Đêm say khóc bạn
 
 
letanloc
Lê Tấn Lộc
(Rồi thương, rồi nhớ, rồi buồn, Rồi nghiêng chén cạn cho tuôn mạch sầu. Rồi như uất nghẹn từ lâu,Tay mê điên viết, mắt sâu lệ nhoà…Các dòng chữ dưới đây được viết ra trong cơn say rũ rượi, những ngày đầu tôi trôi dạt vào Xứ Tuyết, cô đơn, tủi thân: Trăm ván cờ cao, trăm ván bại, Nước người thêm thẹn tiếng mang chuông.)
 
…....
Ta chẳng biết ngươi từ đâu đến, bởi ta không hề truy nguyên gia phả ngươi. Cũng không lần nào ta tra hỏi ngươi về gia đạo. Chỉ mơ hồ nghe có lần ngươi đọc :
Quán trọ nhà thơ như chiêm bao,
Khi thì Chợ Quán, khi Đa kao.
Hiện nay sống tạm bên Cầu Muối,
Rồi biết mai kia ở chỗ nào.
Một bận quá chén, ngươi bá cổ ta lể lể :
Bóng đêm tỏa không lấp niềm thương nhớ,
Tình đi mau, sầu ở lại lâu dài…
 
Ta chẳng rõ ngươi thương nhớ ai. Cho tới khi ngươi cô đọng những xúc cảm chất chồng bấy lâu trong tim, viết nên đoản thiên «Sầu ở lại» cố nhân mới dần dần rõ nét. Ngươi quả có đôi mắt tinh đời : Bạn đồng liêu và ta đã có thời chỉ dám đừng xa mà chiêm ngưỡng, mà mê mệt, mà mơ ước hảo Xuân Lan, hoa khôi xứ Vãng. Thế nhưng bí mật vẫn bao trùm «mối tình nghệ sĩ như giấc mơ» ấy. Ngươi nói với ta người ấy vẫn một mực yêu thương ngươi và ngươi vẫn yêu người ấy say đắm. Nhưng tại sao lại tan vỡ để Người một thuở mà (ngươi) sầu vạn kỷ ? Phải chăng ta nên đặt giả thuyết :
Cố nhân chẳng khóa buồng xuân lại,
Vung vãi ân tình khắp đó đây.
Hay vì mái tóc điểm sương của ngươi, ta nên nghĩ giai nhân là Tây Thi mà ngươi là Ngủ Tử Tư? Phải chăng vì thế ngươi đề thơ :
Ai làm cho tóc bạc đầu,
Cho câu kỳ ngộ thành câu giã từ…
 
Lần cuối hẹn nhau ở Chợ Đũi, ngươi khuyên ta nên giữ vững tinh thần trong mọi nghịch cảnh, nhưng ta thấy tâm hồn ngươi còn giao động gấp bội ta. Mới ngày nào ngồi đối ẩm với ngươi, ta cứ ngỡ khách giang hồ cả khu Chợ Đũi như đang mời ngươi và ta nhắp chén lạc hoan. Nay bốn bề trống vắng, hàng quán hoang sơ tiêu điều. Yêu nữ hầu rượu cũng đã thay hình đổi dạng, tan biến đi hết. Chỉ duy nữ chủ Hoa Nở Quán còn hé cửa động đào, nhận rót chung rượu tống biệt cho đôi ta. Ngươi nhìn ta, lệ nhoà không rõ. Ta nhìn người vội đỡ cho ngươi :
Ô hay khói thuốc làm cay mắt!
Rượu chuốc tàn canh mưa lất phất…
 
Bạn bè mới đây còn xum xoe bên ngươi và ta, nay nếu không cao bay xa chạy thì cũng chẳng tiện ngối lại với hai thằng để vấy hoạ vào thân. Thi hài vô thừa nhận của dăm ba thằng bạn phơi bày rải rác đó đây trên đường phố, vĩa hè, đầu ngõ đã bắt đầu trương rữa...
Hỡi ơi Nhiếp Chính mà băm mặt
Giữa chợ, ai người dám nhận thây?
Ta hỏi ngươi sao không vỗ cánh bay đi về một phương trời không ô nhiễm thù hằn, đày đọa, bất nhân, vô đạo. Ngươi cả cười :
Ta đi, nhưng biết về đâu chứ?
Đã dậy phong yên, lộng bốn trời.
Thà cứ ở đây, ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi!
Di vật cuối cùng ta đem đi ngày đó, trên dặm đường heo hút lưu đày là dòng thơ ngươi ghi vội vào lòng bàn tay ta: «Tâm sầu bạch phát có ai hay?». Và hình ảnh sau cùng ta khắc ghi vào tâm khảm là dáng ngươi say khướt, dõi theo bước ta đi, thều thào:
Sầu đã chín, xin Người thôi hãy hái!
Nhận tôi đi, dù địa ngục thiên đàng!
 
Tựa gốc cây khế cằn cỗi trong sân trường Tân Văn vắng ngắt, ta nghêu ngao hát «Đêm ấy ta say tạ từ khi súng gươm đưa vào tù…», gẫm nghĩ ngươi và ta song hành vào hỏa ngục. Ngươi bất ngờ về được từ cõi chết, ta suýt chôn thây nơi núi độc rừng thiêng. Để rồi khi vượt thoát trùng vây của âm binh trở về, ta rụng rời đón nhận tin ngươi đã vĩnh viễn quay về với cát bụi, không người đưa tiễn, không người nhận thây :
Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế?
Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường.
Ta lang thang mấy hôm liền trên đường Trần Quý Cáp, lê lết khắp các quán cóc ven lề Chợ Đũi, khi vật vã khóc than, lúc khoa chân múa tay cười rồ. Lắm khi ta ngồi hẳn ra lòng đường chuốc rượu một mình mà mơ màng nghe tiếng ngươi vang vang bay lượn trên những tàn me cao rợp :
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơí!
Thế nhân mặt trắng như ngân nhũ,
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười…
 Ngần thứ ấy, ta mang theo chuyến đi sinh tử đã xô tấp ta vào Xứ Tuyết, một vùng đất chưa hề có trong trí tưởng tượng của ngươi và ta. Những tưởng «bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê» phen ni có cơ dừng bước hải hồ, an cư lạc nghiệp. Hỡi ơi ta có ngờ đâu những cảnh đổi đời nát lòng ở mảnh đất quê hương xơ xác lại tái diễn trên miền đất lạ phì nhiêu. Thịt xương tan rã trong lòng quê cha đất tổ thì tâm hồn ta cũng rã tan trên đất khách quê người:
Tay trắng, bạn bè đều tránh mặt,
Sa cơ thân thích cũng khinh thường.
Những kẻ đã bỏ rơi ngươi và ta trên tử địa, đã từng kêu rêu «bị đâm sau lưng chiến sĩ», nay chính là bọn đâm sau lưng ta. Quanh đi  quẩn lại cũng chỉ những bộ mặt kênh kiệu, rửng mỡ, le lói, lăng xăng rất…faux!
Trọc phú ti toe bàn thế sự,
Đĩ già tập tễnh nói văn chương.
Đã coi đồng bạc như non Thái
Lại học đòi theo thói Mạnh Thường.
Với những khuôn mặt có tham vọng lãnh đạo như thế, biết bao giờ ta mới lại được về thắp cho ngươi một nén hương, rót chung mỹ tửu lên mộ phần ngươi và «nhỏ lệ vào thiên thu» cho mát lòng ngươi nơi chín suối ?
 Hôm nay, đến dự cuộc tiếp tân do nhóm thân hữu khoản đãi, nhân buổi sinh hoạt văn nghệ hướng về quê huơng, ta lén bỏ ra về vì chiếc các-kết sờn cũ, chiếc bờ-lu-dông bạc màu, đôi giày đã biến thể theo ngày tháng làm ta nổi bật quá mức giữa đám đông khăn gấm lụa là, phong lưu đài các…Ta chạnh nhớ và nghĩ thương cho ngươi, nhà thơ thiếu trước hụt sau, rất thân thương với đám lê dân lang bạt kỳ hồ ở Chọ Đũi:
Nệm là hơi thở, da: chăn ấm,
Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn…
 
Đêm nay ta sẽ uống say hơn mọi bận để xuất hồn đuổi bắt hồn ngươi. Để kêu khóc với ngươi đang đứng bên kia bờ cuộc sống:
Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!
Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh ?
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi…
 
Mộng Lệ An, mùa đông đầu tiên trên Xứ Tuyết (1980)
Lê Tấn Lộc
 
 
Ghi chú:
Thơ trích dẫn từ Cung Oán Ngâm Khúc, từ các thi sĩ Nguyễn Bính, Huy Cận, Tạ Ký, Phạm Thiên Thư và từ nhật ký của tác giả.