Mâu thuẫn thế hệ

Nguyễn Thị Cỏ May

Năm 2002, Thượng viện Pháp làm một báo cáo, do Thượng Nghị sĩ Jean-Claude Carle đặc trách soạn thảo, về vấn đề du đãng phạm Pháp của tuổi trẻ vị thành niên. Mở đầu bản báo cáo, ông viết "Tôi không còn một niềm hi vọng nào nữa về tương lai đất nước của chúng ta nếu tuổi trẻ hôm nay nắm quyền lãnh đạo đất nước mai này bởi lớp trẻ này không ai có thể chịu nổi. Chúng không biết từ tốn, một cách đơn giản, thật là khủng khiếp. Thế giới chúng ta tới mức độ đáng lo ngại. Con cái không muốn nghe lời của cha mẹ chúng nữa”(Hésiode, Les travaux et les jours, VII siècle av. Jésus). Thượng viện lắng nghe và biểu đồng tình từ lâu tuổi trẻ không thể dạy bảo được. Nhưng câu trích dân từ «Les travaux et les jours» của Hésiode trên đây có đúng không? Nhiều người tỏ ra ngờ vực!
Cũng phê bình tuổi trẻ, Oscar Wilde (nhà văn Ái-nhĩ-lan), từ cuối thế kỷ XIX, đã không ngần ngại «Ngày nay, tuổi trẻ hoàn toàn quỉ quái. Chúng không có lấy một chút kính trọng những người hai thứ tóc trên đầu.”
Nhìn lại lớp tuổi trẻ ngày nay, nhiều người đồng ý những nhận xét từ xưa trên đây vẫn chưa lỗi thời. Cô giáo Barbara Lefèbvre dạy Sử Địa Trung học ở Pháp vừa lên án sự thất bại của nhà trường, nhứt là một thế hệ học sinh chỉ biết liên tục đòi hỏi, từ «Tôi có quyền điện thoại trong lớp» cho tới “Tôi có quyền ghét nước Pháp”. Một não trạng như vậy, hỏi có đáng báo động không? Tuổi trẻ ngày nay có đúng chỉ biết có cá nhơn mình, chớ không như những thế hệ trước?

Thế hệ «Tôi có quyền» (*)
Khi tiếp xúc tuổi trẻ, người ta sẽ nghe câu nói thường xuyên của chúng «Tôi có quyền”. Một câu nói hàm ý chỉ đòi hỏi cho cá nhơn mình là trên hết, đặt quyền lợi cá nhơn trên quyền lợi chung. Nguyên nhơn của hiện tượng này khá đa đạng và nhiều. Dĩ nhiên trong những nguyên nhơn đó phải có ảnh hưởng từ chủ nghĩa cá nhơn. Khi trẻ con đòi “Tôi có quyền”, là chúng muốn đạt những mục tiêu thỏa mãn nhu cầu của chúng ở từng sinh lý, nó khác hơn những đòi hỏi về quyền tinh thần, những quyền tự do căn bản như quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưởng, …là những thứ quyền bất khả nhượng mà nhà nước phải có nghĩa vụ bảo đảm.
Ngày nay, nói chung, dân chúng Pháp chỉ biết và chỉ cần đòi hỏi nhà nước phải thỏa mãn những nhu cầu “Tôi có quyền” của họ. Khi nhà nước không đáp ứng được, họ sẽ buộc tội nhà nước bất lực và trách nhiệm thất bại của họ. Có thể nói xã hội Pháp đã vì đó trở thành một thứ xã hội cấu tạo bằng nhiều từng lớp yêu sách. Điển hình hơn hết là công nhơn bốc dở bến cảng Marseille, đã được voi, muốn đòi tiên, sau cùng bến cảng Pháp phải đóng cửa, dẹp tiệm. Tàu ngoại quốc cập bến bên Tây-ban-nha, xe vận tải chở hàng qua Pháp. Xe lửa đang tranh chấp với chánh phủ, không chịu cải tổ. Công nhơn xe lửa hưởng luật lao động từ thuở xe lửa, có tên gọi xe lửa vì chạy bằng than, có công nhơn đốt lò nên hưu trí 50/55 tuổi, lãnh lương hưu tính trên 6 tháng lưong cuối, trong lúc công nhơn khu vực tư, hưu trí 65 tuổi, lương hưu tính trung bình trên 25 năm có mức lương cao nhứt. Không tính những phụ cấp đặc biệc khác. Giới phi hành đoàn của Air France cũng vậy, không bao giờ đồng ý với hiện tại đang có, tuy mức lương cao hơn các xứ khác ở Âu châu và Mỹ châu. Ảnh hưởng mác-xít, công nhơn Pháp luôn luôn mang nặng não trạng bị tư bản bốc lột. Và lãnh tụ các nghiệp đoàn là cộng sản.
Không ai nghĩ muốn sống chung, điều cần thiết là phải giới hạn “Tôi có quyền” trước kẻ khác. Điều này, phần lớn tuổi trẻ Pháp không thể chấp nhận được.
Một nguyên nhơn khác, sâu xa hơn, của hiện tình xã hội Pháp là ảnh hưởng cuộc nổi loạn Tháng 5/68 (5/1968).
Những khẩu hiệu như «Không được cấm» (Il est interdit d’Interdire) hoặc “Hãy sống không ngừng nghỉ và hưởng thụ tận cùng” đã trở thành thần chú của nhiều thế hệ thanh niên. Tháng 5/68 cổ vũ chủ thuyết tự do và quyền tối cao của xã hội hưởng thụ làm thấm nhuần lớp trẻ học sinh ngày nay trong các nhà trường, biến học sinh trở thành những người tiêu thụ bài giảng. Việc dạy dỗ là một thứ dịch vụ, học sinh là khách hàng. Trong quan hệ buôn bán, khách hàng là vua. Học sinh cũng là vua. Thế là nhà trường không còn vai trò dạy dỗ Nhà trường thất bại. Không còn giữ được vai trò của mình là xây dựng xã hội nữa. Đời sống vì thế ngày càng đặt nhẹ vai trò văn hóa. Trong lúc đó, vì cuồng tín theo chủ thuyết mác-xít và cũng vì lá phìếu của cử tri, các đảng phái khuynh tả, cộng sản (đủ xu hướng), xã hội chủ nghĩa, đồng loạt lên án “văn hóa chỉ là công cụ của giai cấp trí thức tư bản để thống trị quần chúng lao động mà thôi. Không nên gây thêm những khó khăn cho trẻ con. Đó là cách làm cho đòi hỏi của học sinh trở thành ưu tiên đối với việc dạy dỗ của thầy cô, một hậu quả của xã hội hưởng thụ «Tôi có quyền».
Cô giáo Barbara Lefèbvre có kể lại cô thường nghe nói đến sự thành công của nhà trường Đức và Bắc âu. Cô biết đó là những mẫu mực giúp học sinh học hành rất thoải mái do nhờ văn hóa tin lành xây dựng trên nền giáo dục theo quan hệ hàng ngang. Hơn nữa, học sinh không thuộc thành phần xã hội và địa lý phức tạp nhiều như ở Pháp. Thử hỏi có nên để cho học sinh tự do đòi hỏi những khác biệt văn hóa của chúng phải được tôn trọng hay không trong lúc chánh phủ Pháp ban hành chánh sách hội nhập? Nước Pháp là một!
Làm sao có sự thống nhứt quốc gia? Không thể xây dựng một quốc gia thống nhứt khi mà mỗi người, cả trẻ con, chỉ biết bám vào quyền của mình, văn hóa của mình, nguồn gốc của mình?

Tuổi trẻ nhìn người lớn thế nào?
Người lớn cho rằng đám trẻ con ngày nay tuổi từ 15-20 từ chối phải cố gắng trước những khó khăn, chỉ biết tôn thờ tiền bạc và sẽ trở thành đần độn trước những tiến bộ khoa học. Trong lúc đó, tuổi trẻ phán xét người lớn thế nào?
Theo kết quả tham khảo ý kìến tuổi trẻ của ký giả Antoine Besse (Tuần báo Marianne, 8/3/218, Paris) thì một số học sinh ban Tú Tài ở Paris tỏ ra bi quan trước tương lai. Chúng không có lối thoát. Những đứa mơ ước làm nhà báo, làm nghệ sĩ nhiếp ảnh, biết sau khi học xong, chắc chắn sẽ không có việc làm. Tuy nhiên một số khá quan trọng vẫn lo học, mong sẽ có một lối thoát nào đó nên vẫn cố gắng giữ tinh thần lạc quan.
Một cậu đang học năm cuối trung học ở thành phố Saint-Denis (ngoại ô Đông-Bắc Paris (một thành phố xuống cấp nghiêm trọng về các mặt ví đông đảo di dân á-rặp và phi châu đen tập trung tới), phát biểu “Người lớn làm chúng tôi sợ. Chẳng có mấy người tử tế hoặc quan tâm tới chúng tôi. Khi chúng tôi làm được điều gì hay, đúng, họ làm thinh, nhưng khi chúng tôi sai quấy, thì họ quở mắn thậm tệ. Như vây không công bình. Khi tôi cần nói chuyện, tôi phải nói chuyện với bạn tôi hơn là nói chuyện với cha mẹ tôi”. Lớp tuổi 15-20 không quá bi quan về tương lai nhưng lại vô cùng thận trọng về thân phận của chúng dưới cái nhìn của những thế hệ trước, nhứt là cha mẹ của chúng như quá nghiêm khắc hay có thể nói, ác cảm với chúng.
Ý kiến của một học sinh lớp 1ère (lớp 11 theo vn): “Người lớn làm cho tôi nổi nóng lên khi nghe họ kể lại thời trẻ của họ, họ không hề sai phạm. Đó chỉ là một cách hạ thắp giá trị chúng tôi, cho rằng chúng tôi ngày nay không bằng họ”. Một cậu ở miền cực Tây Paris nhận xét «Người lớn có xu hướng áp đặt lên chúng tôi ý tưởng của họ là chúng tôi không có khả năng sửa sai những lỗi lầm của họ. Một thái độ bi quan trước chuyện chưa xảy tới».
Năm 2012, cơ quan điều tra CSA công bố kết quả thăm dò, cho biết có 61% lớp tuổi 45-65 cho rằng lớp trẻ ngày nay ích kỷ, 57% chê chúng nó lười biếng và 65% thấy chúng nó vô trách nhiệm hơn họ trước đây.
Nhưng con em của họ biết tiếp thu có suy nghĩ những nhận xét của họ. Lớp tuổi lớn ngày trước không được nhiều tự do như chúng ngày nay. Nhà trường nghiêm khắc, kiểm soát học tập và hạnh kiểm của học sinh chu đáo hơn. Ngày trước, người ta ít bạn bè hơn, ít có dịp cười đùa hơn.
Đại đa số tuổi trẻ đều cho rằng người lớn ít có cái nhìn tử tế về tuổi trẻ. Chúng không tin tưởng ở người lớn, nhứt là giới làm chánh trị, truyền thông. Chúng muốn nghe tin tức thời sự nhưng không muốn phải chấp nhận những ý kiến, những quan niệm sẵn của giới truyền thông muốn truyền đạt lại. Chúng muốn thảo luận trước khi tiếp thu.
Theo nhà xã hội học David Le Breton, «Quyền lực phụ huynh là khuôn mẫu thì ngày nay không còn nữa. Trên nói, dưới nghe. Mà là sức mạnh của sự hấp dẫn. Phải thuyết phục. Muốn thành công trong việc giáo dục con em, phải dấn thân thật sự, hết mình. Muốn cho tuổi trẻ nghe mình, phụ huynh phải chiếm được lòng tin của chúng, phải chứng tỏ cho chúng thấy mình có đủ khả năng”. Nếu chỉ dựa vào địa vị người lớn tuổi, có kinh nghìệm, phụ huynh sẽ chưa thoát ra được những ảo tưởng củ. Quan hệ giửa thế hệ ngày nay đã trở thành ”bình đẳng” nên ưu tiên thảo luận. Đừng quá mặc cảm tuổi trẻ chỉ biết cái «tôi» hơn cái «chúng ta».

Ở Việt nam
Quan hệ tuổi trẻ và phụ huynh ở Việt nam ngày nay không thiếu những trường hợp xung đột gay gắt. Trong trường, học sinh đánh thầy cô như cơm bữa. Do nền nếp, kỷ cương xã hội đã bị chánh sách vô văn hóa của chế độ cộng sản đảo lộn mọi giá trị.
Chẳng những học trò không biết kính trọng thấy cô, mà chính thầy cô ở nhiều nơi, thay vì dạy tử tế, lại khai thác học sinh của mình như một nguồn lợi thu nhập, như dạy thêm ở nhà.
Phụ huynh cũng coi rẻ giáo chức. Cô giáo BTTN ở một trường tiểu học Quận Bình chánh bị phụ huynh Võ Hòa Thuận, tới trường bắt cô giáo đã phạt con mình hôm trước quì gồi, nay cô giáo phải quì gối trước sân trường. Chuyện xảy ra làm cho mọi người ai cũng ngao ngán. Nếu ông Thuận cho rằng hình phạt quì gối là quá nặng hoặc xúc phạm nhơn phẩm con mình, thì trước đây, ở thời của ông, nếu ông chẳng may sanh trước 1975, chắc ông đã biết học trò bị thầy cô phạt quì gối, bị khẽ tay là bình thường. Lúc đó chưa hề xảy ra việc cha mẹ khiếu nại con em mình bị phạt. Trái lại, có khi cha mẹ còn rầy la thêm con mình vì có lỗi nên mới bị thầy cô phạt.
Mà đúng ông không biết vì ông đâu có đi học ngày nào. Ông mới làm được đảng viên đảng cộng sản và bí thư chi bộ, tức lãnh đạo cấp cơ sở.
Ngày nay, đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, để mở mặt mở mày, có tiền, ông đi mua bằng cấp Cử nhơn Luật, xóa vội lý lịch chuyên chính vô học của mình!
(*) Barbara Lefèbvre, Une génération J’ai le droit, Albin Michel, 1/2018, Paris.

24/03/2018
Nguyễn thị Cỏ May



Từ nay các ông tới Paris

Hãy cẩn thận: nhìn đầm có thể bị phạt từ 90€

Nguyễn thị Cỏ May

Nay định viết một đề tài khác, nhưng nhận thấy chuyện các bà ở Pháp hãy còn sôi nổi lắm nên trở lại, dĩ nhiên, nội dung khác với những chuyện mới về phụ nữ khá hấp dẫn.

Một vòng chớp mắt về ngày 8/3
Hôm cuối tuần rồi là ngày Quốc tế Phụ nữ. Cả thế giới đều làm lễ chào mừng. Ở Việt nam, dân chúng bày tỏ lòng cảm phục sự can đảm và lòng yêu nước thật sự của giới trẻ, nhứt là nữ giới, dám đối đầu với nhà cầm quyền bạo ngược hà nội. Ông Phạm Đình Trọng, một chức sắc của Hà nội, đã công khai đề nghị lấy tên nhà nữ tranh đấu dân chủ Đoan Trang làm Ngày 8-3 năm nay cho Việt nam «Đoan Trang đã nói thẳng lý tưởng sống của mình, đã viết ra cái slogan cuộc đời mình: Tôi đấu tranh để chống độc tài, và nhà nước cộng sản ở Việt Nam hiện nay là nhà nước độc tài nên tôi đấu tranh để xóa bỏ nó».
Vào đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 08/03, phụ nữ Tây Ban Nha quyết định… không làm gì hết: không đi làm, không nấu ăn, không làm việc nhà, không chăm con… để cho mọi người biết “Nếu chúng tôi ngừng - nếu chúng tôi đình công, thế giới sẽ bị tê liệt”.
Khoảng 300 cuộc tuần hành đã diễn ra trên khắp Tây Ban Nha trong không khí hội hè sôi nổi. 82% người dân Tây Ban Nha ủng hộ cuộc tổng đình công của phụ nữ để đòi quyền bình đẳng và công bằng về điều kiện sống.
Ở Pháp, năm nay ngày 8-3 đặc biệc sôi nổi với nhiều cuộc biểu tình lớn, đông đảo phụ nữ nhiệt tình tham gia. Biểu tình trưa và cả tối ở Paris. Tiếp theo, nhiều cuộc hội thảo kiểm điểm lại hoạt động phu nữ, phác họa chương trình tranh đấu cho những ngày tới, đề nghị những mục tiêu phải đạt, phim ảnh, kịch, dành cho ngày phụ nữ. Những phong trào phụ nữ xuất hiện hồi cuối năm qua như #BalanceTonPorc, #MeToo và #Nomakeup như đã thổi tới cho xứ Pháp trong những ngày đầu năm một ngọn gió cách mạng thật sự. Mà phải thôi vì cách mạng 1789 là cách mạng Dân quyền và Nhơn quyền mà hoàn toàn không đề cập tới địa vị người phụ nữ.
Nhưng mục tiêu trọng đại của các bà tranh đấu là đạt được nam nữ bình đẳng về các mặt như lương bổng, thăng tiến xã hội, tham gia chánh trị,… thì hãy còn xa lắm. Giữa điều này và địa vị người phụ nữ trên thế giới, việc tranh đấu chết sống của các bà chưa thấy sẽ kết thúc trước mắt. Còn phải nhiều nổ lực bền bỉ nữa. Và phải có sự hà hơi của các ông thì mới mong sớm thành công.

Ngày Quốc tế Phụ nữ vẫn còn cần phải tổ chức trọng thể mỗi năm để nhắc nhở điều đó. Có bà muốn gọi Ngày Quốc tế Phụ nữ, từ năm nay, là Ngày Quốc tế Tranh đấu chống lại sự coi thường phụ nữ.
Hai bà Françoise Nyssen, Tổng trưởng Văn hóa và bà Anne Hidalgo, Thị trưởng Paris, từ ngày mùng 7/3 đã cho thắp sáng tháp tour Eiffel để chào mừng và đánh dấu Ngày Quốc tế Phụ nữ đã bước qua một giai đoạn mới kể từ năm nay.
Qua ngày chủ nhựt 11-03-2018, một đoàn phụ nữ mặc đồng phục tay chơi moto (motardes) diễn hành với moto trên khắp đường phố xứ Pháp và đặc biệt là Paris. Và tại Paris, các đoàn khác kéo nhau về hợp lại để biểu lộ sức mạnh của các bà, để nói lớn nơi đây thật sự tập trung quyền quyết định.
Nhà hát Crazy Horse, sang trọng bực nhứt Paris, nằm trên đại lộ Champs-Elysée, chuyên trình diễn ca vũ nhạc khỏa thân, cao cấp hơn Moulin Rouge ở Quận XVIII, tổ chức chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 2018, tuyên bố đây là cơ hội làm sáng danh nữ tính và đề cao quyền tự do quyến rủ… Và có gì hơn khi muốn tôn vinh người phụ nữ bằng cách tới Crazy Horse để gặp những vũ nữ tại đây!
Nhưng điều đáng lưu ý là chánh phủ Pháp của ông TT. Macron tỏ ra tự hào là ban hành luật bảo vệ nữ quyền như là thành tích độc đáo của nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Trong luật nữ quyền mới, bà bộ trưởng Nam Nữ Bình đẳng, bà Marlène Schiappa, tỏ ra vui mùng tiết lộ luật đề nghị phạt những người xúc phạm phụ nữ nơi công cộng từ 90€ nếu trả liền tại chổ, để 15 ngày sau, sẽ trả 200€, và tiền phạt gia tăng theo thời gian chậm trể.
Để áp dụng luật, Tổng trưởng Nội vụ Gérard Collomb sẽ đặc cách thường trực 10000 cảnh sát bảo đảm an ninh cho phụ nữ ở các nơi công cộng. Nhưng làm sao nhận diện một vụ xách nhiểu tình dục nơi công cộng? Chuyện đơn giản. Cảnh sát sẽ được huấn luyện về công tác này. Khi một vụ xúc phạm phụ nữ xảy ra, nạn nhơn la lên, cảnh sát chạy tới bắt giữ ngay thủ phạm, lập biên bản.
Bà Bộ trưởng giải thích thêm. Nếu thủ phạm phủ nhận hành động của mình, cảnh sát sẽ gởi về nhà giấy phạt, với tiền phạt là 750€. Người nhà đọc giấy phạt, thấy số tiền phạt, chắc chắn sẽ tỏ thái độ với đương sự. Trước vợ, con, sẽ là điều không đẹp. Vậy tốt hơn nên giữ sự tử tế!
Qua đầu tuần sau, Hội Đồng Tối cao Nam Nữ bình đẳng (Haut Conseil à Égalité entre Femmes et Hommes – HCEfh) cho rằng mức phạt đó hãy còn quá thấp, ít lắm phải 1500€.
Bà Marlène Schiappa sẽ trình dự án luật về nữ quyền vào cuối tháng 3/2018 và trong đó, luật sẽ cho phép sự thỏa thuận tình dục ở tuổi 15, hạ thấp 1 tuổi so với luật cũ.
Ngoài những qui định về phụ nữ bị bạo hành, luật mới còn dự liệu những điều khoản cứng rắn về bình đẳng nam nữ trong Quốc hội, trong chánh phủ và nhứt là, từ đây tới 3 năm nữa, phải san bằng sự chênh lệch lương bổng giữa nam nữ.
Chánh phủ hân hoan cho rằng đây là một thành tích lớn của chánh phủ Macron trong nhiệm kỳ đầu tiên này.

Nỗi lo ngại về tội xách nhiểu tình dục
Trước đà lớn mạnh của phong trào nữ quyền ở Pháp, nhiều người trong giới tòa án, luật sư và cả truyền thông, nghệ sĩ không khỏi lấy làm lo ngại vì sẽ khó tránh những ngộ nhận, những tố cáo có chủ ý…
Ông François Molins, công tố viện Paris, biểu lộ sự hài lòng nhìn thấy ngày nay, người phụ nữ đã can đảm lên tiếng tố cáo người đã tấn công tình dục phụ nữ nhưng ông đồng thời không khỏi lo ngại một thứ Tòa án dư luận xuất hiện . Từ cuối năm 2017, số thư, đơn thưa thủ phạm xách nhiểu tình dục tăng vọt lên. Chỉ riêng tháng 10/2017, có tới 154 vụ thưa kiện.
Theo ông, những chiến dịch kêu gọi tố cáo trên mạng xã hội như Phong trào #MeToo, hay #BalancrTonPorc có giúp phụ nữ không còn giữ im lặng nữa vì sợ hãi nhưng những tổ chức đó không thể thay thế công lý chánh thức. Không khéo cái đà tố cáo trên mạng xã hội tràn lan thì sẽ không khác gì tòa án nhơn dân ở các xứ cộng sản đang khủng bố.
Nữ sử gia Françise Picq đặt câu hỏi "Phải chăng Pháp là nước duy nhứt do đặc thù văn hóa sẽ có thể ngăn chặn lại bớt tầm ảnh hưởng thái quá của các phong trào nữ quyền như #MeToo và #BalanceTonPorc?"
Văn hóa nịnh đầm (la galanterie) của Pháp vẫn còn đó. Từ thời Trung cổ, người ta gọi «nịnh đầm» là thứ «tình yêu lịch sự». Trưóc một phụ nữ lúng túng khi mặc lại chiếc manteau, đàn ông giúp choàng áo vào. Hay, trước thềm nhà, một bà khó khăn bê một gói nặng lên, người đàn ông chạy tới giúp đỡ bê vào nhà. Một cử chỉ đẹp hay có ý tấn công tình dục?
Thái đô hung hăng của các bà đang thừa thắng xông lên đã không tránh khỏi làm cho nhiều người tỏ ra cẩn thận quá đáng trong quan hệ giao tiếp. Ngày nay, khi thấy chỉ có một bà vào thang máy, đàn ông đứng lại chờ, không dám cùng bước vào, sợ có thể bị người phụ nữ ấy la ó lên tố cáo ông lợi dụng tấn công tình dục.
Nhiều người nghĩ tới viễn ảnh tình hình này sẽ làm bùng lên trở lại nạn điềm chỉ thủ phạm xách nhiểu tình dục một cách tùy tiện như thời Pháp bị Đức quốc chiếm đóng, Pháp gian điềm chỉ Pháp yêu nước chăng? Thật rùng rợn!
Gần đây, trên chương trình TV hài hước «Saturday Night Live», Catherine Deneuve và Brigitte Bardot xuất hiện (qua người đóng vai 2 bà). Deneuve vừa nói “Chúng tôi là những phụ nữ Pháp” thì Bardot thét lên “Mấy người hãy trả tự do cho Harvey Weinstein! Khi người phụ nữ có hai cái vú là để cho đàn ông họ chộp, đó là luật tự nhiên!”. Khán già cười rộ lên.
Ở Mỹ có một huyền thoại về người phụ nữ Pháp. "Làm thế nào nuôi dạy con cái như một phụ nữ Pháp? Làm sao trang sức như một phụ nữ Pháp? Làm thế nào giữ thân mình thon eo như một phụ nữ Pháp?”.
Nhưng chuyện này nay xưa rồi. Ở Mỹ, dư luận đang quan tâm tới nhiều chánh khách Pháp, đủ các khuynh hướng, đang bị tố cáo xâm phạm tình dục, điều này khác hơn ở Mỹ.

Chủ thuyết nữ quyền
Tiếng “le féminisme" (chủ thuyết về nữ quyền) trước kia có nghĩa là tên một thứ bịnh. Trong từ ngữ y khoa, tiếng “le féminisme” xuất hiện lần đầu tiên vào cuối thế kỷ XIX. Nó dùng để chỉ một chứng bịnh ngăn chận sự trưởng thành ở con trai trẻ mắc bịnh lao. Giới chức y khoa gọi những bịnh nhơn này là “les féministes”.
Nhà văn Dumas Fils, với giọng mỉa mai, bình luận về người phụ nữ đòi bình đẳng: «Chính vì người phụ nữ không khỏe bằng đàn ông, họ cứ than phiền đàn ông mạnh hơn họ. Vậy nếu tạo hóa cho đàn ông có sức khỏe hơn, chính là để đàn ông sử dụng sức mạnh đó, chớ gì?».
Theo nhà xã hội học Raphaël Liogier thì ngày nay phụ nữ đoàn kết hơn đàn ông. Họ biết rõ họ đang muốn gì? Bình đẳng? Phải là bình đẳng thật sự.
Nhưng bình đẳng mà phụ nữ đang đòi hỏi lại va chạm mạnh vào hệ thống gia trưởng cố hữu đang khóa kín, phát triển mạnh trong hệ thống kinh tế tư bản.
Trường hợp Weinstein là bức tranh hí họa biểu tượng «chủ nghĩa tư bản mang cái đàn ông tính đó». Weistein muốn đàn bà, nhứt là các minh tinh, tự nguyện nhào vô ông ta. Nhưng ông ta lại không muốn các bà mê ông, trái lại, ông muốn để ông là người chiếm đoạt các bà. Weinstein muốn sử dụng quyền của mình qua sự làm chủ thân thể phụ nữ. Để ông còn khoe sức mạnh của quyền lực đàn ông của ông.
Thật ra khó thực hiện bình đẳng thật sự, bình đẳng tuyệt đối giữa nam nữ. Ngay trong vấn đề nóng lạnh cũng có sự khác biệt khá lớn. Cứ vào mùa đông, những lúc trời lạnh nhiều, trong nhà, vợ chồng thường xảy ra sự tranh chấp khi điều chỉnh máy sưởi. Chồng kêu nóng rồi, bà vợ vẫn bảo còn lạnh lắm. Nghĩa là khó có được sự bình đẳng nam nữ khi bàn về cái lạnh. Theo nhà cơ thể học Adam Taylor (The Conversation France, 20-01-2017), sự khác biệt cảm nhận mức độ nóng lạnh đó là do ở hệ thống da của hai giới nam nữ. Mà đúng thôi vì cứ nghĩ da thịt các bà mà dày cứng như đàn ông để chịu đựng cái lạnh thì còn ai dám rờ tới để thấy da em mịn màng? Ngoài ra còn do sự cấu tạo cơ thể nam nữ không giống nhau nữa.
Như vậy, tranh đấu nam nữ bình quyền là một cuộc chiến bất tận khi còn người phụ nữ trên trái đất này?

17/03/2018
Nguyễn thị Cỏ May

 

Đăng ngày 29 tháng 03.2018