Giấc mộng Nam Á của Trung Quốc bị tan vỡ

Lê Quang Huy (25.08.2015)

Trong cuộc bầu cử Quốc hội của Sri Lanka ngày 17 tháng 08 năm 2015, cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa đã thất bại trong toan tính quay trở lại nắm quyền lãnh đạo quốc gia nhỏ bé ở Nam Á trong cương vị Thủ tướng khi đảng của ông chỉ đạt được 95 / 225 số ghế của quốc hội. Đảng Quốc Gia Thống Nhất (UNP) theo đường lối trung hữu của đương kim thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã chiến thắng với 106 ghế dù rằng còn thiếu 7 ghế để đạt được đa số trong quốc hội, nhưng vẫn có thể nắm quyền kiểm soát quốc hội với sự ủng hộ của các đồng minh của tổng thống Maithripala Sirisena. Thế là trong vòng trong không đầy một năm, người dân Sri Lanka đã 2 lần chối bỏ nhân vật chính trị Mahinda Rajapaksa bằng lá phiếu cử tri, lần trước đây là nhân cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng Giêng, khi đó ông Maithripala Sirisena đã đánh bại ông Manhinda Rajapaksa để trở thành vị Tổng thống thứ 7 của quốc gia này.

 mahinda         ranil

Mahinda Rajapaksa            Ranil Wickremesinghe

Thất bại này của ông Mahinda Rajapaksa đã giữ cho Sri Lanka tiếp tục đi theo đường lối ngoại giao phi liên kết và cởi bỏ dần những mối dây ràng buộc với Trung Quốc. Thất bại này quả đã giáng một đòn đau cho Trung Quốc, khi mà quốc gia này trước đó đã chăm chút đầu tư mạnh mẽ vào ông và nuôi hy vọng là nhân vật chính trị thân Bắc Kinh này sẽ nắm quyền lâu dài tại Sri Lanka, cho phép Trung Quốc biến quốc gia này thành tiền đồn thao túng cả vùng Nam Á và Ấn Độ Dương. Thực tế đã cho thấy là vào thời ông Mahinda làm Tổng thống Sri Lanka ( từ 19 tháng 11 năm 2005 đến 09 tháng 01 năm 2015), Trung Quốc hầu như đã có thể tự do tung hoành tại quốc gia Nam Á này, dùng đó làm địa bàn mở rộng thanh thế, kể cả về quân sự để đe dọa Ấn Độ bằng cách bơm vào Sri Lanka 5 tỉ đô la nhằm biến nước này thành một trục quan trọng trong chiến lược xây dựng Con đường Tơ lụa trên biển.
Hơn thế nữa, dưới thời ông Rajapaksa, Trung Quốc hầu như đã được toàn quyền sử dụng các cơ sở dân sự trá hình mà họ xây dựng tại Sri Lanka vào mục tiêu quân sự. Vào đầu năm 2014, một thương cảng mới thuộc quyền sở hữu của Bắc Kinh tại thủ đô Colombo đã ngang nhiên mở cửa cho hai chiếc tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc vào neo đậu.
Thời kỳ tự do tung hoành của Trung Quốc tại Sri Lanka đã cáo chung thúc từ đầu năm 2015 vừa qua, sau khi ông Rajapaksa bị cử tri phủ nhận. Ngay khi vừa lên cầm quyền, Tổng thống Sirisena đã ra lệnh tạm hoãn nhiều đề án quan trọng của Trung Quốc để chờ kết quả điều tra về các nghi vấn tham nhũng trong việc cấp phát hợp đồng, và về các tác hại môi trường bị cho là đã không được quan tâm đứng mức.
Ngoài ra, Trung Quốc còn đối diện nguy cơ bị vạch mặt chỉ tên với tội danh hối lộ trong một cuộc điều tra tham nhũng trực tiếp nhắm vào cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa. Các quan chức thanh tra đang tìm hiểu sự thật trong lời cáo buộc theo đó một tập đoàn Nhà nước Trung Quốc đã hối lộ 1,1 triệu đô la cho chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của ông Rajapaksa hồi tháng Giêng vừa qua.
Với thất bại lần thứ nhì trong cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi, giới quan sát nhận định rằng rất có nhiều khả năng cựu Tổng thống Sri Lanka thân Trung Quốc bị truy tố, cũng như người vợ và hai người anh em của ông vì bị tình nghi biển thủ công quĩ.
Theo giới phân tích, triển vọng đầu tư làm ăn của Trung Quốc tại Sri Lanka không phải là đã hoàn toàn chấm dứt. Hai lãnh đạo hiện thời của quốc gia này là Tổng thống Sirisena và Thủ tướng Wickremesinghe đã từng cam kết duy trì các đầu tư của Trung Quốc vào Sri Lanka, nhưng phải tuân thủ theo các điều kiện của chính quyền Colombo.
Từ Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo của điện Trung Nam Hải đã gióng tai dõi mắt về Colombo và đã hy vọng là tình hình Sri Lanka sẽ đảo ngược lại nhân cuộc bầu cử hôm 17 tháng 08 vừa qua. Thế nhưng sự lựa chọn đúng đắn lần thứ hai của cử tri quốc gia Nam Á này đã làm cho Bắc Kinh vỡ mộng thêm một lần nữa. Và hai vị tổng thống và thủ tướng của Sri Lanka đang cố gắng kéo Colombo ra ngoài vòng kiềm tỏa của Bắc Kinh để củng cố mối quan hệ với New Delhi.
“Tôi mời gọi mọi người cùng chung tay góp sức. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh, một chính phủ đồng tâm và xây dựng một quốc gia mới,”, đương kim thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã phát biểu như thế ngay cả khi quá trình kiểm phiếu vẫn đang diễn ra.
So với Việt Nam, Sri Lanka chỉ bằng 1/5 về diện tích và 1/4 về dân số.

(Tổng hợp từ The Guardian, RFI, ABC, Time)

Lê Quang Huy
25.08.2015