Thơ Đình Bảng
cảm nhận của một người bạn

 


Nhân cuộc tranh luận về Phê bình và Cảm nhận văn học, hình như vẫn chưa ai chịu ai, xin gửi một bài Cảm nhận viết cách đây mấy năm.

Vũ Lưu Xuân


Tôi quen Đình Bảng hơn bốn mươi năm về trước, thời sinh viên, lứa tuổi còn trọn vẹn hồn nhiên và thường ngây thơ coi trời bằng vung. Rồi từng đứa đều lãnh nhận đôi ba bài học của đời, của người, và ra đi, tản mác, đối mặt với những định mệnh chẳng ai giống ai, riêng phần cay đắng thì có lẽ tất cả đều có dịp trải nghiệm, trải nghiệm để già đi và chín hơn. Ngày ấy Đình Bảng thế nào nhỉ? Sôi nổi, cái hào khí tuổi sinh viên, khi biểu lộ thái độ của mình trước các vấn đề chính trị, giáo dục, và cũng đủ mơ mộng để… làm thơ. Năm 1967, anh tặng tôi đứa con đầu lòng: “Bước chân người Giao Chỉ”.

Hơn ba mươi năm sau gặp lại, cả hai mái đầu đều đã phơ phất bạc, ngồi bên quán cóc vỉa hè, nhìn người, nhìn mình, nhìn lại những kỷ niệm, nhìn lại những khúc quanh đã làm cho cuộc đời thêm phức tạp và bớt đơn điệu. Riêng Đình Bảng, lúc này anh thế nào nhỉ? Trầm hơn, nhưng vẫn tiếp tục cuộc hành trình hầu như không có điểm dừng: làm thơ. Và mới đây, anh tặng tôi đứa con tinh thần khác, “Hành Hương”, kèm với lời dặn: “Đọc đi rồi viết vài dòng suy nghĩ về tập thơ của mình”. Thật khó cho tôi, thú thực, tôi là tay viết không chuyên, thích thơ mà không biết làm, đúng ra cả đời cũng làm được ba bốn bài, làm rồi lẳng lặng cất đi, gặp lúc chếnh choáng, lấy ra đọc cho ông bạn hiểu nhau mà ít gặp, hai đứa cúi đầu, nhăn mặt, rồi ngông nghênh cười. Như vậy, phân tích thơ Đình Bảng dưới góc nhìn của nhà phê bình, tôi tuyệt nhiên không đủ khả năng, chỉ xin cố gắng ghi lại cảm nhận của một người bạn. Cảm nhận đã hàm nghĩa chủ quan. Cảm nhận của một người bạn lại càng chủ quan hơn. Chủ quan và chủ quan, e rằng rất khó được chia sẻ, xin đành. Nhưng mỗi ý kiến gửi đi có thể là một phát hiện, một sự làm giàu, chỉ mong vậy. Cần thêm, vì là cảm nhận, nên đoạn ngắn này hạn chế việc trích dẫn, cũng không chú tâm phân tích từng câu, từng bài.

Và xin đi gặp Đình Bảng. Ở anh, có một điều khiến tôi chú ý: từ khởi điểm đời thơ, Bước chân vốn dĩ đã là một chuyển động liên tục trên đường, thường để hướng tới cái đích nào đó. Bốn mươi năm sau, tiếp Bước chân là cuộc Hành hương. BướcHành, phải chăng có thể nói đời và thơ Đình Bảng hầu như đã mắc vào cái nghiệp, nghiệp lang thang đi tìm. Anh tìm gì và tìm được gì? Câu trả lời, xin góp một phần nhỏ, một cảm nhận, vì chẳng ai thực sự thấu hiểu trọn vẹn mọi chiều kích của tha nhân.

Bước chân người Giao Chỉ” bốn mươi năm trước, tôi đã đọc và tôi đã quên, không thể nhớ nổi một câu, một cái tựa bài, tệ thật. Nhưng từ đâu đó, tôi vẫn giữ mãi một ấn tượng về nguồn thơ, về chất thơ. Về nguồn thơ, cảm hứng trong “Bước chân người Giao Chỉ”, Đình Bảng tìm được ở cội nguồn dân tộc, từ thời kỳ lập quốc hồng hoang, rồi nhọc nhằn dựng nước, giữ nước. Cảm nhận đầu tiên của tôi là ngay từ ngày ấy, còn trẻ, Đình Bảng đã tìm được một lối đi riêng. Giữa lúc đa phần giới trẻ, đặc biệt là sinh viên, thích khoác cho mình chiếc áo Hiện sinh, đôi khi quá khổ, để ngông nghênh, làm dáng trí thức với đời, riêng anh không chú ý tới việc đua đòi, phù phiếm, mà đắm mình trong cội nguồn dân tộc, thứ thực tại mênh mông và sâu thẳm, rất gần mà lại rất xa, gần về máu thịt, mà xa về khoảng cách thời gian. Với tôi, đó là điều lạ thứ nhất. Điều lạ thứ hai: chất thơ. Cho dù vẫn có những thi ảnh lạ, những ngôn từ mới, nhưng Đình Bảng hầu như không gắng gượng trong phá cách về mặt ngôn ngữ, nhịp điệu, như chúng ta thường thấy trong khuôn khổ thơ tự do, thơ xuôi thời thượng, khởi sự từ thập niên 60, thế kỷ XX. Anh hài lòng với thể loại thuần tuý Việt Nam: lục bát. Thể thơ dễ làm nhưng khó hay, khó hay vì nhịp điệu tương đối đều đều, chầm chậm. Nắm được cái hồn lục bát qủa không chút dễ dàng. Vậy mà, theo bạn bè, lục bát chính là những vần thơ đạt nhất của anh, nó chiếm phần áp đảo so với thể loại 5 chữ, 7 chữ và 8 chữ. Dòng lục bát vốn dĩ thật mềm và thật hiền, nên thơ Đình Bảng, ngay từ hồi rất trẻ, chẳng bao giờ dữ dội, phá phách. Trong thơ anh, tôi không tìm thấy những dằn vặt nghiệt ngã của đời. Và từ đó, tôi đã chớm cảm nhận ở anh một phong cách Đình Bảng, không thể lẫn lộn với ai. Bạn thích thơ Đình Bảng hay không, tuỳ ý, nhưng tạo được phong cách riêng đã là thành tựu.

"Hành Hương" là tập thơ tôi đang có trong tay, trang nhã, với 57 bài, một số đã phổ nhạc. Vẫn là cuộc viễn du, tuy nhiên lần này, ở một khúc quanh khác, anh tìm tới vùng trời huyền nhiệm của Tôn giáo, Tôn giáo của anh, Công giáo, nhưng là thứ Công giáo pha lẫn mùi Thiền, một hình thái hội nhập tâm linh, để chất Tây phương thiên về cơ cấu, có thể hoà quyện với hương vị Đông pương mê hoặc. Từ cội nguồn dân tộc trong “Bước chân người Giao Chỉ”, tới nguồng mạch Tôn giáo trong "Hành Hương", tôi cảm nhận, rõ ràng Đình Bảng không hài lòng với những gì hời hợt, những tình tự phù phiếm, nhất thời, mà nỗ lực tìm cho thơ một chiều sâu, dù rằng nhọc nhằn. Ở chiều sâu luôn có khoảng tối, tĩnh lặng, lạc lõng, cô đơn, nhưng chính vì thế chúng ta có đủ điều kiện để thấy rõ hơn chính mình, giữa người và giữa trời. Phải chăng, trước, sau, Đình Bảng vẫn là một kẻ cô đơn trên chặng đường dài. Này Đình Bảng, vậy anh là người tỉnh trong cõi điên, hay người điên trong cõi tỉnh, tôi không biết và có lẽ anh cũng không biết, cần gì. Lại nghĩ: Nếu "Bước chân người Giao Chỉ" là sử thi, thì "Hành Hương" là đạo ca. Như vậy với tuổi đời, với mái tóc điểm bạc, với cõi lòng đã già hơn và tĩnh hơn, đã xa hơn với đất, đã gần hơn với trời, cùng đích của truy tìm, hình như đã được nâng cao thêm một cung bậc, có thể nói thế được không?

Lại nói về "Hành Hương". Tôi thực sự kinh ngạc trước những cảm xúc Tôn giáo ngây ngất, dạt dào chảy, mà tôi thấy không hề giả dối, màu mè. Tôi vốn lười đọc, nên mới gặp những rung động tới tận chiều kích tâm linh như thế ở ba người: Nữ Thánh Têrêxa, Hàn Mặc Tử và Đình Bảng. Cảm xúc không tồn tại trong những khối óc ưa toan tính, mà xuất phát tự đáy sâu tâm hồn càng lúc càng mềm ra, mềm ra vì nhận biết mình nhỏ nhoi, hèn mọn trước cõi vô cùng, trước tình yêu vô cùng của Đấng Tạo dựng, với anh là Thiên Chúa. Bên cạnh tuyệt đối thể, Đình Bảng như đang muốn được tan chảy, tan chảy để hoà chung thành một dòng. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi, ngay lúc mới bước chân vào thế giới "Hành Hương". Đối với những người lòng khô, dạ cứng, xa lạ với cảm xúc Tôn giáo như tôi, cảm nhận tiếp theo: "Hành Hương" qủa là một chùm thơ khó đọc, khó chia sẻ về mặt tâm tình. Cái tôi tìm được ở "Hành Hương" là giá trị thẩm mỹ, là vẻ đẹp của lời thơ, ý thơ, của dòng lục bát vẫn là chủ đạo.

Có người bảo thơ Đình Bảng tối, như một kiểu ẩn dụ cố tình. Đồng ý thơ Đình Bảng đôi chỗ khó hiểu, nhưng theo tôi, lý do là, cho dù Đình Bảng có một vốn từ đẹp và giàu, nhưng ngôn ngữ, phương tiện chuyển tải hữu hạn, làm sao bắt kịp nhịp cảm xúc hầu như vô hạn, dồn dập, không lớp lang, vì thế, thơ Đình Bảng tối vì quá cô đọng. Anh giống như đang hấp tấp đuổi theo tình mà sót lời, đúng hơn là vượt qua lời, cái khung cần thiết của tư duy, nhưng không đủ cho thi ca, với thi ca, chung cuộc vẫn là ý ở ngoài lời. Đó cũng là một yếu tố khiến phong cách Đình Bảng hiện ra rõ hơn trong chặng đường thứ hai. Cạnh đó, nếu chỉ loay hoay về mặt ngữ nghĩa, tức cố tình chẻ sợi tóc làm tư, thì không những Đình Bảng, mà còn nhiều nhà thơ khác, Hàn Mặc Tử chẳng hạn, sẽ chết tươi dưới lưỡi dao đồ tể thô bạo. Đố ai hiểu được hai câu thơ của Hàn Mặc Tử:

Và ai gánh máu đi trên tuyết
Mảnh áo da cừu ngắm nở nang
.

Cũng đố ai hiểu được câu thơ Đình Bảng theo kiểu luận lý hình thức:

Ai đang đến, vội vàng chi, thảng thốt
Chờ đêm thiêng, ẩn dưới bóng tình quân.


Ở anh, cái chúng ta cảm nhận được chính là ấn tượng (thơ Đình Bảng thiên về trường phái Ấn tượng? Tôi chưa dám võ đoán) của lời thơ, của thi ảnh, nhiều thi ảnh vụt hiện đột ngột và mới lạ, không gò bó, ràng buộc trong khuôn khổ ngữ nghĩa. Theo tôi, đó mới thực sự là ngôn ngữ thơ, thứ ngôn ngữ không bao giờ chịu trói, không trần trụi, đơn giản.

Cũng chính vì quan niệm như thế, nên bản thân tôi, vốn duy lý, chẳng dám mon men tới thế giới lung linh, phiêu bồng của thơ. Với thơ, trước sau tôi vẫn là kẻ ngoại đạo. Vậy mà, hôm nay kẻ ngoại đạo đã liều góp với anh vài lời, xin thứ lỗi cho.

 

Vũ Lưu Xuân

(SV ĐHSPSG, ban Việt Hán, khóa 1964-1968)

http://vuluuxuan.blogspot.fr/2007/11/th-nh-bng-cm-nhn-ca-mt-ngi-bn.html