Lão Bạng Sinh Châu

Song Thao



Mấy bữa rày trên mạng dậy sóng về chuyện tài tử Al Pacino. Al Pacino, thế hệ trọng tuổi chắc biết. Ông đã đóng trong cuốn phim nổi tiếng The Godfather (Bố Già). Năm nay ông đã 83 tuổi, chẳng phim phiếc chi nữa, nhưng đã làm sôi động tin tức vì ông đang chờ đứa con sắp sanh với người vợ trẻ Noor Alfallah, 29 tuổi. Tuổi 29 sanh con là chuyện thường tình nhưng tuổi 83 còn làm cha thì xưa nay hiếm. Các cụ bảo là “lão bạng sinh châu”. Trai già còn sản xuất được ngọc trai. Trai đây không phải là ông Al Pacino mà là con trai sống dưới nước, thứ các bợm nhậu rất ưa.
Chúc mừng ông tài tử sống tới đầu bạc răng long mà vẫn sồn sồn sản xuất. Nhưng chê ông một chuyện. Khi được cô vợ trẻ báo tin, ông đã đòi đi thử ADN. Vậy là thiếu tự tin. Kết quả cho biết đứa nhỏ nằm trong bụng cô Noor Alfallah đích thị là sản phẩm của ông. Đây là đứa con thứ tư của ông. Đứa đầu là một cô con gái với người vợ cũ Jan Tarrant, đứa thứ hai và ba, Olivia và Anton,  là một cặp sanh đôi với bà bồ Beverly D’Angelo. D’Angelo hạ sanh cặp sanh đôi này năm 2011 và chia tay với Al Pacino vào năm 2014. Chuyện tình của hai người không giống ai. Bà D’Angelo kể lại: “Chuyện của tôi với Al bắt đầu 27 năm trước, hai nghệ sĩ gặp nhau, yêu nhau. Chúng tôi sống chung bảy năm trời, có hai con, chia tay, nhưng vẫn cùng nhau hợp tác nuôi con, đối đãi với nhau rất thân mật, trung thực và chấp nhận nhau hơn là những mối liên hệ “truyền thống” thường có”.

Tin tài tử Al Pacino có con được báo chí tung ra chỉ vài tuần sau khi một tài tử khác, Robert De Niro, loan báo vừa có đứa con thứ bảy khi ông ở tuổi 79. Robert De Niro, giới trọng tuổi Việt Nam chắc còn nhớ. Ông đóng trong rất nhiều phim nổi tiếng như Taxi Driver (1976), The Deer Hunter (1978), Awakenings (1990), Cape Fear (1991) Silver Linings Playbook (2012). Ông đã đoạt hai giải Oscar. Giải đầu: Best Supporting Actor (Tài tử phụ xuất sắc nhất) trong phim Godfather vào năm 1974. Giải hai: Best Actor (Tài Tử xuất sắc nhất) trong phim Raging Bull vào năm 1980.
Con thứ bảy của De Niro là một bé gái tên Gia Virginia Chen-De Niro. Mẹ của bé là bạn gái của ông, nàng Tiffany Chen. Hai người gặp nhau trên sàn quay của phim “The Intern” vào năm 2015. Gần nhau như vậy nhưng mãi tới năm 2021 hai người mới thực sự bắt bồ với nhau. Thực ra khi đó De Niro vẫn còn sống với người vợ thứ hai Grace Hightower. Họ chỉ ly dị vào năm 2018.
Vợ đầu tiên của De Niro là Diahnne Abbott, lấy năm 1976 và ly dị năm  1988. Họ có một con nuôi tên Drena, nay đã 51 tuổi, và một con đẻ là Raphael, 46 tuổi. Sau đó có một cặp sanh đôi là Julian và Aaron, nay đã 27 tuổi với bà Toukie Smith. Tới bà Grace Hightower, cưới năm 1997 và chia tay năm 2018, cũng có hai con, Elliot, 24 tuổi và Helen Grace, 11 tuổi.

Các đấng tài tử Hồ Ly Vọng ít ông không có tính sưu tầm vợ. Ông nào cũng năm thê bảy thiếp. Ngay cả ông hề Charlie Chaplin, tưởng chỉ múa may, cũng có tới bốn bà và 11 người con. Ba bà đầu là Mildred Harris, Lita Grey và Paulette Goddard. Bà cuối cùng là Oona O’Neil, cưới năm 1943 khi bà chỉ mới 18 cái xuân xanh và ông đã 53 cái xuân già. Tính ra chênh lệch tới 35 tuổi. Vậy mà họ có với nhau tới 8 trự: Geraldine, Michael, Josephine, Victoria, Eugene, Jane, Annette và Christopher. Cậu con út Christopher sanh năm 1962, khi đó ông bố Charlie Chaplin đã 73 tuổi. So với hai ông Al Pacino và De Niro có con ở tuổi 83 và 79 thì Charlie Chaplin tương đối còn là ông bố trẻ!

Nhân nói chuyện các ông tài tử léng phéng với các nàng nõn nường măng sữa, tôi nhớ tới câu nói: “Trâu già gặm cỏ non” dùng để chỉ các ông tuổi hườm hườm (chữ của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc) mà còn lơ mơ với các cô nàng nho nhỏ. Câu này xuất hiện nhiều khi, vào khoảng thập niên 1980-1990, các ông Việt kiều rủng rỉnh tiền bạc, đua nhau về Việt Nam chăm sóc đám cỏ non trong nước khiến tôi tưởng nó có xuất xứ từ thời này. Nhưng không phải. Nó có từ thời Tô Đông Pha, thế kỷ 11, bên Tàu lận. “Trâu già gặm cỏ non” là câu dịch ý từ câu thơ của Tô Đông Pha: Lão ngưu cật nộn thảo. Nguyên Tô Đông Pha có người bạn tên Trương Tiên. Ông này cũng là một nhà thơ. Một bữa Trương Tiên mời Tô Đông Pha tới dự tiệc cưới vợ lẽ của ông nhưng không nói rõ cô dâu mới 18 tuổi. Khi tới nơi, Tô Đông Pha mới sửng sốt trước cảnh chơi trống bỏi của bạn. Ông làm bài thơ, dĩ nhiên bằng Hán văn, tôi chê không thèm đọc, chỉ đọc bản dịch: “Ta tám mươi tuổi nàng mười tám / Nàng là hồng nhan ta bạc đầu / Điên đảo với nàng hai ta cùng tuổi / Chỉ cách nhau có sáu mươi năm”. Túi thơ Tô Đông Pha đâu có chịu thua. Bèn có thơ nhạo lại: “Cô dâu mười tám chàng rể tám mươi / Tóc bạc kề bên trang sức đỏ / Đôi uyên ương kẹt dưới chăn đêm / Một cây hoa lê đè hải đường”. Khi hạ câu thơ “nhất thụ lê hoa áp hải đường”, Tô Đông Pha muốn ví Trương tiên là cây lê, cô dâu là bông hoa hải đường, hàm ý “bò già gặm cỏ non”. Kể từ đó  câu “lão ngưu cật nộn thảo” lan truyền khắp Trung Hoa.

Vào cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn có cụ Cử Nguyễn văn Bình là giáo sư dạy chữ Nôm. Cụ nhỏ người, mặc áo dài đen, cắp ô khi đi dạy. Khi đó chắc cụ cũng cỡ trên 70 tuổi. Tôi có theo học lớp của cụ. Phải nói ngay là lớp cụ dạy rất chán. Như các cụ đồ xưa. Nhưng việc thi cử với cụ rất dễ. Năm đó cụ dạy Chinh Phụ Ngâm, bản chữ Nôm. Cours của cụ in xen kẽ một câu chữ Nôm và câu phiên âm chữ quốc ngữ. Khi cụ dạy, lối in này khiến sinh viên rất dễ học. Tuy vậy, tới cuối năm học chúng tôi vẫn hầu như chưa “nắm” được thứ chữ Nôm khó nhằn này. Khi thi cụ dùng ngay tờ cours chữ Nôm và chữ quốc ngữ xen kẽ để khảo thí. Cụ lớn tiếng dặn: “Ông lấy tay bịt phần chữ quốc ngữ lại, chỉ đọc phần chữ Nôm thôi”. Thí sinh lấy bàn tay bịt nhưng cái thứ đứng thứ ba sau quỷ và ma đâu có bịt kín phần chữ quốc ngữ như cụ dặn. Vậy là “ông” nào cũng ê a đọc vì đọc nhanh quá sợ cụ biết là ăn gian. Cụ gật đầu phê điểm. Cụ lẩm cẩm một cách dễ thương như vậy. Vậy mà bỗng có một ngày cả trường ngẩn ngơ khi có tin cụ vừa có thêm một tí nhau. Thiệt là tin rụng rời. Tưởng cụ đã nghỉ việc trả bài, hóa ra cụ vẫn cần mẫn tí toáy. Mấy ông tây giáo sư, khi được sinh viên cho biết tin, đã há hốc miệng ngạc nhiên, vội tới chúc mừng. Không biết trong lời chúc của họ có bao nhiêu phần trăm thành thật. Tôi phục thầy mình hết cỡ nhưng cũng phân vân hết cỡ. Không biết thầy mình có thuộc category “trâu già gặm cỏ non không”? Nếu cụ bà ngang tuổi thì có ra chợ mua trứng cũng chẳng ăn thua chi. Vậy thì cụ cũng chơi trống bỏi sao? Thiệt phục thầy, tẩm ngẩm tầm ngầm mà chết voi!

“Nhân tài” như cụ Cử Bình, tại Việt Nam, không phải chỉ có mình cụ. Nếu phải cử một nhân vật ra thi thố với các ngôi sao Hollywood, tôi sẽ đề cử ông Bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng. Năm 2008, cụ Trọng đã 85 tuổi mà còn cưới được vợ kém cụ 52 tuổi. Vợ ông là cô Đinh Thị Thoan, sanh năm 1981 ở Yên Lập, Phú Thọ. Cụ Trọng có một cuộc sống sôi động với các cuộc hội thảo trong nước cũng như các chuyến công tác ra ngoại quốc. Cụ lại là người rất đào hoa, biết làm thơ, có khiếu về hội họa, sáng tác nhạc, chơi guitar, lại đam mê dân ca quan họ. Người vừa tài hoa vừa đào hoa như vậy trái tim chẳng bao giờ ngủ yên.
Năm 2007, chị Thoan tốt nghiệp trường Đại học Sư Phạm Thái Nguyên, về làm việc tại trại thuốc Nam của cụ tại Hòa Lạc. Chị làm việc rất chăm chỉ, tính tình thật thà, giúp ông cai quản trang trại một cách rất khoa học. Một bữa, khi tới trang trại, thấy cô Cử Nhân Thoan đang làm cỏ, cụ tức cảnh sinh tình dọc bốn câu thơ:
Em ngồi nhổ cỏ nhưng vẫn đợi
Chẳng hiểu cỏ kia có dễ không
Chỉ chờ ai gọi thôi em nhé
Đứng dậy đi em chim sổ lồng.
Cứ thả thơ vu vơ như vậy mà được việc. Chị Thoan hiểu và cảm được tình của cụ. Sau này, khi đã thành thân, chị nói với ông: “Bài thơ tình anh tặng em hôm trước, em đã thuộc lòng, không bỏ sót một chữ!”. Mối tình cọc cạch của chàng trên bát tuần và cô nàng mới 27 tuổi chín dần tới duyên vợ chồng.

Vậy là cụ Trọng chẳng thua chi các ông Al Pacino, De Niro và Charlie Chaplin. So tuổi có phần hơn là khác. So về số lượng vợ, cụ Trọng cũng ngang ngửa. Cụ đã có ba đời vợ. Người vợ thứ ba, sanh năm 1980, có với ông một con gái. Khi con được 2 tuổi, bà bỏ cả chồng lẫn con, ôm một số tiền lớn đi lập một cuộc đời khác. Vậy là trước sau, khi cưới chị Thoan, ông có 4 bà tất cả. Thua chi các ông đại tài tử bên trời Mỹ. Ông cũng chẳng nhường các ông này khi đã ở tuổi bát tuần mà vẫn có được hai con, một gái một trai, với chị Thoan. Cụ kể lại chuyện bố già đưa vợ đi đẻ đứa thứ hai “Khi đó, tôi đã 83 tuổi, còn vợ tôi cũng muốn sinh thêm một đứa con nữa cho có chị, có em, trong thâm tâm tôi cũng muốn như vậy. Nhưng do ở trung tâm Hà Nội ngột ngạt nên gia đình tôi đã lên Ba Vì để sinh sống. Lạ thay, vừa về nơi ở mới thì vợ tôi mang bầu cháu thứ hai. Điều hạnh phúc nhất là khi siêu âm, các bác sĩ cho biết đó là một cậu con trai. Hôm vợ tôi đi sanh tại bệnh viện 105 Sơn Tây, trời mưa tầm tã. Khi đến viện con trai tôi gan lắm, mãi không chịu ra. Lúc đó, tôi ra chợ mua một bó hoa thật to về để tặng vợ sau khi sinh. Nhưng khi về thì con trai tôi đã chào đời. Điều trớ trêu nhất là vừa về đến nơi, nữ hộ sinh ở bệnh viện đề nghị tôi phải bế vợ về phòng. Quả thật, một ông lão 83 tuổi đi bế bà đẻ thì chẳng an toàn chút nào. Nhưng không hiểu sao lúc đó tôi có một động lực rất lớn, vẫn hiên ngang bảo vợ quàng tay vào cổ và bế suốt đoạn đường dài khoảng 70 mét về đến phòng trước sự chứng kiến của hàng trăm người có mặt ở bệnh viện”.
Hai lần có con khi tuổi đã lên tới con số chót vót, cụ Trọng chẳng thèm đòi thử ADN như Al Pacino. Cụ ngon hơn nhiều. Cụ cho biết tuy vợ chồng cọc cạch, người lớn kẻ nhỏ nhưng chưa bao giờ cụ bị lỗi nhịp chăn gối. Trong suốt 8 năm chồng vợ, cụ vẫn mặn nồng như thuở trai tơ. Mỗi tuần vẫn đều đặn hai hoặc ba nháy. Nghe mà ngẩn ngơ. Cụ nói thiệt không? Tuổi hườm hườm ai mà nói dối cho mang tội.
Dù sao, thế hệ tôi cũng xêm xêm tuổi với cụ Trọng, hiểu rõ nhau quá, tin thì tin nhưng vẫn phải tìm hiểu.

Theo khoa học, khi tuổi già ụp tới, mọi thứ trong cơ thể đều già theo. Ở đàn ông, chứng rối loạn cương dương, còn gọi là bất lực xuất hiện. Phần vì tuổi già, phần vì bệnh hoạn. Các bệnh ung thư tuyến tiền liệt, đau và viêm khớp mãn tính, béo phì, tiểu đường, tim mạch, són tiểu và các hội chứng liên quan đến hệ thần kinh cũng góp phần vào việc sở hữu “bất động sản” của các ông. Tuy vậy vẫn có những trường hợp các ông ở tuổi bát tuần trở lên vẫn có thể có tí nhau dối già. Sách kỷ lục thế giới Guinness đã ghi nhận trường hợp người đàn ông lớn tuổi nhất làm cha là 92 năm 10 tháng tuổi. Đó là ông Les Colley, sanh năm 1898, cư ngụ tại Úc. Ông đã có 2 vợ và gặp bà thứ ba vào năm 1991 qua một cơ quan chuyên mai mối. Khi đó ông đã 90 tuổi. Hai năm sau, vợ ông hạ sanh một bé trai tên Oswald. Ông mất vào năm 1998, thọ chẵn chòi 100 tuổi. Nhưng có một ông gân hơn. Có tí nhau khi đã 101 tuổi 10 tháng. Đó là ông James E. Smith, người Mỹ. Tháng giêng năm 1951, vợ ông là bà Anna, 38 tuổi, hạ sanh. Thiệt là cổ kim không thể có. Nhưng người ta phát hiện ông này ăn gian tuổi. Ông khai là sanh năm 1849 nhưng thực ra ông khai thêm tới 15 tuổi!
Trên trăm tuổi chỉ ngồi thở chứ làm ăn chi mà đòi có con cái. Khả năng có con của các ông bắt đầu suy giảm từ năm 40 tuổi. Nguyên nhân là chất lượng và số lượng tinh trùng bắt đầu có khuynh hướng giảm dần từ tuổi đó. Từ tuổi 40 hormone testosterone trong cơ thể các ông bắt đầu giảm đưa tới hậu quả là giảm ham muốn tình dục, khó trả bài thường xuyên. Sức khỏe của tinh trùng cũng nửa đường đi xuống. Để có khả năng làm bố, tình trạng của tinh trùng như số lượng phóng ra, hình dạng và khả năng di chuyển phải ngon lành. Mỗi lần xuất quân, quân ta phải động binh khoảng 15 triệu quân trên mỗi mililitre mới có khả năng thụ thai cao. Ngoài ra tinh trùng phải có đuôi dài và mạnh, đầu hình bầu dục, hoạt động bằng cách dùng đuôi đẩy đi. Cuối cùng tinh trùng phải có khả năng di chuyển, cỡ 40% số tinh trùng biết bơi để tiếp cận mục tiêu mới có cơ thành công. Tuổi càng cứng, các món võ trên càng lụt. Chuyện có tí nhau càng khó.
Cái khó khăn nhất của các ông là chuyện lên gân. Càng già càng giảm gân guốc. Ngày nay có các thứ thuốc giúp các ông dựng cờ khởi nghĩa như Viagra, Cialis và đồng bọn. Bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng ngả về thuốc Nam với cả trang trại trồng cây thuốc không biết có dùng các thứ thuốc này không, chúng ta không biết. Chuyện làm sao ông có thể phất cờ liên miên mỗi tuần hai hoặc ba lần còn là điều bí mật.
Tôi mới biết một bí mật của một ông cụ vô danh. Một bữa, ông ngồi coi thằng cháu ngoại đào giun làm mồi câu cá. Khi thằng cháu kéo chú giun từ đất lên, ông vui miệng hỏi: “Mày kéo nó lên được nhưng nếu mày đút nó xuống lại được tao sẽ thưởng một trăm ngàn”. Thằng cháu không nói không rằng, chạy vào nhà, lấy hộp keo xịt tóc của mẹ, xịt vào thân giun, đút lại xuống lỗ và ngửa tay lấy trăm ngàn. Sáng hôm sau, khi thằng nhỏ đi học, ông gọi lại và dúi vào tay tờ trăm ngàn khác. Thằng cháu tưởng ông ngoại lẫn, ngạc nhiên hỏi: “Hôm qua ông đã đưa cháu tờ trăm ngàn rồi, sao giờ ông còn đưa nữa?”. Ông xuề xòa: “Cầm lấy! Bà ngoại mày cho!”.

30-6-2023
Song Thao

https://www.facebook.com/profile.php?id=100007265208765                                                                                         

Website: www.songthao.com




Làm Nail

Song Thao

Ông bạn tôi quả quyết: “Muốn hỏi thăm về người Việt tại một địa phương nào, cứ vào bất cứ tiệm nail nào mà hỏi. Bảo đảm 90% tiệm là của người Việt”. Tôi nghĩ ông bạn tôi nói không ngoa. Có lần tôi qua chơi Plattsburg, một thị trấn nho nhỏ nằm gần biên giới Canada, thuộc tiểu bang New York, thấy một tiệm nail, vào hỏi thăm, y chang là Mít ta. Ngay tại Montreal, tiệm nail hầu như đều do con rồng cháu tiên cầm trịch. Tôi có một ông bạn già, rất nhạy bén với thương trường, từ Việt Nam qua Canada, ông xoay nhiều nghề, nghề nào cũng thành công. Qua Canada, ông ngửi thấy nghề nail, xua con cái học nghề, làm thợ một thời gian rồi bỏ vốn làm chủ, cô nào cũng trúng hết.

Trong một lần qua California, tôi được một bà bạn làm chủ nhiều tiệm nail mời tới nhà. Nhà to đùng, cửa sắt bấm điện chạy lung tung trước nhà. Trong nhà bể cá nằm từ phòng khách tới garage, nuôi rặt một giống cá rồng đủ màu. Chủ nhà cho biết giá mỗi con từ vài ngàn tới cả chục ngàn.
Vài chiếc xe loại xịn đậu trong sân khẳng định cái túi tiền không nhỏ của chủ nhân. Hình như ai dính vào nghề nail đều khá giả.

Trước năm 1975, nghề nail tại Mỹ trị giá khoảng 8 tỷ đô do người Mỹ, người Hoa và người Đại Hàn nắm giữ. Nhưng chỉ trong hai thập niên, người Việt đã làm…cách mạng, lật đổ thị phần này. Người cầm đầu cuộc cách mạng này lại là một người Mỹ: nữ minh tinh Tippi Hedren. Bà này tôi biết từ khi tôi còn ở Việt Nam nhưng chỉ thấy bóng trên màn ảnh. Chắc nhiều người trong chúng ta đều đã hồi hộp theo dõi bà trong cuốn phim nghẹt thở “The Birds” của đạo điễn “nhát ma” Hitchcock. Coi phim của ông này thiệt toát mồ hôi nhưng thiệt đã. Cứ như ăn ớt. Cay thì cay nhưng vẫn khoái ăn.


Nữ diễn viên Tippi Hedren

Năm 1975, khi làn sóng đầu tiên của người Việt di tản qua Mỹ, bà Tippi Hedren là một thành viên trong phong trào thiện nguyện Food for the Hungry. Bà Hedren tới thăm, nhận thấy nhu cầu tìm việc cho các phụ nữ Việt xơ xác chạy loạn là ưu tiên số một. Bà nghĩ nghề may và nghề đánh máy thích hợp với họ. Nhưng sau cuộc thử nghiệm bà thấy may vá đòi hỏi khéo léo và kiên trì không dễ làm, đánh máy cần phải biết tiếng Anh. Trong lúc đi coi các mẫu may và văn bản đánh máy của những phụ nữ tị nạn, bà thấy các bà các cô nhìn chăm chăm vào móng tay bà. Bà Lê Đồng Thị Thuần, một trong những người có mặt vào thời điểm đó kể lại: “Nhóm chúng tôi đứng gần bà ấy và nói với nhau khen móng tay của bà rất đẹp. Tôi nhìn vào mắt Hedren và biết bà ấy đang suy nghĩ điều gì đó. Rồi bà ấy nói: ‘À, có lã các chị nên học nghề làm móng tay’”. Vậy là bà đã…ngộ ra. Khi họ thích thú điều gì, họ sẽ chú tâm và chịu khó làm giỏi chuyện đó. Bà tạo điều kiện cho một số người trong trại tỵ nạn ở Bắc California theo học nghề làm móng. Bà gửi họ tới học nghề tại một trường thẩm mỹ. Bà Thuần nhớ lại những ngày ban sơ đó. Khi đó họ đang ngụ tại trại tỵ nạn Hope Village ở Weimar, Bắc California, cách Sacramento khoảng 45 dặm. Cả trại có khoảng 600 người Việt tỵ nạn. Bà Tippi lui tới trại hàng tuần, khi một mình, khi cùng với nữ tài tử Kiều Chinh. Nhóm 20 người đầu tiên đi học nghề nail phải học mỗi tuần 5 ngày. Họ đi xe của trại hoặc xe của những người địa phương tình nguyện chở họ tới trường thẩm mỹ Citrus Heights nằm gần Sacramento. Họ học suốt ngày. Các ông chồng ở nhà lo trông giữ con cái. Khi học đủ 350 giờ, họ được đưa đi thi. Tất cả 20 người đều đậu.

Diễn viên Tippi Hedren (áo vàng, hàng trên cùng) và lớp phụ nữ Việt Nam đầu tiên học nghề làm móng ở California, năm 1975.
Ảnh: Thuan Le


Sau khi hoàn tất khóa học, bà Tippi Hedren giúp họ kiếm việc làm. Chúng ta tiếp tục theo bước chân nhân ái của bà Tippi với gia đình bà Thuần như một trường hợp điển hình. Khi bà Thuần cùng chồng, Trung Tá Không Quân Lại Quốc Trang, và ba con nhỏ rời trại về định cư tại Santa Monica dưới sự bảo lãnh của nhà thờ St. Augustin By The Sea. Họ được ở trong một apartment hai phòng ngủ. Khi đã an cư, bà Thuần liên lạc ngay với bà Tippi theo lời dặn của bà. Bà Thuần kể lại: “Lập tức bà Tippi tìm đến thăm gia đình mình. Nhà hai phòng ngủ, một phòng tắm, trẻ con chạy quanh ồn ào náo nhiệt. Bà Tippi bảo mình làm thử móng cho bà coi”. Bà Thuần đã làm xong trong vòng một tiếng. Bà Tippi hài lòng và hứa ngày hôm sau sẽ dẫn đi xin việc. Hôm sau, giữ đúng lời hứa, bà Tippi dẫn bà Thuần tới xin việc tại một salon ở Brentwood. Chủ nhân đã có đủ ba thợ nhưng nể bà Tippi nên vẫn nhận bà Thuần vào làm. Bà Thuần đã làm tới 10 năm tại tiệm này “vì đây là việc bà Tippi đã giới thiệu cho mình nên mình muốn giữ và hãnh diện về nó”.

Năm 1978, một người bạn của gia đình bà Thuần là ông Nguyễn Diễm, nguyên sĩ quan Hải quân, tới thăm bà Thuần tại nơi làm việc. Ông đang làm nghề điện tử nhưng có đầu óc kinh doanh. Quan sát việc bà Thuần làm, ông cùng vợ liền đi học về thẩm mỹ. Sau một thời gian hành nghề, họ quyết định mở trường dạy thẩm mỹ. Trường mang tên Advance Beauty College, trường thẩm mỹ đầu tiên do người Việt thành lập ở Nam California. Một thời gian sau, trường phát triển thành hai trụ sở, một ở Garden Grove và một ở Laguna Hills. Tới nay trường đã đào tạo được 25 ngàn thợ, phần lớn về nghề làm móng. Theo chân trường Advance Beauty College, các trường thẩm mỹ do người Việt thành lập phát triển như nấm mùa mưa.

Nhiều người Việt đã trở thành triệu phú nhờ nghề nail. Tỷ phú có Charlie Tôn Quý, tên Việt đầy đủ là Tôn Thất Khương Quý. Năm 1986, sau khi học xong lớp 8 tại Việt Nam, anh qua Mỹ một mình, định cư tại tiểu bang Lousiana khi mới 14 tuổi. Năm 1995, anh tốt nghiệp kỹ sư hóa học. Anh lập gia đình và bước vào thương trường với số vốn nhỏ nhoi. Vợ anh làm nail nên anh nảy ra ý định mở tiệm cung cấp linh kiện và hóa chất cho các tiệm nail. Hai năm sau, nhân một lần đi mua sắm tại Walmart, anh quan sát và nhận thấy khoảng 70% khách hàng của Walmart là phụ nữ. Anh nảy ra ý định thành lập các tiệm nail ngay bên trong cửa hàng Walmart. Anh thương thuyết với Walmart thành công và các tiệm Regal Nails ngày môt phát triển. Tính tới nay đã có tới 1200 tiệm. Theo anh Charlie Tôn Quý, thị trường nail tại Mỹ đạt khoảng 6 tỷ đô mỗi năm, tại Âu châu và Úc châu khoảng 1 tỷ rưỡi. Mục tiêu anh muốn đạt trong 10 năm tới là 20% thị phần! Doanh thu mỗi năm hiện nay của hệ thống Regal Nails đã lên tới 450 triệu đô.


Tỷ phú ngành nails Charlie Tôn Quý

Từ hai chục người tốt nghiệp đầu tiên, con số người thạo nghề tăng lên theo nhịp độ chóng mặt. Họ tỏa ra hành nghề khắp nước Mỹ, nâng cấp thẩm mỹ, cải tiến quy trình làm việc và…phá giá! Từ 50 đô xuống còn 20 đô. Trước đây chỉ có những người giầu có mới có đủ tiền làm nail, giờ những người trung lưu khác cũng có thể hiên ngang bước vào tiệm. Nghề nail bùng phát và chỉ trong 20 năm, từ 1975 tới 1995, người Việt đã thống lãnh thị trường với tay nghề vững chắc và tinh xảo của những người tỵ nạn. Các chủ tiệm nail người Mỹ và các sắc dân khác mất thị phần nên đã liên minh tấn công kể cả dùng ngón đòn kỳ thị chủng tộc. Nhưng thành trì của người Việt vẫn vững chắc. Sau bốn thập niên kể từ năm 1975, 51% thợ nail ở Mỹ là người Việt. Đặc biệt ở California, thủ đô của người Việt tỵ nạn, tỷ lệ lên tới 80%! Nhiều người Việt đã có những sáng chế đáng kể để cái tiến nghề nail, từ phẩm chất sơn móng tay cho tới các dụng cụ hành nghề. Từ một nghề không có chi vẻ vang, người Việt tỵ nạn làm nail đã cung ứng tiền bạc cho các thế hệ sau theo học các ngành khoa học, kỹ thuật với biết bao người trẻ tuổi đạt được các học vị cao nhất trong các trường đại học Mỹ.

Thế hệ trẻ lớn lên và thành công trong xã hội nhờ sự cặm cụi của những bậc cha mẹ vất vả với nghề nail đã tri ân những hy sinh của thế hệ tỵ nạn thứ nhất. Trong số báo Xuân Người Việt năm 2008, cô sinh viên Huỳnh Thủy Châu, dưới bút hiệu Trần Thủy Châu, đã có một bài viết ngắn vinh danh bà mẹ chồng làm nail nuôi cho ăn học. Kèm theo bài viết là một bức tranh do chính cô vẽ. Bức tranh là một chiếc chậu rửa chân, một dụng cụ hành nghề của những thợ làm nail, màu vàng, được điểm thêm hai giải cờ ba sọc đỏ chạy theo hai bên chậu. Ai cũng nhìn ra đây là quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hòa trước đây, nay là lá cờ biểu tượng của người Việt quốc gia ở ngoài Việt Nam. Bức tranh bị một số người coi là lăng nhục lá cờ thân yêu của người Việt và họ tổ chức biểu tình phản đối. Ông Vũ Ánh, nay đã qua đời, là chủ bút của báo Người Việt, bày tỏ ý kiến: “Khi tôi nhìn lại cái khay đựng nước ngâm chân vẽ màu vàng ấy tôi nghĩ ngay là tác giả mô tả và ẩn dụ lòng hy sinh bao la của bà mẹ chồng làm nghề móng chân. Sự hy sinh đó rất tinh khôi cũng giống như bao nhiêu bà mẹ khác dù sống trong nước hay ở hải ngoại phải làm cái nghề vất vả này dù rằng hàng ngày họ phải đổ mồ hôi và phải nhúng tay vào cái chất nước rửa chân không còn sạch sẽ ấy”. Ông Vũ Ánh sau đó đã xin lỗi độc giả nhưng nhiều người vẫn không thỏa mãn. Họ tiếp tục biểu tình chống đối. Báo Người Việt phải cất chức chủ bút của ông Vũ Ánh và chức thư ký tòa soạn của ông Vũ Quý Hạo Nhiên.


Tranh chậu ngâm chân của Huỳnh Thủy Châu trên báo Người Việt. ( Ảnh: tác giả cung cấp)

Tôi thiển nghĩ đây là một hệ quả của “khoảng cách thế hệ”. Thế hệ trước nghĩ khác thế hệ sau. Thế hệ chúng ta tôn vinh lá cờ như một biểu tượng…thánh. Thánh ngồi trên cao cho chúng dân tôn thờ. Khi tôi còn ở Việt Nam sau 1975, tôi đã phẫn nộ khi nhìn thấy bộ đội lấy những lá cờ quốc gia may quần đùi mặc. Đó là một sự xúc phạm… thánh thần. Qua bên này, tôi thấy các thanh niên thiếu nữ Mỹ và các quốc gia tự do khác may quần đùi, áo lót và thậm chí cả bikini nhởn nhơ đi ngoài đường và nơi các bãi tắm. Họ coi đó là chuyện thường tình. Có lẽ đó là cách họ biểu tỏ thân mật tình yêu tổ quốc. Chuyện hình lá cờ trên chậu rửa chân của cô Huỳnh Thủy Châu cũng được giới trẻ coi như một cách vinh danh các bà mẹ Việt làm nail nuôi con ăn học. Tất cả tùy vào cách nhìn và cách suy nghĩ của mỗi con người, mỗi thế hệ.

Dù sao, nghề làm nail ngày nay được coi là nghề ruột của người Việt tại hải ngoại. Đã có một cuốn phim tài liệu dài 60 phút mang tên “Nailed It” do đạo diễn Adele Free Phạm ở New York thực hiện. Cô Adele Free Phạm nói với đài VOA: “Tất cả các tiệm nail châu Á mà tôi biết đều là của người Việt và tôi nhận thấy chưa có phương tiện truyền thông nào để cập tới hiện tượng này. Điều đó khiến tôi tò mò muốn tìm hiểu và đưa vào thể loại phim tài liệu. Và khi tôi bắt đầu tìm tòi thì càng có nhiều cung bậc thú vị được ghi nhận trong phim”. Phim bắt đầu từ chỗ phải bắt đầu: nữ minh tinh Tippi Hedren và 20 người Việt làm nail tiên phong. Họ đã có một cuộc hội ngộ sau 40 năm. Bà Tippi, nay đã vào độ cửu tuần, xúc động nói: “Tôi yêu mến những người phụ nữ này, cho nên tôi ước muốn điều gì đó thật tốt đẹp sẽ đến với họ, vì họ đã trắng tay khi tới tỵ nạn tại Mỹ. Một số người mất toàn bộ gia đình cũng như mọi của cải tài sản họ có ở Việt Nam: nhà cửa, công việc, bạn bè, mọi thứ đã mất hết. Họ thậm chí mất cả đất nước của họ”.


Nữ đạo diễn Adele Free Pham

“Nail It” gồm những cuộc phỏng vấn các người làm nail. Có những gia đình trải qua ba thế hệ làm nail. Đây là một nghề không cần thông thạo tiếng Anh, không cần trình độ học vấn cao nhưng rất dễ kiếm tiền. Anh Kevin Saint Phạm, một chủ tiệm nail ở California trả lời phỏng vấn: “Thật ra tôi đến với nghề này rất tình cờ. Tôi là một kỹ sư bị cho nghỉ việc. Gia đình bên vợ tôi kêu tôi đi học lấy bằng làm nail. Vậy là tôi bắt đầu, nay đã theo nghề hơn 30 năm rồi”. Đạo diễn Adele Free Phạm cùng đoàn làm phim đã tới nhiều tiểu bang trên khắp nước Mỹ để nói phỏng vấn những người làm nail. Bà cho biết: “Khám phá những cung bậc mà các nhóm người khác nhau cùng tương tác với nhau là môt điều hết sức quan trọng. Và chính cái tiệm nail là một không gian như vậy. Tại đây, tôi đã khai thác cảnh trò chuyện thân tình của các phụ nữ di dân gốc Á với các phụ nữ da màu và các sắc dân khác. Sau hơn 40 năm làm việc trong tiệm nail họ vó thể trò chuyện với khách hàng, kết bạn với biết bao nhiêu người, thử hỏi sự ảnh hưởng của họ đến xã hội Mỹ lớn như thế nào”.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn có định kiến với nghề nail. Đạo diễn Adela kể lại một chuyện: khi cô mang phim “Nailed It” tới trình chiếu tại Đại học San Diego, cô cần sự hỗ trợ của các sinh viên Việt đang theo học tại đây. Một số không muốn tham gia vì họ không muốn “dính” tới nghề nail. Cô thất vọng: “Vì họ có học vị tiến sĩ, họ thuộc đẳng cấp khác”.

Nghề nail là một nghề hái ra tiền, nhất là những chủ tiệm nail. Dĩ nhiên không phải ai cũng tỷ phú như anh Chalie Tôn Quý nhưng bảo đảm họ có một cuộc sống thoải mái dễ chịu về mặt tài chánh. Nhưng chẳng có chuyện gì trên đời này không có mặt nọ mặt kia. Nghề làm nail được về mặt tài chánh nhưng phải đối mặt với các loại hóa chất mỗi ngày. Đây là những sát thủ thầm lặng. Bệnh đường hô hấp hoặc tệ hơn, bệnh ung thư luôn rình rập làm nguy hiểm tới tính mạng. Năm 2007, báo Times đã gọi nghề nail là một trong những nghề tệ hại nhất ở Mỹ vì những sản phẩm hóa chất được dùng trong tiệm. Những thợ nail đã phải hít những hóa chất này liên tục trong 8 tiếng hay thậm chí tới 14 tiếng hoặc nhiều hơn mỗi ngày.

Đại học University of Massachusetts ở Boston đã làm một cuộc nghiên cứu đi tới kết luận là những người thợ nail thường mắc các chứng bệnh như khó thở, nhức đầu, ngứa ngáy, đau nhức các khớp xương, gân hay bắp thịt. Tạp chí American Journal of Epidemiology đã đăng một báo cáo y tế sau một nghiên cứu được thực hiện vào ngày 21/5/2010. Trong 325.228 thợ nail có bắng cấp, đã có 9.044 trường hợp bị ung thư. Tỷ lệ là 0,87%. Tỷ lệ ung thư phổi là 1,21% trên tổng số hành nghề.

Các cụ đã ngôn: sinh nghề tử nghiệp. Nghề nào cũng là nghiệp cả. Thôi thì đành nhắm mắt cho qua. Chẳng lẽ khoanh tay chịu đói. Cứ an tâm vơ tiền và ca bài Que sera sera!

21-6-2023
Song Thao

http://www.songthao.com/?fbclid=IwAR3c3ekYu6lvJunUgNuiVyiIdJZHzp4pQRTbxEVuXwoS2tI-b8d-Gn9BC1c
Website: www.songthao.com


 

 

Việt kiều Mỹ đầu tiên

Song Thao

Học giả Nguyễn Hiến Lê là học… thiệt. Sách của ông toàn cỡ nhức đầu. Từ cổ chí kim, từ đông sang tây. Đại Cương Triết Học Trung Quốc, Nho Giáo, Khổng Tử, Lão Tử, Hàn Phi Tử, Tuân Tử, Lão tử bên đông, bên tây có Lịch Sử Thế Giới , Lịch sử Văn Minh Ấn Độ, Nguồn Gốc Văn Minh, toàn thứ dữ. Ông viết nhiều, viết đủ loại. Theo Wikipedia, tác phẩm của ông được phân chia làm nhiều mục: Triết học (15 cuốn), Lịch sử (10 cuốn), Giáo dục, Giáo khoa (17 cuốn), Chính Trị, Kinh tế (2 cuốn), Gương Danh Nhân (15 cuốn), Khảo luận, Tùy Bút, Du Ký (18 cuốn), Tự luyện, Học Làm người ( 21 cuốn), Văn học, Tiểu thuyết (19 cuốn). Bạn muốn biết di sản đồ sộ của ông gồm bao nhiêu cuốn, xin chịu khó làm một con tính cộng. Tôi ngợp quá nên chẳng tính toán chi được. Trong 19 cuốn được xếp vào danh mục “Văn học, Tiểu thuyết” phần lớn là truyện dịch. Chỉ có cuốn “Con Đường Thiên Lý” được ghi là “tiểu thuyết”. Cuốn tiểu thuyết lạc lõng này ít người chú ý tới. Tôi không phải là ngoại lệ. Phần “học giả” của ông đã lấn lướt phần “nhà văn”. Cho tới mới đây tôi mới biết tới cuốn “Con Đường Thiên Lý” này do một sự tình cờ. Bèn tìm đọc.

“Con Đường Thiên Lý” được nhà xuất bản Văn Nghệ ở California phát hành vào năm 1987, ba năm sau khi ông qua đời. Đây là một cuốn tiểu thuyết của một nhà nghiên cứu nên phần “thực” lấn át phần “hư cấu”. Đọc xong, tôi ngỡ đây cũng chỉ là một cuốn nghiên cứu được viết một cách khác. Nghiên cứu về chuyện người Việt đầu tiên đặt chân tới nước Mỹ.

Truyện bắt đầu vào năm tác giả học năm thứ ba trường Bưởi, chơi thân với một anh bạn tên Trần văn Bảng, con một ông đồ, quê ở Phú Thọ. Anh này rất thông minh, đọc nhiều sách tiếng Pháp ngoài các sách giáo khoa của nhà trường. Một bữa, khi Nguyễn Hiến Lê về quê bạn chơi, anh Bảng tiết lộ một chuyện.
“Anh ngưng lại, mắt long lanh, môi hé một nụ cười. Tôi làm thinh, đợi anh kể. “Lúc nãy anh bảo người Việt đầu tiên qua Hoa Kì là Bùi Viện. Sai. Người đầu tiên là cụ Trần Trọng Khiêm”. “Trần Trọng Khiêm là ai? Ở thời nào vậy? Tôi không nghe tên đó”. “Cũng sống ở triều Tự Đức như Bùi Viện, nhưng sanh ở đầu đời Minh Mạng, hơn Bùi Viện khoảng hai chục tuổi. Chúng ta không biết rõ Bùi Viện qua Hoa Kì năm nào, nhưng tôi biết chắc cụ Trần Trọng Khiêm đặt chân lên đất Hoa Kì năm 1849 và đã sống ở Hoa Kì bốn năm năm”. “Lạ nhỉ. Một điều quan trọng như vậy mà sử không chép”. Tôi ngồi dậy, tu một hớp nước trà tươi mang từ nhà. Anh cũng ngồi dậy và bắt đầu kể. “Cụ Trần Trọng Khiêm là em một ông cụ sáu đời của tôi, cụ Trần Mạnh Trí. Nhà chỉ có hai anh em trai, gái còn mấy người nữa nhưng gia phả chúng tôi không ghi. Cụ Khiêm sanh năm Tân Tị (1821), năm thứ nhì triều Minh Mạng, mắt sáng, da ngăm ngăm, thân hình vạm vỡ, mười tám tuổi đã học đủ các lề lối khoa cử, nổi tiếng văn hay chữ tốt trong miền, được thầy học quí lắm, hy vọng sẽ làm vẻ vang cho trường. Nhưng tính tình cương cường, hào hiệp, coi thường khoa cử, không thích công danh”.

Sở học từ nhà trường khiến tôi vẫn đinh ninh người Việt đầu tiên đặt chân tới Mỹ là cụ Bùi Viện.
Không phải một lần mà tới hai lần. Năm 1873, cụ Bùi Viện xuống thuyền từ cửa biển Thuận An ở kinh đô Huế, ngược đường ra Bắc, đáp tàu đi Hương Cảng. Khi đó Hương Cảng là đầu mối giao thông nối châu Á với thế giới phương Tây. Tại đây, cụ Bùi Viện đã kết thân được với viên Lãnh Sự Hoa Kỳ. Cụ ngỏ ý muốn sang cầu viện Hoa Kỳ. Viên Lãnh Sự đã viết một thư giới thiệu với một người ở Mỹ có thể giúp cụ tiếp cận được với Tổng thống Mỹ. Cụ Bùi Viện lập tức quay trở về Huế để trỉnh sự việc với vua Tự Đức. Sau đó cụ tiếp tục qua Nhật và đáp tàu đi San Francisco. Cụ lưu lại đây khoảng một năm để vận động và được Tổng thống thứ 18 của Hoa kỳ là Ulysses Grant tiếp kiến. Lúc này Mỹ và Pháp có chiến tranh với nhau tại Mexico nên Tổng thống Grant cũng muốn giúp một nước đang bị Pháp uy hiếp. Nhưng Bùi Viện không có quốc thư nên hai bên không thể chính thức giao ước.
Cụ Bùi Viện phải quay về nước để tâu tình hình và trình những điều mắt thấy tai nghe tại Mỹ cho nhà vua. Vua Tự Đức bằng lòng trao quốc thư cho cụ Bùi Viện theo lề lối ngoại giao chính thức. Cụ Bùi Viện lại lên đường qua Mỹ. Năm 1875, sứ thần Bùi Viện trình quốc thư lên Tổng Thống Grant nhưng xui xẻo gặp lúc Mỹ và Pháp hết thù địch nên Tổng thống Mỹ đã khước từ không giúp Việt Nam chống Pháp.
Năm 1873 cụ Bùi Viện mới xuống tầu đi Hương Cảng. Không biết chính xác năm nào cụ đặt chân tới Mỹ. Trong khi đó, cụ Trần Trọng Khiêm được biết chính xác đặt chân tới Mỹ vào năm 1849. Vậy chuyện cụ Bùi Viện mất một kỷ lục là chuyện chính xác.
Nhưng tại sao cụ Khiêm lại lưu lạc tới Mỹ?
Năm 20 tuổi, cụ Khiêm lập gia đình với một phụ nữ họ Lê, người cùng tổng. Ba năm chung sống mà vợ chồng không có mụn con nào. Bà họ Lê này trước đây bị tên chánh tổng muốn ép về làm vợ lẽ nhưng không thành. Tên quan này đem lòng căm thù. Năm 1843, tên chánh tổng này đã giết bà cùng với người lão bộc rồi đốt nhà phi tang. Một năm sau, đúng vào ngày giỗ đầu của vợ, cụ Khiêm giết tên chánh tổng để trả thù cho vợ. Sau đó, cụ bỏ xứ, trốn xuống phố Hiến thuộc tỉnh Hưng Yên, đổi tên là Lê Kim, xuống làm việc cho một tầu buôn ngoại quốc. Đời cụ bắt đâu lưu lạc qua nhiều nước. Vốn thông minh nên chỉ trong 5 năm  cụ học và nói được 4 thứ tiếng: Anh, Pháp, Hoa, Hòa Lan.

Năm 1849, cụ Lê Kim đặt chân tới miền Saint Louis, bên bờ sông Mississipi. Qua New Orleans, tiểu bang Lousiana, Lê Kim theo đoàn người qua miền Tây tìm vàng. Học giả Nguyễn Hiến Lê viết: “Ở Nouvelle Orléans chắc cụ đã xuống một chiếc tầu đồ sộ sơn trắng chở được cả ngàn tấn, có chân vịt ở ngang hông, nhiều bánh xe mà sau này Mark Twain tả trong các tác phẩm của ông. Cụ đã lênh đênh nửa tháng trên con sông Mississippi dài vào hàng nhì hàng ba trên thế giới, ở gần vàm rộng mênh mông như biển cả, đứng bờ bên này không thấy bờ bên kia. Nhìn những khu rừng sên (chêne), những bãi cỏ bát ngát trên bờ, những con cá lớn bằng cả một chiếc thuyền thúng nhảy vọt lên khỏi mặt nước, vẩy bạc, lấp lánh dưới ánh trăng, nghe những tiếng hát lạ tai của biết bao giống người trên chiếc tầu, tuy khác giọng nhưng cùng một niềm nhớ quê, cảm xúc trong lòng cụ ra sao nhỉ?”.
Cụ Lê Kim biết nhiều thứ tiếng nên được làm thông ngôn cho đoàn tìm vàng gồm nhiều quốc tịch, nói nhiều thứ tiếng. Trước đó thủ lãnh của nhóm gồm chừng 60 người đã hỏi về khả năng nói nhiều thứ tiếng của Lê Kim. Cụ bùi ngùi trả lời: “Tôi nói được tiếng Pháp, Anh, Hòa Lan, Trung Hoa và một thứ tiếng khác nữa!”. Thứ “tiếng khác” đó khi ấy chắc chẳng ai biết nên cụ không hài ra. Nhờ có thể tiếp xúc với mọi người trong đoàn bằng ngôn ngữ của họ, Lê Kim được mọi người thán phục. Cụ lại luôn luôn đề cao đạo đức mà cụ đã được dậy dỗ từ thời còn ở trong nước nên tiếng nói của cụ có sức mạnh. Khi đoàn gặp một làng người da đỏ ngăn cản không cho đi qua, trưởng đoàn phải nộp cho họ một số vật dụng, mọi người phản đối vì cho như vậy là nhục. Cụ ôn tồn giải thích: “Họ là những người chất phác, giữ tín mà không sợ chết. Chúng ta phải giữ tín với họ. Sau chúng ta còn nhiều đoàn tìm vàng khác đi qua đây nữa, chúng ta không nên vì cái lợi nhỏ gây nỗi khó khăn cho người sau. Ấy là chưa kể gây với họ thì thế nào cũng có người chết. Thử hỏi bấy nhiêu món có đáng đổi một mạng người không?”. Mọi người cho là phải!
Chuyến đi thiệt cực. Nhiều người bỏ mạng vì đói khát, tật bệnh hoặc thú dữ. Cụ Lê Kim không ham vàng nên khi về tới San Francisco, cụ làm báo. Học giả Nguyễn Hiến Lê viết về chuyện này: “Một hôm cụ Lê Kim vừa về tới chòi, khoe với Hans: “Nhân đi qua tòa soạn Daily Evening, thấy họ dán giấy cần một người làm việc vặt trong tòa soạn biết tiếng Anh, tiếng Pháp, tôi xin vào đại, khoe còn biết cả tiếng Hòa Lan, tiếng Trung Hoa nữa, họ nhận liền: 100 Mĩ kim mỗi tuần, hứa sẽ tăng thêm nếu đắc lực. Công việc tựa như tùy phái, ngồi tiếp khách lại mua báo hay đăng quảng cáo”. Sau đó Lê Kim được làm phóng viên, viết tin tức cho báo. Theo một bài báo của Tiến Sĩ Chu Huy Sơn, Lê Kim đã làm cho hai báo Alta California và Morning Post trước khi làm cho Daily Evening với bút danh Lee Kim.
Chuyện của ông Lê Kim đã được ghi lại trong cuốn sách tiếng Pháp “La Ruée vers L’or” của René Lefèvre, do nhà xuất bản Dumas ở Lyon in vào năm 1937.
Tháng 11 năm 1853, người ta còn thấy Lee Kim, người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới Hoa Kỳ đồng thời là nhà báo Việt Nam đầu tiên, tại Berkeley, Hoa Kỳ. Sau đó Lê Kim về nước. Tiến Sĩ Chu Huy Sơn viết:
“Quá mệt mỏi với cuộc sống hỗn loạn nơi đất khách, nỗi nhớ quê nhà luôn cánh cánh trong lòng, cụ Trần Trọng Khiêm quyết định hồi hương. Đến Hồng Kông, cụ nhập tịch Trung Quốc, rồi về Việt Nam trong thân phận người Minh Hương (người Hoa di cư) với họ tên là Lê Kim. Năm 1854, Lê Kim về tới Nam bộ, liền bắt tay ngay cùng bạn bè khai khẩn đất hoang lập nên ấp Hòa An thuộc phủ Tân Thành, tỉnh Định Tường (nay là Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Cụ Khiêm lập gia đình với một người phụ nữ Nam bộ họ Phan, sinh hạ được 2 người con trai đặt tên là Lê Xuân Lãm và Lê Xuân Lương. Lấy chữ Xuân để nhớ về làng Xuân Lũng”.

Trong gia phả của dòng họ được viết vào năm 1928 cũng đã ghi: “Cụ khai phá miền Hòa An chưa được mười năm, làng xóm vừa mới phong túc, thì nước nhà bị nạn ngoại xâm. Năm Giáp Tí, cụ khảng khái bỏ hết nhà cửa ruộng đất, dùng hết tài sản cùng với cụ  Ngũ Linh Thiên Hộ mộ được mấy ngàn nghĩa quân, phất cờ khởi nghĩa trong Đồng Tháp Mười. Cụ có tài bắn súng, bách phát bách trúng, xây cất đồn lũy, cầm đầu một nhóm lính đào ngũ Pháp, tấn công Cái Bè, Mỹ Quới, quân Pháp trăm phần điêu linh. Cụ bà cũng dắt con theo, thật đáng mặt cân quắc anh hùng. Năm Bính Dần, Pháp đem quân bao vây ba mặt, tấn công đồn Tiền, cụ tổ chúng ta chống cự không nổi, tuẫn tiết. Các đồn khác lần lần thất thủ, nghĩa quân phải rút lui, khí thế suy mòn, sau cùng tan rã. Hỡi ơi! Lòng trời không tựa, tấm gương tiết nghĩa vì nước quyên sinh mà: chính khí nêu cao, tinh thần Hùng Nhị còn truyền hậu thế. Trước khi mất, cụ dặn cụ bà lánh qua Rạch Giá, rán nuôi con, dạy cho con cháu giữ đạo trung hiếu, làm ruộng mưu sinh, đừng trục lợi cầu vinh, đừng ham vàng bỏ nghĩa. Nghĩa quân chôn cụ ở dưới chân giồng Tháp. Năm đó cụ chưa tới ngũ tuần. Cụ bà theo lời dặn, về làng Mỹ Quới cất chòi, làm ruộng, nuôi heo. Họ chúng ta mấy đời nay không ai làm giàu, chỉ mong đủ ăn, giữ được thanh bạch, chính là giữ được cái nếp của các cụ vậy”.

Năm cụ Trần Trọng Khiêm tuẫn tiết là 1866. Cụ hưởng dương đúng 45 tuổi. Trên mộ bia của cụ có ghi đôi câu đối:
“Lòng trời không tựa, tấm gương tiết nghĩa vì nước quyên sinh.
Chính khí nêu cao, tinh thần hùng nhị còn truyền hậu thế”.
Hậu thế ghi công người con yêu của đất nước đã sống một đời hào hùng bằng hai con phố mang tên Trần Trọng Khiêm. Đó là đường Trần Trọng Khiêm tại phường Long Bình, thành phố Thủ Đức. Và tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, con đường Trần Trọng Khiêm nối đường Lê văn Hiến với đường Chương Dương.
*
Cuốn tiểu thuyết “Con Đường Thiên Lý” của Nguyễn Hiến Lê ngả về tài liệu hơn là văn chương. Dù sao, đây cũng là một tài liệu quý về một người Việt chọc trời khuấy nước không chỉ ở trong nước mà còn ở ngoài nước. Khởi đầu cuốn truyện, tác giả đã nhắc tới anh bạn học trường Bưởi tên Trần văn Bảng, người đã hé lộ về cuộc đời của Trần Trọng Khiêm. Anh cũng chính là người đã giữ bức thư bằng chữ Nôm mà Trần Trọng Khiêm gửi về quê nhà ngoài Bắc sau khi trở về miền Nam Việt Nam. Bức thư đã được một Hoa kiều chuyển về Phú Thọ cho người anh ruột tên Trần Mạnh Trí, cụ tổ bảy đời của anh Trần văn Bảng. Thư không dám để tên thật, chỉ ghi là Lê Kim. Ông Trí nhìn qua nét chữ và những ý ngầm gửi trong thư nhận ra đúng là ông em đã gây án mạng và trốn biệt tích từ nhiều năm trước. Ông Trí đã dè dặt, không tin ông Tàu đưa thư nên không viết thư hồi đáp, chỉ nhắn miệng: gia đình ở quê nhà bình an, người đi xa chưa nên trở về lúc này. Nhận được lời nhắn, ông Trần Trọng Khiêm hiểu nên ở lại miền Nam tham gia kháng chiến chống lại thực dân Pháp.
Anh Trần văn Bảng là người đã giữ bức thư này. Anh cho Nguyễn Hiến Lê coi: “Tối đó tôi nhắc anh Bảng kể tiếp chuyện cụ Khiêm. Anh gật đầu, lên nhà trên một lát, rổi trở xuống, vặn to ngọn đèn dầu, đưa tôi coi một tờ giấy bản vàng khè, lủng một vài lỗ, có nhiều nếp gấp gần muốn rách, nét chữ đã mờ nhưng còn đọc được”. Bức thư đã được lưu giữ tới anh Bảng là bảy đời.

Ngày nay người Việt tỵ nạn cộng sản đã định cư tứ tung khắp thế giới. Cộng đồng người Việt tại Mỹ đã đông đảo tới hàng triệu người. Việt kiều đi về Việt Nam như đi chợ. Mấy ai đã có lúc dư thời giờ đặt câu hỏi ai là Việt kiều đầu tiên. Cụ Trần Trọng Khiêm đã một mình ra đi, một mình sống trên đất Mỹ trong nhiều năm trời, một mình quy hồi cố hương. Tôi nghĩ tới sự cô đơn của cụ. Rời cuốn sách điện tử “Con Đường Thiên Lý”, tôi bâng khuâng như rời xa một người thân. Rất xa nhưng cũng rất gần!

02/2023
Song Thao


https://www.facebook.com/profile.php?id=100007265208765
Website: www.songthao.com

 

Đăng ngày 12 tháng 07.2023