Kỷ niệm một chuyến đi gác thi

Chiếc xe lam quẹo vào một bãi đất trống và từ từ ngừng lại. Bãi đất thật bẩn, lầy lội và đầy rác rưởi. Có lẽ là nơi họp chợ buổi sáng. Những mảnh giấy và lá rải rác trên những vũng bùn đang bắt đầu khô, tạo thành một nét tiêu điều trong cảnh chiều sắp tàn. Tôi lúng túng tìm một chỗ đất khô để bước xuống.Thật khoan khoái khi đặt chân xuống đất sau khi ngồi trên xe lam gần hai giờ đồng hồ, vượt quãng đường bốn chục cây số để tới bến bắc đìu hiu này. Mới có năm giờ hơn mà ánh nắng đã vàng úa làm phong cảnh càng thêm buồn nản. Vài căn nhà đất lụp xụp bên cạnh những đống rác. Một căn nhà gạch cũ, tường loang lổ khiến người ta nghĩ tới cuộc đời buồn tẻ của một ông ký ga hay của một thầy ký bưu điện, cả đời quanh quẩn trên cái bến bắc ít người qua lại. Dọc theo bờ sông, một dãy quán lợp tranh thấp lè tè, bán đồ giải khát cùng vài thứ lặt vặt và đồ kỷ niệm cho khách qua bắc. Đồ kỷ niệm ở đây là những con cá làm bằng gáo dừa đã được mài nhẵn và quang dầu bóng loáng. Ánh nắng rọi trên sạp hàng làm nổi bật lớp bụi phủ trên đám hàng ít người cầm tới. Không mấy người vào quán uống nước. Đám khách chờ bắc, phần nhiều là dân quê với đồ đạc cồng kềnh, đứng từng nhóm yên lặng, đầy vẻ nhẩn nại, nhìn ra sông. Cảnh vật im lìm như trong một giấc ngủ mệt nhọc.
Tôi xách va li bước vào một quán tương đối trông sạch sẽ nhất.Vài chai bia và nuớc ngọt lỏng chỏng trên giá. Một cái tủ kính nhỏ đựng thuốc lá và quẹt, vài con cá bằng gáo dừa đầy bụi. Cô chủ quán bận lúi húi với đống nước đá chưa thấy tôi bước vào. Người con gái bận chiếc áo bà ba trắng, cắt thật gọn và khéo. Mái tóc dài mướt. Trông nàng có một nét duyên dáng, không phù hợp với cái quê mùa, mộc mạc ở cái bến bắc xa xôi này. Khuôn mặt người thiếu nữ trông nghiêng có những nét quen quen. Tôi cố tìm trong trí nhớ một nét mặt nào tương tự nhưng không nghĩ ra. Khuôn mặt nàng thật thanh tú , bình thản, không có những nét xao động ở những người thiếu nữ cùng tuổi như nàng.
Tôi gọi:
- Cho tôi một chai cam vàng
Người con gái ngẩng lên ,khựng một chút vì bỡ ngỡ. Một nét rạng rỡ làm nét mặt của nàng trở nên linh động, đôi mắt sáng lên, mừng rỡ:
- Thầy!
Vẻ nhí nhảnh làm khuôn mặt người thiếu nữ quen thuộc hơn nhưng tôi vẫn còn ngạc nhiên, phân vân. Cô chủ quán đã tíu tít:
- Thầy không nhận ra em ? Em là Dung, học thầy năm Đệ Tam . Thầy vẫn dạy ở Mỹ Tho chứ ạ?
- A, Dung!
Tôi nhớ ngay ra cô học trò nhỏ chăm chỉ, ngồi bàn đầu. Thực ra , thời gian chưa đủ làm tôi quên cô học trò cũ nhưng Dung đã thay đổi quá nhiều. Những nét nghịch ngợm ranh mãnh đã biến mất. Nét mặt giản dị, không còn những náo nức của những ước mơ ngày nào. Chỉ từ khi trông thấy tôi, những nét rạng rỡ ngày xưa mới bừng nở trong ánh mắt cô học trò cũ, và tôi nhận ra nàng. Dung vẫn ríu rít:
- Lúc vừa trông thấy thầy, em mừng quá. Lâu lắm mới được gặp thầy!
- Thầy cũng rất mừng được gặp em. Em làm gì ở đây?
Dung cười:
- Như thầy thấy đó. Em bán hàng.
Tôi bật cười khi thấy Dung trả lời một cách hóm hỉnh và có vẻ tinh nghịch chế diễu. Tôi hỏi:
- Em về đây lâu chưa?
- Dạ, cũng một năm rồi, thầy.
- Ở đây vắng nhỉ? Sao em không học tiếp ở Mỹ Tho? Tôi hỏi.
- Dạ, má đưa tụi em về đây ở với ngọai, Dung có vẻ do dự trước khi nói tiếp, năm tụi em học Đệ Tam với thầy, rồi năm sau lên Đệ Nhị, dạo Mỹ Tho bị pháo kích đó, thầy. Nhà em cũng bị trúng. Má em và em của em bị thương, nhà cửa hư hết. May mà em không việc gì nhưng cũng chẳng học hành gì được. Cuối năm đó, em thi rớt. Rồi má em làm ăn không được, đưa tụi em về đây ở với ngọai. Ở đây, ngọai em có vườn, cũng dễ sống.
Tôi nhìn người học trò cũ, giọng nàng bình thản, vừa nói vừa lấy ngón tay di di các giọt nước trên mặt bàn.
- Lúc sắp về đây, em buồn ghê vậy đó. Đêm hôm trước khi đi, em ngủ không được. Em cứ nghĩ tới ngày khai trường sang năm, bạn bè lại gặp nhau, học hành, đùa nghịch vui vẻ. Rồi đứa sẽ lên đại học, đứa đi làm; còn em một mình ở một nơi hẻo lánh. Cứ nghĩ vậy, em lại khóc. Má phải mắng: “lớn rồi,khóc mãi”. Em mắc cỡ mà nín không được. Dạo mới về đây, em nhớ Mỹ Tho, tưởng không bao giờ quên nổi. Em nhớ thầy, cô; nhớ từng đứa bạn, từng góc sân trường. Em thơ thẩn hàng tháng trời, bây giờ mới quen quen. Trong tủ, em vẫn giữ một cái áo dài dạo còn học ở Lê Ngọc Hân, còn cả bảng tên của trường. Mẹ bảo: Không mặc, đưa má sửa lại cho em con mặc, nhưng em không chịu.
Dung ngừng lại. Một chút yên lặng bâng khuâng giữa hai người. Bất chợt, nàng ngẩng lên, đổi giọng vui vẻ:
- Gặp thầy mừng quá , quên lấy nước cho thầy.
Vừa nói nàng vừa đứng dậy,nhanh nhẹn đi chặt nước đá. Tôi lơ đãng nhìn ra sông. Mặt sông bát ngát lấp loáng ánh nắng. Tôi nghĩ tới những ngày tháng của người học trò trong cái quán nhỏ ở bến bắc, tới chiếc áo dài mãi mãi nằm trong tủ áo.
- Mời thầy uống nước
Tôi hơi giật mình:
- Cảm ơn em!
Dung hỏi:
- Thầy đi coi thi bên Long Xuyên?
Tôi gật đầu, hỏi:
- Đây tới Long Xuyên còn xa không em?
- Dạ, cũng gần. Thầy qua bắc, rồi đi xe lam tới Long Xuyên, chút xíu là tới.
Giọng Dung trở thành thật vui:
- Năm nay thầy có dạy Đệ Tam không?
- Vẫn. Năm nay tôi dạy lớp em học cũ.
Dung có vẻ tinh nghịch hỏi:
- Thầy Phụng còn dạy ở Mỹ Tho không thầy?
- Không. Năm vừa qua thầy ấy đổi về Sàigòn.
Dung nói:
- Thầy Phụng dạy em năm Đệ Tam. Thầy hiền thật hịền. Năm đó tụi em phá thầy ấy dữ lắm. Thầy Phụng vào lớp, tụi nó dấu hết phấn. Thầy sai em đi lấy, em rủ nhỏ Hoa đi theo. Thế là tụi em đi luôn mất mười lăm phút mới về tới lớp mà thầy chẳng phạt gì cả.
Tôi cảm thấy vui vui khi cô học trò nhắc lại các kỷ niệm cũ, nhớ tới những khuôn mặt lém lỉnh, những hộc bàn đầy muối ớt với ổi và xoài, chờ được tiêu thụ dần những khi mình quay lên bảng. Dung hỏi tiếp:
- Cô Vân còn dạy không thầy?
- Còn. Nhà cô ấy ở Mỹ Tho mà.
- Cô Vân dạy tụi em môn Việt văn mấy năm liền đó thầy. Tụi em thương cô ghê. Dạo đi học vui thật vui vậy đó. Thầy nhớ Tết năm đó, tụi em đòi thấy hát mà nhất định thầy không hát không?
Tôi cười:
- Hôm đó,em hát bài “ Con thuyền không bến” phải không?
- Dạ. Thầy nhớ lâu ghê.
Tôi nhớ tới hình ảnh người học trò khi rụt rè cất tiếng hát. Mái tóc dài ngang lưng, đôi mắt mơ mộng nhìn ra ngòai cửa lớp. Giọng ca thanh và êm như ru. Biết bao nhiêu mộng đẹp, bao nhiêu ước mơ trong lòng người thiếu nữ ngày đó. Có vài người khách bước vào quán. Dung đúng dậy bán hàng. Nàng làm việc nhanh nhẹn và quen thuộc. Hai bàn tay thoăn thoắt, nước da trắng và hơi xanh. Tôi thấy người học trò của mình lạc lõng một cách tội nghiệp ở nơi quê mùa này. Dung hỏi trong nụ cười nhẹ:
- Thầy thấy em bán hàng giỏi hơn ngày xưa đi học không?
Tôi đáp như an ủi:
- Thầy nhớ ngày xưa em học rất khá.
Dung khôi hài:
- Có lẽ em có số làm cô hàng nước thầy ạ. Năm trường mình mở hội chợ Tết đó thầy, em được đứng bán nước. Dạo đó , em thích lắm. Khi đi học,em cứ ước sau này được làm cô giáo.

Chiếc bắc đã cập bến. Một chút lao xao trong đám hành khách đứng đợi. Khách lên bờ thưa thớt. Cảnh họat động uể oải như một người ngủ trưa vừa thức giấc. Dăm ba người đàn bà nhà quê vội leo lên chiếc xe lam đang nằm im lìm chờ khách. Dung nói:
- Chuyến bắc cuối cùng đó thầy. Em cũng sắp đóng cửa hàng.
- Nhà em gần đây không? Tôi hỏi.
- Dạ, gần.
Tôi nhìn đám hành khách đang xuống bắc, đứng dậy:
- Thôi,thầy phải đi bây giờ.Tính tiền đi em.
Dung cười, giọng chợt vui và nghịch như dạo đi học:
- Hôm nay em bao thầy đó.
Tôi nói đùa:
- Như vậy cô chủ lỗ vốn mất
Dung nói, bẽn lẽn:
- Lâu mới được gặp thầy một lần mà. Lần sau, em tính thầy thật mắc. Hôm nào về qua bắc, thầy nhớ ghé quán của em nghe. Mà thầy nhớ mua quà Long Xuyên nghe. Em mong thầy đó.
Tôi cười, gật đầu, vội vã xuống bắc.
Tôi đứng tì tay trên lan can. Chiếc bắc già nua như trôi trên sông rộng. Tiếng động cơ rồ lên, kéo dài, rồi lịm dần, cứ như vậy từng hồi, giống như một người già sắp hết sức. Mặt sông rộng bát ngát và yên tĩnh. Hơi nước bốc lên lành lạnh, trông xa như một lớp sương là là trên mặt nước. Ánh nắng phản chiếu trên sông, hiu hắt và tẻ nhạt. Chiếc bắc đã ra xa bến. Dãy quán và những chiếc nhà đất chỉ còn lại một mầu nâu bẩn buồn bã. Bến bắc vắng ngắt làm nổi bật mầu áo trắng cô đơn của người con gái vẫn đứng trên bờ, nhìn ra mặt sông rộng. Tôi cảm thấy một mối buồn bát ngát xâm chiếm trong lòng. Mối buồn nhẹ nhàng, lẫn trong ánh nắng nhạt nhẽo, trong hơi lạnh của gió và nước. Người học trò vẫn đứng nhìn theo chuyến bắc nhưng tôi biết rằng nàng chỉ nhìn theo những kỷ niệm cũ, nhìn theo một quãng đời đã mất hút trong dòng thời gian, những mảnh vụn của những ước mơ đã vỡ. Tất cả chợt hiện về theo hình ảnh của người thầy cũ. Tôi nghĩ tới những mộng đẹp của người con gái, những ước mơ trong tuổi còn cắp sách. Những mộng ước xinh xắn và dễ thương như những chùm hoa ti-gôn ngày nào người thiếu nữ ngắt ở hàng dậu, mang vào lớp, cắm trên bàn học. Tất cả đã tàn dần theo những ngày tháng buồn tẻ ở một bến bắc đìu hiu. Tôi khẽ thở dài. Bến bắc đã khuất sau một dãy cồn xanh ngắt.

***

Long Xuyên là một thành phố thanh bình,hiền hòa; khác với một thị trấn quê mùa mà tôi hình dung khi còn ở Sàigòn. Vài dãy phố ở trung tâm thành phố có một dáng dấp tươi tắn, khá hiện đại, khác hẳn vẻ cũ xưa của nhiếu thành phố khác ở Nam Bộ. Người ta nói Long Xuyên được như vậy là nhờ sự quan tâm của ông Nguyễn Ngọc Thơ khi làm phó Tổng Thống thời Đệ nhất Cộng hòa. Ông Thơ vốn là dân Long Xuyên và là tỉnh trưởng ở đây vào những năm 40 thời Quốc Trưởng Bảo Đại.
Hội đồng thi Tú Tài năm đó được đặt tại trường Trung học Thọai Ngọc Hầu. Đây là trường Trung học được thành lập đầu tiên ở Long Xuyên nên trường sở đã khá xưa.
Buổi sáng ngày thi đầu tiên thành phố như đẹp hơn , nhộn nhịp hơn lên với các thí sinh từ nhiều ngả đổ về trường Thọai Ngọc Hầu. Ấn tượng mạnh mà tôi không quên trong buổi sáng đầu tiên ở Long Xuyên là hình ảnh các nữ sinh trong những chiếc áo dài trắng, ngồi trên xe lôi để tới trường . Các em trông thật đẹp và dáng rất tiểu thư. Thời đó, ở nhiều thành phố Nam Bộ còn thịnh hành các lọai xe lôi. Xe giống như xe kéo xa xưa thời Pháp thuộc nhưng văn minh hơn vì được kéo bằng xe gắn máy. Ở các vùng nghèo thì xe lôi được kéo bằng xe đạp, người miền Nam gọi là xe máy (mặc dù người đi xe phải đạp bằng chân).
Chảy qua thành phố là một con sông nhỏ và một cây cầu cong cong bắc qua sông, dẫn vào trung tâm thành phố.
Buổi họp hội đồng giám thị, ngoài niềm vui gặp lại một số bạn bè cùng về coi thi ở Long Xuyên, tôi bất ngờ khi biết cùng được coi thi ở một hội đồng với một đồng nghiệp cũng dạy ở trường Nữ Trung học Mỹ Tho, cô T.N. Cô là giáo sư triết, mới ra trường và là dân Mỹ Tho. Cô có dáng người cao cao, ăn nói nhỏ nhẹ, nước da trắng, tóc để dài ngang lưng, trông như một nữ sinh viên nhiều hơn là một cô giáo. Đặc biệt cô có đôi bàn tay rất đẹp. Một dịp Tết , trường nữ Trung học Mỹ Tho tổ chức hội chợ, có nhiều gian hàng trong đó có gian hàng “Bàn Tay Ngọc”. Ba người có bàn tay đẹp nhất trường được chọn để ngồi sau một tấm vải màu xanh lá. Các người đẹp đưa các cánh tay ra phía trước qua các lỗ thủng khoét sẵn trên màn. Trước tấm màn xanh đậm , các búp tay với những ngón thon thon trông đẹp như những đóa hoa bằng ngọc thạch. Khách thăm gian hàng có thể mua những chiếc vòng nhựa để ném. Người nào thảy trúng một bàn tay đẹp sẽ được nhận một phần thưởng. Mọi người rất háo hức nhưng ít ai biết rằng một trong những bàn tay đẹp đó là của một nữ giáo sư dạy triết của trường.
Sau khi nhà nước bỏ kỳ thi Trung học đệ nhất cấp, các thầy cô trung học mỗi năm phải tham gia gác thi và chấm thi bốn kỳ thi Tú Tài và một kỳ thi tuyển vào Đệ Thất . Các kỳ đi gác thi thường rất vui vì gặp nhiều bạn bè và là một dịp đi để biết nơi này nơi khác của đất nước : kỳ gác thi này đi Mỹ Tho,kỳ sau đi Vĩnh Long,năm nay gác thi ở Cần Thơ , năm sau về tận Vĩnh Bình (Trà Vinh),…có khi bị điều ra tới Đà Nẵng; nhờ vậy mới có dịp đi chơi Ngũ Hành Sơn và quá chân, đáp xe lửa ra thăm xứ Huế, để ngẩn ngơ như mấy anh học trò xứ Quảng: “ Học trò xứ Quảng ra thi , thấy cô gái Huế chân đi không đành “.

Học sinh Long Xuyên rất hiền và ngoan. Các buổi thi diễn ra rất nghiêm chỉnh, không có cảnh nhốn nháo hỏi bài hay quay cóp. Các bài thi sau mỗi buổi được niêm phong và cuối kỳ thi được xe cảnh sát hộ tống về Sài Gòn, nơi đặt hội đồng chấm thi. Các thầy cô gác thi thường dùng cơm trưa ngay trong trường do các bác tùy phái phụ trách việc bếp núc. Buổi chiều , ai không muốn ăn trong trường thì ra phố ăn tiệm. Buổi tối rảnh rỗi thì thả bộ đi thăm phố xá, thưởng thức cảnh thành phố lạ về đêm hay vào một quán nhạc gọi cà phê, cùng vài người bạn ngồi nghe vài bản nhạc mình ưa thích. Niềm vui của nhà giáo thường giản dị.

Buổi tối trước ngày thi cuối cùng, tôi và T.N cùng đi dạo phố Long Xuyên. Những con phố nhỏ hiền lành của một thành phố thanh bình, êm ả mà tôi cùng T.N dạo chơi ngày ấy bây giờ có còn như xưa? Trên một khúc sông có một bến đò nhỏ. Con sông về đêm có một vẻ đẹp riêng, kín đáo. Tôi hỏi thuê một chiếc thuyền nhỏ, nhờ người chèo đi chơi trên sông, sau khi chiều ý một em nhỏ mua hộ em một lon đậu phụng luộc.

Con thuyền lặng lẽ trôi trên dòng sông đêm.Cảnh vật hoàn toàn yên tĩnh, chỉ có tiếng mái chèo ì- oặp khuấy vào dòng nước. Nhìn lên hai bên bờ, những ánh đèn le lói trong những ngôi nhà ẩn hiện trong các vườn cây. Chúng tôi như bị trôi đi trong một sự lặng lẽ êm ả. Tôi bóc từng hạt đậu phụng luộc nhẹ nhàng đặt vào lòng bàn tay T.N. Dưới ánh trăng, những ngón tay của nàng trắng muốt, đẹp như những cánh hoa ngọc lan.

* * *

Cách nay ít lâu,tôi có dịp họp mặt cùng một số học trò cũ học của trường Nữ Trung Học Mỹ Tho Lê Ngọc Hân. Có em vẫn còn ở Mỹ Tho, có em ở Sài Gòn, có em ở nước ngoài. Phần nhiều các em đều thành đạt nhưng cũng có em vẫn “một phương trời lận đận”. Thày trò ôn lại chuyện cũ. Tôi có kể cho các em nghe về chuyến đi chơi thuyền đêm trên sông ở Long Xuyên. Các em nghe rất háo hức, hỏi:

- Rồi sau đó,thế nào nữa ,thầy?

Tôi chậm rãi:

- Sau đó, về trường, thầy lại dạy Lý Hóa và cô T.N lại dạy triết.

Trong lòng, tôi muốn nói thêm với các em: mọi sự đều phải có cái duyên, các em ạ.

* * *

Thỉnh thoảng, tôi có dịp về lại Mỹ Tho để dạy các lớp đại học tại chức tại đó, hoặc theo lời mời họp mặt của nhóm cựu nữ sinh Lê Ngọc Hân. Vài lần, tôi hỏi thăm đồng nghiệp cũ về T.N thì được biết cô vẫn ở Mỹ Tho. Gia đình bên chồng cũng khá giả nhưng về đời sống riêng, hình như, không được hạnh phúc.

Đã hơn bốn mươi năm trôi qua rồi còn gì. Khi mới ra trường đi dạy, chúng tôi còn rất trẻ. Cuộc sống đầy thơ mộng với những hoài bão tốt đẹp. Qua biết bao nhiêu thăng trầm, chứng kiến bao nhiêu ly tán, bây giờ , tóc ai cũng đã nhuốm sương!

Tuổi trẻ đã qua đi, còn lại, có chăng là một vài kỷ niệm:

Mang mang một nỗi niềm thiên cổ

 

Thấp thoáng bên song bóng ngựa câu.

 

Nguyễn Trần Trác