Tương Phùng. Cô Tàu nhìn sững tôi và vừa bỏ đi vừa ngoái nhìn lại. Tôi vẫn nhớ hoài ánh mắt ngạc nhiên đó, cho đến bây giờ.

Các bạn biết tại sao không? Vì đó là bốn chữ trích từ bài thơ Tiết Phụ Ngâm của thi sĩ Trương Tịch đời Đường. Nguyên câu là "Hận bất tương phùng vị giá thì". Có nghĩa là Giận mà không gặp lúc em chưa có chồng. Viết như vậy tôi cho là đối với anh bạn chủ nhà thì là tiếc không được gặp, còn đối với cô Tàu hàng xóm xinh xinh nầy là phải chi tôi gặp cô ta sớm hơn lúc còn son... Cô nhìn tôi lom lom chắc là do ý nghĩa câu thơ Tiết Phụ nầy hay là cô hoài nghi trình độ chữ Hán chỉ mới học được vài tháng của tôi?.

Bài Thơ LÔ SƠN của Tô Thức

Cũng lại ba cái chuyện thơ Tàu. Các bạn đừng trách nhen. Hình như tôi bị ghiền nó như ghiền thuốc phiện vậy. Hồi nhỏ mê thơ Tàu, về già mê phim bộ, cũng là của Tàu. Sao mà kỳ cục quá, có gì hay đâu sao mà mê man, chết lên chết xuống, kỳ cục thiệt. Bạn bè nghe qua ai cũng tức cười.. Rồi học gì không học lại đi học ba cái chữ nho rắc rối, hèn chi cả đời rắc rối, cho tới già rồi vẫn còn bị tiếp tục rắc rối. Tính đổi sang sở thích khác chuyện Tây, chuyện Mỹ cho vui . Nào ngờ loanh quanh cũng lại chuyện Tàu. Y như phim bộ nhiều tập, phải nhịn cơm, nhịn nước mà coi. Rồi lại tại nhớ tới bài thơ mắc dịch nầy. Đã có biết bao nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình nhận định, phân tách nghe đã thiệt là đã ! Các bạn muốn biết thì tìm vô Google kiếm bài Lô Sơn của Tô Thức (Tô Đông Pha) mà coi cho sướng cái bụng. Xin chép ra đây bài thơ:

Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều
Vị đáo bình sinh hận bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt dị
Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều
Thiền Sư Mật Thể đã dịch như thế nầy:
Mù tỏa Lô Sơn sóng Triết Giang
Khi chưa đến đó hận muôn vàn
Đến rồi về lại không gì lạ
Mù tỏa Lô Sơn sóng Triết Giang

Nếu bàn về những cái tuyệt diệu của bài thơ nầy thì phải cần bao nhiêu trang sách báo cho đủ. Nội hai đại danh Tô Đông Pha với Thiền Sư Mật Thể nghe qua là muốn té xỉu rồi. Thiệt tình là không dám... dù chỉ một lời. Với tài hèn sức mọn nầy, công lực bún thiu nầy, biết lấy gì mà thưa thốt. Tuy vậy cũng rón rén nói một ý, tuy không ăn nhập gì với bài thơ. Đi tới Lô Sơn rồi về vì không có gì lạ hết. Sắc tức là không, mà không tức là sắc. Có và không đối đãi nhau. Cái tâm khi động khi tĩnh nhưng thật ra chỉ có một, có khác chi đâu, ngó tới ngó lui. Lô Sơn cũng vẫn là Lô Sơn, coi chi cho mất công. Thiên hạ ca tụng tầm bậy tầm bạ không hà, đâu có chi lạ mà coi. Chán ơi là chán. Vậy thì tôi không thèm đi Lô Sơn ở Triết Giang, nằm nhà tán gẫu với bạn bè, thì hình như sướng hơn, có lợi hơn vì đỡ vất vả, trèo đèo lội suối, không phải tốn kém mà lại đỡ bực mình. Lý luận ngu ngu như vậy, các bạn thấy được không, xin thành tâm chỉ giáo. Còn bạn nào có hưỡn, muốn đi chơi Lô Sơn xem cảnh đẹp như lời đồn đãi, thì tôi không cản, cứ đi đi rồi về kể lại cho tôi nghe với. Nhớ chụp ảnh quay phim cho nhiều rồi sang cho một bản. Tại hạ muôn vàn cảm tạ!

 

CỐ HƯƠNG, Tạp thi của VƯƠNG DUY
Sáng nay thức sớm, đọc được nhiều thơ bạn bè đồng nghiệp, cùng học trò cũ quê nhà. Vui buồn lẫn lộn. Đâm nhớ bài thơ cổ của thi sĩ Vương Duy đời Đường:
quân tự cố hương lai
ưng tri cố hương sự
lai nhật ỷ song tiền
hàn mai chước hoa vị
Bài thơ rất đơn giản dễ hiểu, nghĩa là vầy:
bạn từ quê hương đến
ắt biêt rõ chuyện quê hương.
hôm trước tựa cửa sổ,
thấy hoa mai nở hay chưa?

Tứ thơ của bài nầy là: thấy hoa mai nở hay chưa? Và nhãn tự của câu nầy là chữ Chước, cũng đọc là trước, có nghĩa là "nở". Thơ Đường nhiều bài đơn giản lắm, chữ dùng đơn giản, ý nghĩa đơn giản... y như anh em mình nói chuyện. Cứ đọc thơ Lý Bạch, Đổ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Duy, Vương Hàn, Mạnh Hạo Nhiên... thì tháy ngay. Không có khó khăn rắc rối như thơ bây giờ, chữ dùng nghe mà thấy sợ. Trở lại chuyện tại sao tôi nhắc đến bài thơ nầy. Bỡi vì gần bốn mươi năm xa quê, tôi chưa một lần về. Phải chi không về mà không nhớ thì cũng đâu có sao. Cái nầy không về mà lại nhớ, nhớ quay nhớ quắc... Cái rắc rối là ở chỗ nầy. May nhờ có facebook gặp lại rất nhiều bạn đến từ cố hương, lòng tôi không còn gì sướng hơn nữa. Chuyện của bạn thì biết đã đành rồi nhưng đóa hoa cạnh nhà bạn... mà có một thời tôi đi tới đi lui, đi qua đi lại để ngắm, không biết bây giờ đã nở hay chưa, còn trên cành hay đã rụng mất tiêu rồi. Tôi hoàn toàn không biết gì hết trơn hết trọi. Chờ câu trả lời bạn thân, trái tim tôi đập trật nhịp, tuy là đã rất già, rất già. Có bạn trả lời tôi rất an tâm, có bạn nói, tôi đã khóc, khóc ngon lành như chưa bao giờ được khóc. Những người thương yêu cũ, hồn ở đâu bây giờ. Où sont les neiges d'antan!.

 

ẨM TỬU KHÁN MẪU ĐƠN
Lại chuyện chữ nho. Do học văn thơ Trung Hoa nên tôi rất thích cây cỏ hoa lá xứ nầy (xin mời bạn đọc bài Thảo Mộc Trong Cổ Văn VN, bản có ảnh minh họa a2a.net đã đăng) Cây Ngô Đồng và hoa Mẫu Đơn được giới văn nhân xứ nầy yêu thích nhất. Qua các thư tịch kim cổ, chúng ta đọc tới đọc lui nếu không bắt gặp cây nầy thì sẽ thấy được hoa kia. Hình như ở xứ Trung Hoa không có cây và hoa nào khác vậy.
Hồi nhỏ khi học thơ Lưu Vũ Tích, tôi thích bài Ẩm Tửu Khán Mẫu Đơn:
Kim nhật hoa tiền ẩm
cam tâm túy sổ bôi
đản sàu hoa hữu ngữ
bất vị lão nhân khai
Nguyễn Hoàng đã dịch như thế nầy:
vài chén bên hoa nở
cũng đành say bên hoa
chạnh buồn e hoa nói
đâu nở cho người già
Hồi đó tôi cho là tác giả dùng chữ đơn giản, câu thơ đơn giản, bất cứ ai đọc cũng có thể hiểu được dễ dàng. Nhưng thiệt ra có phải như tôi nghĩ đơn giản vậy không? Đến bây giờ tôi đã là một ông già, đọc lại tứ thơ... đâm lạnh toát mồ hôi:
đản sầu hoa hữu ngữ
bất vị lão nhân khai
(chạnh buồn hoa biết nói,
không nở vì ông già)

Đôi khi có dịp tôi cũng biết ngắm hoa. Hoa đẹp trong vườn và hoa đẹp nằm phơi nắng trong sân cỏ, balcon. Hình như ngàn năm trước thi sĩ Lưu Vũ Tích viết riêng bài nầy cho tôi. Câu thơ cứ lãng vãng trong đầu và khi thấy hoa đẹp tôi bèn quên mất, cứ mãi mê ngắm nhìn như lúc tuổi mười tám. Và khi nhớ lại thì đau thiệt là đau, hoa đẹp đâu nở vì ông già... Như tôi bây giờ!

VÕ KỲ ĐIỀN
(Laval 2017 August)


ĐƯỜNG VÀO TÌNH SỬ

THƠ ĐINH HÙNG, CHUYỆN BÊN LỀ

Chưa gì mà đã trên nửa thế kỷ trôi qua. Cái thuở mà tôi ngập ngừng bước chân vô trường Sư Phạm, chọn ban Việt Hán. Cái ban mà bất cứ ai mới thoạt nghe, cứ tưởng là dành riêng cho các cụ già hoặc mấy tay chuyên khảo cứu đồ cổ.

Một trong những cụ già năm đó là tôi, tính tới tính lui cho kỹ thì chỉ mới có hai mươi. Đó là tính theo năm sanh, chớ tính theo tháng như bên nầy thì rõ ràng cụ Phước mới có mười chín thôi hà. Mà nhà trường Sư Phạm lại cắc cớ thiệt tình, phải chi lớp tôi sắp cạnh bên ban Sử Địa thì cũng đỡ, nhè đâu lại sát cạnh bên Pháp Văn. Ôi cha, các cô Pháp Văn xuất thân từ các trường đầm như Marie Curie, Couvent des Oiseaux... thiệt là sang trọng, quí phái, đẹp đẽ, quả tình tôi không đủ ngôn ngữ để ca tụng hơn nữa. Thôi nói đại môt câu là mấy cô nầy đẹp quá, thấy muốn chết liền! Quả tình tôi không dám ngó, nói chi đến liếc. Đó là nói riêng phần tôi thôi, còn các bạn tôi, biết đâu cũng có vài ông thần liều mạng, biết chết mà cũng muốn đâm đầu vô, chuyện tình là chuyện riêng tư, kín đáo ai mà biết!

Riêng ban Việt Hán của tôi, ngoài các ông cụ non sinh viên, còn có các Giáo Sư môn Hán Văn, dĩ nhiên là các cụ già. Các sư phụ tôi cụ nào cụ nấy già thiệt là già, da dẻ cụ nào cũng nhăn nheo như trái ổi chin héo. Làm sao tôi quên được cụ Tú Kép Vũ Huy Chiểu, đôi mắt lèm nhèm, quần trắng áo the đen, thường đến trường trên chiếc xích lô đạp. Cụ thường xuyên phải đi tiểu không thể rán nhịn được. Chắc là nhà ở xa lắm. Mỗi lần xe ngừng lại, cụ bèn đi đến khu vực vườn hoa ngay mặt trước trường, chọn đứng giữa các luống hoa cỏ của ban Vạn Vật ươm trồng nghiên cứu, học tập, để giải quyết nổi khổ tâm nảy giờ. Tôi muốn các bạn Vạn Vật phải biết cám ơn thầy tôi vì nhờ có thầy mà các luống hoa đẹp hơn, cây cỏ tươi mát hơn, khỏi phải tưới tiêu chăm sóc mỗi ngày. Phải vậy không, các bạn ban Vạn Vật dễ mến...

Cụ nào cũng vậy, tuy tuổi tác cao nhưng đầu óc lúc nào cũng minh mẫn. Cái học ngày xưa sao mà thần tình quá. Không cụ nào cầm theo sách vở, tài liệu gì cả. Vậy mà ngày nào giảng bài gì, nói tới đâu, tuần sau tiếp theo phần kế, không hề một sai sót nhỏ. Hay thiệt là hay.
Cụ Nguyễn Sĩ Giác là vị khoa bảng cao nhất trong các sư phụ. Cụ đỗ Tiến Sĩ nên được mọi người gọi là cụ Nghè Giác. Người cụ ốm yếu, mong manh, già đến độ như không thể già hơn được nữa. Đôi mắt cụ hấp háy sau đôi kính lão và khi bắt buộc phải đọc sách hay kiểm bài, cụ dùng chiếc kính lúp thật to rồi ép sát tròng mắt vào. Tuy đôi mắt kém, thân thể yếu đuối bịnh hoạn, giọng cụ khi bình văn vẫn sang sảng, gẩy gọn, rõ ràng, không bao giờ lỗi lầm hoặc sai sót...
Mỗi buổi học nhìn các cụ trên bục giảng, tôi mơ về một thế giới mà đạo đức, phẩm hạnh, lễ tiết ngự trị. Một thế giới mà người đối xử với người bằng lòng nhân ái, thương yêu, đùm bọc... Ngoài ra tôi còn được học với cụ cử Đỗ Văn Bình, Linh Mục Nguyễn Văn Thích, viện trưởng Viện Hán Học Huế, và vài cụ nữa, tôi cực kỳ tôn kính về tài năng và phẩm hạnh.

Riêng bài viết nầy tôi muốn nhắc tới cụ cử Thẩm Quỳnh. Vào năm đó cụ cở tuổi tôi bây giờ và cụ còn tráng kiện phong độ nhiều hơn các cụ kể trên. Cụ ăn mặc chỉnh tề kỹ lưỡng, quần áo lúc nào cũng thẳng nếp. Bất cứ ai thoạt nhìn đều phải kính trọng, rụt rè trước nét trang nghiêm, uy nghi, chững chạc của cụ. Đối với các thầy, khi giao tiếp, chúng tôi đều: Dạ, thưa. Nhưng riêng cụ Thẩm Quỳnh không biết do đâu chúng tôi đều -Dạ, bẩm... Tôi thắc mắc hoài chữ Bẩm nầy và cố dọ hỏi cho ra lẽ. Mới biết có một thời cụ ngồi Tổng Đốc Hà Đông, được người dưới “dạ bẩm” mãi thành quen. Chúng tôi cũng vui vẻ mà bắt chước vì xưng hô như vậy mới đúng là ... con nhà gia giáo.
Nhưng tôi nhớ thương kính trọng cụ Thẩm Quỳnh không phải chỉ có chuyện nầy. Vốn là thời đó chưa có Đài Truyền Hình, chỉ mới có Đài Phát Thanh Pháp Á, mỗi tuần có phát thanh chương trình thơ văn Tao Đàn do thi sĩ Đinh Hùng phụ trách. Phần bình luận thơ văn do Đinh Hùng đảm nhiệm, nữ nghệ sĩ Hồ Điệp ngâm thơ và thi sĩ Tô Kiều Ngân thổi sáo. Ba má tôi không bao giờ nghe chương trình nầy vì không hiểu giọng Bắc khi ngân nga trong tiếng sáo tiếng nhạc. Thiệt tình là không biết người ngoại quốc họ hát cái gì. Riêng tôi thì lại chết mê chết mệt. Giọng ngâm mượt mà, khi lên cao khi xuống thấp, khi uốn éo, nghe thiệt là đã, nhiều khi muốn khóc hết sức! Sao mà người Bắc tài hoa đến như vậy? Tiếng sáo Tô Kiều Ngân vi vu theo điệu nhạc, đôi khi trầm buồn, đôi khi cao vút, khiến lòng tôi xao xuyến chơi vơi. Không mê sao được!
Cho đén một buổi học, không biết ai đó tặng cho cụ cử Thẩm Quỳnh quyển Đường Vào Tình Sử của thi sĩ Đinh Hùng mới vừa xuất bản. Hình như đây là tập thơ đầu tay, dù thi sĩ đã thành danh từ lâu lắm rồi.
Cầm tập thơ trong tay, chỉ mới nhìn qua cái nhan đề, cụ đã sang sảng thốt lên ngay giữa lớp: - Tình sử mà lại có đường vào! Cái gì thì tôi có thể quên nhưng câu nói cụ Thẩm trưa đó, làm sao tôi quên cho được.
Quá đúng đối với riêng tôi. Quả thật tình sử không có đường vào. Chắc chắn là không có và tuyệt nhiên là không. Nếu có đường vào tình yêu thì đâu có ai đau khổ. Bộ hưỡn hả, nặn tim vắt óc làm thơ, viết văn chi cho mệt vậy. Có bài thơ, bài văn hay nào đi ca tụng hạnh phúc đâu, toàn là đau khổ với thất tình. Như vậy mới hay được. Còn nếu không thực sự đau khổ thì cũng phải làm bộ. Phải không các bạn thân yêu của tôi.
Nhưng khám phá ra cái vụ đau khổ trong thơ văn này không phải tôi. Là của đại thi sĩ Alfred de Musset người tình của Nữ thi sĩ George Sand, ông nhỏ hơn bà 6 tuổi, lúc đó bà đã có chồng con, mối tình sôi nổi cuồng nhiệt, thi sĩ đã phán hai câu kết thần tình trong bài Nuit de Mai :
“ Những câu tuyệt vọng là những câu thơ hay, thơ bất hủ là những câu đầy máu lệ”. Tôi quên tiếng Tây nhiều rồi, dịch dở quá. Xin ghi lại bản chánh dành riêng các bạn bên Tây. Mà cũng hơi dư, bên Tây hay bên Tàu, ai cũng dư sức biết bài nầy rồi, học từ nhỏ xíu.
“Les plus desespérés sont les chants les plus beaux.
Et j'en sais d'immortels qui sont de purs sanglots”.

VÕ KỲ ĐIỀN
Laval, August 2017


LƯU BÁ ÔN, CHUYỆN BÊN LỀ

Tôi biết ông Lưu Thành Ý trước khi biết ông Lưu Bá Ôn. Đến khi học Văn Học Sử Trung Hoa thì đọc được công trình danh sĩ Lưu Cơ với nhiều tác phẩm trong đó có bản văn nổi tiếng được truyền tụng “Mại cam giả ngôn” (Lời người bán cam). Lúc đó mới biết Lưu Cơ là Lưu Bá Ôn mà cũng là Lưu Thành Ý. Tuy gọi là ba tên, thiệt ra chỉ là một người.
Lưu Cơ đậu Tiến Sĩ, chức vụ Tể Tướng, là khai quốc công thần đời nhà Minh, giúp Chu Nguyên Chương hoàn thành đại nghiệp. Ông Lưu Cơ nầy tự là Bá Ôn, tước Thành Ý Bá. Khi đọc sử sách ta bắt gặp nhiều nhân vật khi thì tên nầy, khi thì tên kia nhưng coi kỹ lại thì chỉ là một người. Cái khó khi đọc cổ văn Trung Hoa và Việt Nam là phải biết nhiều loại đặt tên của một danh nhân, rồi phải biết phân biệt chức và tước, phẩm hàm ra làm sao và rất nhiều thứ khác biệt chi ly nữa. Rồi mỗi thời đại lại có nhiều cách khác nhau. Như Nguyễn Trãi thi đỗ vào đời nhà Hồ, thời đó chưa có danh xưng Tiến Sĩ, mà phải gọi đúng là Thái Học Sinh.

Tôi chỉ muốn kể cho các bạn nghe một chuyện vui bên lề của danh sĩ Lưu Cơ nầy. Số là hồi nhỏ tôi mê bói. Trong nhà có bộ sách bói cũ vàng ố, xưa thiệt là xưa. Tôi không biết cổ nhân viết gì trong đó cho nên rất tò mò, quyết tâm học chữ nho để đọc cho bằng được. Đó là cuốn Bốc Phệ Chánh Tông của Lưu Thành Ý. Đến khi đọc được lỏm bỏm thì rán đọc phần lạc khoản, tức là cái trang đầu ghi tên tác giả cùng học vị, chức tước, niên đại... Nhưng hoài công vô ích, chỉ có tên sách và tên tác giả rồi hết. Tìm hoài chỉ có bấy nhiêu, không thêm bớt một chữ nào.
Cuối lời Tựa (Tự) trang trong có ghi một dòng tên người đề: Năm Kỷ Sửu, đời Khang Hy, Ngô Quận, Trương Cảnh Tùng viết vào mùa đông, tháng mười ở Dung Giang Thảo Đường. Nhưng điều tôi muốn tìm hiểu là người trước tác Lưu Thành Ý, chớ không phải ông Trương Cảnh Tùng, người đề Tựa.

Vì tôi mê nghiên cứu chuyện bói toán nên cố tìm hiểu ông Lưu Thành Ý nầy. Bốc Phệ Chánh Tông được xuất bản năm Khang Hy đời Thanh. Đó là tác phẩm căn bản khoa bói Dịch Trung Hoa cổ, với công trình tim óc bốn vị đại thánh: Phục Hi, Chu Công, Văn Vương và Khổng Tử. Nó được tìm tòi, nghiên cứu, khám phá thể dụng của bộ Kinh Dịch qua gần mấy ngàn năm và khi đến tay Lưu Bá Ôn, một đại trí thức đời Minh thì trở nên hoàn thiện. Ông Lưu Bá Ôn tiếp tục nghiền ngẫm những cái đúng, cái sai, rồi đúc kết những kinh nghiệm cả đời viết nên “Huỳnh Kim Sách Tổng Đoán Thiên Kim Phú”. Có nghĩa là “Phú Tổng Đoán Ngàn Vàng của Quyển Sách Vàng”.
Bài Phú nầy là tổng kết những định luật căn bản để đoán một quẻ bói Dịch. Những định luật nầy được lý luận chặt chẽ, biện chứng được lập thành hệ thống y như những định luật toán học chúng ta bây giờ. Khoa Bốc Phệ của Lưu Thành Ý không hề giống Mai Hoa Dịch Số của Thiệu Khang Tiết, cũng không hề giống bất cứ khoa bói nào khác như Tử Bình, Tử Vi... Viết đến đây tôi xin được ngừng lại vì vấn đề chuyên môn và không muốn nói nhiều thêm về trò chơi nầy.
Tôi chỉ muốn nói khi viết xong Huỳnh Kim Sách Tổng Đoán Thiên Kim Phú, Lưu Bá Ôn đã cho sao chép ra nhiều bản, cho niêm yết trên các đường thập tự, nhiều kẻ qua người lại trong kinh đô với lời Cáo Thị:
- Bất cứ ai sửa được một chữ, sẽ được thưởng ngàn vàng.
Đó là lý do tại sao gọi bài Phú nầy là bài phú ngàn vàng. Vừa nghĩa đen vừa nghĩa bóng. Thôi mình cứ hiểu là bài Phú nầy rất quí, quí từng chữ một, quí như vàng ròng.
Quả đúng như vậy, dù được niêm yết qua nhiều năm tháng, bản văn hay đến nổi các danh sĩ đất Thần Kinh không ai sửa được chữ nào. Như vậy bản văn đó quá hay, phải gọi là tuyệt bút , mà cũng phải được gọi là thần bút... Chỉ có thần bút mới không có một ai thấy được lỗi nào. Như kinh của các tôn giáo vậy. Ông Lưu không phải mất một thỏi, một khối, một cục vàng nào cả. Tôi mê Huỳnh Kim Sách đến độ đi đứng nằm ngồi, lúc nào cũng đọc... như tối nào trước khi đi ngủ cũng đọc Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh của Ngài Huyền Trang vậy. Đã là kinh rồi thì không dám đọc trật một chữ. Đọc thuộc lòng như cháo, đọc sai là có lỗi đối với tiền nhân.

Đến bây giờ suy nghĩ lại, thấy hình như tất cả mọi người bị gạt. Thuở đó ông Lưu Bá Ôn làm Tể Tướng đương triều, quyền nghiêng thiên hạ, danh sĩ nào dù giỏi cách mấy đi nữa, liệu có dám vổ ngực đứng ra sửa một chữ để lấy được ngàn vàng hay không. Nếu có ngu thì cũng nên ngu vừa vừa chớ, còn có vợ dại, con thơ, tội gì mà sửa mũ mấn quan Tể Tướng, bộ không sợ chết hay sao! Còn phần tôi đã lỡ thuộc rồi, bây giờ muốn quên cũng không được. Thôi kệ, lỡ rồi cho lỡ luôn.
“Động tĩnh âm dương phản phúc thiên biến, tuy vạn tượng chi phân vân, tu nhất lý nhi dung quán. Phù nhân hữu hiền bất tiếu chi thù, quái hữu quá bất cập chi dị. Thái quá giả tổn chi tư thành, bất cập giả ích chi tắc lợi. Sanh, phù, củng, hợp, thời võ tư miêu, khắc, hại, hình, xung, thu sương sát thảo....” đọc lên âm thanh trầm bổng có ca có kệ nghe êm tai lắm nhưng mà đọc tiếp e rằng các bạn sẽ cười...

Riêng tôi thấy văn mà viết đẹp y như thơ, không mê thì cũng lạ. Văn nhân Trung Hoa cũng đâu có ngu, họ cũng thuộc bài phú nầy còn nhiều hơn tôi nữa và cũng đã truyền tụng qua bao nhiêu thế hệ. Vậy mới biết, dù như thế nào đi nữa, hễ là ngọc thì đời nào cũng là ngọc, không phải là đá!
Đó là một trong nhiều lý do tại sao tên tuổi Lưu Bá Ôn được người đời truyền tụng, là do ông biết chọn lọc, góp nhặt tinh túy của tiền nhân cộng với bút pháp tài hoa hành vân lưu thủy nầy.

VÕ KỲ ĐIỀN
Laval 2017 August

 

Đăng ngày 25 tháng 09.2017