Một thoáng về địa danh VIỆT NAM

 

trankhanh 

Trần Khánh

Dòng lịch sử luôn biến chuyển, nên các địa danh cũng thay đổi không ngừng. Đọc sử xưa, nay hỏi lại không ai biết ở đó là đâu cả. Như Hà Nội khi xưa có tên Đại La, Đông Đô, Thăng Long…Nước Mỹ lập quốc từ hơn 200 năm, khi chọn thủ đô ở vùng đất gọi là "District of Columbia" lấy tên là Washington, một người có công với nước Mỹ và là tổng thống đầu tiên xứ này.

Miền Nam Việt Nam là đất mới có từ 300 năm, nên địa danh rất phức tạp có những nguồn gốc khác nhau. Lúc đầu các di dân Việt Nam đi tiên phuông mở mang đất nước phần đông là người bình dân, ít học. Đến xứ lạ, người thưa, tiếng nói khác, khó đọc, khó hiểu nên cái gì thấy trước mắt là đặt tên. Như ở địa thế cao (gò, giồng), đất trũng (vũng), cây cối, thú vật (chim, cá…), mục đích cho dễ nhớ, dễ gọi.

Ở lâu quen dần, mọc gốc mọc rễ, có chánh quyền đặt ra qui chế làng thôn do những người biết chữ đặt tên địa danh mới có nghĩa đẹp. Và nhất là lấy tên những nhân vật có công với làng với nước mà đặt. Dĩ nhiên cũng có nhiều địa danh vay mượn tiếng địa phương để dịch theo nghĩa hoặc nói trại ra.

Thời Gia Long gọi chung trong Nam là Gia Định Thành có 6 tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.

Thời Minh Mạng, sau khi Lê văn Duyệt mất, gọi là Nam Kỳ Lục tỉnh.

Thời Tự Đức, Nam Kỳ bị Pháp xâm chiếm, chia ra làm 21 tỉnh: Gia Định, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Trà Vinh, Sa Đéc, Bến Tre, Long Xuyên, Tân An, Sóc Trăng, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Biên Hòa, Mỹ Tho, Bà Rịa, Chợ Lớn, Vĩnh Long, Gò Công, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cấp (Vũng Tàu).

Ở thế đất cao có loài chim muông trú ngụ như con công (khổng tước) gọi là Gò Công, Gò Sơn Qui (Rùa). Ở cánh đồng có nhiều con nai đang ăn cỏ gọi là Đồng Nai. Hình tượng núi giống con voi, con sam biển, gọi là Núi Voi, Núi Sam.

Gặp những chướng ngại vật như mây mọc chằng chịt, đặt tên là Rạch Mây, Đường Mây, Xẻo Mây, Chắc Cà Đao (tiếng Miên cũng là rừng mây), và những nơi có nhiều tre, trúc đặt tên là Bến Tre, Xẻo Tre, Vịnh Tre.

Vùng có cây giá nhiều, cây này giống cây mãng cầu có mủ màu trắng, gọi là Rạch Giá. Kinh Xà No có nghĩa chỗ này có nhiều cây điên điển.

Những gò, giồng cao, dài thì có tên Giồng Trôm (cũng do nơi này có nhiều cây trôm người ta lấy mủ bán rất đắt tiền, ăn rất mát), Giồng Cai Yến (cánh én), Ba Giồng. Và các gò có Gò Bần, Gò Xoài, Gò Tre, Gò Tượng, Gò Mương Đục (là chỗ voi tắm và uống nước).

Ở vùng đất thấp thì có vũng, lung, láng, bào: Vũng Gù, Giếng Tượng, Lung Tượng, Bào Sen…

Ở bến có nhiều cây lức mọc gọi là Bến Lức. Chỗ cho ngựa tắm gọi là Bến Tắm Ngựa.

Thời Gia Long còn bôn đào có những địa danh như: Giếng Ngự, Bãi Ngự, Mũi Ông Đội, ấp Tây Sơn, xóm Canh Đền, Chắc Băng (băng hà là chết, chắc chết!), hòn Sơn Rái, Mũi ông Nam (cá voi), Cây Da Bến Ngự.

Các địa danh có tên người thì nhiều hơn hết để ghi ơn những người có công với đất nước như : kinh Thoại Hà, kinh Vĩnh Tế, cù lao ông Chưởng…

Ngay những người có chức quyền cũng có tên: kinh Tổng đốc Lộc, kinh Đội Xáng Cường, kinh ông Hóng…

Những địa danh có nghĩa tiếng Miên hay do tiếng Miên đọc trại ra cũng rất nhiều: Cà Mau (nước đen), Sa Đéc (chợ sắt), Sóc Trăng, Sóc Vồ, Sóc Chét (sóc có nghĩa là vùng, xứ), Nha Mân, Bãi Sàu, Chưn Đùn, Tâm Phong Long (Kampong Luong), Mặc Cần Đưng, Năng Gù (sừng bò)…

Quanh Sài Gòn có các địa danh như Ông Lãnh, Ông Tố và các chức vụ thủ đầu như Thủ Đức, Thủ Thiêm, Thủ Ngữ, Thủ Dầu Một. Bên cạnh cũng có những địa danh mang chữ bà như Bà Điểm, Bà Quẹo, Bà Hom, Bà Chiểu thì ít có ai hiểu rõ nguồn gốc, có nguời nói là mấy bà là thê thiếp của Tả Quân Lê văn Duyệt, được trấn nhậm mỗi người một vùng để yên ổn làm ăn. Lời giải nghĩa này quên rằng ngài Tả Quân là thái giám.

Cũng không ít địa danh bắt đầu bằng chữ Cái như: Cái Mơn, Cái Nhum, Cái Quau, Cái Da Trai, Cái Bè, Cái Thia, Cái Cá, Cái Sao, Cái Nước, Cái Ngang, Cái Tắc, Cái Sơn, Cái Rô, Cái Dầu, Cái Sắn, Cái Lớn, Cái Bé, Cái Dồn, Cái Kè, Cái Tàu Thượng, Cái Tàu Hạ… Những địa danh đàng trước có chữ Cái này đều nằm trên một con sông nhỏ, một con rạch. Theo Bình Nguyên Lộc giải nghĩa: Cái có nghĩa là sông con, từ của dân tộc Phù Nam, người Nam vay mượn.

Như trên con rạch đó có nhiều cây sắn (vỏ để nấu nhuộm lưới chài), cây lao lách, cây vừng (lá vừng để ăn mắm, bánh xèo), cây kè, cây bần thì thêm vào chữ Cái: Cái Sắn, Cái Lách, Cái Vừng, Cái Kè Đôi, Kè Một, Cái Bần, Cái Mít…

Vùng Cái Nhum, Cái Mơn, quê hương Pétrus Ký cũng tương tợ, là nơi có mọc nhiều cây nhum là loại cây mọc ven sông rạch, lá có gai. Còn tiếng mơn là tiếng Miên đọc trại ra có nghĩa là mật ong.

Thuở trước, nguồn lợi cá ở khu Đồng Tháp Mười đáng kể, nên thu hút bọn lái buôn (lái rối) về đây chia nhiều khu để phân phối cá gọi là Sở, thành có tên Sở Thượng, Sở Hạ.

Người dân từ Vàm Láng, Gò Công xuống Cà Mau chài lưới nên có vùng gọi là Mũi Gò Công.

Ở Gò Công có tên Ba Láng, thấy rõ là nơi có 3 trũng sình lầy.

Ở Cai Lậy, Thuộc Nhiêu làm nên ba giồng lớn và dài nên gọi là Ba Giồng, là nơi khởi nghĩa của quân Đông sơn Đỗ Thành Nhơn. Còn Thuộc Nhiêu là chức vụ của Cai thuộc tên Nhiêu cai quản trại cá ở Đồng Tháp.

Hồng Ngự do đội Hùng Ngự nói trại ra mà thành.

Gò Vấp là nơi có nhiều cây vấp cao dùng để làm mục tiêu định hướng đi.

Hóc Môn là ngọn rạch cùn, trong đó có nhiều môn nước.

            Tân An có bến Châu Phê thời ông Hóng ở đó, Nguyễn Ánh phê ký giấy tờ. Có quận Cần Đước vì nơi đây có nhiều con cần đước sống, là một loại với cua đinh, ba ba ăn rất ngon nhưng kỵ cho người bịnh phong. Theo Pétrus Ký thì địa danh Cần Đước do tiếng Miên là Kan Kok, ta phiên âm ra Cần Đước.

            Cần Giuộc là nơi có trồng nhiều cây chùm ruột (tầm ruột), do chữ Miên Kantout mà ra.

            Chợ Đệm là nơi sản xuất đệm (để phơi lúa), cà ròn. Đan bằng lát, bàng, đững. Cà ròn là cái bao đan bằng đệm trên miệng thắt lại, những người Tàu nghèo lúc mới sang Việt Nam thường hay quảy đồ ăn, đậu phọng, thuốc tán đi bán đựng trong bao cà ròn. Sau giàu lên vẫn còn được kêu là "chệt cà ròn".

Cầu Thị Nghè là cầu bắc ngang sông qua sở thú Sài Gòn. Là con gái quan Nguyễn Cửu Vân có chồng làm ông Nghè. Thấy chồng đi làm băng sông cực khổ nên bà xuất tiền bắc cầu để chồng đi làm việc dễ dàng ở dinh Tổng trấn thành Phiên An, nên cầu có tên là Thị Nghè (vợ ông Nghè).

Ở Vĩnh Long có bến đò Đình Khao là bến để khao quân của Nguyễn Ánh mỗi lần chiến thắng Tây Sơn.

Ở Tân An trên sông Vàm Cỏ có vùng giáp nước. Các ghe thương hồ hay đến đậu để chờ con nước ngược xuôi mà tách bến gọi là Ba Cụm, chỗ này có người nói là ba cụm bần, có người nói là ba cây đa lớn che bóng mát cho khách thương hồ. Ở đây ăn cắp có tiếng gọi là "bối ba cụm".

Các cù lao, cồn nổi trên sông như một kiểu đất giồng mới, có tên: cù lao Tân Huề, cù lao Giêng, cù lao Năm Thôn (cù lao Dài), Cồn Rồng, Cồn Phụng ở sông Tiền. Còn ở sông Hậu có cù lao Cát, cù lao Giêng.

Cồn Rồng đối diện với Tòa hành chánh Mỹ Tho bên kia sông là nơi tập trung người cùi thời Pháp thuộc. Sau này có tên là xã Tân Long. Nhân tiện tôi kể có gặp một người Việt sống bên Miên ở Pháp nói là tụi Tây thâm thật, nó cũng biết địa lý, nó dùng người cùi "ếm" con rồng Việt Nam nên cất đầu lên không nổi, chớ Việt Nam ta có óc kiên nhẫn, thông minh, có đâu lụn bại cho tới bây giờ.

Cù lao Dài trước kia đâu có tên, đó là quê hương thứ hai của Thoại Ngọc Hầu, là nguyên quán của bà Châu thị Tế vợ ông. Khi ông trấn nhậm trấn Vĩnh Thanh, lập ra năm thôn trên cù lao Dài: Phù Thái, Phước Khánh, Thái Bình, Thanh Lương và Bình Thạnh. Sau năm thôn này hợp thành xã Qưới Thiên. Cù lao dài 20 km nằm trên sông Cổ Chiên giáp với Vũng Liêm.

Địa danh theo đà tiến hóa của dân tộc được người có văn chương, trí thức đặt lại thành tên đẹp và có ý nghĩa. Như ở Vũng Liêm có 2 tổng :

- Tổng Bình Trung có các xã Trung Hiếu, Trung Hiệp, Trung Ngãi, Trung Thành.

- Tổng Bình Hiếu có các xã Hiếu Ân, Hiếu Phụng, Hiếu Thành.

Ở Bến Tre, cù lao An Hóa dọc theo bờ sông Tiền có các xã Quới Sơn, Tân Thạch, An Khánh, Phú Túc…Toàn là tên đẹp, giàu sang.

Và có những địa danh ba chữ như : An Phú Đông, Mỹ Tịnh An, Mỹ An Hưng, Mỹ Thanh Trung, Bình Hàng Trung, An Thái Trung, Tân Phú Trung…Thật là những tên khi nói lên gợi cho chúng ta ấn tượng dịu dàng, nên thơ của phong cảnh các làng xã đó và có lẽ cũng là của những cô gái trẻ đẹp mộng mơ…

Trần Khánh
(Trích: "Nhìn về Quê hương đất Tổ")