Mới đây tên linh mục Đặng Đức Tuấn được đặt cho một con đường ở Huế. Nhân dịp này, chúng tôi muốn nhìn lại các bài và sách viết về ông, với mục đích “trả lại César những gì thuộc về César, và đừng trả cho César những gì…”, tội lắm

Vũ Lưu Xuân

Từ khi Pháp xâm chiếm Việt Nam, một số sĩ phu Công giáo, trước những cáo buộc bổn đạo giúp Tây cướp nước, đã lên tiếng để làm sáng tỏ lập trường của đồng đạo, trong mối tương quan tế nhị giữa một bên là Tổ quốc và một bên là thực dân, lấy danh nghĩa bảo vệ đạo Công giáo.
Trong chiều hướng này, chúng ta phải kể đến linh mục Đặng Đức Tuấn (ĐĐT) tác giả của một số bài điều trần, văn tế, thơ đường, lục bát. Tài liệu sao lục thơ văn ĐĐT hiện nay rất hiếm và hầu như phần lớn không có nguồn gốc minh bạch.

I- ĐI TÌM NGUỒN GỐC – NHỮNG NGHI VẤN

Sao lục thơ văn linh mục Tuấn hiện có 3 nguồn chính :
Tài liệu I (TL I) : Miscellanées (Thông loại khóa trình). Sài Gòn 1889 - số 9, tháng Giêng, của Trương Vĩnh Ký (TVK).
Tài liệu II (TL II) : Nam Kỳ Địa Phận 1929, từ số 1038 tới 1050.
Tài liệu III (TL III) : Đặng Đức Tuấn, Tinh hoa công giáo ái quốc Việt Nam (ĐĐT THCGAQVN), của giáo sư Lam Giang và linh mục Võ Ngọc Nhã - Tác giả tự xuất bản 1970.
Ngoài ra còn một số bài viết lẻ tẻ, chẳng hạn 2 bài của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và 1 bài của ông Lê Đình Bảng, chủ yếu căn cứ vào tài liệu III.

A- TÀI LIỆU I :

Trong hai năm 1888, 1889, TVK xuất bản tổng cộng 18 tập Miscellanées (MISC)(tạp văn) “nói chuyện sang đàng, chuyện Tam hoàng cuốc chí, pha phách lộn lạo xào bần để cho học trò coi chơi cho vui. Mà chẳng phải là chơi không vô ích đâu: cũng là những chuyện con người ta ở đời nên biết cả” (MISC số 1 trang1). Nhìn chung MISC được coi như phụ lục của một giáo trình, đó là “những bài đọc bổ ích dành cho học sinh các trường tiểu học hương xã và hàng tổng” (Lectures instructives pour les élèves des écoles primaries communales, cantonales)
MISC bao gồm nhiều thể loại văn học, một số bài có tên tác giả, một số bài không đề tên, đó là những bài của chính chính TVK hoặc vô danh thị (1)
Tập số 9 sao lục 5 bài, TVK xác định của Đặng Đức Tuấn, trong đó có bài số 2, với 148 câu. (2) (Tlđd. Từ trang 4 đến 7)
Đối với ĐĐT, TVK là người đồng thời, đồng đạo, đồng xuất thân từ chủng viện Pinang, đồng có mặt với tư cách thông ngôn trong cuộc thương thuyết giữa Nam triều và Pháp (3). Hơn nữa lại đồng cảnh ngộ: cả hai đều là những trí thức công giáo ưu tú, từng bị giằng xé, thao thức trước mối tương quan phức tạp giữa đạo và đời. Sao lục của TVK công bố năm 1889, tức là 15 năm sau khi ĐĐT mất (1874). Như vậy trên nguyên tắc, tài liệu của TVK đáng tin cậy hơn cả.
Tuy nhiên, bài số 2 thực chất không phải là một sáng tác văn học, 148 câu chỉ là góp nhặt những thành ngữ Hán phổ thông, ghép lại thành vần, mỗi câu gồm một thành ngữ (Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu) hoặc hai thành ngữ (Cần bất như chuyên; Bá niên giai lão). Như vậy qua bài số 2, chúng ta không thể hiểu được lập trường tư tưởng, khuynh hướng sáng tác và bút pháp của linh mục Tuấn.

B-TÀI LIỆU II :

Hồng Lam sao lục bài Tự tích việc đạo trong nước An Nam từ khi tàu Tây sang đăng trong Nam kỳ địa phận 1929 (NKĐP). Phần giới thiệu tác giả, tác phẩm chỉ vỏn vẹn “Đặng Đức Tuấn linh mục, Bình Định tỉnh, tự thuật”. Bên dưới thêm một chú thích nhỏ: “Nguyên bổn chữ Nôm nho, nay dịch ra chữ quốc ngữ.”
Ông Hồng Lam không in kèm “nguyên bổn chữ Nôm nho” và cũng không xác định lấy từ nguồn nào.
Bản sao lục gồm 348 câu lục bát biến thể, xen kẽ 6 bài thất ngôn bát cú, đăng thành từng đoạn nhỏ trong 7 số báo 1038, 1040, 1041, 1045, 1047, 1048, 1050. Tới số 1050, chính quyền thuộc địa duyệt bỏ 6 câu sau của bài Đường luật, trong đó có 2 câu :
“Kẻ ở Tây Dương qua bắn súng
Người bên Nam Việt lại mang gông.”
Với 2 câu lục bát :“Bay đừng quen thói dại ngây

Đạo ta thì bỏ, đạo Tây thì thờ”
(lời quan Án)
Phía cuối ghi “còn tiếp”, nhưng sau đó, không hiểu vì lẽ gì, loạt bài này bị bỏ ngang. Trong 348 câu lục bát, 254 câu đầu cộng với 5 bài Đường luật giới thiệu lịch sử truyền giáo tại VN. 96 câu cuối cộng với một bài Đường luật, mô tả việc Pháp xâm lược và nỗi khổ bị nghi ngờ, bị bách hại của giáo dân.
Qua 7 số báo trên, bài thơ coi như trọn nghĩa, cặp lục bát :
“Lửa nồng mới biết tuổi vàng
Khá khen mấy kẻ vẹn toàn thủy chung”

Có thể xem là lời kết của trường thiên.Như vậy hai chữ “còn tiếp” được hiểu theo hai cách :
- Bài thơ trên chưa kết thúc.
- Bài thơ trên đã kết thúc, nhưng loạt bài về ĐĐT vẫn tiếp tục ở các số sau.

C- TÀI LIỆU III :

Dày 570 trang, cộng thêm phụ lục 16 trang chữ Hán, viết bằng bút sắt. Hai ông Lam Giang, Võ Ngọc Nhã sao lục tổng cộng 36 bài (kể cả 9 bài chữ Hán), gồm những bài của ĐĐT (tạm gọi là chính văn) và một số bài không phải của ĐĐT (tạm gọi phụ lục).
Nhìn chung, TL III với gần 600 trang là một công trình tương đối đầy đặn về mặt góp nhặt, ngoài ra cách biên soạn rất chủ quan, tùy tiện và thiếu khoa học.
Các tác giả đã sưu tập tài liệu ở đâu ? Mặc dù ghi : “chúng tôi đã cấp tốc thu thập di cảo, tài liệu”, nhưng toàn bộ cuốn sách lại không hề giới thiệu sơ qua về các di cảo, tài liệu này (thiếu thư mục tài liệu tham khảo). Có lẽ nguồn tài liệu chính là “Một vài bậc cố lão vẫn thuộc nằm lòng một số thơ văn của Người, nhưng nếu một ngày gần đây, các bậc cố lão ấy qua đời thì việc sưu tầm tài liệu cho cuốn “ĐĐT THCGAQVN” lại càng khó khăn hơn nữa” (TL III trang 6). Các vị cố lão mất, việc sưu tầm tài liệu trở nên khó khăn, chứng tỏ nguồn chính của biên khảo hoàn toàn không phải là “di cảo” và “tài liệu”, như hai tác giả từng rêu rao, mà đơn giản là trí nhớ của các bậc già cả.
Mỗi bài sao lục gồm 2 phần chính :
Từ ngữ (hoặc từ ngữ điển tích) và Ý thơ (hoặc ý văn và cách lập luận).
Đôi khi thêm một đoạn phân tích bút pháp, bình luận, tức là những nhận định có tính cách chủ quan, chẳng hạn “văn từ trang nhã, tình ý chân thành, có rất nhiều câu lâm ly não nuột …”., một kiểu nhận định vu vơ, có thể nhét vào đâu cũng được.
Bản duy nhất có mục Xuất xứ bản nguyên tác, bản dịch và niên hiệu lại là bài Tế điện giám mục Thương Sư Bá Đa Lộc sắc văn của Đặng Đức Siêu (chứ không phải của ĐĐT), một bài rất dễ tìm nguồn gốc. Toàn bộ thơ văn được hai ông gọi là của ĐĐT thiếu hẳn mục này, phải chăng chính hai ông cũng chẳng biết gì về xuất xứ và niên đại nguyên tác của ĐĐT.

Sau khi đọc kỹ, buộc lòng chúng tôi phải đưa ra một số đánh gia sơ bộ:
1. Tùy tiện trong việc biên soạn “gia thế họ Đặng Đức”. (TL III, từ trang 11 đến 19).
TL III xác định 3 điểm :
- ĐĐ Siêu có người con là Đặng Đức Chiêm (4) làm quan đến Hải Dương Tổng đốc. (trang 12).
- ĐĐ Lành … có thêm được 1 người con trai, đặt tên là Đặng Đức Tuấn. (trang 12)
- Chúng ta không biết chắc tương quan huyết thống giữa ĐĐ Tuấn và ĐĐ Siêu nhưthế nào (sic) (trang 12).
Vậy mà 5 trang sau, các ông lại tùy tiện lập bảng phả hệ ĐĐ Siêu + Nguyễn Thị Ngữ đ ĐĐ Chiêm, đ ĐĐ Lành, đ ĐĐ Tuấn. Đáng buồn là nhiều tác giả hiện tại đã thừa nhận bảng phả hệ vu vơ, tự chế này.
Nếu ĐĐ Lành, bố ĐĐ Tuấn thực sự là con ĐĐ Chiêm - Tổng đốc Hải Dương thì trong lúc thịnh thời của đạo công giáo (đầu đời Gia Long) khả năng con ông tổng đốc trở thành “Một ẩn sĩ làm câu trưởng địa sở Gia Hựu” (trang 12) là rất ít.

2. Tùy tiện trong việc đổi tên tác phẩm.
Đối chiếu TL II và TL III ta thấy bản Tự tích việc đạo trong nước An Nam từ khi tàu Tây sang chính là bài Việt Nam giáo sử diễn ca, theo cách gọi của hai tác giả VNGSDC. Ngoài 348 câu lục bát và 6 bài Đường luật trong NKĐP, TL III còn thêm 286 câu lục bát và 5 bài Đường luật .
Chúng tôi dám khẳng định các tác giả đã tùy tiện đổi tên tác phẩm vì giáo sử là từ quá mới, quốc hiệu Việt Nam thời phong kiến chỉ dùng dưới đời Gia Long (1802 - 1820) về sau Minh Mạng đổi thành Đại Nam và Pháp gọi là An Nam : Thời ĐĐT, người ta không dùng hai chữ Việt Nam bao giờ.
Sự tùy tiện này được chính các ông xác nhận :
ĐĐT không hề đặt tựa cho bản điều trần của mình (sao biết?). Cái tựa là do người sau đặt ra. Bản điều trần này mang cái tựa “Khất xá Thiên chúa giáo nhân” (xin tha cho người theo đạo Thiên Chúa).
“Tôi nhận thấy rằng cái tựa này không ổn tí nào … muốn cho hợp lý … phải có tựa là “Minh đạo bình tây sách” (TL III, tr. 254).
Và hầu như toàn bộ thơ văn ĐĐT, các ông đều thấy cái tựa không ổn, nên đã làm công việc “muốn cho hợp lý… phải có tựa là …” Đây là điều không một nhà viết văn học sử nghiêm túc nào dám làm, và cũng không có quyền làm.
Đối chiếu TL II và TL III, chúng ta thấy có rất nhiều câu chữ khác nhau, nhưng ở đây chúng tôi không làm công việc nghiên cứu dị bản và hiệu đính vì không nắm được tài liệu gốc.

3. Tùy tiện trong công việc sắp xếp.
36 bài vừa của ĐĐT vừa không phải của ĐĐT được đặt xen nhau, một cách hoàn toàn tuỳ tiện. Đặt xen kẽ như vậy, nhưng trước mỗi bài không có lời giới thiệu ai là tác giả. Đặc biệt không có ranh giới minh bạch giữa chính văn và phụ lục, cụ thể :
Bài 2 : Lâm nạn phụng quốc hành - của ĐĐT.
Bài 3 : Tế điện giám mục Thượng sư Bá Đa Lộc sắc văn - của ĐĐ Siêu.
Bài 4 : Văn tế Đức Cha Thể - của ĐĐT.
Bài 7 : Nguyên đạo - của ĐĐT.
Bài 8 : Hoán mê khúc - của Ngụy Khắc Đản.
Bài 9 : Minh dân vệ đạo khúc - của ĐĐT
(Chúng tôi tạm gọi là của ĐĐT, dù còn nghi ngờ).
Ngoài ra cuốn sách còn có một loạt bài chắc chắn không phải của ĐĐT, nhưng hai tác giả đã không minh thị điều này.
Lối sắp xếp lập lờ đó rất dễ gây ngộ nhận, dẫn đến tình trạng râu ông nọ cắm cằm bà kia.
Tóm lại cách biên soạn tùy tiện, thiếu khoa học, khiến mức độ khả tín của TL III là rất thấp.
Điều cần lưu ý, đối chiếu TL I và TL III, chúng ta thấy 5 bài TVK sao lục, mà chúng tôi cho là đáng tin cậy, lại không có trong TL III.

II- PHÂN TÍCH VĂN BẢN HỌC – LẠI THÊM NGHI VẤN

Đối chiếu các bài đăng trong TL III, được cho là của ĐĐT, người đọc dễ nhận ra cách hành văn trong các bài thiếu nhất quán : một số bài chi chít thành ngữ, điển tích chữ Hán, chẳng hạn :
Dân huyền quản, nước an ninh
Toại bề trạch nhạn, phỉ tình hội cư
Đinh, Lê, Trần, Lý đến chừ
Thái bình một thuở, xa thư ba đồng (VNQSDC, tr. 70).
Hoặc :
Dân thờ tam phụ vi tôn
Tiễn tâm, chiêu sự, cẩn ngôn, thận hành
Trí thân trung nghĩa chân thành
Dễ đâu phụ quốc, há đành vong quân
(Minh dân vệ đạo khúc, trang 286)
Trái lại, nhiều bài chẳng hạn Lâm nạn phụng quốc hành hầu như dùng toàn chữ Nôm, hoặc những chữ Hán đã Việt hóa trở thành thông dụng, với lối hành văn giản dị, chân chất, trơn tuột của người dân Nam Bộ. Chẳng lẽ một tác giả lại có hai bút pháp hoàn toàn trái ngược như vậy sao? Chúng ta sẽ phân tích kỹ bài này.
Lâm nạn phụng quốc hành là một bài hồi ức, tự thuật kể lại các biến cố từ khi trốn chạy, bị bắt, ra tòa, dâng điều trần, được tha, theo phái bộ Phan Thanh Giản vào Nam nghị hòa, nhờ có công đã giải được nạn cho giáo dân. Trong bài nhiều chi tiết chỉ linh mục Tuấn, hoặc những người rất thân mới biết được. Tuy nhiên về mặt văn bản có nhiều điểm đáng ngờ. Để tường thuật cố sự của ĐĐT, toàn bài đã dùng :
- 20 lần chữ Tuấn (Tuấn cứ khai vậy ròng ròng).
- 4 lần chữ Đức Tuấn (Dậy đem Đức Tuấn ra miền kinh đô).
- 2 lần chữ Đặng Đức Tuấn (Đặng Đức Tuấn đương hồi báng đản).
- 27 lần dùng chữ tôi, nhưng đó là trong văn đối thoại, phạm nhân trả lời hỏi cung
(Quê tôi Bình Định - làng chính Qui Hòa).
Trong văn học Đông, Tây, đặc biệt là văn học cổ điển, không một tác giả nào làm bài tự thuật lại xưng tên mình như thế. Vậy phải chăng Tuấn, Đức Tuấn, Đặng Đức Tuấn được đặt ở ngôi thứ ba, tức là một tác giả nào đó, thông hiểu cuộc đời linh mục Tuấn đã làm ra bài này.
Hơn nữa các thuật ngữ công giáo dùng trong bài Lâm nạn phụng quốc hành đều quá mới so với cách dùng từ ở giữa TK 19. Chẳng hạn Giáo hoàng thay vì Đức thánh Phapha, Đức Cha thay vì Vít vồ hoặc Đức Thầy (trong bài VNGSDC, hai lần dùng chữ Đức Thầy), Hội Thánh thay vì Thánh Ighêrisa ; Mẹ (có Mẹ che chở không ai làm gì) thay vì Đức Chúa Bà (5).
Trong giới Công giáo, các thuật ngữ trên chỉ thông dụng từ đầu TK 20.

Dù sao một nghiên cứu văn bản học không đủ để khẳng định bất cứ điều gì. Hơn nữa, viết bài này chúng tôi hoàn toàn không cố ý phủ nhận khả năng sáng tác của linh mục Tuấn, mà chỉ muốn nêu lên như những nghi vấn, có khả năng gợi mở cho các nghiên cứu khoa học đứng đắn và đầy đủ hơn, để trả cho linh mục Tuấn những gì thực sự của linh mục, và từ đó tiếp cận tương đối chính xác diện mạo của vị linh mục, nhà thơ đáng kính này. Và quan trọng hơn, để những nhà nghiên cứu văn học Công giáo thận trong hơn, khi sử dụng công trình đáng ngờ này làm tài liệu tham chiếu và trích dẫn. Những phân tích trên có thể trở thành vô nghĩa một khi chúng ta tìm được bản gốc các tác phẩm của linh mục Tuấn.


Chú thích:

1-Một số bài có xuất xứ, nhưng không rõ vì sao TVK không đề tên tác giả, chẳng hạn Văn tế Võ Tánh với Ngô Tùng Châu, không để tên tác giả. Thực ra là của ĐẶNG ĐỨC SIÊU (xem Việt Nam thi văn hợp tuyển của DƯƠNG QUẢNG HÀM- Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, in lần thứ tư, 1957, trang 96)
2- Trong phần mục lục, bài 2 được ghi là nói Tam hoàng quốc chí, thực ra đây không phải tựa bài, thành ngữ này có nghĩa nói pha phách lộn lạo xào bần. Phía trên tác phẩn có dòng chữ Nói vần những câu chữ người ta quen dùng.
3- Xem thêm Việt Nam Giáo Sử của Phan Phát Huồn – Tập 1 – Cứu thế tùng thư – 1965- in lần thứ 2 – trang 465. Và Trương Vĩnh Ký (Con người và sự thật) biên khảo của Nguyễn Văn Tuấn – TPHCM – Ban Khoa học xã hội Thành Uỷ, trang 23.
4- Căn cứ ở sách Đại Nam chính biên liệt truyện, ông Bùi Văn Lăng ghi là Đặng Đức Thiệm (Tri Tân số 16, 26.91941, trang 17)
5- Xem Bộ Sưu khảo thơ văn Hán Nôm Công giáo của linh mục Nguyễn Hưng.

 

Vũ Lưu Xuân