Đan viện Thiên An

lên án nhà cầm quyền chỉ đạo côn đồ

phá hủy Thánh Giá, đánh đập thóa mạ các Đan sĩ

GNsP (30.06.2017) – Đan viện Thiên An lên án giới cầm quyền Tỉnh Thừa Thiên Huế bao che, bảo kê, tiếp tay cho trên dưới 200 côn đồ, công an, an ninh mặc thường phục, nhóm phụ nữ tự tiện xông vào nội vi Đan viện, mang hung khí tấn công các Đan sĩ, tháo dỡ, làm bể tượng, bẻ cong cây Thánh Giá nằm trong khuôn viên vườn cam thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện từ những năm 1940.

Tỉnh Thừa Thiên Huế bao che, bảo kê, tiếp tay cho côn đồ, công an, an ninh mặc thường phục, nhóm phụ nữ tự tiện xông vào nội vi Đan viện, mang hung khí tấn công các Đan sĩ Đan viện Thiên An, tháo dỡ, làm bể tượng, bẻ cong cây Thánh Giá.
Điều này đã “vi phạm pháp luật quốc gia và công ước quốc tế, vừa ngang nhiên thách thức tôn giáo, thách thức dư luận, thách thức những ai yêu chuộng công lý và hòa bình”. Linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức, Bề trên Đan viện Thiên An, khẳng định.
Sự việc xảy ra trong hai ngày vào ngày 28-29.06.2017 tại khu vực Đồi Khổ Nạn – nội vi Đan viện Thiên An. Nhóm côn đồ đã dùng các hung khí như: cưa sắt, búa tạ lớn, xà beng, cuốc xẻng… giật sập, bẻ cong và bật gốc cây Thánh Giá. Họ còn dùng tuýp sắt, cây gậy ba khúc… túm tóc, bóp cổ, đánh đập, hành hung các Đan sĩ khiến nhiều thầy bị thương và đổ máu, một thầy bất tỉnh tại chỗ và sức khỏe suy sụp.
Sau đây là nội dung Thông cáo Báo chí của Đan viện Thiên An do Bề Trên Đan viện là Linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức ký vào ngày 29.06.2017.



Pv.GNsP


Cưỡng chế đất, cơ sở tôn giáo và hệ lụy

Hòa Ái

An ninh và côn đồ đến đập phá thánh giá tại Đan viện Thiên An.
An ninh và côn đồ đến đập phá thánh giá tại Đan viện Thiên An

Vụ việc Đan viện Thiên An trong thời gian qua liên tục bị lực lượng chức năng địa phương theo dõi, sách nhiễu thậm chí ra tay hành hung những tu sĩ tại đó do xung đột đất đai giữa tu viện Công giáo này với chính quyền Thừa Thiên-Huế.
Đây có phải chỉ là một vụ việc đơn lẻ? Và nếu tình trạng phổ biến sẽ dẫn đến hệ lụy gì?
Cơ sở tôn giáo bị trưng thu
49 héc-ta đất rừng thông thuộc sở hữu của Đan viện Thiên An, được Ty Điền địa Thừa Thiên-Huế chứng nhận từ năm 1959, bị chính quyền Thừa Thiên-Huế trưng thu hồi năm 1998 để xây khu du lịch mà không bồi hoàn một đồng nào cho Đan viện Thiên An.
Quá trình khiếu nại, kiện tụng từ địa phương đến trung ương trong suốt thời gian dài của các vị tu sĩ ở Đan viện Thiên An về 49 héc-ta đất rừng thông vừa nêu không được giải quyết.
Không những vậy, hồi đầu tháng 5 năm 2017, các vị tu sĩ còn bị chính quyền và những cơ quan truyền thông bôi nhọ với cáo buộc “có những phần tử xấu trong Đan viện Thiên An tàn phá rừng thông đặc dụng trên 60 năm tuổi”. Đơn thư yêu cầu giải quyết thông tin không đúng sự thật của Đan viện Thiên An được chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế hứa sẽ làm việc trong tháng 8 tới đây.
Tuy nhiên, trong hai ngày liên tiếp 28-29/6 vừa qua, một lực lượng đông đảo khoảng 100 công an, an ninh và côn đồ đến đập phá thánh giá cũng như hành hung các tu sĩ. Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi, người phát ngôn của Đan viện Thiên An cho RFA biết vụ việc xảy ra là do Đan viện quyết tâm bảo vệ 107 héc-ta tổng thể đất đai còn lại của Đan viện trước những dấu hiệu cho thấy chính quyền địa phương rắp tâm chiếm đoạt và bán cho các công ty Đài Loan.
Không chỉ Đan viện Thiên An mà nhiều cơ sở tôn giáo khác nhau từ Bắc vô Nam đều buộc phải ký vào các văn bản hiến tặng hoặc cho mượn đất đai và tài sản vật chất bởi sức ép của chính quyền Cộng sản sau năm 1975. Chúng tôi có thể trưng dẫn trường hợp điển hình như khu đất Tòa Khâm sứ cũ bị trưng dụng để xây dựng công viên hồi năm 2008, Nhà dòng nữ tu ở Vĩnh Long, thuộc Dòng thánh Phao Lồ bị tịch thu hơn 30 năm và đến năm 2008 nhà dòng bị mua bán để làm khu du lịch. Hay hai trường hợp mới nhất có thể kể đến gồm Chùa Liên Trì, ở quận 2, Sài Gòn bị cưỡng chế san bằng hồi đầu tháng 9 năm nay và tu viện Dòng Mến Thánh giá, giáo xứ Thủ Thiêm, được thành lập trên 177 năm, đứng trước nguy cơ bị giải tỏa và di dời do đề án xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận mặc dù Chính phủ Việt Nam chủ trương hạn chế trưng dụng đất đai của các cơ sở tôn giáo, trong đó có Công giáo. Và đối với những cơ sở Công giáo đã hiến tặng cho chính quyền với mục đích được sử dụng vào từ thiện hay công ích xã hội mà nhận thấy việc sử dụng không còn theo như yêu cầu ban đầu thì các cơ sở này có nhu cầu cần dùng sẽ được chính quyền có thể xem xét trả lại. Thế nhưng, hầu hết các trường hợp xin xét duyệt được trả lại của các cơ sở tôn giáo đều không được chấp thuận.


19424403_1397197467066340_264498422109060923_n.jpg
Một Đan sĩ Đan viện Thiên An bất tỉnh sau khi bị côn đồ tấn công (Tin Mừng Cho Người Nghèo)

Trả lời câu hỏi của RFA về khía cạnh lịch sử, văn hóa thì những di tích tôn giáo như nhà thờ, chùa chiền, đền miếu nên được bảo tồn và gìn giữ hay không, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã cho biết quan điểm của ông:
“Về nguyên tắc thì tất cả những gì liên quan đến di tích lịch sử văn hóa là không nên đụng tới. Bởi vì nếu đụng tới thì có hệ lụy không hay. Theo tôi, nếu gọi là một di tích lịch sử hay di tích về văn hóa thì phải được tôn trọng. Không phải chính quyền tôn trọng mà tất cả người dân cũng phải tôn trọng. Một quốc gia biết tôn trọng văn hóa lịch sử của mình thì tự nhiên đất nước đó sẽ phát triển. Bởi vì nếu tự hào với lịch sử văn hóa của mình thì mình sẽ có động lực để làm cho đất nước mình phát triển. Còn không biết khai thác và sử dụng thì theo tôi cuối cùng sẽ không hay.”
Hậu quả ra sao?
Mặc dù việc trưng dụng đất đai và tài sản tôn giáo tại Việt Nam trong suốt hơn 4 thập niên qua được chính quyền giải thích phục vụ cho nhu cầu xây dựng và phát triển quốc gia, nhưng hiệu quả từ việc làm này cho đến nay vẫn chưa có một thống kê chính thức nào được công bố. Ngược lại, một trong những hậu quả nghiêm trọng như Tiến sĩ Nguyễn Nhã đề cập đến “hệ lụy không hay” là sự xung đột giữa chính quyền với tôn giáo trong vấn đề tranh chấp đất đai. Nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng nhận định:
“Qua việc đụng tới đất đai của tôn giáo, đặc biệt đụng tới đất đai của các cơ sở Công giáo thì điều đó không phải là chỉ ảnh hưởng đến niềm tin hay lòng tin của giáo dân đối với Chính phủ, chế độ hay đảng cầm quyền mà còn khuấy động cả một cuộc xung đột giữa Công giáo và Cộng sản mà đã từng xảy ra trong quá khứ. Đây mới là nguy cơ rất ghê gớm. Cho nên việc đụng tới một cơ sở đất đai tôn giáo như Đan viện Thiên An thì rõ ràng có thể nói là một tình huống mà chính quyền đã hành xử cực kỳ thiếu ngôn ngoan.”
Chúng tôi cũng tìm hiểu về ích lợi kinh tế, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đưa ra một ví dụ, diện tích đất 600 m2 của Chùa Liên Trì, vừa bị cưỡng chế, theo giá thị trường hiện tại có thể thu về 60 tỷ đồng. Theo suy luận của một nhà kinh tế, ông Phạm Chí Dũng cho rằng số tiền này là không lớn đối với chính quyền và hiệu quả kinh tế mang lại cho quốc gia từ diện tích đất đai của Chùa Liên Trì trong tương lai như thế nào thì chưa ai biết. Nhưng rõ ràng, thực tế cho thấy chính quyền quận 2 cưỡng chế đất đai Chùa Liên Trì sai luật theo Luật Đất đai 2013 cũng như vi phạm Luật Tố tụng Hành chính 2010.
Qua tìm hiểu và tiếp xúc với một số cơ sở tôn giáo ở Việt Nam bị trưng thu đất đai, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận sự phân hóa ngày càng lớn giữa chính quyền với tôn giáo trong tranh chấp đất đai đến mức các tổ chức nhân quyền thế giới lên tiếng cáo buộc Hà Nội không quan tâm gì về tâm linh, tín ngưỡng của người dân, thậm chí đàn áp tôn giáo qua việc cưỡng chế đất đai thờ tự và tu tập.

http://www.rfa.org/vietnamese/


Thư từ giã bạn đọc
Đây là bài sau cùng tôi viết hàng tuần cho các báo ở nước ngoài. Tôi sẽ ngưng viết loạt bài này vì lý do sức khỏe, không vì bất cứ lý do nào khác.
Hơn 60 năm cầm bút, tôi không có gì đáng tự hào bởi chỉ như người lính trên đường trường hành quân không biết mình đã bắn được bao nhiêu viên đạn. Tất cả chỉ vì ba lời thề “TỔ QUỐC – DANH DỰ- TRÁCH NHIỆM” mà tôi đã thề trước khi trở thành người lính của Quân Đội VNCH. Tôi còn thua cả những đồng đội của tôi đã vĩnh viễn ra đi hoặc bỏ lại một phần thân thể mình trên chiên trường, trở về với cuộc sống vất vưởng nơi quê nhà.
Trong lá thư ngắn hôm nay, trước khi ngừng viết, tôi xin gửi lời cảm tạ đến tất cả bạn bè, các bạn đọc của các báo và các khán thính giả và các cơ quan truyền thông, các đài phát thanh truyền hình đã từng có thời gian dành cho tôi những tình cảm đặc biệt. Bây giờ đầu óc tôi không còn được minh mẫn nữa, khi nhớ khi quên… đã đến lúc phải biết mình nên dừng lại ở đâu.
Tôi chắc chắn trong những bài viết của tôi có nhiều khiếm khuyết, mong được sự bao dung thông cảm của các bạn.
Văn Quang – Sài Gòn ngày 20 tháng 6 -2017

 

Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

1. TP HCM cho dân giám sát 4 bãi xử lý rác
Tại kỳ họp bất thường của Hội Đồng Nhân Dân (HĐND) TP HCM về công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải ngày 11/6, Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa cho biết, Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo trong tháng 7 chủ đầu tư 4 khu xử lý rác Đa Phước, Vietstar, Tâm Sinh Nghĩa và Phước Hiệp phải mở cửa định kỳ cho người dân vào giám sát tình hình môi trường.
Ông Khoa nói dẫn chứng khu xử lý rác Đa Phước vừa bị phạt gần 1,6 tỷ đồng do vi phạm công tác bảo vệ môi trường trong quá trình vận hành vào cuối năm ngoái.
Phó chủ tịch phụ trách khối giao thông - đô thị của TP HCM cho biết, sau khi người dân phản ánh mùi hôi vào giữa năm ngoái, thành phố yêu cầu Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS, chủ đầu tư bãi rác Đa Phước) triển khai 10 giải pháp để giảm thiểu mùi hôi, bảo vệ môi trường.
Chính quyền thành phố cũng yêu cầu chủ đầu tư bãi rác Đa Phước đến năm 2020 phải chuyển 1.000-2.000 tấn rác sang công nghệ xử lý hiện đại, số rác còn lại phải tăng cường xử lý tốt.
- Người dân nào dám bén mảng vào bãi rác đó để giám sát? Ai cho phép anh bước vào đó? Giấy phép đâu? Các quan đã báo cho ông chủ công ty “xử lý tốt” rồi, không việc gì tới lượt anh dân mò vào giám sát.
Khi người dân phản ánh mùi hôi vào giữa năm ngoái mà đến năm nay vẫn chưa làm.
Vậy là từ nay đến mãi năm 2020, tính ra còn 3 năm nữa. Các quan ở nhà lầu, mặc xác thằng dân sống với mùi hôi thối từ các bãi rác.
Về các khu xử lý chất thải khác, ông Khoa cho biết thêm từ nay đến 31/7, UBND thành phố sẽ rà soát hết các dự án xử lý chất thải, phải có báo cáo nghiệm thu về bảo vệ môi trường để đến cuối năm nay tất cả các dự án bắt buộc phải có nghiệm thu về môi trường. "Sau ngày 31/12 những đơn vị không chấp hành, tùy theo mức độ vi phạm thành phố sẽ phải yêu cầu ngưng hoạt động".
- Các quan đã bắt tay với chủ nhà thầu rồi, chỉ dọa chơi thế thôi, đừng mong nó ngưng hoạt động. Chưa biết chừng nó còn hoạt động rầm rộ hơn.

2. Mặc bikini nhảy múa ở Đầm Sen được mang ra Quốc Hội
Trong thời gian này Mặc bikini nhảy múa ở Đầm Sen làm “nóng” Quốc hội.
Trước diễn đàn Quốc Hội được đưa ra trước diễn đàn Quốc Hội ngày 14 tháng 6 vừa qua: Trẻ em bị các gameshow khai thác đời tư để câu khách, bị thương mại hóa.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) Hiện nay có tình trạng, các hoạt động văn hóa có những biểu diễn rất phản cảm trước trẻ em, như vụ nhảy múa “phản cảm” ở Đầm Sen.
Ông nói thêm: “Bộ trưởng phải quan tâm hơn về việc quản lý tình trạng xuống cấp đạo đức và văn hóa ứng xử ngay trong chính môi trường văn hóa biểu diễn nghệ thuật mà ngành văn hóa, thể thao, du lịch đang quản lý. Bộ trưởng phải quan tâm hơn về việc quản lý tình trạng xuống cấp đạo đức và văn hóa. Bộ trưởng phải quan tâm hơn về việc quản lý tình trạng xuống cấp đạo đức và văn hóa ứng xử ngay trong chính môi trường văn hóa biểu diễn nghệ thuật mà ngành văn hóa, thể thao, du lịch đang quản lý. Các gameshow này, giá trị giải trí nặng hơn giá trị giáo dục. Hình thức biểu diễn khai thác yếu tố riêng tư của trẻ để câu khách là chính.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ: “Vấn đề đại biểu nêu rất rộng, lớn và cấp bách về đạo đức, văn hoá ứng xử. Ông phải công nhận đúng như đại biểu nói, việc tham gia biểu diễn vì mục đích câu khách, thương mại…
Việc trẻ em bị các gameshow hát nhạc người lớn, diễn xuất khóc- cười trước ống kính như những “ông cụ non, bà cụ non”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên phải kêu lên: “Gần đây xuất hiện một số chương trình trên truyền hình bắt trẻ con làm người lớn nhiều quá!”
Có vẻ như một số trong những nghệ sĩ này nhờ một chút năng khiếu, nhờ chút cơ hội, thêm chút tài năng và sự láu lỉnh của nghề, các em chợt thấy mình ngôi sao, các em chợt thấy mình đỉnh cao, và bất cần dư luận, bất cần văn hóa ứng xử, ngông cuồng, hỗn láo, tự cao tự đại, chảnh chọe là căn bệnh chung”. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh
nói thẳng ra rằng “Một số trong những nghệ sĩ này nhờ một chút năng khiếu, nhờ chút cơ hội, thêm chút tài năng và sự láu lỉnh của nghề, các em chợt thấy mình ngôi sao, các em chợt thấy mình đỉnh cao, và bất cần dư luận, bất cần văn hóa ứng xử, ngông cuồng, hỗn láo, tự cao tự đại, chảnh chọe là căn bệnh chung”.
- Không phải đến bây giờ các ông “đại biểu dân” mới nhào ra Quốc Hội kêu toáng lên như thế, chuyện mấy chú nhóc ở VN ti toe mới hát được vài bài đã được các đàn anh đàn chị dạy dỗ cho nhẩy ra sân khấu múa may quay cuồng, đầu tóc nhuộm xanh nhuộm đỏ như những thằng điên để kiếm tiền. Nếu cứ nhìn vào những buổi “đại nhạc hội” được quảng cáo ầm ỹ nào là “thần đồng” - “quái kiệt” sẽ trổ tài ca múa như các sao Hàn Quốc… đã làm các “ông cụ non ca sĩ” ở VN trở nên hư hỏng, bất cần học hành cũng thành “ranh ca”. Đi đâu cũng nói năng “hỗn láo, chãnh chọe” là do các đàn anh đàn chị cả thôi. Không chỉ ở các thành phố lớn mà ngay ở các làng xã các em con nhà nghèo cũng háo hức muốn làm “ranh ca”.
Trở lại vụ các cô gái chân dài ăn mặc hở hang, lắc theo điệu nhạc sôi động và thi nhau uốn éo thể hiện những động tác khêu gợi dục trong khi có rất nhiều trẻ em ngồi xem chương trình.
Ai đã cho phép các chương trình này biểu diễn? Phải chăng đã có sự thỏa thuận ngầm giữa các vị có trách nhiệm về “văn hóa đạo đức”?

3. Môi trường TP HCM rất đáng lo ngại
Trong kỳ họp thứ bất thường về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố sáng 11/6, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng chất lượng môi trường trên địa bàn rất đáng lo ngại. Bà nói: "Ô nhiễm ở các mức độ khác nhau trên tất cả các lĩnh vực chưa được cải thiện như nước mặt, nước ngầm, nước thải, không khí, tiếng ồn… đặc biệt là bùn thải chưa được xử lý; tất cả đều vượt chuẩn cho phép. Tình hình ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp, gây bất bình trong nhân dân".
Ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng, cho biết thên: TP HCM đang chịu áp lực lớn bởi ba tác động môi trường gồm: gần 1,8 triệu m3 nước thải và 8.300 tấn chất thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường mỗi ngày; khí thải từ 7,9 triệu phương tiện giao thông và hơn 830 nguồn khí thải công nghiệp và rất nhiều nguồn thải khác.
Về xử lý, trong 8.300 tấn rác thải sinh hoạt của thành phố, hiện bãi rác Đa Phước (Bình Chánh) chôn lấp khoảng 5.500 tấn mỗi ngày, số còn lại được tái chế tại các đơn vị thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc - Củ Chi.
Theo ông Thắng, việc thu gom, xử lý chất thải rắn còn một số bất cập như: thiết bị thu gom rác thải dân lập quá cũ, thô sơ, kết nối giữa thu gom tại nguồn và vận chuyển không đồng bộ.
- Các quan mua toàn thứ hàng quá cũ tính theo giá mới số chênh lệch không biết bao nhiêu tỉ chui vào túi ai? Lại đổ cho dân vận chuyện toát mồ hôi “không đồng bộ”. Các quan đổ thừa cho lớp dân đói nai lưng ra đẩy xe bò từ sáng đến tối chưa xong việc, chưa được cầm bát cơm ăn. Các quan cứ việc ngồi đó chén chú chén anh, nhởn nhơ vui với các em chân dài ở Đầm Sen chui vào cửa sau.
Vậy đừng hỏi tại sao các em nhỏ không “hỗn láo” và các cô gái VN thích đua đòi đi khoe thân để kiếm tiền. Văn hóa đạo đức VN chưa bao giờ xuống cấp như “thời đại anh hùng” này!
Văn Quang – Sài Gòn ngày 21 tháng 6-2017


Họa sĩ Nguyễn Nhân bị kỷ luật

vì bức tranh "Biển chết"

Bức tranh Biển Chết của họa sĩ Nguyễn Nhân.
Bức tranh "Biển chết" của họa sĩ Nguyễn Nhân

Ngày 28 tháng 6 năm 2017, trên trang facebook của họa sĩ Nguyễn Nhân tại Trà Vinh có đăng quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh thi hành kỷ luật ông về bức tranh Biển Chết của ông. Quyết định này ký vào ngày 1 tháng sáu.
Bức tranh vẽ một phụ nữ đội nón lá ngồi trên bãi biển xung quanh là những con cá chết.
Quyết định của tỉnh Trà Vinh nói rằng sẽ thu hồi giải thưởng mà tác giả bức tranh lấy được trong cuộc thi Sáng tác mỹ thuật của tỉnh vào năm 2016, lấy lại những món tiền trợ cấp sáng tác cho tác giả, thu giữ bức tranh làm tang vật.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân, đồng thời cũng là một họa sĩ bình luận:
Tôi chưa gặp anh Nguyễn Nhân bao giờ, tôi cũng không biết là bức tranh đó có trong triển lãm hay không. Tôi chỉ nhận được thông tin về hai văn bản đó thôi.
Cho dù có trong triển lãm thì văn bản đó sai pháp lý. Thứ nhất nó không phải là hệ qui chiếu về mặt pháp luật theo cái nghĩa là anh phạm pháp.
Tôi bày tỏ thái độ qua tranh vẽ, đó là nghệ thuật. Nghệ thuật đó có thể anh thích hay không thích. Nhân đây cũng nói rằng tôi không thuộc trường phái của anh Nhân, nên bức tranh đó tôi thấy cũng bình thường. Nhưng không có ai được nhân danh vượt ngoài pháp luật.
Hội mỹ thuật là một hội để anh em hoạt động văn hóa nghệ thuật. Chứ không để qui chiếu vấn đề chính trị. Biển chết là một thực tế. Chúng ta không thể phủ nhận được điều đó.
Bức tranh đó thể hiện cũng bình thường, nhưng nó bị đẩy lên chính trị như thế này thì tôi cho rằng những người ra văn bản này, thứ nhất là không am hiểu nghệ thuật, thứ hai là một loại chính trị ấu trĩ.
Đó là quan điểm riêng của tôi, và tôi nghĩ giới văn học nghệ thuật phải lên tiếng bảo vệ một họa sĩ như thế này.
Tôi chưa gặp anh, tôi chưa quen biết, nhưng về quan điểm cá nhân, tôi sẽ bảo vệ và ủng hộ anh. Bởi vì không ai được quyền nhân danh bất cứ cái gì, trong văn bản không ghi rõ anh phạm tội gì. Nếu bảo đó là tội…. biển chết? Nó không phải là tội. Ai cũng được quyền bảo rằng biển của mình chết rồi, cá của mình chết rồi.
Thành ra ở đây tôi cho rằng khi tôi lên tiếng chuyện này, là ở một thái độ của một người sáng tác, một người làm nghệ thuật, và sau đó là thái độ của một công dân.
Tôi xin nhấn mạnh là thái độ công dân. Họa sĩ đã có thái độ công dân. Và chúng tôi ủng hộ thái độ công dân đó.
Kính Hòa: Có một chuyện nữa là trong quyết định này có nói là thu hồi những khoản tiền hỗ trợ sáng tác mỹ thuật. Với tư cách một nghệ sĩ, một họa sĩ, thì thưa anh, ở Việt Nam người nghệ sĩ có phải sống nhờ vào các khoản tiền này hay không?
Họa sĩ Đỗ Trung Quân: Thú thật là tôi không có trong hội mỹ thuật, nên tôi không rõ cái vấn đề này nó như thế nào. Nhưng mà cho dù như thế nào thì tôi thấy chuyện đó cũng tầm thường lắm. Bây giờ anh em họa sĩ thừa sức đóng góp để anh ấy trả lại cho hội, cho nhà nước cái đó. Nhưng thú thật tôi không có trong hộ nên không rõ những qui định về tiền bạc như thế nào.
Kính Hòa: Ông đánh giá thế nào về thái độ của ngệ sĩ Việt Nam, những họa sĩ, sự độc lập với chính trị, sự lên tiếng hiện nay thưa ông?
Họa sĩ Đỗ Trung Quân: Tôi nghĩ như thế này, trong mỗi hình thái của nghệ thuật, âm nhạc, văn chương, nghệ thuật, hội họa, v.v… thì người nghệ sĩ ngoài chuyện sáng tạo của mìn, anh còn một thái độ nữa, anh còn phải song hành với vận mệnh của đất nước. Tôi biết có nhiều người, trong ba lĩnh vực đó, trong những lãnh vực khác hơn, đã tránh né vấn đề này. Họ quan niệm rằng chính trị không phải là vấn đề của người nghệ sĩ.
Nhưng xin thưa rằng hôm nay trên bàn ăn chúng ta không còn một con cá mà chúng ta ăn an toàn nữa, thì chính trị đã vào tới bàn ăn rồi.
Và nghệ thuật không được tách rời khỏi vận mệnh của đất nước, không được, không được từ chối quyền làm công dan của đất nước, nếu chúng ta là công dân của đất nước đó. Nên tôi cho rằng tôi không lên án những người né tránh vấn đề đó, tôi không lên án. Họ được quyền chọn lựa thái độ. Còn cá nhân tôi, và người họa sĩ như anh Nhân, đã chọn lựa một thái độ, trước hết là thái độ của một công dân, sau đó là thái độ của một nghệ sĩ được trình bày qua tác phẩm.
Kính Hòa: Điều ông nói làm nhớ lại một người cộng sản tiên phong là ông Hải Triều có nói rằng nghệ thuật phải vị nhân sinh, chứ không chỉ vị nghệ thuật.
Họa sĩ Đỗ Trung Quân: Vâng câu đó chúng ta ai cũng biết rồi, có lẽ nó cũng không nằm ngoài vấn đề như tôi trình bày, đó là thái độ công dân. Ngoài vấn đề vị nghệ thuật, tôi nói là sau khi chúng ta có thái độ công dân chúng ta cũng có quyền vị nghệ thuật như thường, không ai cấm chúng ta cả, sáng tạo mà.
Kính Hòa: Tức là lúc đầu những người cộng sản họ muốn nghệ thuật vị nhân sinh, nhưng khi họ cầm quyền rồi thì có thái độ khác?
Họa sĩ Đỗ Trung Quân: Tôi nghĩ vấn đề này chúng ta còn biết trong nhiều lãnh vực nữa chứ không chỉ trong vấn đề sáng tạo thôi.
Kính Hòa: Rất cám ơn ông Đỗ Trung Quân.
Chúng tôi đã liên lạc với họa sĩ Nguyễn Nhân ở Trà Vinh để tìm hiểu về vụ việc, nhưng ông hiện đang dưỡng bệnh, và chúng tôi không thực hiện được cuộc phỏng vấn.
Ngày 29 tháng sáu, họa sĩ Hồ Minh Quân, hội viên Hội mỹ thuật Việt Nam trả lời báo tuổi trẻ rằng Hội văn học nghệ thuật tỉnh Trà Vinh không có quyền thu giữ bức tranh Biển chết của họa sĩ Nguyễn Nhân. Họa sĩ Hồ Minh Quân có đề cập đến nghi vấn vi phạm tác quyền của bức tranh, nhưng không có gì rõ ràng.
Trong Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc thi hành kỷ luật đối với họa sĩ Nguyễn Nhân không thấy đề cập đến việc ông Nguyễn Nhân vi phạm bản quyền một cách cụ thể, trong các điều khoản của quyết định. Nhưng quyết định này lại có đề cập đến 1 điều luật về vi phạm tác quyền ở phần mở đầu.

http://www.rfa.org/vietnamese

 

 

Đăng ngày 04 tháng 07.2017