KẺ ĐI TÌM LẼ ĐẠO


Đỗ Bình

Từ thuở hồng hoang, những sinh vật sống trên trái đất muôn vẻ, muôn màu, trong quá trình sống rất khác nhau nhưng lại giống nhau ở chỗ sinh và tử. Con người khác loài cầm thú là biết suy tưởng, nhưng để hiểu và thông đạt đến độ thâm sâu về tư tưởng quả rất khó, tùy theo trình độ nhận thức của mỗi người. Con người sống ở trên đời vẫn thuận theo thiên nhiên, dựa vào đó để tìm chân lý hay tạo ra những phương châm sống. Lẽ Đạo hiểu theo thông thường là con đường hợp đạo lý mà xã hội thừa nhận dẫn con người đến chỗ tốt đẹp, cái thiện. Luận về Tính Thiện hàng ngàn năm trước người xưa đã nói :
«Trắc ẩn chi tâm, nhân giai nhữu chi ;
Tu ố chi tâm, nhân giai hữu chi.
Cung kính chi tâm, nhân giai nhữu chi ;
Thị phi chi tâm, nhân giai hữu chi.
Trắc ẩn chi tâm nhân giã,
Tu ố chi tâm, nghĩa giả ;
Cung kính chi tâm, lễ giã ;
Thị phi chi tâm, tú ngã.
Nhân, lễ, nghiã, tú phi do ngoại thước ngã giã :
Ngã cố hữu chi giã ;
Ngã cố hữu chi giã, phất tư nhi hỷ. »
(Lòng trắc ẩn mọi người đều có ; lòng hổ thẹn mọi người đều có ; lòng cung kính ai cũng có ; lòng phải trái ai cũng có. Lòng trắc ẩn đó là nhân ; lòng hổ thẹn đó là nghĩa ; lòng cung kính đó là lễ, lòng phải trái đó là trí. Nhân, nghiã, lễ, trí chẳng phải từ bêen ngoài mà đến với mình ; tất cả đều có sẵn trong tính cách mình, tại mình chẳng nghĩ đến đấy thôi.)
Mạnh Tử

Từ khi con người xuất hiện trên trái đất làm phong phú về ý nghĩa của sự sống. Trong số hàng tỉ người, có một số người được gọi là nghệ sĩ, họ có giác quan đặc biệt, rất bén nhạy, mỗi người mỗi đam mê sáng tạo, mục đích là phụng sự những điều tốt đẹp cho đời. Họ thích theo đuổi và thực hiện những quan niệm suy tư của mình, cho dù người đời có lắm lúc chưa hiểu nên chê bai, thì họ vẫn cứ miệt mài trong đam mê.
Trong đời tôi đã may mắn từng gặp và đọc sách của Thiền sư Nhất Hạnh, Thi sĩ Bùi Giáng, Triết gia Phạm Công Thiện, Họa sĩ Hiếu Đệ, Họa sĩ Vĩnh Ấn… Họ là những người đặc biệt và viết những điều mà cho đến hôm nay tôi vẫn chưa hiểu hết! Nhà văn Nguyễn Thùy cũng nằm trong số người đặc biệt ấy. Có lẽ tôi và Thi sĩ Phương Hà ở Bruxelles là hai người bạn thân nhất của anh ở Âu Châu.

Nguyễn Thùy sinh 1936 tại Huế, quê nội Quảng Nam. Trước năm 1975 sống bằng nghề dạy học, mở trường tư. Là tác giả nhiều thể loại : Thơ ,Truyện, Tiểu Luận , Biên Khảo, Phê Bình. Đã xuất bản trên 20 đầu sách.
Nguyễn Thùy, dáng người nhỏ bé, tính tình hiền hòa, giản dị thêm có óc khôi hài nhìn cuộc đời dửng dưng bất cần, duy chỉ có chữ tín và sự ngay thẳng là còn tồn tại. Nguyễn Thùy có thói quen hút thuốc liên tục, bằng hữu lo sợ sẽ có hại đến sức khỏe của anh nên khuyên anh bớt hút. Anh nói : «Đời còn một chút vui qua khói thuốc trong lúc viết lách mà bảo đừng hút thì thà chết sướng hơn !» Nhà văn Nguyễn Thùy có tài hùng biện, thích tranh luận những chủ đề liên quan đến văn học nghệ thuật và chính trị. Điểm đặc biệt mỗi lần nổi hứng là anh đọc thơ, ngồi đâu cũng đọc, anh thích đọc những bài trường thi của mình, đọc một cách say sưa không vấp suốt nhiều tiếng mà không thấy mệt! Các bạn văn nghệ ở phương xa đến Paris sinh hoạt có dịp gặp Nguyễn Thùy chăc hẳn đã thưởng thức thú đọc thơ của anh? nhà văn Nguyễn Thùy thiên về mặt tư tưởng, nhưng không mấy khi nói về tư tưởng với ai. Anh thường chỉ đọc thơ, nói chuyện phiếm và bông đùa. Tôi có đọc một số trang anh viết về Phật giáo, Ki-Tô giáo, cảm thấy đôi điều thâm sâu, là lạ nhưng không để ý nhiều vì tôi thường chú trọng về thơ, nhạc, hội họa cùng một số đề tài văn chương, nghệ thuật. Ðọc Nguyễn Thùy, cần phải trầm tư, suy nghiệm chứ không thể lướt qua theo lối suy nghĩ, lý luận, biện bác thông thường. Do cái Lẽ Ðạo mà anh đang chú tâm khai triển nên những bài viết của anh thường có nhiều ý kiến sâu sắc...Những ai chịu sống về mặt tư tưởng, kể ra không lắm người.
Thuở còn đi học anh theo ban Triết tại Chasseloup Laubat, sau này Nguyễn Thùy lại thích đọc sách của triết gia M.Heidegger, do đó anh bị ảnh hưởng rất nhiều tư tưởng của M.Heidegger và thi sĩ Bùi Giáng, từ phong cách sống, lối suy tưởng đến văn học nghệ thuật.
Tôi nói với nhà văn Nguyễn Thùy:
«Nhiều lúc thấy anh như người cõi trên, anh có sợ những điều mình viết ra người đời không hiểu mà cho là bất thường không?»
Nguyễn Thùy:«Ai hiểu thì hiểu, không hiểu cũng không sao! Tôi viết cho tôi!».
Tôi hỏi : «Nguyên nhân nào khiến anh từ một người cầm phấn đứng trên bục giảng lại quay sang cầm bút viết văn? »
Anh kể: « Có lần đến nhà một người bạn, tình cờ thi sĩ Bùi Giáng cũng ghé qua chơi thấy tôi đang nói về Kiều, thi sĩ Bùi Giáng nạt to :“Chú mày khen Kiều như thế là chửi Nguyễn Du ! Chú mày phải xỉ vả Nguyễn Du, chê truyện Kiều dở ẹt thì Nguyễn Du ở dưới suối vàng sẽ sung sướng cười ha hả vì trên thế gian vẫn còn có người dám chê truyện Kiều, chứ đằng này chú mày khen truyện Kiều quá mà chẳng hiểu gì hết, thì làm sao Nguyễn Du không đau lòng mà khóc! Bị Bùi Giáng chê dốt mặt tôi nóng lên vì bị tự ái, nhưng tình cảm của chúng tôi vẫn gắn bó cho đến ngày tôi đi Pháp. Trong suốt những năm dài câu mắng của Bùi Giáng vẫn ám ảnh, tôi bỏ thì giờ nghiên cứu về truyện Kiều và các loại sách tư tưởng của Việt Nam và ngoại quốc, nhờ đọc nhiều tôi mới khám phá lời chê đó là đúng, tôi đã không hiểu được cái tinh hoa tư tưởng trong truyện Kiều! Nhờ thế sau này tôi mới viết được cuốn sách 443 trang :Đoạn Trường Tân Thanh Tiếng Vui Trong Lời Buồn, và một loạt sách về tư tưởng. Như thế là phải cảm ơn người bạn người anh Bùi Giáng».

Nói đến thi sĩ Bùi Giáng tôi chợt nhớ đến chuyện năm xưa sau năm 1975 tôi ở tù CS ra đang ngồi cà fê cóc lề đường Trương Minh Giảng đối diện với viện đại học Vạn Hạnh cũ nhâm nhi ly cà fê nghĩ sự đời, để đợi người thân dạy học một trường gần đấy. Bỗng tôi thấy thi sĩ Bùi Giáng quần áo tả tơi nhiều mảnh vá, mồm la hét, tay cầm cây gậy đang múa máy như người điên. Tôi vội chạy ra gọi: «Ông thày nhớ em không? Em mời thày uống cà fê». Dù tôi không phải là học trò của ông nhưng thuở còn đi học tôi thỉnh thoảng đi với anh An Tiêm tức nhà thơ Thanh Tuệ Trương Phú gặp Bùi Giáng và nghe ông đọc thơ. Bùi Giáng nhìn tôi nheo mắt, nhún vai nói : «Không tiền!» Tôi liền kéo tay mời thi sĩ vào ngồi, ông ngồi xổm bỏ hai chân lên ghế và gọi ly cà fê không đường. Trong lúc uống tôi hỏi ông: «Sao thày la hét lớn quá người ta tưởng mình điên?!» Ông uống một hớp hết ly cà fê và đứng dậy, trả lời tôi :«Trong cái xã hội này còn ai tỉnh mà dám bảo tôi điên!»  Nói xong ông cười khì, giơ tay chào tôi rồi quay phắt đi vừa la hét vừa múa gậy.

Tôi hỏi Nguyễn Thùy :«Sau năm 1975 anh còn gặp thi sĩ Bùi Giáng không?»
Nguyễn Thùy: «Anh Bùi Giáng lúc điên lúc tỉnh, anh đến sống với tôi có khi cả tháng, có khi đôi ngày, có khi kéo dài mấy tháng, anh thích thì đến, không thích lại bỏ đi, rồi trở lại nhiều lần cho đến ngày tôi đi Pháp. Những năm 1975-1979, tôi sống trong tuyệt vọng. Nghèo, đói, cô dơn, tương lai mù mịt, lại bệnh tật liên miên, tôi trông sao được chết sớm vì thấy sống vô vị và quá khổ. Thêm vào thấy đất nước tang thương, người người điêu đứng vì cảnh 'đổi đời' kỳ quặc, tôi không còn thiết sống! Bao nhiêu thuốc men của vợ con ở Paris gởi về để chữa bệnh, tôi đem bán hết để mua thuốc lá, từng gói những 50 điếu không biết vấn bằng lá gì, hút liên miên, mỗi ngày uống cả ba, bốn ly cà-phê nơi các quán lề đường. May sao, học sinh thương tôi và phụ huynh chúng cũng mến tôi nên thường mời tôi về nhà dùng cơm. Có thể nói, suốt 13 năm dưới chế độ CS từ 1975 đến 1988, tôi sống được là do học sinh và phụ huynh chúng nuôi cơm!»

Tôi hỏi:«Anh sống khó khăn như thế lấy gì cho Bùi Giáng ăn?»
Nguyễn Thùy: «Ồ, khỏi lo cho anh ấy! Anh ấy đến bất chợt, nhiều khi ghé ngang rồi đi. Bùi Giáng không thiết gì ăn uống. Ðược bao bà ở chợ cho gói xôi hay đôi trái chuối, anh không ăn mà đem chia cho bọn trẻ lúc chúng đến chọc phá anh. Có khi anh bỏ vào cái bọc 'cái bang' rồi quên lửng, đến tôi mới mở ra thì đã hôi thiu, nhão nhoét, anh vẫn ăn và tôi ép bụng nhâm nhi chút ít cho anh vui. Anh gọi đấy là của Quan Âm Bồ Tát cho anh. Anh Giáng chẳng giảng cho tôi về Kiều, về Heidegger, về Phật, Chúa. Anh chỉ đọc thơ từ thơ Nguyễn Du đến Tô Ðông Pha rồi thơ tiếng Pháp, thơ tiếng Anh, thơ tiếng Hán. Tôi chẳng hiểu gì cả, ngày ấy tôi ngu lắm. Tôi bảo anh cứ nói thế, làm sao tôi hiểu? Anh bảo là 'thì mày đập đầu vào đá để hiểu'. Sau nầy,tôi nghiệm ra anh muốn dạy tôi theo lối 'giáo ngoại biệt truyền', 'tâm truyền tâm'. Lúc anh không vào cơn điên, anh nằm dài chẳng buồn nói gì cả. Suốt một tháng nằm hầu như tê liệt tại chùa Long Vân Gò Vấp, anh chẳng ăn uống, tắm rửa gì. Các Thầy trong chùa chăm sóc anh, anh xua tay không chịu. Tôi đến thăm, anh chỉ ậm ờ, không cho tôi nhắc đến thơ anh, đến truyện Kiều, M. Heidegger,... Sau đó, anh vào cơn điên, đi lang thang bụi đời, ghé chùa Theravada, rồi đến nhà tôi. Anh hỏi đủ điều nào về Phật, Khổng, Jésus, Nietzche, Heidegger. Tôi trả lời rồi bỗng nhiên anh ôm chầm lấy tôi, bảo: Trước tao tưởng chỉ có tao vào đại hải. Bây giờ chú mầy cũng vào được đại hải. Bây giờ chú mầy cứ trích thơ tao, thơ Nguyễn Du, trích lời Phật, lời Khổng, lời Chúa... rồi giảng thế nào cũng được, giảng sai đến mấy cũng thành đúng. Trước đây thì không được". Trong 'Ngụ ngôn-Trùng ngôn' tôi có nhắc lại chuyện 'đập đầu vào đá' và 'vào đại hải' lúc nói về cuộc gặp gỡ thi hào Pháp N. Boileau (bài: 'Con phải lên án ta, mới đúng chứ?') và cuộc đối thoại giữa người họ Mặc với người của Mạnh Tử (bài 'Cái học nào cao hơn?')».

Tôi hỏi : «Anh bắt đầu viết văn làm thơ từ lúc nào?»
Nguyễn Thùy chớp đôi mắt lờ đờ nhìn ra cửa sổ, trả lời: «Sau năm 1975, do nỗi buồn đất nước và sự cô đơn đã tạo cảm hứng cho tôi làm thơ và viết văn. Tị nạn qua Pháp năm 1989, tôi tiếp tục viết biên khảo, làm thơ, viết văn và đoạt được một số giải thưởng thơ ở Mỹ và Canada. Tôi nhớ lúc còn ở quê nhà tôi rất tuyệt vọng nhưng chẳng lẽ tôi cứ rầu rĩ, tuyệt vọng mãi sao, tôi nhớ ngày còn học Triết tại Chasseloup Laubat, có đọc qua Auguste Comte, nghĩ rằng ba trạng thái tư tưởng 'thần linh, siêu hình, thực nghiệm' không đủ giải quyết được nhân sinh càng ngày càng nhầy nhụa. Tôi nghĩ phải có một thứ tư tưởng thứ tư nào khác; tôi bắt đầu khởi thảo 'một tư tưởng mới' cho nhân loại. Viết được 30 trang thì bế tắc. May sao 'Phước cho kẻ buồn thảm vì sẽ được an ủi',mùa Phục Sinh 1979, tôi đành chiều lòng một cô gái, cùng cô đến dự buổi lễ tại Hội Thánh An Ðông và được Mục Sư Cương cho một quyển Tân Ước lớn chừng bàn tay. Về nhà, đọc qua, chẳng thấy hứng thú gì nên vứt qua bên. Tình cờ mở lại quyển 'Dư Vang Nghệ Thuật' của người bạn Trần Nhựt Tân (cao học Triết), thấy bài dân ca 'Ðố ai nằm ngủ không mơ', tôi thử giảng bài dân ca nầy xem. Lạ lùng sao, tôi viết không cần suy nghĩ, ngọn bút như được đâu đâu dẫn dắt. Ðọc thấy thú vị và thấy sao thoảng thoảng sắc mùi tôn giáo. Tôi bèn đọc lại quyển Tân Uớc, bỗng nhiên nhận ra những gì sâu xa rồi bao nhiêu lời Phật đã được đọc qua sách báo trước đây bỗng hiện về với tôi. Tôi vụt nhận ra cái 'tư tuởng thứ tư' cho nhân loại đã được Phật Chúa nói rồi. Từ đó, tôi trầm ngâm nghĩ đến lời hai Ngài tuy chẳng có tài liệu, kinh điển nào cả. Sau khi viết một số bài giảng luận ca dao, dân ca, và làm thơ, tôi bỗng nhiên viết đôi 'Ngụ ngôn-Trùng ngôn' và hoàn thành quyển 'Tinh Thần VN', tôi phác họa đề mục một quyển khác với nhan đề 'Nhân Loại Mới: Từ Nhất Thể Khởi nguyên đến Nhất Thể hồi phục'. Dĩ nhiên, tôi chẳng có kiến thức nào nhưng hầu như được một 'nguồn sáng' nào dẫn dắt ngòi bút, viết liên miên, không suy nghĩ gì cả và hoàn thành xong vào dịp Noel 1979. Tưởng rằng viết liên miên, không ngủ,hút thuốc và cà-phê như thế, tôi sẽ 'ra đi' dễ dàng, bất ngờ. Nhưng lạ lùng là tôi vẫn khỏe và bao nhiêu chứng bệnh ngỡ rằng không thể hết, bỗng nhiên từ giả tôi và tôi luôn sức khỏe tốt mãi đến nay, chẳng phải dùng một thứ thuốc men nào. Viết những bài 'Ngụ ngôn-Trùng ngôn', tôi hầu như thấy bao thánh nhân xưa Phật, Chúa, Lão Tử, Trang Chu, Khổng Tử, Thánh Ghandi, cả Nguyễn Du, M. Heidegger nhu lúc ào cũng ở bên tôi để tôi được an ủi, được tâm sự và được nghe các Ngài giảng giải cho tôi được hiểu lời các Ngài. Cứ thế, tôi tiếp tục những năm sau hoàn thành tập 'Ngụ Ngôn-Trùng Ngôn', 'Giảng luận Ca dao Dân ca', 'Ðoạn Trường Tân Thanh: Tiếng Vui trong Lời Buồn', VN tâm huyết sử diễn ca', và thơ cũng tuôn trào lai láng...Sang Pháp, phải đi làm mệt mỏi nhưng tiếp tục viết theo cái hứng khởi đã có. Ngoài đôi tác phẩm giới thiệu, nhận xét thơ ca, văn học, tôi gắng hoàn thanh quyển 'Hành Trình vào Nhất Thể' (hay: 'Tôi hiểu Chúa, Tôi hiểu Phật'). và loay hoay cố hoàn thành quyển 'Lẽ Ðạo và Tiến hóa' , bổ sung và sắp xếp lại nhũng gì đã viết nơi các quyển sách trước. Nhưng càng viết càng thấy khó. Trong quyển nầy, tôi viết theo suy tư độc lập của mình về chính ngay lời Phật, lời Chúa, không hề mượn lời của ai, của sách báo nào từng đề cao hay phản bác Phật giáo và Ki-Tô giáo. Quyển nầy nếu được in ra sẽ gặp bao phản đối của giới tu sĩ cùng bao nhà Phật học, Ki-Tô học lâu nay vì họ sẽ nghĩ rằng tôi 'táo tợn', không biết lượng sức mình, dám bài bác mọi luận giảng lâu nay, kể cả một số điều trong Kinh điển của hai Tôn giáo. Nhưng tôi tin rằng nếu được dịch sang tiếnh Anh, tiếng Pháp, quyển sách có thể đem lại cho giới trí thức nước ngoài hiểu rõ hơn lời Phật, lời Chúa.

Tôi hỏi : «Anh có thể nói rõ hơn về cuốn sách?»
Nguyễn Thùy: «Nội dung quyển sách nhằm vào bốn điểm sau đây:

-Giải thích và chứng minh điều Ðạo học Ðông phương đã bảo: Vạn vật đồng nhất thể' và 'Tất cả khởi đi từ Một để lại trở về trong Một',
- Giải thích và chúng minh lời Phật:'Vạn hữu bản lai đồng' và 'Một là tất cả, Tất cả là Một' (Nhất tức Nhất Thiết, Nhất thiết tức Nhất).
- Giải thích và chứng minh lời Chúa Jésus: 'Ta là đầu và là rốt, Ta là alpha và Oméga' và 'Ta làm mới lại hết thảy muôn vật'.
- Giải thích và chứng minh diễn tiến sinh hóa của nhân sinh về mọi mặt (hình thái xã hội, chính trị, kinh tế, khoa học, triết học, văn học, nghệ thuật...) qua vận hành của Lẽ Ðạo và 'hình dung cảnh sống của con người và của chủng loại người trong mai hậu'»

Tôi hỏi : « Anh hiểu sao về Lẽ đạo?»
Nguyễn Thùy : «Theo tôi: Lẽ Ðạo không là một ý thức hệ, một chủ thuyết, chủ nghĩa, một thứ kinh kệ tôn giáo, một lý thuyết triết học, khoa học, cũng không là một phương pháp, một hệ thống suy tư logic về bất kỳ vấn đề nào. Lẽ Ðạo không nhằm giải quyết bất kỳ vấn đề gì của nhân sinh. Lẽ Ðạo chỉ nói lên cái Tất Ðịnh của diễn tiến nhân sinh và vạn hữu, chỉ vạch ra con đường tiến hóa là như thế, cho thấy nơi sẽ đến, sẽ về của từng chủng loại suốt dòng sinh hóa hóa sinh của mình dẫn về thời điểm 'Ðoạn trường sổ rút tên ra'. Nơi sẽ đến, sẽ về của lịch sử từng chủng loại-của nhân sinh nói riêng - là cảnh đời thường hằng an lạc, hạnh phúc qua bao đổi dời bình diện trong oan khiên, nghiệt ngã qua quá trình phát triển của mình, miễn là không tự mìnhh thoái hóa, tự hủy hoặc bị tiêu diệt. Chính Lẽ Ðạo định ra dòng tiến hóa của nhân sinh để sau bao khổ đau, trầm luân, đổ nát sẽ không còn hãi sợ cái chết, chiến thắng cái chết trong vòng 'sinh tử luân hồi' để đạt được Sự Sống đời đời. Lẽ Ðạo vừa là nguyên lý tiên thiên (Ðạo Thể) sinh thành vạn hữu (thuyết Tạo dựng hay Sáng tạo) vừa là con đường tiến hóa (thuyết Tiến hóa) đưa dẫn lịch sử nhân sình hội nhập vào Ðạo Thể, thay đổi hẳn dạng Hiện hữu và dạng Tồn tại hiện nay để mãi sống trong một thứ Không gian vô sở tại và một thứ Thời gian vô sở trụ. Tôi đã hiểu lời Phật, lời Chúa như thế, có khác với mọi luận giải lâu nay».

Tôi hỏi anh: «Thế gọi anh như thế nào mới đúng, nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo, nhà phê bình?»
Nguyễn Thùy: «Mấy năm gần đây tôi đã ngưng hẳn làm thơ vì nghĩ rằng có làm cũng không hay hơn trước, mà còn làm thất vọng những người đã từng ái mộ thơ mình. Do đó tôi không dám nhận mình là nhà thơ, mà chỉ là người nghiên cứu văn học, viết khảo luận phê bình».

Dù tuổi đời đã cao nhưng nhà văn Nguyễn Thùy vẫn còn cảm hứng, năng lực dồi dào nên viết rất nhiều. Anh có lối sống triết chứ không phải triết gia ; mặc dầu anh khá chuyên về tư tưởng. Anh bị ảnh hưởng quá nhiều của Bùi Giáng và triết gia M. Heidegger, cứ như thế sợ anh không bước ra khỏi cái bóng của họ! Có lẽ vì biết thế, nhà văn Nguyễn Thùy đã viết nhiều hơn, cố đưa ra những điều khám phá mới về tư tưởng, tôn giáo nhưng anh vẫn loay hoay đi tìm lẽ đạo cho riêng mình, vì người đời cũng chưa thật hiểu anh!

Đỗ Bình

 

 

Đăng ngày 31 tháng 10.2015