Tửu nhân bôi…hề tửu nhân

Phí Ngọc Hùng

 

Đó là cái quán cột tre cật, nền đất thô phẳng lì, tường trát bùn trộn trấu, mái nứa đập dập khít lại lợp rơm trông cũng tươm tất. Chủ quán làông phó Canh, con của một ông đồ nát chữ, chả là bố ông mượn câu học kinh bất minh, bất như quy “canh”, hàm ý học sách không thông, không bằng về đi cầy đặt tên cho ông.

Chuyện là bố ông người miền bể, giang bạt kỳ hồ ghé đây thấy vùng đồng bái quê mùa nằm ở thế đất quần ngư với chuôm đầu rồng, gò bút nghiên. Cổng làng là hai cột gạch, có hai câu đối bình bộ nghè địa đa thiểu khách vãng lai đạo lý sĩ hiền môn, nôm na làng hiếu khách là…kẻ sĩ, tên làng lại là làng Nghè. Thế là bố ông ở lại bẻ chữ kiếm cơm nhưng không đủ vắt mũi đút miệng, chỉ vì đất này thám hoa, bảng nhãn đông như tổ đỉa. Rồi thân già vác dùi nặng, tự dưng quàng cái ách vào người với cái quán bát nháo trên. Quán ế ẩm, bố ông càng thất chí tợn, nốc rượu nhiều hơn khách mong dục phá sầu thành tu dụng tửu. Sáng chiều bố ông ôm cái hồ trường nghêu ngao dữ nhi đồng tiêu vạn cổ sầu hiểu theo nghĩa…cùng với mày, ta tiêu tán nỗi buồn nghìn năm.
Đột nhiên bố ông đốc chứng đóng cửa tạ khách, ngao du sơn thủy, hết xuân sang hạ, khi xuống núi nghe chim kêu trên cành, lúc lên non ngắm mây đi trên giời. Tối tối đốt mười hai nén hương như thập nhị bát tú, thắp bẩy ngọn nến như thất tinh đàn để quần ẩm với bằng hữu. Bố ông tòan nói chuyện vờn trăng trên nước, mò kim dưới duyềnh như Lý Bạch. Chuyện ông Trích Tiên mò trăng dưới nước, rơi tòm xuống sông chết đuối vì rượu ai chẳng hay. Vậy mà bố ông chẳng chịu chừa cho, để ông bây giờ mắc cái nợ nhân gian. Một ngày lên non cưỡi mây về bố ông bị thổ tả, trống điểm canh tư, biết mình không qua nổi canh đọa. Định phận tại thiên thư, bố ông bò dậy, phều phào trăn trối chỉ xuống dưới gầm chạn có cái túi bọc da trâu, túm tó bằng dây chão buộc gầu tát nước, và bảo ấy là…”Tửu kinh”. Đọan bố ông quay đầu về cố quận ở hướng đông hộc máu ra mà quy tiên. Tửu kinh chữ nghĩa rối rắm, đọc miết ông phó Canh mới ngớ ra là kinh sách truyền thụ cách…nấu rượu Hồng xa xưa của đất Quảng quê ông.

***
Chẳng an phận với sào vườn trống trải, ao thả cá với mươi con vịt, thế là một bữa, trên giời lê lết có mây xanh nắng vàng. Sau cái lễ thọ sơ tuần, vò võ một mình rít một hơi thuốc lào, lim dim nhìn quán cũ một thời tan theo mây khói, ông bụng bảo dạ rằng phải cơ ngơi lại nghiệp nhà. Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào, bây giờ đến phiên ông sắn tay áo tay làm hàm nhai. Chẳng qua cũng nhờ cái nghề đóng cối, giã chày nên nẩy ra cái nghề giã gìò, giã nem, làm cho lắm tắm cởi truồng, danh phận với quán nhà, với bợm nhậu lúc này chỉ là mấy cái móng trâu ninh nhừ.
Quán nằm khuất sau cây đa đứng sừng sững ở góc chợ. Phía trên là dẫy núi Con Thằn Lằn thấp dần xuống, nên nhìn từ trên cao, chợ như được treo lên…cành đa. Chợ có cả chục túp lều tranh lợp lá, giàn rường cột chống đỡ bằng những thân cây như so đũa phệu phạo. Quán xá có vẻ như khép nép, ngượng nghịu với những chiếc bàn ghế lúc nào cũng như muốn gẫy đổ. Qua bao năm tháng, mưa chan nắng dội, đến binh đao khói lửa, chợ làng Nghè vẫn thế. Thế nhưng nếu cả trấn Kinh Bắc có rượu làng Hòang Mơ thì trấn Sơn Nam này có rượu làng Nghè, những vại rượu được gạn chắt từ mảnh đời bèo bọt, da diết của bố ông. Qua nghề nhà, ít nhất bố ông cũng để lại đời sau bốn vại rượu gia truyền là Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liền, Đông tàn.
Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một tật với phi tửu đồ bất thành trượng phu, bất tri tửu đạo bất hiền nhân. Nói cho ngay rõ ra ông cũng lậm cái giuộc của bố ông là cóc lại đòi đi guốc, là ông thích quảng giao với những tao nhân mặc khách lắm chữ để náo thị u lâm mạc luận. Cửa nhà đơn chiếc, vậy mà lắm khi ông giữ khách lại qua đêm để nửa vách đèn tàn luận cổ suy kim. Trò đời bao giờ cũng vậy, làm thơ phải có người vịnh, có rượu ngon như bố con ông đây phải có người thưởng lãm. Cái phiến tâm ông chỉ mong có ngày được kết nghĩa với một tửu đồ, cả hai sẽ uống cho nghiêng đình đổ quán, uống cho nghiêng trời lệch đất. Lúc ấy, ông sẽ vay mượn câu của người xưa thổ lộ tâm can với nghĩa huynh, nghĩa đệ rằng huynh đệ, nễ ngã sinh tư vi cộng, bất uổng liễu kết nghĩa nhất trường, tư dã bãi, họat dã bãi, đại gia thống thống khóai khóai đích hát tha nhất trường. Rệu rạo qua bố ông là sống cũng tốt, chết cũng tốt, nhưng uống rượu thì còn…tốt hơn. Tâm viên ý mã ông thế đó, vậy đấy.
Vì vậy như ông đồ thâm, ông phó Canh bầy trò treo ngay trên tường gần bếp bức tranh dân gian Đông Hồ để chiêu hiễn đãi sĩ. Tranh vẽ con gà sống thiến, lông đỏ, đuôi xanh, cổ ngóc lên như đang mổ..”chữ Dậu” to đùng gần bằng…con gà nằm ngay góc bức tranh. Ông vẫn nghĩ chòen chọet là thời buổi này từ huyện lên phủ, chả ai nhiều chữ hơn bố ông nên biết quái gì chữ dậu. Đi vào văn chữ ông thấy họ chưa có chữ nào gọi là văn cả, chỉ độc một đám tò he, bét rượu. Có giỏi tới đây đọ chữ của bố ông, dẫu gì một thời cũng là ông đồ xứ Nghệ nát chữ chứ đâu có bỡn.

***
Để rồi chuyện xẩy ra đúng vào ngày vía bà Chúa Liễu…
Sáng sớm hôm rày đằng phương đông đã vàng tươi, lướt sướt khoe nắng mới, tuy mặt trời chưa ló rạng, đủ hôm nay nắng phải hửng to. Vô tình, ông dòm về hướng cái gò mả hoang xưa kia già làng gọi là gò quần ngư. Và đóan chừng từ giờ đến trưa, khách trẩy hội sẽ nườm nượp kéo về bến đò Tràng sế cửa quán ông. Chợt ông nghe thấy tiếng mái chèo khua sóng lụp bụp và dòm thấy một chiếc thuyền thúng đang chòng chành…chòng chành…Nắng xiên khoai yếu ớt, sóng lấp lóa. Thuyền cập vào mé nước, mạn gốc cây gạo, thóang như một người đã đứng tuổi, lần theo bậc đá, bước xuống bờ nước, dò dẫm đi về phía quán. Bóng người ẩn hiện lấp ló sau gò một chốc, rồi lững thững xuất hiện lẩn khuất trong đám mồ mả. Gần hơn nữa, ông mới thấy người nọ đầu quấn khăn tam giang bệch bạc, mặc cái áo vải giãi đã sờn chỉ gai, chiếc quần trúc bâu gấu sắn cuộn tròn lên mắt cá chân, đi đôi guốc mộc nhuốm đầy bùn đất, tay cầm cái nón cổ châu đã loang lở lan tới vành. Ông dòm kỹ hơn, người ấy có vẻ ngang tàng chí khí lắm, trông chả ra dáng là khách làng nho cho mấy...
Và ông nhẩm chừng, chạy trời không khỏi nắng ắt hẳn là một…lão nho giả. Hôm nay lần mò tới đây thi thơ, thả chữ trong ngày hội bà Chúa hú họa vớ được giải lụa, kèm ba quan tiền kẽm để trả tiền đò. Nhưng lão lại phe phẩy cái nón cổ châu của các quan ở nội phủ mới rõ lạ, hay lão là quan viên trong phủ hội đồng văn bà Chúa Liễu chi đây. Để điểm nhãn nho phong sĩ khí của…quan ôn quan vật này, ông…nho nhe nói chữ với lão: “Quá môn trì, quan môn bế, thỉnh quá khách quá môn”. Lão hừ một cái: “Quan quách gì. Đang khát nước bỏ bố đây” rồi sồng sộc bước vào quán không…cửa nẻo. Đã thế, làm như nho gia,…nho giả, ông bương bả nặn ra một đống chữ cho sướng miệng: “Bẩm , thỉnh rước quan…xơi nước”. Lão nhấm nhẳng: “Hượm tí đã”.
Ve vé mắt đảo một vòng, lão bắt gặp chõ rượu đang âm ỉ ngự trên cái đầu rau. Kháp với cái chõ là cái ống tre ngang để vắt rượu, từng gịot ti tỉ chẩy xuống cái tĩn nằm trên mặt đất phẳng lì. Ấy là rượu Hồng đào ông cất bằng gạo tẻ, là rượu trắng cho khách vãng lai. Lão đăm đăm ngó chừng bốn cái vại sành đậy nút chuối khô bày một hàng trên cái ghế dài. Lão gật gà gật gưỡng ngó chừng bức tranh Gà với chữ Dậu giây lát rồi cười đánh hậc một cái. Ông dòm thấy ngứa cả mắt, ruột gan muốn lộn tùng phèo. Chả hiểu trời đâm thánh đục sao, lão phủi tay, lững thững đến cái nồi, quẹt ngón tay một đường như con giun. Lão ngắm bức tranh, đắn đo cả một hồi lâu, như có gì suy nghĩ lung lắm. Rồi nheo mắt, đưa ngón tay nhọ nồi lên, không phải quẹt cái rẹc, mà rất ư cẩn trọng…chấm vào chữ Dậu một chấm nhỏ bằng hạt thóc.
Ông ngớ ra vì chữ “Dậu”, thêm cái chấm thành ra chữ “Tửu”. Nhòm thấy mặt ông lẫn đẫn, làm như không có mặt ông ở đấy, lão đủng đỉnh nói: Thì như nho gia ta đã dậy “Nễ bất khả sát kê vấn tửu bằng hữu”, hiểu theo nghĩa là đừng bao giờ hỏi bạn rượu có nên mổ gà chén chăng. Không quay lại, lão nói trống không…vào mấy vại rượu: “Ngon chăng, nhà bác cho một bát”. Ông khựng lại, ngặt một nỗi, tay ôm vại Xuân sinh, cái đầu đất sét của ông lại đóan già đóan non, ngữ này người ngợm nhếch nhác, lại ra dáng lừng khừng, ắt hẳn chả phải là tửu đồ. Thế nhưng ít nhất lão ấy cũng chiết tự được chữ tửu ở chữ dậu mà ra, hay lão là cố nhân một thời, một thưở hay nghĩa huynh, nghĩa đệ của bố ông đây. Vậy thì vạn sự bất như ý…ý ông là hãy để lão ấy dùng tạm vại Hạ trưởng còn non tháng, xem tửu lượng lão tới đâu rồi hẵng tính.
Cái vại nâu còn dính bùn khô vừa đặt lên chõng…Lão chậm rãi cầm cái bát chiết yêu úp ngược trên ngọn đèn hột đỗ đảo qua đảo lại hơ lòng bát. Lão hờ hững rót ngang miệng bát và đợi cho rượu sóng sánh lắng xuống một chút. Lão lâm râm: “Vội năm, vội tháng, ai lại vội ngày. Nhà bác có gì nhắm đây?”. Đi vào để hâm lại móng trâu, cúi xuống hun lửa, ông vơ vẩn đến hôm nay có chọi trâu, thể nào quán cũng thửa được nhăm cái, quán sẽ đắt như rươi. Ông vẩn vơ đến sáng sớm mở hàng, gặp lão khách lạ, ông hơi có ý hồ nghi: “Quái, tửu đồ là đây phỏng”. Bước ra, ông ngồi ngay trước mặt lão và nhắc khéo: “Xin thỉnh quan bát rượu…lạt”.

***
Lúc này lão mới lười biếng bê cái bát lên, nhưng không chịu nhấp cho một ngụm nhỏ, mà chỉ khà một cái và xóng xả:
- Với mỹ tửu của nhà bác phải học thói tri kỳ vị, tri kỳ hương, tri kỳ ảo, tri kỳ linh. Ý tại ngôn ngoại là dùng mắt nếm đươc vị ngon của rượu. Dùng tai nghe được hương thơm của rượu. Dùng mũi ngửi được sắc thái của rượu. Còn như đã phải dùng lưỡi để uống thì là thói thường của hàng tục tửu đấy thôi.
Nghe luận về rượu nhà, ông rủa thầm, cái lão rách mép này rõ rách chuyện, chả ai…nghe được hương thơm bao giờ. Ông định gân cổ lên thì…thì bu nó ơi: Lão ấy hất cả bát rượu gia truyền của nhà ông xuống đất. Ngay chỗ…đàn kiến đang bò lổm ngổm đi kiếm gạo. Giời ạ, lũ kiến hốt hỏang bơi nháo nhào bò lên mép đất khô, nằm chỏng gọng lấy càng vuốt mặt, vuốt mũi rồi lăn cu đơ ra, chả biết trời trăng mây nước gì sất cả.
Bây giờ lão mới thốt lên một tiếng nhỏ:
- Chà, hơi gắt…Có hơi già lửa!
Ông phó Canh sợ vãi đái ra quần vì thấy “cụ” đây rành về rượu chả khác gì bố ông, nên ông vừa định…thì “cụ” đã khoát tay:
- Tôi hỏi khí không phải, nhà bác cất rượu với gạo ta...
Ông phó Canh cập rập:
- Chẳng dấu gì…cụ, năm nay vụ Chiêm bị úng thủy…
Ông quên bu mất nhè lão quan quả, quan cách gọi bằng cụ, chả là trong đầu ông cứ bị ám ảnh cụ này đây là người sành rượu, lắm chữ. Ông không dám khoe mẽ rượu nhà mọi khi ủ tòan nếp Chiêm tháng mười, bã rượu phải trữ trong vại gốm làng Thổ Hà để men giữ lâu ngày, thả xuống ao cả năm cho mát rượu.
Ông ngập ngừng thăm chừng:
- Bẩm cụ qúy quán ở đâu ta.
Cụ cười khẩy, khẽ khàng:
- Tôi người làng Ngừ.
Ngừ với nghè, ông đơm chuyện:
- Nhà cháu nghe hơi nồi chõ quý quán có thờ hai con cú, con cáo bằng đá đã thành tinh, nên chúng có thể biến thành người. Đêm mưa gió, chúng hóa thành một lão già đội nón rách, mặc áo tơi như một người hành khất.
Cụ cau mày:
- Hừm…Rõ nhảm.
Thịt hầm vừa cữ vớt lên đĩa, cụ lấy đũa thọc xuyên ngang cái móng và đưa lên miệng cắn từng miếng nhỏ. Cụ thảnh thơi kể lể:
- Là thế này….làng tôi thì ai mà chả biêt có lăng Ngừ thờ Thái sư Trần Thủ Độ. Trước lăng là hai bức tượng người nữ Chiêm Thành chầu hầu, giữa là mộ của thái sư. Trong lăng bầy dụng cụ sàng sẩy lúa gạo nào là dần, sàng, nong, nia bằng đá tròn, dẹt. Lại có bi ký và bi đình tựa kiểu tam mục, rõ ra văn chỉ khoa mục…
Gặm xong cái móng trâu, cụ ôn tồn tiếp:
- Từ ngôi mộ ngó ra phía gốc cây cổ thụ cả trăm năm có con cú to bằng con ngỗng lớn, con cáo to bằng cả con bê. Tất cả cú, cáo, dần, sàng, nong, nia đều được dân làng gọi bằng “Ông”. Ông Cáo nằm đối diện với ông Cú, có vẻ đăng đối và tri kỷ lắm, còn để làm gì thì chỉ có giời biết. Chỉ biết rằng…
Ông phó Canh láo nháo chêm vào:
- Chả ai lại đi thờ cáo với cú…
Cụ thở ra, gắt nhẹ:
- Úi dào…Như ông biết đấy, ngặt một nỗi tai trời ách đất ngập nước quanh năm, chỉ trồng được lúa của người Chiêm. Hai tượng Chiêm Thành và dần, sàng, nong, nia để trấn yểm cho mùa màng. Ấy là tôi học có bấy nhiêu…
Cụ lẩn mẩn tiếp:
- Chuyện trấn yểm nghe già làng kể là có một cái mả, gặp lúc bãi lở, quan tài bật lên, trong có bốn cái lọ cổ gắn ở bốn góc. Theo truyền thuyết xưa kia có một thầy Tàu qua đây tróc huyệt mắc nạn và được ông Trần Lý, tức ông tổ họ nhà Trần đất Tức Mặc cứu thóat. Ông thầy đền ơn bằng ngôi mộ thái đường, huyệt đế vương trường tồn vạn đại. Xong cáo biệt, hẹn khi nào nhà Trần tức vị, con cháu thầy sẽ qua uống rượu mừng…
Trần Cảnh lên ngôi vua, con cháu ông thầy Tàu y lời qua. Quan thái sư tiếp đãi trọng thể, ban tặng vàng bạc, nhưng trên đường về ngài cho người chặn đường giết để cướp bộ phong thủy địa chí. Vì như trên vừa đề cập, vì lụt lội nên quan tài trong huyệt đế vương lộ ra. Nên ngài mượn tập kỳ thư dị chí mà họ mang theo để đọc. Đọc xong rồi, ngài lo ngại nhà Trần có cơ chẳng thể truyền tử lưu tôn đời đời kế thế vì ông thầy Tàu ghi chú trong bộ phong thủy địa chí nên cẩn trọng vì có phản tặc...
Cụ nhởn nha thêm:
- Theo quan nha ra thưởng cho hay với tập kỳ thư dị chí thì chữ ám chỉ dòng họ tên phản tặc từ chữ “khẩu” mà ra. Vì thời gian với nét còn nét mất, nếu có hai nét sổ ngang là “ẩm” tức uống, là “tửu đồ” thì chả nói làm gì. Nay còn lại lờ mờ một nét ngang như cái đũa, chiết tự thành “thực” tức ăn, là “khất thực“ nên tôi cứ bán tín bán nghi.
Trở ngang đầu đũa, quẹt quanh mép, cụ đưa đẩy:
- Theo tôi thì chữ Trần, người Tàu đọc là “chén”. Nên tôi đồ là…một tửu đồ chăng. Thế nên bấy lâu nay tôi có ý đi tìm…
Ông phó Canh bộp chôp:
- Hóa ra cụ…
Giọng cụ đầy hóm hỉnh:
- Nhà bác cứ nghĩ thế…Tôi chẳng dại lưu xú vạn niên vì mười mẫu thượng điền của quan thái sư đâu.
Vậy ra cụ cũng như ông, cũng đang mỏi mắt đi tìm một bạn rượu đây. Rồi ông nghe cụ rung đùi ngâm nga đúng tâm ý ông: Tuế nguyệt du nhàn, tứ hải tao phùng thanh nhãn khách. Nhưng ông có hơi sốt ruột tí chút, người ta thì trà tam tửu tứ, vậy mà cụ này độc có một bát rượu thôi mà…nhấp mãi cũng không ra cái hồn người, mà chỉ thấy nói chữ. Ông sinh nghi, hay cụ chẳng phải là một tửu đồ. Nên ông thăm chừng:
- Mời cụ xơi bát nữa.
Cụ phe phẩy cái nón, gật gù:
- Rượu tri kỳ hương chứ bất tri kỳ vị. Thêm nữa tửu vô lượng, bất cập loạn, loạn ngôn thì rượu này của nhà bác chẳng thua Lồ Phồn tửu đâu. Nhà bác khéo tay cả đấy.

***
Cả hai vui chuyện vui trò, quên tiệt đi mất ngòai kia bàn dân thiên hạ đang lũ lượt kéo về dự lễ hội ngày vía bà Chúa Liễu…Các ông khăn đóng áo dài, tay cầm ô nháo nhác đây đó. Các bà khăn là áo lượt, lưng thắt ruột tượng, bã trầu đỏ thắm cắn răng, chuyện trò rậm rịch râm ran. Ấy vậy mà bên kia bãi đất trống đã rộn ràng tiếng trống ròn rã. Nhóm đánh cờ người trên phủ huyện kéo về. Trên bục cao, ông tổng cờ ngồi bên án thư cầm trịch cho 32 quân cờ nữ áo hồng, nam áo xanh. Ở trong này, ông vừa khoe trận đồ năm nay cụ Nghè làng Mộ Trạch làm tổng trịch thì nghe cụ như reo lên như ấm nước sôi:
- Úi dào, rượu Hòang Mơ, cờ Mộ Trạch.
Đẩy cái bát chiếu yêu sang một bên, cụ dọ dậy:
- Có đám Mộ Trạch, kéo theo đám Hòang Mơ về đây. Không chừng tôi với nhà bác có cái túc duyên gặp được kỳ tướng, kỳ tửu bất thế kỳ nhân cho mà xem. Thế nào họ chẳng nếm rượu của nhà bác. Mà nào họ đâu có hay đất nhà bác là đất tửu địa. Cứ nhìn cái ao nhà thì biết ngay. Như cái…
Nghe nói vậy, ông nháo nhác ra ngòai ao, chửa nhận thấy ao nhà ra cái giống gì thì ông bắt gặp một con chó…què. Nó đi bằng ba chân khập khiễng từ ngòai bước vào quán, và ngừng lại nằm dưới chân ghế hửi hửi. Cụ cũng lõ mắt nom xuống và hỏi:
- Chó bác ư.
Ông chưng hửng, lắc đầu quầy quậy:
- Bẩm…Dạ…Không…Mà gì thưa cụ.
Cụ lom khom ngắm nghía, giọng rổn rảng:
- Giống “Bối kiếm cẩu” đây. Vì lưng có giải lông từ đầu đến đuôi như cây kiếm, tạo cho uy quyền sinh sát cho chủ nó, như thái sư hay tể tướng chẳg hạn. Mà chả nhẽ.
Cụ ậm ừ:
- Thọat thấy giải đất như cái lưỡi kiếm. Nay nhìn ao nhà bác,
nào khác gì cái hồ lô. Giống như sách dậy và gọi là “Tửu địa”.
Rồi cụ tặc lưỡi bâng quơ:
- Tam nhật nhất tiểu điểm.
Ông ấp úng hỏi:
- Tam…tam…là tích gì, thưa cụ.
Giọng cụ nhỏ hẳn đi:
- Theo “Cẩu kinh” thì đây là chó cực hiếm. Nếu nó một chân…
Lại chuyện ngược đời nữa, ông như nhẩy cẫng…hai chân lên:
- Cụ cứ nói bỡn, chó gì lại...
Cụ cười đánh bép một tiếng:
- Ấy là tôi muốn nói lúc nó gác một cẳng lên gốc cây để bài tiết. Nó chỉ đái đúng ở một điểm mà thôi. Chỗ nó đái là cái huyệt cực tốt, sách gọi là huyệt cẩu thủy, nhưng phải đợi nó chết. Đúng giờ tuất mang xương bố mà táng vào đấy thì mai kia chúa biết mặt vua biết tên. Nhưng chỉ truyền được đúng một đời không hơn, vì tuổi chó quá ngắn.
Quái lạ, ông nhủ thầm, quân tử ẩn hình, tiểu nhân lộ tướng, mà cụ này lại…quái tướng dị nhân. Nên ông chả hiểu ra làm sao sất cả, ông chắc mẩm chém chết cụ là…thầy địa lý. Mà mấy thầy địa lý chỉ giỏi nói chữ và xoay ba cái đầu rau để ăn vạ nhà người ta. Nhỡ cụ ăn vạ nằm ì ở quán như bạn bố ông thì bỏ bố.
Thế nên ông xoay qua chuyện rượu:
- Sao cụ biết có kỳ tửu tới đây.
Cụ vuốt râu khề khà:
- Theo “Truyền nhân kỳ tửu địa”, giống chó này đến tửu địa tất có kỳ tửu xuất hiện.
Cụ điềm đạm tiếp:
- Tôi đi đã nhiều nơi, uống mẻ bát thiên hạ, mà chẳng thấy đâu. Nay có cơ may gặp bậc kỳ tửu ở đây thì đó là cái túc duyên.
Ngừng lại một lát, cụ nói chữ:.
- Thành giả, vật chi chung thủy, bất thành vô vật, nhà bác có lòng thành, lại có hảo tửu. Rồi cũng sẽ gặp thôi…

***
Ông đứng dậy vì có nhăm khách phương xa tới, vừa tiếp khách vãng lai ông vừa nhủ thầm, bản địa nhà ông là đất vạn đái dung thân cho tửu đồ. Đất quần hùng của các danh tửu. Mùa hội làng này có đám đại tửu đồ làng Hòang Mơ trấn Kinh Bắc, thêm đám đại kỳ tửu làng Vân mạn Việt Yên, Bắc Giang, họ sẽ kéo về đây để đấu rượu. Họ sẽ uống cho nghiêng đình đổ quán, uống cho nghiêng trời lệch đất. Rượu sẽ đổ ngập sông, tràn ngang núi. Tửu khí ngất trời, mây không có chỗ ẩn thân. Âm khí thối đất, cỏ ba niên chẳng ngóc đầu lên nổi cùng kẻ còn người mất. Vì vậy ông nhìn ai cũng là tửu đồ. Như cụ đã dậy, đất nhà ông là đất tửu địa, với địa linh nhân kiệt, vì vậy ông đang lóng ngóng đợi một kỳ tửu bất thế kỳ nhân sẽ lừng lững đến quán ông đấu rượu.
Vừa bước ra, ông bắt gặp một lão ăn mày mù đang ngồi bệt ngòai hiên tự lúc nào. Ông thoáng lạnh người, vì cụ vừa nhắc đến…khất thực hồi nãy thì lão ăn mày này có mặt.
Bất giác ông thuỗn người nghĩ ngợi mông lung…
Rằng từ đời Trần lên đến giờ, đất Hành Thiện là đất văn học, rặt chẳng có ăn mày, họa chăng làng Tràng có ông họ Vương. Xưa kia ông ăn xin ngòai chợ huyện, nhưng lại nát rượu. Một bữa, giữa quan viên ngoài đình đang đầu gà má lợn, ông xin tí rượu cặn để nhắm suông nhưng bị thằng mõ cầm dao đang chặt thịt gà đuổi đi nên uất khí thổ huyết mà chết. Trước khi về chầu Nam tào Bắc đẩu, ông trối trăn rằng đời đời kiếp kiếp, làng này chẳng ai ngóc đầu lên nổi để có gà mà nhắm rượu, mà chỉ có nước tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành. Chẳng may ông chết vào giờ linh nên được dân làng thờ là Thành hoàng. Trong miếu thổ thần có câu đối ”Khóac tấm áo bào, giang tay gánh vác thiên hạ - Vung hai thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian”. Thêm nữa, chẳng may ông lại có họ xa với tướng quân Thái bảo Vương Nhữ Chu, nên vua Trần đành phải sắc phong ông là “Đương cảnh thần hòang, tuyên võ tướng quân, thượng kỵ đô úy, hùng dũng anh linh, gia phong quang ý, gia tặng trác vỳ, thượng đẳng thần”.
Ông phó Canh lẩn mẩn tiếp, rằng ông ăn mày họ Vương nay đã mồ yên mả đẹp, thì giữa ban ngày ban mặt hẻo lánh tới quán ông để nhát ai đây. Sau khi mất, làng ông họ Vương gần bến sông có bến đò Tràng sế cửa quán ông, chỗ lều ông ở xưa kia nay được đắp cao, xây tường chung quanh và gọi là “nền Vương”. Lẽ dĩ nhiên, làng Tràng cũng như làng Hành Thiện là đất văn học, chả một ai tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành như dân Thái Bình kế cận Nam Định. Nhưng gần đây làng bày thêm lệ mới, tráng đinh đến tuổi phải nộp cheo, dù nhà cao cửa rộng cách mấy cũng tay gậy tay bị đi xin ăn mang lộc về cúng Thần Hòang. Và trong đầu ông thì lão ăn mày đang ngồi ngòai kia, chém chết cũng là dân làng ấy mà ông đã nghe già làng kể qua.

Vừa tu hú đến đây thì đám bạn rượu kéo nhau đứng thù lù sau lưng ông. Đột nhiên ông khựng lại vì búa vào mặt ông là lão ăn mày này với cái tai có thành có quách như tai Phật. Vậy mà lại đi ăn mày. Chợt nhớ chữ tác đánh chữ tộ của cụ với một nét sổ toẹt như cái đũa, hóa thành “thực”, là “khất thực. Hay là lão…Cái đầu ông lại lầng quầng với cái kim nằm trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Chả lẽ lão là…tửu đồ. Mà mù sao biết uống rượu đây. Nào ai biết ma ăn cỗ, tiện tay ông nhón bát rượu cụ ơ hờ không uống hồi nãy. Ông nhướng mắt thăm chừng, cụ gật gật đầu…Ông quơ cái bát mang đến cho lão ăn mày. Lão ngửa cổ lên nghe ngóng, chẳng buồn thò tay rớ tới. Bực mình quay về bàn ông lầu bầu: “Mù có khác, ăn mày còn đòi xôi gấc”.
Bỗng cụ nhíu mày, xuống giọng thật nhỏ, vừa đủ ông nghe: “Cung nhi vô lễ tất lao”. Cụ lại xì xầm: “Hảo bằng hữu phải thết bằng hảo tửu”. Ông hiểu là cung kính nhưng thiếu lễ cũng sổ toẹt và dòm cụ. Cụ vỗ tay nhè nhẹ ngang giải rút quần, chỗ cái ruột tượng, nghe lạch cạch mấy quan tiền kẽm chạm vào nhau. Hiểu ý cụ có hơi rủng rỉnh, ông vơ vại Xuân Sinh với cái bát chiết yêu. Cái đầu ông ngọ nguậy vì ông thương bố ông, rõ ra cơ ngơi nhà ông đã đến hồi mạt vận. Đúng là ăn mày đánh đổ cầu ao, gia cang còn nhăm vại Xuân sinh này mà để lão kia…xơi. Thế nên ông ủng oẳng văng tục với…vại rượu: “Mả bố mày nhá!”. Và ông lẳng lặng để bên lão và không quên hích vào đùi lão môt cái...

***
Lão đổi thế ngồi, an nhiên tự tại thế kiết già. Lúc này mới lặng lờ mở cái bị, lôi ra cái chiếu con và cái bát giống như bát ăn cơm. Ông ngọng trông thấy, vì đời thuở nhà ai đi ăn xin còn bê cả bát theo. Nói cho ngay, ấy là cái chén thố mới đúng. Cái chén thố này vào thời nhà Tống, trước là cái bát dùng để uống rượu, sau vì…tửu lạc vong bần nên để…uống trà. Chưa hết, lão thổi vi vu vào lòng bát, tẩn mẩn lấy vạt áo lau từ trong ra ngòai. Lão để cái bát lên cái chiếu, bê vại rượu ngang tầm, dùng răng cắn nhẹ nhàng lôi tuột cái nút lá chuối ra. Ông ngẩn người ra trông thấy, vì với cái nút ấy, ông phải hì hục nhét vào cho chặt, dễ gì mà lấy ra nhẹ hều như thế. Vẫn chưa xong, lão nghiêng cổ vại ngang vai và từ từ chuyên rượu xuống cái bát. Ông láo ngáo vì chẳng thấy một gịot nào vung vãi ra ngòai. Ủa mà lạ một điều nữa là, cứ nhè tay nghề như ông mà đổ rượu như thế…Thể nào cùng có tiếng tí tách như mưa rơi trên tầu lá chuối ấy thôi. Ấy vậy mà lão rót không một tiếng động, ngay cả bọt tăm bằng mắt con rạm cũng không nốt. Quái thật, và ông bóp trán nghĩ không ra.
Lão lặng lẽ cúi gập lưng xuống, cái đầu gần sát đất. Với mười ngón tay, lão từ tốn đưa cái chén thố hay cái bát lên…Ông bụng bảo dạ, cái ngữ này chỉ to hơn quả bứa một chút thôi mà làm gì phải “bê” bằng cả hai tay đến rõ khổ. Vẫn chưa xong, lão chưa nốc ngay, lão nghểnh tai nghe ngóng động tĩnh trên không…Hêu hêu trên ngọn cây gạo bên kia bìa trảng có ổ chim cú đã về tổ từ lâu, tứ bề im ắng. Ngòai tiếng cuốc kêu xa xa, chơ vơ như mũi đinh thích nhẹ vào thinh không bàng bạc. Tĩnh lặng. Mắt lão hấp háy lặng lờ nhìn ra ngòai cánh đồng trống xâm xấp những nước là nước, dưới chân núi lầm thầm hơi sương trườn mặt đất từ cửa rừng bò ra cánh đồng…Chẳng hiểu nghĩ ngợi gì, như có gì u mặc lắm, lão chậm chạp đặt cái chén xuống.
Ông chột dạ, hay lão chê rượu xuân, hạ, thu, đông nhà ông.
Như không biết mọi người đang hom hom nhòm, lão sửa lại thế ngồi cho ngay ngắn, vuốt lại cái nếp quần thô mà lúc này ông mường tượng ra tấm nâu sòng…Lão nhổ nước bọt vào hai lòng bàn tay, xoa xoa vào nhau như bắt ấn. Lão đĩnh đạc bưng cái bát lên, cũng với hai tay cùng vẫn từng ấy động tác như dâng hương khấn sớ. Gần đến cằm, tay này chuyển cái bát lên lòng bàn tay kia. Tay còn lại đưa xuống mu bàn tay có cái bát. Tất cả những động tác ấy nom thật nhẹ nhàng đến gần như quen thuộc của một tay sành rượu…lão đời. Vậy mà lão vẫn chẳng chịu ực ngay, mắt cứ chăm chăm vào mặt rượu gần như không sóng sánh, ngay cả một gợn sóng nhẹ tênh cũng không. Ông phân vân, cái bát có gì mà săm soi, mà giời ạ, lão thì…thong manh rõ. Nhưng ông ngắm kỹ, lão ấy chẳng ra dáng một người hành khất mà phong thái thóat tục như Lão chậm rãi đưa ngang mũi, cái yết hầu cứ thụt lên, thụt xuống. Rất nhàn nhã, thong dong với mõ sớm chuông chiều. Trong lắng đọng, lão thở ra và hít vào một hơi thật ngắn, thật nhẹ. Thế rồi mắt lão cứ hấp háy lim dim. Mặt cứ đờ ra. Miệng mấp máy như lâm râm tụng kinh. Được mấy khắc, lão thảnh thơi đặt cái bát xuống... Mọi người ngẫng ngẫng với nhau. Riêng cụ thì không…Như lễ nghi kinh kệ đã hòan tất, lão cuốn cái chiếu bỏ vào cái bị, bình thản đứng lên, nải bố quàng vai, khật khờ đi về phía ruộng nước và đằng sau là con chó đang lò cò nhẩy bước một với ba cái chân. Cả hai hướng về cái gò mả mà hôm nay ông thấy có môt cái dáng khác hơn mọi lần, hình dạng cái gò giống như một con nhái ngồi khùynh khùynh chân ôm cái bến đò.
Thế nhưng cái bát thì lão để quên!
Lão khuất sau mấy cái mả hoang, chơ vơ một quãng trống lộng gió cằn cỗi, một thóang chiều còn sót lại, ngày như tắt ngúm, mở ngảng thóat ra trảng hoang vu. Ông thấy hồn ông nhao nhác, giữa đồng không mông quạnh, như có tiếng sáo diều. Mà nào có. Chỉ thóang như có tiếng đồng dao văng vẳng nghêu ngao từ…lão thì phải với tiếng còn tiếng mất vẳng lại: “Hề…! Tửu nhân…hề tửu nhân”. Mà không lẽ, nhìn qua cụ để thầm dọ hỏi? Như bị tự kỷ ám thị hay sao ấy! Ông thấy cụ đang nhóp nhép nhai mấy hạt lạc rang dở dang. Miệng như cụ mấp máy: “Hề…! Tức Mặc tửu nhân khứ vô hồi. Hề…! Tức Mặc tửu nhân khứ vô hồi”. Cả hai âm vọng trộn lẫn với nhau rời rạc và đứt quãng nên thực tình ông không biết là ai cất tiếng tiếp…: “Hề…! Vấn ngã tại hà liên giao hợp - Hề…! Lồ phồn tửu. Hề…! Tửu nhân bôi…hề tửu nhân”.

***
Bóng lão ăn mày khuất dần, lúc này cụ mới lên tiếng:
- Này nhìn cho kỹ kìa…Ấy đấy, lão đi trước, con chó lò dò đi sau thì mù ở cái khổ nào, thưa mấy bác.
Cụ chỉ vào cái bát, thong thả tiếp:
- Nhẵn như đít nồi, bác nào rỗi hơi cứ thử thì hẵng hay.
Nhẵn như đít nồi… ông phó Canh nhủ thầm rằng gì mà quái, rõ như ban ngày ban mặt bát rượu còn nguyên kia, không hao một giọt, ai đời chó lại chê cứt. Ông hết dòm cụ, tới đám tửu đồ, đến cái bát. Lúc này cụ mới phe phẩy cái nón và nói với ông:
- Đó là phép “Hấp tửu sương”.
Ông bước tới, cúi xuống bê vại Xuân sinh lên và mở nút đế xem nếp tẻ ra sao. Ông nhăn mặt phun phè phè ra ngay, vì rượu nhạt tanh như nước ốc ngâm vôi. Mà lạ chửa kìa, vò rượu còn bùn khô đất bám, ẩn hiện như lão hành khất quẹt nét ngang sổ dọc bằng móng tay thật sắc nét,…nét hai chữ thảo: “Hảo tửu”. Bán tín bán nghi, ông cầm cái bát lên, cũng…hít hà như lão ăn mày, và đúng như cụ nói, ông chẳng ngửi thấy mùi rượu gì sất cả, lại lạt thếch như nước ruộng. Lật ngửa trôn bát, có ấn dấu triện đỏ nâu “Thiên Trường phủ chế”. Quanh vành chén có hai câu thơ thủy mặc “Vị thủy đầu can nhật, kỳ sơn nhập mộng thần”. Ông đực mặt ra và đắn đo, đồ Nội Phủ này dường như quen quen, như mới đâu đây. Nhớ lại hồi nhỏ ông theo bố ông hầu rượu quan thái sư, dường như ông đã thấy cái chén ấy…Trong một thóang…
Thóang như cụ đây có nét thanh cảnh như…Ngài Thái sư.

***
Quay lại thì…cụ không còn đấy nữa. Cụ đột nhiên biến mất, như mây trôi gió thỏang tan lõang vào hư không. Quanh chỗ cụ đứng, chỉ thấy trời đất trầm tiềm, đủng đỉnh muôn niên ngót hòanh cổ đại. Mặc dù ngài Thái sư Trần Thủ Độ về với thiên cổ đâu đó vào cái năm Ất Dậu ngày nào. Ông như đang đắm chìm trong ruộng, núi, rừng dạt dào một nỗi quan hòai, quan san của người về từ một cõi u minh, u tịch…Thẫn thờ hướng ra bến bãi, về phía cái gò mả, chỉ thấy tha ma mộ địa với đám cỏ gà hiu hắt, vi vu chạy từng gợn, từng gợn đuổi bắt nhau. Chung quanh lẫm đẫm mây mù, lởn vởn chắt ra một thứ váng chiều ướt sũng, sền sệt như nước hến. Nhìn về phía bến đò chỗ cây gạo, cái thuyền thúng chơ vơ, cái mái chèo gác một bên gờ và đang…chòng chành…chòng chành trên sóng nước.

Chỗ cụ ngồi, như có vật gì được chặn dưới bát chiết yêu. Ông rảo bước tới thì…Thì bố mẹ ơi, ngòai nhăm đồng tiền kẽm, lỗ vuông, còn có một nắm giấy bèo nhèo như giấy vàng mã để hóa vàng trong ngày lễ phủ hội đồng văn bà Chúa Liễu. Ông cầm một tờ lên dòm thấy tiền in hình long vân, long giáng, thủy ba, tản vân, với bốn chữ công “Thiên Trường thông bảo”, với niên hiệu Mậu Thìn thời tiên vương Trần Minh Tông.

Trong cái tâm thái chơi vơi, ông như hòa nhập vào một mảng váng chiều ướt đẫm. Ông ngẫn ngẫn ngửa mặt nhìn lên khoảng không, đất với trời vẫn u ám âm ỉ như chậu nước gạo đục, mây xám mỏng tang như bánh tráng trũng...
Trúc gia trang
Hạ chí, Quý Mùi 2003
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Nguồn: Nguyễn Bản, Chu Thiên, Phạm Lưu Vũ, Băng Đình, Nguyễn Hữu Liêm, Nguyên Bá, Độc Cô, Đặng Thân, Bàn Tài Cân, Đào Vũ Hòai.

***
Phụ đính:
Nhiều người vẫn cho rằng tiền giấy đầu tiên của nước ta được in ấn, phát hành dưới triều Hồ. Cho đến khi trong một văn bản sử học, Trần Khánh Dư có nói một câu: “Tiền giấy đời Trần ta …”. Sau đây, người ta tìm ra thời điểm ra đời của tiền giấy đầu tiên này sớm hơn. Người có ý tưởg là Thái Bảo Vương Nhữ Chu vào cuối năm Mậu Thìn (1388), Tư liệu về ông không nhiều nên chúng ta vẫn chưa thể biết được chính xác quê quán, năm sinh, năm mất và chi tiết về sự nghiệp của ông.
Cho đến nay, chúng ta chưa tìm được đồng tiền giấy nào nên chưa rõ kỹ thuật in ấn, hình vẽ mà chỉ biết được qua ghi chép trong lịch sử. Nhưng những hiện vật thời Trần tìm được qua các cuộc khai quật khảo cổ học như hình rồng, thủy ba (sóng nước), tản vân (vân mây) khắc tạc trên các bệ đá thời Trần đã phần nào cho biết sự phức tạp của các họa tiết trang trí trên đồng tiền này.
Ông đã dùng tiền giấy trước, chứ không phải là Hồ Quý Ly.
"Mùa hạ tháng 4, Hồ Quý Ly mới bắt đầu phát tiền giấy Thông Bảo hội sao. In xong ra lệnh cho người đến đổi, cứ một quan tiền đồng đổi lấy 1 quan 2 tiền giấy. Thể thức tiền giấy: tờ 10 đồng vẽ rồng, tờ 30 đồng vẽ sóng, tờ 1 tiền vẽ mây, tờ 2 tiền vẽ rùa, tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 1 quan vẽ rồng. Kẻ làm tiền giả bị tội chết, ruộng đất tài sản bị tịch thu. Cấm tuyệt tiền đồng, không được chứa lén, tiêu vụng, tất cả thu hết về kho Ngao Trì ở kinh thành và trị sở các xứ. Kẻ nào vi phạm cũng bị trị tội như làm tiền giả".
Tiền không ghi niên hiệu vua. Đây là một hình thức khai tử niên hiệu của triều đại Trần. Tiền giấy góp phần giúp cho nhà Hồ thu về số lượng đồng lớn dùng để đúc vũ khí, đặc biệt là súng thần công, một loại binh khí mới được ra đời trong thời gian này.

Trần Thủ Ðộ (1194 - 1264)
Trần Thủ Độ là nhân vật trụ cột của triều Trần. Ông là công thần sáng lập triều Trần. Sử chép: "Thái Tôn lấy được thiên hạ đều là mưu sức của Thủ Độ cả, cho nên nước ta phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua". (*) Trần Thủ Độ cũng là nhân vật bị các sử thần chê trách nhiều. Dưới ngòi bút của họ, Trần Thủ Độ hiện ra như một quyền thần vô học, có tài mà không có đức, có công với nhà Trần, lại có tội với nhà Lý. Nhưng khi chép về việc "Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý" trong Đại Việt sử ký toàn thư; Ngô Sĩ Liên cũng chú trong ngoặc đơn là "việc này chưa chắc đã có thực".

Tuy nhiên trong đền thờ ông trên đồi Lim (Tiên Sơn, Hà Bắc) có hai câu đối:
Công đáo vu kim, bất đán Trần gia nhị bách tải.
Luận định thiên cổ, kỳ tại Nam thiên đệ nhất lưu.
(Công đức để mãi đến ngày nay, không chỉ bó hẹp trong hai trăm năm đời nhà Trần. Sau nghìn đời, công luận đã định, ông đáng liệt vào bậc thứ nhất dưới trời Nam). (**)
Ông mất tháng Giêng năm Giáp Tý (1264), thọ 71 tuổi. Lê Quý Đôn chép trong Kiến văn tiểu lục: "Trần Thủ Độ sau khi chết, chôn ở địa phận xã Phù Ngự, huỵện Ngự Thiên, nơi để mả có hồ đá, dơi đá, chim đá và bình phong bằng đá, chỗ đất ấy rộng đến hai mẫu, cây cối um tùm.
(Nguồn: Trần Quốc Vượng)

(*) Các đoạn trích dẫn không ghi dấu đều lấy ở sách Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1967, Tập I-II.

(**) Theo tài liệu của cụ Hoa Bằng lưu tại Viện sử học.

 

Đăng ngày 02 tháng 01.2016