Tạp ghi sau 40 năm

Ngộ Không Phi Ngọc Hùng

tap ghi

Nếu bạn bắn súng lục vào quá khứ, tương lai sẽ bắn đại bác vào bạn.
Rasul Gamzatov

Bạn có thể từ bỏ được mọi thứ nhưng bạn không thể từ bỏ được quá khứ.
Abraham Lincoln


Kỳ 11

 

Bốn mươi năm Sài Gòn thất thủ:

Chứng kiến chiến tranh Việt Nam kết thúc

tap ghi 40 nam

Bài của Martin Woollacott trên báo The Guardian

Ngày tiếp theo sau khi Bắc Việt lấy được Sài Gòn, người ta đã nghe thấy từ lúc tinh mơ bài hát mừng chiến thắng. Trong đêm các “kỹ sư” của đội quân chiến thắng đã dựng loa phóng thanh lên và từ khoảng 5 giờ sáng phát không ngừng điệu nhạc giải phóng khô khốc. Đó là ngày 1-5- 1975, khi ánh mặt trời chiếu xuống phố phường gần như trống rỗng của Sài Gòn mà thời khắc đó trước kia đã bắt đầu xe cộ rộn rịp và đường phố huyên náo dần lên. Nhưng nay hầu như chẳng ai biết phải làm gì, đi làm hay không, còn chợ búa cò bày bán không, hay có khi một cuộc đọ súng khác sẽ vẫn có thể bùng nổ ra nữa. Qua bao năm tháng chiến tranh, chiến cuộc chẳng mấy khi dính tới Sài Gòn, ngoài thỉnh thoảng có vài cuộc pháo kích bằng hỏa tiễn, một số vụ đánh bom nhà hàng, hay vụ xâm nhập nhỏ gây sửng sốt vào thành phố, thậm chí vào ngay khuôn viên tòa đại sứ Hoa Kỳ trong trận tấn công vào dịp Tết 1968. Trong cơn khiếp hãi qua đi Saigon cảm thấy như đã thoát khỏi điều tồi tệ nhất. Thực tế với điệu nhạc giải phóng vang vọng đường phố, một lần nữa Sài Gòn đã thoát dẫu ít người biết rằng Bắc Việt đã chuẩn bị sẵn sàng bắn nát thành phố với pháo binh hạng nặng và chiến đấu theo cách vốn dĩ của họ “theo từng khối” nếu gặp phải hàng phòng thủ và sức đối kháng mạnh hơn. Nếu tổng thống cuối cùng của Nam Việt Nam, tướng Dương Văn Minh không ban lệnh cho quân đội hạ vũ khí, Sài Gòn có thể lâm vào tình trạng xấu thực sự. Người Việt đã nói tếu rằng Hà Nội lấy Sài Gòn "mà không chạm tới một cái bóng đèn" hay nói sái đi: Thương vong nặng nề cho cả đôi bên, nhưng giao tranh vừa đến thành phố thì dừng.
Ở trong thành phố, mọi người lo lắng tình trạng vô luật pháp và nạn cướp bóc. Stewart Dalby của tờ Financial Times và tôi đang đi bộ dọc đường Tự Do, một trong những con phố chính của Sài Gòn, thì một người đàn ông mặc áo bỏ ngoài quần đứng chắn lối chúng tôi. Anh ta đưa tay vào dây thắt lưng để lộ ra một khẩu súng, và liền đó thản nhiên nhấc chiếc máy ảnh đắt tiền ra khỏi cổ Dalby. Sự thể như thế đủ để thuyết phục mọi người rằng thà để họ nắm quyền kiểm soát càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Với một số khác như chúng tôi chẳng hạn, chẳng có lý gì phải lo như vậy, những lo âu vốn bắt nhịp với những xung động của thời thế đó. "Nỗi sợ Cộng sản đã làm Sài Gòn mất hết vẻ thông thái vốn có", một phóng viên đã viết thế. Nhiều người tìm cách ra đi trên những chuyến không vận đầu tiên bằng máy bay trực thăng, mọi người sẽ được đưa đi hết vào phút cuối cùng. Đây là một lời hứa mà họ đã không giữ được. "Tiếng hét hoảng loạn của người di tản trên sóng vô tuyến CIA vào ngày cuối cùng giờ đây vẫn còn lay động lương tâm tôi". Frank Snepp, một nhân viên của chi nhánh CIA tại Sài Gòn, đã viết
kể lại vài năm sau đó. Trước phút cuối một ngày, từ một chỗ ngồi thuận lợi dưới mái vòm của Caravelle, một trong hai khách sạn sang trọng của thành phố, tôi và các phóng viên khác chứng kiến cảnh hàng người ngày càng dài thêm, đang chờ đợi trong tuyệt vọng tại một điểm rước đi trên nóc của một tòa nhà gần đó. Như một vở bi kịch câm không lời, trong vòng quay đập nhòe đi của cánh quạt máy bay, chúng tôi chợt dần hiểu rõ ra rằng không thể nào có được nhiều máy bay trực thăng Mỹ hơn nữa. Tại tòa đại sứ Mỹ, sự tuyệt vọng như thể chết lặng đi. Đám đông khóc lóc bao vây nơi này, trong lúc thủy quân lục chiến cố kéo vào một người có quyền thế, một khuôn mặt trắng bệch cầu cứu và đẩy ra khỏi những người không được chọn.
Ngày hôm sau, đoàn xe tăng tiến vào trước, chiếc nào chiếc nấy nòng súng chĩa dài ra như cái mũi của Pinocchio, hướng đến trung tâm của thành phố và dinh tổng thống. Chiến tranh thì có cái gì là quy củ và có một số chiếc tăng bị lạc đường. Chúng tôi đã nhìn thấy một chiếc tăng quay đầu lui lại, bánh xích của nó rít lên ghê tai, sau đó tiến vào một bệnh viện Việt Pháp cũ (Grall), một nơi khó có vẻ gì là một mục tiêu quân sự được. Nhưng rồi đoàn tăng cũng tập hợp đủ tại cổng dinh và sau đó băng qua cổng, chiếc đi đầu mang theo James Fenton vừa có vẻ hân hoan vừa bồn chồn, ông ta là một thi sĩ cũng là một ký giả, người có thể được xem như là thông tín viên cuối cùng của tờ Washington Post còn ở lại Sài Gòn. Khi đoàn quân mới tiến vào thì những người lính cũ của quân đội VNCH tản mác đi dần, có khi họ phất tay với vẻ thất vọng cay đắng lần chót. Chúng tôi thấy có một đơn vị binh lính cố tình bắn ra tất cả các trái hỏa châu đỏ, trắng lên trời, trước khi giải tán.
Những người lính mới, mà người ta đã sớm nhận ra cách gọi họ bằng chữ “bo doi” (người lính đi bộ), mặc một thứ đồng phục màu xanh lá cây trơn hơi mềm và đội mũ giống như mũ Tây thuộc địa cũ. Họ trông có vẻ nhẹ nhõm, chiến tranh đã kết thúc, họ đã không chết, và đã góp một phần làm nên chiến thắng này. Vài ngày sau có một cuộc diễn binh để rồi sau đó nhiều người trong số họ rời bỏ Sài Gòn. Những người ở lại có vẻ nhã nhặn và gần như có cái gì đó ngập ngừng do dự. Họ cho rằng hễ cứ người ngoại quốc da trắng thì là người Nga. Một số có vẻ như được mở mắt trước sự thịnh vượng của Sài Gòn, họ bị cuốn hút bởi đồng hồ vốn chỉ các cấp tá quân đội Bắc Việt mới có được và thích nhất là các đồng hồ có ngày tháng. Họ gọi chúng là những "đồng hồ có cửa sổ".
Nhưng họ cũng đã chứng tỏ đã được huấn luyện kỹ. Khi một vài tay súng còn kháng cự bắn vào một đơn vị quân đội Bắc Việt gần công viên giữa dinh tổng thống và nhà thờ gạch đỏ của Sài Gòn (nhà thờ Đức Bà), các phóng viên đã nhìn thấy sự sắp xếp đội ngũ gần như tức thì. Những người lính một phút trước đó còn cười nói, hút thuốc liền nằm sấp xuống vừa thận trọng bắn lại vừa tổ chức đội ngũ tiến gần đến những kẻ tấn công. Điều đó nhắc ta nhớ tới một thời chiến tranh dài ngày. Bắc Việt đổ vào Sài Gòn mọi thứ mà một quân đội hiện đại muốn có. Họ có dồi dào lượng xe bọc thép và pháo binh tất cả mọi thứ ngoại trừ không lực. Trong khi đó Nam Việt Nam đã hầu như đã chẳng để lại tí nào.
Việt Nam là một đấu trường quân sự trong nhiều năm qua. Cuộc chiến đã choán quá nhiều trong tâm khảm của mọi người đến nỗi đôi khi ta có thể nói tất cả những gì không đúng ở nơi khác thì lại thành đúng ở đây. Thực tế rõ ràng là cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam là một sai lầm vì nó có tính cách hời hợt, theo đuổi một cách hung hăng và rồi bỏ rơi một cách phũ phàng. Đó là những nét hiện rõ của cuộc chiến này. Chuyện miền Nam Việt Nam sụp đổ đã là một “Biên niên sử” của một thất bại được báo trước.
Richard Nixon và Henry Kissinger biết cuộc chiến đã hết đường nên đồng tình rút quân theo Hiệp định hòa bình Paris năm 1973. Họ biết điều đó có nghĩa là miền Bắc sẽ giành chiến thắng, nhưng họ muốn thế, theo như lời của Kissinger: Đó là một "khoảng lặng vừa đủ" (nguyên văn: “decent interval”) độn vào giữa đủ cho họ rút lui rồi miền Nam Việt Nam mới thua trận.
Các phóng viên báo chí quyết định ở lại Sài Gòn là người Pháp và Nhật Bản, cộng với một vài người Anh và ước chừng một hoặc hai người Mỹ giả vờ làm người Canada. Dù không chắc gì không gặp nguy hiểm, nhưng trong vai trò nhà báo chúng tôi mới tường trình cuộc chiến được dễ dàng hơn. Trước kia chúng tôi dễ được ưu tiên chở đi khắp nơi bằng máy bay Mỹ và máy bay trực thăng, được lo chỗ ăn, chỗ ở và được lính Mỹ cũng như được binh sĩ Nam Việt Nam bảo vệ. Bạn có thể tới mép rìa của cuộc chiến ở phía bắc, gần một nơi có tên mỉa mai là Khu phi quân sự rồi trở lại Sài Gòn cùng ngày tắm mát dưới vòi sen và uống trà vào buổi chiều…
Bây giờ đột nhiên chúng tôi thấy mình trong một tình trạng lửng lơ. Nguyên một hệ thống hỗ trợ sống còn cho chúng tôi với những phi công, những người giúp đỡ, các nhân viên phân tích tin người Mỹ. Tùy viên quân sự sứ quán Úc bỗng biến đâu mất. Nhiều mối liên hệ người Việt đã bỏ đi hoặc ẩn mặt. Các tài xế và người thông dịch cũng thế (có một số người nằm vùng, hay là đặc công thì họ vẫn còn đó, bây giờ họ lộ diện ra, nghĩ cũng phải thôi)
Bắc Việt cũng có một ít nhân viên nói thạo tiếng Anh và Pháp lắm lúc thật cần nhưng rất hiếm. Có một tình thế cần thiết như vậy, ngay sau khi thành phố thất thủ, đó là lúc một đơn vị làm phim của quân đội Bắc Việt xông vào văn phòng của CBS và yêu cầu thực hiện cho họ một cảnh quay trận đánh cuối cùng tại cầu Tân Cảng ngay bên ngoài thành phố. Họ vã mồ hôi và giận dữ, dường như họ đã đến cây cầu quá muộn để có được những thước phim riêng cho họ, vì vậy họ muốn thu đoạt hết những gì đoàn làm phim truyền hình Mỹ đã quay. Tôi đã chứng kiến cuộc đối đầu đó và bước ra gặp một đại tá Bắc Việt ôn hòa hơn mà chúng tôi đã có gặp trước rồi. Ông ta làm dịu tình hình và ra lệnh cho đồng đội ông bỏ đi. Trưởng văn phòng nhẹ nhõm và mời ông uống chút gì. Ông nhã nhặn từ chối một cách duyên dáng và nói thêm, với nụ cười gượng: Để sau, chúng ta sẽ còn nhiều thời gian vui vẻ. Có lẽ chẳng ngạc nhiên gì là chúng tôi chẳng còn gặp ông ta để mà vui vẻ, và vội cuốn đi bỏ lại đó các vật dụng chả đáng gì.
Như một sự an bài không hiểu nổi, về phía Nam Việt Nam, cấp số đạn dược, lượng các phi vụ và các phụ tùng cũng như quân trang quân dụng cứ bị cắt giảm từng tháng. Vào cuối tháng 8 năm 1974, Thiếu tướng John E Murray người có trọng trách giữ nguồn cung cấp cần thiết cho quân đội Nam Việt Nam duy trì chiến đấu, đã viết thẳng ra rằng: Nếu không còn nguồn hỗ trợ đích thực, QLVNCH sẽ thua, nếu không tuần tới, tháng tới, thì sẽ là vào năm tới.
Nhưng nếu Nam Việt ở trong một tình trạng bấp bênh, thì Bắc Việt cũng có những âu lo sâu xa của riêng họ. Dù đảng và chính phủ lúc nào cũng đóng một vai diễn sặc mùi tuyên truyền rằng họ tin chắc chiến thắng sẽ đến và thống nhất được đất nước, nhưng trong thâm tâm họ lại không chắc như vậy. Họ cũng gặp vấn đề về nguồn viện trợ vũ khí khi Nga và Trung Quốc cũng đã cắt giảm nguồn cung cấp sau Hiệp định hòa bình Paris. Và, giống hệt như Nam Việt Nam, họ rất lo về độ tin cậy của các đồng minh của họ. Như George J Veith đã viết trong một cuốn sách lịch sử quân sự của ông về những năm cuối cùng của cuộc chiến: "Tháng Tư đen", rằng Hà Nội đã cảm thấy rằng họ chỉ có một cơ hội quá mong manh để giành chiến thắng.
Một kế hoạch của miền Bắc đã hình thành cho một chiến-dịch-hai-năm dự trù sẽ mang lại chiến thắng vào năm 1976. Tuy nhiên, những cuộc triệt thoái bỏ trống trận địa ở Tây Nguyên đã quá thuận lợi khiến họ đã dẹp bỏ ý định ban đầu, vào năm 1975. Mọi việc đã đi đến kết thúc trong vòng có hai tháng. Chiến thuật sai lầm của ông Thiệu đã gây ra bao điều tồi tệ, nhưng miền Nam bại trận quá sớm sự thực vẫn do thiếu nguồn dự trữ và bị cắt giảm hỏa lực. Rồi quân Bắc Việt tiến gần về Sài Gòn. Ở cao nguyên, Huế, Đà Nẵng và những nơi khác nữa đã xảy ra những cảnh hoảng loạn và rối loạn khủng khiếp, dù nhiều trường hợp bất tuân thượng lệnh và đào ngũ, nhưng vẫn có nhiều đội quân còn chiến đấu dũng cảm và nhiều gương anh hùng. Nhưng Nam Việt Nam, hoặc là một con thực thể bù nhìn, hoặc là bất cứ điều gì đi nữa, đã biến mất trong làn khói tan của chiến trận. Cả thế giới vô cùng kinh ngạc.
Trên đường đi, chúng tôi có đi ngang qua sứ quán Anh, và tôi nhận thấy một đội lính canh gác đã hạ lá quốc kỳ Anh xuống và dùng nó làm một tấm bạt để che nắng. Nghẹn ngào và ngạc nhiên, một cơn giận dữ đột ngột thôi thúc, tôi bước ra khỏi xe, sải bước qua họ, và nhấn mạnh rằng họ nên trả nó trở lại vào cột cờ. Giả như tôi là người Nga hoặc Đông Đức và tưởng tượng tôi có tí quyền, ít nhất tôi cũng gấp lại nó lại. "Cái gì vậy?", tôi chợt tự hỏi. Nói cho cùng, nó chỉ là một mảnh vải. Nhưng sự thật là tất cả chúng ta, trong một mức độ nào đó hay vì một cái gì khác đi nữa, vẫn còn đọng lại trong tâm khảm cuộc chiến vừa qua nên sự kiện này đã biểu hiện trái ngược tinh thần đó và gây cảm xúc quá mạnh.
Quả là như vậy, mặc dù một vài trong chúng tôi đã từng ủng hộ mạnh mẽ chiến tranh. Trước khi Saigon thất thủ, Philip Caputo, một nhà báo Mỹ, người đã từng là một sĩ quan thủy quân lục chiến tại Việt Nam và đã viết một cuốn sách rất hay về những kinh nghiệm của mình, đã mạnh miệng tự hỏi liệu những gì đang xảy ra có na ná như việc đoàn quân Lê dương rút ra khỏi vòng ngoài của đế chế La Mã hay không. Mà Mỹ là một hiện thân cuối cùng, có phải sắp kết thúc? Một cái gì đó đã bị hạ bệ và cái khác không phải thuộc về "chúng ta" sẽ điền thế?
Phác họa ra 2 hình ảnh song song như thế thì sáo mòn, một thứ tự huyễn lãng mạn có vẻ khó chịu khi ngoái nhìn lại quá khứ. Người Việt, Bắc và Nam, đang trong khoảnh khắc lịch sử đặc biệt của họ, còn chúng tôi thì ngồi vòng ngoài và trưng dẫn Edward Gibbon. (1)
(Martin Woollacott)
(1) Edward Gibbon là một sử gia người Anh với tác phẩm: The History of the Decline and Fall of the Roman Empire ("Lịch sử suy tàn và sụp đổ của đế chế La Mã").

Ngày thứ 51 : 29-4-1975
Sài Gòn di tản
Sáng ngày 29-4, Bắc quân pháo 130 ly và hỏa tiễn 122 ly vào phi trường Tân Sơn Nhất.
Chiều 29-4, toà đại sứ Mỹ bắt đầu di tản bằng trực thăng, sau 19 giờ bay liên tục 80 trực thăng đã chở đi được hơn 1.000 người Mỹ và khoảng 6.000 người Việt Nam ra ngoài hạm đội.
(Phạm Bá Hoa)

Những ngày cuối VNCH
Ngày 29-4-1975 Bắc quân điều động 2 sư đoàn thuộc Quân đoàn 1 để chiếm Bến Sắn, từ đó chọc thủng mặt đông của tỉnh Bình Dương và mặt tây của tỉnh Biên Hòa.
Lực lượng phòng thủ vòng đai xa của Sài Gòn, có 3 sư đoàn: Sư đoàn 18 BB do tướng Lê Minh Đảo chỉ huy, trấn giữ phía bắc Biên Hoà và Sài Gòn. Sư đoàn 25 BB do tướng Lý Tòng Bá chỉ huy, tại phòng tuyến, Hậu Nghĩa, Long An. Sư đoàn 5 BB do tướng Lê Nguyên Vỹ chỉ huy, phụ trách phòng tuyến Bình Dương. Quanh vòng đai Sài Gòn, chiến trận khốc liệt đã diễn ra tại Long An, Hậu Nghĩa, Bình Dương, Biên Hòa. Tại Long An, các đơn vị Sư đoàn 22 BB đã giao chiến quyết liệt với hai trung đoàn Bắc quân muốn chọc thủng phòng tuyến thị xã Tân An.
(Vương Hồng Anh)
- : 29-4, 10 giờ sáng, Quân đoàn III báo cáo Bộ tham mưu tiểu khu Hậu Nghĩa thất thủ.

10 ngày cuối cùng của VNCH
Thứ Ba 29-04-1975
11 giờ 30 phút trưangày 29-4-1975, ông Vũ Văn Mẫu chính thức nhận chức thủ tướng. Ngay sau đó ông lên đài phát thanh tuyên bố, yêu cầu Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ kể từ…5 giờ sáng ngày 29-4-1975.
Sáng ngày 29-4, trong khi bản thông cáo của chính phủ Dương Văn Minh đòi người Mỹ phải triệt thoái nhân viên của DAO được Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đọc đi đọc lại nhiều lần trên đài phát thanh thì trên đài phát thanh của quân lực Hoa Kỳ tại Việt Nam được gọi tắt là AFRS, vào buổi trưa một ngày cuối tháng 4 nóng bức, người xướng ngôn viên đọc đi đọc lại nhiều lần lời nhắn: “Mother wants you to call home” (Mẹ muốn con gọi về nhà) và người dân Sài Gòn được nghe bản nhạc I’m Dreaming of a White Christmas (Tôi mơ một Giáng Sinh đầy tuyết trắng) phát đi phát lại liên tục trong ngày hôm đó.
Lời nhắn và bản nhạc này là mật hiệu báo cho tất cả mọi người Mỹ và các phóng viên ngoại quốc tại Sài Gòn biết rằng Chiến dịch Frequent Operation IV đã khởi đầu và tất cả mọi người phải đến những điểm hẹn đã ấn định sẵn từ trước để được di tản ra khỏi Việt Nam.
(Trần Đông Phong)

Những ngày cuối cùng của cuộc chiến
Trong ngày 29-4, Tướng Lâm Văn Phát đứng ra nhận chức tư lệnh Biệt khu Thủ đô với mục đích chiến đấu bảo vệ Saigon. Tướng Phát đã ra lệnh cho các cánh quân Nhảy dù, Biệt động quân, Thủy quân lục chiến... phải ngăn chận quân Cộng sản kéo vào Saigon từ ngã tư Bảy Hiền và Hàng Xanh... Tướng Phát kể lại rằng ông chỉ còn vỏn vẹn 60 xe tăng M41 và M48 với những đơn vị lẻ tẻ để đối đầu với 16 sư đoàn Bắc Việt và 3 sư đoàn Việt cộng với hàng ngàn xe tăng, đại pháo và tấn công từ hai ngả vào Saigon.
Một câu chuyện khác do tướng Lâm Văn Phát kể lại là sau khi Dương Văn Minh điện thoại cho ông phải ra lệnh ngưng bắn thì ông xuống dưới nhà. Dưới chân cầu thang, một người quân cảnh đã đứng nghiêm chào ông và nói: “Vĩnh biệt thiếu tướng,” rồi rút súng bắn vào đầu tự tử.
(Ngôn Sứ)

Những ngày cuối VNCH
Tại phòng tuyến Củ Chi cách Sài Gòn 60 km, Bắc quân tung 1 sư đoàn chính quy có 1 trung đoàn chiến xa yểm trợ tấn công ồ ạt vào các vị trí của quân trú phòng thuộc Sư đoàn 25 BB. Từ hầm chỉ huy, Chuẩn tướng Lý Tòng Bá trực tiếp điều động các tuyến chống trả các đợt xung phong biển người của địch quân.
Đêm 29-4, bộ tư lệnh Sư đoàn 25 phải bỏ phòng tuyến Củ Chi rút về Hóc Môn. Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, và một thượng sĩ cận vệ đã phải thay nhau làm khinh binh với chiến thuật cá nhân để thoát khỏi vòng vây của Bắc quân. Cuối cùng vị tư lệnh Sư đoàn 25 bị lọt vào tay địch (1) khi ông và người cận về gần đến Hóc Môn.
(1) Người bắt tướng Lý Tòng Bá là tướng Hoàng Minh Thảo, tư lệnh mặt trận Ban Mê Thuột. Tướng Thảo là người mang Sư đoàn 316 bí mật xuất phát từ Nghệ An vào Vùng 2 chiến thuật để tăng cường cho Quân đoàn 3 đánh Ban Mê Thuột.
(…)
Ngồi ở quán nhậu kể chuyện súng đạn
Anh đi chiến dịch Ban Mê
Thuột xong vài bữa rồi về với em

Quân sử ngoại truyện
- Tấm hình quen thuộc chụp hàng người leo thang lên chiếc trực thăng mà theo nguồn ở ngoài nước ghi chú là ở…trường đua Phú Thọ.
- Sách Đại thắng mùa xuân 1975trang 153 in ảnh chú thích:
Cuộc tháo chạy trên nóc tòa đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn.
- Theo Don Southerland, ảnh được chính ông chụp vào buổi chiều ngày 29-4 tại một trạm CIA ở sô 22 đường Gia Long. Đài RFA phỏng vấn nhà báo Mỹ Don Southerland trong đó ông lý giải chuyện Phạm Xuân Ẩn cứu bác sỹ Trần Kim Tuyến.
Dan Southerland là người chứng kiến phút giây đó:
Đêm 29-4 trước khi các trực thăng chuẩn bị rời Việt Nam, tôi đang liên lạc với các trụ sở truyền thông nước ngoài thì Ẩn nói có một vấn đề hệ trọng là cần tìm cách cho bác sỹ Tuyến ra đi. Tôi sau khi liên lạc với một giới chức cao cấp của tòa đại sứ Mỹ và được bảo là hãy nói cho ông Tuyến hay rằng có thể đến 22 Gia Long để được bốc đi khỏi Sài Gòn.

Những ngày cuối VNCH
Tại tuyến phòng thủ Trảng Bom do một đơn vị thuộc Sư đoàn 18 phụ trách, vào 7 giờ 30 sáng ngày 29-4, nhiều vị trí bị Bắc quân chọc thủng và đến 10 giờ phòng tuyến này hoàn toàn bị tràn ngập. Một số đơn vị của Sư đoàn 18 rút về phía nam căn cứ Long Bình.
Lữ đoàn 257 Thủy quân lục chiến án ngữ mặt bắc Long Bình cũng bị tấn công. 11 giờ sáng Bắc quân tấn công vào phòng tuyến nam Long Bình, Sư đoàn 18 đã đẩy lùi được nhiều đợt xung phong của các trung đoàn Bắc quân.

Trạm CIA ở sô 28 đường Gia Long
Theo một nguồn khác bức ảnh dưới đây của Hubert van Es, người Hoà Lan, phóng viên thông tấn UPI với chi tiết: Ảnh được chụp tại building số 28 đường Gia Long chiều ngày 29-4-1975.
(Nhà số 28 đường Gia Long là 1 trong 13 bãi đáp tại nhiều nơi ở Sài Gòn-Chợ Lớn).

tap ghi 40 nam

Theo Bob Caron, một nhân viên CIA tại trụ sở này cho biết trong số 12 người trong trực thăng có 3 người người Việt Nam: Trung tướng Trần Văn Đôn (1), Bác sĩ Trần Kim Tuyến (2) và Bác sĩ quân y Huỳnh Minh Tòng.

tap ghi 40 nam
Bác sĩ Trần Kim Tuyến

(1) Ông Trần Văn Đôn không sao đi được mấy chuyến trước. May nhờ cô bí thư của Polgar tên Hà Hiếu Lang nhường chỗ cho ông Đôn.
(2) Tối 1-4, Bác sỹ Trương Khuê Quang, giám đốc trường quốc gia nghĩa tử, người trung gian của ông Tuyến đưa ông Tuyến đến gặp Thượng tọa Thích Trí Quang. Đêm mùng 3 rạng mùng 4, ông Thiệu bắt nhốt hết những phần tử “âm mưu đảo chính”, trong đó có ông Tuyến... Ông Tuyến nghĩ rằng Thiệu bỏ chạy sớm, những người thân cận ông Thiệu sẽ thả ông ra. Nhưng mãi khi ông Hương lên rồi, ngày 26 mới thả. Ông Tuyến yên trí CIA sẽ phải đưa mình đi.
(3)Thomas Polgar, chỉ huy cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) cuối cùng còn ở Sài Gòn trong những ngày cuối của chiến tranh Việt Nam năm 1975. Polgar đã chỉ huy việc đưa công dân Mỹ và nhân sự của chính quyền VNCH lên máy bay để đi Mỹ. Chỉ ít phút trước khi Polgar hủy chiếc máy điện tín mà CIA sử dụng để liên lạc với Washington, trước khi lên trực thăng rời Sài Gòn, Polgar dừng lại một chút để làm nhiệm vụ cuối, đánh bức điện với nội dung:
Đây là thông điệp cuối cùng từ văn phòng Sài Gòn.
- : Ngày 30-4-1975, từ nóc sân tòa đại sứ Hoa Kỳ:
Lúc 4 giờ sáng, Đại sứ Graham Martin rời Sài gòn sau khi đã di tản 1.373 nhân viên Hoa Kỳ, 5.595 người Việt Nam và 815 người các nước khác ra hạm đội đậu ngoài khơi.
- : Có giả thuyết cho rằng sở dĩ ông đại sứ G. Martin nhiệt tâm trong vấn đề di tản này vì ông có một người con trai là binh sĩ thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã tử trận tại Khe Sanh vào năm 1968 trong cuộc đụng độ với quân Bắc Việt. (The Fall Of Sai Gon - Komori Yoshihisa)
- : Kế hoạch di tản được dự trù vào lúc 10 giờ 51 sáng 29-4. Nhưng vì các cấp chỉ huy mỗi thành phần trách nhiệm phải thảo thuận và xác nhận với nhau, rồi cấp thừa hành phải đợi lệnh từ cấp chỉ huy trực tiếp của mình. Kết quả là mãi tới 12 giờ 15 trưa kế hoạch mới được lệnh thi hành vì quá nhiều thông tin viễn liên được gửi qua gửi lại giữa các cấp chỉ huy, hệ thống truyền tin bị quá tải, trục trặc. Cuối cùng, đến 3 giờ chiều, kế hoạch mới thực sự bắt đầu. Chiếc CH53 đầu tiên bốc người từ toà đại sứ đáp xuống tầu Blue Ridge vào lúc 3:40. (Đinh Từ Thức)
- : Một số cá nhân hoặc nhóm với thân nhân đi bằng trực thăng loại nhỏ Huey của VNCH, một số không đủ nhiên liệu bay xa, được cho đáp xuống hộ tống hạm Mỹ USS Kirk, hoạt động gần đất liền hơn Hạm Đội 7. Vì không đủ chỗ chứa, 13 trực thăng sau khi đáp đã bị đẩy xuống biển.

tap ghi 40 nam

Số đông hơn đủ nhiên liệu bay tới Hạm Đội 7, gần 20 tầu, dưới quyền chỉ huy từ soái hạm Blue Ridge, xếp hàng chờ đợi cách Vũng Tầu khoảng trên ba chục cây số. Tướng Nguyễn Cao Kỳ tự mình lái trực thăng chở tướng Ngô Quang Trưởng cũng đáp xuống Blue Ridge.
- : Còn một cuộc ra đi nữa bằng tầu, từ Cần Thơ, ít người biết tới. Ông lãnh sự Hoa Kỳ tại Cần Thơ, khi được lệnh sử dụng hai trực thăng để ra đi cùng những nhân viên người Mỹ, đã không đành lòng bỏ lại các nhân viên người Việt và thân nhân của họ. Vì tình người, hành động theo lương tâm, ông bỏ trực thăng, dùng tiền của mình mua hai chiếc tầu, chở tất cả 450 người rời lãnh sự quán theo sông ra biển. Hành trình cũng đầy gian nan, vừa bị bắn, vừa bị phía hải quân VNCH cản trở. Cuối cùng cũng ra tới biển. (Đinh Từ Thức)

Tái chiếm trường Bộ Binh Long Thành
Sáng 29-4-1975 tôi nhìn về hướng căn cứ Long Bình, có vài cột khói đen bốc lên. Tôi lấy cái PRC25 rà những tần số quen. Tôi bắt được giọng nói của đại tá Hiếu, Sư đoàn 18 đang lún càng tại Trảng Bom! Đại tá Hiếu hẹn gặp nhau tại cổng số 10 căn cứ Long Bình.
Muốn về Long Bình tôi phải tạt qua ngã Hố Nai. Pháo hai bên đều tập trung trên vùng này. Vậy là, đội pháo ta đi! Chúng tôi đi như những cái thân robot, đạn nổ đằng trước, đạn nổ đàng sau, đạn nổ bên hông, đạn nổ chụp trên đầu. Chúng tôi không nghe gì cả, cứ thế mà đi, hướng Long Bình, Tôi vào tới vòng rào căn cứ Long Bình vào lúc buổi chiều. Tôi là dân vùng 2 không biết cái căn cứ này có bao nhiêu cổng, đi tìm cái cổng số 10 thì biết nó ở đâu? Tôi thấy một doanh trại có cái bảng Bộ chỉ huy liên đoàn 32 Biệt động quân bỏ trống, vậy là thày trò tôi nhào vào đấy hạ trại. Cơm nước xong thì trời đã tối. Chúng tôi ngủ như chết.
Đến ba giờ sáng 30-4-1975, truyền tin dựng tôi dậy…
– Có tin từ liên đoàn ra lệnh cho chúng ta rút về Sài-Gòn!
Tôi uể oải ngồi dậy,
– Mẹ kiếp! Về Sài Gòn! Về Sài Gòn làm cái con mẹ gì đây!
Xa cuối trời, hỏa châu le lói hướng Sài Gòn. Tôi ra lệnh cho tiểu đoàn chuẩn bị lên đường. Cầu xa lộ đã bị xe tank chận đường, chúng tôi rẽ vào thành phố Biên Hòa. Thành phố vắng lạnh buồn thiu. Tôi cho đơn vị đi dọc theo đường xe lửa, ngang qua những căn nhà tôle ổ chuột, một vài khuôn mặt buôn phấn bán hương thò ra, ánh đèn vàng hiu hắt..
Chúng tôi cúi đầu lầm lũi mà đi. Chúng tôi đi qua cầu Đôi rồi đến cầu Hang, tôi cho đơn vị dừng lại tấp vào những cái quán bỏ trống bên đường. Từng đoàn quân xa, chiến xa có biệt động quân và lính dù tùng thiết đi qua mặt chúng tôi, hướng về Sài Gòn.
Tôi cho quân tiếp tục lên đường. Khi còn cách Thủ Đức chừng vài cây số, người lính có radio loan tin Tổng thống Dương Văn Minh đang kêu gọi đầu hàng!
(Vương Mộng Long)
Trạm CIA ở sô 28 đường Gia Long

Hubert van Es
tap ghi 40 namHubert van Es 1941-2009) là nhiếp ảnh gia người Hoà Lan làm việc cho hãng thông tấn UPI. Ông là người đã thực hiện bức ảnh nổi tiếng ngày 29-4-1975, ghi lại cảnh đám đông di tản chen nhau lên một máy bay trực thăng đậu trên nóc một tòa nhà của CIA tại nhà số 28 đường Gia Long, Sài Gòn.
Trần Kim Tuyến tới văn phòng tạp chí Time ở khách sạn Continental hỏi Phạm Xuân Ẩn có di tản không? Ẩn trả lời không rồi cả hai lên chiếc xe Renault của Ẩn tới toà đại sứ Mỹ nhưng không thể nào tới gần cổng. Trở lại văn phòng tạp chí Time cả hai không biết làm gì, chợt điện thoại trên bàn làm việc của Ẩn reo. Dan Southerland phóng viên của tờ Christian Science gọi Ẩn để hỏi han việc di tản. Ông Ẩn nhờ Dan Southerland gọi toà đại sứ Mỹ để giúp Tuyến đi. 30 phút sau, Dan gọi lại nói đã liên lạc được với Tom Polgar và Tom bảo Tuyến đã có tên trong danh sách và hãy tới ngay nhà số 22 phố Gia Long được CIA sử dụng làm bãi đáp cho trực thăng chở người di tản, ở đó hiện có Trần Nguyên Đôn và hơn chục người khác.
Cả hai vưa đến thì vưa lúc cửa đóng lại vì là chuyến bay cuối cùng chuẩn bi cất cánh. Tình hình cỏ vẻ vô vọng, nhưng khi cánh cửa đang từ từ đóng lại, Phạm Xuân Ẩn theo bản năng lấy tay trái chặn cửa lại, tay phải đẩy Trần Kim Tuyến vào với khoảng trống 46 cm, Tuyến người nhỏ bé lọt vào trong trong gang tấc. Không có thời gian cho lời tạm biệt và cám ơn. Ẩn nói “Chạy”. Cùng lúc đó hai hàng nước mắt lăn xuống gò má Tuyến và chẳng nói được điều gì ngoài câu: “Tôi sẽ không bao giờ quên”.
Thang máy không hoạt động, Trần Kim Tuyến phải chạy bộ tám tầng lầu lên sân thượng, mệt đứt hơi. Phạm Xuân Ẩn đứng bên ngoài lòng dạ rối bời vì không biết Tuyến có thoát không? Cho đến lúc nhìn thấy Tuyến là người cuối cùng có mặt ở trên sân thượng và nhìn thấy một cánh tay kéo Trần Kim Tuyến lên trực thăng. Đó là tay tướng Trần Văn Đôn, thành viên nhóm đảo chánh, đã từng hạ lệnh bắt và đầy ông Tuyến ra Côn Đảo (nguồn: Đinh Từ Thức).
Trần Kim Tuyến hồi tưởng: Ông không thể không nghĩ đến cảnh trớ trêu của mình vì ông ta (bên đối lập) với Trần Nguyên Đôn (bộ trưởng quốc phòng) ngồi cạnh nhau và không ai nói với ai lời nào. Ông nhớ lại: “Chúng tôi không nói chuyện với nhau vì đang suy nghĩ. Buồn”.
(Perfect Spy – Larry Berman)

Gia Kiệm - Hố Nai
Xe tăng lính bộ đôi ông Hồ từ Long Khánh qua Gia Kiệm, Hố Nai định ra xa lộ Biên Hòa đã bị chặn đánh tại Tam Hiệp trước khi có lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh. "Chiến lũy Tam Hiệp", phải coi như thế, bởi những người Bắc di cư đã chạy một lần rồi, bây giờ họ không còn nơi nào để chạy nữa, bởi một số lính nhẩy dù mà đơn vị đã tan hàng từ đêm 29-4 và họ cũng chạy lạc về đây. Họ phối hợp cùng nhân dân tự vệ và dân chúng Tam Hiệp, dùng máy cầy ủi đất đắp mô ụ nghênh địch vì tất cả đang ở cuối đường.
Mẩu chuyện này, được xem những thước phim của đài truyền hình Pháp ghi lại..
Trận chiến thật ngắn ngủi nhưng rất anh dũng. Đài truyền hình Pháp công bình ghi nhận rằng, chỉ còn quân dân miền Nam chiến đấu với lính bộ đôi ông Hồ từ Bắc kéo vào. Xe tăng chúng phải dừng lại. Chúng bắn thẳng vào chiến lũy. Đạn T54 khạc tới tấp, khạc không thương xót.
Quân dân ta chống trả kịch liệt. Những em nhỏ cỡ 10 tuổi bám sát các anh lính dù để được sai bảo. Một em trúng đạn. Hai anh lính dìu em vào chỗ an toàn, băng bó cho em. Em bé khóc. Khuôn mặt hai anh lính ưu tư. Một hình ảnh đẹp nhất, nhân bản nhất của người lính quốc gia. Cuộc chiến vẫn tiếp tục. Những người lính dù phóng lên phía trước. Đạn thù bắn như mưa. Lính dù của ta gục ngã trên những vũng máu. Trận chiến kết thúc mau lẹ. Họ chết hết.
Xe tăng chúng nghiến lên xác lính của ta, san bằng mô ụ. Chúng ngạo nghễ bò ra xa lộ và tiến vào Sài Gòn. Bất ngờ, đến cây cầu nhỏ gần nhà máy xi măng Hà Tiên, xe tăng bị lính chi khu Thủ Đứcchặn đánh. Súng phóng lựu bắn cháy một T54. Chiến trận cũng không thể kéo dài. Bộ đôi ông Hồ làm chủ tình hình và kết thúc lẹ. Chúng khẩn trương chạy vào thành phố.
Những người lính nhẩy dù và chi khu Thủ Đức đã hy sinh vào buổi sáng 30-4. Họ không cần ai mạc mặt, gọi hồn cả...
(Duyên Anh)
Trần Kim Tuyến nghĩ tiếp: Tất nhiên, sự trớ trêu lớn hơn ở đây còn là hai người bạn, hai nguồn đáng tin cậy nhất của Phạm Xuân Ẩn lại đang ngồi trên chuyến trực thăng cuối cùng rời Sài Gòn. Họ đang lo ngại cho người bạn chọn ở lại. Nhưng họ chưa biết sự thật về Phạm Xuân Ẩn. Sau này, Trần Kim Tuyến nói với bạn ông rằng ông chỉ tin cậy hai người hơn bất kỳ ai khác, đó là Phạm Ngọc Thảo và Phạm Xuân Ẩn. Khi biết cả hai là điệp viên Cộng sản. Tuyến nhìn lại quá khứ, ông ta có thể nghi ngờ Phạm Ngọc Thảo. Nhưng ông không thể tin được rằng Ẩn làm việc cho phía bên kia. Phạm Xuân Ẩn không để lại một bằng chứng, một dấu vết nào, dù nhỏ nhất ông ta là một điệp viên.
Phạm Xuân Ẩn được Mai Chí Thọ đưa vào đảng từ năm 1944. Năm 1956, Ẩn được đảng Cộng sản tuyển mộ làm tình báo chiến lược bí số X6, thuộc mạng lưới H63 ở Củ Chi. Trong hồ sơ đảng, Ẩn mang bí danh Trần Văn Trung (tức Hai Trung). Mai Chí Thọ lo chuyện tiền đưa Phạm Xuân Ẩn qua Mỹ học báo chí tại dại học Orrange Coast, California. Sau đó, mang vỏ bọc là phóng viên báo Time, sứ mạng của Phạm Xuân Ẩn là cung cấp những báo cáo phân tích tình báo chiến lược về nhữnh kế hoạch chiến tranh của Mỹ (Những báo cáo của Ẩn chính xác đến mức có lần Võ Nguyên Giáp nói đùa rằng: “Giờ đây, chúng ta có mặt ngay trong phòng chiến lược của Ngũ giác đài”). Hoặc về những trận đánh họ sắp dự trù và sau đó Ẩn gửi về “rừng” cho họ, những chỉ huy cấp trên. Nhờ vậy Ẩn nhận rất nhiều huân chương từ Hà Nội sau những trận Ẩp Bắc, trận Mậu Thân (lúc này Phạm Xuân Ẩn mang quân hàm đại tá). Huân chương cuối cuối cùng (Huân chương chiến công) được thăng thưởng cho ngày 30-4-1975.
(Perfect Spy – Larry Berman)
- : Sau chiến tranh, Phạm Xuân Ẩn được tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và được thăng quân hàm cấp tướng, và chỉ có hai sĩ quan tình báo được phong quân hàm cấp đó. Khi mất, Phạm Xuân Ẩn được chôn cất tại nghĩa trang trong thành phố Sài Gòn.

Những ngày cuối VNCH
Trong khi căn cứ Long Bình đã bị pháo kích liên tục. Tại căn cứ kho đạn Thành Tuy Hạ, nhiều vựa chứa đạn trong kho đã bị pháo kích và vòng đai phòng thủ kho đạn đã bị khoảng 2 tiểu đoàn Bắc (1) quân bao vây.
(…)
(1) Sư đoàn 304 thuộc Quân đoàn 2 từ Vùng 1 chiến thuật (VNCH) kéo về đánh Long Bình.

Cầu Đồng Nai xa lộ Biên Hòa
Những người lính thủy được giao cho sứ mạng đánh sập cầu Đồng Nai trên xa lộ Biên Hòa để ngăn chặn xe tăng lính bộ đội ông Hồ tiến vào Sài Gòn. Những người lính thủy đã hoàn tất nhiệm vụ lúc 9 giờ ngày 30-4-1975. Cả tấn TNT gài kín gầm cầu, bọc kín chân cầu. Xe tăng bộ đội ông Hồ từ Long Khánh bò vào, đã bị quân dân Tam Hiệp đón đánh. Trận chiến hào hùng và lãng mạn này kết thúc mau lẹ nhưng đã làm chậm bước tiến của địch. Xa lộ lúc ấy, hai bên cầu Đồng Nai, nườm nượp dân chúng chạy giặc và đông đầy binh sĩ tan hàng. Dân chúng Sài Gòn chạy xuôi. Dân chúng Biên Hòa chạy ngược. Cầu Đồng Nai nghẹt người và xe cộ. Cùng với ông già, bà lão, phụ nữ, nhi đồng. Những anh lính thủy giữ trọng trách đánh sập cầu còn nhìn rõ xe tăng bộ đội miền Bắc. Sức công phá của TNT gài dưới cầu sẽ làm tung bay cốt sắt xi-măng, phạm vi cả mấy trăm thước. Nếu thế dân sẽ bị chết, bị thương vô kể.
Những người lính thủy quay giang đỉnh về lại căn cứ. Cầu Đồng Nai không bị đánh sập. Nếu là Mỹ, cây cầu sẽ bị đánh sập. Nếu là bộ đội ông Hồ, cây cầu sẽ bị đánh sập. Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Nhưng với người lính miền Nam, cây cầu không bị đánh sập. Hình như ít ai biết chuyện này. Chúng ta thua trận, còn vì tình thương và lòng nhân đạo nữa.
(Duyên Anh)

Lạc đạn
4 giờ sáng ngày 29-4, Bắc quân pháo kích nhiều trái đạn đại bác 130 ly và hỏa tiễn 122 ly vào khu vực phi trường Tân Sơn Nhứt. Cuộc pháo kích này đã gây tử thương 2 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, Hạ sĩ Darwin Judge và Hạ sĩ Charles McMahon, vừa mới được đưa đến Sài Gòn cách đó 10 ngày để phụ trách về an ninh cho chiến dịch di tản. Hai binh sĩ này là 2 người Mỹ cuối cùng bị thiệt mạng trong lịch sử Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam.
Một điều đáng chú ý là dường như “McMahon” là một cái tên định mệnh:
Người Mỹ đầu tiên bị chết tại Việt Nam là Trung tá Peter Dewey, nhân viên của cơ quan tình báo OSS, ông ta đã nhiều lần lên tiếng phản đối người Pháp và tiếp xúc trực tiếp với các đại diện của Việt Minh, do đó đã bị người Pháp yêu cầu phải rời khỏi Sài Gòn. Vào ngày 26-9-1945, Trung tá Dewey phải trở về Ấn Độ, tuy nhiên vì máy bay bị trục trặc, ông từ phi trường Tân Sơn Nhất lái xe trở về Sài Gòn ăn trưa và đã bị tự vệ của Việt Minh tưởng lầm là người Pháp cho nên bắn chết tại cầu McMahon, (sau này là cầu “Mạc-má-Hồng” hay câu Công Lý).
Đúng 30 năm sau, người Mỹ cuối cùng bị chết tại phi trường Tân Sơn Nhất vì pháo kích của Bắc Việt vào sáng ngày 29-4-1975 là một hạ sĩ quan Mỹ cũng mang tên là…McMahon.
(Trần Đông Phong)

Cuộc vượt thoát trước ngày 30-4-1975
Mặc áo lính ăn cơm chính phủ, không giữ được bờ cõi, phải bỏ nước mà chạy thì thật chẳng có gì hay ho để kể lại, cho nên, đã nhiều lần, tôi tính viết lại chuyện bỏ chạy của tôi, nhưng nghĩ lại, đành bỏ luôn. Bây giờ, tuổi đã gần 60, tôi đành viết lại một lần cho…bõ ghét.
Trước đó một tháng, Phi đoàn 114 tôi từ Nha Trang được lệnh bỏ thành phố bay về Phan Rang. Thành thật mà nói, Thành phố Nha Trang lúc ấy chưa hề có một thằng nón cối dép râu, chưa hề bị một trái pháo của giặc. Nhưng kinh nghiệm những ngày máu lửa vừa qua cho tôi biết là cái thành phố thân yêu của mình đang giẫy chết. Chết như thế nào thì tôi không biết, vấn đề chỉ còn là thời gian. Lúc ấy, dân quân di tản từ Tuy Hòa, Quy Nhơn, Pleiku đã tràn ngập thành phố. Lính không còn cấp chỉ huy, lại có súng ống trong người cho nên Nha Trang chẳng bao lâu biến thành một thành phố vô trật tự, coi như bỏ ngỏ và gần như hỗn loạn. Hàng quán đóng cửa, trường học biến thành chỗ tạm trú cho dân tị nạn, dân chúng ít có ai dám ra đường.
Quân cảnh ngày thường thì đầy dẫy khắp nơi, nhưng những lúc ấy không hiểu bận chuyện gì lại thấy mất biệt (chuyện này dễ hiểu). Ngay cả anh em lính tráng chúng tôi đi đâu cũng phải đi thành nhóm để đề phòng bất trắc...
Một vài ngày sau, một sáng cuối tháng 3, chúng tôi vừa vào phi trường thì không trở ra được nữa. Một đơn vị biệt động quân (không rõ số quân) từ Vùng 2 rút về đòi vào phi trường Nha Trang nhưng bị ngăn lại bên ngoài cổng. Thế là hai bên gườm nhau. 8 giờ sáng, chúng tôi được lệnh quyền phi đoàn trưởng là thiếu tá Oanh cho cất cánh đem tàu về Phan Rang.
Chúng tôi vừa taxi ra phi đạo thì trực thăng cũng cất cánh ào ào. Lên trời, không hiểu sao tôi có cảm giác đây là lần cuối cùng mình còn thấy thành phố Nha Trang thân yêu, nên tôi bay thấp, lượn nhiều vòng trên thành phố...Ở dưới, thiên hạ hốt hoảng chạy tới chạy lui trong thành phố bằng đủ thứ phương tiện, từ xe gắn máy đến xe Lambretta, đến xe nhà binh lớn nhỏ đủ cỡ. Tôi không biết thiên hạ chạy đi đâu và để làm gì nhưng tôi thông cảm. Nếu tôi là họ, tôi cũng chỉ biết làm như thế thôi.
Trưa đó, chúng tôi đáp Phan Rang, ai nấy lo để chuẩn bị tử thủ căn cứ này. Nhưng không hiểu sao, Sư đoàn 2 Không quân lại được lệnh di tản, đem tàu về Sài Gòn, Sư đoàn 6 Không Quân sẽ chịu trách nhiệm phòng thủ căn cứ.
(Trường Sơn Lê Xuân Nhị)

Tôi…đào ngũ
Hùng mỗi ngày hỏi tôi mấy bận: Chừng nào mình tái chiếm lại Nha Trang? mà tôi đâu phải là Ban 3 Bộ tổng tham mưu. Mỗi sáng Hùng lên Tân Sơn Nhất trình diện, mặc xi-vin ra đường ôm theo cái túi đựng quân phục, vào đến căn cứ an toàn rồi mới chịu thay vào. Những ngày chót ở Nha Trang, lính không quân ưa bị lính các đơn vị khác gây. Tôi đeo ba lô chạy bộ còn Hùng không những chạy lén trước mà còn gầm thét ồn ào mấy trăm cây số giờ ở phía trên đầu. Tôi nói: Ở Sài Gòn, máy bay lên chưa có ai bắn với theo đâu. Hùng nói: Thì cũng phải. Tụi nó ác thật, đi không chở người, tôi thấy nguyên một tàu tụi nó chở toàn những gì đâu!Cái đêm Hùng vào trại ngủ, đã định ôm theo đứa con trai nhỏ nhưng sợ cô vợ mè nheo bèn vào có một mình. Sáng ra, đơn vị chạy, Hùng lên tàu theo, nhặt được một khẩu P38 si kền nhưng bỏ lại cả vợ lẫn con. Được mấy bữa, đài vẫn nói Nha Trang Việt cộng chưa vào đến, đang còn bỏ ngỏ, Hùng ngẩn ngơ đòi tình nguyện,…trong đoàn hùng binh có tôi đi hàng đầu để trở về.
Về đến Sài Gòn, ông dượng trao cho tôi một cái radio và nhiệm vụ phải nghe đài tiếng Anh của quân lực Mỹ 16/24. Khi nào đài phát Bing Crosby hát bài I'm dreaming of a white Christmas, sau đó có dự báo thời tiết, câu: "Nhiệt độ Sài Gòn đang 105 Fahrenheit và vẫn còn tiếp tục gia tăng" thì phải gọi cả nhà. Tôi bị ông dượng tôi làm khó, đã không đi đâu xa được mà còn lúc nào cũng phải ôm một cái đài. Sài Gòn vào tháng 4 thì lúc nào nhiệt độ cũng quanh quẩn 100 Fahrenheit, không 104 thì 106 cho nên lại cũng phiền. Ngồi quán nước thì nhạc ầm ĩ, ra xe hủ tíu thì xe cộ lại ồn ào. Nhưng trong khi chờ đợi chiến dịch Frequent Wind mở màn để di tản những người có sẵn trên danh sách Mỹ thì vỡ tuyến Phan Rang, tướng Nghi bị bắt sống.
Tôi mới nói với bố: Con có đường ra nước ngoài. Trúng ngay ý. Ông bảo bố đã lo rồi, đợi có chuyến chở người Hoa trốn lính (!) từ Vũng Tàu ra biển gặp tàu lớn chở thẳng đến Hồng Kông.
Thì tôi cũng đang…đào ngũ hay trốn lính đây.
(Đỗ Kh)

Cuộc vượt thoát trước ngày 30-4-1975
Về Sài-Gòn, sáng chúng tôi vào trình diện rồi nhận tờ giấy phép 24 tiếng về nhà, hôm sau lại trở lại, bổn cũ soạn tiếp...Cứ như bình thường thì đây là một dịp cho tôi được ăn nhậu thả dàn nhưng hoàn cảnh đất nước lúc ấy, tôi chẳng còn lòng dạ nào. Hàng ngày đi vào phi trường, thấy người di tản ở đầy khắp mọi nơi, phi trường, toà đại sứ v…v... Gặp nhau ai cũng nói đến chuyện đi Mỹ, chẳng ai nói đến chuyện gì khác.
Một buổi trưa, sau khi đi trình diện ở phi trường Tân Sơn Nhất, vừa về đến nhà thì tôi nghe nhiều tiếng nổ to lớn lạ thường và rất gần, đến từ hướng phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi đang ở trọ một người quen ở Gia Định, cũng gần phi trường Tân Sơn Nhất nên hoảng hốt leo lên sân thượng quan sát. Lúc ấy tôi cũng chưa biết việc tụi nón cối dép râu lái A37 của ta tấn công dinh Độc Lập nên thấy mấy chiếc A37 bay thấp gần đó, tôi nghĩ là phi cơ ta lên tìm pháo. Lại nghe tiếng đại liên phòng không bắn khắp nơi, tôi hốt hoảng đưa mắt tìm. Nhìn về phía bến Bạch Đằng, tôi giật mình kinh hãi khi nhận ra đại liên phòng không tứ hướng bến Bạch Đằng đang bắn lên cả máy bay C130 Mỹ đang chở người di tản. May mà chiếc máy bay không hề hấn gì nhưng tôi biết anh phi công chắc phải teo chim cả tháng sau mới trở lại bình thường được.
Mò chiếc Honda, xe bị xì lốp. Phóng ra ngoài đường, nhìn thấy thiên hạ ào ạt chạy lên chạy xuống càng làm tôi rối ren thêm. Tôi cảm thấy yên tâm khi còn nhìn thấy hình bóng lính mình và cảnh sát ở nhiều chỗ. Mẹ, như thế là tốt rồi, nón cối dép râu có thể về bến Bạch Đằng nhưng ở đây còn yên. Tôi đứng ở một góc đường và bắt đầu thò tay đón xe Lam và gặp ngay được, nhưng một điều ngạc nhiên khác mà tôi không hề nghĩ tới. Không hiểu vì một lý do... kỳ thị nào đó, tất cả những chiếc xe Lam chạy qua đều làm ngơ, không chịu dừng lại để đón tôi. Có thể họ sợ bộ đồ lính tôi đang mặc, cũng có thể vì giờ phút ấy không còn ai muốn đón khách nữa.
Tôi đứng chưng hửng chừng một phút đồng hồ rồi quyết định rằng, bằng mọi giá, tôi phải vào phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi muốn đón xe để đi nhưng không ai chịu ngừng thì tôi đành phải... cướp xe vậy. Thành thật mà nói, từ thuở sinh ra và lớn lên, tôi chưa hề làm một việc phạm pháp, chưa hề ăn cướp ăn giật của ai một đồng bạc, nhưng trong hoàn cảnh này, tôi không còn một sự lựa chọn nào khác hơn. Tôi sẽ làm bất cứ chuyện gì để thoát khỏi Sài Gòn. Quyết định đến với tôi thật dễ dàng, dễ dàng như hút thuốc ăn cơm.
(…)

Tôi…đào ngũ
Ông cậu, trước giờ trong họ nổi tiếng là sát cộng, công tác với tình báo Mỹ trong chương trình Phượng Hoàng, gọi tôi ra một chỗ và trao thêm cho một trọng trách khác. Ông đưa tôi khẩu súng ngắn, bảo: Khi mình đã lên tàu rồi, thì chỉ có đi, không đi là bắn. Lần này là tàu biển, đang đổ dầu ở cảng Sài Gòn. Tôi cũng "OK" (sau mấy ngày liền phải nghe đài Mỹ 16/24) tuy không biết là phải bắn ai. Khẩu súng này lại bảnh, của Tây Đức, là loại tôi chưa từng thấy, hàng hiếm CIA 9mm chứ không phải hàng thông dụng của cảnh sát Smith &Wesson38, quân đội Colt45. Tôi mang về phòng tháo gỡ ra và lau chùi, cây súng lạ như đã nói nên đỏ cả mặt mãi tôi mới ráp lại được, may mà không có ai chứng kiến. Giờ thì tôi đã có đài, lại có súng.
Ông cậu đi ngã DAO bằng máy bay chẳng ai hay và chẳng phải ra lệnh ra hiệu cho tôi bắn ai hết. Bố con tôi sang nhà một người bạn ông ở Đa Kao. Bố tôi thì thận trọng, nhà của ông bạn này chính là điểm hẹn của chương trình di tản và có đường dây điện thoại riêng đến thẳng sứ quán, ở ngay đó thì khỏi phải đi đâu và không sợ bị mất liên lạc với… Hoa Kỳ.
Giới nghiêm được ban hành vào 8 giờ tối. Sài Gòn khoá cửa lại, lính tan hàng không còn vào được. Tôi ăn cơm xong thì súng nổ đì đoẹt cạnh ngay nhà. Tôi leo lên sân thượng xem, có người cháu của gia chủ vội vã vác cây Garand lên nạp đạn. Anh này sinh viên Võ Bị, mấy hôm trước về cùng với quân trường từ Đà Lạt, còn mang theo cả khẩu súng. Giờ anh ở phía bên trong "tuyến", còn ngoài kia họ đang bắn với quân cảnh đang gác chốt, họ là những người đi lạc, không còn đơn vị và chạy hụt hơi về Sài Gòn lại bị ngăn. Tôi đứng ở tầng 4, xem màn ciné dưới đường này thích thú, bắn qua bắn lại chẳng biết phải trái phía bên nào.
Tôi chịu khó dậy sớm, đang ăn sáng ở quán trước nhà và mơ màng Photomic chứ không phải mơ màng nhà thổ thì Khang xuống tới.
- Ông già mới gọi điện thoại về. Mình đi.
Tôi nhìn cái đài vẫn còn chịu khó mang theo và đặt ở trên bàn. Chẳng lẽ tôi lỡ mất dịp chính tai tôi được nghe bài hát và câu mật hiệu.
- Không phải đi với Mỹ mà mình đi đường khác. Bố nói bố về đến là đi.
(…)

Những chuyến “bay đen”
(black airlift)
Ngày 16-4, Đại sứ Graham Martin ra lệnh cho một nhân viên thân tín của mình là John Hogan bí mật dàn xếp với CBS những chuyến “bay đen” (black airlift) bằng máy bay của Air America, trong mấy ngày kế tiếp để di tản những phóng viên ngoại quốc trong trường hợp khẩn cấp.
(Đinh Từ Thức)

Cuộc vượt thoát trước ngày 30-4-1975
Thế là tôi mở quai đeo súng, thò tay nắm chặt cán cây P38. Một chiếc xe Lam khác chạy tới, tôi bất ngờ phóng ra chận trước đầu chiếc xe, tay kia rút súng chỉa thẳng vào mặt người tài xế. Cha tài xế xe Lam hốt hoảng thắng gấp chiếc xe. Tôi vòng sang phía bên hông, phóng lên ngồi bên cạnh tài xế. Tôi chỉa họng cây súng P.38 còn mới toanh vào mặt người tài xế, gằn giọng :
- Ông chở tôi vào phi trường Tân Sơn Nhất, giá bao nhiêu tôi cũng trả. Ông không chở, tôi bắn chết ông liền tại chỗ rồi lấy xe này đi vào...
Cha tài xế bị một vố bất ngờ, miệng ú ớ không nói lên lời, tay run cầm cập, không có được một phản ứng. Cho rằng thằng này muốn làm khó, tôi gõ mũi cây súng vào thái dương thằng chả nghe đến đốp một phát, đổi liền cách xưng hô:
- Đm mày không chở tao nổ một phát mày chết liền tại chỗ rồi lấy xe mày đi cũng vậy thôi.
Tôi nói thế và tôi sẽ làm thật, và làm mà không hề do dự. Trong hoàn cảnh tôi lúc ấy, tôi không có thì giờ để đi hù dọa ai cả. Lần này thì cha tài xế gật đầu lia lịa, rồ ga sang số. Tay thằng chả run quá làm chiếc xe Lam nhào lên ụp xuống, xém ủi cả vào lề. Tôi ngồi xích ra ngoài một chút, một tay giữ vững thành xe, tay kia vẫn hườm hườm cây súng, để ngay trên vai cha tài xế...
Chạy được một lúc, tôi ôn tồn cắt nghĩa cho cha hiểu tại sao tôi phải có những hành động như thế. Chả cũng nói chuyện với tôi và lần lần, 2 người trở nên thông cảm. Tôi xin lỗi cha tài xế và bảo tôi sẽ “bồi thường” cho chả 2 ngàn đồng. Cha tài xế chở tôi vào ngay trước phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi đưa tiền, vỗ vai chả cười cười...
Khi tôi tới phi trường thì mọi nơi trở lại yên tĩnh. Lúc ấy tôi mới được biết là chẳng có nón cối dép râu nào chiếm thành phố cả và những tiếng nổ vừa rồi là kết quả của một cuộc dội bom của tụi nó dùng A37 của mình. Vào trong phi trường, tôi đi lang thang, ngồi nhậu vớ vẩn…
(…)
Chữ nghĩa của một thời chinh chiến ở quán nhậu
Trước 75, miền Nam có những câu “thành ngữ” về thuốc lá xuất xứ từ quán nhậu, như:
Bastos : Bộ anh sợ tôi ói sao.
(…) với đám bạn bè trong câu lạc bộ chừng vài tiếng đồng hồ thì pháo lại ào ào rớt xuống phi trường. Lần này cường độ nghe kinh khiếp hơn cả những lần trước. Kinh nghiệm cho tôi biết tối nay Tân Sơn Nhất sẽ ăn pháo nặng. Thế là tôi lại dọt về nhà. Việc đầu tiên tôi làm là giắt cái xe Honda đi vá vì để lâu nên bị xẹp lốp. Tối hôm đó, quả đúng như tôi nghĩ, phi trường bị ăn pháo nặng. Tôi ngồi trên sân thượng nhà mình nhìn từng quả đạn bay về phi trường mà lòng đau như cắt. Đó là buổi tối cuối cùng của tôi nơi thành phố thân yêu.
(…)
Tôi… đào ngũ
Sứ quán Đại Hàn đã có vài ba trăm người đợi sẵn, dân sự và đàn bà con nít cả Hàn lẫn Việt. Bố tôi dẫn anh em tôi vào bàn giấy ông đại sứ, ông khép cửa lại, chính tay ông lấy ảnh dán vào giấy thông hành của sứ quán, tự tay đóng mộc và ký tên. Tôi thấy ông liều thật, làm giấy không phải giả nhưng mà bất hợp pháp tuy ông chỉ mới biết bố tôi qua loa, sau mới có vài tháng nhậm chức. Ông gia ân này vì sự gửi gấm của ông đại sứ tiền nhiệm, một vị mà bố tôi đã có giao du khá thân tình. Hạm đội Đại Hàn đang có mặt ở Tân Cảng, mang muối gạo viện trợ gì sang và di tản Hàn kiều về nước, anh em tôi cầm giấy trên tay là giả thuộc dạng này. Nhưng trước tiên, họ phải chở dân từ miền Trung tị nạn đến Phú Quốc định cư và bố tôi quyết định: Chưa rõ ra sao, cứ lên tàu trước đã, đến Phú Quốc hãy hay.
Đoàn năm bảy cái xe buýt Mỹ được toà đại sứ Đại Hàn mượn. Đây là cổng vào Tân Cảng, cửa xe buýt mở, một anh quân cảnh trang phục tề chỉnh leo vào. Bằng ấy người trên xe đứng ngồi, anh nhìn ngay vào tôi mà hỏi giấy. Tôi đẫn người ra không có phản ứng. Tưởng là xe sứ quán bảng quân đội Mỹ đã an toàn, tôi còn đang ú ớ chưa ra một chữ tiếng Anh thì ông nhân viên sứ quán đi kèm đã nhanh trí…ngoại giao. Ông lôi từ đâu ra một nắm tiền, giấy 500 Trần Hưng Đạo dúi vào tay anh quân cảnh. Anh này một tay còn cầm súng, một tay không đủ để cầm tiền, cả tập rơi ra sàn vương vãi, anh lom khom nhặt nhét vào túi trên, túi dưới, túi quần ngang. Cả đời anh có lẽ chưa bao giờ thấy nhiều tiền như vậy, nghệch cả mặt mày. Anh lùi ra khỏi cửa phất súng ra hiệu với các bạn gác ở bên dưới.
Đoàn xe vào cảng có tiền mở đường máu qua khỏi trạm 2, trạm 3, đỗ trước bến, anh quân cảnh còn đứng đó nhìn trước nhìn sau bảo vệ cho mọi người xuống. Ở cầu tàu, cặp sẵn chiếc dương vận hạm, cả một trung đội thuỷ quân lục chiến Triều Tiên chắn hàng ngang. Mấy anh này dang chân đứng tấn, súng gác trên hông, mắt nhìn thẳng, dây quai nón sắt ở dưới cầm như là duyệt binh lên truyền hình vào ngày Quốc khánh.
Suốt mấy tháng trời…đào ngũ không có giấy tờ hợp pháp, tôi đã len lén đi qua bao nhiêu là trạm kiểm soát ngày đêm. Nay qua trạm gác có quân cảnh hướng dẫn nên sướng tê...

Kế hoạch di tản
Kế hoạch di tản được dự trù: đầu tiên bằng máy bay thương mại, tiếp là máy bay quân sự, kế tiếp là tầu thuỷ, cuối cùng là trực thăng bốc người ra Hạm đội 7.
Kế hoạch (Operation Frequent Wind) đầu không thực hiện được. Kế hoạch thứ nhì, chuyên chở bằng phi cơ vận tải quân sự C130, bắt đầu từ ngày 21-4, người di tản được đưa tới tập trung tại trụ sở DAO ở Tân Sơn Nhất, rồi lên máy bay ra đi, cứ nửa tiếng một chuyến. Chỉ có thể hoạt động ban ngày, ban đêm giới nghiêm. Để có sẵn người đi cho những chuyến bay sớm, mỗi tối có khoảng từ 200 đến 600 người dự trù cho hôm sau, ngủ tại các văn phòng ở DAO.
Về kế hoạch ba, có mấy tầu vận tải và xà lan đậu sẵn ở bến Tân Cảng, gần cầu xa lộ Sài Gòn-Biên Hoà. Kế hoạch này chỉ thi hành được một nửa. Cho đến 26-4, có hai chiếc chở nhân viên toà đại sứ cùng với thân nhân và những người quen thuộc, ra đi suông sẻ. Phần còn lại không thực hiện được trọn vẹn, vì ngày 29-4, khu Tân Cảng không còn đủ an ninh.
Kế hoạch cuối cùng, trực thăng vận, bắt đầu chuẩn bị vào lúc tổng thống Thiệu tuyên bố từ chức, tối 21-4: Xếp đặt 13 bãi đáp trên nóc nhà tại nhiều nơi ở Sài Gòn-Chợ Lớn.

Cuộc vượt thoát trước ngày 30-4-1975
Sáng hôm sau, tôi thức giấc sớm, phóng Honda vào lại phi trường.
Vào trong phi trường thì pháo địch bắt đầu rớt ào ạt, càng lúc càng mãnh liệt. Pháo rớt khắp nơi và quan trọng hơn cả là rớt rất là chính xác. Tôi biết tiền sát viên của giặc nhất định phải nằm đâu đó trong phi trường cho nên chúng nó mới bắn như để như thế. Cứ trong một tình trạng bình thường thì kiếm thằng chó đẻ này không khó, nhưng trong hoàn cảnh này thì tiền sát viên giặc có thể là bất cứ ai, từ anh lính mang cái băng đen với hai chữ “QC” đang đứng gác ngay cổng, cho đến ông thiếu tá không quân đang lái xe jeep chạy vòng vòng trong phi trường.
Và thiên hạ bắt đầu tháo chạy. Tôi dùng chữ thiên hạ đây nghĩa là từ lính cho đến quan, từ dân bay cho đến dân không phi hành, chẳng còn ai làm việc nữa mà chỉ lo chạy. Tôi vào phi đoàn, phòng làm việc bỏ ngỏ, không còn một cảnh tượng nào đau lòng hơn. Đi lang thang, tôi tình cờ đụng đầu đại úy Hưởng. Hai anh em gặp nhau mừng quýnh. Chúng tôi bàn nhau một lúc rồi quyết định ra phi đạo tìm một chiếc tàu bay cất cánh. Cất cánh đi đâu thì chưa biết nhưng phải thoát ra khỏi cái phi trường Tân Sơn Nhất này cái đã.
Tôi phóng lên chiếc xe Honda rồ máy, Đại úy Hưởng ngồi sau. Tôi phóng Honda chạy giữa những trái pháo rớt, giữa giòng xe cộ, giòng người chạy tới chạy lui khắp nơi. Đang chạy, tôi nhìn thấy một người mặc áo bay, tướng lùn lùn mập mập đang vừa chạy vừa thở, vai ôm một cái túi nhà binh lớn. Tôi tới gần và nhận ra đó là Thiếu tá Lý Bửng, trưởng phòng hành quân
của phi đoàn tôi. Thế là tôi rà tới, thắng xe sát bên ông thầy, la lớn:
- Thầy chạy đi đâu, lên xe đi với tôi.
Nhìn thấy chúng tôi, thiếu tá Bửng mừng quýnh người, liền phóng lên xe. Nhưng vì ông thầy phóng quá nhanh làm chiếc xe Honda bị đổ nghiêng sang một bên. Tôi dựng xe lên đạp máy nhưng không sang số được vì cần đạp chân bị quẹo cong. Chuyện nhỏ. Tôi bảo mọi người ngồi yên trên xe rồi bước xuống, móc cây P38 ra, trở ngược, giộng báng súng xuống cái cần để chân. Chuyện này tôi làm hoài mỗi khi đi nhậu bị té xe nên chỉ sau chừng vài cú đập, cái cần để chân lại thẳng xuống như cũ. Tôi lại lên xe, đạp máy, lần này sang số ngon lành.
(…)

Tôi… đào ngũ
Vào lúc 5 giờ, khi đi ngang bến Sài Gòn vào thứ bảy vẫn ngàn hoa trên đường, một người lính trẻ đào ngũ rời xa quê hương. Người lính chiến…đào ngũ ấy là tôi! Lần đi khi nắng lưng đôi, chiều 26 tháng 4, chúng tôi là những người ra đi đầu tiên.
Hạm đội Hàn quốc gồm chiếc LST 810 chở tị nạn miền Trung đi trước, tàu tôi LST 815 cũng là soái hạm đi nhì. Chiếc thứ ba, tàu yểm trợ kỹ thuật, còn đang ở Tân Cảng thì bị pháo. Đạn trúng tàu sơ sài, không chết anh Đại Hàn nào. Dấu hiệu pháo địch đã về đến vòng đai, đã cách mấy giờ tàu, tôi không được chứng kiến, chỉ thấy trên tàu tôi nhốn nháo, đại đội thuỷ quân lục chiến từ trong khoang chui lên vào vị trí tác chiến, thuỷ thủ đoàn lăm lăm quay Bofor và 12 ly7 hướng bờ. Đêm như mực thì thầm nhưng hành lang ra Vũng Tàu vô sự.
2 ngày hôm sau khi Nguyễn Thành Trung dắt A37 vào ném bom Tân Sơn Nhất thì chúng tôi đã bập bềnh ngoài khơi ngang Côn Sơn. Biển lặng lờ nên mọi người ngủ ngay ở trên boong đón gió là ngay đêm đầu tiên căng thẳng trên sông, ông đại đức với bà ni cô vẫn trùm mền thực thi bài tập của bí quyết phòng the bất kể các thí chủ nằm bên. Cặp này đã lớn nhưng nhìn nhau mặn nồng như trai gái dậy thì, bà vãi thì mỗi lần di chuyển hai tay phải ôm đầu chỉ sợ mái tóc giả bị gió cuốn. Có lẽ trên đất liền họ chưa từng có cơ hội gần gũi, lên đến tàu họ là 2 người nếu không được cách mạng giải phóng, thì cũng đã được hoàn cảnh giải phóng.
Tối ngày 29, vào lúc phần lớn những lời đồn này đã có căn cứ hẳn hòi thì tàu tôi đến Phú Quốc. Tôi ngủ say dậy trễ, nên cái giờ trọng đại của lịch sử tôi chỉ mở được có một mắt. Mọi người lao xao tụ tập quanh mấy cái đài mở to khọt khẹt. "Ông Minh tuyên bố đầu hàng rồi!"
Người ta nhắc nhau, nhắc đi nhắc lại. Tưởng ông tuyên bố tử thủ Sài Gòn, tái chiếm…Quảng Trị, di tản xuống Quân khu 4 lập phòng tuyến mới, dời chính phủ kháng chiến về Phú Quốc... thì mới lạ chứ đầu hàng thì ai cũng đã chờ đợi. Mấy nhà quân sự nghiệp dư ở trên tàu tính kế hộ tướng Nam, đánh Kampuchia hướng tây và giữ phà Mỹ Thuận ở miệt bắc. Tôi chấp hành nghiêm chỉnh quân lệnh cuối cùng của tổng tư lịnh quân lực là giữ nguyên vị trí... đang nằm.
(…)
Những ngày cuối VNCH
Tại Vũng Tàu, ngay từ đêm 28-4, bộ chỉ huy hành quân của Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, tư lệnh Sư đoàn 3 BB kiêm tư lệnh mặt trận Vũng Tàu (?!), đã phải làm việc tại Duyên đoàn 33 Hải quân để điều động các cánh quân.
4 giờ sáng ngày 29-4, tướng Hinh được biết đại tướng Viên và chuẩn tướng Thọ, trưởng phòng 3 BTTM, đã ra đi từ chiều ngày 28-4.
(Vương Hồng Anh)
(?!) Thiếu tướng Bùi Thế Lân mới là Tư lệnh mặt trận Vũng Tàu.

Cuộc vượt thoát trước ngày 30-4-1975
Vào tới khu bãi đậu máy bay của phi đoàn, tôi mới biết là trong thiên hạ không phải chỉ có mình ba người chúng tôi tìm đường đi. Tôi nhìn thấy một lô phi công đang leo lên cánh máy bay để kiểm soát bình xăng những chiếc phi cơ. Dựng xe sang một bên, chúng tôi liền chia ba đi coi cánh tàu bay. Nghĩ rằng tất cả những máy bay tốt và bánh căng đầy đều đã có người kiếm, tôi chỉ chọn những chiếc máy bay cũ, lại có bánh hơi xẹp là những chiếc mà theo tôi là đã bị thiên hạ chê. Quả nhiên, chỉ không lâu, tôi tìm thấy một chiếc L19 với 2 cánh còn đầy xăng. Tôi leo lên vặn cọc bình vào rồi nhấn thử công tác, tạ ơn trời đất, chong chóng quay mấy vòng thật nhanh, đầy hứa hẹn.
Đáng lẽ tôi là người lái chiếc đó vì tôi là người tìm ra máy bay, nhưng nể tình thầy trò, tôi nhường tay lái cho Lý Bửng, tôi và anh Hưởng ra ngồi phía sau. Ông Bửng cất cánh tại taxiway. Không hiểu lúng túng lạng quạng thế nào không biết, khi tống ga, tàu bay quay sang một bên, xém tí nữa thì lật mẹ nó con tàu. Nhưng số chúng tôi còn may nên chúng tôi bay lên được. Tôi ngồi sau không đội nón bay nên không biết ông Bửng liên lạc với ai. Sau chừng hơn một tiếng hay hai tiếng đồng hồ gì đó, tôi nhìn thấy hòn đảo Côn Sơn...
Lúc ấy là vào khoảng 11 giờ sáng ngày 29-4-1975...
Một tháng sau, tôi chính thức đặt chân lên đất Hoa kỳ, trại tị nạn Fort Chaffee, Arkansas.
(Trường Sơn Lê Xuân Nhị)
Trường Sơn Lê Xuân Nhị tên thật là Lê Xuân Nhị. Tác giả là phi công lái máy bay thám sát L-19
thuộc Phi đoàn 114, Không đoàn 62 Chiến thuật, Sư đoàn 2 KQ tại Nha Trang.

Tôi… đào ngũ
Cho tới lúc này thì nhốn nháo, tiếng chân thình thịch, thuỷ thủ đoàn nai nịt áo phao, gỡ vỏ khỏi đại liên, đại bác, hạ nòng. Đại tá chỉ huy hạm đội xuất hiện, áo giáp súng ngắn đường đường. Ông cho biết những người một giờ trước còn là quân đội đồng minh của ông, các đơn vị VNCH Phú Quốc, và giờ là tàn quân ô hợp, đang đòi lên tàu này. Tôi nhìn ra mé tàu, bên dưới vài cái tiểu đỉnh chập chờn trên sóng, phần lớn là lính tráng đang ngóng cổ nhìn lên tràn trề hy vọng. Tôi cứ tưởng thả thang cho họ rồi lên tàu tước vũ khí, đại đội thuỷ quân lục chiến trên tàu thừa sức giữ an ninh cho việc nhân đạo này. Nhưng ông đại tá tuyên bố, quý vị an tâm, giờ nào tôi còn sống, không có quân quan lính lạ nào leo được lên. Có lẽ kinh nghiệm di tản người tị nạn từ miền Trung vào khiến ông quyết liệt như vậy mặc dù hoàn cảnh lần này có khác. Tàu đã hết chỗ chứa, họ chỉ việc chịu khó chạy ra vài mươi hải lý nữa, đã có hạm đội Mỹ, đến 4 chiếc hàng không mẫu hạm và cả trăm tàu đủ loại đợi sẵn, hộ tống họ về đến Subic Bay. Biển Nam Hải đang nườm nượp như là ngã tư Bảy Hiền vào giấc sáng, việc gì mà sợ lạc.
Ở trên bờ, phi trường Dương Đông tấp nập không kém, trực thăng là đà bốc thẳng, phi cơ quân sự hết chiếc này đến chiếc khác ra đường băng. Tôi thấy rõ nhiều xe máy nhỏ, chở cả gia đình đuổi ra đến tận nơi, vất xe cái bẹt để bồng bế nhau lên tàu. Từ vị trí đã an toàn trên biển tôi điềm nhiên theo dõi, nhưng nếu tôi đang ở trên bờ và không có phương tiện ra đi thì tôi cũng vẫn hai tay thọc túi mà nhìn. Ở lại thì ở, chết thì chết tại chỗ cho đỡ… tốn sức chứ tôi không chen lấn. Tôi chẳng có nghĩ ngợi, tôi nhìn, nom những hàng cây xanh lơi lả mát bên trong mà bỗng dưng thèm một cốc dừa.
Tàu lầm lì từ từ quay ra hướng biển, mấy cái tiểu đỉnh vây quanh dãn ra nhường kiểu ngập ngừng vẫn còn tiếc nuối, theo như ông đại tá nói, hạm đội 2.300 hải lý nữa sẽ đến cảng Busan, Nam Triều Tiên.
(Đỗ Kh)
Tác giả tên thật là Đỗ Khiêm, sinh năm 1954. Trước 75, đi lính Liên đoàn 81 Biệt cách dù, 6 tháng sau…đào ngũ tới Đại Hàn. Qua Pháp học trường Cao đẳng Sư phạm Ulm tại Paris. Nay là nhà văn thành danh. Bài viết trên có tên nguyên thủy: “Ngày 30 tháng Tư của tôi”.

Ngồi ở quán nhậu kể chuyện di tản
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Canh khuya thao thức mạn thuyền
Biết người quân tử vượt biên chốn nào?

Camp Orote Point
Camp Orote Point - Guam
Ngày 17-4, Lữ đoàn 9 Thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ, căn cứ ở đảo Okinawa (Nhật) được lệnh thành lập Lực lượng thuỷ bộ an ninh di tản. Lực lượng này được lệnh lên đường ngay, tới vịnh Subic (Phi), tập hợp nhân sự cùng phương tiện cần thiết. Nhân sự gồm 720 TQLC, chia thành 14 toán, mỗi toán 54 người, phân chia đi các tầu vớt người tị nạn. Họ được huấn luyện rất kỹ, từ bí quyết nấu cơm cho hàng ngàn người ăn trong chốc lát bằng cách cho gạo vào những bồn chứa lớn, rồi xịt hơi cực nóng từ hệ thống ống dẫn hơi nóng trên tầu để có cơm ngay trong mấy giây đồng hồ đến những câu chào hỏi bằng tiếng Việt, cùng những điều nên và không nên trong cách giao tiếp với người tị nạn và thông dịch viên được chú trọng hàng đầu.

Giây phút hấp hối của VNCH
4 giờ sáng ngày 29-4 vừa mới chợp mắt một chút. Người thư ký trực với tôi, anh Bào báo cho biết có điện thoại của Tổng thống Dương Văn Minh. Bên đầu dây bên kia tiếng Big Minh:
- Qua là Minh đây. Trong đài ai là người cao cấp nhất vào lúc này?
- Thưa tổng thống, không có ai ngoại trừ tôi, một số phóng viên, và nhân viên kỹ thuật.
- Qua hỏi để là hỏi thôi, giờ này họ bỏ đi hết rồi. Có tin tức gì mới liên quan đến tòa đại sứ Hoa Kỳ không trên những bản tin viễn ấn?
Tôi đáp không, ngoại trừ một bản tin rất ngắn của hãng thông tấn UPI cho biết mọi liên lạc giữa tòa đại sứ Mỹ và chính phủ Vũ Văn Mẫu bị cắt đứt. Hãng thông tấn AFP nói đến vai trò trung gian cuối cùng của đại sứ Pháp Merillon và cựu tướng Vanuxem để tránh cho Saigon một cuộc đổ máu. Bắc quân đã kéo hỏa tiễn SAM vào tới Tân Uyên và sẵn sang mở cuộc tấn công. Tôi đặt một vài câu hỏi liên quan đến khả năng tử thủ của những tướng lãnh dưới vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tổng Thống Minh chỉ nói:
- Khả năng thì có đấy, nhưng giữ được trong bao lâu và sẽ chết bao nhiêu người.
Sau đó ông nhờ tôi chuyển lời cám ơn đến tất cả anh em trong đài đã cố gắng làm việc với ông trong giờ phút nghiêm trọng này.
Sáng 29-4, tôi vào phòng hệ thống trưởng để tắm vì phòng vệ sinh cho nhân viên dưới lầu bị nghẹt. Nước lạnh làm giúp tôi tỉnh táo. Bước ra lan can, hút một điều thuốc lá.

Chữ nghĩa của một thời chinh chiến ở quán cà phê
Trước 75, miền Nam có những câu “thành ngữ”
về thuốc lá xuất xứ từ quán cà phê, như:
Pallmall : Phòng anh lạnh lẽo, mình anh lạnh lùng.
Hoài An thò đầu ra cửa cười toe toét:
- Ê sao không về thăm nhà, tôi thấy ông ở đây hoài.
- Còn ông, sao không về?
Hoài An hỏi:
- Ê, ngoài cái tớ biết rồi, còn tin gì cậu biết mà tớ đếch biết không. Nghe nói bọn nó pháo kích vào Tân Sơn Nhất dữ dằn lắm, mẹ kiếp, coi chừng đây cũng dám lãnh quả lắm ạ.
Khoảng 11 giờ, một phóng viên chót của đài phải rút chạy theo Sư đoàn 18 về đến đài. Anh cho biết bộ chỉ huy của sư đoàn này đã về đến nhà máy xi măng Hà Tiên và đang củng cố các tuyến phòng thủ mới. Hải trước là quản đốc đài Ban Mê Thuột. Sau khi Ban Mê Thuột mất, anh trốn được theo dân di tản. Tháng ba, Hải đã về trình diện và tôi tạm sắp xếp cho anh công việc
của một phóng viên. Trung tuần tháng tư, Hải xin vào mặt trận Long Khánh của Sư đoàn 18.
(Vũ Ánh)

 

Đăng ngày 15 tháng 05.2017